Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới

Chương 2. HỌC VÀ ĐƯỢC HỌC – QUAN TRỌNG LÀ PHẢI TẠO RA CƠ HỘI CHO CHÍNH MÌNH



“Thứ quan trọng nhất là con người”. Đó mới là nhân tố tiên phong nhất chứ không phải là máy tính.

Cơ hội đối với tôi hơn bất cứ cái gì là có được một sự giáo dục vĩ đại.

Steve Jobs

THAY ĐỔI NỀN GIÁO DỤC QUAN LIÊU

Steve Jobs luôn nói về giáo dục với một sự trân trọng lớn. Ông cho rằng, cơ hội đối với ông hơn bất cứ cái gì là có được một sự giáo dục vĩ đại. Nó có thể thậm chí còn quan trọng hơn cả đời sống gia đình tuyệt vời của ông. “Tôi biết rằng, nếu không có những người đã dành thời gian bảo tôi phải học thì chắc là tôi đã ở trong tù. Tôi chắc chắn 100% rằng, nếu không có cô Hill ở lớp 4 và vài người khác, tôi sẽ hoàn toàn kết thúc cuộc đời mình trong nhà tù” – ông kể lại thời đi học như để chứng minh tầm quan trọng của giáo dục.

Ông nhấn mạnh, chính sự uốn nắn kịp thời giúp những người trẻ tiến một bước dài trong cuộc đời. Với riêng Steve, điều này hoàn toàn chính xác. Không có con đường nào khác để Steve vượt qua được số phận mình ngoài việc phải học, ít nhất cũng phải đỗ đại học như ước nguyện của mẹ ruột ông.

Ngay từ nhỏ, mẹ nuôi ông cũng đã hướng ông đến điều đó. Bà đã dạy cho ông những con chữ đầu tiên. Và dù trên thực tế, ông chỉ học ở đại học gần sáu tháng nhưng rõ ràng, ở Steve Jobs, bao giờ cũng là một con người khao khát học hỏi, khao khát trải nghiệm những điều thú vị trong giáo dục. Tuy nhiên, ông chỉ học những gì ông thích, những gì mà ông nghĩ là nó sẽ “liên kết” được với tương lai. Nhưng thời con ông, điều này thật không dễ dàng. Thời gian học ở trường quá nhiều, họ thiếu những trải nghiệm thực tế. Steve không thích điều này. Ông phát biểu: “Tôi thích những người dạy những đứa trẻ của tôi đủ khả năng để chúng có thể có một công việc ở công ty mà tôi làm việc, kiếm được một trăm nghìn đôla một năm. Tại sao chúng cần phải làm việc ở một trường học để lấy được 35 đến 40.000 đôla khi chúng có thể có một công việc trăm nghìn đôla một năm?”. Steve giải thích điều này xuất phát từ sự quan liêu của một nền giáo dục chưa thật sự tôn trọng nhân tài. Giáo viên không thể an tâm dạy, các nhà quản lý lo “chạy chỗ” và không ai có được sự khuyến khích, động viên.

Steve cũng cho rằng, ông tuyệt đối không tin công nghệ mới quan trọng hơn sự giáo dục. Cho dù có những chiếc máy tính tuyệt vời, những chiếc máy hiện đại thì người ta cũng cần phải có những con người khuyến khích và nuôi dưỡng tính ham học của mình. Ông quả quyết: “Thứ quan trọng nhất là con người”. Đó mới là nhân tố tiên phong nhất chứ không phải là máy tính. Nói như ông, bọn trẻ vẫn cần một người hướng dẫn là những giáo viên. Chính điều này khiến ông lo lắng cho nền giáo dục của nước Mỹ khi đã thất bại trong nỗ lực giúp mọi trẻ em ở đất nước này đều có một sự giáo dục tuyệt vời.

Nhưng không những chỉ ra những tệ nạn, quan liêu của nền giáo dục công mà Steve nhận ra cần phải thay đổi nó. Bằng cách nào ư? Tặng máy cho tất cả các trường học ở Mỹ. Một dự án vĩ đại lóe lên trong đầu ông. Kết hợp máy tính với giáo dục. Chưa ai từng nghĩ đến điều này. Chưa ai thực hiện nó. Thậm chí, không nhiều người ủng hộ dự án phiêu lưu và đầy nhân đạo đó. Nhưng ông vẫn làm. Nó là sự kết nối của những sự kiện thời trai trẻ của ông và được ông gọi tên là dự án “Những đứa trẻ không thể chờ đợi”.

Ông cho rằng mình may mắn lớn lên ở thung lũng Silicon. Khi lên mười hoặc mười một tuổi, lần đầu tiên, ông nhìn thấy máy tính. Nó đặt ở trung tâm nghiên cứu của NASA. Thật ra lúc đó, ông không nhìn thấy máy tính mà chỉ là một thiết bị đầu cuối (thường gồm một bàn phím và màn hình để liên lạc với bộ xử lý trung tâm trong hệ thống máy tính) và lý thuyết về chiếc máy tính ở cuối khung bằng sắt. Steve “kết” nó ngay. Chỉ đến khi làm việc ở Hewlett-Packard, ông mới nhìn thấy máy tính để bàn đầu tiên được gọi 9100A. Nó là máy tính có màn hình đầu tiên trên thế giới, vận hành bằng ngôn ngữ lập trình BASIC và APL.

Tất nhiên, ông thích nó. Liên kết những thông tin này với nhau vào năm 1979, ông nghĩ rằng chỉ cần có một máy tính trong mỗi trường học thì nó sẽ thay đổi cuộc sống của bọn trẻ. Tuy nhiên, việc các trường học quyết định mua một máy tính cho trường mình là thật sự chậm. Vì thế mà gần như toàn bộ bọn trẻ phải theo hết chương trình ở trường mà chưa hề chạm tay lần nào vào máy tính. Nhưng Steve nghĩ rằng, “những đứa trẻ không thể chờ đợi được nữa”. Apple muốn tặng một máy tính tới mỗi trường học ở Mỹ. Nhưng Mỹ có khoảng một trăm nghìn trường học và Apple không thể có đủ sức làm điều đó khi chỉ là công ty mới được thành lập chưa đầy ba năm. Nhưng họ phát hiện một đạo luật quốc gia quy định nếu các công ty tặng một phần thiết bị khoa học hoặc máy tính tới một trường đại học cho những mục đích nghiên cứu và giáo dục thì có thể khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Về cơ bản, điều đó có nghĩa rằng công ty không kiếm được tiền nhưng chỉ phải bỏ ra một số tiền không nhiều lắm, khoảng 10% mà thôi. Thế là, một ý tưởng lại lóe lên trong đầu Steve Jobs: mở rộng phạm vi áp dụng của luật để có thể tặng máy tính cho các trường học. “Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi có thể áp dụng luật đó với bậc phổ thông và loại bỏ những yêu cầu nghiên cứu sao cho, đó chỉ phục vụ cho mục đích giáo dục thì chúng tôi có thể tặng 100 nghìn máy tính tới mỗi trường học ở Mỹ. Điều đó đòi hỏi công ty chúng tôi phải chi mười triệu đôla, số tiền rất nhiều với chúng tôi khi ấy, nhưng nó ít hơn một trăm triệu đôla nếu chúng tôi không có điều đó”

– Steve giải thích. Và thế là họ quyết định bắt tay vào làm một việc mà ngay bản thân Steve cũng thừa nhận là không thể tin được. Steve tìm đến người đại diện địa phương, Pete Stark ở East Bay và một vài người nữa rồi ngồi xuống thảo một lá đơn.

Họ đã phác thảo một lá đơn để làm nên sự thay đổi này. Pete Stark trình lá đơn lên Nghị viện và Thượng nghị sĩ Danforth trình nó tại Thượng nghị viện. Từ chối thuê bất kỳ những người vận động ở hành lang nào, Steve tự mình trở lại Washington, đi lại trong những căn phòng lớn của Quốc hội Hoa Kỳ khoảng hai tuần để gặp hai phần ba người Hạ viện, hơn phân nửa số người ở Thượng viện và ngồi trò chuyện cùng họ. Chiến lược “tự vận động” của Steve cuối cùng cũng thành công. Đơn vượt qua Hạ viện với số phiếu áp đảo chưa từng có trong bất cứ một dự luật về thuế nào trong lịch sử nước Mỹ. Điều đó đã xảy ra trong kỳ sắp mãn nhiệm của Jimmy Carter, nhưng sau đó Bob Dole đã hủy bỏ nó. Ông không đưa nó vào phòng họp quốc hội trong khi Steve nghĩ rằng, Apple không còn nhiều thời gian nữa. Có nghĩa là, họ phải khởi động chương trình vào năm sau và lại nộp đơn lần nữa.

Tuy nhiên, may mắn đã đến. Bang California nghĩ rằng, đây là một ý tưởng tốt và họ đến thảo luận với Apple đồng thời khẳng định: “Các ông không phải làm một lần nữa. Chúng tôi sẽ thông qua một nghị quyết rằng, “Kể từ khi Apple hoạt động ở bang California và trả thuế cho cục thuế California, chúng tôi chấp nhận lá đơn này. Lá đơn không được liên bang chấp thuận thì bạn sẽ nhận lại thuế tại California!”. Apple có thể làm điều đó ở California với mười nghìn trường học”. Và, Apple thực hiện chương trình tại bang California.

Họ trao mười nghìn máy tính trên toàn bang này. Họ cung cấp phần mềm, huấn luyện những giáo viên miễn phí và theo dõi điều này trong vài năm sau. Chương trình thành công vang dội đã khẳng định việc hướng đến giáo dục đã góp phần thành công rất lớn vào doanh thu cho máy Apple II và mục tiêu hướng đến giáo dục của chiếc máy này là một quyết định đúng đắn.

Dĩ nhiên, chương trình thành công cũng đã chứng minh cho tư tưởng kết hợp kinh doanh với phụng sự xã hội của Steve Jobs, đặc biệt là về lĩnh vực giáo dục. Và cũng chính vì sự thành công này mà Steve Jobs, mỗi khi nhắc lại, vẫn còn cảm giác luyến tiếc khi chưa mở rộng được chương trình ở tầm quốc gia. Bởi nếu liên bang thông qua lá đơn “Những đứa trẻ không thể chờ đợi” thì chắc chắn, thành công của Apple thập kỷ 1970-1980 sẽ còn vang dội hơn nữa.

HỌC CÁCH BẢO VÊ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Jobs là thế. Bao giờ cũng tự tin, thậm chí có lúc đến mức kiêu ngạo về những gì mình làm. Nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp ông trở thành nhà điều hành giỏi nhất nước Mỹ năm 2005 (do tạp chí Business Week) bình chọn.

Quan trọng hơn, ông đã lãnh đạo Apple từ con số không trở thành công ty hàng đầu trong cả hai lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin. Và một trong những điều ông luôn muốn phá vỡ là sự độc quyền. Chính Apple dưới sự điều hành của Jobs đã phá vỡ được thế độc quyền bằng những “sản phẩm thú vị” và cải tiến liên tục trong suốt thời gian ông “cầm cương” Apple.

Nhưng rồi, chính vị trí độc tôn của máy tính Mac với giao diện đồ họa trong nhiều năm liền đã dẫn đến sự lung lay của Apple mà đỉnh điểm là việc ông bị sa thải khỏi Apple, dù là người sáng lập.

Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, theo Jobs, sự độc quyền của hệ thống giáo dục công đã kéo lùi sự phát triển của xã hội. Ông lập luận: “Nếu bạn hỏi, ai là khách hàng của nền giáo dục thì, theo tôi, chính là xã hội nói chung, là các ông chủ thuê nhân lực… Nhưng cuối cùng, tôi lại nghĩ, khách hàng là các bậc cha mẹ. Bởi vấn đề mà chúng ta gặp phải ở đất nước này là khách hàng đã ra đi. Họ đã ngưng chú ý đến trường học. Những người mẹ làm việc nhiều hơn, họ không có thời gian để dành cho những cuộc họp phụ huynh và theo dõi việc học ở trường của con cái. Trường học trở nên nhiều hơn và các bậc cha mẹ càng ít thời gian để tâm vào chuyện học hành của con cái họ. Khách hàng thì ra đi, đồng thời sự độc quyền có điều khiển đang xảy ra trên đất nước chúng ta. Kết quả là, mức độ dịch vụ gần như luôn luôn đi xuống…”. Theo Jobs, về góc độ kinh tế, sự độc quyền làm “khách hàng” phải chi nhiều tiền hơn. Steve cho rằng, chi phí cho chuyện học gấp đôi việc mua sắm xe ô-tô – thứ đắt giá thứ nhì sau ngôi nhà của mỗi gia đình. Hơn nữa, khi đi mua một chiếc ô-tô còn có nhiều thông tin để lựa chọn vì rất nhiều hãng ô-tô như General Motors, Ford, Chrysler, Toyota và Nissan đang quảng cáo điên cuồng. Sự cạnh tranh làm các hãng phải liên tục cải tiến để sản phẩm ngày càng trở nên tốt hơn. Nhưng trong hệ thống giáo dục công thì không được như vậy cho dù nó được đảm bảo bằng chính sách miễn phí. Chính sách đó làm cho người ta dễ có cảm giác không phải đang xài tiền của chính mình. Thực tế, đó chính là tiền đóng thuế của họ. Nhưng có điều, nó được “vô hiệu hóa” bằng chính sách miễn phí mà nếu không học trường công, con cái họ cũng chẳng được hưởng. Điều đó đồng nghĩa, nếu muốn cho con cái học trường tư, họ phải tự bỏ ra một số tiền lớn, chưa kể chi phí học đại học. Chính vì vậy, Steve tin rằng nếu nhà nước đưa tiền để mỗi cha mẹ có thể sử dụng cho con họ học tại bất kỳ trường học được công nhận nào thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Bởi Steve tin khi đó, các trường sẽ bắt đầu marketing điên cuồng để có học sinh và nhiều trường học mới được thành lập với nhiều chính sách ưu tiên. Hơn nữa, chỉ trong một thương trường cạnh tranh, chất lượng của những trường học mới bắt đầu tăng lên. Không có gì thắc mắc khi vài trường học sẽ bị phá sản. Tất nhiên, điều đó khá đau đớn trong vài năm đầu tiên. “Nhưng tôi nghĩ sẽ ít đau đớn hơn nhiều việc những đứa trẻ phải chịu đựng hệ thống giáo dục như lúc này”

– Jobs nhấn mạnh.

Tóm lại, theo Jobs, mô hình thị trường cạnh tranh được hiểu là luôn luôn có nhiều nhà cung cấp sẵn sàng đáp ứng những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và cạnh tranh càng nhiều càng giúp họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Ông tỏ ra khá điềm nhiên và tự tin trước việc Dell tung ra sản phẩm có vẻ “nhân bản” như iPod bằng nhận định: “Chúng tôi sẽ bán nhiều máy nghe nhạc kỹ thuật số hơn Dell trong quý này. Trong đường chạy dài, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh dữ dội. Tất nhiên, chúng tôi cũng là nhà sản xuất tốt như Dell. Nhưng những chuyện “bếp núc” của chúng tôi tốt hơn của Dell. Kho cất giữ trực tuyến của chúng tôi cũng tốt hơn của Dell. Và chúng tôi có nhiều kênh bán lẻ. Đa số mọi người không muốn mua một trong số các thứ này thông qua email. Dell sẽ phải bán lẻ chúng nếu muốn thành công. Mô hình làm việc không đáng tin cậy này đang chống lại Dell khi họ đi vào thương mại điện tử. Giống như họ đang bán ti-vi plasma trực tuyến. Bạn có từng mua một chiếc ti-vi plasma mà chưa hề nhìn thấy nó chưa? Hẳn là không!”, ông trả lời phỏng vấn tạp chí Rolling Stone (tháng 12.2003).

Những điều ông nghĩ ít nhiều đã là sự thật. Apple vẫn nắm giữ thị trường trong lĩnh vực kinh doanh nhạc số, bất chấp sức ép từ các đối thủ, ít nhất là đến cuối năm 2006.

ĐỊNH NGHĨA SỰ HƯỞNG ỨNG CỦA KHÁCH HÀNG

“Ông có thể hiểu và trả lời những thói quen nghe nhạc của một người 18 tuổi sẽ thay đổi ra sao ngay trong ký túc xá của họ…”.

Rolling Stone

Mở đầu bài phỏng vấn Steve Jobs năm 2003, tạp chí chuyên về âm nhạc Rolling Stone (Mỹ) miêu tả:

“Khi Steve Jobs dạo qua quầy tiếp tân ở khu vực trung tâm của hãng máy tính Apple ở Cupertino, California, vào một buổi sáng gần đây, không ai dành nhiều sự chú ý dù ông là một giám đốc điều hành của công ty đi nữa. Ông đang mặc quần soóc, áo thun đen ngắn tay và giày thể dục. Cao và lóng ngóng một chút, Jobs có bước sải chân nhanh như chạy, giống như một chú sói trong lúc vội vàng. Những ngày này, Jobs có vẻ háo hức với chính mình như cái thời sinh viên đã có lần gọi máy tính “xe đạp cho đầu óc” và tự chứng minh mình là một nhà tư bản hoàn toàn thông minh ở thung lũng Silicon. Jobs bấm vào nút thang máy để đến tầng 4, văn phòng nhỏ của ông đã được đặt ở đó. Với một người đàn ông sẽ tạo ra điều kỳ diệu và hỗn loạn của Thung lũng Silicon, “tầm nhìn” của Jobs về mọi thứ thì khiêm nhường một cách đáng ngạc nhiên: những ngọn cây bụi mở rộng về phía Vịnh San Francisco, trông ra xa lộ bên dưới”. Giản dị luôn là hình ảnh người ta thấy ở Jobs. Thậm chí, dù đã là tổng giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs, vẫn chỉ nhận mức lương thấp kỷ lục thế giới dành cho một giám đốc điều hành (được sách Guiness Những kỷ lục thế giới ghi nhận): chỉ 1 đôla/năm. Cả khi là một sinh viên cho đến sau này đã là một vị giám đốc điều hành số một nước Mỹ, phong cách ăn mặc giản dị, bụi bặm và có chút hầm hố của Jobs vẫn thế. Chính vì thế, người ta luôn thấy ở ông, một con người trẻ trung, thời thượng, thậm chí khi đã bước qua tuổi 50. Đó có lẽ là lý do ông “bắt gu” được xu hướng của giới trẻ và thành công vang dội với những sản phẩm thời thượng đáp ứng nhu cầu của họ. Tờ Rolling Stone nhận xét rằng ông có thể hiểu và trả lời những thói quen nghe nhạc của một người 18 tuổi sẽ thay đổi ra sao ngay trong ký túc xá của họ. Và cũng chính sự trẻ trung, giản dị ấy đưa ông đến gần hơn với khách hàng của mình, đặc biệt là giới trẻ. Như để giới thiệu một sản phẩm mới của hãng Apple, chiếc iPod, ông đã xuất hiện (cũng với bộ trang phục quen thuộc) nhảy múa với các ca sĩ, diễn viên, đặc biệt là với ca sĩ Madonna vào tháng 9.2005.

Bất kể sự giàu có của mình, được Forbes ước tính tổng tài sản khoảng 4,4 tỉ đôla, Jobs vẫn duy trì một cuộc sống khá giản dị, đặc biệt là so với những tiêu chuẩn của Hollywood. Dù nắm quyền tại Apple, ông chỉ nhận mức lương 1 đôla và tương tự như thế ở Pixar, thu nhập chủ yếu dựa vào giá trị cổ phiếu của mình. Ngôi nhà ở Palo Alto của ông giản dị nhất trong những tiêu chuẩn của đại gia và ông thường xuất hiện trong bộ trang phục quần jeans với áo cổ lọ đen.

Nhưng trái với bề ngoài giản dị, đầy năng động ấy là một Steve Jobs tự tin đến mức kiêu ngạo và bảo thủ lạnh lùng. Jobs luôn luôn bị ám ảnh với cái đẹp và kinh nghiệm của khách hàng. Khi cửa hàng đầu tiên của Apple sẵn sàng mở cửa, ông tuyên bố không thích sàn nhà gỗ và đã tháo bỏ chúng để lắp đặt sàn nhà mới. Dù Jobs không phải là người đã nảy ra ý tưởng cho chiếc máy iPod, nhưng ông đã yêu cầu các kỹ sư thiết kế giao diện của nó sao cho chỉ không quá ba cái click để mở được một bài hát. Nó phản ánh phương pháp của ông trong việc thiết kế nhiều sản phẩm: định nghĩa những gì khách hàng sẽ hưởng ứng rồi giao việc cho mọi người để biến điều đó thành hiện thực. Đó là lý do tại sao lời khẳng định của ông là rất tuyệt vời rằng, iTunes sẽ bán mỗi bài hát với giá 99 cent. Phil Wiser, người sau này làm giám đốc công nghệ cho Sony Music kể lại: “Steve Jobs đến với chúng tôi và nói: iTunes sẽ là 99 cent mỗi bài hát. Chúng tôi thật sự muốn dành cho các ông một phần trong đó. Hãy cầm lấy hoặc từ chối”. Với một thị phần ưu thế trong công nghiệp nhạc số, Jobs đã từ chối thay đổi giá sàn 99 cent mỗi bài hát trong những cuộc thương lượng gần đây với các hãng đĩa.

Ông luôn đòi hỏi cao những người thuộc quyền của mình. Nhân viên thường bị Steve Jobs mắng xối xả khi không hoàn thành nhiệm vụ. “Ông chấm điểm mọi người. Sau khi bạn trình bày một cuốn sách, một bộ phim, chương trình phần cứng hay phần mềm, ông sẽ cho bạn điểm: B cộng, C trừ, D, bất kể cái gì” – một cựu nhân viên cho biết. “Steve luôn là người thông minh trong phòng và ông biết điều đó” – người này nói thêm.

Khi trở lại làm giám đốc điều hành vào năm 1997, Jobs tăng cường chính sách bí mật, quy định rằng những ai làm việc cho dự án mới không được phép tiết lộ, thậm chí với chính gia đình của mình. Biên tập viên tờ Wired News nói: “Bây giờ, họ thích giữ bí mật còn hơn cả hãng thông tấn chính phủ”. Các nhà báo cố gắng làm việc quanh bức tường thành bí mật đó thường đối mặt với sự trả đũa. Khi website ThinkSecret đưa tin về sản phẩm mới của Apple năm 2004, công ty ngay lập tức đã tuyên bố khởi kiện, khẳng định rằng website này đã trộm và buôn bán những bí mật. Khi Daily Variety đưa tin rằng Pixar đã thuê các nhà văn để PR, Jobs theo dõi và túm được phóng viên tạp chí này tại Liên hoan phim Sundance, yêu cầu cho biết nguồn tin của cô và dọa sẽ đuổi khỏi liên hoan phim. Ông, thậm chí, đã gọi tới số điện thoại nhà riêng, số mà cô phóng viên này chưa bao giờ đưa cho ai.

Tuy nhiên, sau lần trở lại Apple, ông đã tỏ ra chịu lắng nghe mọi người hơn, bớt đi vẻ kiêu ngạo và bảo thủ. Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi ở con người này: đó là sự sáng tạo không ngừng. Chính điều đó đã kết nối những người tài giỏi nhất về làm việc tại Apple để cùng ông tạo ra những sản phẩm thú vị.

Các đối thủ của Apple ở khắp nơi đều đang có cảm giác hồi hộp lẫn lo lắng: bao giờ thì một phát minh kỳ diệu khác kiểu như iPod lại sẽ ra đời? Trong chiến lược của Steve Jobs, máy nghe nhạc iPod sẽ được gắn thêm một màn hình màu để khách hàng có thể xem các hình ảnh kỹ thuật số, đồng thời Apple sẽ phát triển thiết bị này trở thành một trung tâm giải trí nhỏ gọn tại nhà. Ý tưởng này làm thay đổi ngành công nghệ giải trí, bằng cách thu gọn lại những thiết bị nghe nhạc, không còn đầu máy DVD, giàn stereo, đầu CD và các loại dụng cụ điều khiển từ xa. Ngay cả những hình ảnh kỹ thuật số và thiết bị chiếu phim cũng có thể trở thành vật dụng gia đình. Các nhạc công cũng có thể kết hợp với phần mềm âm nhạc Ga- rage Band của Apple, để tạo ra ban nhạc đệm, trong khi chơi đàn piano. Steve Jobs cho rằng: “Thực hiện được những điều này thật sự khó, nhưng chúng tôi sẽ làm được”. Không chỉ sáng tạo trong kỹ thuật, Steve còn rất sáng tạo trong kinh doanh bằng việc xây dựng hệ thống bán lẻ toàn cầu và thường chỉ tập trung tối đa vào một dự án hoàn chỉnh để tránh hiện tượng phân tán tài chính và nhân lực.

Những điều như thế có lẽ cũng đã đủ chứng minh rằng, Apple là một công ty tiên phong hàng đầu trong công nghệ với những thiết bị, phương tiện sáng tạo, tiên phong. Còn Steve Jobs, một cá tính kỳ lạ, không có từ gì xứng đáng hơn là “nguồn sáng tạo vô tận”!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.