Nụ hôn của Casanova

Phần một: Scootchie Cross – Chương 1



Washington, D.C., tháng 4 năm 1994

Khi chuyện xảy ra, tôi đang ở ngoài hàng hiên lắp kính trong nhà tôi trên phố Năm mươi. Trời lúc đó đang “mưa như trút nước” theo cách nói của cô con gái Janelle bé bỏng của tôi, và ngồi ngoài hiên quả là thú vị. Bà tôi từng dạy một câu cầu nguyện mà tôi không bao giờ quên được: “Cảm ơn Chúa vì tất cả những gì mà Người ban tặng cho chúng con”. Vào ngày hôm đó, câu nói này có vẻ đúng – gần như vậy.

Trên bức tường hiên có treo bức tranh biếm hoạ Far side của Gary Larson. Nó kể về buổi tiệc thường niên mang tên “Những quản gia của thế giới” trong đó một quản gia bị sát hại. Một con dao xuyên thẳng vào ngực anh ta. Một thám tử trong tranh thốt lên, “Chúa ơi, Collings, tôi ghét phải khởi đầu tuần mới với những vụ thế này!” Đặt bức tranh ở đó là tôi muốn nhắc nhở chính mình rằng cuộc sống không chỉ có công việc của một thám tử D.C. chuyên điều tra án mạng. Đính bên cạnh là một bức tranh hai năm tuổi của Damon với dòng chữ “Tặng người cha vĩ đại nhất”. Đó lại là một lời nhắc nhở khác.

Tôi chơi những bản nhạc của Sarah Vaughan, Billie Holiday, Bessie Smith trên chiếc đàn piano cũ kỹ. Gần đây, nhạc Blues đối với tôi bỗng trở nên buồn bí ẩn. Hình ảnh của Jezzie Flanagan cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Đôi lúc khi đưa mắt nhìn ra xa, tôi lại tưởng tượng ra khuôn mặt xinh đẹp đầy ám ảnh của nàng, vì vậy mà tôi cố gắng hạn chế nhìn mông lung.

Hai đứa con tôi, Damon và Janelle, đang ngồi bên cạnh tôi trên chiếc ghế chơi đàn khá bền, tuy hơi bị lung lay. Cánh tay nhỏ xíu của Janelle rướn hết cỡ để vòng quanh lưng tôi, nhưng nó cũng chỉ được một phần ba lưng.

Tay kia nó cầm một túi kẹo Gummi Bears. Nó lại chia cho mọi người như thường lệ. Tôi từ tốn ngậm một chiếc Gummi màu đỏ.

Jannie và Damon huýt sáo theo tiếng đàn, mặc dù đối với con bé, huýt sáo cũng chẳng khác gì phun phì phì vào một giai điệu có sẵn. Trên nóc chiếc piano là quyển truyện tranhGreen Eggs & Ham nhàu nhĩ, rung lên theo từng nhịp đàn.

Cả Jannie và Damon đều biết dạo này tôi gặp trục trặc trong cuộc sống, ít nhất vài tháng gần đây. Chúng luôn cố gắng làm tôi vui. Chúng tôi chơi nhạc và huýt sáo theo những giai điệu blues, soul và cả thứ nhạc kết hợp, nhưng chúng tôi cũng cười vang và tỏ ra phấn khích như trẻ con.

Tôi yêu những lúc ở bên bọn trẻ hơn bất cứ lúc nào khác trong đời, tôi ngày càng dành nhiều thời gian bên chúng hơn. Những bức ảnh chụp bọn trẻ bằng máy Kodak luôn nhắc nhở tôi rằng các con tôi chỉ có một lần năm và bảy tuổi trong đời thôi. Tôi sẽ không để lỡ giai đoạn này.

Cuộc vui của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng chân chạy nặng nề trên cầu thang gỗ hiên sau. Và rồi tiếng chuông cửa reo: một, hai rồi ba hồi chuông nhỏ. Người ở ngoài kia dù là ai thì chắc hẳn cũng đang rất vội vã.

“Bing boong, mụ phù thuỷ đã chết.” Đúng lúc này, Damon lại chia sẻ suy nghĩ̃ ngẫu hững của nó. Nó đeo kính râm ốp sát mặt, ra dáng anh chàng xì ngầu. Thực ra nó là một cậu nhóc xì ngầu.

“Không, mụ phù thuỷ chưa chết,” Jannie phản đối. Gần đây, tôi để ý thấy con bé bảo vệ khá quyết liệt giới tính của mình.

“Có khi đó không phải tin về mụ phù thuỷ đâu,” tôi nói gần như cùng lúc. Bọn trẻ cười phá lên. Chúng khá hiểu câu đùa của tôi, nghĩ mà thấy sợ.

Có ai đó liên tục đập vào khung cửa, hét gọi tên tôi một cách bi thương và hoảng hốt. Khốn thật, hãy để chúng tôi được yên. Chúng tôi không cần điều gì bi thương hay hoảng hốt trong cuộc sống của mình lúc này.

“Tiến sĩ Cross, hãy tới đây! Xin ông! Tiến sĩ Cross,” tiếng hét tiếp tục vang lên. Tôi không nhận ra giọng của người phụ nữ nhưng rõ ràng người đó gọi đích danh tôi bởi danh vị tiến sĩ.

Tôi bỏ bọn trẻ xuống, hai tay áp chặt lên khuôn đầu nhỏ xinh của chúng. “Bố là tiến sĩ Cross cơ mà, có phải hai con đâu. Cứ ngồi đây ngân nga và giữ chỗ cho bố nhé. Rồi bố sẽ trở lại ngay.”

“Rồi bố sẽ trở lại ngay!” Damon nhắc lại với giọng điệu của Kẻ huỷ diệt. Tôi phì cười với câu đùa của nó. Nó đúng là một đứa trẻ lớp hai láu lỉnh.

Tôi chạy nhanh ra cửa sau, đồng thời vớ lấy khẩu súng cảnh sát. Tình làng nghĩa xóm sẽ chẳng có nghĩa gì trong trường hợp này kể cả với một cảnh sát như tôi. Tôi nheo mắt nhìn qua tấm kính phủ đầy sương mù và bụi để xem ai đang đứng trên bậc hiên.

Tôi nhận ra cô gái đó. Cô ta sống trong khu ổ chuột Langley. Rita Washington, hai mươi ba tuổi, nghiện thuốc phiện và sống vật vờ trên đường phố như một bóng ma xám ngoét. Rita đủ khôn ngoan và xinh đẹp nhưng dễ bị dụ dỗ và lôi kéo. Cô ta đã lầm đường lạc lối, dần đánh mất vẻ ngoài xinh đẹp và bây giờ có lẽ còn đang gặp hạn.

Tôi mở cửa ra thì bị một luồng gió ẩm lạnh táp thẳng vào mặt. Máu nhỏ thành dòng từ cổ tay lẫn bàn tay của Rita và cả mặt chiếc áo choàng du lịch giả da màu xanh lá cây.

“Rita, có chuyện gì xảy ra với cô thế?” tôi hỏi. Tôi đoán cô ta đã bị bắn hoặc bị đâm liên quan tới ma tuý.

“Xin ông hãy đi cùng với tôi.” Rita Washington vừa ho khan vừa nức nở. “Là Marcus Daniels nhỏ bé,” cô ta nói và thậm chí còn khóc to hơn. “Thằng bé bị đâm! Nó hiện đang rất nguy kịch! Nó cứ gọi tên ông, nó muốn gặp ông, tiến sĩ Cross.”

“Các con ở đó nhé! Bố sẽ quay lại ngay.” Tôi hét lên át tiếng gào khóc cuồng loạn của Rita Washington. “Nana ơi, trông chừng bọn trẻ con nhé!” Tôi gào lên thậm chí còn to hơn. “Con phải ra ngoài có chút việc!” Tôi vớ lấy áo choàng rồi cùng Rita Washington bước ra ngoài dưới cơn mưa lạnh tầm tã.

Tôi tránh không giẫm lên những vết máu đỏ tươi nhỏ xuống như vệt sơn ướt trên khắp bậc hiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.