Phi hồ ngoại truyện

30. Cuộc chiến đấu trên ngọn cột buồm



Viên Tử Y chú ý nhìn lão già thấy lão để hai hàng ria mép. Ngón tay cái đeo một cái nhẫn bích ngọc, ánh dương quang chiếu vào lóng lánh.

Lại nghe lão lớn tiếng hô:

– Xin các vị hiền đệ trở về thôi!

Lão chấp tay đứng nghiêm coi vững như núi Thái Sơn.

Những người ở trên bờ sông đồng thanh đáp:

– Cung chúc lão sư thuận buồm xuôi gió. Chuyến đi này lão sư sẽ làm cho phái Cửu Long ta dương danh ở đất kinh sư.

Lão già mỉm cười nói:

– Dương danh ở đất kinh sư thì không dám, chỉ mong sao phái Cửu Long không bị tổn thương về tay lão phu là đủ rồi.

Viên Tử Y nghe tiếng nói vang dội, trung khí đầy rẫy. Tuy là câu nói khiêm tốn nhưng thực ra có vẻ tự phụ.

Bỗng nghe những tiếng đùng đùng nổi lên điếc tai. Những mẩu giấy đỏ nhảy múa trên bến sông Tương Giang. Trên đầu thuyền đậu gần bờ người ta đốt pháo tiễn đưa.

Viên Tử Y biết là khi tiếng pháo dứt, thuyền lớn sẽ khởi hành. Nàng nhẹ nhàng nhảy xuống ngựa, lượm hai viên đá liệng vào hai tràng pháo.

Hai tràng pháo này đều dài hơn hai trượug bị đá liệng dứt ngay khúc giữa. Nửa tràng pháo rơi xuống sông liền tắt ngấm.

Diễn biến này xảy ra khiến cho những người ở trên thuyền nhốn nháo cả lên vì đây là một điềm bất lợi.

Mọi người đã trông rõ thiếu nữ áo vàng liệng đá làm đứt hai tràng pháo.

Lập tức sáu, bảy đại hán nhảy lại bao vây lớn tiếng quát tháo mỗi người một câu:

– Ngươi là ai? Ai phái ngươi đến đây phá đám? Ngươi bắn đứt hai tràng pháo là có ý gì? Ngươi nuốt mật báo hay sao mà dám gây sự với Dịch lão sư ở phái Cửu Long?

Nếu nàng không phải là thiếu nữ xinh đẹp cô thân thì chúng đã xông vào thượng cẳng chân hạ cẳng tay rồi.

Viên Tử Y đã hiểu rõ gốc gác võ công của Vi Đà môn và Bát Tiên Kiếm nên lúc ra tay chẳng úy kị gì. Còn phái Cửu Long này nàng không hiểu rõ lai lịch, lại thấy mọi người hùng hổ làm dữ, nàng mỉm cười đáp:

– Tiểu nữ liệng con sẻ trên mặt nước, chẳng ngờ lỡ tay làm đứt hai tràng pháo, trong lòng rất hối hận.

Mọi người nghe thanh âm trong trẻo mà là khẩu âm người đương ngoài liền mồm năm miệng mười mỗi người hỏi một câu:

– Lỡ tay đánh đứt một tràng pháo còn có lý khi nào đánh đứt cả hai tràng pháo?

– Tên họ ngươi là chi?

– Đến Dịch gia trang làm gì?

– Bữa nay là ngày hoàng đạo, Dịch lão sư ra đi mà bị ngươi phá quẫy khiến lão sư phải bực mình.

Viên Tử Y cười đáp:

– Hai tràng pháo thì đáng gì mà kể? Bây giờ đi mua hai tràng khác về đốt cũng được chứ sao?

Nàng nói rồi móc trong bọc ra lấy một đĩnh hoàng kim nặng chừng hơn năm lượng để trong lòng bàn tay.

Đĩnh vàng này có thể mua được cả ngàn tràng pháo. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau đều nhận thấy cô bé rất cổ quái, không ai thò tay ra đón lấy đĩnh vàng.

Viên Tử Y cười hỏi:

– Phải chăng các vị đều là đệ tử phái Cửu Long? Dịch lão sư là chưởng môn quý phái hay sao? Lão nhân gia đến Bắc Kinh tham dự đại hội chưởng môn của Phúc đại soái, có đúng thế không?

Nàng hỏi một câu, mọi người lạ gật đầu một cái.

Viên Tử Y lắc đầu hỏi:

– Pháo đang nổ mà tắt ngấm là điểm đại bất tường. Vậy Dịch lão sư đừng đi nữa, ở nhà hưởng phúc hay hơn.

Trong đám đông, một hán tử lỗ mãng không nhịn được hỏi:

– Tại sao vậy?

Viên Tử Y nghiêm trang đáp:

– Tiểu nữ thấy sắc diện lão sư có triệu chứng không hay. Ấn đường nổi lên một quầng hắc ám mà lông mi lại nổi sát khí, nếu lão gia đến kinh sư thì chẳng những uy danh phái Cửu Long bị tàn tạ mà Dịch lão sư e còn bị họa sát thân.

Mọi người nghe nàng nói bất giác nhìn nhau biến sắc. Có người lớn tiếng thóa mạ, lại một số thì thầm bàn tán chỉ sợ cô gái này biết coi tướng. Lời cô đoán có mấy phần đạo lý.

Chỗ mọi người vừa đứng cách thuyền lớn không xa. Thanh âm của Viên Tử Y lại vang dội nên câu nào cũng lọt vào tay Dịch lão sư.

Dịch lão sư nhìn kỹ người Viên Tử Y thấy nàng thân hình mảnh dẻ, dáng điệu thướt tha tựa hồ không hiểu võ công nhưng vừa rồi nàng liệng đá làm đứt dây pháo là ra tay cực kì xảo diệu, kình lực không phải tầm thường. Con bạch mã của nàng là giống thần tuấn chứ không phải ngựa thường. Lão chắc nàng đến đây có chuyện gì liền chắp tay nói:

– Xin cô nương cho biết quý tính. Mời cô nương xuống thuyền nói chuyện.

Viên Tử Y đáp:

– Tiểu nữ họ Viên. Dịch lão sư lên bờ nói chuyện được chăng?

Theo phong tục người Tương Giang thời bấy giờ ai ngồi thuyền đi xa đã xuống thuyền rồi lại bước lên bờ là một điều bất lợi.

Dịch lão sư nhíu cặp lông mày trầm ngâm không nói. Tuy lão võ công cao thâm làm đến chưởng môn một phái mà bình sinh rất tin tưởng những thuật chiêm tinh bói toán cùng coi phong thủy. Lão thấy tràng pháo bị cô gái nhỏ tuổi này đánh đứt, lại nghe nàng nói những điềm bất tường bị họa sát thân. Nếu nghe nữa chắc còn lắm điều bất lợi, lão liền bảo nhà đò:

– Khai thuyền quách!

Rồi lão tự nhủ:

– Cõi âm có điều bất tường đành chờ khi đến kinh sẽ mua phẩm vật cầu thần giải từ tai nạn.

Nhà đò vâng lời. Người thì kéo neo, kẻ lại nhổ sào.

Viên Tử Y thấy lão không lý gì đến mình, chuẩn bị khai thuyền liền lớn tiếng hô:

– Hãy khoan! Hãy khoan! Nếu lão nhân gia không nghe lời khuyên can của tiểu nữ thì đi không đầy trăm dặm, thuyền gẫy cột buồm chìm đắm, bao nhiêu người chết hết.

Dịch lão sư sắc mặc âm trầm lớn tiếng đáp:

– Lão phu thấy cô nhỏ tuổi không muốn chấp nhặt. Nếu cô còn nói nhăng nói càn thì đừng trách lão phu không nhẫn nại được.

Viên Tử Y nhảy xuống thuyền mỉm cười nói:

– Tiểu nữ hoàn toàn vì hảo ý. Dịch lão sư bất tất phải động nộ. Xin lão sư cho biết đại danh để tiểu tự chiết tự coi. Đó là một điều có lợi cho lão sư.

Dịch lão sư hừ một tiếng đáp:

– Không cần.

Viên Tử Y nói:

– Thôi được! Dịch lão sư không chịu nói tôn hiệu thì tiểu nữ chiết tự chữ họ cũng được. Chữ Dịch trên là chữ nhật dưới là chữ vật. Vật nhật cũng như “bất nhật” ý nói sinh mạng không lâu nữa. Chuyến này Dịch lão sư ngồi thuyền đi đường thủy.

Chữ “Dịch” thêm vào chữ “Thủy” thì thành chữ “Thang”. Phó thang đạo hỏa là dấn mình vào dầu sôi lửa bỏng, thật rất nguy hiểm. Dùng thuyền làm khí mịnh.

Chữ “Thang” dưới thêm chữ “Mịnh” thì thành chữ “Đãng”. Đãng nhiên vô tồn là người trong thuyền đều chết hết không còn một ai. Bên trên chữ “Thang” thêm “thảo đôi” thì thành chữ “Đáng”. Thơ cổ có câu “Đáng tử hành bất quý”. Dịch lão sư đi chuyến này e rằng phải chết ở tha hương đất khách.

Dịch lão sư nghe tới đây không nhịn được nữa, giơ tay đập mạnh vào cột buồm đánh chát một tiếng khiến cây cột lảo đảo không ngớt. Lão quát hỏi:

– Cô nói đã hết chưa?

Viên Tử Y cười đáp:

– Dịch lão sư đi chuyến này mà mong cát lợi thì khó khăn lắm. Lão sư đến Bắc Kinh để cùng người trang hùng, chẳng động quyền cước cũng động đao thương.

Chữ “Dịch” thêm chữ “Túc” là chân thì thành chữ “Thích” là đá mà thêm chữ “Đao” thì thành chữ “Dịch” là xé nát. Vì thế chẳng những lão sư bị người đá chết mà phái Cửu Long còn bị diệt trừ.

Dịch lão sư càng nghe càng tức giận, khốn nỗi nàng nói có nghĩa lý, bất giác trong lòng kinh hãi liền miễn cưỡng hỏi:

– Lão phu tên là Cát. Thế là Cát Tường, Cát Lợi. Cô còn nói gì được nữa không?

Viên Tử Y lắc đầu đáp:

– Lại càng nguy hiểm! Nguyên chữ Cát nghĩa rất tốt nhưng đối với Dịch lã sư lại bất tường. Dịch là thay đổi, Dịch Cát là thay đổi cái tốt lành hỏi nghĩa là gì? Dĩ nhiên là bất cát.

Dịch Cát buồn rầu lẳng lặng.

Viên Tử Y lại nói:

– Chữ Cát theo pháp chiết tự thành ba chữ “Thập nhất khẩu”. Dịch lão sư! Người ta chỉ có một miệng mà lão sư mười một miệng là thừa mơì miệng phải không? Dĩ nhiên đây là thương khẩu, đao khẩu. Cứ đó mà suy thì chuyến này lão sư đến Bắc Kinh bị trúng mười nhát đao thương mà thi thể không đưa về cố hương được.

Con người càng mê tín càng không dám nghe những điều bất tường. Dịch Cát trước nay thái độ khoan hòa, suốt đời phú quý mà bât giờ trên mi mắt bỗng nổi sát khí. Lão liếc mắt nhìn Viên Tử Y cười lạt hỏi:

– Đa tạ những lời kim ngọc của Viên cô nương. Xin hỏi cô nương là môn hạ của ai?

Viên Tử Y mỉm cười hỏi lại:

– Phải chăng lão nhân gia cũng muốn chiết tự để coi số mạng cho tiểu nữ? Nếu vậy là hà tất phải hỏi đến sư thừa?

Dịch Cát cười lạt đáp:

– Cô còn nhỏ tuổi mà chúng ta lại chưa biết nhau. Nhất định cô nương được ai sai khiến đến quấy Dịch mỗ. Dịch mỗ là người lớn không muốn đấu với trẻ nhỏ huống chi “Hảo nam bất dữ nữ đấu”. Vậy cô nương cho biết người đứng sau lưng để cô xem ai bị trúng mười đao chết bỏ xác nơi đất khách quê người?

Viên Tử Y cười lạt hỏi lại:

– Người đứng sau lưng tiểu nữ ư?

Nàng giả vờ quay lại không khỏi giật mình kinh hãi vì người đứng trên bờ mặc áo xanh bằng vải thô, hóa trang làm nông dân chính là Hồ Phỉ. Nàng mải lý luận với Dịch Cát nên chàng đến từ hồi nào nàng chưa phát giác.

Viên Tử Y giữ vẻ thản nhiên quay lại cười đáp:

– Tiểu nữ coi gã là một tên tiểu tử hốt phân trâu ở trong làng.

Dịch Cát tức giận nói:

– Cô đứng giả vờ hồ đồ nữa. Dịch mỗ nói người đứng sau lưng là nhân vật ném đá giấu tay đẩy cô ra chịu đòn, sao y lại giấu đầu hở đuôi làm trò lén lút, chẳng ra tuồng đại trượug phu chút nào.

Lão đoán kẻ thù ngấm ngầm sai khiến Viên Tử Y đến trước quấy phá cho cuộc xuất hành của mình gặp điều bất lợi. Người đó tất nhiên biết rõ tính lão hay úy kị, không thì nàng nói những điều bất cát làm cho?

Thực ra Viên Tử Y còn muốn quấy nhiễu nữa, nàng thấy lão càng sợ nghe điều bất lợi càng muốn nói những chuyện hung hiểm.

Nàng liền nghiêm nghị đáp:

– Dịch lão sư! Người ta thường nói: thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng. Tiểu nữ nói những lời trung thực, nghe hay không là ở lão sư, còn việc Cửu Long phái cần có người đến Bắc Kinh mà lão sư không tiện đi thì để tiểu nữ thay mặt cũng được.

Viên Tử Y nhảy xuống thuyền một lát thì Hồ Phỉ theo dõi hành tung tới nơi.

Hôm ấy chàng nhảy xuống sông tắm gội mất cả quần áo không tiện lên bờ. May mà ở chỗ lúc đo trời sắp tối. Chàng chờ đến đêm lần vào nhà hương nông đánh cắp một bộ y phục. Chàng rất quan tâm đến pho quyền kinh đao phổ gia truyền của mình mà chàng vẫn để trong túi áo lót của mình và đều bị Viên Tử Y cuốn mang đi.

Trong lòng nóng nẩy buồn phiền, Hồ Phỉ đuổi đến hôm sau mới kịp nhưng thấy Viên Tử Y cho ngựa đi thong thả chứ không ra kiểu ăn cắp đao phổ rồi xa chạy cao bay.

Chàng hoài nghi mà không sao đoán ra được ý nàng muốn gì.

Hồ Phỉ đã định động thủ đoạt lại nhưng sợ không làm nổi liền ngấm ngầm theo dõi để coi động tĩnh xem nàng có người tiếp ứng chăng? Sau mấy bữa chàng vẫn chẳng thấy gì khác lạ.

Hôm nay đến Dịch Gia Loan ở bờ sông Tương Giang, chàng thấy Viên Tử Y gây hấn coi Dịch Cát lại có ý muốn đoạt chức chưởng môn.

Chàng ngấm ngầm lấy làm kì nghĩ bụng:

– Cô này sao lại khoái làm chưởng môn nhiều phái? Hễ gặp chưởng môn là muốn cướp ngôi. Phải chăng cô muốn dương oai trấn chốn giang hồ hay còn có thâm ý nào khác? Xem chừng hai người này sắp đi tới chỗ động thủ. Ta hãy đợi cò trai tranh đấu, mình làm ngư ông thủ lợi, tìm cách đoạt đao phổ đem về.

Lúc này mà chàng lấy cắp con ngựa bỏ đi thật dễ như trở bàn tay. Nhưng chàng không muốn diễn lại tấn tuồng cũ để Viên Tử Y coi chàng là kẻ bất tài.

Chàng liền từ từ đần gần đầu thuyền để chờ cơ hội đoạt cái bọc trên lưng nàng.

Bỗng thấy Dịch Cát mặt đỏ bừng rồi tím bầm. Lão cất tiếng ấm ớ hỏi:

– Cô nương nói vậy là chê Dịch mỗ không đủ tài làm chưởng môn phái Cửu Long chăng?

Viên Tử Y mỉm cười đáp:

– Không phải thế. Dịch lão sư đi đã bất lợi. Mạng người há phải trò đùa? Sao bằng nhường chức chưởng môn phải Cửu Long cho tiểu nữ. Đây là tiểu nữ vì hảo tâm muốn đỡ tai nạn cho lão sư…

Nàng chưa nói dứt lời đột nhiên hai hán tử trong khoang thuyền chuồn ra. Trong tay mỗi người đều cầm một cây Cửu Tiết Tiên.

Một hán tử trung niên lên tiếng:

– Con nhỏ này điên điên khùng khùng. Sư phó bất tất hỏi đến thị làm chi. Để đệ tử đuổi thị lên bờ cho khỏi lỡ giờ tốt khai thuyền.

Hắn nói rồi vươn tay trái ra đẩy đầu vai Viên Tử Y.

Viên Tử Y đưa ngón tay khẽ búng vào cánh tay hắn vào bảo:

– Giờ tốt đã lỡ rồi.

Bàn tay đại hán chưa đụng vào vai Viên Tử Y đã thấy khuỷu tay tê chồn và cánh tay mềm rũ xuống.

Một tên đại hán khác quát:

– Đại sư ca! Báo động đi!

Hai người cùng thổi lên một hồi còi lanh lảnh. Hai cây Cửu Tiết Tiên đồng thời quấn vào đầu gối Viên Tử Y. Bọn họ không muốn hạ sát nàng nên không đánh vào chỗ nguy hại.

Viên Tử Y thấy hai người đều sử Cửu Tiết Tiên, nàng động tâm tự nhủ:

– Môn phái của chúng kêu bằng Cửu Long phái, đại khái là họ chuyên dùng Cửu Tiết Tiên.

Nàng đã nói chuyện đường dài với Dịch Cát một là để lão rối loạn tâm thần, hai là để dò la võ công cùng gia số của lão. Bay giờ nàng thấy cây tiên đánh tới, trong bụng mừng thầm tự nghĩ: – Hay lắm! Thế là các ngươi chạm trán bà tổ nhà ngươi sử nhuyễn tiên rồi.

Nàng vung hai bàn tay nhỏ nhắn chụp lấy hai đầu roi nhanh như chớp móc vào nhau. Nàng mỉm cười đứng nguyên chỗ.

Hai hán tử không phát giác, chỉ thấy đầu roi chưa đánh tới người nàng đã dính vào nhau. Cả hai người cùng hết sức kéo mạnh một cái. Thế là trúng kế của Viên Tử Y. Nguyên hai đầu cây tiên kết thành từng đốt nên càng kéo mạnh càng thắt chặt lại.

Hai hán tử kinh ngạc đến ngẩn người lại kéo mạnh lần nữa. Tý lực hai người này ngang nhau, không ai kéo nhúc nhích được đối phương mà hai đầu nhuyễn tiên càng thắt chặt hơn.

Dịch Cát quát lên:

– Những quân ngu xuẩn lỗ mãng! Mau mau lùi lại.

Lão nắm vạt áo trường bào kéo mạnh một cái, những tiếng lách cách vang lên.

Bảy khuy áo lập tức bật ra. Lão xoay tay kéo ngược về phía sau, lập tức cởi được trường bào để lộ bộ võ phục bên trong, nai nịt gọn gàng, đầy vẻ oai phong.

Những người trên bờ số đông là đệ tử cùng bạn hữu của lão, còn một phần là người ngoài. Ai thấy thế cũng nổi tiếng hoan hô.

Viên Tử Y lắc đầu nói:

– Cái này không hay đâu. Đây là thủ pháp Thoát Bào Nhường Vị thì không sao, nhường vị là nhường lại ngôi chưởng môn cho tiểu nữ.

Dịch Cát run lên cảm thấy quả là triệu chứng bất tường. Lão thò tay mặt ra đằng sau rồi vung lên một cái. Tay lão đã cầm cây Cửu Tiết Tiên sáng loáng.

Lão vung tay mặt mà không phát ra tiếng động vì chín đốt cây roi không đụng vào nhau.

Viên Tử Y la thầm:

– Trời ơi! Hỏng bét! Công phu này ta không hiểu được. E rằng bữa nay đến phải mất mặt.

Nàng thấy mỗi đốt cây roi này đều lớn bằng quả trứng gà. Người lão cao lớn đứng ở đầu thuyền coi như cây tháp bằng sắt, lại tay cầm cây tiên to lớn khiến cho oai phong càng thêm lẫm liệt.

Lúc này nhà đò đã kéo neo. Con thuyền ở dưới sông rung rinh không đứng vững.

Dịch Cát vung tay một cái. Cây Cửu Tiết Tiên quăng ra cuốn lấy mỏ neo sắt.

Lão lại vung tay một cái mỏ neo rớt xuống đánh “bòm” một tiếng. Tia nước bắn trung tóe. Neo bỏ xuống rồi, con thuyền lập tức đứng vững.

Nếu cánh tay lão không mang nổi sức nặng bảy, tám trăm cân thì làm sao nhấc nổi mỏ neo sắt. Cây trường tiên chín đốt vừa và nhuyễn tiên vừa là cương tiên nhưng phải người nội ngoại kiêm tu mới sử dụng được.

Viên Tử Y nghĩ bụng:

– Tý lực của lão này ghê quá! Lão vung tiên không thành tiếng động. Ta chẳng thể dùng sức để địch lại lão mà phải dùng trí mới thắng lão được.

Nàng nghĩ ngay đến thân hình lão to lớn, lại nhiều tuổi rồi thì công lực có thâm hậu nhưng thủ cước chưa chắc đã mau lẹ. Nàng liền nghĩ ra một kế rồi nói:

– Dịch lão sư! Tiểu nữ là đàn bà con gái mà tỉ đấu ngay ở đầu thuyền thì bất luận thắng hay bại đều bất lợi cho chuyến đi của lão sư. Chúng ta kiếm nơi nào khác để tỉ đấu hay hơn.

Dịch Cát thấy nàng nói có lý nhưng lại không muốn lên bờ.

Viên Tử Y hỏi:

– Dịch lão sư! Chúng ta nên nói trước. Nếu tiểu nữ thắng được lão sư thì ngôi chưởng môn phái Cửu Long dĩ nhiên được lão sư chắp tay nhường lại nhưng không hiểu quần đệ tử dưới trướng có tâm phục chăng?

Dịch Cát tức quá sắc mặt lợt lại lớn tiếng:

– Không phục thì cũng phải phục. Nhưng cô thua thì sao?

Viên Tử Y cười đáp:

– Tiểu nữ đập đầu bái lão sư làm can gia và yêu cầu lão sư thương mến can nữ.

Dứt lời đột nhiên nàng nhảy vọt lên. Chân phải đạp vào giây lèo thuyền. Chân trái đạp vào đáy lá buồm. Nàng rút cây nhuyễn tiên ở đai lưng vung lên quấn vào khoảng giữa cột buồm, vận kình ra cánh tay níu lấy nhuyễn tiên tung người lên cao.

Tay trái nàng ôm lấy cột buồm, tay mặt lại vung nhuyễn tiên ra quấn lấy cột buồm rồi thi triển thân pháp Nhất Hạc Xung Thiên tung mình lên cao hơn cột buồm, từ từ hạ xuống đứng trên nóc lá buồm.

Thân pháp nhẹ nhàng coi rất ngoạn mục của Viên Tử Y khiến những người bàng quan trên bến đều nổi tiếng hoan hô.

Trong bọn đệ tử phái Cửu Long có người la:

– Này! Giở trò chơi đó là có ý gì? Ngươi có giỏi thì hãy xuống đấu với Dịch lão sư lừng danh đất Tam Tương về môn Cửu Long tiên.

Dịch Cát hắng đặng một tiếng quấn cây Cửu long Tiên vào ngang lưng. Tay trái lão nắm lấy cột buồm, người lão đã rời khỏi mặt thuyền hai bước. Tiếp theo lão lại bám tay phải để trèo lên.

Cây cột buồm này lớn bằng miệng bát. Tay trái lão không nắm vững được nhưng chỉ kình của lão rất lợi hại, chưởng lực cũng hùng hậu phi thường. Hai tay lão bám vào cột buồm, người lão trèo lên một cách bình yên. Tuy thân pháp không mau lẹ và ngoạn mục bằng Viên Tử Y nhưng những tay sỏi đời đều biết là công phu của lão không phải tầm thường.

Viên Tử Y thấy lão còn cách cây cột buồm chừng hơn trượug liền tự nhủ:

– Nếu để lão trèo lên ngọn thì khó ăn lắm. Chỉ còn cách ở trên cao đánh xuống, hãy kiềm chế lão trước không để lão trèo lên được nữa.

Nàng liền vung cây ngân ti tiên một cái hô lớn:

– Tiểu nữ có cây Thập Bát Long Tiên còn dài gấp đôi Cửu Long Tiên của lão sư.

Đầu cây tiên rung chuyển trên không chụp xuống đầu lão.

Hai tay Dịch Cát đều không rảnh thì làm sao chống được? Nếu lão né tránh người sẽ tuột khỏi cột buồm. Thế là chưa đánh đã thua.

Bọn đệ tử trên bến lớn tiếng thóa mạ:

– Quân mặt dầy kia! Giao thủ như vậy là công bằng ư?

– Con điếm kia! Có giỏi thì xuống đây động thủ!

Bỗng thấy Dịch Cát nghiêng đầu đi. Tay trái lão ôm cột buồm, tay mặt vung cây Cửu Thiết Tiên để đối địch.

Viên Tử Y sợ hai câu nhuyễn tiên đụng nhau sẽ bị quấn lấy. Nàng ít sức giựt lại không nổi tất phải thất bại.

Nàng liền rung tay cho cây Ngân Ti Tiên lảng ra, chờ cơ hội tái chiếm.

Không ngờ Dịch Cát sử chiêu Sáp Họa Cái Đinh múa cây cương tiên bảo vệ đầu và mặt. Tay trái lão buông ra. Người lão tung liền bốn năm lần rồi ngồi vững trên nóc cột buồm.

Dưới bến tiếng vỗ tay vang như pháo nổ.

Tuy lão chiếm được lợi thế mà Viên Tử Y lại yên tâm một phần vì nàng thấy lão vung tiên, lực đạo tuy mãnh kiệt nhưng chiêu số không có biến hóa khác biệt, tức là còn kém xa nàng. Về tiên pháp nàng đã luyện đến trình độ rất tinh vi, rất xảo diệu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.