OAN TRÁI

CHƯƠNG 1



Nếu tôi tự bào chữa, những lời tôi nói sẽ trừng phạt tôi
Tôi sợ mọi nỗi đau đớn của tôi. Tôi biết người đó sẽ không cho phép tôi ngoại phạm.
Trời vừa tối khi anh tới bến đò. Anh có thể đến sớm hơn nhiều, nhưng anh đã cố tình chậm trễ.
Đầu tiên là bữa ăn trưa với bạn bè ở Redquay, rồi một cuộc chuyện trò linh tinh với đám bạn ấy – tất cả chỉ chứng tỏ một điều là anh đang muốn trốn tránh việc phải làm. Bạn bè mời anh nán lại uống trà và anh đã nhận lời. Nhưng cuối cùng, cũng tới lúc anh không thể chần chừ được nữa.
Chiếc xe anh thuê vẫn đang đợi. Anh tạm biệt đám bạn, lên xe đi dọc con đường tấp nập ven biển chừng bảy dặm rồi đến mảnh đất hẹp giữa một vùng cây cối chạy dài tới tận chiếc kè đá nhỏ ven sông.
Người lái xe giật mạnh chiếc chuông gọi thuyền.
– Ông có muốn tôi đợi không ạ?
– Không, tôi đã gọi xe một giờ nữa đến đón tôi về Drymouth ở bờ bên kia rồi.
Người lái xe nhận tiền, chăm chú nhìn xuống mặt nước tối đen và nói:
– Thuyền đang tới, thưa ông.
Sau lời chào nhỏ nhẹ, anh ta quay xe và lái thẳng lên đồi. Athur Calgary còn lại một mình bên bến sông, nghĩ ngợi về những điều đang chờ đợi anh. Cảnh vật mới hoang dã làm sao. Ai cũng có thể tưởng tượng được cảnh một mình bên cái hồ hoang vắng xứ Scottish. Thế mà chỉ cách đây vài dặm thôi, nào là khách sạn, cửa hàng, nào là những đám đông nhốn nháo bên tiệm rượu ở Redquay. Anh suy ngẫm không phải lần đầu, về sự tương phản kỳ lạ của cảnh sắc và con người nước Anh.
Anh nghe thấy tiếng sóng lách cách khi con thuyền cập bến. Men theo bờ dốc thẳng đứng, anh bước xuống thuyền trong khi người chèo thuyền cố giữ thăng bằng bằng một cái neo. Đó là một ông lão mà thoạt nhìn đã gây cho Calgary một cảm giác hoang tưởng rằng ông và chiếc thuyền là một khối thống nhất không gì có thể chia tách được.
Một cơn gió nhẹ lạnh lẽo từ ngoài biển thổi vào khi họ rời bến.
– Tối nay trời lạnh quá – Ông lão nói.
Calgary dè dặt trả lời. Và anh đồng ý tiếp rằng, trời lạnh hơn hôm qua.
Anh tự biết rõ hay tự cho rằng đã biết rõ sự tò mò ẩn giấu trong mắt ông lão. Đây là một người lạ mặt, một người lạ mặt khi mà cuộc du lịch chính thức đã chấm dứt. Hơn nữa, anh ta qua sông vào một thời điểm khác thường, dường như quá muộn để có thể nhấm nháp một chút gì đó ở quán cà phê trên bến. Anh ta không có đồ đạc gì, có nghĩa là anh ta sẽ không nán lại đâu. Tại sao? Calgary băn khoăn thay cho ông lão, anh ta đến muộn như vậy? Phải chăng anh ta muốn lùi xa thời điểm phải làm một việc ngoài ý muốn nào đó? Vượt qua sông Rubicon, trí nhớ của Calgary quay về với một con sông khác, sông Thames…
Anh nhìn chằm chằm người đàn ông ngồi đối diện sau một cái bàn (phải chăng chỉ mới hôm qua thôi?). Anh không sao hiểu nổi cặp mắt suy tư ẩn chứa một điều gì kia, một điều đang được suy ngẫm trong óc nhưng không biểu lộ ra ngoài.
– Có lẽ mọi người đã học được cách không biểu lộ ý nghĩ của mình – Anh nghĩ.
Toàn bộ sự việc là hết sức khủng khiếp khi người ta hiểu rõ nó. Anh sẽ phải làm cái việc cần làm. Và rồi phải lãng quên tất cả!
Anh cau mày khi nhớ lại cuộc nói chuyện hôm trước. Đây, một giọng nói nhẹ nhàng, dễ nghe, không có ý ràng buộc gì:
– Ngài hoàn toàn hiểu những việc mình phải làm chứ, tiến sĩ Calgary?
Anh đã nóng nảy trả lời:
– Tôi có thể làm được gì khác nào? Ngài thấy rõ đấy. Ngài bị bắt buộc phải đồng ý với tôi à? Đây là một việc tôi không thể lãng tránh kia mà.
Nhưng anh không hiểu cái nhìn trong cặp mắt xám đó và đã lúng túng khi trả lời.
– Cần phải xem xét sự việc từ mọi khía cạnh, thưa ngài!
– Khía cạnh công lý là quan trọng nhất! – Anh hơi nóng mặt khi trả lời.
– Có thể thế. Nhưng có lẽ còn tốt hơn thế kia, thưa ngài. Hơn cái mà ta gọi là công lý.
– Tôi không đồng ý với ngài: Chúng ta có hẳn một gia đình để xét đoán.
Nhưng người đối thoại đã nhanh nhẹn trả lời:
– Đúng vậy, đúng vậy. Tôi đã từng nghĩ nhiều về họ…
Đối với Calgary, điều này quả là ngớ ngẩn! Vì nếu một ai suy nghĩ về họ…
Người kia đi lại, không hề đổi giọng:
– Nhưng đó là việc của ngài, tiến sĩ Calgary ạ. Ngài, tất nhiên, phải làm điều mà ngài cho là cần phải làm….
Thuyền cập bến. Anh đã qua sông Rubicon.
Giọng nói miền Tây nhẹ nhàng của người chủ thuyền vang lên.
– Bốn xu, nếu ngài không quay lại.
– Không, tôi sẽ không quay lại đâu. (Câu nói mới đầy tính tiền định làm sao!)
Anh trả tiền và hỏi:
– Ông có biết ngôi nhà vẫn được gọi là Tụ điểm ánh sáng không?
Ngay lập tức, sự tò mò không cần phải che đậy nữa. Sự chú ý hiện rõ trong mắt ông lão.
– Tôi có biết, thưa ngài. Nó ở trên kia, phía tay phải ấy, ngài sẽ nhìn thấy sau hàng cây. Ngài lên đồi và đi dọc theo con đường quặt sang phải, rồi tới con đường mới làm bên cạnh một ngôi nhà thừa kế. Chính là căn nhà cuối dãy đấy ạ.
– Cám ơn ông.
– Ngài nói Tụ điểm ánh sáng, thưa ngài? Nơi bà Argyle…
– Đúng, đúng vậy – Calgary cắt lời ông lão, anh không muốn bàn luận thêm – Tụ điểm ánh sáng.
Một nụ cười chậm rãi và khá lạ lùng hiện trên môi ông lão. Bỗng nhiên, ông lão trông giống như vị thần nông ranh mãnh.
– Đó chính là tên gọi ngôi nhà trong chiến tranh. Lúc đó ngôi nhà mới xây dựng xong và chưa có tên. Nhưng xung quanh cây cối mọc đầy. Tụ điểm rắn thì chính xác hơn. Nhưng tụ điểm rắn không thể dùng để đặt tên cho một ngôi nhà được. Bà ấy gọi là Tụ điểm ánh sáng, nhưng chúng tôi thì gọi nó là Tụ điểm rắn.
Calgary vội vã cám ơn ông lão, chào tạm biệt và trèo lên đồi. Dường như mọi người đều ở trong nhà, nhưng anh có cảm giác là những cặp mắt vô hình đang chăm chú nhìn qua cửa sổ của những mái nhà tranh. Tất cả đều dõi theo anh và biết rõ anh định tới đâu. Dường như họ đang thầm thì với nhau – Anh ta tới Tụ điểm rắn đó….
Tụ điểm rắn. Một cái tên mới thích hợp một cách khủng khiếp làm sao, dường như nó phải…
Dành cho cái còn sắc nhọn hơn răng rắn…
Anh điểm lại những suy nghĩ của mình. Anh vật vã với việc quyết định một cách chính xác những điều sẽ nói.
II
Anh tới cuối con đường mới làm sạch và đẹp với những căn nhà xinh xắn có vườn riêng chạy dọc hai bên; cây núi đá, cúc, hồng, hoa xô đỏ, phong lữ, mỗi nhà chăm sóc mảnh vườn theo sở thích riêng.
Cuối con đường là một cái cổng với tấm biển TỤ ĐIỂM ÁNH SÁNG bằng chữ gô-tích. Anh mở cửa bước vào và đi dọc theo nhà để xe. Ngôi nhà ngay trên đầu anh, có nét gì độc đáo. Nó có thể gặp ở bất cứ vùng ngoại ô sang trọng hoặc bất cứ khu dân cư mới này. Nhưng đối với Calgary, ngôi nhà không thú vị bằng cảnh vật xung quanh. Dòng sông uốn khúc quanh co ngay trước ngôi nhà. Phía đối diện là đồi cây vươn cao, kề bên trái là khúc ngoặt khác của con sông với những cánh đồng đầy cỏ và những vườn cây ăn quả thấp thoáng ẩn hiện.
Calgary nhìn dọc con sông trong chốc lát. Có thể xây dựng nơi nương thân ở đây, một nơi nương thân kỳ diệu, vui tươi và mang tính thần thoại. Một nơi nương thân có thể tạo nên màu sắc rực rỡ cùng những cảm giác ngọt ngào, chứ không chỉ là một phong cách nề nếp, gò bó; một sự câu thúc của hình thức, một sự phô trương tiền của mà không hề có một chút trí tưởng tượng bay bổng nào.
Tất nhiên đó không phải là việc của gia đình Argyle. Họ chỉ mua căn nhà, chỉ thế mà thôi. Và họ (hay chỉ riêng bà Argyle?) đã chọn chính căn nhà này.
Anh tự nhủ mình – Ta không thể lẩn tránh được nữa rồi… – và bấm chuông. Anh đợi giây lát rồi lại bấm chuông.
Anh không hề nghe thấy tiếng bước chân mà cánh cổng bỗng nhiên mở toang ra trước mặt anh.
Anh giật mình bước lùi một bước. Đối với trí tưởng tượng đầy kích động của anh, dường như Nữ thần Bi kịch đang đứng đấy, cố tình chặn bước. Nhưng đó chỉ là một khuôn mặt tươi tắn tràn đầy tình cảm trẻ trung. Nữ thần bi kịch, anh nghĩ, luôn là vị thần của tuổi trẻ…Bất lực, đầy tính tiền định…Không có tương lai…
Đó là một cô gái Ailen với cặp mắt xanh sâu lắng và kín đáo, với bộ tóc đen tết ngược bên đầu, với khuôn mặt đẹp nhẹ nhàng cùng những đường nét thanh tú.
Cô gái đứng sau cửa, vẻ lịch sự và tò mò:
– Thưa ông, ông cần gì ạ?
– Ông Argyle có nhà không cô? – Anh đáp lại
– Có, nhưng ông ấy không tiếp khách. Tôi muốn nói đến khách lạ. Và có lẽ ông không phải là người quen?
– Đúng vậy, ông Argyle không biết tôi, nhưng…
Cô gái bắt đầu đóng cửa.
– Nếu ông viết thư thì tốt hơn…
– Xin lỗi cô, nhưng tôi rất, rất muốn thăm ông. Cô là cô Argyle?
– Vâng, tôi là Hester Argyle. Nhưng cha tôi không hề tiếp khách không hẹn trước. Ông viết…
– Tôi từ xa đến…
Cô gái vẫn đứng chắn trước mặt anh.
– Ai cũng nói vậy cả. Nhưng tôi nghĩ là ông nên dừng lại thì hơn – Cô gái tiếp tục – Ông là phóng viên, nếu tôi không nhầm?
– Không, không, không dính dáng gì.
Cô gái nghi ngờ nhìn như không muốn tin.
– Vậy ông muốn gì?
Trong phòng khách đằng sau cô gái anh nhìn thấy một khuôn mặt khác, một khuôn mặt tẻ nhạt và khô cứng. Nếu phải mô tả, anh sẽ gọi đó là một bộ mặt khô khan, bộ mặt của một phụ nữ đứng tuổi với mái tóc xén phớt vàng uốn cao trên đỉnh đầu. Dường như bà ta đang phân vân chờ đợi, như một con rồng gác cửa dữ tợn.
– Tôi đến vì việc liên quan đến em trai cô, cô Argyle ạ.
Hester Argyle thở ra. Cô nói, vẻ không chắc chắn:
– Michael ư?
– Không, cậu Jack của cô đấy.
Cô gái bật lên:
– Tôi biết mà! Tôi biết ông đến vì Jacko mà! Tại sao ông không để chúng tôi yên? Mọi việc đã qua và đã kết thúc rồi. Việc gì phải bới lên nữa?
– Chưa bao giờ cô có thể nói một cách chắc chắn rằng mọi việc đã kết thúc cả.
– Nhưng đúng là đã kết thúc rồi đấy. Jacko đã chết. Tại sao ông không để cậu ấy yên? Mọi chuyện đã qua rồi. Nếu ông không là phóng viên, tôi đoán ông là bác sĩ, là nhà tâm lý hay là gì gì đó. Xin ông đi ngay cho. Cha tôi bận và không thể bị quấy rầy đâu.
Cô gái lại bắt đầu đóng cửa.
Calgary vội vàng móc túi lấy ra một lá thư – một việc đáng ra phải được làm trước tiên – và đưa cho cô gái.
– Tôi có thư của ngài Marshall.
Cô gái lùi lại, tay nắm chặt phong bì. Cô nói, vẻ không tin tưởng lắm:
– Của ông Marshall ở London?
Người đàn bà đứng tuổi lúc ấy mới bước ra. Bà chăm chú nhìn Calgary với vẻ ngờ vực làm Calgary bỗng nhớ tới một nữ tu sĩ ngước ngoài. Một bà xơ thì đúng hơn. Nhưng bà ta lại có một khuôn mặt không làm cho bạn nghĩ tới một bà xơ, mà nghĩ đến một bà giúp việc – loại người vẫn ngở vực nhìn bạn qua một lỗ nhỏ khoét trên cánh cửa dày trước khi mở cửa và dẫn bạn vào phòng khách.
Bà nói:
– Ông từ chỗ ngài Marshall tới?
Hester nhìn chằm chằm chiếc phong bì trong tay. Rồi không nói một lời, cô quay người chạy lên gác.
Calgary đứng chờ ở bậc lên xuống với sự theo dõi của bà-giúp-việc kiêm người-canh-cửa. Anh muốn nói một câu gì đấy nhưng không nghĩ ra nên anh đành yên lặng chờ.
Vừa lúc đó, giọng nói của Hester vọng xuống, lạnh lùng và xa xăm:
– Cha tôi mời ông.
Người canh cửa không vừa lòng đứng dịch sang bên. Cảm giác nghi ngờ của bà ta không hề thay đổi. Anh bước qua bà, đặt mũ trên ghế tựa, bước lên gác hai nơi Hester đang đứng đợi.
Trong căn nhà, mọi vật đều sạch sẽ. Đây là
một ngôi nhà an dưỡng sang trọng thì đúng hơn.
Hester dẫn anh đi dọc hành lang rồi xuống ba bậc thang. Cô mở cửa một căn phòng và ra hiệu mời anh, cô bước vào sau anh rồi đóng cửa lại.
Đó là một thư viện và Calgary ngẩng đầu nhìn với cảm giác dễ chịu. Không khí ở đây hoàn toàn khác ngoài hành lang. Đây chính là căn phòng của người đàn ông đang sống, nơi ông ta làm việc và hưởng sự thanh nhàn. Sách đầy kín các bức tường, những chiếc ghế tựa rộng rãi, khá thô nhưng tiện lợi. Giấy tờ, sách báo nằm ngổn ngang trên bàn viết. Anh kịp thoáng thấy một người phụ nữ còn trẻ vừa bước ra ngoài qua cánh cửa hậu, một phụ nữ có lẽ là hấp dẫn. Rồi anh chăm chú nhìn người đàn ông đang bước đến trước mặt anh, lá thư ngỏ cầm tay.
Cảm giác đầu tiên về Leo Argyle là ông quá ốm yếu, quá gầy guộc, điều dường như khó có thể có ở ông. Một hồn ma thì đúng hơn. Giọng ông dễ nghe, mặc dù hơi rè:
– Mời ông ngồi, tiến sĩ Calgary.
Calgary ngồi xuống, anh nhận một điếu xì gà. Chủ nhân ngồi đối diện anh. Mọi việc diễn ra một cách chậm rãi, khác hẳn không khí tất bật bên ngoài. Một nụ cười mỉm phảng phất trên khuôn mặt Leo khi ông nói, những ngón tay nhợt nhạt gõ nhẹ nhẹ lên lá thư.
– Ngài Marshall viết rằng ông muốn thông báo với chúng tôi một việc quan trọng mặc dù ngài cũng không nói rõ đó là việc gì – Nụ cười của ông tỏ ra sắc sảo hơn khi ông nói thêm – có lẽ các vị luật sư luôn thận trọng quá chăng?
Một cơn sốc ngạc nhiên bỗng đến với Calgary. Người đàn ông này đang hạnh phúc. Không phải là một hạnh phúc sôi nổi, thú vị và vui vẻ thông thường, mà là một hạnh phúc ít nhiều có vết ố nhưng cũng đủ để thỏa mãn người trong cuộc. Đây là người đàn ông hài lòng với những gì đang có. Anh không biết tại sao anh lại ngạc nhiên vì điều đó, nhưng thực tế là anh đã ngạc nhiên.
Calgary nói:
– Xin cảm ơn ông đã cho phép tôi gặp ông – Đó là những lời mở đầu xã giao – Tôi vẫn nghĩ tự đến gặp ông thì tốt hơn là viết thư – Anh dừng lại rồi nói nhanh – Rất khó khăn…
– Xin ông cứ tiếp tục – Leo Argyle vẫn lịch sự và nhẹ nhàng, ông rướn người về phía trước – Vì ông có thư giới thiệu của ngài Marshall, tôi nghĩ ông đến là vì đứa con bất hạnh Jacko của tôi, tôi muốn nói đến Jack vì Jacko chỉ là tên thường gọi mà thôi.
Những lời Calgary đã chuẩn bị sẵn đều biến đâu mất cả. Anh ngồi đó, đối mặt với thực tế trần trụi mà anh sẽ phải nói đến. Anh lại ngập ngừng.
– Thực tế là vô cùng khó khăn…
Một phút im lặng, rồi Leo thận trọng nói:
– Nếu có thể giúp ông thì chúng tôi nghĩ rằng Jacko là một người bình thường như mọi người khác. Có lẽ ông sẽ không kể được điều gì làm cho chúng tôi ngạc nhiên đâu. Tấn thảm kịch thì ghê gớm như vậy, nhưng tôi không cho là Jacko có tư cách phù hợp với những việc nó đã làm.
– Tất nhiên là không.
Đó là lời của Hester và Calgary bắt đầu chú ý giọng nói đó. Anh đã quên trong chốc lát sự có mặt của cô. Cô ngồi trên bệ tỳ tay của chiếc ghế tựa ngay sau vai trái anh. Khi anh quay đầu lại, cô vươn người về phía anh.
– Jacko luôn đáng sợ – Cô nói tiếp – Cậu ấy như đứa trẻ vậy. Khi cậu ấy mất tự chủ, cậu ấy vớ lấy bất cứ cái gì bên cạnh, và lồng lộn đi tìm người để gây sự ngay…
– Hester, Hester, con yêu của cha – Giọng Argyle đầy đau đớn.
Cô gái giật mình vội bịt lấy miệng mình. Cô ngồi ngay ngắn lại và lúng túng nói:
– Con xin lỗi cha. Con không định nói là con quên đâu… Lẽ ra con không được nói đến điều đó, nhất là bây giờ cậu ấy đã… con muốn nói là khi sự việc đã kết thúc… và…
– …Đã kết thúc, đã được giải quyết xong xuôi – Argyle nói – Đó là việc của quá khứ. Tôi cố gắng, chúng tôi đều cố gắng xem thằng bé như một người tàn phế. Một lỗi lầm của tự nhiên. Như thế sẽ tốt hơn – Ông nhìn Calgary – Ông có đồng ý với tôi không?
– Không – Calgary trả lời và lắc đầu.
Một phút im lặng. Lời phủ định sắc nhọn làm mọi người sửng sốt. Nó được đưa ra với một sức mạnh bất ngờ. Cố gắng làm dịu bầu không khí, anh lúng túng nói:
– Xin lỗi. Có lẽ mọi người đã không hiểu hết được thực trạng của vụ việc vừa rồi.
– Vậy ư? – Argyle suy nghĩ và quay về phía cô gái – Hester, cha cho rằng con nên…
– Con không đi đâu cả. Con phải nghe, phải biết thực trạng.
– Nhưng không dễ chịu đâu con ạ…
Hester kêu lên nóng nẩy:
– Jacko có thể làm điều gì khủng khiếp nào? Mọi việc đã qua rồi.
Calgary nói nhanh:
– Xin hãy tin tôi, không hề có câu hỏi về việc em cô đã làm gì đâu, ngược lại thì đúng hơn.
– Tôi không rõ…
Cánh cửa cuối phòng được mở ra và người phụ nữ trẻ quay trở lại căn phòng. Cô mặc áo khoác ngoài, tay xách cặp da, cô nói với Argyle:
– Tôi về nhà đây. Có việc gì cần làm nữa không ạ …?
Argyle do dự trong giây lát (ông ta luôn do dự, Calgary nghĩ), và đặt bàn tay lên cánh tay cô.
– Ngồi xuống, Gwenda. Đây là tiến sĩ Calgary. Đây là cô Vaughan, người là…người là… – Ông dùng lời như thể có điều gì đó đáng ngờ – thư ký của tôi lâu nay – Ông nói thêm – Tiến sĩ đến để kể cho chúng ta nghe một chuyện và và cũng muốn tìm hiểu thêm về Jacko.
– Đúng vậy, tôi đến để kể với gia đình một chuyện – Calgary ngắt lời ông – và cho dù ông không nhận ra, thực tế là ông đang làm cho tôi thêm khó khăn.
Mọi người ngạc nhiên nhìn Calgary, nhưng trong ánh mắt của Gwenda Vaughan, anh thấy một cảm giác thấu hiểu thoáng qua. Dường như cô là đồng minh của anh vậy. Cô nói:
– Vâng, tôi hiểu rõ gia đình ông Argyle đã gặp khó khăn như thế nào.
Vaughan là một phụ nữ còn trẻ, hấp dẫn, mặc dù cũng khoảng 37 – 38 tuổi rồi. Đường nét dễ ưa, tóc và mắt đen, cô là một hình mẫu sinh động và khỏe khoắn. Cô gây được cảm giác cô là người thông minh và đảm đang.
Argyle nói với vẻ lãnh đạm thường có:
– Tôi không biết cách gây khó dễ với ông, tiến sĩ Calgary ạ. Đấy không phải là phong cách của tôi. Nếu ông tới…
– Vâng, tôi biết. Hãy tha lỗi cho tôi vì tôi đã nói điều đó. Nhưng đây là một việc mà ông và cô con gái luôn nhấn mạnh rằng đã qua, trong khi thực tế là nó chưa kết thúc. Ai đó đã từng nói: Không có việc gì được giải quyết ổn thỏa cho đến tận khi…
– Tận khi nó được giải quyết đúng – người thư ký tiếp lời anh – Kipling đấy.
Cô gật đầu khích lệ anh. Anh những muốn cảm ơn.
– Nhưng tôi sẽ kể với mọi người ngay bây giờ. Khi ông nghe chuyện thì ông sẽ hiểu rõ sự bất đắc dĩ của tôi. Để bắt đầu, tôi xin tự giới thiệu. Tôi là một nhà địa lý và vừa đi thám hiểm Nam Cực về. Tôi mới về nước chỉ vài tuần nay thôi.
– Cuộc thám hiểm của Hayes Bentley ư? – Gwenda hỏi.
– Đúng vậy, thưa cô. Tôi muốn nói điều đó trước tiên để giải thích về sự hiểu biết của tôi, để giải thích rằng tôi đã phải vật lộn trong hai năm trời với những sự việc này.
Cô ta tiếp tục tiếp lời anh:
– Ông muốn nói tới vụ giết người?
– Đúng vậy, thưa cô Vaughan – Anh quay lại phía ông Argyle – Xin hãy thứ lỗi cho tôi nếu điều này gợi lại sự đau buồn, nhưng tôi phải kiểm tra lại với ông ngày tháng và một số mốc thời gian khác. Ngày 9 tháng 11 năm kia, lúc 6 giờ tối, con trai ông, Jack Argyle, đã đến đây và nói chuyện với ông và bà Argyle.
– Đúng vậy.
– Anh ấy nói rằng anh ấy đang có chuyện rắc rối và cần tiền. Chuyện này đã từng xảy ra…
– Nhiều lần – Leo thở dài nói.
– Bà Argyle đã từ chối. Anh ấy bắt đầu chửi rủa, dọa dẫm. Cuối cùng anh ấy bỏ đi và hét lên rằng, anh ấy sẽ quay lại và bà sẽ phải xì tiền ra. Anh ấy nói: Mẹ không muốn con vào tù chứ? Và bà đã đáp lại: Tao bắt đầu nghĩ rằng đó là điều thích hợp nhất đối với mày.
Leo Argyle cựa quậy một cách khó khăn.
– Vợ tôi và tôi đã bàn bạc về việc đó. Chúng tôi rất không hài lòng về thằng bé. Nhiều lần chúng tôi muốn cứu nó, cố gắng giúp nó làm lại cuộc đời. Đối với chúng tôi, sự chấn động khi nghe tòa tuyên án dường như… – Giọng ông chìm đi – Nhưng thôi, xin ông tiếp tục cho.
Calgary tiếp tục:
– Tối hôm đó, vợ ông bị giết hại. Bà bị đánh gục bằng chiếc que chọc lò có dấu tay của con trai ông và một số lượng tiền khá lớn ở ngăn kéo bị đánh cắp. Cảnh sát bắt con trai ông ở Drymouth và tìm thấy tiền trong người anh ấy, phần lớn là tiền giấy 4 bảng, trong đó có một tờ viết tên và địa chỉ một người nào đấy. Và nhà băng đã công nhận đó chính là số tiền bà Argyle mới lĩnh vào buổi sáng. Anh ấy bị kết án – Calgary dừng lại – Bị kết án giết người.
Đó là một từ định mệnh. Giết người…đó không phải là một từ có tiếng dội, mà là một từ muốn ẩn mình, một từ muốn rúc sâu vào tranh ảnh, sách vở và tấm thảm hồng… Lời nói có thể tan đi, nhưng động tác thì không…
– Tôi rất hiểu khi ngài Marshall, luật sư bào chữa, kể rằng con trai ông đã phản đối việc bắt giam anh ấy một cách từ tốn, nếu không nói là hoàn toàn tự tin. Anh ấy khẳng định rằng mình có chứng cứ ngoại phạm khi cảnh sát cho rằng vụ giết người diễn ra trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 7 giờ 30. Lúc đó, Jack Argyle nói anh ấy đang đi nhờ xe tới Drymouth, một người lái xe đã cho anh ta đi nhờ trên con đường chính từ Redmyn tới Drymouth lúc 7giờ ở cách nhà khoảng một dặm. Vì trời tối nên anh không biết loại xe, nhưng đó là một xe chở khách màu đen hay xanh xám do một người đàn ông trung niên lái. Người ta đã cố gắng tìm kiếm chiếc xe, nhưng không có kết quả. Và các luật sư cho rằng đó chỉ là một câu chuyện bịa và đã được bịa ra một cách không khôn ngoan lắm…
Ở phiên tòa, lý lẽ bào chữa chính chỉ là lý lẽ mà một nhà tâm lý đã đưa ra. Ông ta chứng minh rằng Jack Argyle luôn bị bất ổn định về mặt thần kinh. Vì lý do nào đấy, công tố ủy ban phê phán hgy gắt lời bào chữa này và đề nghị tử hình. Cuối cùng, Jack Argyle bị kết án chung thân. Anh ấy đã chết vì viêm phổi trong tù sáu tháng sau đó.
Calgary ngừng lời. Ba cặp mắt thoáng liếc về phía anh. Sự quan tâm và chú ý đặc biệt trong cặp mắt Gwenda Vaughan, sự nghi ngờ trong cặp mắt Hester và sự trống rỗng trong cặp mắt Leo Argyle.
Calgary tiếp tục:
– Ông có nghĩ rằng tôi đã trình bày đúng sự thật?
– Ông nói rất chính xác. Mặc dù tôi vẫn chưa hiểu lý do đã khiến ông kể lại những chi tiết đau buồn đó. Chúng tôi đang cố gắng quên đi mà.
– Xin thứ lỗi cho tôi. Tôi phải làm như vậy. Ông không phản đối lời kết án sao?
– Tôi xem sự việc đúng như đã được thông báo. Đó là một vụ giết người nếu ông chỉ chú ý thoáng qua. Nếu chú ý hơn đến vụ án, ông sẽ thấy có nhiều chi tiết giảm nhẹ. Thằng bé không ổn định về mặt thần kinh. Mà bộ luật McNaughten thì gò bó quá. Tiến sĩ Calgary, tôi xin lưu ý với ông rằng, Rachel – vợ tôi – có thể là người đầu tiên tha thứ cho thằng bé bất hạnh. Bà ấy là người sâu sắc và có một hiểu biết khá thấu đáo về tâm lý. Bà ấy không trừng phạt thằng bé đâu.
– Mẹ tôi biết rõ có lúc Jacko đáng sợ như thế nào – Hester nói – Cậu ấy luôn như vậy, dường như cậu ấy không thể sửa chữa được.
– Vậy tất cả mọi người không hề nghi ngờ gì? Không nghi ngờ gì về tội của anh ấy sao?
Hester tròn mắt:
– Chúng tôi phải làm gì nào? Tất nhiên là cậu ấy không có tội.
– Cha không thích câu con vừa nói – Leo trầm giọng – Cha không nghĩ là nó không có tội tình gì.
– Và câu nói đó lại không đúng nữa – Calgary hít một hơi thở sâu – Jack Argyle ngoại phạm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.