Phi hồ ngoại truyện
57. Viên Tử Y đả bại quần hào
Viên Tử Y chí đầu ngón chân xuống nhảy lên cái ghế tròn nói:
– Vương lão sư! Võ công của Bát Quái Môn dạy rằng chân đạp phương vị Bát Quái: Càn, Khôn, Tốn, Khảm, Chấn, Đoài, Li, Cấm. Chúng ta động thủ ra chiêu ở ngay trên những cái ghế này.
Viên Tử Y đáp:
– Hay lắm!
Hắn từ từ bước lên ghế tròn, hai tay vòng lại. Một chưởng hướng về phía dưới, một chưởng quay ra cửa sau.
Viên Tử Y hỏi:
– Thường nghe Vương thị huynh đệ ở Bát Quái Môn nổi danh anh kiệt ngang nhau. Lát nữa Vương lão sư mà thất bại rồi, lệnh đệ còn đánh nữa hay thôi?
Vương Kiếm Anh bản tính ngưng trọng nhưng nghe mấy câu này cũng không nhịn được. Theo lời nàng thì chưa động thủ, nhất định hắn sẽ thất bại.
Hắn đã không khéo nói lại đang cơn thịnh nộ, miệng lắp bắp nói không nên lời.
Vương Kiếm Kiệt tức giận lên tiếng:
– Con tiểu nha đầu đừng nói nhăng nói càn, chỉ cần ngươi đỡ nổi một trăm chiêu của đại ca là anh em ta từ nay không sử Bát Quái Chưởng nữa.
Thực ra Vương thị huynh đệ danh cao vọng trọng trong võ lâm, hạng võ sư tầm thường không đỡ nổi mười chiêu của họ, Vương Kiếm Kiệt đã nói tới một trăm chiêu là không dám coi thường Viên Tử Y.
Viên Tử Y đưa mắt nhìn xéo, lạnh lùng hỏi:
– Sau khi ta đánh bại lệnh huynh có được kể là chưởng môn của Bát Quái Môn không? Ngươi còn đấu nữa hay thôi?
Vương Kiếm Kiệt đáp:
– Đừng khoác lác nữa. Hãy thắng được ca ca ta đã rồi hãy nói cũng chưa muộn.
Viên Tử Y nói:
– Ta muốn hỏi cho biết rõ đã.
Vương Kiếm Kiệt chưa kịp trả lời, Vương Kiếm Anh hỏi:
– Tôn sư là ai?
Viên Tử Y hỏi lại:
– Ngươi hỏi sư thừa ta làm chi?
Nàng là một thiếu nữ rất lanh lợi, đảo cặp mắt đen láy nói tiếp:
– Chà! Vương lão sư động nộ rồi muốn hạ sát thủ mới hỏi trước sư phụ ta. Hay lắm! Oai danh sư phụ ta rất lớn, nói ra làm cho lão bở vía. Lão cứ việc sử hết những tuyệt chiêu của Bát Quái môn ta cũng không nêu danh sư phụ ra. Người ta thường nói đã không biết là không có tội. Dù lão đánh chết ta, gia sư cũng không trách đâu.
Nàng nói mấy câu này trúng tâm sự Vương Kiếm Anh. Hắn thấy nàng đã tỉ đấu với Hồ Phỉ, lại kiềm chế Tần Nại Chi, ra tay không phải tầm thường thì nhất định lai lịch của nàng rất lớn. Dù hắn chẳng coi một vị tiểu cô nương vào đâu nhưng nếu hắn nặng tay đả thương nàng thì sau này sư phụ nàng tính đến tất khó bề đối phó. Hắn nghe nàng nói vậy liền hô:
– Xin các vị nơi đây làm chứng cho!
Hắn vung chưởng đánh ra. Chân hắn bước từ cung Khôn qua cung Li.
Thân hình hắn to lớn mà cước bộ nhẹ nhàng như chim én lướt sóng.
Viên Tử Y phóng chưởng đánh chênh chếch đi từ cung Cấn rượt qua cung Chấn và đã sử dụng Bát Quái Chưởng, chân bước theo Bát Quái phương vị.
Vương Kiếm Anh đánh liền mấy chưởng đều bị nàng hất đi.
Hai người xung quanh cái bàn tròn, di chuyển trên mười hai cái ghế đá chẳng khác gì bọn trẻ nít chơi trò Tróc Mê Tàng nhưng di chuyển mỗi lúc một mau lẹ khiến người bàng quang trông hoa cả mắt.
Vương Kiếm Anh nghĩ bụng:
– Con tiểu nha đầu này tâm tư rất linh xảo. Thị dụ được ta đấu chưởng trên ghế đá cách một cái bàn. Chưởng lực của thị vốn không bì kịp ta nhưng trung gian có cái bàn tròn cản trở làm cho chưởng lực bớt phần trầm trọng.
Hắn lại tự nhủ:
– Võ công con nha đầu này rất phức tạp. Thị sử được môn Bát Quái Chưởng của ta rất chính xác, hà tất ta phải dùng chưởng pháp thông thường để giằng co với thị?
Đột nhiên hắn rú lên một tiếng. Chân bước loạn xạ. Hắn thi triển môn tuyệt kỹ gia tryền của phụ thân là Bát Trận Bát Quái Chưởng.
Chưởng pháp này Vương Duy Dương chỉ dạy cho hai con còn đệ tử họ ngoài nhưng bọn Thương Kiếm Minh đều không được truyền thụ. Đó là môn Bát Quái Chưởng kèm theo Bát Trận đồ. Thiên trận lấy cung Càn làm Thiên môn. Địa trận lấy cung Khôn làm Địa môn. Phong Trận lấy cung Tốn làm Phong môn. Vân trận lấy cung Chấn làm Vân môn. Phi long lấy cung Khảm làm Phi Long môn. Võ Dực lấy cung Đoài làm Võ Dực môn. Điêu Tường ở cung Li làm Điêu Tường môn. Uyên Bàn lấy cung Cấn làm Uyên Bàn môn.
Thiện Địa Phong Vân là bốn cửa chính, Long Hổ Điêu Uyên là bốn kì môn.
Càn Khôn Cấm Tốn là cửa đóng, Khảm Li Chấn Đoài là cửa mở.
Chỉ trong khảnh khắc Bát Trận biến hóa kì ảo vô cùng. Tuy ở trong quán Lương Đình nhỏ xíu cững đủ để bố trận chiến đấy.
Môn Bát Quái Bát Quái Chưởng này chẳng những Viên Tử Y chưa học mà còn chưa được nghe qua. Nàng mới tiếp được mấy chưởng đã hoa mắt lên, bất giác ngấm ngầm kêu khổ.
Hồ Phỉ đứng ngoài lược trận biết là tình thế bất diệu nhưng Viên Tử Y lúc trước đã nói khoác lác đòi đoạt chức chưởng môn nên chàng không thể ra tay viện trợ. Chàng thấy Vương Kiếm Anh mỗi lúc một chiếm thượng phong mà không làm sao được.
Bỗng thấy Viên Tử Y chí chân trái xuống nhảy lên mặt bàn nói:
– Đứng trên ghế phát chiêu không hay. Chúng ta lên bàn tỉ đấu. Vương lão sư không được đạp bể chén trà đâu nhé.
Vương Kiếm Anh chẳng nói năng gì cũng nhảy lên bàn.
Lúc này hai người cách nhau rất gần. Viên Tử Y không thể dùng cái khéo để đón đỡ Những quyền chưởng của đối phương phóng ra nàng phải thẳng thắn đón tiếp nhưng dưới chân chiếm phần tiện nghi.
Nguyên trên bàn để rải rác mười hai chén trà, lại bốn đa trái cây chẳng khác gì Mai Hoa Trang, Thanh Trúc Trận nên bước chân phải theo quy luật.
Bát Trận Bát Quái Chưởng của Vương Kiếm Anh mà thi triển dưới đất thì uy lực mãnh liệt phi thường nhưng ở trên Mai Hoa Trang một biến hóa đã bị hạn chế, uy lực lại càng sút kém.
Lúc này ở trên bàn hắn chỉ sợ đạp bể chén trà hay đĩa trái cây làm cho cô bé điêu ngoa chê cười. Hắn cố giữ tư thế để khỏi phải di chuyển bước chân lúc huy động chưởng lực. Hăn tự lượng không thể ỷ vào cước bộ linh diệu mà chỉ trông vào nội công thâm hậu để hạ nàng.
Chưởng phong rít lên vù vù. Những vông hoa ở bên Lương Đình bị chưởng lực rung động làm cho cánh hoa tung bay lả tả rớt xuống.
Lúc Viên Tử Y nhảy lên mặt bàn nàng đã tính những điều lợi hại. Nàng thấy đối phương phóng ra những phát chưởng như vũ bão, đành di chuyển thân hình không dừng bước.
Bỗng thấy Viên Tử Y tay trái giơ chênh chếch lên, tay mặt toan đánh ra, chân trái nàng nhẹ nhàng móc lên, một chung trà bay thẳng vào mặt Vương Kiếm Anh.
Vương Kiếm Anh giật mình kinh hãi lạng mình né tránh nhưng Viên Tử Y đã lượng mình về phương này. Hai chân nàng liên tiếp móc, hất. Bảy, tám cái chung trà và da trái cây bay lên. Vương Kiếm Anh tránh được ba cái nhưng cái thứ tư, thứ năm đánh trúng đầu vai hắn bật lên những tiếng chát chát. Nước trà bắn tung tóe vào đầy mặt mũi đầu tóc hắn. Tiếp theo những chung thứ chín, thứ mười lại đánh trúng ngực hắn.
Vương Kiếm Anh và Vương Kiếm Kiệt tức giân gầm lên như sấm.
Bọn người bàng quan là Uông Thiết Ngạc, Ân Trọng Tường, Chử Oanh không nhịn được cũng bật tiếng la thất thanh.
Lại thấy hai cái chung trà sau cùng bắn vào hai mắt Vương Kiếm Anh.
Hắn phẫn nộ đến cùng cực đánh ra một chưởng thật mạnh.
Viên Tử Y đá chung trà lên cốt để làm cho địch rối loạn và chờ hắn phóng chưởng ra. Nàng đã gặp cơ hội khi nào bỏ lỡ, liền lạng mình đi vươn tay chụp lấy cổ tay Vương Kiếm Anh. Tay trái nắm huyệt Khúc Trì của hắn.
Nàng lôi lại đẩy một cái. Một tiếng “rắc” vang lên.
Vương Kiếm Kiệt la hoảng:
– Nguy rồi!
Xương tay Vương Kiếm Anh đã bị trật khớp.
Đây vẫn là công phu Phân Cân Thác Cốt tầm thường, chẳng có chi đáng kể về gia số kì diệu nhưng Viên Tử Y ra tay cực kì mau lẹ. Vương Kiếm Anh không né tránh kịp mà thanh cái nhục chung thân.
Vương Kiếm Kiệt hai tay phóng chưởng đồng thời nhảy xổ về phía Viên Tử Y. Hồ Phỉ đánh ra một chưởng đẩy hắn lùi lại ba bước nói:
– Vương huynh hãy khoan! Vừa nói là lấy một chọi một kia mà?
Vương Kiếm Anh sắc mặt lợt lạt nằm sõng sượt trên bàn.
Viên Tử Y bụng bảo dạ:
– Nếu ta tha hắn một cách khinh suất thì cả hai anh em hắn quay lại khiêu chiến, chắc ta không địch nổi.
Nàng liền hạ thủ chẳng nể nang gì. Nhân lúc Vương Kiếm Anh không còn sức kháng cực, nàng lại vặn trật khớp xương cánh tay trái hắn, đoạn phóng chủ điểm vào huyệt Thái Dương, quát hỏi:
– Ngôi chưởng môn Bát Quái Môn lão đã chịu nhường chưa?
Vương Kiếm Anh nhắm mắt chờ chết không nói gì nữa.
Vương Kiếm Kiệt gầm lên:
– Tha ngay huynh trưởng ta rồi ngươi muốn làm chưởng môn thì làm.
Viên Tử Y hỏi:
– Lão nói có chắc không?
Vương Kiếm Kiệt vội đáp:
– Chắc lắm! Chắc lắm!
Viên Tử Y mỉm cười nhảy xuống bàn.
Vương Kiếm Kiệt cùng huynh trưởng rảo bước đi ngay không ngoảnh cổ lại nữa.
Chu Thiết Tiêu nói:
– Cô nương liền một lúc đoạt ngôi chưởng môn của hai nhà quả là bậc thông minh lanh lợi. Không hiểu cô còn diệu kế gì để đối phó với Chu mỗ?
Hắn nói câu này hiển nhiên ám chỉ Viên Tử Y đã dùng nguy kế để thủ thắng chứ thực sự chẳng có bản lãnh gì.
Viên Tử y tức giận đáp:
– Đối phó với Ưng Trảo Nhạn Hành Môn cần chi phải dùng đến trí kế. Bên lão ba vị sư huynh sư đệ xông vào cả một lúc hay chỉ một mình Chu lão sư đấu với ta?
Chu Thiết Tiêu cười mát hỏi lại:
– Viên cô nương nói vậy là coi các võ sư ở thành Bắc Kinh quá tầm thường. Từ ngày Chu mỗ mới mười ba tuổi đến giờ vẫn đơn đả độc đấu.
Viên Tử Y nói:
– Ồ! Vậy trước khi Chu lão sư được mười ba tuổi không phải là anh hùng hảo hán chuyên dùng hai đánh một.
Chu Thiết Tiêu đáp:
– Chu mỗ mới bắt đầu học nghề từ mười ba tuổi.
Viên Tử Y nói:
– Những trang hảo hán thường tỏ ra anh hùng ngay từ buổi sơ sinh. Lắm tay võ nghệ cao cường mà thủy chung vẫn hèn nhát. Chu lão sư! Ta nói vậy không phải ám chỉ lão sư đâu nhé.
Chẳng hiểu tại sao đối với Vương Kiếm Anh, Vương Kiếm Kiệt nàng còn có phần kính phục mà đối với Chu Thiết Tiêu đầy vẻ cao ngạo, nàng lại càng chán ghét, rẻ rúng.
Chu Thiết Tiêu chưa từng bị ai sỉ nhục đến thế, trong lòng tức giận như muốn phát điên mà ngoài miệng chỉ hắng đặng một tiếng.
Uông Thiết Ngạc la lên:
– Con tiểu nha đầu kia! Ngươi nên ăn nói lịch sự một chút với đại sư ca ta.
Viên Tử Y thấy lão này là người chất phác, nàng không lý gì đến hắn nhìn Chu Thiết Tiêu giục:
– Lấy ra đi! Đặt lên bàn.
Chu Thiết Tiêu ngạc nhiên hỏi:
– Cái gì?
Viên Tử Y đáp:
– Đồng ưng Thiết Nhạn Bài.
Chu Thiết Tiêu nghe đến năm chữa “Đồng ưng Thiết Nhạn Bài” thì dù công phu hàm dưỡng cao thâm đến đâu cũng chẳng thể giữ vẻ điềm nhiên được nữa, hắn lớn tiếng:
– Chà chà! Ngươi hiểu biết khá nhiều về công việc của chúng ta.
Hắn cởi cái túi gấm ở đai lưng xuơng đặt lên bàn hô:
– Đồng ưng Thiết Ngạc Bài ở trong này. Ngươi hãy giết được Chu mỗ đi rồi hãy lấy.
Viên Tử Y đáp:
– Lão sư hãy lấy ra cho ta coi đã. Ai mà biết được bài chân hay bài giả.
Chu Thiết Tiêu hai tay run lên mở túi gấm lấy ra một tấm lệnh bài dài bốn tấc rộng hai tấc. Trên mặt bài khảm một con chim ưng móng sặc sỡ bằng đồng và một con nhạn bay bằng sắt. Chính là tấm tín bài của chưởng môn truyền đời ở ưng Trảo Nhạn Hành Môn. Bọn đệ tử bản môn ngó thấy tấm kim bài này cũng như nhìn thấy chưởng môn vậy.
Ưng Trảo Nhạn Bành Môn là một môn phái lớn trong võ lâm về cuối đời nhà.
Chưởng môn mấy đời ở phái này đều là những tay võ công trác tuyệt. Môn quy rất nghiêm ngặt nhưng truyền đến Chu Thiết Tiêu, Tăng Thiết Âu thì quần đệ tử đều để bọn quyền quý nhà Mãn Thanh thu dụng.
Chúng nhiễm phải tính xa hoa ở kinh thành mà võ công cũng kém tiền nhân.
Đến đời Gia Khánh sau này, Ưng Trảo Nhạn Hành môn mới nảy ra được mấy nhân vật khá giả và bắt đầu công cuộc trùng hưng môn phái. Đây là việc về sau xin hãy gác lại.
Viên Tử Y nói:
– Coi rất giống của thật nhưng chưa thể quyết định.
Nguyên nàng vừa kịch chiến với Vương Kiếm Anh tuy may mà chuyển bại thành thắng nhưng nội lực đã hao tổn rất nhiều. Bây giờ nàng cố ý kéo dài câu chuyện một là để chọc giận Chu Thiết Tiêu, hai là để điều dưỡng chân khí.
Chu Thiết Tiêu là người biết nhiều hiểu rộng làm gì chẳng rõ tâm lý của nàng. Hắn đè hai tay xuống nhảy vọt lên mái Lương Đình nói:
– Chúng ta càng đánh càng lên cao. Chu mỗ lên nóc quán để lãnh giáo tuyệt nghệ của cô.
Nên biết môn phái hắn mang danh Ưng Trảo Nhạn Hành vì một chuyện về môn Ưng Trảo Cầm Nã, hai là chuyên về môn Nhạn Hành Khinh Công.
Chu Thiết Tiêu nhảy lên nóc quán cốt ý giữ hiểm địa cho việc thi triển khinh công, quyết một phen sinh tử với đối thủ.
Đồng thời hắn định dồn Viên Tử Y vào tình trạng không còn đường thi triển xảo thuật. Nàng gặp lúc nguy cấp, Hồ Phỉ cũng khó bề ra tay viện trợ.
Tong lòng hắn yên trí Viên Tử Y bản lãnh có cao thâm cũng chỉ là hạng nữ lưu chẳng thể nào bì kịp Hồ Phỉ. Hắn vẫn sợ chàng hơn là sợ Viên Tử Y.
Ngờ đâu Cầm Nã và Khinh Công lại chính là hai môn sở trường của Viên Tử Y. Giả tỉ hắn được chứng kiến cuộc đấu giữa nàng và Dịch Cát trên ngọn cột buồm tất hắn không dám nhảy lên nóc quán để thách đấu.
Hồ Phỉ thấy hắn thân pháp tuy mau lẹ nhưng chưa thể bì kịp Viên Tử Y nên chàng càng vững dạ. Chàng quay lại ngó Viên Tử Y mỉm cười với nhau.
Viên Tử Y giả vờ miễn cưỡng nhảy lên nóc quán hô:
– Coi chiêu đây!
Mười đầu ngón tay theo tư thế món chin ưng chênh chếch đánh tới.
Nguyên trảo pháp trong quyền thuật, đại lộ chia làm Long Trảo, Hổ Trảo ưng Trảo là ba loại.
Long Trảo thì bốn ngón khép lại, ngón cái choãi ra. Những đầu ngón tay quay vào lòng bàn tay.
Hổ Trảo thì năm ngón tay xa nhau. Ngón thứ nhì và ngón thứ ba bấm vào lòng bàn tay.
Ưng Trảo thì bốn ngón co lại, ngón cái mở ra.
Ba loại trảo pháp đều có chỗ sở trường nhưng Long Trảo Công diệu khó mà luyện hơn hết.
Chu Thiết Tiêu thấy Viên Tử Y quả nhiên dùng tư thế của bản môn liền tự nhủ:
Thị dùng võ công cổ quái nào ta còn có phần úy kị nhưng thị sử ưng Trảo Nhạn Hành Công là tự tìm đường chết rồi.
Hắn vươn tay thành thế ưng Trảo xoay ra công kích.
Quần hào ngửng đầu lên nhìn thấy hai người nhảy nhót nhẹ nhàng, sán gần vào nhau thi triển mấy chiêu cầm nã rồi lui ra ngay.
Trong bốn trận kịch đấu đêm nay thì cuộc này ngoạn mục hơn hết nhưng cũng là một trường hung hiểm nhất.
Dưới ánh trăng coi hai người chẳng khác đôi chim khổng lồ bay qua bay lại chiến đầu trên nóc quán.
Đột nhiên hai người chồm lại gần nhau rồi bật lên mấy tiếng rắc rắc. Viên Tử Y quát tháo, Chu Thiết Tiêu gầm lên một tiếng. Rồi một trong hai người té xuống.
Vì thủ cước hai người lẹ quá, quần hào đứng bàng quan chỉ có Hồ Phỉ và Tăng Thiết Âu là nhìn rõ Viên Tử Y đã dùng phép Phân Cân Thác Cốt bẻ trật khớp xương Chu Thiết Tiêu.
Chu Thiết Tiêu lúc té nhảo tỳ vai xuống đất không dậy được nữa.
Quán Lương Đình này không bao cao mấy mà khinh công của Chu Thiết Tiêu đã vào hàng trác tuyệt thì dù địch không nổi Viên Tử Y cũng nhảy xuống dễ dàng quyết chẳng đến nỗi té nhào không dậy được. Chẳng lẽ hắn bị trọng thương trí mạng?
Uông Thiết Ngạc vốn một lòng kính ái đại sư huynh hốt hoảng la gọi:
– Sư ca…
Hắn vừa chạy lại vừa hô, thanh âm như người muốn khóc. Hắn cúi xuống đỡ Chu Thiết Tiêu đứng lên nhưng hai chân họ Chu bị trật khớp còn đứng làm sao được? Uông Thiết Ngạc vừa buông tay, Chu Thiết Tiêu rên lên một tiếng rồi lại ngã lăn ra.
Tăng Thiết Âu khẽ mắng:
– Ngu quá!
Rồi chạy lại nâng đỡ.
Tăng Thiết Âu cũng là một tay hảo thủ hạng nhất trong Ưng Trảo Nhạn Hành Môn nhưng không hiểu thuật tiếp nối, liền ôm Chu Thiết Tiêu cứ thế chạy đi.
Chu Thiết Tiêu quát:
– Thu lấy Ưng Nhạn Bài.
Tăng Thiết Âu chợt nhớ ra chạy vào Lương Đình. Lúc hắn vươn tay định lất tấm kim bào thì đột nhiên có tiếng gió quạt vào đầu. Hắn bị người đánh lén.
Tăng Thiết Âu tay mặt ôm sư huynh, tay trái chưa kịp lấy kim bài đành xoay chưởng đón tiếp nhưng đánh vào quãng không.
Bỗng trước mặt thấy bóng đen thấp thoáng. Một người từ trên nóc quán nhảy xuống chộp lấy tấm kim bài trên bàn, quát lớn:
– Đánh thua rồi muốn cãi chăng?
Chính là Viên Tử Y.
Tăng Thiết u vừa kinh hãi vừa tức giận đứng ngẩn ra trong quán. Hắn không biết nên đối phó với Viên Tử Y hay là kêu người cứu trị đại sư huynh.
Hồ Phỉ tiến lên một bước nói:
– Hai chân Chu huynh bị trật khớp, nếu không lắp lại ngay e rằng sẽ tổn thương đến gân cốt.
Chàng không chờ hai lão Chu, Tăng trả lời đã vung tay ra nắm lấy chân trái Chu Thiết Tiêu kéo ra một cái rồi đưa lại.
Cục một tiếng. Chàng tiếp cốt xong rồi.
Chàng lại lắp đúng xương chân phải và giải khai huyệt đạo cho họ Chu.
Chu Thiết Tiêu liền thấy hết đau ngay.
Hồ Phỉ nhìn Viên Tử Y chìa tay ra cười nói:
– Viên cô nương! Tấm Đồng ưng Thiết Nhạn Bài đó chẳng có chi đẹp đẽ, cô nương nên hoàn lại cho Chu đại ca.
Viên Tử Y nghe chàng nói đến năm chữ “Chẳng có chi đẹp đẽ” liền mỉm cười cầm tấm kim bài đặt vào trong lòng bàn tay Hồ Phỉ.
Hồ Phỉ hai tay nâng bài kính cẩn đưa tới trước mặt Chu Thiết Tiêu.
Chu Thiết Tiêu vươn tay ra chụp lấy nói:
– Hảo tâm của hai vị khiến cho Chu mỗ còn một hơi thở cũng có ngày đền đáp.
Hắn nói rồi liếc mắt nhìn Viên Tử Y và Hồ Phỉ, đoạn bám vai Tăng Thiết u trở gót đi ngay.
Cũng là cái nhìn nhưng khác nhau ở chỗ hắn ngó Viên Tử Y bằng cặp mắt đầy vẻ oán độc mà khi ngó Hồ Phỉ lại ra chiều rất cảm kích.
Viên Tử Y chẳng để ý gì. Nàng giương cặp lông mày xinh đẹp lên nhìn người sử Lôi Chấn Đáng là Chử Oanh hỏi:
– Chử đại gia! Nửa chức chưởng môn của đại gia có cần tỉ đấy nữa hay thôi?
Bây giờ Chử Oanh dù có đần độn đến đâu cũng hiểu rằng mấy môn công phụ tầm thường của mình chẳng thể nào địch nổi Viên Tử Y. Hắn liền chắp tay đáp:
– Tệ phái là Lôi Điện Môn do gia sư nắm giữ quyền hành, tại hạ không dám đại diện chưởng môn. Nếu cô nương muốn tứ giáo thì xin mời đến Tái Bắc, nhất định gia sư rất hoan nghênh.
Hắn nói câu này không kiêu ngạo cũng chẳng đốn hèn, đổ trách nhiệm lên đầu sư phụ.
Viên Tử Y cười khanh khách vẫy tay mấy cái hỏi:
– Còn hai vị kia, vị nào muốn tứ giáo?
Bọn Ân Trọng Tường chắp tay nói:
– Hồ đại gia! Chúng tôi sẽ có ngày tái ngộ.
Đoạn trở gót ra ngoài. Ai nấy đầy lòng ngờ vực không hiểu lai lịch của Viên Tử Y thế nào.
Hồ Phỉ đưa chân đến tận cửa ngoài rồi mới quay về vườn hoa.
Bỗng nghe trên không sấm nổ ầm, chàng ngửng đầu trông thấy đầy trời mây kéo đen nghịt che lấp vừng trăng to.
Viên Tử Y nói:
– Đúng là trời làm phong vũ bất ngờ, con người họa phúc khôn lường. Ai mà biết được Hồ đại ca hành hiệp phong trần, chỉ một chuyến lai kinh bỗng trở nên đại phú gia.
Nàng nhắc tới vụ này bất giác khiến cho Hồ Phỉ tức lộn ruột. Chàng đáp:
– Viên cô nương! Tòa viện trạch này là sản nghiệp của tên gian nhân họ Phụng, tại hạ ở trong nhà thêm một khắc là thêm một phần điếm nhục, vậy xin cáo từ.
Chàng quay lại bảo Trình Linh Tố:
– Nhị muội! Chúng ta đi thôi!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.