Phút Dành Cho Con

SỨC MẠNH



Một ngày nọ, cha nhìn thấy một đám trẻ đang xô đẩy một cậu bé bên ngoài một cửa hàng địa phương. Dù tỏ thái độ sẵn sàng đánh trả những kẻ tấn công mình, nhưng rõ ràng cậu bé đang sợ hãi. Đám trẻ vây lấy cậu, chế giễu và thách cậu đánh lại chúng. Sau đó chúng nhảy lên người và đánh cậu tới tấp.
Cuộc tấn công chỉ dừng lại khi một người đàn ông đi ngang qua ngăn chúng lại. Đám trẻ nhìn ông ta rồi lẩn đi. Cậu bé được giải thoát nhưng chưa thực sự an toàn. Đám trẻ vẫn có thể sẽ đợi để bắt nạt cậu vào một ngày khác, ở một nơi khác.
Cha không biết nguyên nhân của cuộc ẩu đả này. Nhưng cha chắc rằng chẳng có lý do gì đặc biệt. Có thể cậu bé đó đã có một lời nói hay hành động làm phật ý đám trẻ. Qua cuộc ẩu đả, cha nhận thấy rằng con người chúng ta dù sống trong xã hội nào cũng luôn muốn chứng tỏ cho người khác biết về sức mạnh bản thân. Ý thức về sức mạnh thể chất này đã tồn tại trong hệ thống sinh học của chúng ta như một điều đầy ý nghĩa, và ngay cả người vĩ đại nhất cũng cảm nhận được sự chuyển động của nó sâu bên trong cơ thể. Đó là những tàn dư còn sót lại từ thời kỳ săn bắn và tự vệ trước thiên nhiên, khi sức mạnh thể chất trở thành thước đo về sự thành công của người đàn ông.
Chúng ta có thể nâng một vật cao hơn, mang vác được nhiều hơn, chạy nhanh hơn, làm việc lâu hơn, chứng tỏ chúng ta giỏi hơn.
Chúng ta có thể đánh bại người khác, chứng tỏ chúng ta mạnh hơn.
Chúng ta có thể không rơi nước mắt ủy mị dù trải qua niềm vui hoặc nỗi buồn, chứng tỏ chúng ta là người mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thế giới bây giờ không còn bị đo bằng nguyên tắc thể hiện sức mạnh. Bây giờ chúng ta cần sức mạnh tinh thần hơn sức mạnh thể chất.
Cha sẽ kể con nghe câu chuyện mà cha từng gặp.
Một lần, cha có hai chiếc vé xem hòa nhạc, nhưng cha không biết mời ai đi cùng.
Cuối cùng, cha quyết định lái xe đến một nhà điều dưỡng trong vùng. Cha lên phòng hộ lý ở tầng 2, tìm gặp người hộ lý trưởng và nói về ý định của mình.
Các cô hộ lý đưa mắt nhìn nhau rồi bắt đầu nhắc đến những cái tên bệnh nhân, nào là Edna, Florance, Joe… Sau vài phút họ dẫn cha đến phòng của Edna.
– Không, tôi không đi đâu. – Edna trả lời, vẻ e ngại.
Mọi người đi qua phòng Florence. Bà đang ngồi trên xe lăn, hai tay đặt lên vạt áo. Bà đã 80 tuổi, đôi mắt dường như đã bị lòa.
– Florence này, người đàn ông trẻ này có một cặp vé xem hòa nhạc tối nay. Ông ấy hỏi liệu bà có muốn đi cùng không? – Cô hộ lý cất lời.
Cha đã bật cười vì câu nói của cô.
– Nhà điều dưỡng là nơi duy nhất mà tôi còn được gọi là “người đàn ông trẻ”. – Cha vui vẻ đùa.
Florance hướng cặp kính dầy cộp của bà về phía cha:
– Chắc chắn rồi. – Bà nói. – Đi nào. Lâu lắm rồi ta không hẹn một ai.
Cha và Florence nói chuyện thêm một lúc về buổi hòa nhạc và những trở ngại bà có thể gặp khi lên xuống xe ô-tô. Cha hẹn thời gian đến đón bà.
7 giờ 30 tối, cha quay trở lại nhà điều dưỡng. Florence đã mặc xong quần áo và đang ngồi trên xe lăn trong bóng tối. Bà mang găng-tay bằng vải co-ton màu xanh chuối, tay nắm chặt một chiếc bóp nhỏ. Cha chào các cô hộ lý và cả hai đi ra xe.
Mọi việc đã diễn ra tốt đẹp. Florence không gặp trở ngại gì khi lên xuống xe. Nhân viên tại khu hòa nhạc đã giúp cha đưa Florence vào thính phòng và nán lại với bà một lúc trong khi cha tìm chỗ đỗ xe.
Florence đã quyết định ngồi trên xe lăn suốt buổi hòa nhạc; cha tìm được một chỗ ngồi bên cánh gà và có thể ngồi cạnh bà. Trước lúc đèn thính phòng tắt đi, cha và bà đã nói chuyện về những địa danh và những người cả hai cùng biết đến. Khi dàn nhạc đang hiệu chỉnh, cha đã đọc cho bà nghe chương trình hòa nhạc – tối nay người ta sẽ chơi nhạc của Vivadli, Bach, Dvorák và Beethoven.
Rồi dàn nhạc bắt đầu biểu diễn. Trong suốt một tiếng rưỡi, Florence ngồi lặng thinh, chăm chú hướng đôi mắt gần như đã mù lòa vào sân khấu và lắng nghe những âm thanh bà đã không được nghe trong nhiều năm. Bà nở một nụ cười nhẹ, đôi tay đeo găng không hề rời khỏi bóp.
Cuối buổi hòa nhạc, khi những tràng vỗ tay kết thúc, bà hỏi cha có thể lấy cho bà bản copy tờ chương trình không. Cha vẫn còn nhớ câu nói của bà: “Ta không thể đọc được, nhưng ta vẫn thích giữ một cái”.
Rồi cha đưa bà về lại nhà điều dưỡng. Bà cảm ơn cha. Những người hộ lý đùa với bà và đẩy xe lăn vào căn phòng sâm sẩm tối. Đôi găng-tay màu xanh chuối của bà nằm yên trên chiếc bóp, và dưới chiếc bóp là bản copy tờ chương trình.
Tất cả câu chuyện chỉ có vậy. Và cha muốn kể cho con nghe câu chuyện thứ hai:
Mùa hè khi cha vừa tốt nghiệp trung học, cha làm việc cho một câu lạc bộ đồng quê cùng với một người đàn ông tên Haines và con trai ông ta là Calbert. Ông Haines hồi ấy đã 60 tuổi, gương mặt hiền lành. Calbert thì khoảng 25 hay 26 tuổi. Vì họ là người da đen nên phải ăn ở tầng dưới, gần lò hơi thay vì phòng ăn trưa của nhân viên ở gần bếp. Cha thường mang thức ăn xuống để ăn cùng với họ.
– Cậu không cần phải làm vậy đâu – Haines nói – Chẳng giúp ích gì đâu.
– Cháu làm vậy bởi cháu không đồng ý với hành động của họ. – Cha đáp lại.
– Thoải mái đi. – Haines nói. – Cũng chả ảnh hưởng gì cả.
Calbert chỉ cười và lắc đầu.
– Cậu đang tự làm mình rối tinh lên chẳng vì điều gì cả. – Anh ta nói trong lúc lôi ra một cái bảng ghi điểm chơi bài kipbi(1). – Cậu thì làm được gì.
Ngày qua ngày, cha dõi theo Haines và Calbert. Cha nêu ý kiến bất bình với người quản lý và với những nhân viên khác, nhưng chẳng thay đổi được gì. Có điều, chưa bao giờ cha nhìn thấy Haines hay Calbert tỏ ra dù là một mảy may thù hằn hay giận dữ. Họ chỉ ăn trưa, chơi bài kipbi, làm công việc lau dọn phòng thay quần áo nam và đánh bóng giày.
Vào cuối mỗi ngày, người ta đưa cho hai cha con một danh sách những đôi giày cần đánh bóng để mang trong ngày hôm sau. Nhiều lần, lúc chuẩn bị ra về cha vẫn nhìn thấy họ cần mẫn ngồi đánh giày, trong tiếng cười vọng lại của khách chơi goft từ phòng trên.
Một ngày, cha đọc một bài báo trên tờ báo địa phương có một vụ trộm đã xảy ra tại một CLB đồng quê gần đó – không phải là CLB nơi Haines và Calbert làm việc, mà là một CLB khác nơi cha đã từng làm chân nhặt bóng trước đó. Bài báo đăng tin một người đàn ông da đen đã bị bắn chết khi đột nhập vào một phòng của khách.
Người đàn ông da đen đó là Calbert.
Tên cảnh sát đã bắn anh ta là người học trên cha mấy khóa ở trường trung học. Hắn ta là một cảnh sát côn đồ; tất cả đều sợ hắn bởi vì hắn hay đánh người bằng dây xích và ống sắt. Theo như bài báo, hắn đã được xác định là bắn để tự vệ, mặc dù viên đạn bắn vào lưng Calbert và Calbert lúc đó không mang theo súng. Bởi vì không có bằng chứng nào được đưa ra cả, nên chẳng thể dựa vào đâu để kết tội tên này.
Vô cùng giận dữ và thương tiếc, cha đã tìm gặp Haines. Ông ấy vẫn đang ngồi đánh giày.
– Calbert đã không cố ý giết ai cả. – Cha nói.
– Ta biết. – Haines trả lời trong khi khi luồn đoạn dây buộc giày mới vào đôi giày da màu trắng.
– Cháu đã học cùng tên cảnh sát đó hồi trung học. – Cha tiếp tục nói. – Hắn ta là một tên côn đồ và bây giờ thực sự là một kẻ sát nhân. Hắn đã bắn Calbert từ phía sau lưng.
– Ta biết. – Haines lặp lại.
– Tại sao ông không phản ứng gì cả? – Cha hét lên.
Haines nhìn thẳng vào cha. Đôi mắt của ông thật buồn.
– Calbert lẽ ra không nên ở đó. – Ông nói. Và ông chỉ nói có vậy.
Haines không đổ lỗi cho bất kỳ ai, dù cuộc đời ông ông đã gặp vô vàn đau khổ, dù sự bất công và gian lận luôn vây quanh con trai ông cho tới tận hơi thở cuối cùng của cậu ấy. Chỉ là Calbert không nên ở đấy.
Cha muốn phát điên vì giận. Cha không thể tin vào những gì mình vừa nghe được. Một người đàn ông đã mất con trai mình trong một phát súng bất công của một kẻ sát nhân mặc đồng phục công vụ, vậy mà đôi mắt công lý dường như không nhìn thấy. Và tại sao ông Haines lại có thể làm ngơ trước sự bất công đến vậy?
Haines chỉ cười với cha và lắc đầu.
– Cậu đang tức giận. Ta biết. Ta cũng vô cùng tức giận. – Ông nói – Tên đó đã giết con trai ta. Ta muốn nhìn thấy hắn sau song sắt nhà tù và ta sẽ cố để đưa hắn vào đó. Nhưng làm vậy cũng chẳng thay đổi được những điều Calbert đã làm. Calbert bị bắn vì nó đã có mặt ở nơi nó không thuộc về nó. Ta không thể làm gì để biến điều nó làm từ sai thành đúng. Nó lẽ ra không nên ở đó.
Cha đứng chết lặng trước người đàn ông vừa mất con. Haines đang đau khổ, nhưng ông lại vô cùng điềm tĩnh. Ông không biện minh hay điên cuồng với việc nuôi hy vọng trả thù. Ông không có những hành động nông nổi vì nó chẳng giúp được gì ngoài việc làm cho đau thương chồng chất đau thương. Ông đứng vững trên sự mạnh mẽ của mình, cố kiềm nén nỗi đau riêng.
Đó không phải là một sự hèn nhát, thụ động, mà là một tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Haines đã giữ được phong thái điềm tĩnh mà không phải ai trong hoàn cảnh ấy cũng làm được.
Nếu đặt cha trong hoàn cảnh ấy, cha nghĩ mình không thể mạnh mẽ như vậy. Nhưng Haines, ở khía cạnh khác, lại không bao giờ đủ can đảm để đi đến nhà điều dưỡng và mời một người xa lạ đi nghe hòa nhạc như cha từng làm. Ông chấp nhận một cuộc đời buồn tẻ cho chính bản thân mình cũng như người khác.
Điều đó nói lên rằng, mỗi người đàn ông đều có một sức mạnh riêng. Có người chọn cuộc sống bên cạnh bố mẹ già, có người quên đi khát vọng tự do riêng của bản thân để dành toàn bộ cuộc đời trở thành người cha mẫu mực, có người cống hiến cả đời cho nghệ thuật, khoa học; những người này đều có sức mạnh riêng mà không phải ai cũng nhìn thấy được.
Con cần tìm cho mình một sức mạnh riêng. Có một khuynh hướng mang tính bản năng rằng con người luôn đồng nhất một cách sai lầm giữa sức mạnh và vũ lực, và luôn đo sức mạnh qua những tình huống mang tính hành động. Chẳng hạn những hình ảnh ta thường thấy như việc một người đàn leo lên một ngọn núi, hay đánh thắng kẻ xâm phạm. Chúng ta bị những người đàn ông này thu hút vì họ đã vượt qua được sự sợ hãi, và tất nhiên đó là sức mạnh mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được.
Nhưng có những sức mạnh còn lớn hơn cả chuyện vượt qua được nỗi sợ hãi. Mỗi người đàn ông đều có những nỗi sợ riêng. Một vài người sợ bị thương trong chiến đấu, vài người sợ không tìm được bạn đời, có người lại sợ đứng trước đám đông, trong khi có người sợ phải sống một mình. Trên bước đường trưởng thành, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào nỗi sợ hãi và tự đo sức mạnh của mình bằng những nỗi sợ mà mình đã vượt qua được, con sẽ chẳng thể mạnh mẽ hơn. Ngược lại nó sẽ càng làm con yếu đuối hơn vì sự cao ngạo. Sức mạnh đích thực tồn tại ở nơi mà nỗi sợ hãi không thể khiến ta chùn bước, vì sức mạnh đích thực tồn tại ở nơi có đức tin.
Rồi con sẽ thấy rằng một đức tin vững chắc sẽ bao trùm tất cả nỗi sợ hãi và tức giận trong con. Giống như Haines, đức tin sẽ giúp con trụ được trong sự yên bình bao la không gì lay chuyển được, và ban cho con sức mạnh để vượt qua những tranh cãi, hay nghi ngờ.
Vì vậy hãy nỗ lực để tìm ra được sức mạnh này trong con. Sức mạnh này nằm ở nơi trái tim con có sự yên bình.
Liệu con có thể quay lưng và bỏ đi khỏi một trận đánh nhau khi mà tất cả mọi người xung quanh đều giễu cợt con và chê bai rằng con đang sợ? Liệu con cố thể đối xử tốt với một người mà ai cũng ghét mặc dù con sẽ bị chế nhạo vì lòng tốt của mình? Liệu con có thể đương đầu với một nhóm người đang chòng ghẹo một người chẳng muốn gì hơn ngoài việc được gia nhập nhóm đó? Con có thể từ chối một ly rượu hoặc một điếu cần sa do nhóm bạn mời mọc? Liệu con có thể làm tất cả những việc này đơn giản bắt nguồn từ lòng tốt trong con chứ không phải là từ tính tự cao tự đại?
Đây chính là những bài kiểm tra hàng ngày về sức mạnh của một người đàn ông trẻ tuổi.
Nếu con có thể làm được những chuyện này, vậy thì con là người mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn những người có thể đánh bại con về mặt thể chất. Hãy nhớ rằng, sức mạnh không nằm ở vũ lực, mà nằm ở trái tim.
Hãy ghi nhớ câu nói của Lão Tử: “Sức mạnh đích thực không phải là thứ sức mạnh khiến người ta sợ hãi”.
Sức mạnh dựa vào vũ lực là thứ sức mạnh làm người ta sợ hãi.
Sức mạnh dựa vào tình thương mới là sức mạnh làm cho người ta khao khát.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.