Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới
Chương III. SÁNG TẠO VÀ KHÁM PHÁ NHỮNG TIỀM NĂNG SÁNG TẠO
“Đó là một sự kết hợp cực kỳ phức tạp và tinh tế giữa nghệ thuật bán hàng, giới thiệu và cổ động cho sản phẩm với một lượng chính xác yếu tố tác động đến tâm lý. Là kết quả của nhiều tuần làm việc, tổ chức rạch ròi và áp lực rất cao của nhiều người tạo nên hình ảnh “người đàn ông phía sau rèm cửa”.
Mike Evangelist
BÍ MẬT PHÍA SAU BÀI THUYẾT TRÌNH
Nếu giám đốc điều hành Cadbury – Schweppes diễn thuyết tại một hội thảo, hoặc ông chủ của Nike giới thiệu một loại giày mới thì bạn sẽ thấy những thông tin trên xuất hiện đầy rẫy trên các tạp chí chuyên ngành rồi nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng có một giám đốc điều hành sau khi phát biểu ý kiến, vài phút sau nội dung sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trên các trang web và trên máy tính của những người chơi chứng khoán. Nó cũng xuất hiện đầy rẫy trên các tờ báo. Mọi người sẽ thảo luận về nó suốt nhiều tháng. Người giám đốc điều hành nay không ai khác là Steve Jobs. Là nhân viên dưới trướng của người giám đốc điều hành tài ba này, Mike Evangelist đã tiết lộ với báo The Guardian đầu năm 2006 những bí mật bên trong sự chuẩn bị đầy công sức của ông cho mỗi bài thuyết trình, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.
“Đối với những người quan sát hời hợt, ông chỉ là một người bình thường trong chiếc áo sơ mi và quần jeans màu đen đang phát biểu về những sản phẩm công nghệ mới. Nhưng thực sự, đó là một sự kết hợp cực kỳ phức tạp và tinh tế giữa nghệ thuật bán hàng, giới thiệu và cổ động cho sản phẩm với một lượng chính xác yếu tố tác động đến tâm lý. Là kết quả của nhiều tuần làm việc, tổ chức rạch ròi và áp lực rất cao của nhiều người tạo nên hình ảnh “người đàn ông phía sau rèm cửa”. Mike Evangelist biết vì ông đã ở đó, trước hết là một thành viên của nhóm chuẩn bị và sau đó lên sân khấu cùng Steve Jobs.
Steve bắt đầu sự chuẩn bị của ông cho bài thuyết trình trước một tuần, xem lại tất cả sản phẩm và công nghệ mà ông có thể kể đến. Mặc dù các kế hoạch phát triển và buôn bán đã được chuẩn bị trước đó vài tuần, ông vẫn phải tự mình hoàn thành các sản phẩm được chọn để sẵn sàng cho bài thuyết trình. Với phần mềm, điều này có thể khó quyết định bởi sản phẩm của khoa học thường vẫn còn đang thực hiện. Vì vậy, ông sẽ phác họa sơ bộ dựa theo phần mềm chưa hoàn thành. Hơn một lần, điều này đã gây ra một vài căng thẳng khi các chương trình không được hoàn thành theo cách đó.
Kinh nghiệm đầu tiên của Mike Evangelist về điều này xảy ra trong thời gian chuẩn bị cho bài thuyết trình tại Macworld Expo, vào tháng giêng năm 2001, để giới thiệu máy Mac mới có thể ghi được DVD, một khả năng đáng kinh ngạc. Steve muốn giới thiệu phần mềm mới, iDVD, thứ có thể làm điều đó. Với tư cách là giám đốc sản phẩm phần mềm DVD của Apple, Mike Evangelist đã tổ chức mọi thứ mà Steve cần. Mike Evangelist và nhóm làm việc dành hàng trăm giờ chuẩn bị cho một phân đoạn kéo dài khoảng năm phút. Trước đó vài tuần, Steve gọi Mike Evangelist đến để thử phần mềm và điều nổi bật nhất mà Mike Evangelist nghĩ là về những khía cạnh thú vị của nó. Tất nhiên ông đã biết hầu hết điều này, như- ng xử lý vẫn hữu ích. Ông sử dụng những điểm trọng tâm từ các bản thử này để xây dựng toàn bộ trình bày của mình và quyết định dành bao nhiêu thời gian cho mỗi sản phẩm nhận được.
Tiếp theo, nhóm của Mike Evangelist được giao một nhiệm vụ xác định phim, hình ảnh và âm nhạc sẽ được sử dụng khi ông tạo ra mẫu DVD trên sân khấu. Đa số các công ty chỉ cần chọn một vài clip art nào đó hoặc thuê những nhà sản xuất video làm một vài “phim gia đình” giả vờ nào đó. Steve muốn tài liệu thú vị sao cho một người trung bình cũng có thể hiểu được. Một cuộc “vận động” những thước phim gia đình và những đoạn phim hay nhất của tất cả mọi người ở Apple mà nhóm của Mike Evangelist biết. Chẳng bao lâu, họ đã có một tập hợp đáng kinh ngạc những đoạn phim và hình ảnh vui nhộn, thú vị và ấm áp. Họ chọn những cái hay nhất và tự tin giới thiệu chúng đến Steve. Thật đúng với danh tiếng một người cầu toàn, ông ghét tất cả những thứ đó. Họ lặp lại quá trình đó vài lần. Vào lúc đó, Mike Evangelist nghĩ Steve Jobs thật quá đáng, nhưng phải thừa nhận những thước phim được sử dụng tốt hơn nhiều những thước phim đầu tiên.
Rồi đến phương pháp của bản demo: những bước đi tỉ mỉ Steve cần phải theo sát; Liệu chương trình có cần phải chạy trên máy tính? Phim mẫu để mở là gì? Và hàng trăm thứ khác.
Vai trò của Mike Evangelist là tắt máy chạy bản demo trong trường hợp kỹ thuật trục trặc với phần mềm hoặc nếu Steve muốn thay đổi. Điều này cho Mike Evangelist cơ hội để quan sát những điều sẽ diễn ra xung quanh mình. Những bài thuyết trình đòi hỏi một ê kíp rất lớn với các nhóm riêng biệt cho mỗi nhiệm vụ chính. Một nhóm chuẩn bị phòng hàng nghìn chỗ ngồi cho mọi người. Nhóm khác xây dựng sân khấu với thiết bị động cơ, những bậc thang lên xuống… Nhóm thứ ba điều khiển âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng cho sân khấu. Chưa kể một nhóm nữa thiết lập và xác định hệ thống trình chiếu nghệ thuật của sân khấu (đầy đủ hệ thống dự phòng) và một xe tải điều khiển từ xa khổng lồ đậu bên ngoài cho phép ê kíp trình diễn các video cung cấp cho các hãng truyền hình trên Internet phát lại bất kỳ video cần thiết nào trong thời gian trình chiếu.
Rồi có người thiết lập tất cả các máy tính được sử dụng trong buổi thuyết trình, mỗi cái ít nhất đều được sao lưu có thể cài đặt trực tuyến chỉ với một cú click. Và tất nhiên có sự bí mật. Tác động từ sự giới thiệu của Steve phụ thuộc vào sự bất ngờ. Vì vậy, một lần kiểm tra, nhân viên an ninh sẽ giúp không cho những người hiếu kỳ vào và giữ bí mật. Thật hấp dẫn để xem. Không có chi tiết nào được bỏ qua: ví dụ, trong khi kiểm tra lại bản demo iDVD, Steve phát hiện rằng remote điều khiển từ xa máy DVD không làm việc từ nơi ông ta muốn đứng trên sân khấu. Ê kíp phải làm một hệ thống thiết bị đặc biệt để làm việc đó.
Khi Steve bước ra sân khấu, với một trang phục toàn đen, và dường như làm những bản demo thử mẫu, ông ta mang đến sự kết hợp năng lượng và tài năng của tất cả mọi người có mặt ở trong Cupertino, California (trụ sở công ty Apple) và chuyển nó tới khán giả. Nó khiến Mike Evangelist nghĩ về chiếc gương khuếch đại thường tập trung năng lượng mặt trời vào một một điểm nhỏ xíu cho đến khi nó bùng lên những ngọn lửa.
Một năm trôi qua rất nhanh, Mike Evangelist rất ngạc nhiên khi được yêu cầu làm một demo cho buổi thuyết trình. Và sau đó, Mike Evangelist hiểu biết tường tận về những bản thử. Giữa năm 2001, Mike Evangelist được thăng chức quản lý những phần mềm DVD và phần mềm biên tập video chuyên nghiệp của Apple, Final Cut Pro, một phiên bản mới được ra mắt trong đầu năm 2002.
Nhưng Steve không bao giờ làm demo của các phần mềm chuyên nghiệp; ông luôn luôn tin tưởng vào những thành viên hiểu biết tính năng và cách vận hành của bản demo trong nhóm sản xuất.
Mike Evangelist được giao việc. Điều ấy hóa ra là thất bại nhất và thành công nhất của Mike tại Apple.
Steve thường nhắc lại hai ngày trước một cuộc diễn thuyết. Vào ngày đầu tiên, ông làm việc về những phân đoạn mà ông cảm thấy chú ý nhất. Các giám đốc sản xuất và kỹ sư công nghệ đại diện cho những sản phẩm mới của họ ở trong phòng và chờ nghe sự thay đổi mới cho họ. Nhóm này còn hình thành những khán giả kiểm tra ngẫu nhiên của Steve, ông sẽ thường xuyên yêu cầu sự phản hồi của họ. Ông dành thời gian nhiều cho những file trình chiếu, văn phong cá nhân và thiết kế nhiều nội dung với một chút giúp đỡ của nhóm thiết kế Apple.
Khi mỗi phân đoạn của chương trình đều đã được trau chuốt, Steve và đạo diễn sẽ biên tập lại các slide trên máy tính PowerBook và duyệt lại các slide có thể sử dụng ngay lập tức. Ngày đó, Steve rất cẩn thận, xem xét rất nhiều mặt của chương trình. Ông sẽ kiểm tra sự thay đổi nội dung và tìm kiếm những sự kết hợp với phần lớn các tác động. Khi giới thiệu một sản phẩm mới quan trọng, ông còn thích chiếu các quảng cáo trên ti-vi mà Apple đã sử dụng để quảng cáo nó. Thường những điều này được kết thúc vài phút trước khi lập lại, Steve thỉnh thoảng xem trước những phiên bản thay thế để đánh giá phản ứng của nhóm trước khi quyết định sử dụng cái nào.
Trước ngày trình chiếu, mọi thứ càng phải được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn, với ít nhất một hoặc hai lần tổng duyệt.
Mike Evangelist đã tiếp tục làm việc với bản demo Final Cut Pro dài 5 phút trong nhiều tuần, chọn ra những dữ liệu thích hợp nhằm đạt kết quả tốt nhất. Sếp “nhỏ” và sếp “lớn” luôn động viên, khích lệ Mike Evangelist.
Steve, như thói quen của ông, ngồi ở hàng ghế khán giả. Mike Evangelist rất lo lắng và nhận thấy sự chú ý trực diện mà Steve dành cho ông đã không giúp được gì. Khoảng một phút say mê bản thử demo, Steve cắt lời ông, nôn nóng nói, “Anh cần phải tập hợp những điều này lại cùng nhau hoặc chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu”.
Mike Evangelist hoàn toàn suy sụp. Ông không biết làm sao để trả lời hoặc nếu cần phải trả lời. Ông chủ nhân từ của ông và Phil Schiller (phụ trách marketing của Apple, người dẫn chương trình cho buổi thuyết trình) đã đến cứu Mike Evan- gelist. Suốt vài giờ sau, họ làm việc cùng ông để đánh bóng bản demo. Quan trọng hơn, Phil cho tôi những lời khuyên thú vị: “6.000 người hâm mộ máy Mac trong ngoài phòng họp lớn không chống anh, họ là những người bạn tốt mà anh có thể có”. Ngày kế tiếp tại buổi kiểm tra cuối cùng, Steve xem xét Evangelist lần nữa. Thời gian này, ông mới gật đầu đồng ý. Thật dễ chịu nhưng công việc thực tế vẫn chưa hoàn thành. Sáng hôm sau, khi Mike Evangelist ngồi ở hàng ghế đầu chờ đến lượt lên sân khấu, toàn bộ tầm quan trọng của sự kiện làm ông đau khổ.
Có vài nghìn người trong phòng, và xấp xỉ 50.000 theo dõi qua truyền hình Internet. Sức ép rất rõ ràng. Steve bắt đầu phân đoạn khởi động, đoạn chính là tới lượt Mike Evangelist và tim ông bắt đầu đập thình thịch. Ông cảm thấy tất cả trăm nghìn đôi mắt đó tập trung vào mình và sợ rằng ông sẽ sụp đổ. Ông kể lại: “Tôi từng nói trước đám đông trước đó, nhưng không phải như lần này. Trợ lý đạo diễn đến hướng dẫn tôi lên đến những bậc thang bên cạnh sân khấu. Tôi đứng trong bóng tối, quan sát Steve đưa ra những slide giới thiệu tôi. Ngay sau đó, một ý nghĩ tuyệt vời chạm vào tôi, trong năm phút toàn bộ mọi thứ sẽ kết thúc. Nếu tôi có thể chỉ cần giữ nó trong 5 phút là tôi sẽ khỏe. Tôi sẽ nhảy vụt ra khỏi các bậc thang và lên sân khấu, mọi thứ bất thình lình sẽ ổn. Demo hoạt động hoàn hảo, khán giả có vẻ yêu sản phẩm và vỗ tay hoan nghênh không thể tin được. Khi nó kết thúc, tôi nhận được rất nhiều lời khen về nó diễn biến tốt ra sao, bao gồm một giải thưởng giá trị nhất, từ chính Steve”. Trong những tháng tiếp theo, Mike Evangelist lên sân khấu hai ba lần nữa để thuyết trình và mỗi lần ông đều bày tỏ lòng biết ơn cực kỳ những đối xử có phần khắc nghiệt mà Steve đã thực hiện với ông trong lần đầu tiên. Steve khiến Mike Evangelist làm việc chăm chỉ hơn, và cuối cùng Mike Evangelist làm một công việc tốt hơn nhiều.
Mike Evangelist tin rằng, nó là một trong những khía cạnh quan trọng nhất từ tác động của Steve Jobs ở Apple: Ông có ít hoặc không có kiên nhẫn cho bất kỳ thứ gì nhưng sự tuyệt vời luôn xuất phát từ ông hoặc những người đã được ông tác động.
ĐÔI LÚC CUỘC ĐỜI QUẲNG MỘT CỤC GẠCH VÀO ĐẦU TA
Đó là kết luận của chính Steve Jobs về những thất bại của mình trong bài nói chuyện với sinh viên trường Đại học Stanford (Mỹ). Lời khuyên chân thành nhất từ người đàn ông đã trải qua không ít thất bại trong cuộc đời và sự nghiệp của mình là “Đừng mất niềm tin!” Theo cách nói của Steve Jobs, ông không chỉ một lần bị “cuộc đời quẳng một cục gạch vào đầu” mà phải nhiều lần hơn thế.
Ngay khi mới khởi nghiệp, Steve Jobs đã gặp phải một thất bại. Chiếc máy Apple I không được tiêu thụ như mong đợi. Chỉ có khoảng 200 chiếc được bán ra, quá nhỏ nhoi trước số lượng tiêu thụ của “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ thông tin lúc bấy giờ là IBM. Một “cục gạch” của cuộc đời đã được ném vào cái đầu đầy tham vọng của chàng thanh niên mới hai mươi hai tuổi Steve Jobs. Và việc đầu tiên ông làm sau khi nhận “cục gạch” ấy chính là… đứng dậy và cố tìm ra nguyên nhân khiến Apple I thất bại. Nguyên nhân chính là kiểu dáng của nó đơn giản, gồ ghề, cũ kỹ, công nghệ lạc hậu và đặc biệt là giá cả đắt đỏ, vì thế khó lòng được người tiêu dùng chấp nhận. Và chính thất bại đầu tiên ấy là lý do khiến ông cố gắng tập trung cải tiến công nghệ, kiểu dáng máy tính và chỉ một năm sau, chiếc máy tính Apple II với công nghệ tiên phong, kiểu dáng bắt mắt đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ trên thị trường và mở ra một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực máy tính cá nhân. Hàng triệu chiếc máy tính được tiêu thụ khiến đại gia IBM “nóng mặt” và buộc phải nhảy vào thị trường béo bở và giàu tiềm năng này.
Thấy vậy, Steve Jobs mở rộng hoạt động kinh doanh bất chấp thị trường máy tính trở nên bão hòa từ đầu thập niên 1980, trong lúc Apple lại không có một chiến lược nào để duy trì và phát triển doanh số bán. Do vậy, quyết định này lại đem đến cho Apple vô số rắc rối trong việc quản lý nội bộ và hoạch định chiến lược, bởi các nhà đầu tư quá lo lắng cho nguồn vốn của mình nên không muốn mạo hiểm thử sức cho những kế hoạch mới. Thiếu nguồn lực đầu tư, Apple phải lần lượt sa thải nhân viên. Cùng lúc đó, Steve Wozniak lại bị chấn thương trong một tai nạn máy bay, chỉ còn một người sáng lập duy nhất là Steve Jobs tại Apple với cương vị chủ tịch công ty.
Thất bại lớn nhất trong giai đoạn này của Jobs gắn với “đứa con cưng” của ông ở Apple: máy tính Lisa, được tạp chí Time bình chọn là “phát minh trong năm” vào năm 1983. Năm 1984, khi các máy tính vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với nhiều người, thì Steve Jobs đã đầu tư nghiên cứu, chế tạo và tung ra thị trường hàng loạt máy tính Macintosh với nhiều tính năng ưu việt, tạo nên một “cuộc cách mạng” cho công nghệ chế tạo máy tính thế giới. Nhưng cũng chỉ một năm sau, Macintosh đã trở nên lạc hậu do sự bảo thủ của Steve Jobs. Sai lầm này khiến Apple rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng và xuống dốc hoàn toàn. Trước áp lực của hội đồng quản trị, Steve Jobs – “kẻ thất bại” phải ngậm ngùi rời khỏi công ty do chính ông sáng lập.
Nếu cú vấp đầu đời đã mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ cho Apple và đưa tên tuổi Steve Jobs trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhanh nhất thế giới thì lần vấp ngã thứ hai này đã khiến Apple lao đao, còn sự nghiệp của ông bỗng chốc trở thành một khối bòng bong. Đó chính là mất mát đầu tiên lớn nhất trong cuộc đời ông. Hay nói một cách hình ảnh, đó chính là “cục gạch to nhất, nặng nhất” mà cuộc đời đã ném vào Steve Jobs. Năm 1985, Jobs bị sa thải khỏi Apple, ngôi nhà mà Jobs đã bỏ hết cả thời tuổi trẻ của mình để gầy dựng và gửi vào đó tình yêu nồng cháy nhất của mình. Phải rời khỏi ngôi nhà do mình góp công tạo dựng từ ngày chẳng có gì, ai mà chẳng đau đớn. Càng đau đớn hơn vì cái cách ra đi cũng không lấy gì làm vinh quang: Sa thải, chỉ sau một cuộc họp hội đồng quản trị. Jobs không ngoại lệ. Ông nhận ra bao nhiêu tâm huyết trong mình tiêu tan, hoàn toàn tuyệt vọng và có ý định trốn chạy khỏi thung lũng Silicon. Một tâm trạng cũng dễ hiểu. Bởi như ông nói, ông yêu tha thiết, yêu cuồng si công việc này và dù bị từ chối, cảm giác ấy vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng tình yêu cũng không thể giúp ông trụ lại được trong một hội đồng quản trị đang bất đồng quan điểm về hướng phát triển của Apple. Vả lại, Jobs, như đã biết, thời đấy là một con người rất sáng tạo, đầy táo bạo nhưng cũng rất… bảo thủ, kiêu ngạo. Và ông đã phải nếm trải dư vị đầy cay đắng của một thất bại mà ông không khi nào nghĩ đến. Như một kẻ si tình bị ruồng bỏ, ông chán nản, tuyệt vọng và tất nhiên cũng cố gắng níu giữ nó bằng cách này cách khác. Nhưng sự thật là ông phải ra đi. Đó là thất bại mà mọi người đều biết đến.
Rồi thất bại đó lại dẫn đến một thất bại khác nhưng ở một công ty mới. Đó chính là thời kỳ ông thành lập công ty NeXT. Tham vọng của ông là muốn biến NeXT thành một công ty có địa vị như Apple. Sử dụng số tiền từ việc bán toàn bộ cổ phần ở Apple (trị giá khoảng 130 triệu đôla), năm 1985, Jobs cho ra đời công ty NeXT, một dự án kinh doanh đầy mạo hiểm. Với tất cả các mối liên kết mật thiết với Apple, không khó để Jobs thuê một vài cựu kỹ sư của Apple về và bắt tay vào việc xây dựng máy tính cá nhân trên cơ sở máy Mac OS có hệ điều hành có thể đua tranh với MS-DOS và Mac OS. Ngay lập tức, Apple dọa sẽ kiện NeXT bởi vì công ty này sử dụng các kỹ sư và quyền sở hữu trí tuệ của họ. Apple đồng ý để yên nếu NeXT đồng ý không cạnh tranh với bất kỳ sản phẩm Apple nào, ép buộc NeXT bước vào thị trường kinh doanh đầy cạnh tranh. Đó coi như là thất bại đầu tiên trong kế hoạch “báo thù” của Jobs với công ty cũ. Mặc dù là một công ty đáng được tạc tượng nhưng NeXT chưa bao giờ có được lợi nhuận. Chính Jobs cũng đã thừa nhận sự thất bại này. “Về cơ bản, chúng tôi muốn làm những điều đã làm tại Apple, tiếp tục đổi mới. Nhưng chúng tôi đã phạm phải một sai lầm là cố gắng đi theo công thức mà chúng tôi đã làm ở Apple”, Jobs nói. Ông nhận ra thị trường đã thay đổi và ngành công nghiệp phần cứng cũng không còn là thứ hấp dẫn nữa.
Đó là những thất bại trong sự nghiệp kinh doanh của Steve Jobs. Còn trong cuộc sống riêng tư, Jobs cũng đã một lần đối mặt với thần chết. Một buổi sáng đầu năm 2004, Steve Jobs mời bác sĩ riêng tới khám định kỳ. Sau một lúc lâu kiểm tra kỹ lưỡng, vị bác sĩ đưa ra chẩn đoán làm ông chủ Apple điếng người: có một khối u ung thư trong tuyến tụy của Steve. Ông sẽ chỉ còn sống được vài tháng nữa và việc cần làm là xa rời công việc để thăm thú bạn bè, người thân!
Nhưng ở con người tràn đầy lạc quan, đầy sáng tạo và giàu sinh lực này, hễ mỗi lần thất bại là mỗi lần ông lại vươn lên mạnh mẽ. Sau khi phẫu thuật thành công, ông lao vào công việc như thể một thanh niên mới lớn, mạnh mẽ, tự tin và dám chấp nhận thất bại để rồi lại khởi đầu việc chinh phục những thử thách mới. Và cũng như trường hợp máy Apple I, “cục gạch” vừa bị cuộc đời quăng vào đầu Jobs hóa ra lại chỉ cho ông con đường đi mới, đầy mới mẻ và tiên phong. Tấn công vào lĩnh vực phần mềm, một lĩnh vực còn rất mới mẻ khi ấy. Thêm một bước đi mạo hiểm của Jobs và ông đã lại thành công. Công nghệ phần mềm đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghệ máy tính.
Điều gì khiến ông luôn đứng dậy được và mạnh mẽ hơn sau mỗi thất bại? Là tình yêu công việc hết sức mãnh liệt, là khao khát sáng tạo không ngừng và quan trọng nhất là thái độ đối với thất bại. Chấp nhận thất bại nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin và tình yêu như ông từng nói với sinh viên Đại học Stanford. Đó cũng là điều ông thường nói với các cộng sự của mình. Chính thái độ đó đã giúp ông lèo lái con thuyền mang tên Apple vượt qua giai đoạn sóng gió, tiếp tục phát triển như là một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và giải trí. Không chỉ vậy, ông cũng truyền cảm hứng sáng tạo không ngừng, cách mạng không ngừng của mình lên toàn bộ Apple, từ khâu sản xuất đến kinh doanh. Điển hình là kiểu dáng máy tính Mac, sự ra đời của kho âm nhạc trực tuyến iTunes, máy nghe nhạc thời thượng iPod và chiến lược kinh doanh, phát triển hệ thống các cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.