Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới

Chương 2. THẮP MỘT NGỌN NẾN TRONG GA-RA TĂM TỐI



Như trong cổ tích, hai chàng trai trẻ ngồi cùng nhau. Họ chẳng có gì ngoài một khát vọng chinh phục cả thế giới và niềm tin bất biến vào khả năng của chính mình. Đó chính là ngọn nến lung linh đánh tan cái u ám và ngột ngạt cố hữu của một cái ga-ra cũ – văn phòng đầu tiên của công ty máy tính Apple.

KHỞI ĐỘNG MỘT CUỘC ĐUA ĐƯỜNG TRƯỜNG

Ngày 1.4.1976, đúng ngày Cá tháng Tư, Apple Computer ra đời tại ga-ra gia đình của Jobs với số vốn ban đầu là 1.300 đôla do hai “cổ đông chính” là Steve Jobs, Steve Wozniak đóng góp, mỗi người 45% (10% còn lại là của Ron Wayne). Để có số tiền đó, Jobs bán đi chiếc xe buýt mini Volkswagen của mình còn Wozniak bán máy tính Hewlett Packard của ông. Với vốn ban đầu và tiền tín dụng của nhà cung cấp thiết bị điện tử ở địa phương, họ bắt đầu sản phẩm đầu tiên của mình. Cái tên Apple Com-puter được chọn bởi vì họ không tìm thấy tên nào tốt hơn và táo là loại trái cây mà Steve rất yêu thích vào lúc đó. Hai ông thiết kế Apple I tại giường ngủ của Jobs và hoàn thành nó tại ga-ra ô- tô nhà Jobs. Jobs động viên Wozniak rời khỏi công việc của mình ở Hewlett-Packard, trở thành phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển của công ty mới. Trong khi sự ra mắt của Apple I tại câu lạc bộ máy tính Homebrew gần như không được chú ý thì vài tuần sau, Apple đã bán được lô hàng đầu tiên của mình. Paul Terrel, người thành lập chuỗi cửa hàng máy tính Byte Shop muốn mua những chiếc máy tính của hãng. Ông cho biết sẽ mua 50 cái, mỗi cái 500 đôla, trả tiền ngay lúc nhận hàng. Tổng cộng trị giá được 25.000 đôla. “Không có gì xảy ra trong những năm sau đó lại tuyệt vời và bất ngờ như vậy.”

– Wozniak nói khi ông kể lại sự kiện đó. Trong khi máy tính đầu tiên của hãng Apple chỉ là bảng mạch bo không thùng thì những kiểu sau đó, đều được thực hiện trong một chiếc hộp gỗ.

Cũng trong năm 1976, Woz bắt đầu thiết kế Apple II. Apple II là sự đột phá trong thiết kế máy tính cá nhân. Nó có bộ dụng cụ (kit) độc lập. Hệ điều hành giúp nó tải dữ liệu tự động, nhanh hơn các máy tính hiện có. Mô hình đầu tiên của Apple II xuất hiện tại Festival máy tính cá nhân, thành phố Atlantic, mùa hè năm 1976. Tại triển lãm đó, ở gian hàng của mình, Apple đã “trình làng” máy Apple I và mô hình máy Apple II. Cả hai đều gây được ấn tượng sâu sắc tại triển lãm. Cuối năm 1976, Steve tuyên bố Apple phải thuê một đại diện PR (quan hệ công chúng) để chăm lo kế hoạch quảng bá cho mình. Ông liên hệ với một trong những hãng quảng cáo danh tiếng nhất thung lũng Silicon được điều hành bởi Regis McKenna. Mặc dù việc thiết lập mối quan hệ lần đầu tiên thất bại, nhưng nhờ tài thuyết phục của Steve, McKenna cuối cùng đã chấp nhận làm việc cho Apple. Một trong những quyết định đầu tiên của họ là thực hiện chiến dịch quảng cáo trên tạp chí Playboy. Nhưng họ nhanh chóng nhận thức rằng để làm điều như vậy, Apple cần nhiều tiền hơn nữa. May mắn là họ đã tìm được “vị cứu tinh” – Mike Markkula. Markkula, người vừa thôi chức giám đốc tại hãng Intel, có nhiều tiền để chi tiêu và rất quan tâm vào việc mở rộng thị trường máy tính cá nhân.

Thấy sự nhiệt tình của Steve và sau khi nghe Woz giải thích về Apple II, ông quyết định chọn Apple là nơi thích hợp để đầu tư. Ông phác thảo một kế hoạch kinh doanh đầu tiên cho Apple và hợp đồng được ký tại nhà ông vào ngày 3.1.1977. Một phần trong kế hoạch là thuê một chủ tịch mới cho công ty, một người quen của Mike Markkula, nhà quản trị của National Semiconductor có tên là Mike Scott. Đồng thời, Woz sẽ làm việc toàn thời gian cho công ty sau khi nghỉ việc tại Hewlett- Packard. Một trong những quyết định đầu tiên của công ty là tổ chức Hội chợ máy tính West Coast lần đầu tiên để thâm nhập thị trường (tháng 4.1977). Cùng lúc đó, Markkula đã chi 5.000 đôla vào việc thiết kế phòng trưng bày thương hiệu mới và logo đầy cá tính của Apple. Sự xuất hiện của Apple tại Hội chợ máy tính West Coast tạo được thành công rất lớn. Công ty đã nhận được 300 đơn đặt hàng Apple II tại triển lãm, gấp đôi số máy Apple I bán được. Vào tháng giêng năm 1978, Apple đã có giá khoảng 3 triệu đôla. Ban giám đốc mở rộng thêm vài nhà đầu tư mới: ngoài Markkula, người đã đầu tư tổng cộng 250.000 đôla, còn có Rock (57.600 đôla), Don Valentine (150.000 đôla), và hãng Venrock (288.000 đôla).

Khi ổ đĩa dành cho các máy của Apple xuất hiện đầu năm 1978 cho phép các nhà lập trình viết các chương trình giúp máy tính hoạt động nhanh hơn và có thể dễ dàng chuyển từ máy này sang máy khác, số chương trình, phần mềm tăng lên nhanh chóng. Điều này, cùng với nhiều tính năng nổi bật trong thiết kế, đã giúp Apple II nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn vàng cho máy tính cá nhân. Mặc dù có vài chuyện căng thẳng giữa Steve Jobs và chủ tịch Apple Mike Scott nhưng bầu không khí chung ở công ty là rất thoải mái. Doanh số bán hàng của Apple II không ngừng tăng. Từ 2.500 máy vào năm 1977, tăng lên 8.000 máy vào năm 1978 và lên đến 35.000 chiếc vào năm 1979, kết quả thu được 47 triệu đôla dành cho công ty mới hơn hai tuổi. Trong thực tế, không có máy tính cá nhân nào bán được nhiều hơn Apple II. Một trong những nhân tố chủ yếu thành công là nhờ vào thị trường giáo dục, bởi vì nó được chấp nhận giảng dạy bằng ngôn ngữ BASIC (Ngôn ngữ lập trình bậc cao dễ sử dụng nhưng bị nhiều phê phán, phù hợp với máy tính cá nhân. Được soạn thảo vào năm 1964, BASIC (Beginner’s All-Purpose Symbolic Instruction Code) là ngôn ngữ thủ tục, nó báo cho máy tính biết phải làm gì theo từng bước. Các chương trình BASIC chạy trong môi trường tương tác lẫn nhau gồm một chương trình soạn thảo văn bản, một chương trình gỡ rối, và một trình thông dịch để dịch và thực hiện mã nguồn BASIC lần lượt theo từng dòng).

Một nhân tố khác là sự ra đời của VisiCalc, bảng tính đầu tiên cho máy tính cá nhân, vào mùa thu năm 1979. Nó biến Apple thành “ông vua” của ngành máy tính cá nhân mãi đến khi IBM xâm nhập vào thị trường năm 1981. Sự phát triển nhanh chóng của Apple đã giúp Steve Jobs trở thành triệu phú khi mới 24 tuổi với giá trị cổ phần cá nhân đạt 7 triệu đôla.

CÔNG THỨC MANG TÊN “NHỮNG TÊN CƯỚP BIỂN”

Ngay sau thành công đầu tiên này, Steve Jobs đón nhận một thất bại mà cho đến giờ, thỉnh thoảng mọi người vẫn lấy đó làm một bài học trong kinh doanh: máy tính Lisa. Ông đã quyết định phát triển dòng máy tính mới với những tính năng rất xuất sắc dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tên Lisa. Và dù được bình chọn là một sản phẩm mang tính cách mạng, nhưng thị trường đã thẳng tay từ chối nó vì mức giá cao đến mức khó chấp nhận. Jobs tưởng như suy sụp.

Vậy mà chẳng lâu sau, Steve tuyên bố ông muốn khởi động dự án Macintosh. Dự án Macintosh được khai sinh bởi Jef Raskin, một trong những người nhân viên sớm nhất của Apple, người đã viết sách hướng dẫn sử dụng cho máy Apple II. Steve muốn Macintosh phải là máy tính cá nhân “dễ sử dụng như một lò nướng bánh bằng điện”. Ông chọn tên Macintosh cũng vì nó là tên loại trái cây ưa thích của ông – quả táo.

Tuy nhiên, ông và Raskin đã bất đồng với nhau về việc Macintosh sẽ tiến triển ra sao. Raskin muốn máy Macintosh phải đắt trong khi Steve muốn nó phải rẻ hơn Lisa nhưng đồng thời vẫn phải giữ những tính năng nổi bật như giao diện đồ họa cho người dùng. Macintosh cũng được bổ sung con chip 32-bit của hãng Motorola. Raskin không đồng ý, và sau đó, đầu năm 1981, chỉ một mình Steve tiếp tục dự án. Ông mở rộng nhóm sản xuất với sự có mặt của kỹ sư thiên tài về phần cứng Burell Smith và nhà lập trình Bud Tribble cùng những bộ não mới như Rod Holt, Randy Wiggington, Bill Atkinson, Andy Hertzfeld. Những thành viên khác như nhà lập trình Steve Capps, chuyên gia market- ing Mike Murray và nghệ sĩ huyền thoại Susan Kare cũng gia nhập vào nhóm điều hành sau đó. Steve Jobs hy vọng nhóm nhỏ li khai này sẽ cứu Apple và Macintosh. Điều này càng được củng cố khi mùa hè năm 1981, IBM, đối thủ chính của Apple đã bắt đầu tấn công vào thị trường máy tính cá nhân. “Đó là thời kỳ sa sút của cả Apple và IBM. Nếu, vì một vài nguyên nhân, chúng tôi phạm sai lầm lớn và IBM được lợi, cảm giác của riêng tôi là chúng tôi sẽ bước vào kỷ nguyên tồi tệ của máy tính khoảng 20 năm. Một khi IBM nắm được quyền kiểm soát thị trường, họ luôn luôn chấm dứt cải tiến, họ ngăn chặn sự cải tiến từ lúc mới bắt đầu”, Steve Jobs trả lời phỏng vấn với David Sheff vào tháng 2.1985.

Cuối năm 1981, Steve yêu cầu ban giám đốc Apple cho ông toàn quyền điều hành dự án mà ông cho là quan trọng nhất trong tương lai của hãng Apple: máy Macintosh. Nhóm Macintosh gần như ngay lập tức trở thành nhóm đơn độc ở Apple. Apple xem thành viên nhóm này như những tên cướp biển và phần còn lại của công ty là lực lượng hải quân. Nhưng, vẫn như mọi khi, Steve Jobs luôn vững tinh thần. Ông muốn tái lập lại bầu không khí buổi đầu thành lập công ty ở các ga-ra, bảo vệ nhóm sản xuất máy Macintosh khỏi việc phải trở thành kẻ tham nhũng vì bầu không khí quan liêu bao quanh. Chẳng dễ dàng gì gia nhập nhóm Macintosh.

Muốn gia nhập, họ phải trải qua một loạt câu hỏi kiểm tra như phải thi đấu với Andy Hertzfeld hoặc Burrell Smith về trò chơi điện tử hoặc phải vừa ăn bánh pizza vừa trả lời những câu hỏi từ Steve Jobs như “Bạn hết… trong trắng khi nào?” Các thành viên của nhóm Mac có thể dễ dàng được nhận diện với chiếc áo thun thể thao có slo- gan: “Làm việc hơn 90 giờ một tuần và thích thú” hoặc “Chúng ta hãy là những tên cướp biển”. Steve vẫn yêu cầu các nhà phát triển xây dựng nhiều chương trình cho máy Macintosh sao cho nó có nhiều phần mềm trước khi được giới thiệu. Yêu cầu của Steve Jobs lúc đó là máy Macintosh vẫn giữ nguyên những tính năng như Lisa nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/5 (2.000 đôla thay vì 10.000 đôla). Thứ hai, ông cũng chắc chắn là Lisa và Macintosh sẽ không tương thích nhau. Mỗi cái là một hệ điều hành khác nhau, vì vậy, ông đã ký hợp đồng với hãng Microsoft của Bill Gates để có thể sử dụng hệ điều hành Windows.

Sau sự thất bại của máy Apple II và Lisa, mọi ánh mắt của công ty trông chờ vào việc trở lại dự án của Steve.

Ngày 24.1.1984, máy Macintosh được ra mắt, mở ra một cuộc cách mạng cho ngành máy tính. Giám đốc điều hành mới là Sculley đã chi 15 triệu đôla cho chiến dịch quảng bá, bao gồm quảng bá trên ti-vi ngay sau những trận đấu tại giải Super Bowl, sự kiện thể thao thuộc loại hấp dẫn nước Mỹ. Đó chính là một trong những mẫu quảng cáo thành công nhất của thế kỷ XX, được đạo diễn bởi người từng đoạt giải Oscar Ridley Scott, chiến dịch đã thành công lớn. Chỉ trong tháng giêng và tháng 2.1984, Steve có hơn 200 cuộc phỏng vấn cùng vô số lần xuất hiện trên báo chí. Máy Macintosh “lên bìa” trên 20 tạp chí. Thế giới được nghe về “chiếc máy phi thường” và sự năng động của cặp bài trùng Sculley-Jobs như là hình mẫu tương lai của các tập đoàn Mỹ. Riêng với Steve, đó được ông xem là giây phút hạnh phúc nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời.

VẾT THƯƠNG, CƠN BÃO VÀ NHỮNG TRẢI NGHIÊM

Ngày 12.9.1985 là một bước ngoặt khác trong cuộc đời Steve Jobs. Tất cả bắt đầu từ sự thành công vang dội của Apple II trong bối cảnh thị trường máy tính đang trở nên bão hòa. Rồi sau đó là Apple III, rồi Macintosh. Sự thành công nhanh chóng cùng công nghệ “độc quyền” đã biến Steve Jobs trở nên một người quá tự tin và thậm chí là bảo thủ. Điều đó càng thể hiện rõ sau khi John Sculley (giám đốc điều hành của Pepsi) về làm giám đốc điều hành vì bị thuyết phục bởi lời mời của ông: “Anh muốn bỏ phần còn lại cuộc đời mình để bán nước giải khát hay anh muốn có cơ hội thay đổi thế giới?”

Và, sóng gió bắt đầu nổi lên trong nội bộ Apple. Phải nói, góp phần khơi màu cho cuộc “sóng ngầm” đó chính là… tính khí thất thường và bảo thủ của Jobs. Nhưng theo Jobs, còn một lý do khác. Xuất phát từ chính người mà Jobs đã “ỉ ôi” mời về điều hành Apple, John Sculley. Jobs đã bóng gió chỉ trích John Sculley đẩy Apple vào tình trạng phá sản vì nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo cấp cao, sa thải những người không tham nhũng và mang về nhiều người tham nhũng, tự trả lương hàng chục triệu đôla. Bộ máy lãnh đạo của Apple lúc đó chỉ chăm chăm vào uy tín và sự giàu có của bản thân mà chẳng quan tâm đến việc phát triển Apple ra sao.

Sau này, mỗi lần nhắc lại giai đoạn mệt mỏi này, Jobs than thở: “Họ không có một dòng tư tưởng nào về việc phải làm nó ra sao và không tốn chút thời gian để nghiên cứu vì đó không phải là điều mà họ bận tâm. Họ quan tâm kiếm nhiều tiền vì họ có thứ kỳ diệu mà nhiều người tài giỏi đã làm là Macintosh. Họ rất tham lam, thay vì tiếp tục quỹ đạo căn bản là sẽ làm cho thứ này thành một trang thiết bị để nhiều người có thể sử dụng thì họ lại chăm chăm vào lợi nhuận và họ kiếm được nhiều lợi nhuận trong khoảng bốn năm. Apple là một trong những công ty có lợi nhất ở Mỹ khoảng bốn năm. Những điều mà họ cần phải làm là có được lợi nhuận hợp lý và mở rộng thị phần, điều mà chúng tôi luôn luôn cố gắng thực hiện. Macintosh đã chiếm 33% thị phần ngay bây giờ, có thể thậm chí còn cao hơn, có thể hơn cả Microsoft nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ biết đến điều đó. Bây giờ, nó có thị phần nhỏ bé và đã thất bại.

Macintosh sẽ chết trong vài năm nữa và đó là nỗi buồn thật sự. Vấn đề là, không ai ở Apple có suy nghĩ làm sao để sáng tạo ra một Macintosh kế tiếp. Đó là một bi kịch!”.

Đúng là bi kịch thật! Những nhận định này của Jobs có thể không hoàn toàn đúng (bằng chứng là Apple vẫn sống được trước khi nó… chuẩn bị phá sản) nhưng phải nói là nó cũng làm sáng tỏ phần nào sự bất đồng, lủng củng trong nội bộ Apple. Và bi kịch đã xảy ra. Không phải chỉ đối với Apple mà cả với Steve Jobs. Khi ấy, tình thế đã thay đổi. Cho dù là người đồng sáng lập nhưng vai trò của Steve Jobs ở Apple đã thật sự lung lay. Và cái ngày “định mệnh” cũng đã xảy ra. Ngày 12.9.1985, trong một cuộc họp hội đồng quản trị Apple sau những cuộc đấu đá quyền lực, Steve Jobs đứng lên và nói bằng giọng phê bình nặng nề, hờ hững: “Tôi đã suy nghĩ nhiều và đây sẽ là thời điểm để tôi tiếp tục với cuộc sống của mình. Hiển nhiên là tôi sẽ làm cái gì đó. Tôi ba mươi tuổi rồi”! Và thế là ông ra đi với bao dự định chưa làm được.

Năm 1986, ông mua lại hãng phim hoạt hình Lucasfilm thuộc tập đoàn The Graphics Group của đạo diễn George Lucas với giá khoảng 5 triệu đôla và đầu tư thêm 5 triệu bảng nữa vào công ty mới. Jobs cùng Edwin Catmull thành lập hãng phim hoạt hình Pixar. Công ty mới, ban đầu được đặt tại Point Richmond, California nhưng sau đó được chuyển tới Emeryville, California. Pixar đã hợp tác với Disney sản xuất một số bộ phim hoạt hình, mà Disney cùng đầu tư vốn và phát hành. Kết quả đầu tiên của sự hợp tác này là Toy Story, tạo được danh tiếng và những lời ngợi khen của giới phê bình khi nó ra mắt vào năm 1995.

Hơn 10 năm sau đó, dưới sự điều hành của giám đốc sáng tạo của John Lasseter, Pixar đã sản xuất được những bộ phim hoạt hình cực kỳ ăn khách như A Bug’s Life (1998), Toy Story 2 (1999), Mon-sters, Inc. (2001), Finding Nemo (2003), The Incredibles (2004), và Cars (2006). Cả hai phim Finding Nemo và The Incredibles đều nhận được giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất trong năm. Trong những năm 2003, 2004, khi hợp đồng giữa Disney và Pixar sắp hết hạn, Jobs và chủ tịch Disney Michael Eisner đã thất bại trong việc nỗ lực đàm phán một sự hợp tác mới. Đầu năm 2004, Jobs cảnh báo rằng, Pixar sẽ tìm đối tác phát hành phim vì hợp đồng với Disney đã hết hiệu lực. Mối thù nghịch cá nhân giữa hai chủ tịch là nguyên nhân lớn nhất cho sự thất bại trong việc tạo dựng lại sự hợp tác của hai công ty. Tháng 10.2005, Bob Iger thế chỗ Eisner tại Disney và Iger nhanh chóng giải quyết mối quan hệ với Jobs và Pixar. Vào ngày 24.1.2006, Jobs và Iger công bố rằng Disney đã thỏa thuận mua toàn bộ Pixar với giá 7,4 tỉ đôla. Trong một hợp đồng không được tiết lộ, Jobs trở thành cổ đông độc lập lớn nhất, nắm giữ 7% cổ phần của Walt Disney.

Cùng thời gian đó, Jobs tuyển dụng một vài nhân viên trung thành từ Apple và thành lập công ty NeXT. Ở đó, ông tự do sử dụng kiểu cách quản lý kỳ lạ của mình, giúp ông chiếm một chỗ trong danh sách những ông chủ khó tính nhất năm 2003 của tạp chí Fortune. Fortune mô tả Jobs là, “la hét bừa bãi” nhắm vào một nhà cung cấp, người đã cho ông biết giá mỗi chiếc vỏ magiê trắng bóng cho máy NeXT là 200 đôla, trong khi Jobs muốn nó chỉ có giá khoảng 20 đôla thôi. Với NeXT, Jobs lập kế hoạch xây dựng thế hệ máy tính cá nhân tiếp theo, thế hệ sẽ khiến Apple cảm thấy hổ thẹn. Nó phần nào không xảy ra theo cách đó. Sau tám năm nỗ lực và phung phí 250 triệu đôla tiền vốn, NeXT đóng cửa hẳn công nghiệp phần cứng của mình vào năm 1993.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.