OAN TRÁI

CHƯƠNG 8



Hester Argyle ngắm mình qua gương. Cái nhìn chằm chằm của cô ít chứa đựng điều gì phù phiếm. Nó là sự dò hỏi bồn chồn hơn là tính khiêm tốn của một người không nhận thức được bản thân. Cô hất tóc trên trán sang một bên và cau mày. Và khi trong gương xuất hiện một gương mặt khác, cô chùng chân rồi quay ngoắt lại sợ hãi.
– Ah – Kirsten Lindstrom nói – Cô sợ!
– Tôi sợ gì bà Kirsty?
– Cô sợ tôi. Cô nghĩ tôi đến sau cô một cách lặng lẽ và có thể đánh gục cô.
– Ồ, bà Kirsty, đừng ngớ ngẩn thế. Tất nhiên tôi không nghĩ như vậy đâu.
– Nhưng đúng là cô đã sợ hãi. Và cô có lý đấy. Hãy nhìn kỹ những chỗ tối, hãy né người nhanh khi thấy một cái gì là lạ. Bởi lẽ có lý do để sợ hãi trong căn nhà này. Chúng ta đều biết vậy.
– Trong bất cứ trường hợp nào, bà Kirsty thân mến ạ, tôi đều không sợ bà.
– Sao cô dám chắc? Không phải tôi đã được một bài báo về một bà phục vụ tận tâm, một ngày kia bỗng giết bà chủ sao? Bóp chết bà ta và cố moi mắt. Tại sao vậy? Vì, bà ta khai với cảnh sát rất nhẹ nhàng rằng, đôi khi bà thấy quỷ nhập vào bà chủ. Bà nhìn thấy quỷ dữ trong mắt chủ và bà biết rõ rằng, bà cần can đảm để giết quỷ.
– Ồ, tôi cũng nhớ chuyện đó. Nhưng bà ta là người điên.
– Ra thế. Nhưng bà ta không biết mình điên. Với mọi người xung quanh, bà ta không có vẻ điên vì ai mà biết được cái gì đang diễn ra trong bộ óc méo mó của bà. Tôi muốn nói rằng, cô cũng không biết tôi đang nghĩ gì. Dường như tôi đã điên rồi. Dường như một ngày nào đó tôi đã nhìn mẹ cô và nghĩ bà ấy là kẻ thù của Chúa, và tôi giết bà.
– Kirsty, điều đó thật ngớ ngẩn. Hoàn toàn ngớ ngẩn.
Kirsty Lindstrom thở dài ngồi xuống.
– Đúng – Bà thừa nhận – ngớ ngẩn thật. Tôi rất mến mẹ cô. Bà luôn đối xử tốt với tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nói với cô, Hester ạ, cô cần cố gắng hiểu và tin rằng, không thể nói “ngớ ngẩn” với bất cứ ai hay bất cứ việc gì. Cô không được tin tưởng tôi hay bất kỳ ai.
Hester quay lại nhìn người phụ nữ.
– Tôi thực sự tin rằng bà đang nói nghiêm túc.
– Tôi rất nghiêm túc – Kirsty nói – Chúng ta phải nghiêm túc và đưa vụ này ra ánh sáng. Sẽ không tốt nếu ta tự lừa dối rằng, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Người đàn ông đến đây, tôi nghĩ ông ta không đến thì hơn, nhưng ông ta đã đến và đã chứng minh được rằng Jacko vô tội. Vậy thì một người nào đó trong chúng ta đã giết người.
– Không đâu, bà Kirsty ạ, không. Có thể có một người…
– Sao nào?
– Người đó muốn ăn cắp, người đó căm thù mẹ vì những lý do quá khứ.
– Cô cho rằng mẹ cô đã mở cửa cho người đó?
– Có thể lắm. Bà cũng biết mẹ tôi là người thế nào mà. Nếu một người nào đó đến với một câu chuyện đáng thương, một câu chuyện về mấy đứa trẻ bị bỏ rơi hay bị đối xử tàn tệ. Bà không nghĩ mẹ sẽ cho người đó vào phòng và chăm chú nghe chuyện ư?
– Điều này không hợp lý. Ít nhất vì lý do gì bà lại ngồi xuống bàn để người đó vớ lấy thanh chọc lò và đánh vào gáy bà. Không, bà đã không đề phòng vì đó chính là người quen.
– Tôi ước bà nói sai – Hester kêu lên – Ôi, tôi cầu cho bà sai. Bà suy diễn hợp lý đến mức ghê gớm quá.
– Bởi vì vụ giết người được quy cho chúng ta. Không, tôi sẽ không nói gì thêm, nhưng tôi cảnh cáo cô rằng, cho dù cô nghĩ là đã hiểu rõ mọi người, cho dù cô nghĩ là có thể tin tưởng họ, cô đừng nên tự tin quá. Vậy hãy coi chừng, hãy cảnh giác với tôi, với Mary, với cha cô, và với Gwenda Vaughan.
– Làm sao tôi sống trong bấu không khí nghi kỵ như thế được?
– Nếu cô nghe tôi, tốt nhất là cô nên rời khỏi căn nhà này.
– Tôi không thể làm thế trong lúc này.
– Vì sao? Vì anh chàng bác sĩ trẻ tuổi à?
– Tôi không rõ bà định nói gì – Hester đỏ mặt.
– Tôi nói đến bác sĩ Craig. Anh ta trẻ trung và rất duyên dáng. Một bác sĩ giỏi, đáng mến và có lương tâm. Đừng lo. Nhưng dù sao tôi cũng cho rằng, cô nên rời khỏi căn nhà này thì hơn.
– Hoàn toàn ngớ ngẩn – Hester giận dữ kêu lên – ngớ ngẩn, ngớ ngẩn, ngớ ngẩn! Ôi, lúc này tôi chỉ ước Craig đừng đến đây nữa.
– Tôi cũng vậy. Với cả tấm lòng…
II
Leo Argyle ký lá thư cuối cùng mà Gwenda Vaughan đặt trước mặt ông.
– Hết rồi chứ? – Ông hỏi.
– Vâng.
– Hôm nay chúng ta làm việc không đến nỗi tồi đâu.
Sau vài phút dán tem và xếp gọn chồng thư. Gwenda hỏi:
– Anh không định đi nghỉ nước ngoài nữa à?
– Đi nghỉ nước ngoài?
Leo Argyle hoàn toàn mơ hồ. Gwenda nói:
– Đúng vậy. Anh không nhớ là anh đã tới Rome và Siena ư?
– Ồ phải, anh đã tới đó.
– Anh tới để xem xét các tài liệu lưu trữ. Giáo chủ Massilini báo cho anh mà.
– Đúng vậy, anh nhớ ra rồi.
– Và anh đã muốn em lấy vé khứ hồi máy bay hay tàu hỏa ấy nhỉ?
Như từ mấy xanh rơi xuống đất. Leo nhìn người phụ nữ và mỉm cười:
– Hình như lúc đó em muốn trốn anh, Gwenda ạ!
– Ồ không, anh yêu, ồ không.
Cô quay nhanh lại và quỳ xuống cạnh ông
– Không bao giờ em muốn anh xa em, không bao giờ. Nhưng… nhưng em nghĩ, em nghĩ nếu anh rời khỏi đây thì tốt hơn, sau khi… sau khi…
– Sau khi tiến sĩ Calgary đến đây tuần trước?
– Em chỉ ước là ông ta không đến. Em mong mọi việc sẽ đi vào lãng quên như trước.
– Với Jacko bị trừng phạt vì một việc nó không dính líu?
– Có thể cậu ấy đã làm. Cậu ấy có thể làm bất cứ lúc nào, và em nghĩ đó chỉ là một tai nạn, chứ cậu ấy không tự gây ra.
– Kỳ lạ quá – Leo tư lự – Anh chưa bao giờ tin nó lại làm thế. Tất nhiên anh phải thừa nhận các chứng cứ… nhưng đối với anh, hình như nó không phải là đáp số thích hợp…
– Tại sao? Cậu ấy luôn dữ tợn cơ mà?
– Đúng vậy. Nó hay đánh bọn trẻ. Bọn trẻ nhỏ hơn nó. Anh chưa bao giờ thấy nó đánh Rachel.
– Vì sao vậy?
– Vì nó sợ bà ấy. Bà có uy quyền lớn, em cũng biết đấy. Như những người khác, Jacko hiểu rõ điều này.
– Nhưng anh không nghĩ đó là lý do… em định nói… – Cô dừng lời.
Leo nhìn cô vẻ dò hỏi. Một điều gì đó trong mắt ông làm cô đỏ mặt. Cô quay người đi, lại gần lò sưởi và quỳ xuống hơ tay trên ngọn lửa. “Đúng – Cô thầm nghĩ – Rachel có uy quyền thực sự. Tự hài lòng với mình, tin tưởng vào bản thân. Giống như ong chúa điều khiển tổ vậy. Điều đó không đủ để một người vớ lấy thanh sắt và đánh gục bà, bắt bà phải im lặng vĩnh viễn sao? Rachel luôn đúng. Rachel luôn biết điều hợp lý nhất. Rachel luôn có phương sách riêng”.
Cô vùng đứng lên:
– Leo, sao chúng ta không thể cưới ngay?
Leo nhìn cô. Ông im lặng giây lát và nói:
– Không, Gwenda, không được. Anh cho rằng đó là một dự định không hay.
– Sao vậy?
– Nếu ta vội vã xông vào bất cứ cái gì…
– Anh muốn nói gì?
Cô đến bên ông và lại quỳ xuống:
– Leo, anh muốn nói gì? Anh kể cho em nghe đi.
Ông nói:
– Em yêu, anh vừa nghĩ rằng, chúng ta không được nhào vào bất cứ cái gì, như anh đã nói.
– Nhưng đám cưới sẽ được tổ chức vào tháng ba như dự định?
– Anh hy vọng thế…Phải, anh hy vọng thế.
– Có vẻ anh không tin chắc lắm… Leo, anh không quan tâm đến chuyện khác chứ?
– Ồ, em yêu. Tất nhiên anh có quan tâm. Em cứ làm như việc gì anh cũng làm được một cách dễ dàng ấy.
– Được thôi, rồi… – Gwenda nóng lòng.
– Không đâu – Ông đứng dậy – Chúng ta phải chờ đợi và tin tưởng.
– Tin vào gì?
Ông không trả lời. Cô nói:
– Anh không nghĩ… anh không thể nghĩ…
Leo nói:
– Anh, anh không nghĩ bất cứ điều gì.
Cửa được mở ra và Kirsten Lindstrom bước vào đặt khay lên bàn:
– Trà của ông
Bà quay về phía Gwenda:
– Tôi mang thêm cho cô hay cô xuống nhà dưới với tôi?
Gwenda nói:
– Tôi sẽ xuống nhà ăn. Chờ tôi lấy chồng thư đi gửi đã.
Với đôi tay không còn bình tĩnh, cô nhặt thư và bước ra ngoài. Kirsten Lindstrom nhìn theo và hỏi Leo:
– Ông nói gì với cô ấy thế? Ông doạ nạt cô ấy à?
– Không đâu – Giọng Leo đầy vẻ mệt mỏi – Không có gì đâu.
Kirsten nhún vai. Rồi không nói thêm một lời, bà ra khỏi phòng. Có thể cảm nhận được vẻ trách mắng lặng lẽ, khó nhận thấy của bà. Leo thở dài và dựa lưng vào ghế. Ông cảm thấy mệt mỏi. Ông rót trà nhưng không uống ngay. Và ông ngồi đó, chằm chằm nhìn vào ký ức rối bời của mình.
Câu lạc bộ mà ông thường lui tới nằm ở phía đông London… Nơi ông gặp Rachel Konstam lần đầu. Ông có thể nhớ rõ bà lúc đó. Một cô gái với chiều cao trung bình, đậm người, mặc bộ quần áo ông không thể nhận ra ngay là rất đắt tiền nhưng không hợp thời trang. Một cô gái mặt tròn, nghiêm khắc và nhiệt tình với sự háo hức và vẻ thơ ngây đã thu hút ông. Quá nhiều ưu điểm, quá nhiều điều hấp dẫn! Cô ngập ngừng nói với vẻ nồng cháy và trái tim ông đã ấm áp lên nhiều. Ông thấy ở cô có quá nhiều điểm ông ưa, mặc dù với khiếu châm biếm bẩm sinh, ông luôn ngờ liệu có chút gì thực sự đáng giá đằng sau những ưu điểm đó. Nhưng Rachel không hề đánh lừa ông. Nếu cô được trời phú cho một bản năng như thế, những điều tốt đẹp sẽ tự động đến sau gót cô.
Bà không khi nào coi trọng bản tính con người, bây giờ ông đã thấy rõ. Bà xem con người chỉ như những vấn đề cần giải quyết. Bà không chịu thừa nhận rằng mọi người không giống nhau về hình thể, khác nhau về hành động và có khí chất riêng. Ông còn nhớ, ông đã khuyên bà không nên hy vọng gì nhiều. Nhưng bà luôn hy vọng và gạt bỏ tức khắc lời khuyên của ông. Bà luôn quá lạc quan và bà luôn phải chịu thất vọng. Ông yêu bà nhanh chóng và đã đủ ngạc nhiên khi biết rằng, bà là con gái của một gia đình giàu có.
Họ đặt kế hoạch xây dựng một cuộc sống trên cơ sở những suy nghĩ cao cả, chứ không trên cơ sở một cuộc sống bình thường. Nhưng bây giờ ông có thể rõ là ông bị bà cuốn hút bởi cái gì. Đó là sự ấm áp của tâm hồn. Chỉ có điều là, và đây là tấn thảm kịch, sự ấm áp đó không dành cho ông. Bà yêu ông, rõ ràng là thế. Nhưng lũ trẻ – đó mới là đòi hỏi của bà đối với ông và đối với cuộc đời. Những đứa trẻ mà ông bà không thể có.
Họ đi khám nhiều nơi, cả bác sĩ nổi tiếng, cả bác sĩ chưa có danh, thậm chí cả những ông lang băm, nhưng cuối cùng bà cũng phải chấp nhận lời tuyên án. Bà không thể có con. Ông thương bà, rất thương bà và ông vui lòng chấp nhận lời đề nghị nuôi con nuôi của bà. Họ đã thực sự cọ xát với xã hội bị bỏ rơi lề đường khi đến New York, khi xe họ đâm ngã một em gái chạy ra từ trong một túp lều ở một khu nghèo khó nhất thành phố.
Rachel nhảy ra ngoài quỳ xuống bên em bé. Em không bị thương mà chỉ đau thâm tím vài chỗ thôi. Đó là một em bé xinh đẹp, tóc vàng và mắt xanh. Rachel nhất quyết đòi đưa em tới bệnh viện để chắc chắn em không bị thương gì cả. Bà nói chuyện với họ hàng em bé, một bà dì nhếch nhác còn ông chồng rõ ràng là kẻ nghiện rượu. Họ không có cảm tình với em bé họ phải nuôi từ khi bố mẹ em mất đi. Rachel đề nghị đưa bé về với bà ít ngày và người dì đã đồng ý một cách sốt sắng.
– Không thể chăm sóc nó chu đáo ở đây được – Bà dì nói.
Vậy là Mary theo ông bà về khách sạn. Rõ ràng bé thích thú chiếc giường êm ái và căn phòng sang trọng. Rachel sắm quần áo cho bé. Rồi một ngày kia bé long trọng tuyên bố:
– Cháu không muốn về nhà. Cháu muốn ở lại đây với cô.
Rachel nhìn ông với một niềm vui sướng và nỗi khát khao bất ngờ. Ngay khi chỉ còn hai người trong phòng, bà nói:
– Chúng mình giữ bé lại. Cũng dễ thu xếp thôi. Chúng mình sẽ nuôi bé. Bé sẽ là con của chúng mình, người dì của bé có lẽ cũng chỉ mong có vậy.
Ông đã đồng ý ngay. Đứa trẻ ngoan ngoãn đón nhận sự phán quyết. Rõ ràng nó không có cảm tình với bà dì và ông chú đó. Họ bắt tay vào việc. Họ hỏi ý kiến các luật sư, ký các giấy tờ cần thiết, và từ đó Mary O’Shaughnessy trở thành Mary Argyle và cùng về Châu Âu với ông bà bằng tàu thủy. Ông nghĩ, cuối cùng Rachel tội nghiệp của ông sẽ hạnh phúc và quả thật bà đã hạnh phúc. Hạnh phúc một cách sôi nổi, gần như phát cuồng lên vì mê mẩn Mary. Và Mary nhận những con búp bê đắt tiền bà mua cho với vẻ biết ơn dịu dàng. Rồi, Leo nghĩ, đã luôn có một điều gì đó khuấy động ông, cho dù không nhiều lắm. Đứa trẻ dễ phục tùng. Nó không nhớ nhà và những người thân. Ông hy vọng sẽ tới lúc đứa trẻ sẽ hòa nhập hoàn toàn. Nhưng bây giờ ông không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó cả. Chấp nhận sự chăm sóc, thích thú với mọi thứ được mang đến, nhưng nó có yêu mẹ nuôi của nó không? Không, ông không thấy như vậy.
Từ lúc đó trở đi, Leo nghĩ, ông đã cố gắng hòa mình với cuộc sống của bà. Bà là một phụ nữ được trao bản năng làm mẹ chứ không phải làm vợ. Và sau khi đã trỗi dậy vì sự có mặt của Mary, niềm khao khát làm mẹ của bà chưa được thỏa mãn. Một đứa trẻ là không đủ đối với bà.
Tiếp theo, mọi việc bà làm đều liên quan với trẻ em. Bà quan tâm tới trẻ mồ côi, tới việc trợ cấp trẻ tàn tật, tới những đứa trẻ hư hỏng, tới trẻ bại liệt, trẻ dị dạng – luôn luôn là trẻ em. Đó là điều rất đáng ca tụng. Ông thấy rất đáng ca tụng, nhưng nó lại là trung tâm cuộc sống của bà kia. Dần dần ông tách mình vào những công việc riêng. Ông vùi mình trong thư viện. Ông hiến mình cho việc nghiên cứu, cho việc viết những chuyên khảo ngắn gọn và súc tích. Vợ ông – bận rộn, sốt sắng và hạnh phúc – chạy ngược chạy xuôi với những việc của bà. Ông nhã nhặn và đồng tình. Ông cổ vũ bà. “Đó là một kế hoạch rất tuyệt, em yêu ạ”. “Đúng, đúng, nhất định là anh sẽ bắt tay vào việc giúp em”. Thỉnh thoảng là một lời khuyên thận trọng “Anh nghĩ là em nên kiểm tra hoàn cảnh một cách kỹ lưỡng trước khi tự ủy nhiệm cho em. Không được cẩu thả, em nhé!”.
Bà tiếp tục hỏi ý kiến ông, nhưng đôi khi chỉ là chiếu lệ. Thời gian trôi đi và bà ngày càng có bản lĩnh hơn. Bà biết điều gì đúng, điều gì sai. Ông đã chôn sâu vào lòng một cách lịch sự những lời phê phán, đôi khi có cả những lời khiển trách nữa.
Rachel, ông nghĩ, không cần ông giúp đỡ nữa, không cần tình yêu của ông nữa. Bà quá bận rộn, quá hạnh phúc, quá nhiều sinh lực mất rồi.
Đằng sau vết thương mà ông không thể không cảm thấy, còn có cả sự thương hại bà nữa. Ông biết con đường bà đang dấn mình vào có thể là một con đường nguy hiểm.
Khi chiến tranh nổ ra năm 1939, bà Argyle bận rộn gấp đôi. Bà có ý định mở một nhà an dưỡng thời chiến cho trẻ em ở những khu nhà ổ chuột của London. Bà tiếp xúc với nhiều nhân vật có thế lực ở thủ đô. Ông Bộ trưởng Y tế vui lòng hợp tác với bà. Bà tìm kiếm và chọn mua được một ngôi nhà thích hợp với mục đích của mình. Một căn nhà hiện đại mới được xây dựng ở một vùng quê yên tĩnh chưa từng bị ném bom. Ở đó, bà chăm sóc mười tám trẻ em từ hai đến bảy tuổi. Lũ trẻ không chỉ là con cái của những gia đình nghèo khó mà còn của những gia đình bị tổn thất do chiến tranh nữa. Chúng là trẻ mồ côi hay con hoang; những đứa trẻ mà mẹ chúng không muốn nuôi hoặc đã chán nuôi. Những đứa trẻ từ những căn nhà mà ở đó chúng bị ngược đãi và chịu cảnh đánh đập. Ba bốn đứa bị tàn tật. Bà cố gắng chỉnh hình cho chúng cùng những người giúp việc, một bà Thụy Điển làm nghề xoa bóp và hai hộ lý được đào tạo tử tế. Sự chăm sóc không dừng ở mức độ dễ chịu mà luôn ở mức xa hoa. Một lần ông nói với bà:
– Em đừng quên rằng, Rachel ạ, những đứa trẻ này rồi sẽ quay về nơi chúng ta được nhận chúng. Đừng làm hư hỏng chúng.
Bà đã ấm áp đáp lời ông.
– Những thứ này chưa đủ cho lũ trẻ đáng thương này đâu.
– Đúng vậy.
Ông cố gắng thuyết phục bà:
– Có lẽ vậy. Nhưng em nên nhớ rằng chúng sẽ về với gia đình chúng.
Nhưng bà gạt đi:
– Chưa cần lo đến chuyện đó anh ạ. Rồi chúng mình sẽ xem xét sau.
Nhu cầu cấp bách của chiến tranh sớm mang lại những thay đổi. Do mệt mỏi vì phải chăm sóc những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh trong khi nhiều nơi cần đến họ, những hộ lý giúp việc đã đi nơi khác. Cuối cùng chỉ còn một bà hộ lý già và Kirsten Lindstrom. Sự giúp đỡ của các gia đình chấm dứt và Kirsten đã đến cứu ngay. Bà đã làm việc với sự quên mình.
Rachel luôn bận bịu và hạnh phúc. Cũng có những thời điểm hoang moang. Leo nhớ rõ như vậy. Một ngày kia, khi Rachel bối rối vì chú bé Micky bị sút cân và ăn không ngon miệng, bác sĩ được gọi tới. Người bác sĩ không phát hiện được gì, nhưng cũng khuyên bà Argyle rằng có thể chú bé nhớ nhà. Ngay lập tức bà phản đối.
– Không thể thế được. Ông không biết gia đình nó đấy thôi. Nó luôn bị đối xử tàn tệ, bị đánh đập. Đó là địa ngục thì đúng hơn.
– Tuy vậy – bác sĩ MacMaster nói – tuy vậy tôi không ngạc nhiên đâu. Cần gợi chuyện nó.
Rồi một ngày kia Micky đã nói. Thổn thức trên giường, đẩy Rachel ra bằng những quả đấm, nó gào lên:
– Cháu muốn về nhà. Cháu muốn về với mẹ và em Ernie của cháu.
Rachel rất lo lắng và hoài nghi.
– Nó không nhớ mẹ nó đâu. Bà ta không chăm bẵm nó. Bà ta đánh nó khi say.
Và ông nhẹ nhàng nói:
– Nhưng em đang chống lại tự nhiên, Rachel ạ. Bà ta là mẹ nó và nó yêu bà.
– Bà ta không phải là một bà mẹ!
– Nó là máu thịt của bà ta. Đó chính là cảm giác của nó. Đó là điều không gì thay thế được.
Và bà đối đáp ngay:
– Nhưng bây giờ nó phải coi em như mẹ nó.
Rachel tội nghiệp, Leo nghĩ, Rachel đáng thương, người có thể mua được nhiều thứ, có thể làm được nhiều việc… những việc vị tha, không vì bản thân bà; người có thể mang lại tình mẹ, sự chăm ẵm và một mái nhà ấm cúng cho lũ trẻ vô thừa nhận. Bà có thể mua được mọi thứ, nhưng bà không mua được tình cảm của chúng đối với bà.
Rồi chiến tranh chấm dứt. Bọn trẻ bắt đầu được đưa về London cho bố mẹ hay họ hàng chúng. Nhưng không phải là tất cả. Một số đứa vẫn không được thừa nhận và Rachel đề nghị ông:
– Leo, anh cũng biết là chúng như con đẻ mình vậy. Đây chính là lúc chúng mình có thể có một gia đình thực sự. Chúng mình giữ lại 4,5 đứa. Chúng mình nuôi chúng, chăm sóc chúng và chúng sẽ thực sự là con mình.
Ông đã cảm thấy một sự không thoải mái mơ hồ mà không biết vì sao. Ông không phản đối lũ trẻ nhưng cũng không thấy có một sai trái nào đó. Phải chăng có thể dễ dàng tạo lập một gia đình riêng bằng những phương sách phi tự nhiên?
– Em không nghĩ như thế là khá mạo hiểm sao?
Nhưng bà đáp lời ông:
– Mạo hiểm ư? Có vấn đề gì khi nó mạo hiểm? Đó là việc rất đáng làm.
Đúng, ông thừa nhận đó là việc đáng là, chỉ có điều ông không tin tưởng như bà. Nhưng ông đã đủ xa bà rồi, đã ẩn mình đủ sâu trong những lãnh địa riêng của mình rồi, nên ông không phản đối. Ông nói như đã nhiều lần nói:
– Em hãy làm điều em muốn, Rachel ạ!
Bà đắc thắng, tràn trề hạnh phúc. Lập kế hoạch, hỏi ý kiến mọi người, bận rộn chạy ngược chạy xuôi. Và bà đã có gia đình. Mary, đứa trẻ từ New York; Micky, chú bé nhớ nhà kêu gào trong giấc ngủ nhiều đêm, chú bé nhớ căn nhà ổ chuột và người mẹ bẳn tính dễ sợ của chú; Tina, em bé lai da màu có mẹ là gái điếm và cha là thủy thủ Ấn Độ. Hester, đứa trẻ có mẹ người Ailen sinh con ngoài giá thú và muốn làm lại cuộc đời. Và Jacko, cậu nhóc con mặt khỉ ưa đánh nhau; cậu nhóc mà những lời khôi hài luôn gây cho cả nhà những trận cười; cậu nhóc mà mồm mép đã cứu cậu khỏi bị phạt nhiều lần, mà về duyên dáng của phong thái đã làm mềm lòng cả người giữ gìn kỷ luật, bà Lindstrom. Jacko, cha cậu bị kết án tù và mẹ cậu bỏ đi với một người đàn ông khác.
Đúng, Leo nghĩ, đúng là một việc nên làm khi nhận lũ trẻ, chăm sóc chúng như cha đẻ. Rachel có lý do để vui mừng. Chỉ có điều bà không chấp nhận cách người ta đề nghị… với những đứa trẻ thực tế không phải là con của họ. Dòng máu ham lao động của tổ tiên Rachel không chảy trong chúng; không có những ước vọng mà với chúng, những thành viên ít tên tuổi nhất của gia đình bà đã giành được những chỗ đứng vững chắc trong xã hội; không có lòng tốt và sự chính trực dù là mơ hồ mà ông nhớ cha và ông bà ông đã có; không hề thấy sự rực rỡ của trí tuệ vốn sẵn thấy ở tổ tiên ông.
Những gì có thể làm thì đã được làm cho lũ trẻ, nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Khi chúng nói đến nhà an dưỡng, trong chúng ẩn chứa những hạt giống yếu ớt nào đó. Và dưới sự đè nén, những hạt giống này có thể nở hoa. Jacko – cậu bé Jacko duyên dáng, lanh lợi, với những lời châm biếm vui nhộn, phong thái dễ ưa, với thói quen dễ dàng đánh lừa mọi người – về bản chất là loại người trước sau gì cũng phạm tội. Có thể thấy rõ điều đó từ những trò đánh lừa, trộm cắp lúc bé; Tất cả là do sự giáo dục tồi. Rachel tin rằng có thể uốn nắn được. Nhưng chưa bao giờ làm được điều đó.
Kỷ lục của cậu ở trường phổ thông rất xấu. Cậu bị đuổi khỏi đại học và kể từ ngày đó, đã có một chuỗi những cuộc cãi vã đau lòng khi Rachel và ông, với sự cố gắng tối đa, đã dành cho cậu bé tình yêu và trách nhiệm của họ, để tìm một công việc thích hợp, một công việc có thể giúp cho cậu thành đạt nếu cậu vượt được bản thân. Dường như, Leo nghĩ, họ quá mềm dẻo. Nhưng cũng không hẳn thế. Đối với cậu bé, cứng rắn hay mềm dẻo thì cũng vậy mà thôi. Cậu muốn gì là phải được! Nếu cậu không giành được bằng các phương sách hợp pháp, cậu sẽ vui lòng làm với bất cứ phương sách nào. Cậu không đủ thông minh để giành giật được thắng lợi trong hành động tội lỗi của mình, ngay với những việc không đáng kể. Và cái ngày cuối cùng ấy đã đến, cậu bùng nổ, sợ hãi cảnh ngồi tù và đã giận dữ đòi hỏi số tiền cần thiết. Cậu dọa nạt, bỏ đi và gào lên rằng cậu sẽ quay lại. Và lúc đó tốt nhất là bà mẹ nên đưa tiền cho cậu. Hoặc có cái khác.
Rồi Rachel chết. Quá khứ đã quá xa xăm với ông mất rồi, những năm chiến tranh đằng đẵng với bọn trẻ lớn cạnh ông. Còn bản thân ông? Cũng xa vắng và không còn chút màu sắc nào. Cứ cho là sự năng động và tình yêu cuộc sống mà Rachel truyền cho ông, nay đã rời bỏ ông, ông lại càng cần cảm giác ấm nóng của tình yêu hơn bao giờ hết.
Thậm chí bây giờ ông có thể nhớ được, dù có khó khăn, thời điểm ông chợt nhận thấy tất cả những gì đã qua gần gũi ông đến mức nào… sát ngay bên ông… Không dành cho ông, nhưng là có thực.
Gwenda… người nữ thư ký tuyệt vời, phục vụ ông, luôn ở bên ông, dễ thương, được việc. Có một điều gì đó trong cô gợi ông nhớ lại buổi đầu gặp gỡ Rachel. Cũng sự ấm áp ấy, cũng nhiệt tình ấy, cũng sự nồng nàn bên trong ấy. Chỉ có điều ở Gwenda, tất cả được dành cho ông. Không cho những đứa trẻ ước lệ mà một ngày kia cô có thể có, mà là cho ông. Giống như cảm giác ấm nóng khi hơ tay trước lò sưởi vậy… Đôi tay lạnh cóng và cứng đờ vì thiếu hoạt động. Lần đầu tiên ông nhận thấy cô vẫn chăm sóc ông là vào lúc nào nhỉ? Rất khó nói. Nhưng đó không là một khám phá bất ngờ.
Rồi một ngày kia ông nhận ra ông yêu cô.
Và khi Rachel còn sống, họ không thể cưới nhau được.
Leo thở dài, ngồi dậy và uống cạn chén trà nguội ngắt từ lúc nào…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.