NHỮNG QUẬN CHÚA NỔI LOẠN

NQCNL : 39



Khi quận chúa phu nhân hiện ra trên bao lơn cùng con trai giữa những tiếng reo hò phấn khởi của đám đông, thì từ đăng xa bỗng vang lại những tiếu tiêu và tiếng trống cùng với một số cảnh ồn ào.

Liền đó, đám đông vừa mới đến tụ tập trước nhà ông chủ tịch Lalane để được nhìn thấy quận chúa phu nhân, bắt đầu quay về hướng ồn ào kia và chẳng còn đếm xỉa gì đến nghi thức, đổ xô về phía đó. Thật là đơn giản. Họ đã được nhìn thấy bà quận chúa mười lần, hai mươi lần, và có thể là một trăm lần rồi, còn cảnh ầm ĩ kia thì hứa hẹn điều mới lạ.

– Dù sao họ cũng là những kẻ thật thà. – Lenet mỉm cười lẩm bẩm phía sau lưng bà quận chúa đang bất mãn – Nhưng mà không biết tiếng nhạc bởi cảnh ồn ào kia là do đâu nhỉ? Xin thú thật với phu nhân là tôi cũng rất tò mò muốn biết chẳng khác gì họ.

– Nếu vậy thì ông cũng bỏ ta mà chạy theo họ đi. – Bà quận chúa nói.

– Thưa phu nhân. – Lenet trả lời – Tôi rất muốn làm ngay như vậy nếu biết chắc rằng sẽ mang về cho phu nhân một tin lành.

– Hừ, tin lành! – Bà quận chúa nói với một ánh mắt mỉa mai hướng về phía bầu trời tuyệt đẹp rực rỡ trên cao, ta chẳng còn bao giờ trông chờ tin lành nữa. Chúng ta xui xẻo quá.

– Thưa phu nhân. – Lenet nói – phu nhân cũng biết rằng tôi không thể dễ dàng bị mắc lừa, thế nhưng tôi tin rằng cảnh ồn ào đó báo cho chúng ta một điềm tốt.

Quả vậy, tiếng ồn ào mỗi lúc một đến gần, một đám đông túm lại ở đầu đường, tay đưa lên cao vẫy những mảnh khăn đã thuyết phục được với phu nhân rằng đó là tin lành. Bà cũng để ý lắng tai nghe được mấy tiếng sau:

– Braune! Tổng đốc thành Braune! Tù binh tổng đốc!

– À! À! – Lenet nói – Tổng đốc thành Braune đã bị bắt giữ! Hay lắm, đây sẽ là một con tin để trao đổi với Richon.

– Thế chúng ta chẳng có trong tay hai tổng đốc đảo Saint-Georges đó hay sao? – Quận chúa nói.

– Tôi lấy làm vui sướng khi thấy kế hoạch của tôi để chiếm Braune lại thành công như vậy. – Bà De Tourville nói.

– Thưa bà. – Lenet nói – Xin đừng vội mừng vì một chiến công chưa hoàn toàn, sự may rủi luôn chơi xỏ kế hoạch của các ông, và có khi cả các bà nữa.

– Nhưng, thưa ông. – Bà De Tourville nói giọng chua chát thường lệ của mình – Nếu viên tổng đốc bị bắt thì có nghĩa là thành đã bị thất thủ!

– Thưa bà, điều bà vừa nói đó không phải là một điều hợp lý tuyệt đối, nhưng xin bà cứ an tâm, nếu thành công này là do công lao của bà, thì tôi vẫn sẽ là người đầu tiên khen ngợi bà.

– Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả trong mọi chuyện này – Bà quận chúa nói, cố tìm trong sự kiện may mắn này một khía cạnh đáng chê trách hầu thỏa mãn tánh cao ngạo của giới thượng lưu vốn là bản chất của bà – điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là người ta không đến báo cho tôi biết trước những gì đã xảy ra, đây là một điều vô lễ không thể nào tha thứ được.

– Kìa thưa phu nhân – Lenet nói – chúng ta thiếu binh sĩ, để chiến đấu mà phu nhân lại còn muốn chuyển họ qua làm liên lạc viên cả hay sao? Chúng ta không nên đòi hỏi quá như vậy, và khi có một tin lành đến với chúng ta thì chúng ta nên đón nhận nó mà không cần thắc mắc nhiều.

Đám đông mỗi lúc mỗi đến gần, ở giữa là một nhóm binh sĩ, khoảng ba mươi người, và chính giữa họ là người tù binh mà các binh sĩ đang bảo vệ khỏi cảnh điên cuồng của đám đông.

– Giết nó đi! Giết đi! – Đám đông thét lên – GIết tên tổng đốc thành Braune!

– À! À! Đúng là có một tù binh! – Bà quận chúa nói – Và y đúng là tổng đốc thành Braune…

– Vâng! – Lenet nói – Nhưng phu nhân có thấy không, hình như tên tù binh ấy đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Phu nhân có nghe thấy những câu đe dọa kia và có thấy những cử chỉ điên cuồng đó không? Thể nào họ cũng phá được hàng rào của binh sĩ và sẽ xé tan xác hắn. Ôi! Bọn điên cuồng! Chúng đã ngửi thấy mùi máu.

– Cứ để mặc họ! – Bà quận chúa nói với vẻ nham hiểm – Cứ để mặc họ! Hắn là kẻ thù của chúng ta kia mà.

– Thưa phu nhân, kẻ thù đó đang bị canh giữ trong danh dự của nhà Condé. Xin phu nhân hãy nghĩ lại, vả lại biết đâu Richon của chúng ta cũng đang gặp một nguy hiểm tương tự? Kìa! Họ sẽ phá được hàng rào lính bảo vệ, nếu họ đụng đến hắn thì hắn sẽ mất mạng thôi. Nầy, ta cầm thêm hai mươi người tình nguyện để đẩy lùi đám khốn nạn kia. Nhanh lên!

Nghe vậy, hai mươi người lính ngự lâm của đội dân quân, thuộc vào hàng những gia đình danh giá trong thành phố, xông vào đám đông, dùng báng súng xô dạt họ ra và tăng cường cho nhóm áp tải, thật vừa đúng lúc vì vài móng vuốt sắc bén hơn cả đã xé những mảnh vải trên bộ y phục xanh lơ của người tù.

– Xin cám ơn các ông. – Người tù binh vừa nói – Các ông vừa cứu tôi thoát khỏi nanh vuốt của bọn khát máu, xin đội ơn các ông. Chà! Nếu họ khát máu như vậy, thì khi nào đoàn quân đức vua vào thành thì chắc họ nuốt chửng cả đoàn quá.

Và y cười, vừa nhún vai.

– À! Hắn ta can đảm thật! – Đám đông la to khi thấy vẻ bình tĩnh có lẽ hơi giả tạo của tên tù binh, và lặp lại câu nói đùa đã làm thỏa mãn tự ái của họ – Hắn ta can đảm thật, hắn ta không sợ, hoan hô tổng đốc thành Braune!

– Phải đấy! – Gã tù binh kêu lên – Hoan hô tổng đốc thành Braune!

Thế là sự giận dữ của đám đông biến thành ngưỡng mộ, và sự ngưỡng mộ ấy được bày tỏ thành lời. Bây giờ thì là một cảnh hoan nghinh thật sự thay cho cái chết đang gần kề đối với tổng đốc thành Braune, nghĩa là với anh bạn Cauvignac của chúng ta.

Bởi vì Cauvignac, dưới cái danh xưng huy hoàng tổng đốc thành Braune, đang vào thành Bordeaux dưới một quang cảnh đáng buồn như vậy.

Trong khi đó, được bảo vệ bởi toán quân và cũng bởi thái độ bình tĩnh của mình, tên tù binh đã tiến đến gần lâu đài của chủ tịch Lalane và trong khi nhóm lính canh giữ cổng rào, y được đưa thẳng đến trước mặt quận chúa.

Cauvignac bình thản và kiêu hãnh bước vào gian phòng, nơi có mặt bà quận chúa, nhưng cần phải nói thêm rằng, dưới vỏ ngoài can đảm đó, tim y đang đập khá mạnh.

– Ông Cauvignac! – Lenet kêu lên.

– Ông Cauvignac tổng đốc thành Braune. – Bà quận chúa nói – À thưa ông, đây đúng là một hành động phản bội.

– Phu nhân nói gì kia ạ? – Cauvignac hỏi lại, y hiểu rằng đây là lúc hơn bao giờ hết cần huy động tất cả sự bình tĩnh cũng như trí thông minh của mình – Hình như phu nhân vừa nói đến tiếng phản bội?

– Phải thưa ông, phản bội chứ ông đến trình diện ta với danh nghĩa nào vậy?

– Với danh nghĩa tổng đốc thành Braune, thưa phu nhân.

– Ông cũng thấy rõ đó là một sự phản bội. Ai ký giấy ủy nhiệm của ông.

– Ngài De Mazarin.

– Phản bội! Ta nói vậy đấy. Ông là tổng đốc thành Braune, chính đội quân của ông đã giao nạp thành Vayres, chức tước kia là phần thưởng cho hành động ấy.

Nghe vậy, bộ mặt của Cauvignac tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Y nhìn chung quanh như để muốn biết là câu nói kia là dành cho ai, và khi buộc phải nhìn nhận rằng những câu buộc tội đó là nhằm vào mình, y buông thõng hai cánh tay dọc theo người và một cử chỉ đầy thất vọng.

– Đội quân của tôi giao nạp thành Vayres? – Y nói – Chính phu nhân lại trách móc tôi điều đó hay sao?

– Phải, thưa ông, chính ông giả tảng không biết, ông giả tảng kinh ngạc, phải, đúng là một kẻ đóng kịch đại tài, nhưng ta không để cho vẻ mặt cũng như lời nói của ông đánh lừa đâu, dù cho chúng có rất ăn khớp với nhau.

– Tôi không giả tảng giả tảng gì cả, thưa phu nhân. – Cauvignac trả lời – Làm sao phu nhân có thể đòi hỏi tôi biết chuyện gì xảy ra ở Vayres trong khi tôi chưa bao giờ đến đấy!

– Bằng mưu kế, thưa ông, với mưu kế của ông.

– Tôi không biết phải trả lời làm sao với những lời như vậy, thưa phu nhân, chỉ biết rằng phu nhân có vẻ không hài lòng với tôi… Xin phu nhân tha thứ cho thái độ thành thực của tôi, cho câu chống chế của tôi, bởi vì chính tôi mới là người phải phiền trách người.

– Ông phiền trách ta! – Bà quận chúa kêu lên trước một sự vô lễ đến như vậy.

– Đúng vậy, thưa phu nhân. – Cauvignac trả lời, chẳng tỏ vẻ gì là hoang mang – Theo lời hứa của phu nhân và của ông Lenet đây, tôi đã chiêu mộ một đội quân gồm toàn những con người anh dũng, tôi đã thương lượng với họ những thỏa ước như trong tất cả mọi cuộc thương lượng khác lấy danh dự làm chính. Và khi tôi đến nhận món tiền mà phu nhân đã hứa… chẳng bao nhiêu… ba mươi hay bốn mươi ngàn livres gì đó, không phải là dành cho tôi, xin nhớ rõ điều này, nhưng là dành cho các binh sĩ mà tôi đã tuyển giùm cho các hoàng thân, thì phu nhân lại từ chối, phải, từ chối! Xin cứ hỏi ông Lenet xem có đúng không?

– Đúng vậy! – Lenet nói – Khi ông đây đến hỏi, chúng ta không có tiền.

– Thế ông không thể đợi vài ngày được hay sao? Lòng trung thành của ông và của những người thuộc quyền ông chỉ là nhất thời thôi sao?

– Tôi đã chờ đợi hết thời hạn mà chính ngài De La Rochefoucauld đề ra, thưa phu nhân, nghĩa là tám ngày. Sau tám ngày đó, tôi lại đến trình diện, lần này thì từ chối thẳng, lần này nữa xin cứ hỏi lại ông Lenet.

Bà quận chúa quay về phía ông cố vấn, đôi môi mím chặt, mắt tóe lửa dưới hai hàng lông mày cau lại.

– Tiếc thay! – Lenet nói – Tôi buộc phải công nhận điều ông đây vừa nói là hoàn toàn đúng sự thật.

Cauvignac chiến thắng ưỡn người lên.

– Đấy, thưa phu nhân – Y nói tiếp – một tên xảo quyệt sẽ hành động như thế nào trong hoàn cảnh đó? Hắn sẽ đến bán mình cùng với cả đội quân cho hoàng hậu. Còn tôi, tôi rất ghét tính cách xảo quyệt, tôi đã trả tự do cho đội quân của tôi, và khi chỉ còn lại một mình trong cảnh trung lập hoàn toàn, tôi hành động như một nhà hiền triết đã căn dặn khi đứng trước sự hoài nghi, tôi không theo về một phe nào cả.

– Nhưng còn người của ông, người của ông thì sao?

Bà quận chúa giận dữ kêu lên.

– Thưa phu nhân – Cauvignac trả lời – bởi vì tôi chẳng phải là vua, cũng chẳng hoàng thân mà chỉ là một viên đội trưởng, vì tôi không có thần dân, cũng chẳng có cận thần, tôi chỉ có thể gọi lính của tôi, những người mà tôi trả công, thế nhưng vì lính của tôi, như ông Lenet đây vừa xác nhận, không được trả công, nên họ hoàn toàn tự do. Chính vì vậy mà có lẽ họ đã nổi dậy chống lại người chỉ huy mới. Biết làm sao được? Tôi xin thú thật là tôi không biết làm sao hơn.

– Còn ông, ông trả lời làm sao về việc ông theo về với nhà vua? Ông đã chán tỏ ra trung lập rồi hay sao?

– Không, thưa phu nhân, nhưng sự trung lập của tôi, dù có vô tội đến đâu đi nữa, cũng đã trở nên đáng ngờ trước mắt những kẻ cận thần của đức vua. Một buổi sáng đẹp trời, tôi đã bị bắt giữ lại tại quán Con Bê Vàng và bị dẫn đến trước mặt hoàng hậu.

– Và thế là ông đã thương lượng với bà ấy à?

– Thưa phu nhân – Cauvignac trả lời – một con người trọng nghĩa có những khe hở khá nhạy cảm và sự tế nhị khi ấy rất đau khổ, phe nhóm mà tôi muốn phục vụ với tất cả lòng nhiệt huyết và niềm tin của tuổi trẻ đã xua đuổi tôi. Tôi đến trước mặt hoàng hậu giữa hai tên lính sẵn sàng giết tôi, tôi chờ đợi nghe những câu trách móc, mắng chửi, một bản án tử hình. Bởi vì, dù sao tôi cũng đã có ý định phục vụ các hoàng thân, thế nhưng, trái với điều tôi e sợ, thay vì trừng phạt tôi bằng cách giam giữ, bắt nhốt hay đưa tôi lên máy chém, bà hoàng hậu vĩ đại đó đã nói với tôi:

“Hỡi con người phong nhã lạc loài kia, ta chỉ cần một tiếng để làm rơi đầu ngươi, nhưng ngươi thấy đó, ở đâh họ đã tỏ ra bạc bẽo với ngươi, còn ở đây người ta sẽ trọng đãi ngươi. Nhân danh thánh Anne, vị quan thầy của ta, từ đây về sau ngươi sẽ là kẻ cận thần của ta. Này các ông, bà ấy lại nói với mấy người lính đang canh giữ tôi, hãy tôn trọng vị sĩ quan này bởi vì ta rất ngưỡng mộ công trạng của y và ta sẽ đặt y làm chỉ huy của các ông. Còn ông, bà lại nói thêm với tôi, ta sẽ đặt ông làm tổng đốc thành Braune, đấy là cách trả thù của một bà hoàng hậu nước Pháp”.

– Vậy tôi phải trả lời làm sao đây? – Cauvignac trở lại với giọng nói và cử chỉ bình thường của mình, sau khi đã nhại lại một cách hài hước, nửa đa cảm lời nói và cử chỉ của Anne D Autriche… Chẳng có gì cả. Những hoài vọng thân thiết nhất của tôi bị tổn thương, lòng tận tụy vô tư mà tôi đã đem đến đặt dưới chân phu nhân bị tổn thương.

Những câu nói ấy được thốt ra với một giọng bi thảm và một cử chỉ oai hùng đã có tác dụng đến những người có mặt ở đấy. Cauvignac nhận ra chiến thắng của mình khi thấy bà quận chúa mặt tái đi vì giận dữ.

– Nhưng, thưa ông, bây giờ thì ông trung thành với ai chứ? – Bà hỏi.

– Với những ai biết nhận thức tánh cách tế nhị trong hành vi của tôi.

– Được lắm, bây giờ ông là tù binh của tôi.

– Thưa phu nhân, tôi rất lấy làm hân hạnh, nhưng tôi hy vọng rằng phu nhân sẽ đối xử với tôi như một người quý tộc. Tôi là tù binh của phu nhân, thật vậy, nhưng chưa bao giờ chiến đấu chống lại phu nhân. Tôi đang đi tới nhiệm sở cùng với hành trang của mình thì bị rơi vào tay những binh sĩ của phu nhân. Tôi chưa hề có một giây phút nào nghĩ đến việc che giấu hành tung cũng như ý nghĩ của mình. Vậy tôi xin nhắc lại là tôi đòi hỏi được đối xử không chỉ như một nhà quý tộc mà còn như là một sĩ quan cao cấp.

– Ông sẽ được thỏa nguyện, thưa ông. – Quận chúa nói – Thành phố này sẽ là nhà tù của ông, có điều ông sẽ phải lấy danh dự mà thề rằng ông không tìm cách trốn ra khỏi đây.

– Thưa phu nhân, tôi xin thề như phu nhân đã đòi hỏi. – Cauvignac đưa tay lên và long trọng thề sẽ không bao giờ rời khỏi thành phố một khi quận chúa phu nhân chưa xóa bỏ lời thề đó.

– Bây giờ thì ông hãy lui ra. – Bà nói – Chúng ta chỉ tin vào lòng trung thực của một nhà quý tộc và danh dự của người lính.

Cauvignac không để nói đến lần thứ hai, y cúi chào và lui ra, nhưng cũng vừa kịp để nhìn thấy một cử chỉ của viên cố vấn có ý nói.

– Thưa phu nhân, y có lý và chúng ta đã nghĩ sai, dod là cái giá phải trả khi tỏ ra keo kiệt trong chính trị như vậy!

Vấn đề là Lenet, kẻ tán thưởng vô tư mọi công trạng, đã nhận ra con người khôn khéo toàn diện trong Cauvignac và chính bởi vì ông không hề tin lấy một chút vào những lý lẽ xảo trá của y nên ông phải khâm phục phương pháp mà y xử dụng để thoát ra khỏi một trong những tình thế hiểm nghèo nhất.

Còn Cauvignac vừa đi xuống cầu thang, vừa nghĩ ngợi mông lung, và tự nhủ.

– Chà, vấn đề bây giờ là phải làm cách nào bán lại cho họ một trăm năm mươi người của ta lấy độ một trăm ngàn livres, điều này có thể lắm bởi vì anh chàng Ferguzon thông minh và ngay thẳng đã đòi hỏi được tự do cho mình cùng đám quân. Thế nào hôm nay hoặc ngày mai ta cũng tìm được dịp. Thôi bây giờ thì ta mới thấy là bị bắt như vậy dẫu sao cũng không đến nỗi là một điều tệ hại như thoạt đầu ta đã tưởng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.