Thằng Khùng

CHƯƠNG 8



Ánh nắng xoáy vào gáy, Jay bước thong thả trên đường phố Antibes, hai tay đút túi quần bằng vải bông kẻ sọc, đôi mắt ẩn sau cặp kính râm.
Đi tới góc phố Foch thì hắn dừng lại.
Ginette đã cho hắn biết tiệm cà phê Quả cầu Vàng nằm ở giao lộ hai con phố. Chắc khách sạn Beau Rivage cũng không xa đây lắm.
Jay hơi ngần ngừ một chút trong khi một cô gái uốn éo trong chiếc rốp vải hoa, tay cắp cái túi to tổ chảng bước vào khách sạn, theo sau là một người đàn ông tóc nâu với bộ cánh lòe loẹt.
Jay bước qua đường và dừng lại trước Quả cầu Vàng. Đó là một tiệm cà phê nhỏ xíu nhưng được cái sạch sẽ, tiếp đón ân cần; ở hàng hiên kê năm cái bàn theo một hàng ngang dưới cái tấm bạt bằng vải xanh và trắng.
Ngồi vây kín bốn cái bàn là đám thanh niên đi nghỉ hè đang thưởng thức ly cam vắt hay nhấm nháp các cốc kem. Họ thờ ơ nhìn Jay bước vào ngồi cạnh cái bàn còn trống.
Hắn liếc nhìn trong căn phòng tối tăm và mát rượi. Một người đàn ông thấp béo, trạc năm mươi tuổi ngồi sau quầy. Gương mặt đầy thịt và nước da rám nắng, mái tóc bạc trắng cắt cao, đôi mắt xanh lóng lánh chỉ rõ ngay xưa lão là dân đi biển. Đó là Jean Bereut, cha của cô gái Ginette.
Ngay khi đó cô xuất hiện ở phía cuối tiệm và bước lại gần bàn Jay. Hắn ngẩng cao đầu chào:
– Hêlô! Tôi đi ngang qua đây..
– Không nên để ông già tôi biết, – mặt cô đỏ rần và thì thầm.
Cô mặc chiếc rốp ngắn màu xanh nhạt, tóc buộc ra phía sau bằng một rải ruy băng xanh. Hắn thấy cô thật duyên dáng và bất giác cũng cảm thấy đỏ mặt.
– Xin cô cho tôi một ly vermouth với đá cục, – hắn nói rồi vội vã thầm thì – đêm nay tôi có mặt ở bến tàu. Tôi sẽ gặp cô chứ?
– Vâng, tôi sẽ đến.
Jay vừa nói vừa hất cằm chỉ cho cô gái thấy khách sạn Beau Rivage:
– Tôi sẽ chuyển khách sạn. Cô có biết cái kia không? Nó có tốt không?
Ginette trợn mắt.
– Ồ, không nên trọ ở đây! Đó là một ổ điếm đấy.
– Tôi không được biết.
Jay ngả người ra phía sau ghế và ngước mắt nhìn cô. Hắn thấy một nốt ruồi nhỏ ngay dưới cằm cô gái và phải khó khăn lắm mới kìm được ý muốn ôm hôn cô. Hắn nói tiếp:
– Chắc cô biết nhiều các khách sạn khác. Chỗ nào không đắt lắm.
– À…, – cô gái ngập ngừng nói, – ở đây chúng tôi có vài phòng nhưng tôi e rằng anh sẽ thấy hơi…
Jay toét miệng cười.
– Nếu cô nhìn thấy chỗ tôi đang ở hiện nay! Tất nhiên cũng khá sạch sẽ nhưng không có gì đặc biệt cả. Tôi cần phải đổi chỗ trọ. Nếu tôi có thể thuê một phòng ở đây…
– Được lắm. Giá thuê là năm trăm quan một ngày. (Ginette rụt rè liếc nhìn hắn). Đắt quá phải không?
– Không, giá đó có thể thuê được. Nếu tôi quyết định đổi chỗ ở, tôi sẽ trực tiếp nói với ông già cô.
Jay không biết vì sao tự nhiên hắn lại thích nói chuyện với cô gái. Hắn muốn giữ chân cô gái ở bên hắn nên cần phải tạo ra một cái cớ để kéo dài câu chuyện.
– Anh có định ở lâu không? – Cô gái hỏi.
– Ồ không lâu lắm đâu! Tôi phải đi Venise trong khoảng tuần tới. Hắn mừng thầm trong bụng khi nhận thấy cô gái có vẻ thất vọng.
– À vâng!… Tôi phải làm việc, – cô vừa nói vừa bỏ đi.
– Hẹn tối nay nhé. Tôi chờ cô đấy.
Cô hơi khẽ gật đầu và đi vào cuối phòng. Jay uống cạn ly rượu và đốt điếu thuốc khác. Sau một lát, hắn dứng lên đặt tờ năm trăm quan lên mặt quầy.
Bereut thối lại tiền và nở một nụ cười thân thiện nói:
– Thưa ông, lần sau mời ông quay lại, chúng tôi rất hoan nghênh.
Jay cảm ơn và bước ra con đường chói chang ánh nắng, đi thong thả qua khách sạn Beau Rivage.
Hắn liếc nhìn một người phụ nữ khổng lồ ngồi sau bàn tiếp tân: bà ta có mớ tóc hung và chiếc áo lót như muốn bật tung ra dưới hơi thở của bộ ngực đồ sộ.
Jay nghĩ thầm “Đó là mụ Brossette trứ danh đấy! Mụ ta có vẻ khỏe như một tên Thổ!” Hắn cảm thấy ớn khi nghĩ mình phải ra tay giết mụ. Chẳng ngon ăn như cô gái Lucille Balu mảnh mai và duyên dáng đâu.
Hắn đi dọc vỉa hè có bóng râm xen lẫn những chỗ ánh nắng gay gắt rồi bất chợt hắn dừng phắt trước một tủ kính của một tiệm bán đồ trang sức.
Ngay giữa tủ kính có bày một chuỗi vòng đeo cổ bằng những hạt lớn ngọc lam. Những viên ngọc lam giống hệt như chuỗi vòng của Lucille Balu mà hắn vứt từng hạt một xuống dưới nước ở bến tàu.
Những viên ngọc này như thôi miên hắn. Hắn tự nhủ: “Trời cho ta gặp may rồi.”
Hắn bước vào tiệm và hỏi mua chuỗi ngọc đáng giá bốn nghìn năm trăm quan. Khi người bán hàng định gói lại thì hắn giơ tay ngăn.
– Khỏi cần. Tôi nhét vào túi như thế này cũng được rồi.
Hắn nhét vào túi và đặt tờ giấy năm nghìn quan lên mặt quầy, đút tiền thối vào túi và bước ra khỏi tiệm. Một vài mét bên cạnh đó, hắn bước vào một tiệm cắt tóc hỏi mua một con dao cạo có cán.
Người thợ cắt tóc rõ ràng ngạc nhiên. Gã ca ngợi với người khách những ưu điểm của loại dao cạo chạy điện nhưng Jay bướng bỉnh lắc đầu, cười nhạt nói:
– Không. Tôi cần con dao ngắn kiểu cũ. Phải đúng như thế. Nhưng hình như ông không có thì phải.
Phải sau một lát lục lọi khắp nơi, gã thợ cạo mới đặt lên quầy một con dao cạo, lưỡi sáng loáng dưới ánh nắng mặt ười.
– Đúng là thứ tôi cần, – Jay nói.
Hắn trả tiền, nhét vào túi cả bao và con dao rồi lại lượn qua trước mặt khách sạn Beau Rivage. Một cô gái còn trẻ ngồi thay mụ Brossette. Đó là một con nhãi bẩn thỉu, gầy gò, da mặt rám nắng và ngồi ngáp vặt trước tờ báo mở rộng, luôn giơ tay lên gãi đầu với vẻ buồn thiu.
Jay cảm thấy dại dột nếu có ý định ra tay ngay trước khi trời tối; hắn nghiên cứu kỹ lưỡng địa thế nơi này rồi quay trở về khách sạn Plazza. Tin tức về vụ giết người lúc này nổ ra như một trái lựu đạn ngay giữa các tay ký giả đang xúm đông xúm đỏ nơi đại sảnh khách sạn.
Trong hơn nửa tiếng đồng hồ lẵng nhẵng bám quanh ông thanh tra Devereaux, họ hy vọng móc thêm một chi tiết đặc sắc gì nữa không. Nhưng ông này đang bận tổ chức việc lùng sục gã Joe Kerr và tránh không muốn nói lộ ra sớm quá những kế hoạch của ông.
Khi Jay bước vào khách sạn, tiếng người bàn tán xôn xao, ầm ĩ khiến hắn hiểu mọi người đã hay tin một cô gái bị ám sát rất bí mật ngay trong khách sạn.
Cố không để một ai chú ý đến hắn, Jay len lỏi qua đám đông bước vào thang máy lên lầu hai. Đứng trong thang máy, hắn thò tay vào túi đựng súng lục, dứt đứt sợi dây xâu các hạt ngọc.
Khi lên tới lầu hai, hắn bước ra khỏi thang máy và thong thả đi trong hành lang.
Tới căn hộ số 27, hắn dừng lại, lấy từ trong túi ra hộp thuốc lá và hơi ngoái đầu về phía sau nhìn lại.
Một gã đô con vững chãi như cái tủ đá ngồi chồm hổm trên cao của thang gác. Gã đưa mắt nhìn hắn.
Jay hờ hững châm thuốc và đến gõ cửa căn hộ số 30 là phòng trọ của Merril Ackroyd, một đạo diễn khá thân cận với cha hắn. Jay biết ông này vừa đi Paris hai ngày và mới trở về sáng nay.
Jay cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, hắn nghe thấy tiếng chân bước ở bên trong và cửa mở.
Ackroyd thân hình bé nhỏ mảnh dẻ với mái tóc cắt cao, khuôn mặt bảnh trai, rám nắng. Ngạc nhiên thấy Jay nhưng ông vẫn cười toác miệng với hắn.
– Chà, té ra là anh. Vào đi, Jay! Tôi vừa mới trở về.
Jay theo chân ông vào phòng khách nhỏ. Hắn nói:
– Tôi tự hỏi không biết ông về chưa. Ông đi đường bình yên chứ?
– Tuyệt lắm!
Ackroyd thắc mắc không biết cuộc viếng thăm này có ý nghĩa gì nhưng ông không muốn làm mếch lòng người con trai của Floyd Delaney. Ông mời mọc:
– Anh dùng một ly nhé? Anh đã biết vụ ám sát chưa? Lúc này người ta chỉ bàn tán mãi về chuyện đó. Có đúng là Lucille Balu không?
– Đúng. Khách sạn đầy nhóc các anh cớm.
Hắn bước lại gần các tấm rèm không bị cột bởi các sợi dây mà buông thẳng xuống.
– Chà vụ này mới khủng khiếp làm sao! Ackroyd la lên với vẻ khích động. – Anh chờ tôi một chút nhé, tôi chưa kịp lấy đồ đặc trong va li ra nhưng trong đó có một chai uýtki hiệu White Label. Để tôi đi lấy đãi anh.
Ông biến sang phòng bên cạnh.
Jay gỡ sợi dây buộc màu hồng điều ở cái móc ra rồi quấn vào ngón tay và nhét vào dưới áo sơ mi. Hắn lấy hai viên ngọc xanh trong túi và búng cho chúng lăn xuống gầm ghế trường kỷ.
Khi Ackroyd quay lại với chai rượu trong tay thì Jay đã ngồi bảnh chọe trong chiếc ghế bành.
– Con nhỏ thật đáng thương. – Ackroyd thở dài nói và rót rượu uýtki ra hai ly. – Tại sao lại có một kẻ nào dám làm như vậy? Ông già anh nghĩ như thế nào? Hình như ông ấy có ý định ký một hợp đồng với cô ta thì phải.
– Tôi không rõ ông già đã biết chuyện này chưa, – Jay trả lời với vẻ ngây thơ. – Ông ấy đi Nice khi quả bom nổ ra.
Giơ chiếc ly lên, hắn cảm thấy tự hào vì tay hắn không run. Ackroyd nói tiếp:
– Theo ý tôi thì vụ này là do một thằng khùng gây nên. Tôi mong sao người ta sớm tóm cổ y! (Ông làm một hơi cạn). Khổ cho con nhỏ! Và tôi thương hại thằng cha Thiry. Trong chuồng của hắn không còn một con gà mái nào đáng giá cả.
– Ông được xem nhiều buổi trình diễn tuyệt vời ở Paris chứ? – Jay đột ngột chuyển đề tài câu chuyện.
Lời Ackroyd làm hắn thấy bứt rứt. Quỉ quái thế nào mà mọi người cứ tin rằng một thằng điên nào đó đã giết chết cô gái?
– Không có gì hay ho cả, – Ackroyd đáp.
Ông kể qua về chuyến đi Paris và hỏi Jay với vẻ ân cần hắn có muốn làm thêm ly thứ hai không.
– Không, cảm ơn. Đã đến lúc tôi phải chuồn đây, – Jay vừa nói vừa đứng lên. – Ông có định đi Nice không?
Ackroyd nhổm người lên trong chiếc ghế bành.
– Tôi đã hứa cùng ăn trưa với ông già anh. (Ông liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay) Chà! Thế mà đã quá mười hai giờ trưa rồi!
Ông tiễn Jay ra cửa. Đúng lúc bước qua cửa, Jay nhìn thấy Guidet và ba anh cớm khác đang bước vào một căn hộ ở gần cuối hành lang. Họ không nhìn thấy hắn và Jay bình thản trở về căn hộ của mình.
Khi đã vào buồng, hắn rút sợi dây buộc ở phòng Ackroyd dưới lần áo sơ mi ra rồi cất vào trong những ngăn kéo của cái tủ com-mốt cùng với lưỡi dao và những hạt ngọc còn lại. Hắn khóa ngăn kéo, cất chìa khóa vào túi rồi lại bước ra ngoài hành lang với cái khăn và áo bơi vắt trên cánh tay.
Người thám tử riêng của khách sạn ngồi canh ở vị trí trên cao liếc nhìn hắn với vẻ dửng dưng.
 
***
 
Lúc này hơn ba giờ chiều khi chuông điện thoại reo vang trong văn phòng của Devereaux đặt tạm thời tại khách sạn.
Người gọi là Guidet.
– Ông thầy, mời ông lên lầu hai, – Guidet nói với vẻ khích động. – Chúng tôi đã tìm ra căn hộ nơi cô gái bị giết rồi.
– Không rỡn đấy chứ! – Devereaux kêu lên và vụt đứng dậy. – Tôi đến ngay.
Và ông hấp tấp chui vào thang máy đi lên lầu hai gặp Guidet đang chờ ở trước cửa căn hộ số 30.
– Sao? Devereaux nôn nóng hỏi.
– Một sợi dây cột tấm rèm bị mất và tôi tìm thấy ở dưới đất hai viên ngọc trên chuỗi vòng cổ của cô gái.
Một nụ cười đắc thắng làm bừng sáng gương mặt Devereaux.
– Vụ này bắt đầu rõ nét rồi đây. Ai trọ ở căn hộ này? Vesperini bước lại gần.
– Ông Merril Ackroyd. Đó là một nhà đạo diễn nổi tiếng. Tối hôm qua ông ta còn ở Paris và chỉ vừa mới trở về. Ông ta trở về lúc mười giờ một khắc.
– Như vậy buổi tối hôm qua căn hộ này không có người?
– Vâng đúng vậy.
Devereaux bước vào và đưa mắt nhìn quanh.
– Thế còn những viên ngọc?
– Chúng nằm ở dưới ghế trường kỷ. Tôi vẫn để chúng nằm yên tại đây chờ ông nhìn thấy tận mắt.
Hai anh cớm dịch chiếc trường kỷ để lộ ra hai viên ngọc nằm trên tấm thảm.
Devereaux cúi xuống quan sát nhưng không chạm tay vào.
– Không thấy các viên khác à?
– Không.
– Chắc trong khi vật lộn, chuỗi vòng cổ bị đứt tung ra. Những viên ngọc rơi tản mát trong căn phòng và tên sát nhân còn bỏ sót hai viên này. Thế anh nói là còn thiếu mất một sợi dây buộc phải không?
Guidet kéo những nếp gấp của tấm rèm ra. Sợi dây ở bên trái thì vẫn còn nhưng cái ở bên phải thì đã biến mất.
– Cứ để nguyên những viên ngọc nằm ở đấy mà chụp ảnh, – Devereaux ra lệnh. – Và xem có dấu tay trên chúng không?
Ông quay sang Vesperini hỏi:
– Chắc chắn căn hộ này được khóa khi ông Ackroyd đi vắng chứ?
– Vâng, đúng như vậy.
– Ấy thế mà có kẻ nào đã lẻn vào đây. Làm thế nào lại xảy ra điều đó?
Vesperini nhún vai.
– Một kẻ nào đó có thể có chiếc chìa vạn năng nhưng theo tôi thì điều đó ít xảy ra. Một đôi khi các nữ hầu phòng cứ để cả chùm chìa khóa ngay ở trong ổ trên cánh cửa khi họ làm vệ sinh phòng…
Devereaux nói với người phụ tá:
– Anh cho người lấy dấu tay trong khắp căn phòng này. Tuy mất nhiều thời gian nhưng tôi yêu cầu phải thực hiện thật chu đáo. – Ông nói thêm với Vesperini: Ông cho chuyển ông Ackroyd sang một căn hộ khác được chứ? Những người của tôi phải niêm phong căn hộ này ngay sau khi họ xong công việc.
Vesperine ngoan ngoãn đồng ý. Devereaux rời khỏi căn phòng và hất tay ra hiệu cho Guidet đi theo ông. Ông nói:
– Ngay bây giờ cần phải tìm gấp Kerr. Tôi sẽ thông báo nhân dạng hắn với báo chí và, nếu đến hết trưa nay mà ta chưa tóm được hắn thì tôi cho phép các tờ báo ra buổi chiều đưa tin về hắn.
– Tuân lệnh, – Guidet nói. – Ông cung cấp cho họ một bài viết thông thường: may ra chúng ta thu nhận được những tin tức hữu ích về…?
– Đúng như thế. Trong khi đó anh đi tìm cho tôi Thiry và hỏi xem ông ta có nhận ra những viên ngọc không. Cho cả người gác cửa xem nữa.
Để Guidet sử dụng thang máy, Devereaux đi vào hành lang ở đó các phóng viên chận đường ông lại.
Ông cho họ biết ông đang nôn nóng muốn tìm thấy Kerr và trao đổi với họ một lát nhưng cố tránh trả lời những câu hỏi thật cụ thể của họ.
Khi ông trở về văn phòng thì Guidet đang chờ để báo cáo:
– Người gác cửa nhận ra những viên ngọc này nhưng tôi không tìm được Thiry. Chắc ông ta ngồi ở rạp xi nê. Chúng tôi đã phát hiện một dấu vân tay rất rõ trên một trong hai viên ngọc.
– Chà tuyệt quá, – Devereaux vừa nói vừa ngồi sau bàn giấy. – Mặt khác tôi được một tay phóng viên của báo Nice Buổi Sáng cho biết Kerr trọ tại một khách sạn ngay trên phố Antibes.
– Chúng tôi đã phái người đi lùng sục tại các khách sạn trong khu vực này. Chúng tôi bắt đầu ngay từ chính phố đó.
– Thế các anh vẫn không thấy hắn à?
– Không.
– Thế thì phải bắt đầu kiểm tra lại. Có thể hắn trốn ở một góc nào đó. Anh cử cho tôi hai mươi người đến đấy và bảo với họ nếu không tìm thấy Kerr thì đừng có trở về. Bảo họ điều tra nơi các người bán hàng.
Guidet lộ vẻ ngạc nhiên.
– Hỏi những người bán hàng?
– Đúng. Có thể họ nhìn thấy hắn ra vào khách sạn. Tôi muốn phải tìm cho bằng được hắn, anh nghe rõ lời tôi chưa?
– Tôi tìm thấy một dấu tay trong thang máy tương tự như dấu tay ở trên viên ngọc. Tôi đã gửi đến Sở cảnh sát để họ đưa vào hồ sơ lưu trữ.
Một chuyên viên về căn cước bước vào phòng báo cáo: Devereaux lẩm bẩm:
“Nếu đúng là dấu tay của Kerr thì số phận hắn đã giải quyết xong.”
Ông nóng nảy ra hiệu cho Guidet lui ra, gật đầu cảm ơn người chuyên viên và lại cắm cúi vào đống hồ sơ ghi chép xếp thành chồng cao trên mặt bàn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.