Cha ước gì thế giới luôn hòa bình, và con không phải tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào. Bởi vì chiến tranh có nghĩa là thế giới đã mất thăng bằng và cuộc sống đứng trước nguy cơ bị tàn phá.
Nhưng chiến tranh rồi sẽ xảy đến. Vậy thì lúc này con phải chọn lựa, dù cha biết rằng sự chọn lựa này không hề dễ dàng.
Trước mắt, chúng ta đang sống trong một xã hội tốt đẹp. Ta được hưởng các phúc lợi và an sinh xã hội. Chúng ta bầu ra những nhà lãnh đạo để quyết định những chính sách chung nhằm bảo đảm một cuộc sống thanh bình, yên ổn.
Vì vậy khi chính phủ phải ra quyết định về một cuộc chiến, luôn luôn sẽ có một lập luận để giải thích cho quyết định này. Có thể họ nhận thấy mối đe dọa nào đó đang ngày càng phát triển hoặc cũng có thể họ muốn thúc đẩy chính sách nào đó bằng cách khởi mào một cuộc chiến. Và họ sẽ lập luận rằng chúng ta cần chiến đấu để đảm bảo cho những nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tuy nhiên, với tư cách là một công dân, con có quyền không đồng tình với lập trường của họ. Con có quyền không tin vào bất cứ lý do nào để bắt đầu cuộc chiến, vì con nghĩ chẳng có mối đe dọa nào khủng khiếp hơn cho cuộc sống của chúng ta bằng việc phải để một đứa trẻ rời xa vòng tay của cha nó khi người cha hy sinh trong chiến trận.
Nhưng chính phủ có quyền triệu hồi con khi họ cần, nếu con từ chối, con sẽ gần như bị trục xuất hoặc sẽ bị bỏ tù.
Vậy thì không còn cách nào khác, khi đất nước triệu hồi con vào quân đội chuẩn bị cho cuộc chiến, con buộc phải quyết định cách thức để đáp lại lời triệu hồi này. Thông thường người ta sẽ có hai sự lựa chọn: một là không tham gia chiến tranh bằng bất cứ giá nào bởi niềm tin rằng giết chóc là sai lầm, và hai là thuận theo quyết định bất đắc dĩ này.
Những người có lý trí sẽ chọn cả hai quyết định.
Cha khuyên con hãy đối phó với chiến tranh cũng giống như đối phó với các giằng xé đang diễn ra trong cuộc sống riêng của con. Hãy hướng vào những nơi còn dịch bệnh trên thế giới này, liệu đó có phải là kẻ thù mà đất nước mình đang muốn chống lại? Hay đó là nền chính trị và lối sống của chúng ta? Liệu có phải chúng ta đang cho rằng chiến tranh là một cách cần thiết để giải quyết các bất đồng? Mối tương quan giữa con và dịch bệnh chính là mối tương quan con cần có đối với chiến tranh.
Nhưng con cũng đừng quá vội vàng hành động hay phán xét. Sự thực thì chiến tranh luôn là một phần kinh nghiệm của con người, và bạo lực cũng là một phần của tính cách con người. Vì vậy dù ta có chiến thắng và khẳng định được những giá trị, phép tắc đạo đức của mình, nhưng một khi cơn lốc bạo lực đã xộc vào cổng, thì rõ ràng chiến thắng này cũng trở nên phi nghĩa.
Bên cạnh đó, vẫn có những người kiên quyết đấu tranh để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho dân tộc, ngay cả khi họ phải trả giá bằng cuộc sống của mình. Khi chấp nhận cho ngọn gió bạo lực đi qua xứ sở, họ tin rằng cái thiện cuối cùng rồi sẽ chiến thắng. Họ sẵn sàng hy sinh đời mình hay của người thân cho một tương lai rạng rỡ của một xã hội hòa bình mà họ đã sớm thấy được.
Nếu con có thể thành thật và đường hoàng nói rằng con thuộc vào những người có tầm nhìn xa trông rộng này, vậy thì sự lựa chọn của con là chắc chắn. Lúc này con là một người theo chủ nghĩa hòa bình và con muốn vươn đến những chân trời tươi sáng hơn ngay cả khi nó được đổi bằng chết chóc và nó sẽ hủy hoại tất cả những điều tốt đẹp trong một thời gian ngắn. Những con người vĩ đại như Martin Luther King, Mohandas Gandhi hay Mẹ Teresa đều là những người theo lập trường này.
Nhưng trước khi con trở thành người như vậy, hãy tự hỏi bản thân mình rằng, con có đủ can đảm để nhìn gia đình mình bị giết hại? Liệu những lý tưởng của con có đủ sức mạnh để thôi thúc con phải hy sinh như vậy không?
Rồi khi chiến tranh nổ ra, con hãy tự hỏi bản thân mình: Tôi có sẵn sàng để con cái tôi mồ côi cha chỉ vì đất nước tôi nhờ vào sự hy sinh của những người như tôi để có thể khai thác được dầu hỏa rẻ tiền hay sẽ có một nguồn cung cấp những tài nguyên khác? Liệu tôi có sẵn sàng hy sinh cho sự phồn hoa của đất nước tôi đến như vậy không? Liệu tôi có sẵn sàng đi theo lý tưởng một đất nước đã bị kích thích bởi chiến tranh, ngay cả khi chẳng có động cơ nào hơn là thỏa mãn sự trả đũa? Tôi có thể sát hại con cái của một người đàn ông khác để thúc đẩy những lý tưởng mập mờ mà chính phủ tôi đã quyết định theo đuổi?
Nếu con không chắc chắn nói có với những câu trả lời này, thì con phải tự phán xét rằng cuộc chiến này có đúng đắn không. Vậy dựa vào đâu con có thể phán xét?
Cha sẽ chỉ cho con một cách tìm ra lời giải hợp lý.
Có một câu chuyện của người Trung Quốc về một nhóm người trí thức ngồi xung quanh một miệng giếng để thảo luận về thiện và ác. Đúng lúc cuộc tranh luận đang sôi nổi thì có một cụ già đi ngang qua. Một người trong nhóm đề ra ý kiến “Hãy hỏi cụ già này xem”, và họ đặt câu hỏi cho cụ. Cụ già nghĩ ngợi trong giây lát, sau đó chỉ vào cái giếng và nói: “Nếu như các người thấy người ta ném một đứa trẻ xuống dưới giếng này, các người biết rằng đó chính là tội ác”.
Cách lý giải này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó lại bao hàm nhiều ý nghĩa trong những hoàn cảnh phức tạp hơn. Khi một xã hội hay một chính phủ giết chết một đứa trẻ, con biết rằng đang có điều gì đó xảy ra. Một bệnh dịch đang lan rộng trên trái đất, và nó cần được ngừng lại trước khi lan rộng thêm bằng cách giết đứa trẻ mang bệnh thì nó nằm giữa ranh giới giữa thiện và ác. Còn nếu chính phủ của ta phải giết trẻ em để bảo vệ những lợi ích phi thực tế, vậy thì chính phủ của ta đã sai lầm và cần bị phản đối, vì đó rõ ràng là một tội ác. Nếu một chính phủ khác đang tàn sát trẻ em và chính phủ của chúng ta thấy cần thiết phải ngăn chặn họ bằng cách tiến hành cuộc chiến, vậy thì con có thể thấy rằng cuộc chiến của chúng ta là đúng đắn.
Ít nhiều các cuộc chiến tranh xảy ra đều dựa trên những sai lầm nhất định. Những cuộc chiến để thiết lập chuyên chế trong chính sách chính trị, kinh tế hay tôn giáo chẳng khác gì một cuộc chiến nhằm thống trị về quyền lực. Những cuộc chiến để chiếm đoạt của cải và tài nguyên chính là do lòng tham và sự lo sợ. Những cuộc chiến để kết thúc sự áp bức hoặc để làm giảm bớt nạn đói triền miên thì khó xét hơn. Nhưng nhìn chung đó là những cuộc chiến sai lầm bởi có rất nhiều người vô tội phải chết, ngay cả khi mục đích của những cuộc chiến này về lý thì nghe có vẻ cao thượng.
Quay trở lại với vấn đề giết hại trẻ em. Chiến tranh có đáng giá đến mức phải đánh đổi bằng mạng sống của những đứa trẻ vô tội không? Hãy thử tưởng tượng con đang nắm trong tay sinh mạng của một trong những đứa trẻ này. Liệu con có sẵn sàng hy sinh nó để đạt được những mục tiêu hay chính sách mà đất nước con đang theo đuổi? Nếu mục đích của con là để loại trừ một tên sát nhân hàng loạt, có lẽ con sẽ sẵn sàng. Nếu dân tộc con đang đứng trước nguy cơ của chiến tranh, của bạo lực, của dịch bệnh, của nạn đói triền miên, trong khi đó mạng sống của một số người có thể giải quyết được tất cả khó khăn và xung đột, trong những trường hợp này, thì con sẽ đồng ý rằng hy sinh một vài người cũng đáng để cứu sống hàng ngàn triệu người.
Nhưng luôn luôn con hãy xem xét kỹ càng. Chính phủ của con sẽ cố hết sức để biện hộ cho những lập trường của họ. Điều này sẽ làm con hoang mang. Chính phủ sẽ dẫn ra những câu chuyện và hình ảnh với mục đích duy nhất là thuyết phục con đi theo đường lối của họ. Sự thật sẽ bị giết đầu tiên trước khi xác người nằm la liệt trên chiến trường. Khi điều này xảy đến, con phải tự xem xét lại bản thân mình. Con phải tự tìm cho mình những lời khuyên sáng suốt bằng cách nhìn nhận vấn đề đang xảy ra trước mắt ở mọi góc cạnh. Hãy cố gắng để tìm ra và đi theo con đường của chân lý.
Nếu chân lý con tìm thấy bảo với con rằng con phải chiến đấu, vậy thì hãy chiến đấu trong danh dự. Ngược lại, nếu con được mách bảo chỉ nên kháng cự thôi, vậy thì hãy kháng cự một cách dũng cảm. Nhưng dù con có chọn cách nào thì cũng sẽ có những hậu quả khắc nghiệt xảy đến, bởi vì chiến tranh bản thân nó đã, đang và sẽ là điều sai lầm. Khi chiến tranh xảy ra vào thời đại của con, bắt con và thế hệ của con phải tuân theo, thì nó là gánh nặng mà con không thể chọn lựa hay trốn thoát. Cách duy nhất là con hãy đáp trả một cách sáng suốt và kiên quyết, đồng thời ủng hộ và cổ vũ những người như con. Khi chiến tranh kết thúc – và nó sẽ kết thúc – lúc đó tất cả những người sát cánh bên con sẽ trở thành những anh chị em con, và một phần trách nhiệm của con là phải gìn giữ một cuộc sống hòa bình cho những thế hệ tiếp theo.
Và con phải nhớ rõ điều này: Không thể kết thúc cuộc chiến này bằng một cuộc chiến khác. Chiến tranh là một hạ sách, và nó luôn mang đến chết chóc. Chỉ khi nào những hiểm họa tồi tệ nhất đe dọa đến sự tồn tại của loài người, thì lúc đấy chiến tranh mới nên xảy ra, và con mới nên chiến đấu. Mục đích là hướng tất cả tới hòa bình.