Cách con cư xử với người già sẽ nói cho con biết con là người như thế nào. Giống như đứa trẻ, người già đôi khi bị xem như một gánh nặng. Nhưng họ khác đứa trẻ ở chỗ chẳng mang lại hy vọng hay hứa hẹn nào ở tương lai. Họ rõ ràng là một gánh nặng, là một trở ngại, nhưng nếu biết đón nhận và có cái nhìn sáng suốt, nhân hậu thì người già lại là một kho những trải nghiệm vô cùng quý giá mà các thế hệ sau có thể học hỏi.
Cha hy vọng rằng con là một người biết kính trọng người già và trân quý những điều họ có.
Trong thời đại ngày nay không dễ để làm được điều này. Chúng ta đã hầu như không quan tâm đến những người lớn tuổi. Họ thường được nhắc đến bằng những từ khiếm nhã và khó nghe như “cổ lỗ sĩ”, “công dân già” “người hết thời”. Những sai sót của họ không được chấp nhận, những gánh nặng họ để lại khiến chúng ta sợ hãi, và họ bị đặt sang một bên như một kẻ bỏ đi. Nhiều nơi người già dường như không được yêu thương, không được tôn trọng và không được công nhận cả những bài học từ cuộc sống mà họ đã kinh qua.
Có lúc, con sẽ thấy rằng trong con xuất hiện hai luồng suy nghĩ về hai loại người già. Loại người đầu tiên sẽ cuốn hút con, đặc biệt là những người luôn thể hiện sự sôi nổi tuổi trẻ trong tuổi già của họ. Loại thứ hai lại trở nên đáng sợ bởi tính khí thất thường và khó chịu của họ hay bởi vì cái chết đang đến gần với họ. Và đôi khi vẫn xuất hiện loại thứ ba là những người già sẽ mang đến cho con rất nhiều niềm vui bởi họ vừa muốn làm con vừa lòng vừa có rất ít đòi hỏi.
Nhưng bất kể họ có làm con cảm thấy thế nào, con vẫn nên quan tâm, chăm sóc họ cẩn thận. Họ đã là con và con sẽ trở thành như họ. Con đang mang trong mình hạt mầm của tuổi già, và ngược lại những người già cũng nghe được tiếng vang vọng của tuổi trẻ mỗi lần họ nhìn thấy con.
Con sẽ thấy rằng có rất nhiều người già khó tính. Họ chỉ nghĩ đến họ và có những bận tâm riêng. Họ đòi hỏi chúng ta phải nghĩ về họ và cảm xúc của họ trong khi họ có rất ít hoặc hầu như không quan tâm đến những cảm xúc của ta.
Nếu như con gặp những người già như vậy, con nhất định không được đối xử tệ với họ.
Giống như trẻ nhỏ, những người già cũng bị phụ thuộc vào thế giới xung quanh và họ cũng lo lắng sợ mình sẽ bị bỏ rơi. Họ đang phải đối mặt với cái chết và họ luôn bị dày vò, bởi thế giới mà họ đã bỏ thời gian, tuổi tác và tất cả sự cố gắng để tạo nên bây giờ đang bị lụi tàn trước lớp trẻ có nhiều tiềm năng lớn hơn. Cơ thể đang phản bội lại họ. Họ dần dần cảm thấy vây quanh chỉ còn là những người già như họ, và họ nghĩ những người trẻ sẽ xa lánh họ. Họ chỉ còn biết sống với những ký ức thời trẻ của mình.
Khi con gặp những trường hợp như vậy, con nên cảm thông cho sự khó chịu của họ. Điều này cũng giống như khi con mệt mỏi, bệnh tật, hay giận dữ và đang bị tổn thương, con cũng sẽ cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh. Nhưng con nghĩ kỹ và để ý xem, bên dưới bề mặt những hành động của họ là những kinh nghiệm sống mà con không thể có được từ bất cứ ở đâu.
Ngay cả khi kinh nghiệm của họ là những thứ đơn giản nhất, giới hạn nhất và bình thường nhất trong cuộc sống, họ vẫn là những người nhìn thấy thế giới trước con. Họ chính là thế hệ gần gũi với thế hệ của con nhất. Những câu chuyện của họ mang hơi thở của cuộc sống thực sẽ truyền qua con khi con nói chuyện với họ. Họ giúp con rút ngắn thời gian để hiểu rõ hơn về cuộc sống. Họ cho con những món quà từ chính cuộc đời mà họ đã trải qua. Do đó con nên trân trọng, tôn kính và lắng nghe những người lớn tuổi.
Có một điều rất quan trọng mà con phải ghi nhớ là con phải tránh cho được cạm bẫy của lòng thương hại khi con cư xử với người già. Với nhiều người, bên dưới lớp vỏ quan tâm chăm sóc là sự kẻ cả và xúc phạm bằng cách đối xử với người già như đối với trẻ nhỏ. Họ lớn tiếng với người già, thậm chí xem người già như những kẻ khờ. Họ coi những quan tâm của người già như những điều vụn vặt trong cuộc sống, và nghĩ về người già như về một đứa trẻ thiếu suy nghĩ. Với hành động và cách cư xử này, họ tước đi của người già sự trân trọng mà bất cứ người lớn tuổi nào cũng cần được có.
Những người này, với cách cư xử của họ, đã gây nên những tổn thương giống như những người đã bỏ rơi người già. Thông qua hành động của họ, họ đã khiến người già phải đối mặt với sự yếu đuối và vô dụng của bản thân, chứ không giúp người già thấy được giá trị của mình. Những quan tâm và tôn trọng thực sự là để bù đắp cho những yếu đuối, và nâng tầm giá trị của sức mạnh tuổi già lên. Vì vậy hãy quan tâm, lắng nghe, mỉm cười và chăm sóc họ một cách ân cần. Và hãy thừa nhận rằng những lời nói và hành động của người già cần được lắng nghe một cách nghiêm túc.
Con phải nhớ rằng, ngay cả trong sự yếu đuối, người già vẫn tìm kiếm và đánh giá cao phẩm giá của mình. Hơn bất kỳ ai khác, họ muốn cảm nhận được rằng cuộc đời của họ vẫn còn có giá trị, và thời gian sống không bị lãng phí. Nếu con có thể cư xử với họ bằng một trái tim chân thành, không có sự tôn kính giả tạo và không bị ảnh hưởng của lòng thương hại; nếu con có thể đánh giá cao họ và để họ chia sẻ những quả ngọt từ trải nghiệm đời họ, bất kể chúng là những kinh nghiệm bình thường đến đâu chăng nữa, thì con đang thể hiện mình là một người có trái tim nhân hậu.
Con là một người biết yêu thương thực sự, chứ không phải phục vụ họ.
Cha sẽ kể con nghe câu chuyện về ông Dan Needham.
Tuần trước cha đã cùng mọi người chôn cất ông ấy. Dan từ trần ở tuổi chín mươi lăm. Cha biết ông nhiều năm trước, khi cha làm việc cho một dự án nghiên cứu về lịch sử truyền khẩu.
Lúc trước, cha từng dẫn học trò đến để trò chuyện cùng ông, lắng nghe ông kể chuyện ông nội của ông đã chiến đấu với người da đỏ Sioux, và hồi tưởng lại việc những người da đỏ đã xoay xở cuộc sống như thế nào trong suốt những năm đói kém của thời kỳ đại khủng hoảng.
Những học trò của cha không phải lúc nào cũng chú ý lắng nghe, nhưng Dan không lấy làm phiền lòng. Ông biết rằng việc tìm hiểu quá khứ là cần thiết với bọn trẻ, và ông vẫn tin rằng trái tim họ đang lắng nghe ông, ngay cả khi đôi tai họ làm điều ngược lại.
Dan luôn làm mọi người thấy mình được chào đón khi đến nhà ông. Ông luôn ăn vận lịch sự và ngồi đợi bọn cha ngay ở cửa, ông tỏ ra hứng thú với những câu chuyện đến nỗi không muốn bọn cha về sớm, ngay cả khi sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt ông. Ông cố gắng trả lời một cách đầy đủ nhất những câu hỏi của bọn trẻ, chăm chú lắng nghe họ. Thỉnh thoảng ông lặp lại những điều đã nói hoặc kéo dài quá lâu một chủ đề, và những học sinh thúc tay nhau hoặc nháy mắt với nhau. Ông nhìn thấy nhưng vẫn giữ thái độ bình thản để không bị xao nhãng trong câu chuyện.
Mấy năm gần đây, sức khỏe của ông Dan đã yếu đi nhiều. Ông chuyển đến sống tại một nhà dưỡng lão và dường như hiếm khi rời khỏi giường. Nhưng bất cứ lúc nào ông cũng sẵn sàng trò chuyện với những người đến thăm. Ông chấp nhận tuổi già của mình với sự thanh thản và bình tâm như một điều tất yếu phải đến.
Khi ông mất, có rất ít người biết. Ông đã sống lâu hơn những người thuộc thế hệ của mình, và khi ra đi ông đã mang theo rất nhiều ký ức bên mình. Ông mang theo tia sáng trong đôi mắt khi kể về thời điểm người chiến binh – cha ông trở về từ trận chiến trên một chiến xa. Ông mang theo nụ cười đã xuất hiện khi diễn tả cảm xúc lần đầu tiên lái chiếc Model-T(1).
Khi ra đi, ông đã mang theo cả những câu chuyện về cuộc sống ông đã trải qua, chiêm nghiệm và học được. Ông mang theo cảm giác về sự tồn tại và một lối sống đã hình thành nơi ông suốt chín mươi lăm năm cuộc đời.
Cha không biết liệu những người trẻ đã từng ghé thăm ông có nhận ra sự mất mát này không. Cha không chắc liệu họ có thấy được điều gì khác ở ông ngoài việc ông là một lão già vui chuyện với cặp mắt kèm nhèm và bộ da nhăn nheo đầy những đốm đồi mồi. Cha không chắc họ có lắng nghe những câu chuyện của ông không hay thậm chí là họ có quan tâm không. Với họ, cuộc sống chỉ nằm ở tương lai. Trong khi Dan chỉ luôn vọng về quá khứ.
Không ai trong số những người từng đến nghe ông kể chuyện có mặt ở đám tang ông. Họ có nhiều nơi phải đi và nhiều việc phải làm. Dan sẽ bảo rằng chẳng sao cả. Hãy chôn những người chết thật nhanh chóng và thành kính, sau đó hãy tiếp tục cuộc sống.
Nhưng quả thật không dễ dàng để lãng quên một con người như vậy. Cuộc sống của họ đã chạm vào gờ cuộc sống của ta, và họ giúp ta trở thành chính ta. Chúng ta sống trong một cuộc sống đã từng được họ góp tay xây đắp, và từ sự hiện hữu của họ ta sẽ biết được mình sẽ trở thành ai.
Những người trẻ sẽ sớm nhận ra điều này. Họ sẽ làm sống lại những câu chuyện của ông, và ông sẽ trở thành một trong những câu chuyện của họ.
Khi họ chỉ cho con cái xem chiếc Model-T, họ sẽ kể cho chúng nghe câu chuyện về một cụ già đã từng lái nó cùng với bạn bè.
Khi con của họ hỏi về quá khứ, lúc những hiệp ước với người da đỏ được ký kết, họ sẽ kể cho chúng nghe về cụ già mà ông nội của cụ đã từng có mặt vào thời điểm này.
Khi họ già đi và cố gắng để truyền lại cho thế hệ sau những trải nghiệm của mình, họ sẽ hiểu được tại sao ông Dan chỉ mỉm cười khi họ huýt sáo và cười rúc rích hay thúc khuỷu tay nhau. Và khi họ đối mặt với cái chết, họ sẽ nhớ về sự thanh thản và bình tâm mà ông Dan đã mang theo khi ông sắp ra đi, và có lẽ nó sẽ tiếp thêm can đảm cho họ.
Vào lúc họ già đi, ông Dan sẽ trở thành bạn của họ, thân thiết hơn là khi họ đang ngồi dưới chân ông với tư cách là những thanh niên trẻ. Họ sẽ trưởng thành cùng với những trải nghiệm của ông và sử dụng nó cho chính họ.
Đó là cách chúng ta sẽ cư xử với người già. Họ giúp ta trở nên sáng suốt hơn khi gần bên họ.
Dan Needham đã ra đi, nhưng ông vẫn hiện hữu, như việc mọi cái chết vẫn còn hiện hữu, khắc vào ký ức của ta và đọng lại mãi ở đấy. Bởi vì ông không chỉ cho ta những trải nghiệm trong quá khứ, ông còn cho ta sự sáng suốt để hiểu được tương lai.