Ông sĩ quan cảnh sát Huish nhìn mọi người một cách lịch sự. Giọng nói của ông có sức thuyết phục và đượm vẻ biết lỗi:
– Tôi biết rất đau đớn cho gia đình khi chúng ta phải xem xét lại vụ án. Nhưng thật sự là không có cách nào khác. Các vị đã đọc chưa? Tất cả các báo buổi sáng đã đưa tin.
– Chúng tôi hiểu – Leo gật đầu.
– Cách viết của báo chí luôn làm người ta rợn gáy – Huish nói – Một việc lỗi thời, nếu dùng ngôn ngữ pháp luật. Nhưng ý nghĩa của nó thật quá rõ ràng.
– Có nghĩa là ông đã mắc sai lầm – Leo nói.
– Đúng vậy – Huish thừa nhận một cách giản dị – Chúng tôi đã mắc sai lầm. Tất nhiên khi không có chứng cớ của tiến sĩ Calgary, điều đó là không thể tránh được
Giọng Leo lạnh lùng:
– Con trai tôi đã nói với ông, lúc ông bắt nó, rằng nó đi nhờ xe cơ mà.
– Ồ phải, anh ta đã nói với chúng tôi như vậy. Và chúng tôi đã làm tất cả để kiểm tra, nhưng chúng tôi không tìm thấy một dấu hiệu xác nhận nào. Tôi hoàn toàn nhận thấy rằng, thưa ông Argyle, nhất định là ông đau xót với câu chuyện đó. Tôi không xin lỗi gia đình được. Tất cả những gì cảnh sát phải làm là thu thập bằng chứng. Những bằng chứng có thể giúp ông ủy viên công tố quyết định, đó có phải là một vụ án hay không. Trong trường hợp này, ông ta đã quyết định đó là một vụ án. Nếu có thể được, chúng tôi yêu cầu các vị chấp nhận sự đau xót và cùng chúng tôi kiểm tra lại các sự kiện và tiến trình thời gian.
– Để làm gì mới được chứ? – Hester cay nghiệt nói – Kẻ gây án đã lẩn xa và các ông không thể tìm thấy được.
Vị sĩ quan quay lại nhìn cô:
– Có thể như vậy, mà cũng có thể không – Ông hòa nhã nói – Có thể cô sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đôi khi chúng tôi tìm ra thủ phạm sau rất nhiều năm. Đó chính là sự kiên nhẫn, một sự kiên nhẫn không bao giờ suy giảm
Hester quay ngoắt đi và Gwenda thoáng rùng mình như có một làn gió lạnh thổi qua. Linh cảm nhạy bén của cô cảm thấy mối đe dọa ẩn sau những từ ngữ thông thường đó.
– Nào, nếu bây giờ nếu các vị vui lòng – Huish nhìn Leo vẻ hy vọng – Chúng ta bắt đầu từ ông, Leo ạ.
– Ông muốn biết gì? Ông đã có lời khai của tôi rồi còn gì? Có lẽ bây giờ tôi quên khá nhiều rồi. Nhất là các thời điểm cụ thể.
– Ồ, chúng tôi biết. Nhưng luôn luôn có cơ hội phát hiện lại một sự kiện không đáng kể nào đó, một sự kiện mà lúc đầu bị bỏ qua.
– Chẳng lẽ lại có khả năng sau rất nhiều năm, một người có thể thấy rõ một việc mà trước đó không thấy? – Philip hỏi.
– Đúng, có thể có khả năng đó – Huish nói khi quay đầu về phía anh với vẻ chú ý.
– Một chàng trai thông minh – ông nghĩ – mình ngờ rằng có thể anh ta có ý kiến riêng về vụ này…
– Thưa ông Argyle, nếu ông có thể nhớ lại các sự kiện. Ông đã uống trà?
– Đúng vậy, tôi uống trà lúc năm giờ ở phòng ăn như thường lệ. Cả nhà có mặt ở đó để đón vợ chồng Durrant. Con gái tôi mang trà cho hai người ở phòng riêng.
– Lúc đó tôi xoay sở khó hơn bây giờ nhiều. Tồi vừa ra viện mà – Philip nói.
– Chính vậy – Huish quay về phía Leo – Cả gia đình cùng…?
– Vợ chồng tôi, Hester, cô Vaughan và bà Lindstrom.
– Rồi sau đó? Hãy kể với tôi bằng ngôn ngữ riêng của ông.
– Sau khi uống trà, tôi quay lại phòng này với cô Vaughan. Chúng tôi nghiên cứu một chương trong cuốn sách về nền kinh tế thời trung cổ mà tôi đang xem lại. Vợ tôi về phòng làm việc ở dưới nhà. Ông cũng biết là bà luôn bận rộn. Bà đang xem xét vài kế hoạch xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em mà bà có ý định trình bày với chính quyền ở đây.
– Ông có biết con trai ông đến đây không?
– Tôi không biết. Tôi không biết đó là nó. Tôi nghe thấy, hai chúng tôi cùng nghe thấy tiếng chuông gọi cửa, Chúng tôi không biết đó là ai.
– Ông nghĩ đó là ai, ông Argyle?
Leo có vẻ nhạo báng:
– Tôi đang ở thế kỷ mười lăm chứ không phải thế kỷ hai mươi. Tôi chẳng nghĩ gì cả, về một người hay một việc nào đó. Vợ tôi, bà Lindstrom, Hester hay một người giúp việc đang ở dưới nhà. Không bao giờ người ta chờ tôi mở cửa.
– Sau đó thì sao?
– Chẳng có chuyện gì hết. Cho đến khi vợ tôi bước vào phòng.
– Bao lâu sau?
Leo cau mày:
– Ở điểm này thì tôi không thể nói chính xác với ông được. Tôi phải đưa ra phỏng đoán của tôi thôi. Nửa giờ sau… không, muộn hơn, chừng bốn mươi lăm phút sau.
– Khoảng năm giờ ba mươi chúng tôi uống trà xong – Gwenda nói – tôi cho rằng bà Argyle vào thư viện lúc bảy giờ kém hai mươi.
– Và bà đã kể?
Leo thở dài. Ông nói, vẻ khó chịu:
– Chúng tôi thường xuyên chịu cảnh đó. Bà ấy nói Jacko vừa ở chỗ bà, rằng thằng bé có chuyện rắc rối và đang ở trong một tâm trạng hung hãn, rằng nó đòi tiền và nói nếu không có tiền nó sẽ phải vào tù. Rằng bà đã từ chối thẳng thừng. Bà lo lắng không hiểu làm thế đúng hay sai.
– Ông Argyle, tôi có thể hỏi ông một câu? Tại sao khi cậu ta đòi tiền, vợ ông không gọi ông? Tại sao bà chỉ kể lại với ông? Ông không thấy lạ sao?
– Không, tôi không thấy gì lạ cả.
– Đối với tôi, dường như đó mới là một hành động tự nhiên. Quan hệ của ông bà không được tốt đẹp sao?
– Ồ, không đâu. Đơn giản là vợ tôi đã quen với việc tự mình quyết định rồi. Bà thường hỏi ý kiến của tôi trước, sau đó bàn với tôi về những quyết định của bà. Riêng trường hợp đặc biệt này, chúng tôi bàn với nhau rất nghiêm túc về Jacko để chọn một giải pháp êm đẹp nhất. Đã từ lâu, chúng tôi luôn bảo vệ nó trước những việc nó đã làm. Chúng tôi đã quyết định rằng nếu chuyện đó lại xảy ra, tốt nhất là để Jacko tự học lấy bài học của mình.
– Tuy nhiên bà ấy có bối rối không.
– Rất bối rối. Nếu thằng bé bớt hung hãn và ít dọa dẫm hơn, tôi nghĩ có thể bà đã thương tình và cứu giúp nó lần nữa. Nhưng thái độ của nó chỉ củng cố thêm quyết tâm cho bà.
– Sau đó Jacko bỏ đi?
– Đúng vậy.
– Tự ông biết hay bà Argyle kể lại?
– Bà ấy kể lại với tôi. Rằng nó vừa chửi rủa vừa bỏ đi, rằng nó đe dọa sẽ quay trở lại và nói tốt nhất là nên chuẩn bị sẵn tiền cho nó.
– Ông có được báo động – điều này rất quan trọng – với ý nghĩ là anh ta sẽ quay lại không?
– Tất nhiên là không. Chúng tôi đã bị lợi dụng nhiều lần vì những hăm dọa ầm ĩ của nó, tôi có thể nói như vậy
– Trong đầu ông không hề xuất hiện ý nghĩ, anh ta sẽ quay lại và tấn công bà?
– Không hề. Lần trước tôi đã nói điều này rồi còn gì. Tôi đã chết lặng đi
– Và dường như ông có lý – Huish nhẹ nhàng nói – Anh ta không tấn công mẹ mình. Bà Argyle về phòng lúc nào?
– Điểm này thì tôi nhớ. Chúng tôi vẫn thường nhớ lại. Vào khoảng bảy giờ kém năm.
Huish quay về phía Gwenda Vaughan:
– Chị cũng khẳng định?
– Vâng.
– Và câu chuyện đã diễn ra như ông Argyle vừa kể lại? Chị không thể bổ sung gì sao! Ông ấy không quên một chi tiết nào chứ?
– Tôi không nghe toàn bộ cuộc nói chuyện. Khi bà Argyle bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về yêu cầu của Jacko, tôi nghĩ tôi nên ra ngoài để ông bà được tự do bàn bạc với nhau. Tôi ra bằng cửa này – Cô chỉ cửa sau của thư viện – tới căn phòng nhỏ nơi tôi vẫn đánh máy. Khi tôi thấy bà ấy rời thư viện, tôi mới quay lại.
– Lúc đó là bảy giờ kém bảy phút?
– Bảy giờ kém năm, đúng vậy.
– Và sau đó?
– Tôi hỏi ông Argyle xem ông có muốn làm việc nữa không, nhưng ông nói rằng dòng suy nghĩ của ông đã bị gián đoạn. Tôi hỏi xem tôi có thể làm gì thêm, nhưng ông nói rằng không. Vậy nên tôi sắp xếp giấy tờ ra về.
– Lúc mấy giờ?
– Bảy giờ năm phút.
– Chị xuống thang gác và ra bằng cửa chính?
– Vâng.
– Cửa vẫn đang mở?
– Cửa không đóng, nó mở he hé chừng vài chục phân.
– Chị không vào chào bà chủ?
– Không.
– Thường chị không chào?
– Không. Thật ngớ ngẩn nếu lại quấy rầy bà khi bà đang làm việc, nhất là chỉ chào để ra về.
– Nếu chị vào phòng, chị có thể phát hiện xác bà…
Gwenda nhún vai:
– Tôi cũng nghĩ vậy… Nhưng tôi cho rằng… Tôi định nói, lúc đó chúng tôi đều nghĩ bà bị giết muộn hơn. Jacko có khả năng để…
Cô dừng lời.
– Chị vẫn còn suy nghĩ với quan niệm Jacko giết bà ấy. Nhưng không phải vậy. Vậy lúc đó có thể bà đã chết.
– Vâng, cũng có thể.
– Chị ra khỏi cửa và về thẳng nhà?
– Vâng. Bà chủ nhà chào tôi khi tôi về đến nơi.
– Ra thế. Vậy chị không gặp ai trên đường đi hay ngay cạnh đây sao?
– Tôi không nghĩ vậy… không – Gwenda cau mày – thực tế bây giờ tôi không thể nhớ được… Trời lạnh và rất tối. Con đường lại là con đường cụt, tôi không nghĩ đã gặp ai cho đến tận phố Red Lion. Ở đấy có một vài người.
– Có chiếc ô tô nào vượt qua chị không?
Gwenda thoáng giật mình.
– Ồ phải. Tôi nhớ có một chiếc xe. Nó làm văng bùn lên áo tôi. Tôi đã phải giặt khi về đến nhà.
– Loại xe gì vậy?
– Tôi không nhớ. Tôi không nhìn thấy. Nó vượt qua tôi ngay lối rẽ vào con đường trước nhà này. Có thể nó tới một căn nhà nào đó.
Huish quay lại phía Leo.
– Ông nói đã nghe thấy tiếng chuông gọi cửa ít phút sau khi vợ ông ra khỏi thư viện.
– Đúng, tôi nghĩ như vậy. Nhưng tôi không tin chắc lắm.
– Khi nào vậy?
– Tôi không xem đồng hồ.
– Ông không nghĩ là Jacko đang gọi cửa?
– Tôi không nghĩ gì. Tôi đang làm việc mà.
– Một điểm nữa, thưa ông. Ông có biết con ông đã lập gia đình không?
– Không hề biết.
– Bà ấy cũng vậy? Ông không nghĩ là bà biết nhưng không nói với ông sao?
– Tôi hoàn toàn tin rằng bà ấy không biết. Nếu biết, bà sẽ nói với tôi ngay. Cú sốc lớn nhất đối với tôi là, hôm sau cô vợ nó đến gặp chúng tôi. Tôi đã không thể tin được khi bà Lindstrom vào phòng và nói: “Có một cô gái dưới nhà. Cô ta nói là vợ Jacko. Không thể thế được”. Bà ấy bối rối cực độ. Có đúng vậy không, Kirsty?
– Tôi không thể tin được – Kirsten nói – Tôi bắt cô ta nhắc lại rồi mới chạy lên báo ông Argyle. Điều đó dường như không thể tin được.
– Ông đã đối xử tốt với cô ấy, tôi hiểu như vậy – Huish nói với Leo.
– Tôi chỉ làm những gì có thể làm. Cô ta đã lại lập gia đình. Tôi rất vui. Hình như chồng cô ta là một thanh niên tốt.
Huish gật đầu rồi quay về phía Hester.
– Nào, thưa cô Argyle, cô hãy kể cho chúng tôi nghe lại, hôm đó cô đã làm gì sau khi uống trà?
– Tôi không nhớ – Hester hờn dỗi nói – Làm sao tôi nhớ được. Những hai năm rồi còn gì. Hôm đó tôi có thể làm bất cứ việc gì..
– Tuy vậy tôi tin rằng cô đã giúp đỡ bà Lindstrom rửa cốc chén.
– Hoàn toàn chính xác – Kirsten nói – Và rồi cô về phòng ngủ dưới nhà. Cô đi ra khá muộn, cô cũng nhớ mà. Cô định đi xem buổi diễn nghiệp dư vở “Waiting for Godot” ở nhà hát Drymouth
Hester vẫn có vẻ dửng dưng.
– Ông đã ghi chép tất cả còn gì. Tại sao phải hỏi lại?
– Vì cô không bao giờ biết được rằng, chi tiết nào có thể có ích. Vậy nên cô Argyle, cô ra khỏi nhà lúc mấy giờ?
– Có lẽ khoảng bảy giờ.
– Cô có nghe thấy cuộc cải cọ giữa mẹ và em cô không?
– Không, tôi không biết. Tôi đang ở trên gác mà.
– Nhưng cô có nhìn thấy mẹ cô lúc đi ra không?
– Có, tôi cần ít tiền vì tôi sực nhớ xe gần hết xăng. Tôi cần đổ xăng dọc đường. Khi tôi chuẩn bị đi, tôi quay lại chào mẹ và xin tiền, chỉ hai bảng thôi, đó là số tiền tôi cần.
– Và bà đã đưa cho cô?
– Không, bà Kirsten cho tôi.
Huish hơi ngạc nhiên:
– Tôi không nhớ chi tiết này ở biên bản đầu tiên.
– Đúng, việc đó đã xảy ra – Hester quả quyết – Tôi vào phòng và hỏi xin tiền. Kirsten đang ở phòng khách, khi nghe thấy yêu cầu của tôi, bà gọi tôi ra và lấy tiền đưa tôi. Bà ấy cũng định ra ngoài. Và mẹ nói: “Được, hãy cầm tạm tiền của Kirsty”.
– Tôi định mang mấy quyển sách dạy cắm hoa đến trụ sở Hội Phụ Nữ – Kirsty nói – Tôi biết bà Argyle bận và không muốn bị quấy rầy.
Hester nói với giọng dễ gây đau khổ cho cánh thanh niên.
– Ai cho tôi tiền thì có ý nghĩa gì? Ông muốn biết lúc nào tôi thấy mẹ còn sống chứ gì? Chính lúc ấy bà ngồi bên bàn đầy những sơ đồ. Và tôi nói tôi cần tiền, rồi Kirsten gọi tôi ra cho tiền. Tôi cầm tiền, đi vào phòng mẹ lần nữa, chào mẹ trong khi bà nói rằng bà hy vọng tôi sẽ hài lòng với vở diễn, tôi sẽ lái xe cẩn thận. Bà luôn luôn dặn thế. Rồi tôi ra xe và lái đi.
– C ò n bà Lindstrom?
– Bà ấy quay ra ngay sau khi đưa tiền cho tôi.
Kirsten Lindstrom nói nhanh:
– Hester vượt tôi khi tôi ra đến đầu đường. Cô ấy phải xuất phát hầu như ngay sau tôi. Cô ấy lái xe lên đồi và ra đường lớn trong khi tôi rẽ trái để vào làng.
Hester mấp máy môi như định nói, nhưng rồi nhanh chóng đổi ý định.
Huish băn khoăn. Phải chăng Kirsten Lindstrom cố gắng chứng minh Hester không có thời gian gây án? Không có khả năng là thay cho lời chào buổi tối, cô gái đã cãi nhau với mẹ và đã đánh gục bà sao?
Ông hòa nhã quay về phía Kirsten và nói:
– Bà Lindstrom, bà hãy cho chúng tôi biết bà có thể nhớ được những gì?
Bà ta có vẻ lo lắng, vặn vẹo đôi tay một cách sợ hãi.
– Chúng tôi uống trà. Sau đó Hester giúp tôi dọn dẹp rồi cô lên gác. Rồi Jacko đến.
– Bà nghe thấy anh ấy gọi cửa?
– Vâng. Tôi mở cửa. Anh ấy nói bị mất chìa khóa. Anh ấy đi thẳng vào phòng mẹ. Anh ấy nói ngay: “Con đang mắc nạn, mẹ cố gắng giúp con”. Tôi không nghe được tiếp vì tôi phải vào bếp. Để chuẩn bị bữa tối mà.
– Bà có biết anh ấy đi ra không?
– Nhất định là có. Anh ấy gào to. Tôi từ nhà bếp đi ra. Anh ấy đang đứng ở phòng khách, hết sức giận dữ và thét lên rằng anh ấy sẽ quay lại, rằng bà mẹ hãy chuẩn bị sẵn tiền thì tốt hơn. Không thì có cái khác! Anh ấy nói vậy đấy: “Hoặc là cái khác!”. Đó là một lời dọa nạt.
– Rồi sau đấy?
– Anh ấy đi ra và sập mạnh cửa. Bà Argyle bước vào phòng khách. Trông bà xanh xao và lo lắng. Bà nói với tôi: “Chị nghe thấy chứ?”. Tôi hỏi: “Cậu ấy đang gặp chuyện rắc rối à?”. Bà gật đầu. Rồi bà lên thư viện gặp ông Argyle. Tôi dọn bàn ăn. Rồi tôi lên sân thượng sắp xếp mấy lẵng hoa. Ngày hôm sau Hội phụ nữ sẽ tổ chức thi cắm hoa mà. Chúng tôi đã hứa mang cho họ một số sách dạy cắm hoa.
– Bà đã mang sách đi? Mấy giờ bà quay về nhà?
– Nhất định phải là bảy giờ ba mươi rồi. Tôi mở cửa bằng chìa khóa riêng. Tôi vào phòng bà Argyle để đưa bà thư cảm ơn và phiếu điểm – bà ngồi sau bàn đầu gục xuống cánh tay. Thanh sắt bị ném dưới sàn và ngăn kéo bàn làm việc bị kéo ra. Kẻ trộm đột nhập rồi, tôi nghĩ. Bà ấy bị đánh. Và tôi đã nghĩ đúng. Bây giờ ông có thể thấy là tôi đã nghĩ đúng. Kẻ trộm đột nhập từ bên ngoài vào!
– Một người mà bà Argyle đưa vào nhà?
– Tại sao không? – Kirsten nói với vẻ khẳng định – Bà tốt bụng, luôn luôn tốt bụng, và bà chẳng có lý do gì để sợ hãi cả. Hơn nữa, bà không ở nhà một mình. C ò n những người khác, chồng bà, Gwenda, Mary. Bà có thể gọi họ.
– Nhưng bà đã không gọi – Huish vạch rõ.
– Đúng vậy. Có lẽ vì người ấy bịa ra một câu chuyện có vẻ hợp lý nào đó. Bà chăm chú nghe. Và rồi bà ngồi xuống bàn, hình như là để lấy quyển séc – vì bà không nghi ngờ gì – do vậy người đó đã có cơ hội vớ lấy thanh sắt và đánh gục bà. Hắn chỉ muốn bà choáng váng để cướp tiền, đồ trang sức và trốn đi
– Nhưng đã không lục lọi gì nhiều, chỉ rút mấy ngăn kéo thôi.
– Có lẽ hắn nghe thấy tiếng động và mất bình tĩnh. Hoặc hắn phát hiện bà đã chết. V ì thế hắn hoảng sợ chuồn ngay.
Bà rướn người về phía trước. Cặp mắt bà lộ vẻ hoảng sợ và van nài.
– Phải là như thế!
Huish chú ý tới vẻ sợ hãi của bà. Bà ta sợ hãi điều gì vậy? Bà ta có thể giết bà chủ của mình rồi rút vài ngăn kéo ra để tạo vẻ xác thực cho giả thuyết về một kẻ đột nhập. Xét nghiệm y học không thể khẳng định thời gian gây án chính xác hơn từ bảy giờ tới bảy giờ ba mươi được.
– Dường như việc phải đúng như bà nói – Ông thừa nhận một cách dễ dàng.
Một tiếng thở dài tin tưởng rất mạnh buột khỏi người bà. Bà ngồi xuống. Huish quay về phía vợ chồng Durrant.
– Anh chị không nghe thấy gì sao?
– Chẳng thấy gì hết.
– Tôi bưng khay trà lên phòng riêng – Mary nói – Phòng chúng tôi tách biệt khỏi các phòng khác. Chúng tôi ở trong phòng cho đến khi nghe có tiếng ai gào lên. Đó là Kirsten. Bà ấy vừa phát hiện mẹ đã chết.
– Chị không ra khỏi phòng cho đến lúc đó?
– Không – Cặp mắt trong sáng của chị bắt gặp ánh mắt Huish – Chúng tôi đang chơi picquet.
Không hiểu sao Philip thấy hơi lo lắng. Polly đang làm theo gợi ý của anh. Hình như đó là một lợi thế về tính cách của chị, điềm tĩnh, khoan thai, luôn có sức thuyết phục kỳ lạ. “Polly yêu dấu, em là một kẻ nói dối tuyệt vời!” – anh nghĩ.
– Và tôi, thưa ông sĩ quan cảnh sát – Anh nói – Tôi ở trong căn phòng đó. Và nay tôi vẫn vậy, hoàn toàn không có khả năng đi lại.
– Nhưng anh đang luyện tập cơ mà, anh Durrant – Huish vui vẻ nói – Rồi một ngày kia anh sẽ đi lại như thường.
– Đó là một việc lâu dài, thưa ông.
Huish quay về phía hai thành viên còn lại của gia đình đang ngồi yên lặng không gây một tiếng động nào. Micky đang ngồi khoanh tay trước ngực với vẻ hơi nhạo báng trên khuôn mặt. Tina – nhỏ bé, dễ thương, tựa lưng vào thành ghế, hết nhìn người này lại nhìn người khác một cách ngẫu nhiên.
– Không ai trong số hai người có mặt lúc xảy ra vụ án, tôi biết như vậy – Ông nói – Nhưng hình như các vị có thể giúp tôi nhớ lại, tối hôm đó các vị làm những gì?
– Ông thực sự cần nhớ lại? – Micky hỏi với vẻ nhạo báng rõ ràng hơn – Tôi vẫn có thể nói ngay mà. Tôi đang thử một chiếc ô tô ngoài trời. Bộ ly hợp có vấn đề. Tôi thử xe rất lâu. Tôi phóng từ Drymouth tới đồi Minchin, dọc đường Moor và vòng qua Ipsley. Thật không may là có quá nhiều xe không chạy được. Phải thử chúng cẩn thận.
Sau cùng Tina quay đầu lại. Cô chằm chằm nhìn thẳng vào Micky. Nét mặt cô vẫn không biểu hiện điều gì
– C ò n cô, cô Argyle? Cô làm việc ở thư viện Redmyn?
– Đúng vậy, thư viện đóng cửa lúc năm giờ ba mươi. Tôi rẽ qua chợ ở phố Thượng rồi đi về nhà. Tôi có một căn hộ, đúng hơn là một căn hộ nhỏ trong khu nhà lớn ở Morecombe. Tôi nấu bữa tối và nghe nhạc qua một chiếc máy hát.
– Cô không hề ra ngoài?
Cô gái dừng lại một chút trước khi nói:
– Không, tôi không ra ngoài.
– Cô tin chắc chứ, cô Argyle?
– Tôi chắc chắn.
– Cô có ô tô riêng?
– Cô ấy có một chiếc xe mini – Micky nói – Một chiếc mini ọc ạch và thường xuyên hỏng hóc.
– Tôi có một chiếc xe mini, đúng – Tina trang nghiêm và bình tĩnh nói.
– Cô để xe ở đâu?
– Ngoài phố. Tôi không có nhà để xe. Mọi người vẫn để xe dọc một phố nhỏ cạnh căn nhà tôi đang ở.
– Vậy cô không có điều gì cần nói với chúng tôi sao?
Bản thân Huish cũng khó biết vì sao ông cứ khăng khăng hỏi mãi.
– Tôi không cho rằng tôi có thể kể được một điều gì có ích.
Micky ném cho cô một cái nhìn nhanh như chớp
Huish thở dài.
– Tôi e rằng chúng tôi không giúp được gì cho ông, ông sĩ quan ạ – Leo nói.
– Tôi không rõ, ông Argyle ạ. Ông có nhận thấy, tôi đặt giả thiết, một trong những sự kiện kỳ lạ nhất ở đây không?
– Tôi? Tôi không dám chắc rằng tôi đã hiểu ý ông.
– Tiền – Huish nói – Số tiền bà Argyle rút từ ngân hàng ra trong đó có bốn bảng với hàng chữ Bà Bottleberry, 17 đường Bangor ở trên mặt. Và số tiền này đã được tìm thấy trong người Jacko khi anh ấy bị bắt. Anh khai rằng bà Argyle đưa cho anh, trong khi bà lại khẳng định với ông và cô Vaughan rằng bà không cho Jacko tiền. Vậy bằng cách nào anh ấy có số tiền đó? Anh ấy không thể quay lại đây vì bằng chứng của tiến sĩ Calgary đã khẳng định điều đó. Nếu vậy anh ấy phải nhận được tiền trước khi bỏ đi. Ai trao tiền? Bà ư?
Ông quay về phía Kirsten Lindstrom, bà đỏ mặt tức giận:
– Tôi? Không, tất nhiên là không! Sao lại là tôi được?
– Số tiền bà Argyle nhận được từ nhà băng được cất giữ ở đâu?
– Bà ấy thường cất tiền trong ngăn kéo bàn làm việc – Kirsten nói.
– Có khóa?
Kirsten ngẫm nghĩ:
– Có lẽ bà sẽ khóa trước khi đi ngủ.
Huish nhìn Hester:
– Cô lấy tiền trong ngăn kéo đưa cho em cô?
– Thậm chí tôi còn không biết nó về nữa kia, làm sao tôi lấy được nếu mẹ không cho phép?
– Cô có thể lấy tiền rất dễ dàng khi mẹ cô lên thư viện hỏi ý cha cô – Huish gợi ý. Ông tự hỏi, liệu cô có nhận thấy và tránh được chiếc bẫy ông vừa giăng ra hay không.
Cô gái rơi thẳng vào bẫy.
– Nhưng lúc đó Jacko đi rồi mà. Tôi… – Cô ngừng lời và mất tinh thần.
– Tôi thấy là cô biết rõ em cô đi vào lúc nào – Huish nói.
– Tôi… tôi… bây giờ mới biết… Lúc đó tôi không biết. Tôi đang trong phòng riêng, tôi đã nói với ông rồi. Tôi không nghe thấy gì. Và dù sao thì tôi cũng không muốn đưa tiền cho Jacko.
– Tôi cũng đã nói điều đó với ông – Kirsten nói, mặt bà đỏ bừng vì tức giận – Nếu tôi đưa tiền cho Jacko, đó sẽ là tiền của tôi! Tôi không ăn cắp số tiền đó!
– Tôi tin bà – Huish nói – Nhưng bà cũng biết chúng ta đang bị dẫn đi đến đâu. Bà Argyle, cho dù đã nói với ông điều ngược lại, đã tự mình đưa tiền cho Jacko – Ông nhìn Leo.
– Tôi không tin. Tại sao bà ấy không kể với tôi?
– Bà không phải là bà mẹ đầu tiên và duy nhất đối xử với con trai mình dịu dàng hơn ý định của bản thân.
– Ông sai rồi, ông Huish ạ. Vợ tôi không bao giờ tỏ ý nuông chiều khi bà muốn thoái thác một việc gì đó.
– Tôi nghĩ là lần này bà đã nuông chiều – Gwenda Vaughan nói – Trên thực tế bà đã xử sự… như ông sĩ quan đã nói, đó là câu giải đáp duy nhất.
– Tóm lại – Huish nhẹ nhàng nói – bây giờ chúng ta đánh giá toàn bộ sự việc với những quan điểm khác nhau. Chứ lúc đó chúng tôi đã nghĩ Jacko Argyle đã nói dối. Bây giờ chúng ta thấy anh ấy đã nói đúng về việc đi nhờ xe của ông Calgary, vì thế có thể xem rằng anh cũng nói thật về việc bà mẹ đưa tiền cho anh. Cần nghĩ là bà đã đưa.
Im lặng… một sự im lặng bức bối và ngột ngạt.
Huish đứng dậy.
– Thôi xin cám ơn quí vị. Tôi sợ chuyện xảy ra đã lâu và các vị sẽ không bao giờ biết được sự thật.
Leo tiễn ông ra đầu cổng. Khi ông quay vào, ông thở dài nói: – Tạm thời chấm dứt.
– Mãi mãi chấm dứt – Kirsten nói – Họ sẽ không bao giờ khám phá được.
– Thế thì có hay ho gì cho chúng ta đâu? – Hester kêu lên.
– Con yêu của cha – Leo lại gần cô – Hãy bình tĩnh nào. Đừng lồng lộn lên như thế. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương.
– Có vết thương không thể lành được. Chúng ta sẽ làm gì? Ôi! Chúng ta sẽ làm gì?
– Hester, đi với tôi nào – Kirsten đặt tay lên vai cô.
– Tôi không cần đến ai – Hester chạy ra khỏi phòng. Họ nghe thấy tiếng cửa chính dập mạnh.
– Sự việc đáng ghét này! Chẳng hay ho gì với cô ấy đâu – Kirsten nói.
– Tôi thì nghĩ rằng điều đó thực sự đáng tin – Philip Durrant trầm ngâm.
– Cái gì đáng tin mới được chứ? – Gwenda hỏi
– Đó là chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được sự thật… Tôi thấy như bị kim châm vào ngón tay vậy – Khuôn mặt anh, lạ lùng và tinh quái, sáng lên với một nụ cười kỳ quặc.
– Xin anh hãy cẩn thận, Phulip – Tina nói.
Anh nhìn cô ngạc nhiên:
– Tina bé bỏng, em biết gì nào?
– Em hy vọng – Cô nói rất rõ ràng và dứt khoát – em không biết một tý gì cả.