Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới
Chương kết. HÃY ĐÓI KHÁT VÀ DẠI DỘT
Tháng 6.2005, Jobs kết thúc bài phát biểu của mình với sinh viên Đại học Stanford bằng một lời chúc ngầm ý một lời khuyên. “Hãy đói khát và dại dột”. Đó có thể xem là “phương châm sống” của người nắm vai trò “mật mã” iPod.
Đó là câu chuyện bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX. Khi ấy, chưa có máy tính cá nhân nhưng chàng thanh niên trẻ tuổi Steve Jobs có được một trang Google cho mình. Chỉ có điều trang Google chỉ nằm trên giấy, được tạo nên bằng máy chữ, kéo và máy chụp ảnh polaroid mang tên Catelogue toàn Trái đất của Steward Brand. Một cuốn sách vô cùng sống động bằng những chấm phá lãng mạn của Stewart Brand trong đó. Đó là cuốn sách gối đầu giường của thế hệ ông và là một tuyển tập tuyệt diệu với Jobs vì: rất lý tưởng, tràn đầy các công cụ hay ho và ý tưởng vĩ đại. Steward và nhóm của ông đã cho ra đời một vài số Catelogue toàn Trái đất. Số cuối cùng ra vào giữa những năm 70. Ở bìa sau cuốn tuyển tập có bức ảnh một con đường ở nông thôn vào một sớm mai, cảnh vật rất thích hợp cho những người thích phiêu lưu tự đi bộ du hành. Ở dưới có dòng chữ: “Hãy cứ đói khát và dại dột” (Stay hungry. Stay foolish). Đó là lời tạm biệt của họ trước khi kết thúc. Jobs luôn ước muốn điều đó cho bản thân và khi chúc các sinh viên vừa tốt nghiệp, ông cũng nói như thế.
Jobs là vậy. Ông luôn là con người khao khát khám phá, đam mê tìm tòi những điều thú vị của cuộc sống. Với con người như vậy, sai lầm, dại dột chẳng qua chỉ là bước đệm cho thành công.
Năm 17 tuổi, ông dại dột bỏ học đại học, giấc mơ lớn nhất của ba mẹ ruột ông. Đó có thể xem là một hành động dại dột vì khi ấy, ông chẳng có gì trong tay và không có “background” hoàn hảo như ông chủ của hãng Microsoft, Bill Gates. Nhưng ông vẫn giữ nguyên quyết định. Để làm gì? Để theo đuổi nỗi khát khao được – nghe có vẻ nghịch lý – nghỉ học để lại đi học. Đúng vậy. Nhưng thực tế là thế.
Chỉ có điều ông tìm học những cái cần thiết cho cuộc đời của mình. Nói đúng hơn là tìm học những cái gì ông cảm thấy thú vị và… thiếu thốn. Năm 21 tuổi, lại thêm một lần dại dột khi quyết định thành lập hãng máy tính Apple với số vốn chỉ là… 1.300 đôla tại ga-ra. Dại dột thật khi biết rằng khi ấy, thị trường máy tính đã bão hòa. Nhưng rốt cuộc sự dại dột ấy cũng chỉ là biểu hiện của sự đói khát (như lời ông nói), muốn tạo ra những sản phẩm thú vị cho cuộc sống.
Năm 30 tuổi, ông rời khỏi Apple, bắt đầu một hành trình chinh phục những thử thách mới đầy khao khát và đam mê. Ông liên tiếp thành lập hai công ty mới như để “phục thù” Apple. Cùng lúc, ông đã làm hai việc “dại dột”. Tấn công vào công nghiệp phần cứng để tái lập hình ảnh một Apple mới với NeXT và xâm nhập vào lĩnh vực phim hoạt hình kỹ thuật số mới mẻ với hãng phim Pixar. Ngay việc chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ phần mềm rồi dồn toàn lực tập trung vào thị trường nhạc số với máy nghe nhạc iPod và các phương tiện hỗ trợ quanh nó cũng là chuỗi “đói khát” và “dại dột” khác của ông. Có cảm giác rằng, ông làm tất cả những việc đó vì háo hức, đói khát mà ở Apple ông chưa làm được.
Và tất cả chuỗi “đói khát” và “dại dột” này đều phần nào thành công ở mức độ nhất định. Ngay bản thân ông cũng cho rằng, những điều kỳ diệu sẽ không xảy ra nếu ông không bị đuổi khỏi Apple. Điều gì đã “kết nối” những “đói khát, dại dột” đó với thành công? “Tôi tin rằng, điều duy nhất tiếp sức cho mình là tình yêu những việc mình làm. Bạn cũng vậy, phải tìm thấy niềm đam mê của mình. Đối với công việc hay với người tình đều thế cả. Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự toại nguyện là làm được những điều bạn nghĩ là vĩ đại nhất. Cách duy nhất để làm được những điều vĩ đại là yêu việc mình làm. Nếu chưa tìm thấy thì bạn cứ tiếp tục tìm đi. Đừng bằng lòng với sự ổn định. Giống như trong tình yêu vậy, bạn sẽ biết ngay khi bạn tìm thấy nó. Và cũng giống như trong bất kỳ mối quan hệ nào, nó sẽ chỉ tốt đẹp thêm theo năm tháng mà thôi. Bạn cứ tìm đến bao giờ thấy, đừng dừng lại”.
Cái chết là nỗi ám ảnh của nhiều người. Và Jobs cũng thế. Từ năm 17 tuổi, ông đã suy nghĩ nhiều về nó sau khi đọc một câu nói: “Nếu ngày nào bạn cũng sống như thể đó là ngày tận thế của mình, đến một lúc nào đó bạn sẽ đúng”. Thế rồi, trong suốt hơn 30 năm qua, ông luôn nhìn vào gương mỗi ngày để tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối của đời mình, liệu mình có muốn làm những việc hôm nay mình sắp làm không?” Và khi nhận ra câu trả lời là “không” ngày này qua ngày khác, ông biết mình cần thay đổi điều gì đó. Ghi nhớ rằng “một ngày nào đó gần thôi, mình sẽ chết đi” là một bí quyết vô cùng quan trọng giúp ông quyết định những lựa chọn lớn trong đời. Bởi theo ông, không ai muốn chết cả dù có được lên thiên đường. Nhưng cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai có thể tránh khỏi. “Có lẽ đó cũng là điều hợp lẽ, bởi Cái chết là sản phẩm tuyệt vời nhất của Cuộc sống. Nó là yếu tố làm thay đổi cuộc sống. Nó gạt bỏ cái cũ và mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ “cái mới” là các bạn, nhưng không xa nữa bạn sẽ trở thành cái cũ và bị loại bỏ”. Ám ảnh về cái chết càng khiến ông “đói khát” và “dại dột” để làm những điều thú vị trong cuộc đời ngắn ngủi. Đó chính là điều mà ông muốn truyền đến những người trẻ. “Thời gian của các bạn là có hạn, nên đừng phí phạm bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng rơi vào bẫy của sự độc đoán, giáo điều của người khác. Đừng để những ý kiến ồn ào xung quanh đánh chìm tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy có dũng cảm để đi theo tiếng gọi của trái tim và linh tính. Chúng biết bạn thực sự muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu thôi”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.