Phút Dành Cho Con

BÀI HỌC VỀ CÁI TÔI



Hôm nay, cha chợt nhớ về một kỷ niệm khó quên từ hồi cha học lớp 7, nó như bài học luôn nhắc nhở cha trong suốt quãng đời về sau. Đó là một ngày khi cha và các bạn vừa kết thúc buổi họp nhóm, lúc ra về cha đã nói những câu bông đùa làm cả nhóm cười ồ. Khi ấy thầy Rainaldi – thầy dạy cha môn toán – đi ngang qua và đã nhìn cha, thầy nói rất điềm đạm: “Nerburn, câu nói nào của trò cũng bắt đầu bằng từ “Tớ”!”.
Rồi thầy bước đi.
Câu nói giản dị của thầy đã làm cha suy nghĩ và sau đó cha đã giác ngộ được điều thầy muốn nói.
Từ buổi hôm đó trở đi cha bắt đầu nhìn nhận lại bản thân và có những thay đổi trong nhận thức. Cha không còn nhìn thế giới chỉ bằng cái nhìn chủ quan của riêng mình. Cha cũng không còn tự xem “cái tôi” của mình là “cái rốn của vũ trụ”. Thay vào đó, những gì cha nhìn thấy, những người cha bắt gặp, những sự kiện xảy ra đều cho cha những suy nghĩ mới, để từ đó, thế giới mở ra trước mắt cha như một khu vườn đầy hoa.
Cha đã bắt đầu chuyến hành trình để nhìn ngắm thế giới bằng con mắt không chỉ của riêng cha, để tìm thấy niềm vui bất tận của việc trải nghiệm cuộc sống qua suy nghĩ và cảm nhận của những người xung quanh.
Tuy nhiên, cha biết đối với hầu hết chúng ta, việc thay đổi này không thể diễn ra một sớm một chiều được. Vì con người vẫn thường xây dựng cuộc đời mình một cách giới hạn, chỉ xoay quanh “cái tôi” của mình – “tôi nghĩ, tôi cần, tôi muốn”. Trong khi đó, thế giới bên ngoài, cuộc sống bên ngoài rộng lớn hơn nhiều, gần như không đồng nhất với cái nhìn cá nhân của chúng ta. Vì vậy để nhìn cuộc sống trọn vẹn hơn, chúng ta hãy mở rộng tầm mắt theo cách nhìn của người khác.
Điều này thoạt nghe có vẻ hơi trừu tượng, nhưng thực ra nó rất rõ ràng. Ngôn ngữ của chúng ta chứa đựng sự áp chế tách biệt đã làm xói mòn tính cộng đồng. Những câu như “Tôi thấy điều này. Tôi làm điều này…” – chủ thể “Tôi” đã tự mình đứng tách biệt với xung quanh. Một ngày chúng ta sẽ thấy mình ngày càng xa cách với mọi người mà không hiểu tại sao.
Do đó, điều con cần làm bây giờ là giải thoát bản thân ra khỏi trung tâm của quan điểm cá nhân. Cha nghĩ không phải ai cũng sẵn sàng làm việc này, nhưng việc loại bỏ dần tính tự mãn của bản thân là cần thiết để khơi thông tầm nhìn của mỗi người về thế giới.
Và khi con đã giác ngộ, thế giới xung quanh con sẽ thay đổi. Lúc đó con sẽ không còn cố gắng đi tìm một mái ấm trong vũ trụ này mà sẽ khiến vũ trụ trở thành mái ấm của con. Con sẽ ngưng phán xét người khác và bắt đầu biết ơn cuộc sống. Mọi điều sẽ trở nên thú vị và mỗi khoảnh khắc sẽ trở thành một cơ hội để con trưởng thành và khám phá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.