Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới

Phần II. ĐIỂM TỰA CỦA TÀI NĂNG – Chương 1. TÔI SINH RA TẠI TRÁI ĐẤT



Nói gọn nhất về Jobs trong vòng một từ, thì từ đó chỉ có thể là ĐAM MÊ. Ông đam mê âm nhạc, đam mê tạo ra những sản phẩm thú vị nhất dành cho cuộc sống. Và đó chính là điểm tựa của sự thăng hoa tài năng của Jobs tại Apple.

Tôi bỏ học ở trường Đại học Reed sau sáu tháng nhưng vẫn ở lại loanh quanh đến tận mười tám tháng nữa mới thực sự ra đi

Steve Jobs

HỌC, PHẢI CÓ MỘT ĐỘNG LỰC

Trong những lần trò chuyện của mình với giới trẻ, Jobs nói về tuổi thơ của mình một cách sinh động lạ lùng: “Tôi sinh ngày 24.2.1955 tại San Francisco, California, Mỹ, Trái đất. Tôi nhớ chính xác thời khắc nghe tin John Kennedy bị bắn. Tôi đang đi bộ ngang qua đám cỏ ở sân trường để đi về nhà, khoảng ba giờ chiều, một ai đó đã kêu lên “Tổng thống bị bắn chết”. Tôi cũng nhớ rất nhiều về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tôi có lẽ không ngủ ba hoặc bốn đêm vì sợ rằng, nếu đi ngủ thì sẽ không bao giờ thức. Khi ấy, tôi đã bảy tuổi và tôi hiểu chính xác những điều sẽ xảy ra tiếp sau đó. Tôi nghĩ mọi người sẽ hành động. Đó thật sự là nỗi kinh hoàng mà tôi sẽ không bao giờ quên, và nó có lẽ không bao giờ thật sự bị xóa đi. Tôi nghĩ rằng, mọi người đều cảm thấy như vậy tại thời điểm đó”.

“Mọi người” mà Jobs nhắc đến, là một thế hệ thanh niên Mỹ thời kỳ sung mãn và hạnh phúc nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai. Một thế hệ người Mỹ đang khát khao chinh phục và làm chủ thế giới bằng thương mại. Mối bận tâm hàng đầu của thanh niên Mỹ lúc bấy giờ là thương mại, thương mại và thương mại.

Trái ngược với số đông, Steve Jobs lại cảm thấy rất may mắn khi được cha, ông Paul, một người đàn ông mạnh mẽ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, hướng đến nghề sửa chữa, tháo lắp máy móc ngay từ rất nhỏ. Ông có bàn làm việc ở ga-ra, nơi mà khi Steve Jobs khoảng năm, sáu tuổi, ông đã dành ra một góc nhỏ và bảo: “Steve, đây là bàn làm việc của con từ bây giờ”.

“Ông đưa cho tôi một ít dụng cụ nhỏ hơn dụng cụ ông vẫn làm và chỉ cho tôi cách sử dụng một cái búa và nhìn xem cách làm nên mọi thứ như thế nào. Nó thật sự rất tốt cho tôi. Ông dành nhiều thời gian với tôi, dạy tôi làm sao để tạo nên nhiều thứ, làm sao để tháo rời, lắp ghép các thứ lại với nhau. Một trong những điều mà ông đã đề cập đến một cách khái quát là điện tử. Ông không có sự hiểu biết sâu sắc về điện tử nhưng ông đã tiếp cận đến với lĩnh vực này qua những chiếc xe ô-tô và các thứ khác mà ông sửa chữa. Ông cho tôi thấy những nguyên tắc cơ bản trong điện tử và tôi trở nên rất quan tâm đến điều đó”. – Steve Jobs kể lại.

Trong bài nói chuyện với sinh viên Đại học Stanford (tháng 6.2005), Steve Jobs cho biết, mình là con của một nữ sinh viên trẻ chưa chồng, vừa tốt nghiệp đại học. Còn theo tài liệu trên trang Bách khoa toàn thư mở thì ông là kết quả mối tình giữa một nữ sinh Mỹ (Joanne Carole Schieble) và một người đàn ông Syria (Abdulfattah John Jandali). Một tuần sau khi sinh ra, Jobs được mang cho làm con nuôi vì mẹ ông vẫn còn phải học ở trường. Ông bà Paul Clara và Hagopian Jobs đã nhận Jobs làm con nuôi sau khi hứa sẽ cho ông vào đại học. Jobs lớn lên ở Thung lũng Silicon cùng bố mẹ nuôi (chuyển đến Mountain Wiew từ San Francisco khi ông lên 5 tuổi). Bố ông được nhượng lại căn nhà ngay trung tâm Thung lũng Silicon, nơi có tất cả các kỹ sư ở xung quanh. Phần lớn thung lũng Silicon thời gian ấy còn là những khu vườn và nó thật sự là thiên đường.

Mặc dù bố mẹ nuôi chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng luôn hướng ông đến việc thực hiện lời hứa với người mẹ đẻ trước đây là cho ông ăn học tử tế, ít nhất là phải vào đại học. Nhưng theo lời Jobs, trường học là cái gì đó quá khó khăn và chán nản với ông. Do được mẹ dạy đọc trước khi đến trường nên thời gian có mặt ở trường ông chỉ muốn đọc sách và ra ngoài để săn đuổi những con bướm. Với cậu bé Jobs hiếu động, ham tìm tòi, khám phá, việc đi học chính là phải đương đầu với một quyền lực khác chưa từng gặp và không hề thích. Đó chính là những giáo viên. “Họ thật sự muốn loại bỏ bất kỳ ham muốn nào ra khỏi tôi. Lúc học lớp ba, tôi có một người bạn thân là Rick Farentino. Cách duy nhất chúng tôi có niềm vui là tạo ra những trò nghịch” – Jobs kể.

Một trong những trò nghịch đáng nhớ nhất của Jobs và bạn là tráo khóa các xe đạp trong nhà xe khiến mọi người phải đến 10 giờ đêm sắp xếp lại xong. “Sự kiện” đó gây chấn động đến các giáo viên. Cả hai bị đuổi khỏi trường rất nhiều lần. Lên lớp 4, Jobs phải đối mặt với một trong những vị thánh khác trong đời mình là cô giáo chủ nhiệm lớp. Sau khi cô hiệu trưởng cho rằng, việc xếp Rick Farentino và Steve Jobs vào cùng lớp là “ý tưởng tồi” và yêu cầu phải tách họ ra, cô Hill (một giáo viên giỏi) đã ngẫu nhiên chọn Jobs vào lớp nâng cao của mình. Được khoảng hai tuần, bà nói với Jobs: “Steve này, cô sẽ nói với em vài điều. Cô sẽ cho em một cơ hội. Cô có sách bài tập toán này, em cầm về nhà và tự mình giải nó rồi mang lại cho cô, nếu đúng 80% thì cô sẽ cho em năm đôla”

– Ông hồi tưởng lại. “Và tôi nhìn cô: “Cô điên sao?”

– “Không ai đã từng làm điều này trước đây và cô sẽ thực hiện”- cô giáo trả lời. Về cơ bản, cô ấy hối lộ tôi trở lại việc học bằng kẹo và tiền. Nhưng sự khuyến khích cô dành cho tôi đã phần nào thôi thúc lòng khao khát học của tôi. Cô ấy cho tôi những đồ dùng để làm các chiếc máy ảnh. Tôi tự làm ống kính của chính mình và làm cả chiếc máy ảnh. Điều đó thật sự kỳ diệu”.

Chính điều này đã khiến ông chuyên tâm học hành hơn. Nó làm thay đổi nhận thức của ông về tầm quan trọng của việc học tập. “Tôi chắc chắn 100% rằng, nếu không có cô Hill ở lớp 4 và vài người khác, tôi sẽ kết thúc cuộc đời mình trong nhà tù. Tôi có thể tự nhận thấy những chiều hướng đó trong chính mình vì có một thôi thúc nhất định để tôi làm cái gì đó dẫn đến kết quả như vậy” – Jobs khẳng định. Từ đó, ông lao vào học để thực hiện được ước mơ vào đại học mà mẹ đẻ ông vẫn hằng mong muốn.

Thành tích học tập giúp Jobs bỏ qua lớp 5 và tiến thẳng vào trường trung học cơ sở. Vấn đề là, trường trung học Crittenden, nơi Steve Jobs học, không phải là một ngôi trường “xứng tầm” với ông. Ông xin bố mẹ chuyển tới trường khác, nếu không, ông sẽ không đi học đầy đủ nữa. Bố mẹ ông chấp nhận chuyển tới Los Altos năm 1967 và Steve dễ dàng ghi danh vào trường trung học cơ sở Cupertino. Sự thay đổi này thật sự đáng chú ý vì thành phố Los Altos, cũng như hai thành phố lân cận Cupertino và Sunnyvale, đều có rất nhiều ga- ra công nghệ. Bởi ở đây, năm 1957, với sự ra mắt của tàu vũ trụ Spuntnik 1 do Liên Xô sản xuất đã khiến Mỹ lao vào cuộc chạy đua chinh phục vũ trụ. Ngân sách liên bang đã được đổ vào công nghiệp điện tử. Kết quả được đánh dấu bởi phát minh mạch bán dẫn của William Shockley (cũng như Walter Brattain và John Bardeen), đã giành được giải Nobel Vật lý năm 1956. Ngay sau sự kiện đó xảy, Shockley thành lập công ty chất bán dẫn Shockley ở Santa Clara County, cách San Francisco 30 dặm về phía nam, biến nó thành trung tâm nghiên cứu điện tử của thế giới.

Khu vực này mau chóng đông đúc với những kỹ sư và các công ty mới được thành lập, xuất hiện trong các ga-ra của họ. Như trường hợp của Hewlett-Packard. Các kỹ sư Hewlett-Packard đóng vai trò chính trong cuộc đời Steve Jobs, họ là những người hướng dẫn chàng thanh niên này bước chân vào thế giới điện tử. Điều này trở thành sở thích số một của Jobs khi ông đậu vào trường trung học phổ thông Homestead những năm sau đó. Tại Homestead, ông rất chú tâm vào lớp học điện tử đầu tiên của mình và giúp đỡ Bill Fernandez, người đã chia sẻ niềm đam mê điện tử với ông. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, đúng như lời hứa, bố mẹ bảo ông chọn trường đại học. Steve chọn trường Đại học Reed ở Oregon, một trường đại học dân lập nghệ thuật nổi tiếng rất xa nhà và đắt tiền nhất nước Mỹ. Mọi người trong gia đình đã phải chi tiêu tiết kiệm để đóng học phí cho ông. Nhưng chỉ được hơn sáu tháng học tại giảng đường, ông quyết định bỏ học vì xem việc học đại học là một sự đầu tư thật vô nghĩa. Khi ấy, ông mới 17 tuổi.

Ông giải thích về việc này như sau: “Sau sáu tháng, tôi thấy việc đầu tư như vậy thật vô nghĩa. Tôi không biết mình muốn làm gì và cũng không biết trường đại học sẽ giúp mình như thế nào. Thế mà tôi vẫn ngồi đây, tiêu tốn những đồng tiền bố mẹ bỏ bao mồ hôi công sức cả đời mới kiếm được. Tôi quyết định bỏ học và tin rằng, mọi thứ rồi cũng được thu xếp ổn thỏa. Lúc đó thật sự rất run, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng, đấy là quyết định đúng đắn nhất của đời mình. Ngay khi quyết định bỏ học, tôi đã bỏ những môn bắt buộc mà mình không thích và bắt đầu kiếm các lớp có vẻ thú vị hơn. Tôi không được ở ký túc xá, vì vậy tôi ngủ ở sàn nhà phòng các bạn, đổi vỏ lon Coca để lấy 5 cent mua thức ăn, và đi bộ hơn 10 cây số dọc thành phố vào các ngày chủ nhật để đến ăn một bữa từ thiện hàng tuần của đền Hare Krishna. Tôi thật sự thích cuộc sống đó. Và chính những gì đã xem, nghe, thấy, khám phá bằng trí tò mò và tri giác của tuổi trẻ lúc đó, đã biến thành những kinh nghiệm quý báu cho tôi sau này…”.

TÌM KIẾM ĐỂ HỌC VÀ HỌC ĐỂ TÌM KIẾM

Cá tính nghịch ngợm là một trong số những lý do khiến Jobs mau chóng kết thân với Steve Wozniak (thường được gọi là Woz), người mà ông đã gặp lúc 13 tuổi khi cùng làm thêm ở Hewlett- Packard. Mặc dù chênh nhau đến 5 tuổi (khi đó, Wozniak đã 18 tuổi) nhưng hai người tỏ ra khá “tâm đầu ý hợp” trong nhiều việc. Họ đã cùng thiết kế một banner to với những từ ngữ, hình ảnh không hay định treo trong buổi lễ ra trường hồi cấp 2 của họ. Điều đó không xảy ra vì một số học sinh, cũng sắp tốt nghiệp, biết kế hoạch của họ và đã cắt bỏ những banner đó. Trong những năm đó, hai người cùng tên Steve này còn sáng tạo ra một thiết bị công nghệ, là một “blue box” phát ra âm thanh, cho phép người dùng gọi điện đường dài miễn phí. Cũng như những lần cộng tác sau đó, Wozniak là kỹ sư và Jobs là nhà doanh nghiệp. “Khi tôi thiết kế các chương trình tại trường cao đẳng, anh nói: chúng ta sẽ bán nó”, Wozniak kể lại. Nhưng thời thanh niên, Jobs không hoàn toàn làm kinh doanh. Ông còn một niềm đam mê khác cũng giống như Wozniak: những bài hát tuyệt vời của ca sĩ huyền thoại Bob Dylan. Chính Wozniak là người đã dẫn Jobs đến với âm nhạc của Bob Dylan và sau đó cả hai cùng chìm đắm trong những bài hát của huyền thoại âm nhạc thế giới này. Thời điểm này là vào đầu những năm 70, như nhiều người cùng thời với ông, Jobs bị hấp dẫn bởi những ý tưởng huyền bí và cuộc sống thoải mái từ thần tượng Bob Dylan. “Chúng tôi lùng sục khắp nơi để xin ảnh hoặc phỏng vấn Bob Dylan”, Wozniak nói với tờ The Chronicle sau này.

Hai ông cũng đã hợp tác xây dựng hoàn thành trò chơi “Break-Out” cho hãng Atari, một công ty chuyên sản xuất trò chơi điện tử, chỉ trong vòng48 đồng hồ.

Khi đang làm việc cho Atari, Steve Jobs đã yêu cầu ông chủ của hãng là Al Alcorn cho vay một số tiền để ông thực hiện một chuyến hành hương đến Ấn Độ. Al Alcorn đồng ý. Mùa hè năm 1974, Steve bắt đầu hành trình cùng Dan Kottke, một trong những người bạn thân nhất của ông tại Đại học Reed. Nhưng chỉ sau một tháng nếm trải cuộc sống nghèo nàn, gặp hết vị guru này (người có uy tín lớn trong cộng đồng người Hindu) đến vị guru khác mà không tìm thấy một sự khai sáng tinh thần nào, quan điểm của Steve và Dan Kottke về việc tìm kiếm chân lý đã thay đổi nhiều.

Sau khi trở về từ Ấn Độ, Steve trở lại làm việc cho Atari và tiếp tục niềm đam mê điện tử của mình. Steve cũng thường xuyên đến thăm Trung tâm Phật giáo Thiền phái Los Altos và dành thời gian ở nông trại có tên Tất cả trong Một ở Oregon, nơi những người bạn thân nhất thời Đại học Reed đang sống. Ông bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến quá trình thiết kế máy tính mới của Woz.

Thực tế, vào lúc đó, Woz đã trở thành thành viên đặc biệt tại câu lạc bộ máy tính Homebrew. Đó là nơi để các thành viên giàu nhiệt huyết “triển lãm” những thành tựu mới nhất của họ, chia sẻ những mẹo vặt và thông tin về dụng cụ, chương trình ngôn ngữ, thiết kế của máy tính, mà ưu tiên trước hết là máy tính cá nhân. Trong thời gian này, Wozniak lôi kéo Jobs tham gia những cuộc gặp gỡ ở câu lạc bộ máy tính Homebrew. Với Jobs, những cuộc gặp mặt thường rất buồn chán. Sở thích của chính Steve về thiết kế máy tính là có hạn, nhưng ông nhanh chóng hiểu rằng, dự án hiện tại của người bạn ông là kỳ công đáng ngạc nhiên của kỹ thuật. Ông bắt đầu bận tâm đến nó và vài tháng sau, ông thuyết phục Woz thành lập một công ty để bán máy tính đến những người có cùng sở thích khác. Ông biết rằng có hàng trăm người mê phần mềm nhưng không giống như Woz, họ không thích sản xuất máy tính mà chỉ muốn sử dụng nó để lập trình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.