Cha thường nghe người ta nói “Tôi phải tìm ra chính mình”. Thực ra điều họ muốn nói là “Tôi phải tạo ra chính mình”. Cuộc sống là chuỗi những trải nghiệm vô tận đầy sáng tạo, và mỗi phút giây trôi qua chúng ta sẽ tự tạo ra bản thân mình bằng mỗi quyết định của ta.
Đó là lý do tại sao công việc con theo đuổi sẽ đóng vai trò quyết định đến cảm giác của con về giá trị và hạnh phúc bản thân. Cho dù con có nghĩ rằng công việc chỉ để kiếm tiền chăng nữa thì thực chất nó vẫn là thứ quyết định con người con sẽ trở thành, vì công việc là nơi con tiêu tốn phần lớn thời gian của đời mình.
Cha nhớ khi mình còn trẻ, lúc đó cha là một nhà điêu khắc và đang phấn đấu để xây dựng sự nghiệp cho mình. Bên cạnh đó cha còn làm thêm công việc lái xe taxi, và tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi muốn làm một việc đơn giản thôi để không bị nhầm lẫn giữa công việc và nghề nghiệp”. Tuy nhiên trong vòng 6 tháng làm công việc này cha đã phát ngôn như một tài xế taxi, cách suy nghĩ của một tài xế taxi, và nhìn cuộc sống qua con mắt của một tài xế taxi. Tất cả những vấn đề lớn nhỏ cũng như khả năng quan sát cuộc sống đều đến từ công việc lái taxi của cha. Cha bắt đầu quan tâm đến những thành viên và những hoạt động nơi công ty cha làm việc, và hình thành thói quen sinh hoạt từ những ca làm việc thâu đêm. Những ngày không phải lái xe, tuy quay lại với công việc điêu khắc, cha vẫn giữ những thói quen và ý thức về công việc lái xe của mình.
Con thấy đấy, dù cha có thích công việc này hay không, cha vẫn là một tài xế taxi.
Điều này xảy đến với tất cả những ai đang có công việc. Thậm chí con có ghét công việc và cố giữ khoảng cách với nó, con vẫn đang định hình bản thân con thông qua công việc. Bằng cách dành thời gian cho công việc, con đang dành tâm trí mình cho nó. Và ngược lại, công việc cũng sẽ lấp đầy cuộc sống của con bằng những thực tế mà con sẽ trải qua.
Nhiều người không quan tâm đến sự thật này. Họ chọn việc làm bởi cảm thấy nó có vẻ thú vị, hay mang đến cho họ thu nhập cao, hay bởi vì họ nghĩ nó danh giá. Họ gắn bó bản thân với công việc, nhưng dần dần lại cảm thấy bấp bênh và trống trải. Họ bắt đầu cảm thấy nặng nề với khoảng thời gian dành cho công việc, cuối cùng cảm thấy như đang cằn cỗi đi và bị mắc bẫy vì chính công việc họ đang làm.
Họ đi sâu vào cảm giác chán chường, như Thoreau(1) đã định nghĩa – đó là cảm giác không thỏa mãn, không hạnh phúc, mất phương hướng về công việc mình làm. Tuy nhiên vì sự an toàn thu nhập, vì những lo ngại về cuộc sống tương lai, họ đã không dám thay đổi, họ nỗ lực bám trụ vào điều mà họ đã chán nản.
Nhưng những nỗ lực này của họ sẽ không thể nào có tác dụng hoàn toàn. Công việc tạo nên con người chúng ta, và càng gắn bó với nó chừng nào, con người ta sẽ càng được thể hiện qua công việc ta gắn bó. Vì vậy, cách duy nhất để làm mới cuộc sống chính là phải thay đổi ước mơ của chúng ta về cuộc sống, về công việc. Nếu chúng ta hạ thấp mức độ mong đợi ở bản thân, chúng ta đang giết chết những ước mơ của mình. Mà một con người không có mơ ước thì cũng như đã chết đi một nửa.
Vì thế con cần phải thật cẩn thận trong việc chọn công việc cho mình. Con cần có cái nhìn xa hơn những thước đo bề ngoài của công việc, không chỉ là sự danh giá, thu nhập và sự hào nhoáng nhờ nó, mà là cách con sử dụng nó thế nào.
Hãy nghĩ về công việc như một “niềm đam mê”, vì “niềm đam mê” sẽ chỉ cho con công việc nào thích hợp và làm cho cuộc sống của con có ý nghĩa hơn. Khi ấy, công việc không phải đo bằng sự trao đổi giữa sức lao động và thù lao, nó là một điều gì đó thôi thúc con hành động, hoặc ít nhất khiến con cảm thấy có ý nghĩa.
Vì vậy, khi con tìm thấy công việc mang đến cho con sự đam mê, hãy giữ lấy nó bằng cả trái tim mình. Con phải biết rằng rất ít người có được may mắn này. Khi ai đó tìm kiếm công việc mà chỉ hướng đến giá trị vật chất với cái nhìn hạn hẹp và sai lầm, thì dù cho họ có đạt được thành công, nó cũng chẳng mang lại cho họ điều gì ngoài tiền bạc và danh giá. Nhưng đổi lại, họ đã đánh mất tâm hồn. Mỗi phút giây trôi qua trong đời họ trở thành món hàng để đổi lấy tiền của, và cuối cùng rồi họ cũng chết đi trong mỏi mòn buồn chán.
Cha đã nghĩ về một người đàn ông cha gặp ở Cleveland. Ông là một công nhân lắp ráp dây chuyền tại một xưởng sản xuất ô-tô. Ông hay than phiền rằng công việc của ông thật đáng chán ghét, đến nỗi mỗi sáng ông chẳng muốn dậy đi làm. Cha hỏi tại sao ông không bỏ việc đi. “Tôi chỉ còn 13 năm nữa là nghỉ hưu rồi”, ông ta trả lời. Và thật sự ông vẫn tiếp tục, chấp nhận 13 năm gắn bó với điều chán nản. Cuộc đời ông giống như không còn thuộc về ông nữa.
Khi trò chuyện với người đàn ông này, cha chỉ mới 20 tuổi, đang còn trẻ và đầy sức lực, vì thế cha chẳng thể hiểu được lý lẽ của ông.
Bây giờ thì cha đã hiểu rõ. Bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền, ông ấy đã chọn công việc mang đến cho mình thu nhập cao, dù nó không mang lại cho ông niềm yêu thích. Ông sống một cuộc sống với kinh tế đầy đủ, hàng tháng nhận lương rồi mua xe, mua du thuyền đúng như mong ước của ông. Ông ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn, vì công ty luôn thưởng hậu cho những người làm việc lâu năm.
Vậy là lương của ông ngày một tăng lên, trong khi những chọn lựa công việc mới lại giảm dần, và cuối cùng ông gắn bó với một công việc ổn định mang lại thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của ông. Ông kết hôn, mua nhà, có con cái. Rồi bước qua tuổi trung niên. Công việc đã từng mang đến cho ông sự hăng hái khi còn thanh niên bây giờ trở thành một thói quen chết. Dần dần ông bắt đầu cảm thấy chán ghét nó. Nó khiến ông ngột ngạt và chán chường, nhưng ông không có ý định từ bỏ. Ông cần nguồn thu nhập từ công việc này đảm bảo cho cuộc sống.
“Tôi chỉ còn 13 năm nữa là nghỉ hưu rồi”, câu nói này giống như lời của một tù nhân đang đếm nốt những ngày tù đày còn lại để được giải thoát và tự do.
Với hầu hết mọi người, công việc và cuộc sống của họ cũng gần giống như câu chuyện người đàn ông cha gặp ở Cleveland này. Có rất ít người dành thời gian tuổi trẻ của họ để xem xét và tìm ra ý nghĩa thật sự của công việc mà họ sẽ gắn bó cả cuộc đời.
Có thể với nhiều người, họ không có sự lựa chọn khác. Vì thiếu tiền, không được đào tạo, thiếu khả năng trong khi áp lực mưu sinh đang đè nặng, họ chỉ biết chấp nhận công việc đem lại sự đảm bảo cao nhất cho đời sống. Nhưng những người còn lại hầu hết đều không nhìn nhận kỹ càng. Họ đuổi theo những giá trị vật chất sai lầm, và rồi bị mắc bẫy vì chúng; trong khi họ có thể tránh được nếu khi lựa chọn công việc, họ biết lắng nghe trái tim mình một cách chú tâm hơn.
Tuy nhiên, chẳng có lý do nào mà một người lại không thể chọn hai, ba, hay nhiều công việc trong suốt cuộc đời của mình. Chẳng có lý do gì mà một người lại không thể bỏ việc khi nó không còn phù hợp và không mang lại sự yêu thích cho bản thân để tìm kiếm một công việc yêu thích hơn. Có thể sẽ là liều lĩnh, sẽ mất mát, sẽ thiếu thốn. Nếu con theo đuổi công việc yêu thích, có thể con sẽ gặp khủng hoảng, mặc dù nó giúp con nhìn rõ hơn giá trị bản thân của mình. Nhưng con nên nhớ rằng kể cả con có tìm một công việc ổn định, con vẫn sẽ phải trả giá bằng một cuộc sống xiềng xích và giết dần giết mòn những giấc mơ của riêng con.
Hãy nhớ rằng đối với ông chủ của con, công sức lao động của con chẳng khác gì một mặt hàng. Con được trả công vì con cung cấp một dịch vụ hữu ích. Nếu dịch vụ con cung cấp không còn mang lại lợi ích nữa, thì bất kể con có xứng đáng, chăm chỉ và gắn bó đến bao nhiêu, con cũng sẽ không còn giá trị sử dụng nữa, và con sẽ bị sa thải. Dù con có dành cả cuộc đời mình để theo đuổi công việc, thì cha cũng phải nói thật rằng, bản thân con chỉ là một sự trao đổi mang tính thương mại, và con chỉ có giá trị cho tới khi nào con vẫn là người góp phần đáng kể vào sự trao đổi này. Chẳng có gì xấu cả, nó chỉ là một sự giao dịch kinh tế tự nhiên.
Người ta sẽ chẳng trả công để con gắn chặt cuộc đời mình vào một công việc có thể giết chết tình yêu của con dành cho cuộc sống. Công việc sẽ từ bỏ con nếu cần thiết. Và con cũng có thể bỏ công việc nếu con muốn. Người đàn ông cha gặp ở Cleveland cũng có thể sẽ bị sa thải trước lúc nghỉ hưu. Ông có thể sẽ mất việc vì những lý do pháp lý mà ông còn không biết là nó đang tồn tại.
Cha từng là học trò của một giáo sư luôn mơ ước được trở thành nghệ sĩ piano trong dàn nhạc giao hưởng. Bởi vì sợ thất bại, nên ông đã chọn đi theo con đường học vấn, nơi có công việc và thu nhập ổn định. Một ngày, khi cha than phiền với giáo sư về sự mệt mỏi trong việc học hành, tốt nghiệp, ông đã đi đến và ngồi xuống cây đàn piano của mình. Ông lướt qua bản nhạc khá hay, rồi bất thình lình dừng lại và nói: “Hãy làm theo những điều trái tim em mách bảo. Mơ ước lớn nhất của ta thực ra là trở thành một nghệ sĩ piano. Nhưng ta đã lo sợ mình không làm được. Cuối cùng bây giờ ta đành ngồi đây, và tự dằn vặt bản thân mình tại sao ta lại bỏ cuộc khi ta có năng khiếu về piano?”.
Con đừng giống như giáo sư của cha, phải nói những lời đầy dằn vặt như vậy vào lúc cuối hành trình sự nghiệp của mình. Hãy lắng nghe và làm theo những lời mách bảo đang cháy bỏng trong trái tim con.
Chúng ta nợ bản thân mình những điều tốt đẹp như thế con ạ!