Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới

Chương 2. LỢI NHUẬN CHỈ LÀ ĐIỀU THỨ YẾU



“Mục đích đơn giản của chúng tôi là tạo ra những chiếc máy tính tốt nhất thế giới chứ không phải trở thành công ty lớn nhất, giàu mạnh nhất”.

Steve Jobs

CHIẾC GẬY ĐỊNH HƯỚNG: SỰ TẬP TRUNG

Steve Jobs cho rằng, trong số những thói quen khác nhau thì “từ chối một ngàn thứ” để tập trung vào một thứ là “quan trọng thật sự”. Trong một kỷ nguyên mà đa số các hãng công nghệ phải thắt lưng buộc bụng để thích nghi với một thị trường tăng trưởng chậm, Apple đã đứng vững nhờ những phát kiến tiên phong: Apple Computer (AAPL). Nhiều hãng đã giảm bớt quá trình nghiên cứu và phát triển để tập trung vào gia tăng tiền lãi cho sản phẩm hiện hữu. Nhưng đó không có Apple. Bằng việc kết hợp bí quyết sản xuất công nghệ với một khái niệm làm sao để bán được âm nhạc trực tuyến, máy nghe nhạc iPod của Apple đã trở thành sản phẩm kỹ thuật mới có ảnh hưởng nhất trong nhiều năm. Cùng lúc, Apple đã duy trì danh tiếng của mình vì đã tạo ra dòng máy tính để bàn thanh lịch, dễ sử dụng nhất. Đó đều là những sáng kiến vĩ đại của Apple cho ngành công nghệ thông tin. Nguồn gốc của những sáng kiến đó là gì?

Apple đã có một vị trí đổi mới với nhiều kỹ sư thông minh, giàu đam mê. Theo Jobs, Apple có được sự độc quyền về giao diện đồ họa ít nhất trong 10 năm. Đó là khoảng thời gian rất dài. Để đạt được một sự độc quyền như vậy cần phải có những người sản xuất vĩ đại, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Những người tài năng này được kết nối lại với nhau nhờ Jobs – một con người có văn hóa định hướng sản phẩm tốt một cách kỳ lạ: làm cho người sử dụng thấy hài lòng.

Nhưng ngần ấy, theo Jobs, cũng chưa đủ trong khuynh hướng phát triển mới. Những “người sản xuất” không là nhân tố duy nhất khiến công ty phát triển nữa mà là những người tiếp thị hoặc marketing. Chính họ là người kết thúc cuộc đua mà vì lý do nào đó sự độc quyền không còn hiệu lực. Và cũng chính họ sẽ giúp công ty vượt qua thời kỳ khốn khó để tiếp tục tồn tại và phát triển bằng khả năng “nâng giá trị” hàng hóa trong mắt người tiêu dùng.

“Mục đích đơn giản của chúng tôi sẽ tạo ra những chiếc máy tính tốt nhất thế giới chứ không phải trở thành công ty lớn nhất, giàu mạnh nhất. Chúng tôi còn có một mục đích thứ hai là lợi nhuận. Cả hai đều tạo ra tiền nhưng chúng tôi luôn ưu tiên cho mục tiêu tạo ra những sản phẩm thú vị” – ông giải thích. Jobs điều hành công ty bằng cách thuê những người mong muốn làm mọi thứ tốt nhất thế giới. Có hoài bão lớn, họ còn là những người làm việc cực kỳ tận tụy và giỏi chịu áp lực đến mức Steve Jobs phải tự hào. Họ làm việc vào cả ban đêm và những ngày cuối tuần, đôi khi một tuần chỉ gặp gia đình của mình một lần. Thỉnh thoảng, họ còn làm việc cả trong dịp lễ Noel để thực hiện chắc chắn một chi tiết máy sao cho sản phẩm của Apple được bán ở mức tốt nhất có thể. Các nhân viên của Apple đã thể hiện niềm đam mê mãnh liệt của mình vào trong từng sản phẩm. Vì thế, thật dễ dàng để Steve lý giải tại sao người tiêu dùng lại trung thành với các sản phẩm của họ như vậy. Ông cho rằng, các nhà thiết kế và kỹ sư của Apple đã “nghĩ trước” người dùng khiến họ phải ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Wow, người nào đó ở tít bên Apple cũng đã nghĩ về điều này rồi!”. Steve tự hào phát biểu rằng, gần như không có sản phẩm nào trên thế giới có thể giúp người dùng trải nghiệm như sản phẩm của Apple, đặc biệt là máy Macintosh và iPod. Tuy Steve chỉ “dám” nghĩ mình là “người giữ cửa” trong toàn bộ quá trình đổi mới của Apple nhưng rất nhiều người dành cho ông một sự kính trọng lớn. Bởi ai cũng hiểu, đằng sau cuộc đổi mới đó ở Apple không ai khác là một Steve luôn biết “nghĩ khác”. Dù cho rằng “đã may mắn lớn lên cùng ngành công nghệ thông tin” nhưng từ những ngày đầu thành lập công ty, ông cũng đã phải làm mọi thứ, từ chuẩn bị tài liệu, bán hàng đến mua những con chip, tạo nên thương hiệu cho Apple. Và khi công ty phát triển, ông vẫn phải đảm nhận những vai trò đó vì đã “gắn máy tính với hai bàn tay mình”.

Steve Jobs khẳng định: “Chúng tôi làm mọi thứ mà mình cảm thấy có thể tạo nên một đóng góp quan trọng cho cuộc sống. Đây là một trong những niềm tin khác của tôi”. Apple không hệ thống hóa bất kỳ một cuộc cải tổ nào, nhưng không có nghĩa là họ làm việc vô tổ chức và không có cách kết nối các sáng kiến với nhau. Ngược lại, Apple là một công ty kỷ luật rất nghiêm, và họ có những phương pháp làm việc rất hiệu quả. Vì thế, sáng kiến có thể là một thứ chẳng ai có thể tiên đoán được, có thể là từ những cuộc họp ngay tại hành lang, hay những cuộc điện thoại từ giữa đêm khuya để trao đổi những ý tưởng mới hoặc giải pháp cho những rắc rối.

Và như Steve Jobs đã nói: “Sáng kiến có được là nhờ chúng tôi sẵn sàng nói không với rất nhiều ý tưởng để chắc chắn rằng chúng tôi đang đi đúng hướng hoặc không bỏ phí công lao vào một điều rốt cuộc chẳng mang lại gì cả. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để thâm nhập vào những thị trường mới, nhưng chỉ là khi chúng tôi có thể tập trung vào những sáng kiến thật sự có ý nghĩa”.

Và như vậy, rõ ràng, mấu chốt của vấn đề là cần có những con người luôn muốn vươn đến sự hoàn thiện, những người được xem là những anh hùng của công ty. Apple trong một thời gian cũng đã quên mất điều này. Và khi Steve Jobs trở lại Apple sau một thời gian vắng bóng, ông đã mở chiến dịch quảng cáo “Hãy nghĩ khác” đề cao những sáng kiến vĩ đại từ Einstein, Muhammad Ali tới Gandhi. Tất nhiên, chắc chắn, mẫu quảng cáo đó dành cho khách hàng. Nhưng chính Steve thừa nhận, ở mức độ nào đó, cũng chính là thông điệp dành cho Apple. Và may mắn là Apple đã nhận ra được giá trị của những con người như Steve Jobs hay đồng nghiệp của ông. Điều đó khẳng định rằng, Apple vẫn đang đi đúng hướng, trước sau vẫn là một công ty sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất có thể có. Và đó chính là nguồn gốc cho những sáng kiến mang tính cách mạng của Apple và Steve Jobs.

SẢN PHẨM TỐT NHẤT KHÔNG CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI GIÀU NHẤT

Lợi nhuận chỉ là phần nổi trong thành công của một thương hiệu, còn phần chìm, theo quan niệm của Jobs, đó chính là những sản phẩm thú vị, những sản phẩm tốt nhất nhưng không phải dành cho những người giàu nhất. Tất cả mọi người đều có thể sở hữu những sản phẩm thú vị đó.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuần báo Business Week khi trở lại làm việc bán thời gian sau khi điều trị căn bệnh ung thư, Jobs đã giải thích nguồn gốc những sáng kiến của Apple chính là bắt đầu từ nguyên tắc đầu tiên mà ông và Steve Wozniak đã thống nhất từ ngày mới thành lập công ty: “Sản xuất những sản phẩm thật sự thú vị”. Qua những cuộc trò chuyện của ông, người ta nhận ra đó là sản phẩm rất “bình dân”, rẻ, tiện dụng và hướng đến tâm hồn mà bất kỳ ai cũng có thể sở hữu.

Thực tế, Apple đã thay đổi suy nghĩ của mọi người về những gì mà một máy tính cá nhân cần phải có với máy tính Macintosh. Nhờ Apple, những quan niệm về máy tính đã thay đổi, nó không còn là một khối khổng lồ, bí hiểm, chỉ được các doanh nghiệp lớn và chính phủ sử dụng mà là một chiếc hộp nhỏ bé, mọi người bình thường đều có thể sử dụng. Không công ty nào đã “dân chủ hóa” máy tính và làm nó dễ sử dụng như Apple. Steve Jobs thiết kế phần mềm cho máy Macintosh giới thiệu giao diện đồ họa người dùng và con chuột, tạo một tiêu chuẩn mới cho giao diện đồ họa ứng dụng và những giao diện tương tác. Từ việc được dùng để tính thuế liên bang đến thực hiện hoạt động của doanh nghiệp cá thể, Jobs dẫn dắt một cuộc cách mạng phần cứng bằng việc giảm bớt kích thước của máy tính và giới thiệu chúng đến đại chúng. Giao diện Macintosh đã được sao chép bởi mọi nhà sản xuất hệ điều hành trên thế giới và trở thành khuôn mẫu giao diện chuẩn mực cho cả máy tính cá nhân lẫn siêu máy tính.

Làm ra những sản phẩm thú vị để thay đổi thế giới chính là điều đã “kết nối” những người trẻ tuổi (trung bình từ 25 đến 30 tuổi) trong công ty Apple lại với nhau. Họ làm việc như điên, bất kể khó khăn (đặc biệt là với cả những người đã có gia đình) vì “niềm vui lớn nhất là chúng tôi cảm thấy mình đang tạo nên bộ sưu tập tác phẩm của nghệ thuật như vật lý ở thế kỷ XX”, theo như lời Jobs nói. Vì thế, chỉ với một nhóm kỹ sư lẫn công nhân chưa tới một trăm người nhưng Apple đã xuất xưởng hơn mười triệu máy. Tất nhiên, sau đó, nó được sao chép và bây giờ đã lên con số hàng trăm, hàng triệu. Theo Jobs, đó thật sự là một sự “mở rộng giá trị” mà không phải ai cũng thường xuyên có được. Jobs cho đó là một sự may mắn vì Apple đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Nhưng sự thành công của nó không chỉ đơn thuần là thế. Chính Jobs đã khẳng định: “Những đóng góp mà chúng tôi cố gắng không phải chỉ là sự tuyệt diệu và sáng kiến kỹ thuật mà tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chia sẻ những sáng kiến có nhiều tính nhân văn hơn. Những thứ tôi tự hào nhất về Apple là nơi kỹ thuật và nhân văn đến được với nhau”.

Với Jobs, không có sự phân biệt giữa một nghệ sĩ và một nhà khoa học. “Tôi nghĩ rằng thật sự có rất ít sự phân biệt giữa một nghệ sĩ và một nhà khoa học hoặc kỹ sư bậc cao nhất. Tôi không bao giờ có một sự phân biệt trong tâm trí mình giữa hai kiểu người đó. Với tôi, họ chỉ là những người theo đuổi những con đường khác nhau nhưng về cơ bản đều hướng tới mục tiêu là sẽ bày tỏ vài thứ gì đó mà họ nhận thức được những người khác có thể được lợi nhờ nó”. Tuy vậy, ông phủ nhận nghệ thuật là giải pháp thanh lịch, như chơi cờ hoặc toán học, cho công nghiệp máy tính mà đó chỉ là một sự kết hợp rất bình thường trong những thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước. Khi ấy, những người giỏi nhất trong ngành máy tính sẽ có thể là những nhà thơ, nhà văn và nhạc sĩ. Gần như tất cả họ là các nhạc sĩ. Nhiều người trong số họ là những nhà thơ. Họ tiến vào máy tính bởi vì nó cũng hấp dẫn như vậy. Nó rất mới mẻ. Nó là một môi trường mới thể hiện những tài năng sáng tạo của họ. Tình cảm và cảm xúc mạnh mẽ mà mọi người đặt vào nó không thể phân biệt được hoàn toàn đâu là từ một nhà thơ hoặc một họa sĩ. Họ đặt nhiều tình yêu vào trong những sản phẩm này.

Jobs thì không giấu được tự hào khi nói về iPod: “Tôi rất may mắn lớn lên trong lúc âm nhạc thật sự quan trọng. Nó không chỉ mang tính nền tảng mà còn thật sự ảnh hưởng tới thế hệ những đứa trẻ đang trưởng thành. Nó làm thay đổi thế giới. Tôi nghĩ rằng, âm nhạc sẽ không giữ được âm thanh tốt theo thời gian, và iPod đã mang âm nhạc ở lại cuộc sống của mọi người một cách đầy ý nghĩa. Âm nhạc tràn ngập trong tâm hồn tất cả chúng ta nhưng sẽ rất dễ mất đi một ngày, một tuần, một tháng hoặc một năm. iPod đã thay đổi vì hàng triệu người, điều đó làm cho tôi hạnh phúc thật sự, bởi tôi nghĩ âm nhạc rất tốt cho tâm hồn”. “Chúng tôi tin các khách hàng rất thông minh và muốn có được các sản phẩm ngày càng tốt hơn” – Jobs trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek. Với cách đơn giản hóa mọi thứ, iPod thành công trong khi nhiều “ông lớn” khác gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình tương tự. Bởi thế, Jobs phủ nhận ý kiến iPod có thể mất nét đặc sắc của nó vì tính bình dân bằng một lập luận đầy hình ảnh và hài hước. “Điều đó giống như nói bạn không muốn hôn môi người yêu của mình bởi vì mọi người đều có môi. Nó không tạo nên bất kỳ cảm giác nào. Chúng tôi không phấn đấu để có vẻ hoàn hảo. Chúng tôi chỉ cần cố gắng làm những sản phẩm tốt nhất chúng tôi có thể. Và nếu chúng hoàn hảo thì tuyệt vời quá rồi!”

Jobs thích sản phẩm của hãng thời trang Levis, những sản phẩm mà người tiêu dùng đều cảm thấy có nhiều sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu được đặt vào đó. Và đó là những gì mà Jobs đã cố gắng làm với Apple.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.