Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo
8. PHẨM CHẤT QUAN TRỌNG CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO:
TẦM NHÌN
Tác giả Robert K. Greenleaf trong cuốn The Servant as Leader (Lãnh đạo – kẻ nô bộc) đã nói: “Nhìn xa trông rộng là khả năng dẫn dắt của nhà lãnh đạo. Một khi nhà lãnh đạo mất khả năng này và những điều không mong muốn xảy ra thì ông ta chỉ là nhà lãnh đạo trên danh nghĩa mà thôi. Ông ta không lãnh đạo, ông ta chỉ phản ứng với tình huống tức thời và tất nhiên ông ta không thể tồn tại lâu trên cương vị lãnh đạo. Có hàng loạt dẫn chứng về tình trạng mất vai trò lãnh đạo do không có tầm nhìn tương lai và không hành động dựa trên những hiểu biết đó khi có cơ hội để hành động”.
Theo quan sát của tôi trong hai mươi năm qua, các nhà lãnh đạo thành công đều có tầm nhìn về những việc họ phải hoàn thành. Tầm nhìn ấy trở thành sức mạnh của sự cố gắng và thúc đẩy họ vượt qua khó khăn. Với tầm nhìn, nhà lãnh đạo đang thực hiện một sứ mệnh đặc biệt, tinh thần ấy lan truyền và được mọi người cảm nhận cho đến khi họ cùng thực hiện sứ mệnh với nhà lãnh đạo của mình. Đoàn kết là sức mạnh biến ước mơ thành hiện thực. Nhân viên thì làm việc hăng say, phấn chấn để hoàn thành mục tiêu. Quyền lợi cá nhân được đặt sang một bên vì tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung. Thời gian sẽ vụt bay; tinh thần làm việc thăng hoa, các câu chuyện thần kỳ được kể và tinh thần trách nhiệm trở thành khẩu hiệu. Tại sao vậy? Tất cả chỉ vì lãnh đạo của họ có một tầm nhìn!
Tất cả là tầm nhìn. Không có nó, sức mạnh bị suy giảm, thời hạn bị bỏ lỡ, đòi hỏi cá nhân bắt đầu trỗi dậy, năng suất giảm và nguồn nhân lực bị phân tán.
Khi được hỏi: “Điều gì, tồi tệ hơn việc bị mù bẩm sinh?” Nhà văn, nhà diễn thuyết và nhà hoạt động xã hội Helen Keller đã trả lời: “Sáng mắt nhưng không có tầm nhìn”. Đáng buồn thay, rất nhiều người là lãnh đạo nhưng lại không có tầm nhìn cho tổ chức họ sẽ lãnh đạo. Tất cả các nhà lãnh đạo lỗi lạc đều sở hữu hai thứ: họ biết mình đang đi đâu và họ có khả năng thuyết phục người khác đi cùng họ. Họ giống như bảng quảng cáo của một phòng khám mắt: “Nếu bạn không nhìn thấy những gì bạn muốn, bạn đã tìm đến đúng địa chỉ rồi đấy”. Chương này sẽ đề cập đến khả năng của nhà lãnh đạo để nhìn xa trông rộng và quy tụ mọi người.
Có lẽ, danh từ “tầm nhìn” đã bị lạm dụng quá nhiều trong những năm qua. Mục tiêu đầu tiên của một buổi hội thảo về quản lý là đưa ra phát ngôn về mục đích của tổ chức. Mọi người sẽ nhìn bạn giống như người ngoài hành tinh nếu bạn không thể nhớ được mục đích tồn tại của tổ chức mình và in nó trên một tấm danh thiếp.
Tại sao bạn phải chịu đựng tất cả áp lực này để đưa ra mục đích tồn tại cho tổ chức của mình? Có hai lý do. Tầm nhìn là nét đặc trưng, tiếng nói chung của tổ chức. Đó là thông điệp rõ ràng gửi đến thị trường cạnh tranh rằng bạn có tiếng nói riêng giữa muôn vàn lời mời chào khách hàng. Và đó chính là lý do để bạn tồn tại. Thứ hai, tầm nhìn trở thành công cụ kiểm soát, nó thay thế cho bản hướng dẫn với hàng nghìn trang giấy được đóng khung và hạn chế sự sáng tạo. Trong một kỷ nguyên khi sự phân quyền ở cấp thấp nhất là điều kiện tồn tại thì tầm nhìn là chìa khóa giữ cho mọi người tập trung vào mục tiêu.
NHỮNG PHÁT NGÔN VỀ TẦM NHÌN
Những gì bạn nhìn thấy là điều bạn có thể đạt được. Phần này đề cập đến tiềm năng của bạn. Tôi luôn tự hỏi: Tầm nhìn tạo nên nhà lãnh đạo, hay nhà lãnh đạo tạo nên tầm nhìn? Và tôi tin rằng, tầm nhìn là cái có trước. Nhiều nhà lãnh đạo đánh mất tầm nhìn, và cuối cùng cũng đánh mất luôn khả năng lãnh đạo của mình. Mọi người thường làm theo những gì họ nhìn thấy. Đây là nguyên tắc tạo động lực hiệu quả nhất. Theo nghiên cứu của Học viện Stanford Research, 89% những điều chúng ta học được thông qua thị giác, 10% thông qua thính giác và chỉ có 1% thông qua các giác quan khác.
Nói cách khác, con người phát triển nhờ sự kích thích thông qua thị giác. Một tầm nhìn cộng với một nhà lãnh đạo sẽ sẵn sàng biến giấc mơ thành hiện thực. Mọi người không đi theo giấc mơ nhưng họ đi theo một nhà lãnh đạo có giấc mơ và có khả năng truyền đạt rõ ràng giấc mơ ấy. Như vậy, trong giai đoạn đầu tiên, tầm nhìn tạo nên nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, để tầm nhìn đó phát triển và có khả năng thuyết phục người khác, nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm với nó.
BỐN CẤP ĐỘ TẦM NHÌN CỦA CON NGƯỜI
1. Một số người không bao giờ nhìn thấy nó (Họ là những kẻ lang thang).
2. Một số người nhìn thấy nó nhưng không theo đuổi nó (Họ là những người đi theo).
3. Một số người nhìn thấy nó và theo đuổi nó (Họ là những người thành đạt).
4. Một số người nhìn thấy nó, theo đuổi nó và giúp người khác cùng nhìn thấy nó (Họ là những nhà lãnh đạo).
Hubert H. Humphrey là điển hình của “những gì bạn nhìn thấy là điều bạn có thể đạt được”. Trong một chuyến đi tới Washington D.C, năm 1935, ông đã viết thư cho vợ: “Em thân yêu, anh mường tượng ra rằng, một ngày gần đây, nếu anh và em cùng dồn tâm trí vào công việc và quyết định giành lấy những thứ tốt đẹp thì một ngày nào đó chúng ta có thể sống ở Washington và cũng rất có thể sẽ là thành viên Chính phủ, chính trị gia hay làm việc trong ngành dịch vụ. Ôi, anh hy vọng giấc mơ của anh sẽ thành hiện thực – Anh sẽ làm tất cả để thực hiện nó”.
BẠN NHÌN THẤY ĐIỀU BẠN SẴN SÀNG NHÌN THẤY
Phần này đề cập đến vấn đề nhận thức. Konrad Adenauer đã đúng khi nói: “Chúng ta cùng sống chung dưới một bầu trời nhưng chúng ta lại không có chung một chân trời”.
Nhà sản xuất ô tô thiên tài Herny Ford đã lên kế hoạch có tính đột phá về một kiểu động cơ mới. Đó chính là loại động cơ V-8 ngày nay. Ford rất háo hức muốn biến ý tưởng này thành hiện thực. Ông đã mời vài đồng nghiệp cùng vẽ thiết kế và trình bày trước các kỹ sư.
Các kỹ sư nghiên cứu bản thiết kế và đều có chung một kết luận. Nhà lãnh đạo hão huyền của họ ít hiểu biết về các nguyên lý kỹ thuật cơ bản. Họ sẽ nhắc khéo rằng, ý tưởng của ông khó trở thành hiện thực.
Ford nói: “Hãy sản xuất nó bằng mọi giá”.
Họ liền trả lời: “Điều đó không thể thực hiện được”.
“Hãy thực hiện đi!”, Ford ra lệnh, “Hãy thực hiện điều đó cho đến khi thành công dù phải mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa”. Họ phải đánh vật với vô số bản vẽ thiết kế suốt sáu tháng. Không có gì xảy ra. Sáu tháng tiếp theo cũng không có gì biến chuyển. Gần cuối năm, Ford đến kiểm tra, nghiệm thu kết quả và một lần nữa các kỹ sư nói với ông, những điều ông muốn không thể thực hiện được. Ford nói với họ cứ tiếp tục công việc. Họ lại tiếp tục. Và cuối cùng, họ đã khám phá ra cách chế tạo động cơ V-8.
Henry Ford và các kỹ sư của ông đều sống chung dưới một bầu trời nhưng họ lại không có chung một chân trời.
Trong cuốn A Savior for All Seasons (Vị cứu tinh cho mọi mùa), William Barker đã kể chuyện về một giám mục (Đạo Tin lành) ở East Coast đến thăm trường Đại học tôn giáo ở MidWestern. Ông ở lại nhà của hiệu trưởng đồng thời là giáo sư dạy hóa học và vật lý. Sau bữa ăn tối, vị giám mục tuyên bố rằng, thiên niên kỷ mới không còn xa nữa, bởi tất cả mọi thứ trong thế giới tự nhiên đã được khám phá và rất nhiều thứ được sáng chế.
Thầy hiệu trưởng trẻ tỏ vẻ không đồng tình một cách lịch thiệp và nói, ông vẫn cảm thấy có nhiều thứ sẽ được khám phá. Vị giám mục bị chọc tức đã thách thức thầy hiệu trưởng trẻ phải kể tên một phát minh như thế. Thầy hiệu trưởng ôn tồn nói: “Tôi chắc chắn trong khoảng 50 năm nữa con người có thể bay được”.
“Thật điên rồ!”, vị giám mục lắp bắp, “Chỉ có thiên thần mới có thể bay được mà thôi”.
Vị giám mục đó là Wright và ông có hai người con trai – những người có một tầm nhìn vĩ đại hơn cha của họ. Tên của họ là Orville và Wilbur. Họ và cha cùng sống chung dưới một bầu trời nhưng lại không có chung một chân trời.
Tại sao lại như vậy? Tại sao hai người cùng sống ở một địa điểm, trong cùng một thời gian nhưng lại nhìn thấy những thứ hoàn toàn khác nhau? Câu trả lời rất đơn giản. Chúng ta nhìn thấy những điều chúng ta sẵn sàng nhìn thấy mà không phải thứ nào khác. Các nhà lãnh đạo thành công hiểu rất rõ về mọi người và tự đặt ba câu hỏi: Mọi người nhìn thấy gì? Tại sao họ lại nhìn thấy nó? Tôi có thể thay đổi nhận thức của họ bằng cách nào?
ĐIỀU BẠN NHÌN THẤY LÀ ĐIỀU BẠN CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC
Ví dụ minh họa dưới đây là từ cuốn Dream Great Dreams (Mơ những giấc mơ vĩ đại) của Luis Palau.
Thật tuyệt vời và sảng khoái khi uống một chai Coca-Cola lạnh. Hàng trăm triệu người trên thế giới đã thưởng thức nó nhờ vào tầm nhìn của Robert Woodruff. Trong suốt thời gian là Chủ tịch hãng Coca-Cola (1923-1955), Woodruff đã táo bạo tuyên bố: “Tất cả nhân viên mặc đồng phục đều có thể uống một chai Coca-Cola với giá năm xu bất kể họ ở đâu và chi phí vận chuyển là bao nhiêu”. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Woodruff nói rằng, trước khi chết ông muốn nhìn thấy tất cả mọi người trên thế giới được thưởng thức hương vị của Coca-Cola. Bằng kế hoạch thận trọng và quyết tâm bền bỉ, Woodruff và các cộng sự của ông đã đem Coca-Cola đến với mọi người trên toàn cầu.
Khi ra mắt Disney World, bà Walt Disney đã được mời phát biểu khai mạc vì chồng bà đã qua đời. Khi giới thiệu bà, người dẫn chương trình nói: “Thưa bà Disney, tôi ước rằng giá như ông Walt đáng kính của chúng ta có thể nhìn thấy điều này”, bà Disney đứng dậy và nói: “Ông ấy đã nhìn thấy điều đó”, rồi ngồi xuống. Walt Disney nhìn thấy nó. Robert Woodruff nhìn thấy nó, thậm chí Flip Wilson cũng nhìn thấy nó. Điều bạn nhìn thấy là điều bạn có thể giành được.
Tôi muốn hỏi bạn một câu trước khi chúng ta tiếp tục với vấn đề sở hữu một tầm nhìn: “Giấc mơ của tôi có tạo nên sự khác biệt trong thế giới mà tôi đang sống không?”
Bobb Biehl, trong cuốn Increasing Your Leadership Confidence (Tăng cường sự tự tin của bạn trong lãnh đạo) đã viết: “Hãy chú ý sự khác biệt giữa tinh thần của người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Những người chiến thắng thì chú ý vào thắng lợi huy hoàng – không chỉ là chiến thắng như thế nào mà còn làm thế nào để chiến thắng vẻ vang. Tuy nhiên, những kẻ thua cuộc không nghĩ đến thất bại, họ chỉ cố gắng không bị thua cuộc mà thôi”.
Hãy tự hỏi mình: “Sống sót, thành công, hay giá trị?” Bạn đang cố gắng chỉ để sống sót, bạn đang mơ ước thành công hay bạn thật sự muốn tạo nên một thay đổi có ý nghĩa?
Moishe Rogen dạy chúng ta thực hành bài tập tinh thần trong một câu và nó là công cụ có hiệu quả cho ước mơ. Nó đơn giản là:
Nếu tôi có______________________
Tôi sẽ_________________________
Nếu bạn có bất cứ thứ gì bạn muốn – thời gian, tiền bạc, thông tin, nhân sự – bạn sẽ làm gì? Câu trả lời cho câu hỏi đó chính là giấc mơ của bạn. Hãy làm cho nó thật sự có ý nghĩa.
Một lần Lucy và Linus cùng chơi trò “ước tìm” với một cái xương ức gà và cùng kéo nó khi ước một điều gì đó. Lucy giải thích cho Linus rằng, nếu cậu ấy nhận được phần xương to hơn thì lời ước của cậu sẽ thành hiện thực. “Em có phải nói to lời ước của em không?”, Linus hỏi. “Tất nhiên rồi, nếu em không nói to thì lời ước của em không thành hiện thực đâu”, Lucy đáp và đọc lời ước của mình trước: “Con ước gì con có bốn chiếc áo len, một chiếc xe đạp, một đôi giày trượt tuyết, một cái váy mới và một trăm đô-la”. Rồi đến lượt cậu bé Linus ước. Cậu bé nói: “Con ước tất cả các bạn của con đều sống lâu, ước cho thế giới được hòa bình, ước cho thế giới có thêm nhiều thành tựu y học mới”. Trong khi đó, Lucy cầm cái xương gà quẳng đi và nói: “Linus, đó là sự phiền toái của em. Em luôn làm hỏng tất cả mọi chuyện”.
SỞ HỮU TẦM NHÌN CÁ NHÂN
Bạn tôi, Rick Warren, nói: “Nếu bạn muốn biết nhiệt độ của một tổ chức, hãy đặt chiếc nhiệt kế trong miệng nhà lãnh đạo”. Nhà lãnh đạo không thể đưa người của họ đi xa hơn nơi mà họ đã đến. Và như vậy, tiêu điểm của tầm nhìn phải được tập trung vào nhà lãnh đạo – lãnh đạo thế nào, nhân viên thế ấy. Người đi theo nhìn thấy nhà lãnh đạo trước rồi mới nhìn thấy tầm nhìn. Còn nhà lãnh đạo tìm thấy tầm nhìn trước khi tìm thấy mọi người.
Mọi người thường hỏi rất nhiều câu hỏi khi tôi thuyết trình về vấn đề lãnh đạo trên khắp cả nước. Một trong những câu hỏi mà tôi thường được các nhà lãnh đạo hỏi là: “Làm thế nào tôi có thể xây dựng một tầm nhìn cho tổ chức của mình?” Đó là một câu hỏi hay. Cho đến khi có câu trả lời thì một người mới chỉ là lãnh đạo trên danh nghĩa mà thôi. Mặc dù tôi không thể cho bạn một tầm nhìn nhưng tôi có thể chia sẻ về quá trình bạn và những người xung quanh bạn có thể nhận được một tầm nhìn.
Hãy lắng nghe: bạn đang cảm thấy gì?
Theodore Hesburgh, hiệu trưởng trường Đại học Notre Dame ở Pháp, đã nói: “Điều cốt yếu nhất của lãnh đạo là bạn có một tầm nhìn. Đó phải là một tầm nhìn có thể mô tả rõ ràng và thuyết phục trong mọi tình huống. Bạn không thể thổi kèn trumpet một cách cầm chừng”. “Thổi kèn cầm chừng” thường là kết quả của một cá nhân thiếu tầm nhìn hoặc cố gắng lãnh đạo bằng ước mơ của người khác. Tiếng kèn mạnh và dứt khoát xuất phát từ nhà lãnh đạo có một tầm nhìn. Có sự khác nhau rõ rệt giữa người có tầm nhìn và người mơ mộng hão huyền.
• Một người có tầm nhìn nói ít nhưng làm nhiều
• Một người mơ mộng làm ít nhưng lại nói nhiều
• Một người có tầm nhìn tìm sức mạnh từ niềm tin nội tại
• Người mơ mộng thì tìm sức mạnh từ điều kiện bên ngoài
• Người có tầm nhìn vẫn tiếp tục thực hiện công việc cho dù gặp phải một số vấn đề rắc rối
• Người mơ mộng bỏ cuộc khi con đường khó đi
Rất nhiều người vĩ đại bắt đầu cuộc đời trong cảnh nghèo khổ cùng cực, ít được học hành và không có một lợi thế nào.
Thomas Edison bán báo trên tàu hỏa khi còn nhỏ. Andrew Carnegie bắt đầu làm việc với mức lương bốn đô-la một tháng, còn John D. Rockefeller được trả sáu đô-la một tuần. Điều đáng tự hào của Abraham Lincoln không phải là việc ông được sinh ra trong một ngôi nhà bằng gỗ ghép lại mà là ông đã từ ngôi nhà đó để tiến lên bục vinh quang.
Demosthenes, một nhà hùng biện lẫy lừng trong lịch sử thế giới cổ đại có tật nói lắp. Lần đầu tiên bước lên diễn thuyết, ông đã bị mọi người chê cười và nhạo báng. Julius Caesar là một người động kinh. Napoleon sinh ra trong một gia đình rất bình thường và không phải là thần đồng (ông đứng thứ 46 trong tổng số 65 học viên ở Học viện Quân sự). Beethoven và Thomas Edison đều là những người bị điếc. Charles Dickens và Handel đều bị què. Homer là một người mù; Plato bị gù; còn Walter Scott bị liệt.
Điều gì đã giúp các cá nhân vĩ đại này vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc đời để đạt được thành công? Mỗi người đều có giấc mơ của riêng mình. Đó là ngọn lửa không gì có thể dập tắt được. Tầm nhìn vĩ đại khởi đầu là một “công việc trong tâm tưởng”. Tác giả Napoleon Hill, người được mệnh danh là người tạo ra các tỷ phú của nước Mỹ, nói: “Hãy ôm ấp giấc mơ và tầm nhìn của bạn như là những đứa con tinh thần! Chúng là kế hoạch dẫn đến sự thành công viên mãn”.
HÃY NHÌN LẠI: BẠN ĐÃ HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?
Người không có kinh nghiệm xem xét tầm nhìn bằng ánh mắt duy tâm. Đối với người này, chỉ tầm nhìn là đủ. Người này đã ném tầm nhìn của mình cho kẻ khác, hy vọng giấc mơ tự nó thực hiện và không nhận thức được rằng tầm nhìn cần có sự trợ giúp. Người từng trải nhận ra rằng mọi người thường tìm kiếm một nhà lãnh đạo trước khi tìm kiếm một tầm nhìn. Những nhà lãnh đạo kinh nghiệm cũng nhận ra rằng mọi người dễ thay đổi và giấc mơ của họ cũng thật mong manh. Sự từng trải đã dạy tôi các nguyên tắc về tầm nhìn.
• Sự tin cậy của tầm nhìn là do nhà lãnh đạo
• Sự chấp nhận tầm nhìn là do thời cơ khi nó được đưa ra
• Giá trị tầm nhìn được là do sức mạnh và định hướng của nó
• Việc đánh giá giá trị của một tầm nhìn được xác định bởi mức độ tận tâm của mọi người
• Sự thành công của tầm nhìn được quyết định bởi những người sở hữu nó – nhà lãnh đạo và những người đi theo anh ta
Leonard Lauder, Chủ tịch hãng Estee Lauder, nói: “Khi một người có kinh nghiệm và một người có tiền gặp nhau thì người có kinh nghiệm sẽ đổi kinh nghiệm lấy tiền còn người có tiền sẽ đổi tiền lấy kinh nghiệm”.
HÃY NHÌN XUNG QUANH: ĐIỀU GÌ ĐANG XẢY RA VỚI MỌI NGƯỜI?
Một cậu bé lần đầu tiên đến dự một buổi hòa nhạc thính phòng. Cậu choáng ngợp trước hội trường lộng lẫy, những con người trong trang phục chỉnh tề và âm thanh của ban nhạc hoành tráng. Trong tất cả nhạc cụ của ban nhạc, cậu ưa thích nhất là cái chũm chọe. Âm thanh đầu tiên của vở kịch vang lên là tiếng đập vào nhau của đĩa đồng, đã hút hồn cậu bé. Mặc dù vậy, cậu bé thấy trong hầu hết thời gian của buổi hòa nhạc, người nghệ sĩ chơi chũm chọe chỉ đứng yên trong khi các nhạc công khác thì rất bận rộn. Thỉnh thoảng nghệ sĩ này được xướng để đóng góp vào bản nhạc, và thậm chí, thời gian vinh danh ông cũng rất ngắn.
Sau buổi hòa nhạc, cha mẹ đưa cậu vào hậu trường để gặp gỡ một vài nghệ sĩ. Cậu bé ngay lập tức đi tìm vị nhạc công chũm chọe. “Thưa ông!”, cậu bé lễ phép, “Ông phải học bao nhiêu lâu thì có thể chơi được nhạc cụ này?” Vị nhạc công cười và trả lời: “Cháu không cần phải biết tất cả. Cháu chỉ cần biết khi nào muốn biết thôi”.
Một ý tưởng hay trở nên tuyệt vời khi mọi người đều sẵn sàng. Người không có tính kiên nhẫn thì không thể là nhà lãnh đạo hoàn hảo. Sức mạnh lãnh đạo không thể hiện ở việc sải bước về phía trước mà là điều chỉnh các bước đi dài của bạn cho phù hợp với bước đi chậm hơn của người khác nhưng không đánh mất vai trò lãnh đạo. Nếu chúng ta chạy lên trước quá xa, chúng ta sẽ mất đi sức mạnh ảnh hưởng.
HÃY NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC: BỨC TRANH TOÀN CẢNH TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Câu hỏi này để phân biệt nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Nhà lãnh đạo thường quan tâm tới mục đích chính của tổ chức – tại sao nó tồn tại và nó sẽ đạt được điều gì. Họ không bận tâm với “phương pháp thực hiện” hay các vấn đề hóc búa và vấn đề cơ bản của quá trình sản xuất.
HÃY NHÌN LÊN TRÊN: TẠO HÓA MONxG CHỜ GÌ Ở BẠN?
Richard E. Day, luật sư, giáo sư trường Đại học Luật Nam Carolina nói: “Tất cả các thời kỳ hoàng kim trong lịch sử nhân loại đều xuất phát từ sự cống hiến và niềm đam mê chính đáng của một số cá nhân. Nó thật sự không phải là sự chuyển biến ồ ạt. Luôn luôn chỉ có một người, anh ta biết Chúa là ai và biết mình đang đi đâu”.
Món quà mà tạo hóa dành cho tôi là tiềm năng của tôi và món quà tôi gửi cho Người là những điều tôi đã làm bằng tiềm năng ấy. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo vĩ đại nhận ra “tiếng gọi thiêng liêng” – tiếng nói giúp họ vượt lên chính mình. Cuộc đời thật lãng phí khi cố gắng leo lên từng nấc thang danh vọng, nhưng khi leo lên bậc cuối cùng bạn phát hiện ra chiếc thang ấy dựng sai chỗ. Tầm nhìn vĩ đại luôn quan trọng hơn con người. Và định nghĩa sự thành công của tôi là:
Biết về Chúa và ý định của Ngài đối với tôi;
Trỗi dậy bằng tất cả khả năng của mình;
Gieo hạt giống để sinh hoa trái cho mọi người.
HÃY NHÌN SANG BÊN CẠNH: BẠN CÓ THỂ TIẾP CẬN NGUỒN LỰC NÀO?
Một tầm nhìn nên vượt qua cái bóng của người sở hữu nó. Tầm nhìn phải là kết quả của nhiều người đóng góp. Rất nhiều lần tôi đã đọc bài phát biểu về ước mơ, mục tiêu đưa người Mỹ đặt chân lên mặt trăng trong thập niên 1960 của Tổng thống John F. Kennedy. Giấc mơ ấy đã thu hút được sự quan tâm của mọi người, nguồn lực của đất nước và đã biến thành hiện thực.
Nhà lãnh đạo kinh nghiệm luôn tìm kiếm mọi người cùng thực hiện, để biến giấc mơ thành hiện thực. Ưu tiên lớn nhất của tôi trong kế hoạch 25 triệu đô-la cho việc di rời vị trí giáo đoàn (mà tôi là mục sư) là phát triển và tìm kiếm người để giúp tôi biến khát vọng ấy thành hiện thực. Tôi liên tục đánh giá tiến độ di dời dự án bằng sự quyết tâm của mọi người. Các nhà lãnh đạo thường do dự khi đánh giá sự tận tâm của mọi người. Kết quả là họ không bao giờ chắc chắn kế hoạch sẽ đi đến đâu, hay lợi ích của mọi người là gì. Tôi có được kết luận này sau khi chúng tôi đã huy động được bốn triệu đô-la đầu tiên. Chúng tôi làm việc hăng say và tôi biết mọi người đang ở đâu.
Nhà lãnh đạo tiếp tục truyền đạt tầm nhìn đó cho những người xung quanh và biết rằng, nếu tầm nhìn được truyền đạt hiệu quả thì sự lan tỏa rất lớn.
Trong bộ phim Tucker: Người đàn ông và giấc mơ. Nhân vật Abe là một thương gia nhỏ và kế toán thư cho Preston Tucker – người đã mê hoặc anh bằng giấc mơ về một chiếc ô tô đời mới, giá rẻ với hệ thống phun nhiên liệu, động cơ được lắp phía sau, phanh đĩa, có cửa sổ hậu, dây an toàn và thiết kế khí động học.
Mặc dù hiểu nhầm lời căn dặn của mẹ mình nhưng Abe vẫn ủng hộ lý tưởng của Tucker.
Abe đã nghĩ mẹ căn dặn rằng: “Đừng quá gần bất cứ ai, con sẽ ‘lây nhiễm’ giấc mơ của họ”.
Nhiều năm sau, Abe mới nhận ra ý của mẹ nói đến những con vi trùng chứ không phải là những giấc mơ.
SỞ HỮU TẦM NHÌN DOANH NGHIỆP
Tầm nhìn là một bức tranh rõ nét của nhà lãnh đạo về những điều đang tồn tại hoặc đang diễn ra trong tổ chức của họ. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Leadership, sự truyền đạt tầm nhìn là một trong những công việc khó nhất khi tổ chức, lãnh đạo.
Gần đây, tôi được mời đến nói chuyện trong một chương trình phát thanh. Giờ giải lao, người dẫn chương trình đã chia sẻ với tôi khó khăn của anh về vấn đề này. Anh nói: “Tôi có một tầm nhìn cho mọi người nhưng rất khó để truyền đạt nó đến mọi người”. Sự thật là: các nhà lãnh đạo có khả năng truyền đạt hiệu quả mục tiêu cho nhân viên luôn đạt được thành quả cao hơn những người không có khả năng đó.
Tầm nhìn của nhà lãnh đạo thành công được chia thành ba cấp độ:
Cấp độ 1: Sự nhận thức – nhìn thấy những điều đang tồn tại bằng con mắt thực tế.
Cấp độ 2: Có khả năng xảy ra – nhìn thấy những điều sẽ diễn ra bằng con mắt phán đoán.
Cấp độ 3: Có nhiều khả năng xảy ra – nhìn thấy những điều có thể xảy ra bằng con mắt tầm nhìn.
Một người theo thuyết vị lai sống ở cấp độ 3. Một chuyên gia dự đoán sống ở cấp độ 2 và những người đi theo thì sống cấp độ 1. Một nhà lãnh đạo thì sống ở cấp độ 3, lãnh đạo cấp độ 2 và lắng nghe ở cấp độ 1.
Ví dụ, một tổ chức đặt mục tiêu thay đổi tên của nó. Nhà lãnh đạo giỏi bằng con mắt tầm nhìn đã nhìn ra một cái tên mới cho công ty (cấp độ 3). Nhà lãnh đạo ấy, bằng con mắt phán đoán nhìn thấy xu hướng phát triển của tổ chức (cấp độ 2). Và cũng nhà lãnh đạo đó biết được phương hướng của công ty bằng con mắt thực tế (cấp độ 1).
Điều bất ngờ là, việc nắm bắt một tầm nhìn không bắt đầu từ cấp độ 3 (bức tranh toàn cảnh). Nó bắt đầu từ cấp độ 1 (bức tranh nhỏ) và chỉ có thể thành công nếu nhà lãnh đạo có khả năng gây ảnh hưởng ở cấp độ 2 (bức tranh vừa).
NHỮNG ĐIỀU ẨN GIẤU SAU TẦM NHÌN – CẤP ĐỘ 1
Chúng ta nhìn sự vật không theo bản chất của nó mà bằng cách nhìn của chúng ta. Cho nên, khi tầm nhìn bị che khuất thì đó thường là do vấn đề con người. Mười kiểu người thường che khuất tầm nhìn của doanh nghiệp là:
1. Nhà lãnh đạo ít hiểu biết
Mọi sự thành bại đều phụ thuộc vào nhà lãnh đạo. Phát biểu đó thật sự chính xác với việc truyền đạt một tầm nhìn. Một nhà lãnh đạo ít hiểu biết sẽ thiếu tầm nhìn hoặc thiếu khả năng truyền đạt nó một cách hiệu quả cho người khác.
Thủ tướng Pháp đã có lần nói: “Nếu bạn đang làm những việc lớn thì bạn đang thu hút những người khổng lồ. Nếu bạn đang làm việc nhỏ thì bạn đang thu hút những người nhỏ bé. Mà những người nhỏ bé thì hay gây rắc rối”. Sau đó, ông dừng lại giây lát, lắc đầu buồn bã và nói tiếp: “Chúng ta có đầy rẫy sự phiền toái”.
2. Người thực dụng
Nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình nổi tiếng George Bernard Shaw đã nói: “Một số người nhìn bề ngoài của sự vật và hỏi: “Tại sao?” [người suy nghĩ thực dụng]. Tôi nghĩ về những thứ chưa từng xuất hiện và hỏi: “Tại sao không?” [người sáng tạo]”.
Charlie Brown đưa hai tay ra trước mặt người bạn Lucy và nói: “Một ngày nào đó hai bàn tay này sẽ làm những việc kỳ diệu và giành được thành tựu quan trọng. Chúng có thể xây dựng những chiếc cầu vĩ đại, chữa trị cho người bệnh, ra những cú đánh bóng tuyệt vời hay viết lên những cuốn tiểu thuyết làm xúc động lòng người! Đây là đôi bàn tay một ngày nào đó sẽ làm thay đổi số phận!”
Lucy, người chỉ nhìn thấy bề ngoài đôi bàn tay của Charlie Brown, đã nói: “Chúng dính đầy kem kìa”.
3. Kẻ giáo điều
Rất nhiều tầm nhìn không biến thành hiện thực chỉ vì những kẻ giáo điều. Để chắc chắn tuyệt đối về một điều gì đó, một người phải biết tất cả hoặc là chẳng biết gì về nó. Hầu hết những người giáo điều chẳng biết gì về nó, nhưng lại cố gắng nói vài thứ. Ví dụ như: “Tất cả mọi thứ có thể được phát minh đã được phát minh”. Đó là những gì Charles H. Duell, Giám đốc Cục Phát minh sáng chế Hoa Kỳ đã phát biểu năm 1899! Tất nhiên không chỉ có Duel, Tổng thống Grover Cleveland cũng đã một lần bình luận (vào năm 1905) rằng: “Phụ nữ có trách nhiệm và hiểu biết thì không muốn bầu cử”. Robert Miliken, người đạt giải Nobel vật lý năm 1923, đã nói: “không ai có thể sử dụng sức mạnh của nguyên tử”. Vào năm 1885, Lord Kelvin, Chủ tịch hiệp hội Hoàng gia Anh, đã nói: “Không thể có những cỗ máy nặng hơn không khí mà lại bay được”.
Câu nói tôi thích nhất là của cầu thủ bóng rổ Tris Speaken năm 1921: “ Ruth đã mắc một sai lầm rất lớn khi bỏ ném bóng”.
4. Người liên tục thất bại
Rất nhiều người nghĩ về thất bại trong quá khứ và không dám mạo hiểm theo đuổi tầm nhìn. Khẩu hiệu của họ là: “Nếu ban đầu bạn không thành công, thì hãy xóa hết dấu vết những gì bạn đã cố gắng thực hiện”. Họ cũng phá hỏng nỗ lực tiếp theo của mọi người.
5. Tự thỏa mãn
Mọi người cố gắng để được thoải mái, cuộc sống ổn định và an toàn. Và sự thoải mái ấy làm phát sinh tính tự mãn. Sự ổn định lại dẫn đến sự buồn chán và sự an toàn sẽ dẫn đến thui chột tầm nhìn. Một cái tổ sẽ tốt cho một quả trứng. Nhưng cái tổ sẽ trở nên chật chội khi trứng nở. Đó là nơi rất tốt để làm tổ nhưng không phải là nơi lý tưởng để giang rộng đôi cánh. Và thật đáng buồn khi mọi người không muốn rời xa cái tổ của cuộc đời họ.
Trên một bài báo trong tạp chí Leadership, Lyan Arderson đã miêu tả điều sẽ diễn ra khi mọi người đánh mất tầm nhìn. Một nhóm người hành hương đã đặt chân lên bãi biển châu Mỹ khoảng 375 năm trước. Với ước mơ lớn lao và sự dũng cảm, họ đã dần ổn định trên miền đất mới. Năm đầu tiên, họ xây dựng một thị trấn. Năm thứ hai, họ bầu ra Hội đồng thị trấn. Năm thứ ba, chính phủ đề xuất xây dựng một con đường dài 8 km chạy về phía tây tới một khu rừng. Nhưng năm thứ tư, nhân dân đã buộc tội họ vì cho rằng một con đường chạy vào rừng sẽ tốn kém ngân sách xã hội. Không hiểu vì sao những người có đầu óc canh tân lại đánh mất tầm nhìn. Trước đây họ đã có thể nhìn ra biển nhưng giờ đây họ không thể nhìn sâu thêm 8 km nữa vào khu rừng.
6. Người yêu truyền thống
Người Anh luôn tự hào với hệ thống chức tước. John F. Barker trong cuốn Roll Call đã kể một câu chuyện như sau: trong 20 năm, không vì lý do cụ thể nào nhưng luôn có một người đứng canh dưới chân cầu thang Hạ viện. Nhiệm vụ đứng canh dưới chân cầu thang đó đã được thực hiện trong suốt ba thế hệ của một gia đình. Nhiệm vụ này được bắt đầu sau khi sơn xong cầu thang, ông của người được giao nhiệm vụ hiện tại đã đứng dưới chân cầu thang để cảnh báo mọi người không được bước lên cầu thang vì sơn còn ướt. Sau đó là bố anh ta và anh ta, cứ duy trì công việc này.
Khi câu chuyện này được kể lại, một nhà báo Anh đã bình luận rằng: “Sơn đã khô nhưng nhiệm vụ đứng canh thì vẫn còn”.
7. Người có tâm lý đám đông
Một số người không bao giờ cảm thấy thoải mái khi bước ra khỏi đám đông. Họ thích là một phần của nhóm chứ không phải bị gạt ra khỏi nhóm. Những người này sẽ chỉ ôm ấp tầm nhìn khi họ thấy đa số mọi người làm như vậy. Họ không bao giờ ở phía trước. Những nhà lãnh đạo giỏi chỉ là thiểu số bởi vì họ có suy nghĩ trước mọi người. Thậm chí khi mọi người cùng nắm bắt được tầm nhìn, những nhà lãnh đạo này sẽ vượt lên trước và một lần nữa lại trở thành nhóm thiểu số.
8. Người luôn nhìn thấy vấn đề
Một số người có thể nhìn thấy vấn đề rắc rối trong mọi giải pháp. Vật cản thường là những thứ bạn nhìn thấy khi quên mất mục đích của mình. Nhiều người nghĩ rằng khả năng nhìn thấy vấn đề là dấu hiệu của sự trưởng thành. Điều đó không hoàn toàn đúng. Đó là dấu hiệu của một người không có tầm nhìn. Những người này đã tiêu diệt ước mơ vĩ đại bằng cách chỉ ra các vấn đề rắc rối mà không có bất cứ một giải pháp nào.
Hồng y John Henry Newman đã nói rằng không gì được hoàn thành được nếu một người chờ đợi cho đến khi mình có thể làm việc tốt đến mức người khác không thể bắt lỗi được.
9. Người đi tìm hình bóng cá nhân
Những người sống cho bản thân họ thật sự chỉ là những người kinh doanh nhỏ. Họ cũng không bao giờ đạt được các thành công mỹ mãn. Mục tiêu lớn chỉ có thể đạt được nhờ sự nỗ lực của rất nhiều người. Những người ích kỷ là những kẻ phá hoại giấc mơ.
10. Nhà dự báo thất bại
Một số người có tài tìm kiếm các điểm hạn chế. Tất cả bài ca của họ là những “nốt giáng”. Họ lan truyền sự bi quan đến khắp mọi nơi. Những bóng đen bao trùm tất cả bức tranh của họ. Viễn cảnh của họ thật tối tăm, thời gian thật tồi tệ, tiền cứ chạy trốn họ. Đối với họ, tất cả mọi thứ đang thu nhỏ lại; chẳng có gì mở ra hay phát triển trong cuộc sống của họ.
Những người ngày giống như người đàn ông đã đứng cùng với mọi người ở bờ sông Hudson để nhìn thấy con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên được hạ thủy. Anh ta nghi ngờ về khả năng của nó và lẩm bẩm: “Họ không bao giờ có thể làm cho nó chạy được! Không bao giờ!” Nhưng những chiếc tàu phóng vút đi thật nhanh. Rồi anh ta nói: “Họ sẽ chẳng bao giờ có thể làm nó dừng lại được! Không bao giờ!”
Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Kẻ nói rằng: ‘điều này không thể thực hiện được’ đừng nên cản trở người đang thực hiện nó”.
TẠO RA MÔI TRƯỜNG PHÙ HỢP – CẤP ĐỘ 2
Hiểu mọi người và hiểu những yếu tố quan trọng trong cuộc đời họ cho phép nhà lãnh đạo tiến đến cấp độ 2. Việc nhà lãnh đạo bắt đầu tác động vào bức tranh mà mọi người sẽ nhìn thấy rất quan trọng. Hãy nhớ rằng, nếu nhà lãnh đạo ở cấp độ 3 thì họ mới biết cấp độ 2 đã được tạo ra để đưa mọi người đến khu vực “tầm nhìn” hay chưa. Các bước sau đây sẽ giúp bạn thực hiện chính xác cấp độ 2.
Hãy đi cùng với mọi người
Hãy để mọi người nhận ra trái tim trước khi nhìn thấy niềm hy vọng của bạn. Mọi người không quan tâm bạn đã nhìn thấy gì mà quan tâm đến việc bạn đã làm đến đâu. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: Mọi người đặt niềm tin vào nhà lãnh đạo trước khi họ tin vào tầm nhìn của nhà lãnh đạo đó. Hãy gieo hạt giống niềm tin. Hãy trong sáng và kiên nhẫn với họ. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu tình hình hiện tại dưới con mắt của họ. Hãy tìm hiểu những ước mơ và hy vọng của họ. Hãy xây dựng một cây cầu kết nối tầm nhìn của tổ chức và những mục tiêu cá nhân. Hãy hướng tới những gì đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cá nhân. Hãy nhớ rằng, khi bạn giúp mọi người đạt được những gì họ muốn, họ cũng giúp bạn đạt được những gì bạn ước ao. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua việc xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người.
Hãy vẽ một bức tranh cho mọi người
Một thầy giáo giỏi không bao giờ cố gắng giải thích tầm nhìn của mình. Ông chỉ mời bạn đến bên cạnh ông và để tự bạn nhìn thấy nó. Tôi đồng ý với khía cạnh quan hệ của câu nói này nhưng tôi tin các nhà lãnh đạo kiệt xuất giải thích tầm nhìn của họ bằng cách vẽ một bức tranh cho mọi người. John W. Patterson, nhà sáng lập National Cash Register, nói: “Tôi đã và đang cố gắng suốt cuộc đời để nhận ra nó trước tiên và sau đó giúp mọi người cùng nhìn thấy nó. Giúp mọi người nhìn thấy những gì bạn nhìn thấy là yếu tố quan trọng để thành công trong kinh doanh. Những gì bạn nhìn thấy thường mang tính chủ quan. Theo nghĩa rộng nhất, tôi là người tạo ra tầm nhìn”.
Trong các tầm nhìn vĩ đại, có một số thành tố cơ bản và nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ giúp mọi người “nhìn thấy”, hiểu và đánh giá đúng giá trị của chúng.
Chân trời. Hình dung của nhà lãnh đạo về chân trời cho phép mọi người nhìn thấy khả năng vĩ đại của họ. Mỗi cá nhân sẽ quyết định tầm cao họ muốn vươn tới. Trách nhiệm của bạn là vẽ lên một bầu trời cao rộng trong bức tranh ấy. Nhà bình luận trứ danh Paul Harvey đã nói rằng thế giới của người mù giới hạn bởi những gì anh ta sờ thấy, thế giới của kẻ ngốc nghếch giới hạn bởi sự hiểu biết của anh ta còn thế giới của người vĩ đại giới hạn bởi tầm nhìn của anh ta.
Mặt trời. Yếu tố này thể hiện sự ấm cúng và niềm hy vọng. Ánh sáng mang đến sự lạc quan cho mọi người. Một chức năng quan trọng của nhà lãnh đạo là nuôi dưỡng niềm hy vọng sống mãi. Hoàng đế Napoleon đã nói: “Nhà lãnh đạo là người bán hy vọng”.
Những ngọn núi. Mọi tầm nhìn đều có thử thách đi kèm. Edwin Land, người sáng lập Tập đoàn Polaroid, đã nói: “Điều đầu tiên bạn làm là gợi cho mọi người cảm giác quan trọng và gần như không thể đạt được về tầm nhìn ấy. Đó là động lực cho người chiến thắng”.
Những con chim. Hình ảnh này tượng trưng cho sự tự do và tinh thần của con người. Quan sát một chú đại bàng bay lên cũng khiến tinh thần của bạn thăng hoa. “Các cuộc chiến tranh diễn ra bằng súng đạn nhưng chính tinh thần của người lính và người chỉ huy mới mang lại chiến thắng”.
Những bông hoa. Hành trình hiện thực hóa của bất kể ước mơ nào cũng cần phải có thời gian. Hãy nhớ vẽ thêm những chỗ dừng chân – nơi bạn có thể tận hưởng hương vị của những bông hoa và khiến cho bạn thư thái cả về tinh thần và thể xác. Thành công là quá trình hiện thực hóa liên tục một mục tiêu xứng đáng bạn đặt ra trước đó.
Con đường. Mọi người cần phương hướng, một điểm để bắt đầu và một con đường để đi đến đích. Một khách du lịch đang vượt vùng núi non hiểm trở, đã hỏi người thổ dân dẫn đường: “Làm thế nào anh có thể vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, nguy hiểm này mà không hề bị lạc lối?” Người dẫn đường trả lời: “Tôi có cái nhìn gần và tôi có cái nhìn xa. Những thứ tôi nhìn thấy là những thứ trực tiếp trước mặt tôi; còn những thứ ở xa là những vì sao dẫn đường cho tôi”.
Bản thân. Đừng bao giờ vẽ một tầm nhìn mà không có bản thân trong bức tranh đó. Điều này cho thấy quyết tâm của bạn đối với việc hiện thực hóa tầm nhìn và mong muốn đi cùng mọi người trong quá trình ấy. Họ muốn có một người làm gương để noi theo. Như Warren R. Austin đã nói trong UN World: “Nếu bạn muốn nâng tôi lên, bạn phải ở vị trí cao hơn tôi”.
Tại sao nhà lãnh đạo nên vẽ bức tranh với tất cả thành tố cơ bản này trên đó? Roger Von Oech, trong cuốn A kick in the Seat of the Pants (Sức mạnh của trực giác) đã đưa ra một câu trả lời thú vị: “Hãy quan sát xung quanh nơi chúng ta đang ngồi và tìm năm thứ có màu xanh”.
Bạn có thể thấy màu xanh ở khắp mọi nơi: một quyển sách màu xanh trên bàn, một cái gối màu xanh trên đi văng, màu sơn xanh trên tường và nhiều thứ khác nữa.
“Cũng giống như vậy, sau khi bạn mua một chiếc xe ô tô mới, bạn nhanh chóng nhìn thấy những tiện nghi của chiếc xe ở khắp mọi nơi. Đó là bởi vì mọi người tìm thấy những gì họ tìm kiếm”.
Người lãnh đạo giúp mọi người phát triển sự nhạy cảm để nhận ra điều họ phải tìm kiếm. Nếu bức tranh rõ ràng và mọi người thường xuyên nhìn thấy nó, họ sẽ bắt đầu nhận ra vai trò của những việc họ làm trong bức tranh ấy. Họ sẽ có một tầm nhìn cụ thể. Và sau đó, chỉ còn một việc cần phải làm để mọi người đều sở hữu tầm nhìn đó.
Hãy vẽ những điều mọi người thích
Mọi người thường mang theo hình ảnh của những người và đồ vật họ yêu thích. Hãy vẽ những điều quan trọng đối với mọi người trong khuôn khổ của tầm nhìn và bạn sẽ truyền đạt được tầm nhìn.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng nghìn người được huy động để làm dù. Theo quan điểm của những người công nhân thì công việc này thật nhàm chán. Họ phải khom lưng bên chiếc máy khâu và may các cuộn vải không màu trong 8-10 giờ mỗi ngày. Kết quả là đống vải vụn ngày càng lớn lên. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng, tất cả công nhân đều được nghe rằng, mỗi đường kim mũi chỉ của họ đang bảo vệ mạng sống của người khác. Họ được yêu cầu phải nghĩ rằng, mỗi chiếc dù họ đang may có thể là chiếc dù mà chồng, con trai hay anh em của họ sẽ đeo.
Và mặc dù phải làm việc mệt nhọc trong nhiều giờ, tất cả mọi người nơi hậu phương đều hiểu được giá trị mà họ đang đóng góp trong bức tranh toàn cảnh này.
HÃY HƯỚNG ĐẾN KHẢ NĂNG TỐT NHẤT – CẤP ĐỘ 3
Ở cấp độ này, chúng ta cần tự hỏi liệu chúng ta có thể phát triển nhân sự tới cấp độ tầm nhìn bằng cách nào. Đây là điều mà nhà lãnh đạo phải liên tục thực hiện… phát triển nhân viên thành những con người của tầm nhìn khi họ đã nhận ra nó.
Nhà lãnh đạo ở cấp độ 3 phải thực hiện một số bước sau. Thứ nhất, nhà lãnh đạo phải tìm kiếm và tìm bằng được người chiến thắng để bổ sung vào đội ngũ của mình. Những phẩm chất sau của người chiến thắng sẽ định hướng cho cuộc tìm kiếm:
• Người chiến thắng không sợ bị phản đối mà phớt lờ nó
• Người chiến thắng nghĩ đến “hiệu quả”
• Người chiến thắng tập trung vào nhiệm vụ trước mắt
• Người chiến thắng không mê tín – họ nói: “đó là cuộc sống”
• Người chiến thắng không đánh đồng thất bại với giá trị bản thân
• Người chiến thắng không giới hạn suy nghĩ một cách cứng nhắc
• Người chiến thắng luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh
• Người chiến thắng đón đợi thử thách bằng sự lạc quan
• Người chiến thắng không phí thời gian cho những suy nghĩ vô ích
Khi người chiến thắng được bổ sung vào đội ngũ, họ sẽ liên kết những người khác thành một khối và có ảnh hưởng sâu sắc đến tổ chức. Vào thời điểm này, việc nhà lãnh đạo đầu tư thời gian để khám phá “những chiếc chìa khóa” trong cuộc đời của họ hết sức quan trọng. Những gì họ trân trọng nhất sẽ giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống riêng tư; hãy cho họ thời gian và một vị trí để thăng tiến; hãy mang đến giá trị cho gia đình và công việc của họ; hãy giúp họ khám phá sức mạnh bản thân. Hãy ghi nhận họ trong tổ chức.
Công việc dìu dắt, cố vấn cho người chiến thắng của nhà lãnh đạo cũng rất quan trọng. Họ nên được tiếp cận với những quyển sách, những địa danh, những sự kiện và những người vĩ đại. Họ nên tìm thấy những ý tưởng lớn trong bạn – nhà lãnh đạo và họ nên khao khát theo đuổi đam mê và ước mơ của bạn trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ chiến thắng trong truyền bá tầm nhìn mà bạn ấp ủ cho tổ chức của bạn và cho họ.
Tóm lại, nhà lãnh đạo thành công có khả năng nhìn thấy cả ba cấp độ:
1. Cấp độ có thể nhận thức: Điều gì được nhìn thấy – con mắt thực tế. Nhà lãnh đạo lắng nghe trên cấp độ này.
2. Cấp độ có khả năng xảy ra: Điều gì sẽ được nhìn thấy – con mắt tìm hiểu. Nhà lãnh đạo hướng dẫn trên cấp độ này.
3. Cấp độ có nhiều khả năng xảy ra: Điều gì có thể được nhìn thấy – con mắt tầm nhìn. Nhà lãnh đạo sống trên cấp độ này.
Tầm nhìn đem lại sức mạnh cho nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo có tầm nhìn tin rằng những điều ông đã mường tượng không chỉ có thể mà phải đạt được. Người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về đặc điểm chung của các nạn nhân sống sót trong trại tập trung của Đức quốc xã. Viktor Frankl là một minh chứng sống cho vấn đề này. Ông vốn là một nhà tâm lý nổi tiếng ở Thủ đô Vienna (Áo) trước khi bị Đức quốc xã dồn vào trại tập trung. Trong một bài nói chuyện nhiều năm sau đó, ông nói: “Chỉ có một lý do duy nhất tôi có mặt ở đây ngày hôm nay. Chính các bạn là nguồn sống của tôi. Trong khi những người khác tuyệt vọng, tôi mơ đến một ngày nào đó được nói với các bạn là làm thế nào Viktor Frankl có thể sống sót trong trại tập trung của Đức quốc xã. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến nơi này, tôi cũng chưa hề được gặp các bạn, tôi cũng chưa bao giờ có được cơ hội đứng trước các bạn như buổi hôm nay. Nhưng trong những giấc mơ của tôi, thì tôi đã đứng trước các bạn và nói những lời này hàng nghìn lần”. Chính tầm nhìn đã tạo nên sự khác biệt.
Thật cao cả khi tin vào giấc mơ
Lúc ta còn trẻ đứng bên dòng tinh tú
Cao cả hơn khi sống hết cuộc đời
Để cuối cùng giấc mơ thành hiện thực.
Nhà lãnh đạo làm điều đó cho bản thân và cho người khác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.