NHỮNG QUẬN CHÚA NỔI LOẠN
NQCNL : 27
Hôm sau ngày nhập thành Bordeaux của quận chúa phu nhân, một bữa tiệc linh đình được tổ chức ở đảo Saint-Georges, Canolles đã cho mời các vị sĩ quan cao cấp của quân đội trú phòng và các vị tổng đốc khác trong vùng.
Đến hai giờ trưa, giờ được chỉ định để khởi sự bữa tiệc chung quanh Canolles có đến một tá anh quý tộc mà phần lớn chàng mới gặp lần đầu tiên, đang kể lại sự kiện lớn của ngày hôm qua, cợt nhả khi nói đến các bà đi cùng với vị quận chúa phu nhân, và trông họ chẳng giống chút gì với những kẻ đang chuẩn bị giáp chiến, những kẻ đang nắm trong tay vận mệnh của cả một đất nước.
Canolles rạng rỡ, Canolles huy hoàng trong bộ y phục vàng chói còn làm tăng thêm cuộc vui đó bởi chính câu chuyện của mình. Tiệc sắp được dọn lên.
– Thưa các ngài! – Chàng nói – Xin các ngài thứ lỗi cho, chúng ta còn thiếu một thực khách.
– Ai vậy? – Vài người lên tiếng hỏi, đưa mắt nhìn nhau.
– Tổng đốc thành Vayres, mà tôi có viết thư mời, dù tôi chưa được quen biết, mà cũng không quen biết nên có quyền được chúng ta lưu tâm đến. Bởi vậy tôi xin các bạn cho tôi được hoãn lại nửa giờ.
– Tổng đốc thành Vayres! – Một vị sĩ quan già lên tiếng, vốn đã quen với tính chính xác trong quân đội nên việc trễ nãi này đã khiến ông phải thở dài – Tổng đốc thành Vayres à! Khoan đã, nếu tôi không lầm thì đó là hầu tước De Barray, nhưng ông ta không trực tiếp cai quản, ông ta có một người trung úy.
– Nếu vậy – Canolles nói – ông ta sẽ không đến, hoặc là viên trung úy sẽ đến. Còn ông ta có lẽ đang có mặt tại triều đình để xin đặc ân.
– Nhưng, nam tước à! – Một người trong đám nói – Hình như đâu cần phải triều đình để tiến thân, tôi biết có một vị chỉ huy thuộc chỗ quen biết với ông không có gì gì phải phàn nàn. Trong vòng ba tháng, đại úy lên trung tá, tổng đốc đảoSaint-Georges! Một con đường rất nhẹ nhàng, phải công nhận như vậy.
– Tôi cũng công nhận điều đó. – Canolles đỏ mặt nói – Và vì không phải gán cho những đặc ân đó những nguyên do nào nên tôi cho rằng gia đình tôi đã được một vị thần hộ mệnh nào đó phù trợ.
– Chúng tôi đều biết vị thần hộ mệnh của ngài tổng đốc. – Viên trung úy đã đưa Canolles vào thành lên tiếng – Đó là công trạng của ngài.
– Tôi không phản đối công trạng, trái lại là đằng khác – Một viên sĩ quan khác đáp lời – là người đầu tiên công nhận nó. Nhưng tôi sẽ thêm vào công trạng này sự gởi gấm của một vị phu nhân, người thông minh nhất, tốt bụng nhất, đáng yêu nhất nước Pháp, dĩ nhiên là sau hoàng hậu.
– Bá tước thân mến, xin đừng nghĩ lầm như vậy. – Canolles mỉm cười và nói với người vừa lên tiếng – Nếu bạn có bí mật của riêng mình, thì giữ lấy cho riêng mình, còn nếu là bí mật của bè bạn, thì xin giữ kín giùm họ.
– Tôi xin thú nhận rằng – Một viên sĩ quan khác nói – khi nghe nói đến trễ hẹn, tôi đã tưởng chúng ta được yêu cầu lượng thứ cho một bóng hồng nào đó. Bây giờ thì tôi thấy rõ là mình đã lầm.
– Thế sẽ không có người đẹp nào dự tiệc cùng với chúng ta sao? – Một người khác hỏi.
– Chà! Ngoại trừ tôi cho mời phu nhân quận chúa cùng đoàn tùy tùng của bà ta thì tôi không hiểu chúng ta sẽ kiếm đâu ra những người đẹp đây, vả lại xin các ngài đừng quên cho, đây là bữa tiệc quan trọng, nếu chúng ta muốn bàn đến công việc, thì ít ra chúng ta cũng chỉ làm phiền chúng ta thôi.
– Phải lắm, thưa chỉ huy, dù rằng, nói cho đúng, nếu chúng ta không cẩn thận, thì các bà hiện tại đang tiến hành một cuộc viễn chinh thật sự chống lại chúng ta, y như lời ngài hồng y đã nói với Don Louis De Haro ngay trước mặt tôi.
– Ông ấy đã nói sao? – Canolles hỏi.
– “Các ngài thật là sung sướng. Các phụ nữ Tây Ban Nha chỉ lo nghĩ đến tiền bạc, làm dáng, và các người tình trong khi đó phụ nữ ở nước Pháp vào giờ này sẽ không bắt bồ với một người nếu chưa thử tài hắn về vấn đề chính trị, đến nỗi…” ngài nói tiếp với vẻ tuyệt vọng “các cuộc hẹn hò bây giờ là chỉ để bàn bạc một cách nghiêm túc về các vấn đề chính trị”.
– Bởi vậy – Canolles nói – cuộc chiến hiện tại của chúng ta được gọi là cuộc chiến giữa các vị phu nhân, thật khá thú vị!
Ngay khi ấy, vì nửa giờ hoãn lại của Canolles đã trôi qua, cửa mở ra và một tên người hầu bước vào báo rằng bàn ăn đã được dọn.
Canolles mời các thực khách cùng đi theo mình, họ vừa sắp sửa bước đi thì một câu thông báo khác lại vang lên ngoài tiền sảnh:
– Ngài tổng đốc thành Vayres!
– À! À! – Canolles nói – Ông ta thật là đáng mến.
Và chàng bước tới để đón tiếp vị đồng nghiệp chưa quen biết. Nhưng lùi ngay lại vì ngạc nhiên.
– Richon! – Chàng kêu lên – Richon, tổng đốc thành Vayres!
– Chính tôi đây, nam tước thân mến. – Richon đáp lời, vẫn giữ vẻ nghiêm nghị cố hữu của ông ta mặc dù rất nhã nhặn.
– Thế thì rất tốt, một ngàn lần rất tốt! – Canolles nói, vừa thân mật xiết tay Richon – Thưa ngài – Chàng nói tiếp – các ngài không biết ông đây, nhưng tôi có quen biết, và tôi tiếp xin nói thẳng rằng không thể nào giao một chức vụ quan trọng cho một người đứng đắn hơn.
Richon nhìn quanh với ánh mắt kiêu hãnh của một con diều hâu đang lắng nghe, và chỉ thấy quanh mình những ánh nhìn kinh ngạc nhẹ nhàng xen lẫn thán phục.
– Nam tước thân mến – Ông ta nói – anh đã thẳng thắn đảm bảo cho tôi rồi, vậy thì bây giờ xin anh hãy giới thiệu các ngài đây mà tôi chưa được hân hạnh quen biết.
Và Richon đưa mắt chỉ ba bốn nhà quý tộc mà ông hoàn toàn chưa biết mặt.
Thế là có một cuộc trao đổi xã giao mang tính cách vô cùng tao nhã và thân mật của những mối giao tế vào thời bấy giờ. Mười lăm phút sau, Richon đã là bạn của tất cả các chàng sĩ quan trẻ ấy, và có thể hỏi mượn ở mỗi người trong bọn họ thanh gươm hoặc túi tiền. Vật bảo chứng cho ông là lòng dũng cảm mà mọi người đều biết, danh tiếng không một vết nhơ cũng như phong cách tao nhã hiện rõ trong ánh mắt.
– Chà! Thưa các ngài – Viên chỉ huy thành Braunes nói – phải công nhận rằng, mặc dù là người của giáo hội, ngài De Mazarin khá hiểu biết về các vị võ tướng và đã chọn khá đúng người. Ông ta đánh hơi thấy chiến tranh nên đã chọn các vị tổng đốc: Ở đây là Canolles, ở Vayres là Richon.
– Sẽ có chiến tranh ư? – Richon hờ hững hỏi.
– Sẽ có chiến tranh. – Một chàng trai trẻ từ triều đình đến thẳng đây đáp lời – Ông Richon, ông hỏi là sẽ có chiến tranh hay không à?
– Vâng.
– Còn tôi, tôi sẽ hỏi ông tình trạng của các pháo đài nơi ông như thế nào rồi?
– Cũng khá mới, anh bạn à, bởi vì từ ba ngày nay, khi vừa đến đây tôi đã cho sửa chữa nhiều hơn là người ta làm trong ba năm qua.
– Rồi chúng ta sẽ được dùng đến thôi, thưa ông. – Chàng trai trẻ nói.
– Càng tốt. – Richon nói – Những võ tướng như chúng ta thì còn đòi hỏi gì hơn chứ, chiến tranh?
– Tốt lắm! – Canolles nói – Bây giờ thì đức vua có thể an tâm mà ngủ yên rồi, bởi vì ngài kiềm chế được dân thành Bordeaux với hai con sông.
– Vấn đề là – Richon nói – kẻ đã đặt tôi ở đấy có thể tin tưởng nơi tôi.
– Mà thưa ông, hồi nãy ông vừa nói là đến Vayres được bao lâu rồi?
– Từ ba ngày nay, còn anh Canolles, anh đến Saint Georges bao giờ vậy?
– Được tám ngày rồi. Người ta có đón anh vào thành giống như tôi không, Richon? Ngày nhận thành của tôi vô cùng rực rỡ và nói cho đúng tôi cũng chưa cảm tạ đầy đủ các ngài đây, tôi đã có được những tiếng chuông này, những tiếng trống, những tiếng hoan nghênh, chỉ thiếu có tiếng súng thần công thôi, nhưng tôi được hứa là vài ngày nữa sẽ được nghe, như vậy cũng an ủi tôi ít nhiều.
– À! – Richon nói – Nếu vậy thì đây là sự khác biệt giữa hai chúng ta Canolles à, ngày nhận thành của anh rực rỡ bao nhiêu thì của tôi giản dị bấy nhiêu. Tôi được lệnh mang một trăm người vào thành, một trăm người của trung đoàn Turenne và tôi đang không biết sẽ mang họ vào cách nào thì giấy bổ nhiệm của tôi được gởi đến từ Saint Georges, có chữ ký của ngài D Epernon. Thế là tôi lên đường ngay, tôi trao tờ bổ nhiệm thư cho viên trung úy, và chẳng trống chẳng kèn gì cả, tôi làm chủ thành. Bây giờ thì tôi đang ở đấy.
Canolles thoạt đầu đã cười, cảm thấy qua giọng nói của những tiếng cuối cùng, tim mình se thắt lại bởi một linh cảm u tối.
– Thế anh cảm thấy thoải mái chứ? – Chàng hỏi Richon.
– Tôi sẽ thu xếp được như vậy. – Richon bình thản trả lời.
– Anh có bao nhiêu người tất cả?
– Trước hết là một trăm người của trung đoàn Turenne, những chiến sĩ lão thành của trận Rocroy, có thể tin tưởng hoàn toàn vào họ, thêm một đội quân mà tôi thành lập từ khi vào thành, mà tôi cũng đang huấn luyện dần dần, những người thường dân, những người trẻ tuổi, thợ thuyền, khoảng hai trăm người, và tôi cũng đang đợi một đoàn viện binh khoảng năm trăm người do một viên đại úy trong vùng chiêu mộ.
– Đại úy, Rambay à? – Một thực khách hỏi.
– Không, đại úy Cauvignac. – Richon trả lời.
– Tôi có biết. – Canolles nói.
– Một người trung thành với đức vua chứ?
– Tôi không dám quả quyết điều này. Thế nhưng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở để tin rằng đây là một người thân cận với ngài D Epernon, và khá trung thành với ngài công tước.
– Như vậy thì vấn đề đã rõ: Ai trung thành với ngài công tước tức là trung thành với đức vua.
– Đây là một tên liên lạc nào đó trong đội tiền quân của đức vua? – Viên sĩ quan già hỏi, ông này đang bù lại ở bàn ăn thời gian đã mất khi chờ đợi – Tôi có nghe nói như vậy.
– Đức hoàng thượng đã lên đường chưa nhỉ? – Richon hỏi với thái độ bình thản cố hữu của mình.
– Vào giờ này – Chàng trai trẻ đến từ triều đình trả lời – có lẽ ngài đã đến Paris.
– Anh bạn chắc chứ?
– Rất chắc. Đội quân sẽ được chỉ huy bởi thống chế De La Meilleraye, có lẽ sẽ hợp cùng với đội quân của ngài công tước D Epernon ở các vùng lân cận gần đây.
– Có lẽ ở Saint – Georges? – Canolles hỏi.
– Hoặc đúng hơn là ở Vayres. – Richon nói – Ngài De La Meilleraye từ vùng Bretagne đến, mà Vayres thì ở trên đường đi của ông ấy.
– Người nào chịu đựng sự đột kích của hai đội quân sẽ phải lo cho các pháo đài của mình. – Tổng đốc thành Braunes nói – Ngài De La Meilleraye có ba mươi khẩu thần công và ngài D Epernon có hai mươi lăm khẩu.
– Cảnh pháp bạo động sẽ đẹp đấy! – Canolles nói – Tiếc là chúng ta sẽ không được xem.
– À! Nếu như – Richon nói – một ai trong chúng ta theo về với các vị hoàng thân.
– Phải, nhưng với Canolles thì anh ta luôn luôn lấy làm chắc là sẽ được xem một cuộc đụng độ nào đó. Nếu anh ta theo về với các hoàng thân, thì anh ta sẽ được thấy ngài De La Meilleraye cùng ngài D Epernon khai hỏa, còn nếu anh ta vẫn trung thành với đức hoàng thượng thì anh ta sẽ được nghe tiếng súng của dân chúng thành Bordeaux.
– Chà! Về phần các đám này – Canolles nói – tôi không cho là dữ dằn đâu, và phải thú nhận là tôi khá hổ thẹn khi chỉ phải đụng độ với họ. Tiếc thay cả hồn xác tôi đều thuộc về đức vua, nên tôi đành phải tạm hài lòng với một trận chiến tầm thường như vậy.
– Họ sẽ khai hỏa với anh mà, cứ yên chí. – Richon nói.
– Anh cho rằng như vậy à? – Canolles hỏi.
– Còn hơn thế nữa, tôi đã biết chắc. – Richon trả lời.
Câu chuyện vừa đến đó và bữa ăn đã đến phần tráng miệng thì bỗng dưng ngoài cổng thành vang lên những tiếng trống.
– Có chuyện gì vậy? – Canolles hỏi.
– Ôi! Quỷ thật! – Chàng sĩ quan trẻ vừa cho biết tin tức về triều đình kêu lên – Canolles thân mến, nếu anh bị tấn công vào lúc này thì cũng kỳ lạ thật, một cuộc vây hãm và cổng thành sẽ là một món tráng miệng khá thú vị.
– Quỷ tha ta đi! Có vẻ đúng như vậy. – Viên chỉ huy già nói – Những tên dân giả khốn kiếp đó chẳng làm gì khác hơn là quấy rầy chúng ta vào những bữa ăn. Hồi tôi còn đóng ở ngoài đồn Charrenton vào thời chiến trận ở Paris, chúng tôi không bao giờ có thể ăn một bữa trưa hay một bữa tối cho ra hồn cả.
Canolles rung chuông, tên lính hầu nơi tiền phòng bước vào.
– Có chuyện gì vậy? – Chàng hỏi.
– Thưa ngài tổng đốc, tôi cũng chưa biết nữa. Hình như đó là một tên liên lạc viên của triều đình hay của thành phố gì đó.
– Hãy đi hỏi và cho ta biết câu trả lời.
Tên lính chạy ra.
– Thưa các ngài, chúng ta hãy ngồi lại vào bàn thôi. – Canolles nói, vì các thực khách phần đông đã đứng lên – Chúng ta hãy còn kịp thời giờ để rời bàn ăn khi nghe tiếng súng thần công đầu tiên.
Tất cả các thực khách đều cười và ngồi xuống. Chỉ có Richon, trên gương mặt như có đám mây thoáng qua, vẫn tỏ ra lo âu, mắt nhìn đăm đăm về phía cửa, chờ đợi tên lính quay lại. Nhưng thay vì tên lính, lại một viên sĩ quan đến trình diện trước cửa, gươm tuốt trần, miệng nói:
– Thưa ngài tổng đốc, có một vị sứ giả.
– Một vị sứ giả! – Canolles nói – Nhưng do ai gửi đến?
– Do các vị hoàng thân…
– Từ đâu đến đây?
– Từ Bordeaux.
– Từ Bordeaux! – Tất cả thực khách đều kêu lên, ngoại trừ Richon.
– Ái chà! Thế là chiến tranh đã thực sự khai mào – Viên sĩ quan già nói – nên sứ giả mới được gởi đi!
Canolles suy nghĩ một hồi, và trong khi đó gương mặt chàng mười phút trước đây còn tươi cười, giờ đã mang một vẻ nghiêm nghị như tình thế đòi hỏi.
– Thưa các ngài – Chàng nói – nghĩa vụ là trên hết… Rất có thể là tôi sẽ cùng với vị sứ giả của thần dân Bordeaux một vấn đề nan giải. Tôi cũng chưa biết được chừng nào tôi mới được gặp lại các ngài…
– Không sao! Không sao! – Tất cả các thực khách đều kêu lên – Xin cứ để chúng tôi ra về, thưa ngài chỉ huy, điều gì đang đến với anh đã giúp chúng tôi hiểu là nên trở về vị trí của mình. Bởi vậy, việc chúng ta sẽ chia tay ngay bây giờ là rất quan trọng.
– Thưa các ngài, tôi không dám đề nghị với các ngài điều đó, nhưng bởi vì các ngài đã bày tỏ, tôi buộc phải công nhận rằng tốt hơn là cả hai là nên như vậy, và tôi chấp nhận… Hãy lo ngựa và xe cho các ngài đây! – Canolles bảo.
Gần như ngay lập tức, nhanh nhẹn trong mọi cử chỉ của mình cứ như họ đang ở ngoài chiến trận, các thực khách đã nhảy lên ngựa hoặc ngồi vào xe để lên đường về nơi trú ngụ của từng người cùng với đám tùy tùng.
Richon là người cuối cùng còn lại.
– Nam tước à – Ông ta nói với Canolles – tôi không muốn rời anh như những người kia đã làm, vì tôi quen biết với anh lâu hơn là anh quen biết với những người ấy. Bây giờ thì… chúng ta hãy chia tay nhau nhé. Chúc anh may mắn!
Canolles bắt tay Richon.
– Anh Richon – Chàng nói và nhìn ông ta đăm đăm – tôi biết tính anh, anh đang nghĩ tới một chuyện gì đó, anh không muốn nói với tôi bởi vì có thể đây là bí mật của người khác… Nhưng mà anh đang xúc động… Một người như anh mà lại xúc động thì có lẽ đây không phải là chuyện nhỏ nhặt…
– Chẳng phải là chúng ta sắp chia tay nhau đấy hay sao? – Richon nói.
– Hôm trước, khi chúng ta cũng chia tay nhau ở lữ quán Biscarros, anh vẫn bình thản kia mà.
Richon buồn bã mỉm cười.
– Nam tước – Ông ta nói – tôi có linh cảm là chúng ta sẽ không gặp nhau nữa!…
Canolles rùng mình, giọng nói của viên võ tướng bình thường quả quyết kia thế sao hôm nay lại buồn bã sâu sắc đến như vậy.
– Nếu chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa – Chàng nói – thì đó là do một trong hai chúng ta ngã xuống… Cái chết của kẻ anh dũng, và nếu vậy, ít ra kẻ nằm xuống cũng còn được biết chắc mình sẽ sống mãi trong tâm tưởng của một người bạn! Chúng ta hãy ôm hôn nhau. Richon, anh đã chúc tôi may mắn, còn tôi sẽ chúc lại anh can đảm!…
Hai người ôm choàng lấy nhau và hai con tim cao thượng của họ tựa vào nhau trong giây lát.
Khi họ rời nhau, Richon đưa tay chùi một giọt lệ, có lẽ là giọt lệ duy nhất đã làm mờ ánh mắt kiêu hãnh của ông rồi như sợ rằng Canolles sẽ thấy giọt lệ đó, ông ta chạy vội ra khỏi phòng, có lẽ là xấu hổ vì đã biểu lộ một dấu hiệu yếu đuối đến như vậy trước một người mà ông biết rõ lòng dũng cảm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.