OAN TRÁI

CHƯƠNG 16



Cha có đồng ý cho con ngồi với cha một chút không ạ? – Micky hỏi.
– Tất nhiên cha đồng ý. Cha rất vui lòng. Công việc của con tốt đẹp đấy chứ?
– Không có gì xấu, cha ạ. Con đã gọi điện cho công ty. Con có thể ở nhà đến tận cuối tuần. Họ rất tử tế trong chuyện này. Tina cũng ở đây đến thứ hai.
Anh đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài rồi đút hai tay vào túi, anh bước dọc phòng, vừa bước vừa ngắm giá sách. Rồi anh vụng về nhấn mạnh từng tiếng:
– Cha cũng biết con thực sự đánh giá đúng những việc cha mẹ đã làm cho con. Và con cũng đã nhận ra một cách muộn màng rằng… đúng, con nhận ra rằng con là một kẻ vô ơn như thế nào.
– Ở đây không có chuyện gì về thái độ đâu con ạ – Leo nói – Con là con trai của cha, Micky, cha luôn coi con là con trai của cha.
– Cha đối xử với con trai cha hoàn toàn khác thường. Chẳng khi nào cha ép buộc con cả.
Leo Argyle mỉm cười, nụ cười xa vắng và lạ lẫm:
– Con thực sự nghĩ rằng chức năng duy nhất của một người cha đối với con trai mình là như vậy sao?
– Không, con không nghĩ vậy – Micky vội vã – Con là một kẻ ngu ngốc, đúng vậy, con là một kẻ ngu ngốc. Và khôi hài nữa. Cha có biết con thích làm gì không? Kiếm việc ở một công ty dầu lửa vịnh Persian. Đó chính là việc mẹ muốn xếp đặt cho con. Nhưng con đã gạt đi. Con đã tự kiếm lấy việc làm.
– Lúc đó con đang ở lứa tuổi muốn tự quyết định lấy bản thân và căm thù mọi ý định cha mẹ áp đặt cho con. Con luôn luôn như vậy, Micky ạ – Leo nói – Nếu cha mẹ muốn mua cho con một chiếc áo len đỏ, con sẽ khăng khăng khẳng định con muốn một chiếc màu xanh, trong khi hầu như lúc nào con cũng thích chiếc áo len đỏ.
– Hoàn toàn chính xác – Micky bật cười – Con luôn là khó chiều,
– Tuổi trẻ mà, lúc nào cũng háu đá. Sợ bị buộc yên cương. Sợ bị dắt mũi. Cha mẹ cũng biết thế. Nhưng cha mẹ không thể lẩn tránh trách nhiệm được.
– Vâng, cuối cùng con cũng nghĩ như vậy – Micky nói.
– Cha rất vui khi thấy con đã nghe lời cha mẹ. Con cũng biết cha không cho rằng công việc mua bán ô tô phù hợp với con. Đó là một công việc tốt, nhưng nó không dẫn con đến đâu cả.
– Con thích ô tô. Con thích chọn một chiếc hay nhất trong số rất nhiều xe. Con có thể huyên thuyên đủ thứ khi cần thiết. Những tiếng lóng nhà nghề, thái độ nịnh nọt, đó là những điều chẳng hay gì, nhưng con căm thù cuộc đời. Ngoài ra, đó còn là chuyện liên quan đến việc vận chuyển xe cộ. Điều khiển việc phục vụ các chuyến xe. Một công việc hoàn toàn quan trọng
– Con nên biết là – Leo nói – nếu lúc nào đó con cần tiền để chạy việc, con hãy tìm cha. Con đã biết về bản di chúc cho từng người rồi. Cha sẽ chuẩn bị đủ số tiền cần thiết sao cho mọi việc trôi chảy. Chúng ta sẽ hỏi ý kiến các chuyên gia. Nhưng tiền thì luôn ở đây, luôn sẵn sàng cho con nếu con cần.
– Cám ơn cha. Nhưng con không muốn ăn bám cha.
– Không hề có chuyện ăn bám ở đây, Micky ạ. Đó là tiền của con, được dành cho con cùng với các anh chị em của con. Cha chỉ có nhiệm vụ xếp đặt cho các con, lúc nào cần lấy tiền và lấy như thể cha không hề cho con số tiền đó. Của con.
– Đó là tiền của mẹ.
– Di chúc được viết cách đây lâu rồi con ạ,
– Con không muốn nhận số tiền đó! Con không muốn đụng chạm đến! Con không thể! Con không thể sau bao nhiêu chuyện như vậy! – Anh bỗng đỏ mặt khi bắt gặp ánh mắt của người cha. Anh nói không chắc chắn lắm – Con không hoàn toàn định nói như vậy.
– Tại sao con không đụng chạm đến? – Leo nói – Cha mẹ nuôi con. Và cha mẹ đã dành tất cả những gì có thể cho con, cho các con. Cha mẹ đã hứa là sẽ coi con như con ruột và sẽ chăm sóc con suốt đời kia mà.
– Con muốn được tự đứng trên đôi chân của mình – Micky nhắc lại.
– Ừ, cha thấy là con muốn… Rất tốt, và Micky ạ, nếu con thay đổi ý định, con hãy nhớ rằng tiền của con vẫn luôn dành cho con.
– Cám ơn cha. Con rất mừng là cha đã hiểu con. Hay ít nhất, nếu cha chưa hiểu thì cha cũng đã cho phép con tự chọn lấy đường đi cho mình. Con ước gì con có thể giải thích rõ ràng hơn. Cha cũng thấy là con không muốn được bảo trợ bằng… Con không thể được bảo trợ bằng… Ồ, con khó nói quá.
Có tiếng gõ cửa, đúng hơn là một tiếng đập mạnh.
– Cha hy vọng đó là Philip – Leo nói – Con mở cửa cho anh con đi..
Micky mở cửa và Philip lăn xe vào phòng. Anh chào hai người bằng một nụ cười vui vẻ.
– Cha rất bận ạ? – Anh nói – Nếu bận xin cha cứ nói. Con sẽ yên lặng, không ngắt việc của cha và lượn quanh giá sách.
– Không đâu con ạ. Sáng nay cha không phải làm gì cả.
– Chị Gwenda không ở đây ạ? – Philip hỏi.
– Cô ấy gọi điện báo bị đau đầu và xin nghỉ – Leo nói với giọng không biểu lộ chút tình cảm nào.
– Con hiểu – Philip nói.
Micky nói:
– Con xin phép ra ngoài tìm cho được Tina và kéo cô ấy đi dạo. Cô gái này không ưa không khí trong lành.
Anh bước ra ngoài với những bước đi nhẹ nhàng và nhún nhảy.
– Con nhầm hay có sự thay đổi muộn màng ở Micky – Philip hỏi – Không cau có với mọi người như thường lệ?
– Nó đã trưởng thành – Leo nói – Đó là một quãng đường quá dài đối với nó.
– Ồ, cậu ấy chọn một thời điểm kỳ cục quá. Cuộc nói chuyện với cảnh sát hôm qua đã không khích lệ cậu ấy đấy chứ? Ý cha thế nào ạ?
Leo điềm tĩnh nói:
– Tất nhiên chúng ta đau đớn khi thấy vụ án được đưa ra xét xử thêm một lần nữa.
– Một thanh niên như Micky – Philip nói khi đẩy xe đi dọc các giá sách, rút hú họa một hai quyển sách với phong cách không ổn định của anh – Cha có nghĩ rằng cậu ấy có lương tâm không?
– Đó là một câu hỏi lạ lùng Philip ạ.
– Không hẳn thế đâu. Con vừa băn khoăn về cậu ấy. Giống như một tảng đá câm điếc vậy. Một số người không có khả năng cảm thấy bất cứ một sự dằn vặt, ăn năn nào sau khi phạm tội, không hề hối tiếc gì về hành động của họ. Jacko cũng vậy.
– Đúng thế, Jacko không hề hối hận
– Và con băn khoăn về Micky – Philip nói. Anh dừng lại trước khi tiếp tục với giọng nói tưởng như tách bạch được từng từ – Cha đồng ý cho con hỏi một câu chứ? Cha thực sự hiểu gì về gia đình mình?
– Tại sao con hỏi như vậy?
– Chỉ vì tò mò thôi. Người ta luôn băn khoăn về tính di truyền của những đứa con nuôi.
Leo không trả lời. Philip nhìn ông với sự chú ý thích thú.
– Hình như con đã hỏi cha một câu hỏi không hợp lý – Anh nói
– Ồ – Leo cao giọng – Thế tại sao con không hỏi chúng? Con cũng là một thành viên trong gia đình. Mọi người đều có mắt và không thể giấu mình trước một câu hỏi thẳng thắn như thế. Nhưng gia đình ta không giống với suy nghĩ thông thường của mọi người. Mary, vợ con, đến với cha mẹ một cách chính thức và vui vẻ, nhưng những đứa khác thì không chính thức. Jacko mồ côi và được người bà trao cho cha mẹ. Người bà đã chết trong một cuộc oanh tạc và Jacko ở lại đây. Sự việc đơn giản vậy thôi. Micky là con hoang. Người mẹ chỉ quan tâm đến đàn ông. Bà ta cần một trăm bảng. Cha mẹ chưa bao giờ biết điều gì đã xảy ra với Tina. Mẹ Tina chưa bao giờ viết thư cho con, không hề đến đón con sau khi chiến tranh chấm dứt và không thể nào tìm được bà ấy.
– C ò n Hester?
– Hester cũng là con hoang, mẹ nó là một hộ lý trẻ người Ailen. Bà ấy cưới một lính Mỹ ngay sau khi Hester đến ở với cha mẹ. Bà ấy ủy thác cho cha mẹ chăm sóc đứa trẻ, không định cho chồng biết về lần sinh nở đó và theo chồng sau khi chiến tranh chấm dứt. Cha mẹ không nhận được tin tức gì về bà ta nữa.
– Đều là những chuyện bi thảm cả – Philip nói – Đều là những chú quỷ con không được mong đợi.
– Đúng vậy – Leo nói – Đó chính là lý do khiến Rachel rất yêu chúng. Bà đặt ra nhiệm vụ sao cho lũ trẻ có nhà cửa đàng hoàng, có một người mẹ thực sự và tự cảm thấy chúng là cần thiết cho một người nào đó.
– Đó là một việc đáng ca ngợi
– Chỉ có điều là không thể thực hiện được tất cả những gì bà muốn thực hiện. Bà luôn tin rằng vấn đề dòng máu không có ý nghĩa. Luôn có một cái gì đó ở đứa trẻ, một khí chất, một cách cảm nhận mà người mẹ dễ nhận thức được, có thể hiểu được mà không cần tới nửa lời nói. Người ta không thể làm như vậy đối với đứa con nuôi. Người ta chỉ có thể nhận thức bằng bản năng xem điều gì đang xảy ra trong đầu đứa trẻ. Người mẹ nuôi xét đoán chúng, tất nhiên bằng nhận thức chủ quan, nhưng rõ ràng những xét đoán đó có thể rất xa lạ với đứa trẻ.
– Con nghĩ là cha đã hiểu điều này từ lâu – Philip nói.
– Cha đã cảnh báo Rachel, nhưng mẹ không tin cha. Mẹ không muốn tin. Mẹ muốn các con trở thành con đẻ của mình.
– Tina, đối với con, luôn là chú ngựa ô. Ai là cha cô ấy?
– Một thủy thủ. Có thể người Ấn Độ. Người mẹ cũng không biết – Leo khô khan
– Không ai biết cô ấy nghĩ gì, làm gì. Cô ấy rất ít nói – Philip dừng lại rồi bỗng hỏi – Cô ấy đã biết điều gì mà không nói ra vậy?
Anh thấy tay Leo dừng lại trên chồng giấy tờ ông đang sắp xếp. Một thoáng im lặng, ông nói:
– Tại sao con nghĩ em con không nói gì về việc nó biết?
– Thưa cha, điều đó không rõ ràng sao?
– Đối với cha thì không.
– Cô ấy biết một chi tiết nào đó. Một chi tiết có thể làm hại một ai đó.
– Philip ạ, cha nghĩ con hãy bỏ qua cho cha vì cha nói như thế này, chẳng khôn ngoan gì khi suy đoán những chuyện đó. Ai cũng dễ dàng tưởng tượng ra nhiều chuyện lạ.
– Cha muốn nhắc nhở con nên né tránh?
– Đây thực sự là công việc của con sao, Philip?
– Cha muốn nói con không phải là cảnh sát?
– Đúng vậy, cảnh sát phải thực thi nhiệm vụ của họ. Họ phải dấn thân vào vụ việc.
– Và cha muốn con không dính líu vào?
– Có lẽ, cha sợ những gì có thể bị phát hiện
Philip siết chặt tay vịn chiếc xe đẩy. Anh nhẹ nhàng hỏi:
– Hình như cha biết ai là thủ phạm, đúng không ạ?
– Không!
Câu trả lời vội vã và mạnh mẽ khiến Philip giật mình
– Không – Leo nói khi khoanh tay trên bàn làm việc. Bỗng nhiên vẻ yếu đuối, nhu nhược, bàng quan của Leo mà Philip biết rất rõ, biến mất – Cha không biết! Con nghe cha nói đấy chứ? Cha không suy đoán, cha không muốn biết!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.