Vào thời huy hoàng xưa, Joe Kerr xông xáo trong các phòng biên tập và nơi các hãng thông tấn với tính cách một nhà báo hạng nhất và cũng có thể nói không ngoa là nhà báo ưu tú nhất trong vùng.
Vào thời đó, không những gã có tài thiên phú về văn chương mà lại còn là tay thợ ảnh lành nghề, hai thứ phối hợp với nhau để tiền bạc đổ xô chui vào túi gã.
Đỉnh vinh qủang cao tột là năm 1953. Một quyển sách của gã được Câu lạc bộ Sách nổi tiếng trong tháng ở vùng Đại Tây Dương chọn bầu và được tờ New Yorker đăng bài khen tụng suốt ba kỳ liền, còn tờ Life dành ra năm trang ảnh do gã chụp một vụ đỡ đẻ.
Tuy nhiên đối với gã vinh quang tột đỉnh của năm đó là việc gã lấy một cô gái xinh đẹp nhưng rất bình thường tên là Martha Jones.
Martha và gã về sống ở Malvem cách Philadelphia, nơi Joe làm việc, khoảng một tiếng đồng hồ đi xe. Bản chất gã là con người của gia đình êm ấm. Martha và gã đã trải qua những giờ phút hạnh phúc của những con người yêu nhau rất mực.
Thế mà lại xảy ra một điều làm đảo lộn cả đời sống của Joe.
Trong chuyến về từ một buổi dạ hội vui vẻ, Joe tuy không say mèm nhưng hơi quá chén đã lái xe gây tai nạn và làm vợ bị tử thương.
Joe lái chiếc Cadillac. Biết rằng hơi ngà ngà nên gã đã hết sức thận trọng trên suốt đoạn đường dài bốn mươi cây số. Ở ghế ngồi bên cạnh đang có con người thân yêu nhất trên đời cho nên gã không muốn gây chút tai họa nào cho nàng chỉ vì gã hơi quá chén và cái đầu hơi lắc lư.
Họ về tới nhà trong bình yên và Martha bước xuống mở cửa gara trong khi Joe lui xe, chân kềm trên bàn đạp thắng.
Trong khi Martha đến mở cửa thì chân của Joe bỗng trật đi và chiếc xe lồng lên về phía sau. Hoảng hốt vì biết vợ ở ngay sau xe, Joe vội vàng thắng lại nhưng trong lúc hấp tấp gã đạp mạnh trên bàn ga. Chiếc xe lồng lên với tốc độ kinh khiếp không cho Martha kịp lách sang một bên.
Martha bị dập nát trên cánh cửa và bị ném vào trong gara cùng lúc với phần cánh cửa dứt ra văng vào tận vách tường bên trong.
Joe không thể nào gượng lại được từ tai nạn khủng kiếp đó. Giây phút gã bước xuống xe nhìn tấm thân bất động của vợ là bắt đầu chuyến tuột dốc không hãm trong đời gã.
Gã bắt đầu uống rượu. Bàn tay run rẩy khiến các ông chủ bút thấy ngay rằng không thể nào trông cậy gì ở gã được nữa. Sau đó người ta lờ gã đi. Các bài viết đã mất giọng sắc bén nên không ai cần đến.
Bạn bè quen thuộc của năm 1953 không thể nào nhận ra con người bước đi lừng khừng sau lúc nói chuyện ngắn ngủi với Jay Delaney để cầu xin một buổi tiếp kiến với cha của Jay.
Thân hình cao lớn gầy ốm của Joe Kerr khiến gã trông già hơn cái tuổi bốn mươi với vài năm lẻ. Gã bước đi, lưng khòm xuống hình như lúc nào cũng thở dốc. Tóc gã màu hoe nhạt, cứng và thưa nhưng người nào gặp gã lần đầu đều chú ý đến nước da nhăn nheo đo đỏ của gã.
Từ lúc vợ chết, gã nuốt đều đều mỗi ngày hai chai uýtki cho nên khuôn mặt của gã bây giờ chỉ là một tấm lưới sợi gân máu bị vỡ ra. Khuôn mặt tàn phá, đôi mắt kèm nhèm lồi ra, bộ quần áo nhàu nát khiến gã có dáng thảm hại và ai nấy cũng đều xa lánh trên đường gã đi.
Tuy nhiên gã cũng kiếm ăn quấy quá qua thời. Hiện nay gã là nhân viên của một tờ lá cải ở Hollywood có tên Nhòm lỗ khóa và nhờ đó mua được rượu cũng đắp đổi qua ngày.
Tờ báo đó có rất nhiều độc giả vì chuyên đăng các hình con gái nhà nghèo và các chuyện vụ án, kích động. Vào thời huy hoàng, Joe không bao giờ tưởng đến việc cộng tác với một tòa soạn như thế dù là được trả bao nhiêu cũng mặc nhưng bây giờ thì gã lấy làm sung sướng là đã giữ được một chỗ làm kiếm cơm.
Khi bước vào tiền sảnh Plazza với chiếc máy ảnh Rolleillex lủng lẳng trước ngực, Joe nghĩ tới bức thư mới nhận hồi sáng từ Manley, chủ bút tờ Lỗ.
Manley chẳng nói oong-đơ gì hết mà bảo thẳng rằng nếu Joe tưởng rằng tòa soạn tốn tiền cho gã đi Cannes chỉ để gửi về chuyện xe cán chó như lâu nay gã vẫn làm thì thật là lầm to. Manley viết:
“Có cần tôi phải lập lại bao nhiêu lần cho anh biết rằng chúng tôi muốn có những bài viết làm thế nào cho độc giả đọc phải bật ngửa người ra? Ai cũng biết Cannes là cả một ổ đĩ, đâu có thiếu thùng rác hôi thối? Anh chỉ cần quậy lên là được. Nếu anh bớt vục đầu trong ly rượu thì anh biết cách phải làm thế nào ngay tức khắc. Còn nếu anh không chịu làm việc thì cứ nói thẳng ra, tôi sẽ gọi Jack Berstein đến thay anh không chậm trễ chút nào.”
Joe Kerr hoảng lên. Gã biết rằng không còn tờ báo nào khác chịu mướn gã cả. Nếu Manley mà buông gã ra thì chỉ còn có nước đi ăn mày!
Từ lúc Floyd Delaney đến Cannes, Joe đã cuống quýt chân tay đi cầu khẩn để được tiếp kiến.
Floyd Delaney là nhân vật nổi bật nhất Đại hội và Joe hy vọng rằng nếu được gặp mặt thế nào gã cũng lôi ra vài điều tiết lộ đáng giá. Gã tán tỉnh Harry Stone, người phụ trách quảng cáo của Delaney để mong xin một buổi phỏng vấn nhưng Stone nói thẳng thừng: “Cái thứ anh mà được ông Delaney tiếp à? Đừng hòng! Thấy cái bộ mặt của anh là ông ấy chết khiếp đi được.” Trong đầu óc đầy men rượu, Joe cứ nhai đi nhai lại nỗi cay cú khi nhớ những lời nói của Stone. “Nếu móc được một chuyện gì thật hay về Delaney, một chuyện thật ra trò, với vài bức hình chứng minh, ta sẽ làm cho thằng cha đó hết làm bộ làm phách.”
Lúc bốn giờ kém mười lăm Joe đứng vào góc khuất của một cánh cửa có thể từ đó trông thấy cửa căn hộ 27. Chỗ gã ở ngoài tầm nhìn thấy của những người ra vào căn hộ đó và cả của nhóm nhân viên phụ trách có việc đi ngang qua hành lang nữa.
Sau khi biết chắc rằng hành lang đủ sáng để khỏi cần đến đèn flash mà vẫn có ảnh tốt, gã bèn ngồi xuống tấm ván kệ với chiếc máy ảnh đã canh độ sẵn.
Đồng hồ treo ngay trên cửa phòng 27 chỉ đúng bốn giờ kém năm thì Joe thấy Jay Delaney bước vào hành lang và dừng trước cửa.
Không cần suy nghĩ, Joe đưa máy lên điều chỉnh độ xa rồi bấm. Chắc chắn là gã đã có một bức ảnh rõ đủ đăng báo nếu giả thử rằng Manley chịu cho lên khuôn hình của con trai Royd Delaney, nhưng điều này thì thật là khó tin quá.
Gã ngồi xuống ghế trong lúc Jay mở cửa bước vào bên trong.
Hắn nhún vai đưa tay mò chai uýtki lúc nào cũng có sẵn trong bao đựng súng. Gã tu một hơi thở ra thỏa mãn rồi nhét chai lại vào túi.
Còn đang phân vân nghĩ không biết mình có mất thì giờ vô ích không thì gã chợt thấy một cô gái đi vào hành lang.
Gã nhận ra ngay Lucille Balu, cô đào đóng vai phụ đang lên. Cô mặc chiếc rốp hai màu xanh trắng để hở vai bày ra trên vòng ngực rám nắng một chuỗi dây kết bằng những hạt ngọc to màu xanh.
Chưa biết mình phải làm gì, Joe đã xoay cuộn phim mà trong đầu cứ thắc mắc không biết cô lên làm gì trên tầng lầu. Gã chợt thấy hơi giật mình khi cô dừng lại trước cửa căn hộ 27.
Gã giơ máy ảnh lên khi cô giơ tay và ống kính kêu đánh tách dúng vào lúc cô gõ vào cửa.
Jay hiện ra trong khung cửa, nói:
– Sao mà đúng giờ quá. Xin mời cô vào, cha tôi đang chờ cô.
Cô gái bước vào và cánh cửa khép lại. Những lời của Jay phải mất vài giây mới lọt vào bộ óc lùng bùng của Joe.
Cha tôi đang chờ cô…
Chà, không thể nào thế được. Floyd Delaney đã ra ngoài rồi. Chính mắt Joe trông thấy lão ta cùng với vợ bước lên thềm rạp chiếu phim. Gã còn biết chắc rằng sớm nhất là sáu giờ lão mới trở về.
Joe đưa tay luồn vào mái tóc thưa. Cái gì thế này?
Gã chợt nhớ là lúc nãy Jay Delaney đã hỏi tên cô đào, chi tiết đó trở lại khiến gã giật mình.
Anh chàng đẹp trai được giáo dục đầy đủ này đã có một con người bên trong phức tạp hơn người ta tưởng chăng?
Joe đã nhận thấy Jay hình như có một cuộc sống hơi đơn độc: người thanh niên cả ngày ngồi ngoài bãi, mắt dán vào quyển sách, lánh xa mọi trò vui giải trí dành cho những người đến tham dự Đại hội qua những giây phút bận rộn nặng nề.
Có phải hắn đã dụ cô gái vào phòng lấy cớ rằng cha hắn muốn gặp cô ta không? Có lý lắm chứ! Bất kỳ một cô đào phụ nào có chút tham vọng lại không chộp bất cứ hy vọng mỏng manh để gặp Royd Delaney? Có phải con trai ông ta tính chuyện cua cô gái không?
Joe toát mồ hôi hoang mang khi nghĩ tới đó.
Giá như cô gái lên tiếng kêu cứu… Thật là một cơ hội bằng vàng nếu
gã chạy vụt vào phòng đúng lúc với chiếc máy ảnh trên tay. May ra có thể gã gặp lúc cả hai đang giằng co, còn cô gái thì tuột mất cả áo!
Có được bức ảnh đó thì Joe tha hồ ăn nhậu. Manley sẽ bỏ qua tất cả những lỗi lầm sơ sót đã qua của Joe và ông chủ bút sẽ nâng niu, quí trọng các bài viết của gã cho mãi đến tận cuối đời.
Gã chồm mình tới lắng tai nhưng không thấy động tĩnh gì. Gã đang tính rời nơi ẩn trú để mò tận cánh cửa phòng thì thấy Sophia Delaney xăm xăm bước tới trong hành lang.
Thật mắt mở to mà không thể nào tin được! Lâu nay rủi ro cứ đeo bám theo gã và đến bây giờ thì gió xoay chiều rồi. Mà gió mạnh làm sao!
Gã đã tưởng tượng ngay ra hàng tít chạy dài trên bài báo: Delaney con dắt một cô đào phụ về phòng trong căn hộ sang trọng của ông cha. Và vào đúng lúc gay cấn thì bà dì ghẻ bước vào! Thật là hợp gu của các độc giả báo ta đòi hỏi.
Joe giơ máy lên đúng lúc Sophia gõ vào cánh cửa.
o O o
Jay vẫn cứ xoay xoay sợi dây đỏ trong tay mà mắt nhìn Sophia đang dõi theo từng cử động của hắn.
Hắn cảm thấy tràn ngập tự tin. Sophia rõ ràng đang sợ hắn, đang hoảng lên vì hắn. Bà dì ghẻ đang ngỡ ngàng khi nghe hắn thú nhận không xấu hổ là đã dẫn gái về phòng.
“Đáng lẽ ta không nên quá hấp tấp, hắn nghĩ thầm. Bây giờ nên trấn an bà ta. Không nên để bà ta nghĩ rằng đây là một chuyện nghiêm trọng. Ta đã làm bà ấy sợ đến nỗi cứ muốn tung cửa chạy biến rồi. Bà ấy rất nhạy cảm. Không hiểu tại sao bà ấy biết có phụ nữ đi vào đây. Có lẽ là do mùi nước hoa… Đàn bà thường hay chú ý đến các thứ này. Con nhỏ chắc là đã xức hơi quá tay!”
– Như thế là tôi phải hiểu rằng hiện bây giờ đang có một cô gái ở trong phòng anh chứ gì? – Sophia hỏi.
Hắn cảm thấy bà dì đang vì sợ mà cố nén giận.
– Xin lỗi Sophia, – hắn dịu dàng nói. – Tôi không hiểu ma quỉ dẫn đường như thế nào mà…
Hắn lùi lại vài bước, vứt sợi dây trên ghế sofa rồi ngồi trên thành ghế dựa.
Bây giờ phải tính tới chuyện làm lành với bà dì ghẻ, khơi dậy lòng khoan dung và làm sao buộc bà tự miệng hứa là sẽ không nói lại với ông già. “Lạ thật, làm sao mà bà ấy lại trở về bất ngờ như thế này, hắn nghĩ thầm. Đã ba ngày nay, bà ấy bám theo ông bố đều đặn suốt cả mấy buổi chiếu liên miên để rồi bây giờ đúng ngay vào lúc ta không muốn ai quấy rầy thì bà ấy xông vào, không chịu một lời báo trước!”
Bây giờ đầu óc đã trở lại bình tĩnh sau cú sốc khi nghe tiếng gõ cửa, hắn lại thấy tình hình thật kích động.
Gọi là sốc vẫn chưa đủ diễn tả. Lúc đó hắn đang quỳ bên cái xác bất động của Lucille Balu, đang tháo sợi dây siết trên cổ cô gái. Tiếng gõ cửa như đóng đinh hắn xuống sàn. Lúc đó hình như tim hắn không còn nhảy nữa. Máu như đông cứng lại khắp thân mình và đầu óc như trống rỗng vì hoảng sợ. Giai đoạn ấy thật là tệ hại nhưng đồng thời cũng là thử thách sức chịu đựng của hắn.
Ngay từ lúc đầu hắn đã biết rằng nếu thực hiện ý định giết người thì sớm muộn gì sự thử thách cũng tới và hắn phải cần vận dụng hết sự can đảm và lanh trí để cứu cái đầu của mình. Nhưng đâu có ngờ là biến cố đến thình lình ngay như thế? Cô gái mới vừa tắt thở thì đã nghe tiếng gõ cửa bên ngoài rồi.
Hắn vội vã đè nén cơn hoảng hốt và thấy rằng chỉ còn vài giây đồng hồ để hành động, hắn kéo lê cái xác Lucille lúc này sao mà cồng kềnh nặng nề quá. Dù sao hắn cũng đưa được vào phòng ngủ của hắn, đặt cô ta lên giường rồi đi ra phòng khách lượm sợi dây lên, nhét ngay vào túi.
Một diễn biến phức tạp không tiên liệu được đã xảy ra: đó là trong giây phút giằng co ngắn ngủi mà dữ dội giữa họ, sợi dây đeo chuỗi của cô gái bung ra và các viên ngọc lăn tròn trên đất.
Đó là những viên ngọc màu xanh, to như hạt đậu lớn và tuy dễ thu hồi lại nhưng không còn thì giờ để giấu đi được.
Hắn đang nhặt viên cuối cùng thì nghe có tiếng khóa tra vào ổ khóa, hắn chạy vội vào phòng, khép lại không tiếng động nào trong khi cánh cửa ngoài vừa mở ra.
Hắn chưa hoàn hồn thì nghe tiếng Sophia gọi.
Lúc đó hắn tự tán thưởng là ngày thường vẫn mang đôi kính râm: nhất định hắn sẽ giữ được nét mặt thản nhiên nhưng không thể giấu nổi vẻ bối rối trên đôi mắt nếu Sophia bắt gặp.
– Thật là ngu ngốc. – Hắn lặp lại. – Tôi thành thật xin lỗi Sophia. Cô ta thật xinh mà tôi thì đang thấy chán quá (hắn cầm hộp thuốc ở trên bàn và đưa cho nàng). Dì hút một điếu nhé?
Sophia lắc đầu, giọng lạnh lùng:
– Tôi không hiểu tại sao anh lại dám làm như thế.
Hắn đốt thuốc, vừa vui sướng vừa hãnh điện là thấy đôi bàn tay không run lên chút nào.
– Không hiểu dì có biết tôi đôi khi cô đơn đến thế nào không? – Hắn lên tiếng, cho rằng đây là lối nhập đề hiệu quả nhất. – Dì còn có cha tôi chứ tôi chỉ có một mình. Cha tôi không bao giờ quan tâm đến tôi cả. Ông ấy bận nhiều việc quá nên không thể quan tâm tới ai ngoài dì ra. Con nhỏ kia ngồi một mình phía dưới tiền sảnh và có vẻ như cũng cô đơn, lạc lõng. Chúng tôi làm quen với nhau và cô ta đề nghị cùng đi chơi đâu đó một lúc. Ô, không phải tôi nói để bào chữa đâu. Tôi cũng thích cô ta và nếu đừng cả quỷnh lắm thì tôi cũng có thể lên tiếng đề nghị trước… Vì không biết dẫn cô ta đi đâu nên tôi đưa lên phòng này.
Qua cặp kính râm hắn quan sát nét mặt Sophia và thấy nàng dịu dần. Nàng đã xích tới chăm chú nghe hắn nói, ấn người trên rìa cái bàn. Hắn biết là nàng quan tâm tới hắn. Hắn tiếp:
– Thật là lạ lùng. Lúc ở dưới tiền sảnh tôi thấy cô ta thật là hay, nhưng khi lên trên này thì lại thấy chẳng ra sao cả… Chắc là vì phải đối điện với cô ta trong khung cảnh quen thuộc như thế này… Nhưng dù sao thì tôi cũng thừa nhận đưa cô ta về đây là một hành động không nên không phải chút nào.
– Tôi hiểu, – Sophia trả lời.
Hắn nhận thấy giọng nàng đã bớt nghiêm khắc hơn nên tiếp:
– Lúc đó tôi chỉ còn có một ý định là tống cổ cô ta đi càng nhanh càng tốt. Nhưng tôi không biết cư xử thế nào: chỉ sợ cô ta làm ầm lên… Và đúng lúc bối rối ấy thì dì về gõ cửa. Thật là ơn dì vô cùng. Chẳng biết làm sao đẩy cô ta đi thật êm thấm.
Sophia chợt thấy lo lắng.
– Cô ta có nghe chúng ta nói chuyện với nhau không? – Nàng liếc mắt nhìn về phía cửa phòng và hỏi.
Hắn nghiêng mình gạt tàn thuốc.
– Ồ không. Tôi đã nhét cô ta vào phòng tắm và khóa cửa lại rồi (hắn không cưỡng nổi ý tưởng muốn đùa một chút thật ghê rợn). Cô ta không nghe chúng ta nói đâu. Dì cũng biết, cô ta giả chết rồi!
Sophia không nghe hắn nói gì. Nàng bước đến bên cửa sổ để nhìn ra mặt biển lấp lánh ánh mặt trời. Nàng nói:
– Phải nói rằng anh làm tôi ngạc nhiên đấy, Jay ạ. Anh thật không phải tí nào khi đem đàn bà về nhà này.
– Tôi hiểu… Tôi rất lấy làm xấu hổ. Xin lỗi Sophia. Nàng quay mình lại, môi gắng nở nụ cười.
– Thôi đừng nói nữa. Tôi chắc rằng anh sẽ không bao giờ tái diễn chuyện này (nàng bước về phía phòng ngủ mình). Bây giờ tôi đi tắm. Tôi về chỉ là để lấy áo may ô thôi.
Jay chợt như thấy sướng rơn lên vì thắng lợi. Hắn đã thoát ra được trong cuộc thử thách đầu tiên. Thật quá dễ dàng. Phải công nhận rằng hắn đã trải qua một phần tư tiếng đồng hồ quá nhiều cực nhọc! Nếu mất bình tĩnh chỉ một chút thôi là kết quả sẽ tệ hại không thể nào lường được. Hắn nở nụ cười thật ngây thơ.
– Cảm ơn Sophia. Dì thật có quá nhiều thông cảm với lớp trẻ. Theo dì thì có nên nói chuyện này với ba không?
– Không, tôi sẽ không nói gì với ông ấy cả, – nàng hứa.
Nàng bỗng chú ý đến một vật xanh xanh nằm dưới cái ghế nên cúi xuống nhặt lên.
– Chà, cái này ở đâu ra thế này? – Nàng hỏi trong khi đặt lên bàn một hạt ngọc của chuỗi trang sức bị đứt.
Một lần nữa Jay lại suýt đi đến mức hoảng loạn khi nhìn thấy viên ngọc. Hắn cố lấy giọng thản nhiên:
– Ồ thật là đẹp. Chắc chắn không phải của dì à?
– Nhất định là không rồi!
Giọng gay gắt của Sophia khiến hắn hiểu là không nên chơi trò tảng lờ nữa. Hắn chỉ vào phía cửa phòng, thấp giọng:
– Chắc là của cô ta thôi. Hẳn là cô ta đánh rơi.
Sau khi liếc nhìn hắn kiểu khó chịu và dò hỏi, Sophia bước về phòng mình nhưng không khép cửa lại.
Jay giơ tay vơ viên ngọc bỏ vào túi mình. Sau khi Sophia đi rồi nhất định hắn phải lục lọi kỹ cả phòng không còn để sót xó góc nào cả. Rủi ro làm sao mà bà ấy lại thấy viên ngọc kia! Nếu suy nghĩ kỹ có thể bà ấy hiểu rằng có một chuỗi ngọc và nếu liên hệ với vết trầy xước trên cánh tay hắn thì dễ biết ngay là có sự giằng co, cưỡng bách…
Sophia đi ra khỏi phòng, đã mặc may ô và khoác cái áo tắm trên tay.
Jay mở cửa cho nàng.
– Một giờ nữa tôi sẽ trở về, – nàng vừa nói vừa liếc về phía cửa phòng một cách có ý nghĩa.
Nàng đi thật nhanh trên hành lang như muốn trốn chạy.
Jay nhìn theo một lúc rồi khép cửa lại. Đồng hồ trên tay hắn chỉ bốn giờ ba mươi.
Hắn lục soát căn phòng khách thật nhanh để tìm các viên ngọc. Hắn thấy được một viên nữa nằm dưới ghế sofa và rồi nhìn bao quát để biết đó là viên cuối cùng.
Hắn cột lại sợi dây mắc màn vào chỗ cũ rồi quay nhìn phòng khách để thấy không còn dấu vết nào chứng tỏ có cuộc vật lộn vừa qua. Hắn thỏa mãn châm điếu thuốc, bước đến bên cửa sổ và nhìn xuống ba vết cào trên cánh tay.
Đứa con gái vùng vẫy chống cự thật dữ. Sợi dây đã ngăn tiếng kêu la nhưng cô ta đã giãy bung ra được một chút và giơ tay quào một cái trước khi ngất đi. Hắn đã ngạc nhiên và sợ hãi không biết tại sao một con người mảnh mai như cô ta lại có thể vùng vẫy mạnh như thế và có lúc hắn tưởng rằng không thể trấn áp nổi cô ta.
Hắn bước qua phòng ngủ của mình, tránh nhìn cái giường và đi vào phòng tắm. Hắn rửa sạch máu trên cánh tay, thoa thuốc sát trùng rồi rửa tay. Trong lúc chùi tay hắn suy nghĩ những điều phải làm tiếp theo.
Nếu tính đến việc sáng mai thật sớm mà đem vứt xác đi thì thật vụng tính vô cùng. Dân cư Plazza không bao giờ đi ngủ trước ba giờ sáng cả. Như vậy hắn còn mười hai tiếng đồng hồ trước mắt để toan tính. Thế mà trong khoảng mười hai giờ đó trừ phi hắn tìm được mưu mô nào khác còn không thì người ta sẽ biết rằng cô gái đã bị mất tích.
Hắn lại chợt nhớ đến câu chuyện trao đổi giữa cô gái và người đàn ông bé nhỏ tóc đen, chắc là ông bầu của cô ta. Họ đã hẹn nhau nơi quầy rượu của khách sạn vào lúc sáu giờ. Phải ngăn chuyện đó lại mới được vì nếu không gặp cô gái, người kia sẽ thắc mắc và đi tìm.
Hắn quay ra phòng khách, mắt vẫn tránh nhìn cái giường, và đi đến nơi ngăn kệ cha hắn để các hồ sơ cùng các tấm phích không bao giờ rời ông. Chỉ liếc mắt nhìn lên quyển Niên bạ điện ảnh là hắn nhận ra đoạn ghi ngắn về hoạt động điện ảnh nay đã đứt đoạn của Lucille Balu. Hắn thấy cô ta được hai mươi mốt tuổi, đã đóng năm phim và có ông bầu là Jean Thiry.
Jay đóng quyển sách lại để vào chỗ cũ và nhấc ống điện thoại gọi tổng đài nhờ tiếp xúc với bộ phận phụ trách việc nhắn tin.
Hắn biết rằng khó có thể truy tầm xem cú điện thoại này từ đâu đến. Hai cô ở phòng nhắn tin bận túi bụi suốt ngày và sẽ rất ít hy vọng các cô còn nhớ được ai với ai.
– Xin nhờ cô chuyển tin hộ đến ông Jean Thiry vào lúc sáu giờ. Tôi xin đọc: “Tôi đi chơi tối ở Monte Carlo. Sẽ gặp anh sáng mai. Ký tên: Lucille Balu”.
Người kia đọc lại lời nhắn tin, hứa là sẽ chuyển cho ông Thiry rồi cúp máy.
Jay biết rằng bà dọn phòng sẽ đến vào lúc sáu giờ để thu xếp giường chiếu. Hắn bước vào phòng ngủ và khép cửa lại.
Hắn nhìn xác cô gái nằm dài trên giường. Cô ta đang nằm nghiêng, hơi co người lại, quay lưng ra ngoài. Trông cô như đang ngủ.
Hắn nhìn quanh tìm chỗ giấu xác, thấy một cái tủ áo có khóa kê sát vào tường, hắn quyết định tạm đưa vào đó.
Hắn hơi cảm thấy ngại ngùng khi nghĩ đến việc đụng chạm vào cô gái nhưng hắn lại lấy được bình tĩnh ngay. Hắn đến mở toang hai cánh cửa tủ áo rồi đi về phía giường nâng cô gái lên.
Lạ làm sao là cô ta nặng quá. Đặt cô vào tủ áo xong, Jay thấy như ngút thở.
Khỏe được một chút rồi hắn vặn một vòng khóa tủ lại. Hắn bỏ chìa vào túi, ra tủ nhỏ lấy cái quần tắm rồi mở cửa vào phòng khách. Hắn xớt hộp thuốc lá trên bàn rồi đi ra khóa cửa căn hộ.
Hắn hướng về phía thang máy và bấm nút gọi.
Từ chỗ núp, Joe Kerr đứng nhìn hắn dò xét. Gã có dáng lưỡng lự và thất vọng. Gã cứ tưởng chuyện may mắn nhất đời đã đến ngay, không ngờ nó cứ kéo dài lê thê. Cứ tưởng có chuyện vật lộn phát sinh tai tiếng để cho gã có cớ nhào vào căn hộ với cái máy ảnh, không ngờ chẳng có cái quái gì hết.
Sophia Delaney đã mặc áo tắm rời phòng, rồi bây giờ lại đến lượt cậu Delaney.
Thế còn cô gái thì sao? Tại sao cô ta lại không đi ra như họ?
Joe đã thấy chàng thanh niên khóa cửa lại. Như thế thì dù cô gái có muốn cũng không thể nào đi ra được. Cái quái gì thế này?
Joe lén lút nhìn suốt dãy hành lang vắng tanh rồi rời chỗ núp bước đến căn hộ số 27. Hắn áp tai vào cửa nhưng không nghe gì cả. Ngập ngừng một lúc gã giơ tay gõ nhiều lần nhưng cũng chẳng thấy bên trong có động tĩnh gì. Hắn ngập ngừng bước lui lại.
Chắc chắn là cô gái còn ở trong đó. Hay là cậu ấm Delaney ngăn cô đừng lên tiếng.
Gã chợt cảm thấy có người dò xét liền lướt nhanh khỏi cánh cửa với vẻ tự nhiên rồi đưa mắt nhìn quanh.
Nơi đầu hành lang phía cầu thang, gã nhận ra dáng mập mạp to sồ của người thám tử riêng thuộc khách sạn.
Làm dân nhà báo bao nhiêu năm cũng không phải là vô ích nên gã nhanh trí bước thẳng đến chỗ người thám tử đang nhìn gã bằng cặp mắt nghi ngờ. Khi đến gần khoảng vài bước gã lên tiếng hỏi:
– Hình như ông Delaney vắng nhà phải không?
– Đúng là không rồi, – người kia trả lời khô khan. – Anh có hỏi dưới văn phòng không?
– Tất nhiên là có, – Joe lấy giọng thật mềm mỏng. – Người ta bảo rằng có ông ấy ở đây.
– Đấy là người ta nói ông Delaney con, nhưng mà ông ấy cũng vừa mới đi ra. Hẳn là không phải người anh muốn gặp?
Joe hơi nhăn mặt lại.
– Không. Nhưng chẳng hề gì. Chốc nữa tôi sẽ trở lại.
Gã bước qua người thám tử và theo thang gác xuống từng bậc một vừa đi vừa huýt sáo vì biết chắc người kia đang nhìn theo.
“Không may chút nào, Joe nghĩ trong khi gạt tay len lỏi qua đám người chen chúc nơi tiền sảnh. Không biết thằng cha còn ở đó bao lâu nữa. Dù sao thì nếu cậu ấm Delaney chưa về thì cô gái chưa đi ra được”.
Gã đến tìm người gác khách sạn.
– Khi nào có người trong nhà Delaney trở về thì anh báo cho tôi biết nhé. Tôi ở phía quầy rượu. Anh chớ quên, quan trọng lắm đấy.
Gã tiếc rẻ khi phải rời bỏ tờ một ngàn quan. Người gác cửa bỏ túi tờ bạc, gật đầu rồi bước đi.
Joe bước vào một cabin điện thoại nhờ tổng đài gọi số của Delaney.
Bên kia sau một lúc im lặng có tiếng trả lời:
– Thưa ông rất tiếc. Không có ai cầm máy lên cả.
Joe lại len lỏi đi về phía quầy rượu. Lúc đẩy cánh cửa, gã thấy đồng hồ chỉ năm giờ kém năm.
Vào giờ này quầy rượu gần như vắng người. Người bán kinh ngạc khi thấy Joe gọi một đĩa jambon, khúc bánh mì, chén bơ và ly uýtki đôi.
Gã tin chắc là cô gái còn ở bên trong căn hộ nên quyết định chờ cô ta ra cho dù phải đứng cả đêm trước cửa phòng 27.