Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới

Phần III. SẢN PHẨM “TRẢI NGHIÊM SỐ” – Chương 1.BẠN SẼ ĐƯỢC GÌ NẾU MUA SẢN PHẨM CỦA CHÚNG TÔI?



Nếu ai đó nghĩ rằng Steve Jobs thành công với các sản phẩm hiện hữu như máy tính hay máy nghe nhạc, thì tức là chưa hiểu về ông ấy. Thứ mà Jobs tạo ra và mang đến cho xã hội loài người chính là những trải nghiệm trong thế giới kỹ thuật số. Với sự nhạy cảm một cách đặc biệt, sự tinh tế thiên bẩm của mình, Steve Jobs đã thay đổi gần như hoàn toàn khái niệm về máy tính (phải dành cho mọi người) và quan điểm về cách nghe nhạc (mọi lúc, mọi nơi với chất lượng tốt nhất)…

“Chuỗi cửa hàng của Apple đang bán “trải nghiệm số”, chứ không phải sản phẩm. Đây mới là hướng đi thành công để bán công nghệ (bao gồm cả điện thoại di động và ti-vi phân giải cao) cho người tiêu dùng”.

Nhà phân tích Ted Schadler (Forrester Reseach)

BÍ QUYẾT CỦA NGƯỜI BÁN HÀNG TÀI NĂNG

Steve Jobs không bán máy tính cho khách hàng, ông bán sự trải nghiệm. Thay vì chăm chú nói về các con số thống kê, các thông số kỹ thuật như các chuyên gia trong các lĩnh vực khác vẫn làm, Jobs nói về các lợi ích khách hàng có thể có được khi sử dụng sản phẩm. Chẳng hạn khi giới thiệu máy nghe nhạc iPod có dung lượng bộ nhớ 30GB, Jobs giải thích rõ, loại máy nghe nhạc này có thể chứa 7.500 bài hát, 25.000 bức ảnh và 75 giờ xem video. Hồi tháng 1.2006, khi giới thiệu máy tính xách tay hiệu Macs có mạch chủ Intel, ông đã giải thích rằng, Macs có hai bộ vi xử lý làm cho nó có thể chạy nhanh hơn loại máy xách tay Powerbook G4 từ bốn đến năm lần. Jobs nói thêm rằng, Mac là loại máy tính xách tay mỏng nhất từ trước đến nay với nhiều tính năng nổi bật như màn hình rộng hơn, sáng hơn, có camera bên trong để sử dụng cho các cuộc hội nghị qua video. Như thế thay vì đề cập đến nhiều khía cạnh kỹ thuật, Jobs nhấn mạnh đến những lợi ích mà công nghệ đó đem lại cho khách hàng. Về đại để, “nghệ thuật bán hàng” của Apple được hiểu như vậy. Mặt khác, Apple rất chú trọng đến việc phát triển hệ thống bán lẻ và qua đó giúp người tiêu dùng có được sự trải nghiệm thật sự trước khi mua sản phẩm.

Không lâu sau khi Ron Johnson gia nhập Apple Computer vào năm 2000, Steve Jobs đã triệu ông này lên phòng. Steve chỉ vào bàn họp, khi ấy đang đặt bốn chiếc máy tính và nói: “Đây là sản phẩm của chúng ta”. “Thương hiệu chúng ta lớn cỡ nào?”, Johnson hỏi lại. Jobs trả lời: “Apple là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới”. Và do đó, trong quan niệm của Johnson, 47 tuổi, phó chủ tịch cao cấp phụ trách kinh doanh của Apple, các cửa hàng bán lẻ của Apple phải thật lớn, hoành tráng, thênh thang – một biểu tượng hữu hình và vật chất cho cái nhãn hiệu đó. Điều này quả là mạo hiểm, bởi sản phẩm của Apple vốn có tiếng là nhỏ gọn. Hơn nữa, các hãng máy tính tự bán lẻ sản phẩm của mình đa phần “bại nhiều hơn thắng”.

Thế nhưng, sự liều lĩnh đã mang lại khá nhiều trái ngọt cho Johnson, tính đến thời điểm này. Kể từ khi khai trương hai tiệm bán lẻ đầu tiên cách đây 5 năm, hệ thống phân phối của Apple đã trở thành một hiện tượng trong làng bán lẻ. Apple đã đưa sản phẩm của mình ra khỏi những không gian bán hàng vi tính quen thuộc, phớt lờ mọi quy luật về địa điểm, thiết kế, nhân viên và dịch vụ cung cấp.

“Tôi muốn khách hàng khi bước chân vào cửa hàng của Apple, họ phải cảm thấy như đang lạc vào một không gian khác”, Johnson nói. Có một điều thú vị: Doanh thu mà mỗi ô gạch trong cửa hàng Apple đem lại trong năm 2005 đạt tới 2.489 đôla, cao gấp 2,5 lần so với Best Buy, hệ thống bán lẻ máy tính và đồ điện tử khổng lồ của Mỹ. Một bài học nằm lòng của ngành bán lẻ là khi bán các sản phẩm đắt tiền, không được mua thường xuyên như ô-tô hay máy tính, các cửa hàng nên đứng độc lập, một mình một cõi – trên một mặt bằng rẻ, xa trung tâm cũng được. Họ cho rằng, người mua sẵn sàng lái xe đi xa để tậu một sản phẩm như vậy.

Tuy nhiên, Apple lại chọn một hướng đi khác. Họ quyết định mở cửa hàng ở những địa điểm có giá thuê mặt bằng rất đắt như trung tâm thành phố, các trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường xuyên qua lại, shopping. “Họ sẽ không lái xe 10 dặm để ngó nghiêng gian hàng chúng tôi đâu. Nhưng đi bộ 5m thì chắc chắn là có”, Johnson mỉm cười.

Và thế là, ngày 19.5.2006, Apple đã có một chiến dịch quảng bá vô cùng thành công, khi “cái khối bí mật” bên ngoài tòa nhà General Motors Building trên Đại lộ số 5 tại Manhattan được vén màn che phủ. Bên dưới khối lập phương ấy là gì? Một shop bán lẻ đẹp nhất và độc nhất của Apple từ trước tới nay: Hoàn toàn bằng kính, trong suốt. Cửa hiệu sẽbán hàng chính thức từ ngày 19.5 và theo lời Apple, nó sẽ hoạt động liên tục 24 tiếng/ngày trong cả 365 ngày của năm, không giây ngơi nghỉ. Cửa hàng trưng bày sản phẩm của Apple tại Manhattan có thể thực sự coi là đỉnh cao về thiết kế thông minh. Cổng vào là một khối lập phương bằng kính trong suốt, mỗi cạnh dài đúng 10m với logo Apple treo bên trong. Khách hàng đi bộ xuống một cầu thang xoáy ốc, hoặc đi thang máy cũng bằng kính trong suốt – để bước vào một cửa hàng rộng tới hơn 3.000m2 bên dưới. Một nửa số nhân viên tại đây không có nhiệm vụ bán hàng, mà chủ yếu là giúp đỡ, hướng dẫn người dùng sử dụng máy tính Macs, iPod, phần mềm và các phụ kiện, kiểu như máy ảnh số. Gần như toàn bộ máy tính trưng bày đều kết nối Internet sẵn, và cửa hàng lúc nào cũng đông chật người vào check email, duyệt web hay tranh thủ nghe nhạc trên iPod. Các nhân viên ở đây đều hưởng lương tháng chứ không thu nhập dựa theo doanh số bán hàng như ở phần lớn các cửa hàng máy tính khác.

Bên trong cửa hàng được bố trí theo mục đích sử dụng, chứ không phải danh mục sản phẩm. Chẳng hạn như tải nhạc số, biên tập ảnh số hoặc phim, tạo postcard và blog… Nhà phân tích Ted Schadler (Forrester Reseach), đánh giá: “Chuỗi cửa hàng của Apple đang bán “trải nghiệm số”, chứ không phải sản phẩm. Đây mới là hướng đi thành công để bán công nghệ (bao gồm cả điện thoại di động và ti-vi phân giải cao) cho người tiêu dùng”.

Tại Apple, Steve Jobs là thầy phù thủy đứng sau mọi quyết định liên quan đến số mệnh công ty. Steve cảm thấy, từ tận trong từng đốt xương của mình, Apple cần phải tự bán lẻ. “Đó không phải là một sự thử nghiệm, mà là một chiến lược kinh doanh căn cơ”, Johnson nhớ lại. Hồi ức của Johnson chính là một nét sáng tạo đầy mới mẻ trong nghệ thuật bán hàng của Steve Jobs. Trong khi các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn thường triển khai hàng loạt các sản phẩm và sẵn sàng chấp nhận thất bại, rủi ro thì Steve Jobs áp dụng phương thức chỉ tập trung tối đa vào một dự án chính để tránh được hiện tượng phân tán tài chính và nhân lực. Đồng thời, trong lúc các công ty khác đang ứng dụng chiến thuật bán hàng qua mạng Internet, thì Steve Jobs lại thành lập hệ thống cửa hàng bán lẻ, một chiến thuật được mệnh danh “dòng chảy ngược”. Hệ thống bán lẻ giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm mới của công ty.

Hiện nay, Apple đã có gần 100 cửa hàng bán lẻ sang trọng ở các trung tâm thương mại như khu Ginza ở Tokyo, Magnificent Mile ở Chicago. Sản phẩm được trưng bày đẹp mắt trên những chiếc bàn gỗ để tạo nên sự trang trọng. Nhân viên sẵn sàng hướng dẫn sử dụng cho khách hàng một cách thành thạo. Chính phong cách này đã đem lại thành công cho hệ thống bán lẻ của Apple. Có thể nói, với những sáng tạo trong kinh doanh như thế, Jobs đã “đón đầu” xu hướng của thị trường trong một “thế giới phẳng”. Đó lại là một sáng tạo tiên phong của Jobs trong nghệ thuật bán hàng.

CÁI CHẾT LÀ NHÂN TỐ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Với Jobs, thị trường ngày nay khó khăn không chỉ vì những cuộc cạnh tranh khốc liệt mà còn là sự thông minh của khách hàng. Ông thường xuyên nhắc đi nhắc lại điều đó. Để đối phó với điều đó thì cần phải liên tục đổi mới bằng công nghệ tiên phong và kiểu dáng hợp thời trang, sành điệu với giá rẻ. Nhưng, “khách hàng bây giờ đã thông minh hơn” cũng là cơ sở để ông tự tin vào sự thành công của Apple.

Người truyền cảm hứng cho Apple, Steve Jobs cho biết, bệnh ung thư sẽ giết ông. Rồi nó được phát hiện có thể phẫu thuật cắt bỏ được. Việc thoát khỏi nguy hiểm cho ông cơ hội điều hành công ty trị giá 45 tỉ đôla của mình, thậm chí tiến xa hơn nữa trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực nhạc số. Trong một bài diễn văn với các sinh viên Đại học Stanford, mùa hè năm 2005, Steve Jobs đã trao đổi một cách sâu sắc về những quyết định và sự mạo hiểm của ông tại Apple Computer.

Ông nói: “Ghi nhớ rằng, “một ngày nào đó gần thôi, mình sẽ chết đi” là một bí quyết vô cùng quan trọng giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn trong đời. Bởi vì hầu hết mọi thứ – những mong đợi của người khác, lòng kiêu hãnh, nỗi lo sợ xấu hổ hay thất bại – tất cả đều phù phiếm trước cái chết. Vấn đề là ta để lại được những gì đó mới thật sự quan trọng. Luôn nhớ rằng mình sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh sa vào cái bẫy suy nghĩ rằng mình không muốn mất đi cái gì đó. Bạn đã hoàn toàn thoải mái rồi. Chẳng có lý gì để không đi theo tiếng gọi trái tim. Hàng triệu khách hàng – trong số họ, những người yêu âm nhạc, những người sử dụng máy tính và xem phim có lý do để cám ơn những quyết tâm của Jobs đi theo mệnh lệnh của trái tim mình.

Chủ nghĩa cầu toàn, lòng tin kỳ lạ vào nghiệp chướng, niềm khao khát một sự cân bằng giữa mẫu mã và chất lượng của Jobs là những gì đã làm nên Apple. Ông là nguyên nhân để Apple sản xuất ra iPod, iMac, máy tính xách tay Power Book và nhiều sản phẩm công nghệ được thiết kế rất hợp mốt và xinh đẹp khác, bắt đầu từ máy tính Apple II, năm 1997. Sáng kiến của Apple đã mở đường cho máy tính cá nhân, dù chính công ty cũng thường thất bại khi đổ tiền vào nó. Và Jobs đã theo đuổi mức độ tuyệt vời như vậy ở một công ty khác, Pixar Animation Studios, nhà sản xuất một loạt phim ăn khách liên tục, bao gồm Toys Story và The Incredibles.

Tại Stanford, Jobs kể với các sinh viên rằng, ông đã sống bởi quy tắc này, rằng cái chết là “nhân tố thay đổi cuộc đời” từ khi ông mới 17 tuổi. Năm 2004, lý thuyết được đặt vào một cuộc thử nghiệm. Jobs kể rằng, ông bị ung thư tuyến tụy và chỉ còn sống chưa đầy sáu tháng. “Bác sĩ khuyên tôi về nhà sắp xếp lại mọi công việc, có thể ngầm hiểu như thế là chuẩn bị mọi thứ trước cái chết. Có nghĩa là phải gói gọn những điều muốn nói với các con cho 10 năm tới chỉ trong vòng một vài tháng. Có nghĩa là đảm bảo mọi thứ được sắp xếp ổn thỏa để tất cả mọi thứ đều dễ dàng, suôn sẻ khi tôi ra đi”.

Sau 24 giờ kinh khủng, các bác sĩ đã phát hiện ông bị một dạng bệnh rất hiếm mà chỉ có thể chữa được bằng phẫu thuật.

Jobs đã được trao một cơ hội thứ hai. Nhưng kinh nghiệm càng củng tố lòng tin của ông rằng có thể vượt qua hiểm nguy để vươn tới những gì mong muốn và đẩy nó đi xa hơn là không an toàn. Điều đó giải thích tại sao Apple đã thu hồi sản phẩm bán chạy nhất của họ, iPod mini và thay thế bằng iPod nano, nhỏ hơn bút chì, nhẹ hơn nhưng có màn hình màu, chứa ảnh cũng nhiều như chứa nhạc.

Nhờ iPod, Apple cũng tạo ra cơ hội lần thứ hai. Vào những năm 1970, 1980, nó là người mở đường cho ngành máy tính. Nhưng những quyết định của Jobs giữ độc quyền công nghệ đã thất bại khi Microsoft “nhượng quyền” phần mềm của họ đối với mọi thứ và dần dần tiến đến thống trị một ngành công nghiệp khổng lồ mới. Khi thị phần của Apple trong thị trường máy tính chỉ còn lại 3%, như thể là Jobs đã bỏ nó.

iPod đã thay đổi Apple. Năm 2003, 2004, công ty sản xuất được khoảng 6 tỉ đôla trong một năm. Kết thúc năm tài chính 2005, những cửa hàng của Apple đã thu được 14 tỉ đôla. Giá trị thị trường của nó đã tăng lên gấp năm lần, đạt gần tới 45 tỉ đôla.

Phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ iPod mini. Cho đến giữa năm 2004, suốt gần ba năm, Apple chỉ bán chưa đầy 4 triệu máy iPod nguyên bản. Sau sự ra mắt iPod mini cuối năm 2004 và iPod shuffle đầu năm 2005, Apple đã bán được 6 triệu máy một quý.

Nhưng iPod là chỉ là một trong ba nhánh chiến lược. iTunes, kho âm nhạc trực tuyến hoạt động liền mạch với máy nghe nhạc, đang mở rộng địa vị thống trị của Apple vào thị trường bán lẻ online. iTunes khẳng định rằng chiếm 80% download nhạc thị phần ở Anh và trải qua hơn hai mươi nước. Với 10 triệu tài khoản, dường như iTunes sẽ sớm bán được 100 triệu bài hát mỗi tháng.

Khi đó, có nhiều người nghi ngờ Apple không thể duy trì thời kỳ tươi đẹp này. George Colony, giám đốc điều hành Forrester, một công ty nghiên cứu công nghệ, nhận xét: “Đây là một hiện tượng ngắn ngủi”. Paul Jackson, nhà phân tích chính của Forrester về Apple ở châu Âu, giải thích rằng, các đối thủ luôn nhanh nhạy để sản xuất những sản phẩm giá rẻ, ăn cắp những sáng kiến trước đó của Apple, như máy tính iMac nguyên bản và máy tính xách tay iBook. Jobs không phải không nhìn thấy sự đe dọa. Ông nói: “Chúng tôi có những đối thủ đẳng cấp thế giới đang muốn giết chúng tôi như Sony. Có quá nhiều công ty đang sao chép sản phẩm của chúng tôi. Microsoft đang sao chép chúng tôi về hệ điều hành. Dell đang cố gắng sao chép chúng tôi về phần cứng”. Sự phản ứng lại của Apple là cải thiện và thay thế iPod mini để dẫn dắt thị trường. Trước sự cạnh tranh với iPod mini, Apple mở rộng kỹ thuật tiên phong của mình với công nghệ iPod nano. iPod nano, trọng lượng khoảng 42 grams, chứa được 500 đến 1000 bài hát, nhận được những đánh giá rất tốt. Tờ The New York Time nhận xét:

“Hễ nhìn một lần là muốn có ngay. Nếu bạn lo không cưỡng lại được, hãy “buộc” thẻ tín dụng vào ví”.

Còn Paul Jackson cho rằng: “Đó là một sự thay đổi rất dũng cảm khi chấm dứt sản phẩm bán chạy nhất của họ chỉ sau một năm”.

Jobs nói rằng Apple đã dẫn đầu trong lĩnh vực nhạc số và sẽ khó bị phá hủy hơn là người ta vẫn nghĩ. Ông nói: “Bạn nhìn cái này (Tức iPod Nano), trông nó như là phần cứng nhưng không phải vậy. Ở đây đã được tích hợp cả nhóm phần mềm, một hệ điều hành và một nhóm trình ứng dụng. Hơn nữa, nó còn có cả trình ứng dụng rộng rãi được gọi là kho nhạc trực tuyến iTunes. Chúng tôi có phần cứng, các trình ứng dụng, dịch vụ tầm cỡ thế giới nhưng nếu chúng không làm việc cùng nhau thì nó sẽ chẳng hoạt động đơn giản đối với khách hàng như bạn đã thấy. Hiện nay vẫn có một số công ty sở hữu cả phần cứng, phần mềm lẫn dịch vụ tầm cỡ thế giới, nhưng chúng có tích hợp được với nhau “dưới một mái nhà” hay không thì … tôi không rõ!!!”.

Theo Jobs, Apple vượt qua nhiều công ty khác trên thế giới là vì có khả năng cầm lấy những công nghệ thật sự phức tạp và làm cho thật sự đơn giản để sử dụng với người tiêu dùng. Điều này cũng được Jackson thừa nhận. “Khi công nghệ ngày càng trở nên phức tạp, nhu cầu làm cho nó đơn giản lớn hơn bao giờ hết. Apple đã làm điều đó tốt hơn các công ty khác”. Jackson cũng cho rằng, Apple đã gây khó khăn cho những đối thủ của nó bằng việc “tích” nhiều máy tính vào những chiếc hộp nhỏ.

Người ta có thể cho rằng, sự đe dọa lớn nhất đối với vị trí của Apple trong lĩnh vực nhạc đến từ các đối thủ thuộc công nghiệp điện thoại di động. Vodafone và Orange đã giới thiệu dịch vụ down- load bài hát của chính mình. Sony Ericsson cũng đã cho ra mắt chiếc điện thoại di động Walkman đầu tiên của mình. Nokia và rất nhiều nhà sản xuất điện thoại di động khác cũng đang sản xuất máy điện thoại có thể nghe nhạc. Trong thực tế, Nokia đã trở thành công ty bán nhiều máy nghe nhạc MP3 nhất thế giới và sẽ bán được khoảng 40 triệu máy điện thoại có hỗ trợ chức năng nghe nhạc trong năm 2005. Đến lúc đó, phần lớn điện thoại có thể nghe được nhạc chỉ cung cấp kho chứa nhạc giới hạn nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi. Điện thoại Nokia N91 có thể chứa hơn 3.000 bài hát. Công nghiệp điện thoại di động hy vọng rằng đa số khách hàng sẽ nghe nhạc trên thiết bị mà họ đã mang theo hơn là dựa vào một máy nghe nhạc, thậm chí cho dù nó hợp thời trang như iPod.

Bất chấp sự “bủa vây” từ nhiều phía, Jobs vẫn tự tin đứng vững trong thị trường nhạc số. Trước hết là nhờ vào công nghệ tiên phong, liên tục đổi mới và đặc biệt là giá rẻ trong bối cảnh thị trường mà khách hàng đã “thông minh hơn nhiều” như điều mà ông thường nhấn mạnh. Jobs tin sự nhiệt tình với âm nhạc của công nghiệp điện thoại di động gần đây là bắt nguồn từ giả thuyết không chắc chắn, rằng nó có thể giữ khách hàng dành nhiều thời gian với điện thoại của họ bằng việc khuyến khích họ tải nhạc.

Vodafone và Orange đang đòi trả 1,50 bảng Anh cho một bài hát, gần gấp hai lần cái giá 79 xu mua bài hát từ iTunes. Các công ty điện thoại di động phản đối, họ đang giới thiệu một sản phẩm tốt hơn, truy cập để chọn nhạc trong lúc di chuyển. Nhưng, Jobs mỉa mai, bài hát hợp pháp mà khách hàng kiếm được sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều. Ví dụ, một bài hát mua từ máy Orange Media sẽ bị biến mất nếu người mua chuyển đến một hệ thống khác (cũng giống như vậy), thay đổi simcard hoặc thay tai nghe không phù hợp. Cũng không thể mở bài hát từ máy tính. Một trong những bí mật đằng sau thành công của iTunes là khách hàng có thể mở bài hát họ mua trên con số không giới hạn của iPod và có thể chuyển lên năm máy tính; họ có thể ghi bài hát vào CD mà không bị giới hạn. “Người dùng điện thoại di động sẽ “điên thật sự” nếu họ không thể mở nhạc họ mua”, Jobs nói. Theo ông, khách hàng rất thông minh và vì thế họ sẽ phải cân nhắc khi quyết định mua nhạc.

Apple có thể phải nhường sự sở hữu 80% thị trường nhạc số của mình. Nhưng Jobs sẽ không bao giờ bỏ cuộc mà không đấu tranh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.