NHỮNG QUẬN CHÚA NỔI LOẠN

NQCNL : 38



Trong khi đó, tiếng kêu, đức vua! Do tên lính gác thốt ra, nghe như một ý kiến hơn là một biểu hiện kính trọng vọng đến sân trong. Sau đó, một người hiện ra trên tường thành, và cả đội lính canh phòng đang xếp hàng chung quanh người đó.

Người này giơ cao gậy chỉ huy, liền khi ấy tiếng trống đổ dồn, các binh sĩ trong thành bồng súng chào, và một tiếng thần công nổ rền.

– Các người thấy chưa – Hoàng hậu nói – họ đã trở về với bổn phận, có hơi trễ nhưng không sao. Ta đi thôi.

– Xin lỗi, thưa hoàng hậu! – Viên thống chế nói – Nhưng tôi chẳng thấy họ mở cổng thành gì cả, và chúng ta làm sao đi qua được nếu cổng thành không mở?

– Có lẽ là kinh ngạc quá mà họ quên chăng, và có lẽ vì quá phấn khởi trước sự viếng thăm này mà họ không thể nào ngờ được, nên họ đã quên mất. – Một người cận thần nói.

– Những việc đó không thể quên được, thưa ông. – Viên thống chế trả lời.

Và quay về phía đức vua và hoàng hậu.

– Xin phép đức vua và hoàng hậu cho phép tôi được có ý kiến. – Ông ta nói tiếp.

– Ông muốn nói gì?

– Rằng xin hai vị nên lùi lại cách đây năm trăm bước cùng với đội cận vệ, còn tôi sẽ cùng đội ngự lâm quân và đoàn khinh kỵ binh đến trước thành xem sao.

Hoàng hậu chỉ trả lời bằng một tiếng:

– Tiến tới! Để xem bọn đó có dám cản đường chúng ta không.

Nhà vua trẻ thích thú thúc ngựa, và tiến lên hai mươi bước. Viên thống chế và Guitaut cùng vội theo ngài.

– Không qua được! – Tên lính canh từ nãy giờ vẫn không rời thái độ thù nghịch của mình, lên tiếng.

– Đức vua đây! – Mấy tên hầu la to.

– Lùi lại đằng sau! – Tên lính gác cũng la, kèm theo một cử chỉ đe dọa.

Đúng khi đó, ngay trên tường thành hiện ra nón và mũi súng của đám binh sĩ có nhiệm vụ canh giữ chiến hào.

Những tiếng thì thầm nổi lên sau mấy câu vừa rồi và sự xuất hiện của mấy tay súng. Ngài De La Meilleraye nắm lấy hàm ngựa của đức vua buộc phải quay lại, rồi bảo tên phu xe của hoàng hậu thụt lùi về phía sau. Thế là cả hai ngài rút lui cách đó một ngàn bước, còn đám tùy tùng thì chạy lộn xộn như đám chim sau tiếng súng đầu tiên.

Và thống chế De La Meilleraye, người chủ của tình thế, để lại năm mươi người để bảo vệ đức vua với hoàng hậu rồi ông cùng những người còn lại kéo đến trước chiến hào.

Khi còn cách khoảng năm mươi bước, người lính gác từ nãy giờ đã đi tới đi lui với dáng điệu tự tin, lại dừng lại.

– Guitaut, ông hãy lấy một cây kèn, cột một chiếc khăn tay trắng nơi đầu mũi gươm và đến bảo tên tổng đốc khốn kiếp kia ra hàng đi.

Guitaut vâng lời, trương ra những dấu hiệu hòa bình và tiến về phía chiến hào.

– Ai? – Lính gác la to.

– Sứ giả. – Guitaut trả lời, vừa ve vẩy thanh gươm với mảnh giẻ cột ở đầu.

– Cứ để cho y đến. – Người đàn ông đứng trên thành, có vẻ người chỉ huy nói.

Cổng mở, một cây cầu hạ xuống.

– Muốn gì? – Một người sĩ quan đứng nơi cổng hỏi.

– Nói chuyện với ngài tổng trấn.

– Ta đây! – Người đàn ông ban nãy nói.

Guitaut nhận thấy rằng người này trông xanh xao nhưng bình tĩnh và lịch sự.

– Ngài là tổng đốc thành Vayres? – Guitaut hỏi.

– Phải.

– Và ngài từ chối mở cổng thành đón tiếp đức vua cùng hoàng hậu nhiếp chính?

– Ta đành phải như vậy.

– Ngài đòi hỏi những điều kiện gì?

– Tự do cho các ngài hoàng thân, vì cảnh giam cầm của các ngài khiến cho đất nước này phải thiệt thòi và buồn khổ.

– Đức hoàng thượng không điều đình với thần dân của mình.

– Phải, chúng ta rất hiểu điều này, bởi vậy chúng ta sẵn sàng chết, biết rằng cái chết đó sẽ là để phục vụ đức hoàng thượng, mặc dầu bề ngoài chúng ta tỏ ra chống đối ngài.

– Được lắm. Guitaut nói – Đấy là tất cả những gì chúng tôi muốn biết.

Và sau khi chào viên tổng đốc một cái khá kiểu cách, ông trở lui.

Trên pháo đài không ai động đậy.

Guitaut đến bên viên thống chế báo cáo lại nhiệm vụ của mình.

– Năm mươi người – Viên thống chế nói vừa chỉ về ngôi làng Ison – hãy phi nhanh đến cái làng đằng kia và mang về đây tất cả các thang có thể tìm được.

Năm mươi người tuân lệnh, và vì ngôi làng không xa lắm nên chỉ một lát sau các thang đã đến nơi.

– Bây giờ, tất cả hãy xuống ngựa, phân nửa sẽ dùng súng dài để yểm trợ cuộc tấn công, nửa kia sẽ leo lên thành.

Những tiếng hò reo vui mừng đốn tiếp câu ra lệnh này. Những người lính cận vệ, ngự lâm và khinh kỵ binh vội xuống ngựa và nạp đạn vào súng.

Trong thời gian đó, năm mươi người kia đã trở về cùng với độ hai mươi cái thang.

Trong pháo đài tất cả vẫn yên tĩnh, lính gác vẫn đi ngang đi dọc, và ở hành lang trên vẫn thấy ló ra mũ lính cùng mũi súng.

Đội quân đức vua lên đường, do chính ngài thống chế chỉ huy, tất cả gồm độ bốn trăm người, phân nửa chuẩn bị leo lên thành, nửa kia sẽ yểm trở cho cuộc tấn công.

Đức vua, hoànghậu, cùng đám triều thần lo âu theo dõi từ đằng xa sự chuẩn bị. Ngay cả hoàng hậu dường như cũng mất đi sự tự tin của mình, để nhìn cho rõ, bà đã cho xe quay ngang, và như vậy, cả một bên xe đối diện với mặt thành.

Những kẻ tấn công vừa tiến được độ hai mươi bước thì người lính gác tiến đến gần tường thành và la to:

– Ai?

– Đừng trả lời – Ngài De La Meilleraye nói – chúng ta cứ tiến đến.

– Ai? – Lính gác lại la to lần thứ hai, vừa giơ súng lên.

– Ai? – Lính gác lập lại lần thứ ba, và đưa súng lên nhắm bắn.

– Bắn tên khốn đó! – Ngài De La Meilleraye hô.

Liền đó, một loạt tiếng súng nổi lên từ bên quân lính của nhà vua, người lính gác bị trúng đạn, buông rơi cây súng và ngã xuống, vừa la to:

– Báo động!

Một tiếng thần công đáp lại sự mở đầu tranh chấp kia. Viên đạn rít lên trên không, bay qua hàng đầu, rải xuống hàng thứ hai và thứ ba, làm chết bốn người rồi lăn long lóc để làm banh thây một trong mấy con ngựa trắng vào xe của hoàng hậu.

Một tiếng kêu kinh hoàng nổi lên tư đám người có nhiệm vụ bảo vệ đức vua cùng hoàng hậu, đức vua lùi lại. Anne D Autriche thiếu chút nữa thì ngất xỉu vì giận dữ, còn Mazarin thì vì sợ. Mọi người cắt đứt dây cột ngựa của cỗ xe vì mấy con ngựa còn sống quá hoảng sợ, lồng lên và có nguy cơ làm đổ xe. Khoảng mười người lính cận vệ đeo dây vào và đưa cỗ xe ra khỏi tầm đạn.

Trong khoảng thời gian đó, trên thành hiện ra nòng của khẩu thần công.

Khi ngài De La Meilleraye nhìn thấy mấy khẩu thần công, ông nghĩ rằng cuộc công thành sẽ chỉ vô ích thôi, nên ra lệnh tháo lui.

Ngay khi đội quân của đức vua làm một bước về phía sau, mọi biểu hiện thù địch trong thành đều biến mất.

Viên thống chế đến gần bên hoàng hậu, mời bà nên chọn một nơi nào đó trong vùng lân cận để đóng quân. Hoàng hậu liền nhận thấy bên kia con sông Dordogne một ngôi nhà nằm khuất giữa những lùm cây giống như một tòa lâu đài nho nhỏ.

– Hãy đến hỏi xem – Bà nói với Guitaut – ngôi nhà đó của ai và hãy yêu cầu cho ta đến trú chân.

Guitaut lên đường ngay lập tức, băng qua sông trên thuyền của ông lái bến Ison, rồi trở về tâu rằng ngôi nhà ấy không có ai cả ngoại trừ một người như quản gia, người này đã trả lời rằng nhà ấy thuộc ngài công tước D Epernon, như vậy là hoàng hậu có thể sử dụng được.

– Vậy ta đi thôi – Hoàng hậu nói – Nhưng mà đức vua đâu rồi?

Mọi người liền gọi cậu Louis XIV, từ nãy giờ đã rút về một góc. Cậu quay lại và mặc dù cố giấu, mọi người đều nhận thấy là cậu vừa khóc.

– Con làm sao vậy? – Hoàng hậu hỏi.

– Ồ, không có gì cả, thưa mẹ! – Cậu trả lời – Nhưng mà khi chừng nào con đã là vua, thì… kẻ nào xúc phạm đến con sẽ phải coi chừng!

– Tên tổng đốc kia là ai vậy? – Hoàng hậu nói.

Không ai biết để trả lời. Người ta liền hỏi ông lái bến Ison và được biết rằng đó là Richon.

– Được rồi. – Hoàng hậu nói – Ta sẽ nhớ cái tên đó.

– Con cũng vậy. – Nhà vua trẻ nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.