Đêm đã về trên Tụ điểm ánh sáng.
Được che chở bằng những bức tường vững chắc, bảy con người mệt mỏi nằm nghỉ, nhưng không ai ngủ được…
Philip Durrant, từ khi bị bệnh và mất khả năng hoạt động, ngày càng tìm thấy sự khuây khỏa ở cuộc sống tinh thần. Là một người thông minh, giờ đây anh ý thức được tất cả những gì đến với anh qua trí xét đoán sắc sảo. Thỉnh thoảng anh mua vui bằng cách dự đoán phản ứng của mọi người xung quanh đối với một sự kiện nào đó. Những gì anh nói và làm thường không có vẻ tự nhiên, nhưng lại mang đầu óc suy xét tạo cơ số cho việc quan sát kết cục. Đó chính là trò chơi ưa thích của anh và khi anh thấy mình đoán đúng, anh ghi nhận kết quả lại.
Và như một kết quả của trò giải trí, anh tự nhận thấy – dường như lần đầu tiên trong đời – anh hết sức thính nhạy khi quan sát sự khác nhau và tính thực tế trong tính cách con người.
Tính cách con người trước kia không cuốn hút anh. Anh ưa hay không ưa, vui vè hay buồn chán với mọi người xung quanh và chỉ thế mà thôi. Anh đã luôn là con người của hành động chứ không phải con người của suy tư. Trí tưởng tượng của anh, một trí tưởng tượng khá phong phú, đã bận rộn với việc kiếm tiền. Những cách thức đó đều chứa đựng một hạt nhân đầy tham vọng. Nhưng do anh không có khả năng kinh doanh nên cuối cùng chúng đều biến thành con số không cả. Và giờ đây con người chỉ được anh xem như những con tốt trong trò chơi của mình. Giờ đây, khi bệnh tật đã dứt anh khỏi cuộc sống bận rộn trước kia, anh bị cuốn hút vào việc đánh giá thực chất con người.
Việc đó đã được bắt đầu trong bệnh viện, khi vẻ sinh động đáng yêu của các hộ lý, cuộc tranh giành bí mật và những cuộc quở trách thông thường ở đó đã thu hút sự chú ý của anh, khi anh không còn một mối bận tâm nào khác. Và bây giờ nó mau chóng trở thành thói quen của anh. Con người… Đó thực sự là tất cả những gì cuộc sống khảo cứu, để khám phá, để tóm lược. Anh suy xét xem điều gì buộc họ chạy đua với thời gian như vậy và kiên nhẫn chờ xem anh đúng hay sai. Đó là một công việc thực sự thú vị…
Chỉ có chính đêm nay, ngồi trong thư viện, anh mới nhận ra rằng hiểu biết của anh về gia đình vợ mới ít ỏi quá! Họ thực sự là những người như thế nào? Là những người có nội tâm ra sao chứ không phải ở vẻ bề ngoài mà anh đã biết quá rõ?
Thật kỳ lạ là bạn hiểu biết về con người mới sơ lược làm sao! Ngay cả vợ bạn.
Anh suy ngẫm về Mary. Anh đã hiểu cô như thế nào?
Anh yêu cô vì anh yêu cái nhìn dễ chịu và vẻ điềm tĩnh, trang nghiêm của cô. Cũng vì cô có tiền mà anh khá phân vân. Anh đã nghĩ đến chuyện lấy một cô gái nghèo. Mọi việc hầu như thích hợp và anh cưới cô, trêu chọc cô, gọi cô là Polly và rất thú vị với cái nhìn đầy vẻ nghi ngờ cô dành cho anh, khi anh bịa ra những câu chuyện đùa mà cô không hiểu. Nhưng anh đã thực sự hiểu gì về cô? Cô có suy nghĩ và cảm xúc ra sao? Anh biết, tất nhiên, là cô yêu anh quên mình nồng thắm. Mỗi lần nghĩ đến sự quên mình đó, anh lại xáo động ít nhiều, anh vặn vẹo đôi vai như muốn hất đi một gánh nặng. Sự quên mình đó là rất tuyệt khi bạn có thể tách mình ra chín, mười giờ một ngày. Khi đó nó chính là động cơ để bạn nóng lòng muốn về nhà. Nhưng anh lại bị nó quấn chặt lấy, bị nó nhòm ngó, chăm chút, ấp ủ từng giờ kìa… Người ta sẽ phải tìm cách lẩn trốn thôi, thực tế là như vậy. Người ta tìm những phương sách tinh thần mà người khác không tìm được. Người ta phải ẩn mình vào mảnh đất của óc tưởng tượng và tài suy đoán.
Suy đoán… Xem ai có thể giết mẹ vợ anh chẳng hạn. Anh không ưa bà và bà cũng không ưa anh. Bà không muốn Mary lấy anh (hay bà chẳng muốn Mary lấy ai?), nhưng bà không có khả năng ngăn chặn hai người. Anh và Mary bắt đầu cuộc sống hạnh phúc và độc lập… Và rồi mọi việc dần dần đổ vỡ. Đầu tiên là công ty Nam Mỹ, rồi hãng phụ tùng xe đạp – những ý tưởng rất hay của cả hai – nhưng tình hình tài chính không thuận lợi. Rồi cuộc đình công của công nhân đường sắt Argentine đã hoàn thành nốt chuỗi các thảm họa. Số phận thật đen đủi nhưng anh cảm thấy bà Argyle cũng phải chịu trách nhiệm. Có bao giờ bà mong anh thành công đâu. Rồi bệnh tật! Dường như giải pháp duy nhất của họ là quay về sống ở Tụ điểm ánh sáng, nơi họ luôn được hoan nghênh. Anh không bận tâm. Một con người què quặt, tàn phế thì sống ở đâu chẳng được. Nhưng Mary thì không nghĩ như vậy!
Đúng là sau đấy họ không phải sống ở đó thường xuyên nữa. Bà Argyle bị giết. Những người được ủy quyền trợ cấp cho Mary theo bản di chúc và họ lại có thể thu xếp một cuộc sống riêng..
Anh không thấy thương cảm đặc biệt khi bà Argyle chết. Tất nhiên, nếu bà chết vì viêm phổi hay một chứng bệnh nào đó trên giường bệnh thì dễ chịu hơn. Giết người là một việc ghê tởm dễ gây bàn tán và những tiêu đề giật gân trên báo chí. Nhưng khi vụ giết người xảy ra, nó cũng dễ hiểu – thủ phạm rõ ràng không thăng bằng theo một nghĩa mà thứ ngôn ngữ khó hiểu của tâm lý học có thể lý giải được. Không phải là em ruột Mary. Một trong “những đứa con nuôi” với bản tính di truyền tồi tệ và vẫn thường hư hỏng. Nhưng bây giờ mọi chuyện không còn êm đẹp như thế nữa. Ngày mai ông sĩ quan cảnh sát Huish sẽ đến đây lấy khẩu cung với giọng nói miền Tây nhẹ nhàng của ông. Mỗi người, hình như thế, phải nghĩ sẵn câu trả lời thích hợp…
Mary đang chải mái tóc mềm mại trước gương. Vẻ xa vắng câm lặng của cô tác động đến anh.
Anh nói:
– Em đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời rồi chứ, Polly?
Mary hướng cặp mắt ngạc nhiên về phía anh.
– Ông sĩ quan cảnh sát Huish sẽ đến đây. Ông ấy sẽ hỏi về hoạt động của em tối ngay chín tháng mười một đó
– Ồ em hiểu. Đã lâu quá rồi. Người ta có thể quên.
– Nhưng ông ấy thì không, Polly ạ. Cần lưu ý đến điều đó. Ông ấy ghi chép tất cả lại mà, trong một cuốn sổ tay xinh xắn nào đó.
– Vậy ư? Họ giữ tất cả lại?
– Hình như họ giữ hồ sơ sao ba bản đến những mười năm cơ đấy! Ồ, hoạt động của em rất bình thường, Polly ạ. Không có gì đáng nghi vấn đâu. Em ở trong phòng này với anh. Và nếu là em, anh sẽ không nói là đã rời căn phòng trong khoảng thời gian từ bảy giờ đến bảy giờ ba mươi.
– Nhưng chỉ vào phòng tắm thôi. Ai cũng phải tới đó mà.
– Anh nhớ là em không nói tới chi tiết này.
– Em quên rồi.
– Anh nghĩ đó có thể là bản năng tự vệ. Anh muốn nhắc em rằng, chúng mình ở đây với nhau, chơi picquet từ sáu giờ ba mươi đến khi Kirsty báo động. Đó là câu trả lời của chúng ta và chúng ta sẽ bảo vệ nó đến cùng.
– Được thôi anh yêu – Mary đồng ý một cách bình thản và bàng quang.
Anh nghĩ, cô không suy nghĩ gì ư. Không thấy tình thế họ rơi vào sẽ khó chịu đến thế nào ư? Anh nhoài người về phía trước:
– Một tình huống đáng chú ý, em cũng biết đấy… Em không quan tâm đến việc ai giết bà ấy sao? Ở điểm này, Micky hoàn toàn có lý, một người trong chúng ta phạm tội. Em không muốn biết ư?
– Không phải anh và em – Mary nói.
– Và đó là tất cả những gì em quan tâm? Ồ Polly, em kỳ lạ quá!
Mary hơi đỏ mặt.
– Em không thấy có gì kỳ lạ ở đây cả.
– Đúng, anh có thể hiểu là em không thấy… Anh thì khác, anh tò mò lắm.
– Em không cho rằng chúng ta có thể biết. Em không nghĩ cảnh sát có thể khám phá ra.
– Có lẽ đúng như em nói. Nhất định là họ không có nhiều việc để làm đâu. Nhưng chúng ta ở một hoàn cảnh khác họ.
– Anh định nói gì, Philip?
– Ồ, chúng ta có những hiểu biết sâu hơn. Chúng ta biết nhiều hơn từ bên trong, có một suy đoán chính xác hơn về vấn đề. Điều gì buộc mọi người chạy đua với thời gian. Em cũng vậy thôi. Em sống với mọi người từ nhỏ. Anh muốn biết ý kiến của em. Em nghi ngờ ai?
– Em không biết, Philip ạ!
– Vậy hãy phỏng đoán xem.
Mary mỉa mai:
– Em không biết lại hay hơn đấy. Thậm chí không nghĩ ngợi gì là hay nhất.
– Một chú đà điểu – Philip nói.
– Nói một cách trung thực, em không biết suy đoán. Không biết là hay hơn nhiều. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục sống như thường lệ.
– Ồ không, không thể được. Quan điểm của em sai mất rồi, cô gái của anh ạ. Vì đống rác đã được bới lên rồi.
– Ý anh là sao, Philip?
– Nào hãy nhìn Hester và chàng trai của cô ấy, bác sĩ Donald trẻ trung đứng đắn. Một anh chàng đẹp mã, nghiêm nghị, đầy vẻ lo toan. Anh ta không thực sự nghĩ cô bé làm việc đó, nhưng anh ta không chắc lắm? Và anh ta nhìn cô bé với vẻ lo lắng trong khi nghĩ là cô bé sẽ không nhận thấy. Nhưng Hester nhận ra. Đó, đó! Hình như cô ấy đã làm – em biết rõ hơn anh – nhưng nếu cô ta vô tội, cô ta có thể làm gì được em? Em cứ nói “Không phải tôi” ư? Cô ấy cũng có thể nói như vậy.
– Philip, em nghĩ là anh thật khéo tưởng tượng.
– Em không thể tự mình tưởng tượng ra tất cả những gì đã xảy ra được, Polly ạ. Hãy nhìn ông già Leo tội nghiệp mà xem. Chuyện cưới xin với Gwenda Vaughan đang lan truyền đi. Chị ấy sẽ lo lắng, em không nhận thấy sao?
– Em không hiểu sao cha lại muốn lập gia đình ở tuổi ấy nữa.
– Cha không nghĩ thế. Nhưng ông cũng thấy rằng, chuyện yêu đương sẽ làm hai người trở thành đối tượng nghi vấn đầu tiên. Rắc rối thế đấy.
– Thật hoang tưởng nếu cho rằng cha giết mẹ. Những chuyện như thế chưa từng xảy ra.
– Có đấy, chúng đã xảy ra. Em đọc báo mà xem.
– Gia đình ta khác.
– Giết người không phải là việc của kẻ đua đòi, Polly ạ. Còn Micky nữa chứ. Cậu ấy đang bị gặm nhắm, dằn vặt bởi một chuyện nào đó. Một anh chàng kỳ quặc lúc nào cũng đậm vẻ cay đắng. Tina dường như trong sạch, không hề lo lắng, không bị vụ này tác động. Nhưng cô ấy lại có vẻ mặt lạnh như tiền nên cũng không thể bỏ qua. Rồi bà Kirsty già nua tội nghiệp…
Trên mặt Mary bỗng xuất hiện một sinh khí mờ nhạt.
– Đó có thể là đáp số!
– Kirsty ấy à?
– Vâng, nói cho cùng bà ấy là người nước ngoài. Vài năm trước bà ấy hay đau đầu… Dường như bà ấy là một đáp số phù hợp hơn chúng ta.
– Đồ quỷ đáng thương – Philip nói – em không thấy là bà ấy sẽ tự nhủ như vậy sao? Rằng rất cả chúng ta sẽ hùa nhau đổ tội cho bà. Như thế sẽ tiện hơn mà. Vì bà ấy không phải là một thành viên của gia đình. Em không thấy lúc nãy bà ấy đã lo lắng đến chết đi được đấy à? Bà ấy cũng đang ở trong một tình cảnh như Hester. Bà ta có thể nói và làm gì? Sẽ nói với chúng ta: “Tôi không giết người chủ và người bạn của tôi”. Câu nói đó có sức nặng không? Đối với bà ấy, đó sẽ là một địa ngục còn đáng sợ hơn đối với chúng ta nhiều… Vì bà ấy đơn độc. Bà ấy sẽ nhớ lại từng câu đã nói, từng cái nhìn giận dữ đã dành cho mẹ em… Sẽ nghĩ rằng, tất cả được nhớ lại chỉ để chống lại bà. Và bà ấy sẽ không có khả năng chứng minh sự vô tội của mình.
– Em muốn anh đừng nói nữa, Phil. Vậy ta có thể làm gì?
– Chỉ một việc duy nhất: Cố gắng khám phá ra sự thật.
– Bằng cách nào?
– Có nhiều cách. Anh muốn cố gắng khám phá.
Mary trông có vẻ đăm đăm.
– Bằng cách nào mới được chứ?
– Ồ, nói chuyện… quan sát hành động của mọi người… một người có thể suy đoán – Anh dừng lại, bộ óc làm việc ráo riết – thấy những điều có ý nghĩa nào đó đối với kẻ giết người, nhưng không có ý nghĩa gì với người vô tội…
Anh lại im lặng, suy đi tính lại kỹ càng trong óc. Anh ngước lên và nói:
– Em không muốn giúp người vô tội sao, Mary?
– Không – Cô buột miệng nói, lại gần và quỳ bên xe anh – Em không muốn anh bận óc vì tất cả những thứ này Phil ạ. Đứng nói những điều anh định nói và tự mình nằm vào bẫy nữa. Kệ nó. V ì Chúa, hãy mặc xác nó.
Cặp chân mày của Philip rướn lên.
– Ồ – anh nói. Và anh đặt tay lên mái tóc vàng óng mềm mại của chị.
Michael Argyle nằm thao thức, chằm chằm nhìn vào bóng đêm.
Bộ óc anh lồng lộn như một chú sóc trong lồng, hướng suy nghĩ về quá khứ. Tại sao anh không thể để quá khứ lại sau lưng? Tại sao anh cứ trói buộc bản thân với quá khứ như vậy? Việc đó có ý nghĩa gì? Tại sao anh lại nhớ một cách rõ ràng căn phòng hôi hám nhưng vui vẻ ở khu ổ chuột London, nơi anh là “Micky của chúng ta”, đến như vậy? Một bầu không khí luôn náo động! Chơi đùa ngoài phố! Tụ tập với bọn trẻ! Mẹ anh với mái tóc vàng tươi (thứ thuốc nhuộm rẻ tiền thôi), với những cơn giận dữ bất chợt khi bà về nhà và đánh đập anh (vì say rượu, tất nhiên) và sự vui vẻ điên dại khi bà có tâm trạng phấn khởi. Rất ưa cá và khoai tây rán, thích hát những bài ca – rất tình cảm. Thỉnh thoảng họ đi xem phim. Bao giờ cũng đi cùng các dượng – tất nhiên đó là cách nói riêng của anh. Cha anh bao giờ cũng bỏ ra ngoài trước khi kịp nhớ đến anh… Nhưng mẹ anh không bao giờ ủng hộ những người chú dượng luôn thay thế nhau của anh. “Anh sẽ bỏ Micky của chúng ta lại một mình thôi”, bà thường nói vậy.
Rồi những ngày sôi động của chiến tranh. Canh chừng các trận oanh tạc của Hitler – những tiếng còi báo động yếu ớt. Kêu van các bà mẹ. Chui xuống hầm và ngủ đêm ở đó. Thú vị làm sao! Cả phố ở trong hầm với những túi bánh kẹp thịt và những chai nước uống có ga. Và những chuyến xe lửa hối hả chạy cả đêm. Đó mới đúng là cuộc sống! Giữa một mớ bòng bong các sự kiện dồn dập!
Và rồi anh tới đây – tới vùng quê này. Một vùng nửa tỉnh nửa mê chẳng có gì hay ho cả!.
– Con sẽ trở về, con yêu của mẹ, khi chiến tranh chấm dứt – Mẹ anh nói. Nhưng với một vẻ yếu ớt như muốn tin vào điều bà nói. Hình như bà không quan tâm tới việc trở về của anh. Tại sao bà không đến nữa? Nhiều đứa trẻ cùng phố đã về với mẹ. Nhưng mẹ anh không muốn đến đón anh. Bà lên miền bắc (với một chú dượng mới, chú Harry!), và xin việc ở một xưởng đạn dược.
Sau đó anh phải nhận thức được cho dù mẹ anh đã tạm biệt anh một cách trìu mến… Rượu, anh nghĩ, mới chính là mối quan tâm của bà, rượu và những người chú dượng của anh…
Và anh ở đây, bị bắt cóc như một tên tù, không thiết gì đến ăn uống những món ăn xa lạ; và không thể tin được, phải đi ngủ lúc sáu giờ sau bữa ăn tối kỳ cục chỉ có sữa và bánh quy (sữa và bánh quy!), nằm thao thức, kêu gào, rúc đầu dưới gối, thổn thức nhớ mẹ và căn nhà thân thuộc của mình.
Chính người đàn bà đó. Bà ta nhặt anh về và không cho anh đi đâu nữa. Một lô những lời khuyên nhủ ủy mị. Bà luôn cho phép anh chơi những trò chơi ngớ ngẩn. Và muốn ở anh một điều anh không bao giờ trao. Không sao. Anh đợi. Anh sốt ruột. Và một ngày kia – một ngày chiến thắng, anh sẽ về nhà. Về với hè phố, với bạn bè, với những chuyến xe buýt đỏ rực và những hầm trú ẩn máy bay, với cá và khoai tây rán, với dòng người xe tấp nập và những chú mèo lang thang – bộ óc anh háo hức nhớ lại danh mục những trò chơi ưa thích. Anh phải chờ thôi. Chiến tranh không thể kéo dài mãi được. Anh phải nằm bẹp ở một vùng quê hẻo lánh, trong khi bom đang rơi xuống London và một nửa thành phố đang bốc cháy. Cháy như một địa ngục khủng khiếp với bao người bị giết hại và nhà cửa bị sụp nhào.
Anh thấy rõ như thế trong bộ óc tưởng tượng nhiều màu sắc của mình.
Không sao, khi chiến tranh chấm dứt, anh sẽ về với mẹ. Bà sẽ ngạc nhiên khi thấy anh đã lớn phổng lên.
…
Trong bóng tối, Micky Argyle dồn hơi thở trong một tiếng thở thật dài.
Chiến tranh chấm dứt. Người ta đã thắng Hitler và Mussolini… Một số trẻ đã về nhà. Chẳng mấy chốc sẽ đến lượt anh… Nhưng rồi bà ta từ London về và nói rằng anh sẽ ở lại ngôi nhà này và trở thành chú bé bé bỏng của chính bà ta.
Anh đã hỏi:
– Mẹ cháu đâu? Bom đạn đã cướp mẹ cháu à?
Nếu mẹ đã bị bom đạn cướp đi thì đó cũng không phải là một điều ghê gớm quá mức. Nhiều đứa trẻ đã chịu cảnh đó rồi.
Nhưng bà Argyle nói:
– Không, bà không bị giết hại. Nhưng bà làm việc khó nhọc lắm và không thể chăm sóc con được.
Chính là thế đấy! Những lời phủ dụ đều không có ý nghĩa gì… Mẹ anh không yêu anh, không muốn anh trở về – anh phải ở lại đây, mãi mãi…
Sau đó anh lẩn quanh, cố gắng nghe trộm và cuối cùng đã nghe được mẫu đối thoại giữa bà Argyle và chồng: “Rất muốn thoát nợ với thằng bé – họ giống nhau quá” – và những lời bóng gió về một trăm bảng. Thế là anh biết rằng, mẹ anh đã bán anh lấy một trăm bảng…
Anh không thể vượt qua được sự nhục nhã và đau đớn… Bà ta đã mua anh! Anh thấy bà ta, một cách mơ hồ, như hiện thân của uy quyền độc ác, như kẻ thù chống lại anh – một người không nương tựa. Nhưng rôi anh sẽ lớn, sẽ trưởng thành, sẽ khỏe mạnh như một người đàn ông. Và anh sẽ giết bà…
Đã hơn một lần anh tâm niệm thế.
Thời gian sau đó, khi anh tới trường, cuộc sống đã có thể chấp nhận được. Nhưng anh căm thù các ngày lễ, vì bà xếp đặt mọi việc và tặng anh đủ thứ. Trông bà có vẻ phân vân vì anh không cởi mở. Anh căm ghét việc bà hôn anh… Tiếp sau nữa, anh hài lòng với việc phá ngang những dự tính của bà đối với anh. Vào nhà băng kiếm việc! Một công ty dầu lửa. Anh không chịu. Anh tự kiếm việc cho bản thân mình.
Khi học đại học, anh cố gắng tìm kiếm dấu vết mẹ anh. Ba đã chết vài năm trước trong một tai nạn ô tô với một người đàn ông say mèm…
– Vậy tại sao không quên tất cả đi? Tại sao không tận hưởng cuộc sống khi anh còn trẻ? Anh không biết tại sao…
Và bây giờ, điều gì sẽ đến? Bà ta đã chết rồi còn gì. Anh nghĩ về việc bà ta đã mua anh với một trăm bảng oan nghiệt. Khi bà có thể mua mọi thứ – nhà cửa, xe cộ và cả những đứa con trong khi bà không có đứa nào. Nghĩ bà là một vị thánh quyền lực vô biên!
– Rất may là không phải thế. Một cú đánh bằng thanh chọc lò vào đầu và bà ta đã là một xác chết như mọi xác chết khác (cũng giống thi hài tóc vàng trong vụ đâm xe ở một con đường miền bắc mà thôi…)
Bà ta đã chết rồi. Tại sao còn lo lắng?
Có quan hệ gì với anh đâu? Không phải là anh không thể căm thù bà được nữa vì bà đã chết rồi sao?
Đó chính là thần chết…
Anh thấy mình bị tổn thất khi không còn gì để căm thù nữa – tổn thất và sợ hãi.