Thằng Khùng

CHƯƠNG 4



Ngay cả ông chồng, mọi người không ai biết rằng dưới thân hình xinh đẹp của Sophia là cả một bộ giáp sắt được tạo thành bởi một thời thơ ấu cùng khổ, xấu xa. Ít người biết được rằng Sophia đã lớn lên trong những khu nhà lá của thành phố Naples.
Từ lúc chập chững biết đi, nàng đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của hải cảng cùng với bọn trẻ gớm ghiếc, rách rưới bu quanh đám du khách giơ hai bàn tay đầy đất cát, đồng ca chữ tiếng Anh độc nhất học thuộc lòng “Money, money…”
Buổi tối nàng trở về căn nhà bé tí xíu làm bằng hai cái thùng gỗ và tấm tôn che bên trên. Nàng sống ở đấy với cha, một người Ý phè thấp có đôi mắt đen lạnh lẽo của một tên cướp, cả đời không hề động đến móng tay móng chân.
Mỗi lần Sophia đem về nhà không được năm trăm lia thì cha nàng kẹp trong cánh tay, vén chiếc váy tả tơi lên và lấy dây nịt quất quắn đít.
Nàng kéo dài cuộc sống đó đến năm mười ba tuổi. Thế rồi vào một buổi tối nàng trở về nhà không đủ năm trăm đồng đòi hỏi, đang run sợ trận đòn phải chịu thì thấy người cha nằm co quắp trên mớ giẻ dùng làm nệm với một con dao cắm lút cán trên ngực.
Nàng đứng nhìn thật lâu để tận hưởng mọi nỗi vui mừng rồi bước gần lại nhổ bãi nước miếng lên cái mặt nhăn nhó của xác chết. Sau đó nàng bỏ nhà ra đi, sung sướng với sự tự do vừa lấy được, với ý nghĩ từ nay chỉ còn phải lo cho bản thân mình, không còn phải sợ sợi dây da mà những vết lằn nứt trên thịt đã đi vào quá khứ.
Dưới lớp áo quần rách rưới và bề ngoài dơ dáy, nàng đã tỏ lộ một thân hình đẹp đẽ và gợi được sự chú ý của Giuseppe Francini, một tên ma cô lảng vảng quanh các tiệm nước trên những con hẻm thối vùng Via Roma. Hắn xác định đúng khả năng của cô gái nên đem nàng về sơn phết, kiếm cho nàng một căn phòng sạch sẽ và cho nhập bọn. Lúc đó nàng mới mười lăm tuổi.
Sophia hiểu rõ rằng mình có thể tiến xa trong nghề nghiệp mới nên hăng hái xông xáo đến mức làm ngạc nhiên Francini. Hắn nhận thấy ngay rằng nếu để nàng tìm khách trong các quán nước hạ cấp thì thật là uổng nên chịu cưa đôi phần trăm với tên đồng bọn để gửi Sophia lên kinh đô La Mã, thuê cho nàng một căn phòng riêng biệt.
Đến tuổi mười bảy, Sophia đã đạt được ngôi vị cao trong làng chơi. Nàng gạt bỏ Francini, thuê một căn hộ sang trọng trong trú khu quí phái ở La Mã, có được lợi tức lớn lao và sắm được chiếc xe Alfa-Romeo cùng một tủ áo bộn bề trong đó có cả áo choàng lông thú.
Vài tháng sau khi ăn mừng sinh nhật thứ mười bảy, nàng làm quen được với Hamish Wardell, tay quay phim ở Hollywood đang nghỉ mát ở La Mã. Wardell lóa mắt trước sắc đẹp và nghề làm tình của nàng nên đem về Mỹ và chạy vạy cho nàng có một vai phụ trong một phim hắn quay.
Sự thành công thật choáng váng, sắc đẹp, nét gợi tình của nàng đã át hẳn các tài tử nam nữ trong cuốn phim đó. Sự khởi đầu gây kích động như thế đã đem đến cho nàng ba hợp đồng và một số tiền thù lao có hàng đống con số Zéro đằng sau và một lời hứa sẽ tăng lương trong ba phim tiếp theo.
Kể từ ngày ấy, tiền bạc của nàng tuôn chảy vào các ngân hàng và quần chúng ngưỡng mộ nàng không gì lay chuyển được. Tuổi thơ kinh khiếp và sự thô bạo của những khách hàng cũ vào thời kỳ nàng lê gót trên đường phố La Mã biến mất thật nhanh trong ký ức.
Năm hai mươi bốn tuổi nàng gặp Floyd Delaney. Lão say mê nàng ngay và chịu lấy nàng sau sáu tháng gặp nhau.
Đến nay thì nàng đã là vợ một con người giàu nhất và có thế lực nhất tại Holywood. Nàng muốn gì được nấy. Nàng đã có được vị thế vững vàng, và sự an toàn này đối với Sophia là thứ quí báu nhất còn hơn cả của cải.
Ngồi trên ghế sofa trong phòng khách, tay nắm chặt trên đầu gối khép lại, nàng nhìn Jay đang ngồi đối điện với nàng, mặt dài ra, đuôi mắt giật giật không kềm giữ được.
Nàng biết chắc rằng hắn đã giết cô gái và hiểu rằng hành động điên khùng này sẽ phương hại đến chính vị trí của nàng trong cuộc sống hiện giờ.
Nếu vụ này được trưng bày bằng những hàng tít lớn trên báo chí thế giới thì tiêu tan ngay tức khắc sự an toàn và vị trí nàng đã cực nhọc gây dựng nên từ bao lâu.
Sự kinh hãi khi thấy xác cô đào phụ lăn đến bên chân đã bị xua đi rất chậm nhưng rồi do tinh thần cương quyết có sẵn, nàng vượt qua được những phút giây xúc động ban đầu để đủ sức nhìn thẳng vào vấn đề trước mắt. Nàng nghĩ ngay đến cảnh phải tìm một giải pháp nhưng thấy rằng trước khi quyết định được gì thì phải hiểu rõ sự việc xảy ra làm sao. Nàng nhìn thẳng vào mắt Jay.
– Có phải Lucille Balu đấy không?
– Phải.
Jay cũng lấy lại được bình tĩnh sau phút hoảng hốt khi thấy cánh cửa tủ từ từ mở ra. Hắn thấy cổ họng khô đắng, trong bụng tự hỏi không biết ý định của Sophia ra làm sao. Hắn chợt ngạc nhiên thấy rằng Sophia hình như còn vững vàng tâm trí hơn hắn nữa.
– Có phải anh giết cô ta không? – Sophia nắm chặt tay và hỏi tiếp.
– Chỉ là tai nạn thôi. – Jay trả lời và cố tạo một nụ cười méo xệch, không ra dạng hình.
– Tai nạn à? Tại sao thế? Hắn liếm môi ngập ngừng:
– Nói thì sợ dì không tin nhưng sự thật như thế này. Khi đem cô ta về đây tôi mới hay là mình làm điều không phải. Tôi bảo cô ta đi đi. Chắc là tôi không tế nhị nên cô ta nổi giận. Cô ta đòi dọa kêu cầu cứu. Tôi sợ có người nghe thấy nên bịt miệng cô ta. Cô ta vùng vẫy thật dữ, mạnh hơn là tôi tưởng nhiều. Tôi… chắc là tôi đã hơi mạnh tay mà không biết. Tôi bỗng thấy người cô ta mềm oặt đi. Tôi tưởng cô ta chỉ ngất đi mà thôi nên mới tìm cách hồi phục lại nhưng cô ta đã chết…
Sophia nhìn hắn suốt thời gian Jay đều đều kể lại, biết chắc rằng hắn nói dối. Nàng đã thấy hắn tiến về phía nàng, dáng dữ tợn nên khẳng định hắn đã cố tình giết cô gái.
Cặp kính râm như một hàng chắn che chở cho Jay.
– Anh bỏ kính ra đi, – nàng nói với giọng giận dữ.
Hắn giật nảy mình nhíu mày nhưng sau một chút ngập ngừng liền làm theo lời nàng.
Đôi mắt một màu xanh nhợt nhạt và cái nhìn trốn tránh sợ sệt khiến Sophia trở nên an tâm hơn. Nàng biết rằng hắn còn hoảng hốt hơn cả nàng.
– Anh nói dối! Anh cố ý dụ cô ta vào đây để giết. Anh siết cổ cô ta bằng sợi dây treo màn.
Mắt Jay mờ đi như mắt người thong manh. Môi hắn mím lại, một tiếng khùng khục tắc nghẹn nghe như một tràng cười điên dại bị chận trước khi bùng ra. Hắn nói:
– Đúng vậy. Dì thật là hay không tưởng được. Không, đúng rồi, không phải là một tai nạn đâu…
Càng lúc Sophia càng tin rằng thằng bé đã điên rồi. Lâu nay nàng vẫn nghi ngờ hắn có thu nhận tính bất thường nơi người mẹ. Hiện giờ nàng đang ở một mình trong phòng của hắn, có thể nào xảy ra nguy hiểm cho nàng không? Hắn có vụt nhảy chồm vào nàng không? Tốt hơn hết là chớ làm cho hắn khích động thêm. Nàng dịu dàng nói:
– Tại sao anh lại làm thế?
Hắn chăm chú nhìn nàng, giật mình cảm nhận một nét cảm tình trong giọng nói của bà dì ghẻ trẻ.
– Tại sao à? – Hắn lặp lại trong khi ngửa người trên chiếc ghế dựa. – Tại vì tôi chán quá, Sophia! Chắc hẳn dì không bao giờ biết chán đâu. Dì biết thế nào là tình cảnh một người lúc nào và ở đâu cũng chỉ đứng vào hàng thứ ba không? Từ lúc sinh ra tôi đã như một kẻ lạc loài quấy rầy trong nhà này. Mẹ tôi ghét bỏ tôi. Đối với cha thì tôi chỉ như một cục nặng bám chân ông. Suốt đời người ta gạt tôi ra bên lề, suốt đời, điều ấy làm vui lòng cho cha tôi, mẹ tôi, cho bà dì ghẻ thứ hai. Suốt đời mỗi khi tôi gây phiền nhiễu…
Sophia gật đầu.
– Phải tôi hiểu. Cả tôi, lúc nhỏ cũng tánh kỳ khôi. Chính vì thế mà tôi đã cố gắng hết sức để cho anh hiểu rằng mọi người quan tâm tới anh, để cho anh khỏi thấy mình thừa thãi. Anh nên tin đi, tôi hiểu anh lắm. Không phải lúc nào anh cũng kỳ khôi đâu.
Mắt Jay sáng lên. Mặt hắn bỗng tỏ vẻ nồng nhiệt thành thật.
– Tôi lúc nào cũng thán phục dì, Sophia. Dì là người độc nhất hiểu tôi gần đúng, nhưng bây giờ thì muộn rồi. Cảm thấy mình là thừa trong suốt hai mươi năm thật không vui tí nào. (Hắn chồm mình tới để nhìn thẳng vào mắt nàng). Bị xô đẩy qua bên lề hay là thỉnh thoảng vụt thoát ra một lần từ trong bóng tối của mình để phô bày cho người thấy, để thu xếp giùm người khác, như thế cũng không kỳ khôi hơn chút nào. Từ lâu nay tôi cứ muốn tìm cho mình một mục đích của cuộc đời và tôi chỉ thấy một thứ đáng cho mình thử mà thôi: đó là sự liều lĩnh. Lúc đầu tôi tưởng chỉ cần liều mất tự do thôi là đủ. Lúc còn đi học, tôi đã chơi trò trộm cắp. (Đôi môi tái mét của hắn thoáng nụ cười trẻ thơ). Tôi không lấy gì của ai đâu. Tôi chỉ đi vào phòng của người ta, vào tận phòng ngủ. Tôi thấy say sưa khi ngồi gần bên giường nhìn người ta ngủ và tự hỏi họ có vụt thức dậy và chộp tôi không. Nhưng rồi tôi cũng chán trò chơi đó. Tôi nhận ra rằng tôi không quan tâm nhiều đến tự do của tôi đến nỗi phải lo sợ có bị bắt hay là không. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi mới quyết định rằng chỉ duy có cuộc sống không thể nào thay thế được là tôi quan tâm bám chặt mà thôi.
Tôi thử chơi trò rulet kiểu Nga. Dì biết cái đó là gì không? Dì cứ nhét một viên đạn vào buồng khẩu súng lục rồi quay ổ đạn ấy thật nhanh để không biết chắc là viên đạn có nằm ngay con cò hay không. Thế rồi dì kê nòng súng vào màng tang và bóp cò. Nhưng đó chỉ là một trò chơi may rủi và dù lần đầu tiên tôi cảm thấy khoái trá lạ kỳ, sau đó tôi lại thấy ngay rằng đó cũng không phải là loại liều lĩnh thích hợp với tôi. Theo cách thức này, cuộc sống của tôi tuy có đặt vào đó nhưng tôi còn phải phụ thuộc vào sự may rủi. Tôi không muốn thế, tôi chỉ muốn dựa vào sự lanh trí, sáng kiến và trí thông minh của tôi mà thôi. Chính vì thế mà tôi tính đến chuyện giết người. Tôi nghĩ đến việc tôi phải giết ai đó đã lâu lắm rồi. Và đến chiều hôm nay thì tôi quyết định phải thực hiện dự tính. (Hắn chồm tới trước, mắt sáng lên). Tôi đã gặp cô gái này và không mấy khó khăn để thuyết phục cô ta lên đây cũng như giết cô không khó. Cô ta ngây thơ đến là thảm hại. Tất nhiên là tôi có thể thu xếp một cách khác đi. Như thế có lẽ tôi sẽ tránh được sự rủi ro đồng thời với những khó khăn gặp phải. Tôi muốn đương đầu thực sự với sự rủi ro, muốn có cảm giác liều lĩnh đúng nghĩa. Tôi cho rằng một khi ôm được cái xác chết trong tay ngay ở khách sạn này thì tôi mới chứng tỏ được đúng đắn khả năng sáng tạo của tôi. Tôi không tính trước gì cả. Ngay vào lúc giết người, tôi cũng không biết sẽ làm sao với cái xác chết đó. (Hắn đưa bàn tay lùa vào mái tóc, mắt vẫn không rời Sophia). Tôi không ngờ rằng dì tinh tế đến như vậy. Tôi định liệu mà không tính đến chuyện dì chen vào. Cho nên tôi xin hỏi bây giờ dì muốn làm sao đây?
Nàng làm gì bây giờ? Sophia cũng đang tự hỏi như thế? Thuật lại với Floyd à? Hay là báo cảnh sát? Làm thế thì tan tành hết sự nghiệp.
Tin này mà loan trên trang nhất của các nhật báo thì thôi đừng nói gì đến những bữa ăn tối ở Tòa nhà Trắng, những bữa dạ tiệc ở Luân Đôn với cái may mắn được một nhân vật thuộc Hoàng gia ghé vào chúc mừng. Thôi rồi những kèn cựa của các mệnh phụ trưởng giả tranh nhau mời vợ chồng Delaney! Còn Delaney nữa? Ông ấy đã đầu tư vào cuốn phim đến hàng triệu đô la. Làm sao phim có thể xuất xưởng khi đồng thời người con ra tòa đại hình?
Nàng cũng biết rằng trông cậy ở Floyd vào chuyện này thì tai hại vô chừng. Phản ứng đầu tiên của ông rất tự nhiên, là của một con người lương thiện: ông ấy sẽ đi báo với cảnh sát và dắt con giao cho nhà chức trách không ngần ngại gì cả. Nàng yêu thương và ngưỡng mộ Floyd. Ông ta luôn hành động theo đúng lương tri nhưng với chuyện này thì không thể phó thác cho ông được. Đây là một tình thế đặc biệt nàng phải toan liệu. Một bước sẩy chân có thể làm gãy đổ cả tương lai của hai người. Nàng trở thành người đàn bà quyết định vận mệnh của Floyd, của thằng bé khùng điên này và của cả chính nàng nữa.
Nàng tìm cách né tránh câu trả lời để nghĩ ra lối thoát.
– Theo anh thì tôi phải làm gì đây?
– Chắc là phải kể hết đầu đuôi câu chuyện cho ba phải không?
– Nếu tôi nói thì theo anh ông ấy sẽ làm gì?
– Tôi biết rồi: ông sẽ đi báo cảnh sát.
Sophia nhìn xuống đồng hồ đeo tay. Mười giờ kém hai mươi lăm. Cuốn phim được đem chiếu rồi và hẳn Hoyđ đang tự hỏi không biết nàng làm gì ở đâu mà lại đến muộn.
– Này Jay, để tôi suy nghĩ xem sao. Tôi không thể để cha anh chờ đợi thêm nữa. Chuyện quan trọng như vậy không thể quyết định được chỉ trong vài phút đồng hồ. Không phải chỉ mình anh liên can đến vụ này. Còn cả cha anh và tôi nữa…
Jay đeo kính lên. Cử chỉ đó khiến Sophia đâm nghi ngờ vì nó có dáng như một lời tuyên chiến. Jay nói:
– Phải hành động nhanh mới được.
– Sau bữa khuya, tôi sẽ đến phòng gặp anh, – Sophia nói. – Từ đây đến đấy may ra tôi sẽ tìm ra câu giải đáp.
Jay cười nửa miệng đứng dậy rời ghế đến khóa cửa lại. Hắn đút chìa khóa vào túi, dựa lưng vào cửa nhìn Sophia ở đầu phòng bên kia. Hắn nói nhỏ nhẹ:
– Xin lỗi, tôi không thể để dì lựa chọn được. Nếu dì không chịu tỏ ra biết điều thì tôi phải tự giải quyết lấy.
– Này Jay, anh đe dọa tôi đấy à? – Sophia lên tiếng đồng thời cũng ngạc nhiên là sao không thấy mình sợ hãi chút nào.
– Ôi, đúng vậy, – hắn nói với giọng giả vờ hối tiếc. – Tôi đặt canh bạc lớn quá nên không thể để dì tung hê tất cả, chỉ có thế thôi.
Sophia bắt tréo đôi chân xinh xắn.
– Anh ôm trong tay đến hai xác chết mà không thấy là quá cồng kềnh sao?
– Hẳn nhiên là thế rồi. Chính vì vậy mà tôi mới mong rằng dì sẽ tỏ thái độ thông cảm.
– Anh muốn tôi làm gì bây giờ? Hắn bước đến ngồi vào ghế.
– Cả cha tôi lẫn dì đều có lợi nếu tôi thoát qua vụ này. Hẳn nhiên là thoát được. Nếu dì nói với cha tôi, ông ấy sẽ báo cảnh sát ngay. Nếu dì không nói gì hết thì rất có nhiều khả năng là không ai biết kẻ nào đã gây ra vụ án này. Cho nên tôi mới xin dì im lặng.
Sophia không lưỡng lự gì cả. Jay nói thật đúng. Nếu nàng thuật lại với Floyd thì chỉ vài giờ sau câu chuyện khủng khiếp này sẽ tràn lan trên trang nhất các nhật báo ngay. Nàng quyết định:
– Được rồi, tôi sẽ không nói gì cả. Tôi hứa với anh như thế.
Hắn gật đầu:
– Tất nhiên là tôi đành phải chịu tin ở dì nhưng tôi chắc dì cũng đủ thông minh để hiểu rằng nếu tôi bị bắt thì chẳng ai có lợi gì trong việc này cả.
Sophia đốt điếu thuốc.
– Anh cứ tin ở tôi. Nhưng anh tính làm gì với cái… xác chết?
– Tôi định nhét nó vào một cái rương và đem bỏ đâu đó, – Jay trả lời.
– Nói thật ra thì tôi cũng chưa kịp nghĩ gì nhiều.
– Cái rương dễ dẫn lối cho cảnh sát đấy, – Sophia nêu ý kiến. – Đó là chưa kể anh không thể một mình mang nó đi được. Không… nguy hiểm lắm.
– Dì thấy có cách nào tốt hơn không?
– Khi anh đem con bé lên có ai thấy không?
– Ồ không, chúng tôi đi riêng rẽ. Lúc đó vào khoảng bốn giờ và ngoài hành lang không có ai lảng vảng.
– Tại sao anh có thể chắc là không ai trông thấy? Biết đâu chừng cô ta nói với ai là cô ta sẽ lên đây với anh?
– Ồ không, nhất định là không. Tôi đã dặn cô ta không được nói với ai. Chắc chắn là không người nào biết cô ta lên đây.
– Tại sao anh tin chắc là sẽ không bị phát giác? Cảnh sát họ có tồi đâu! Khi tìm thấy xác chết thì thế nào người ta cũng mở cuộc điều tra. Hành động của anh thế nào cũng có chút sơ hở. Kẻ sát nhân nào cũng có sơ hở.
Jay hơi nghiêng đầu sang một bên. Cuộc nói chuyện đến đây bắt đầu làm hắn vui thích. Sophia đã tỏ ra thật sáng suốt và thông minh đến không ngờ. Lạ thật, sao bà này xem xét sự việc bình tĩnh đến thế? Cứ như là bà ấy đang phân tích một bản văn dàn dựng phim trinh thám vậy! Hắn nói:
– Tôi không tin là mình có sơ hở. Tuy nhiên đó cũng là nằm trong những rủi ro tôi mong có. Để xem tôi với cảnh sát ai hơn ai. Cảnh sát chộp được thủ phạm là do lần theo nguyên nhân giết người. Thế mà đằng này có cớ gì đâu! Một khi tôi đẩy được cái xác xong là có thể ăn ngon ngủ yên rồi.
Sophia nhìn đồng hồ.
– Cũng được thôi. Bây giờ tôi phải đến với cha anh.
Jay gật đầu.
– Tôi cũng đi. Dì chờ tôi thay đồ một chút được không?
– Đồng ý.
Một lúc sau, họ cùng nhau ra khỏi nhà. Từ nơi ẩn núp, Joe Kerr thấy họ chui vào thang máy.
 
o O o
 
Jay ngồi trên ghế, mắt dán vào màn ảnh mà nhột nhạt rất mực vì biết có Sophia bên phải mình. Hắn ngửi thấy mùi nước hoa nhẹ của người thiếu phụ và khi nàng nhúc nhích thì váy quần lại chạm vào chân hắn.
Cha hắn ngồi bên phải Sophia. Lão hơi chồm mình về phía trước, nét mặt căng ra vì cố theo dõi tiến triển của phim ghi trên những hàng chữ phụ đề ngu ngốc chạy thật nhanh phía dưới màn hình.
Người ta đang trình chiếu một phim Thụy Điển. Hình thật là tuyệt nhưng Jay và Sophia đến muộn không theo dõi được tình tiết nên chẳng hiểu cái quái gì cả.
Thế rồi một mảng phụ đề rất bình thường đã cho Jay cách giải quyết vấn đề hắn đang bận tâm: làm cách nào vứt xác cô gái mà không phải chịu sự rủi ro vô ích nào.
Floyd Delaney vì kém Pháp ngữ đã chồm qua mình Sophia để hỏi Jay:
– Nó nói cái gì thế trời? – Lão lầu bầu.
Jay dịch lại tiếng Anh: “Số đông là một cách thức an toàn”. Cha hắn ngửa người trên ghế lầu bầu một lúc nữa:
“Số đông là một cách thức an toàn.”
Jay chợt nhớ lại đã đọc hình như trong sách chỉ dẫn Michelin rằng khách sạn Plazza có đến năm trăm phòng. Thế nghĩa là nó chứa khoảng một ngàn người. Tỉ lệ một phần ngàn bị phác giác xem ra có thể chấp nhận được đấy!
Hắn liền quyết định không mang cô gái ra bên ngoài khách sạn. Có lẽ nên nhét cô vào trong một thang máy, đẩy lên tầng chót rồi bỏ trên ấy thì hơn.
Chắc phải trải qua nhiều giờ người ta mới thấy ra xác chết. Như thế thì làm sao cảnh sát biết là kẻ sát nhân là người trọ hay từ bên ngoài vào, lén lút theo hàng trăm người đến dự Đại hội mà không lưu trú trong khách sạn? Làm cách nào người ta biết cô ta bị giết ở tầng thứ mấy, và lại thêm nữa, ở phòng nào trong số năm trăm phòng của khách sạn?
Giải pháp thật tốt đẹp hiển nhiên đến mức hắn tự hỏi sao mình không nghĩ ra sớm hơn?
Sự hoang mang dằn vặt hắn biến mất ngay và đây là lần đầu từ lúc giết người hắn cảm thấy hoàn toàn thanh thản.
Hắn có dịp để nhìn xét tình hình sáng suốt hơn. Mọi diễn biến về sau đều phải tùy thuộc vào Sophia. Hắn lén nhìn nàng. Sophia vẫn chăm chú theo dõi trên màn ảnh, nét mặt bất động. Miệng nàng mím chặt, dáng cương quyết nhưng trừ dấu hiệu ấy thì hắn không thấy gì khác thường cả. Cho nên hắn gần như chắc chắn là có thể tin cậy nơi nàng.
Cuốn phim chấm dứt trước nửa đêm một chút.
Trên đường về, Floyd hỏi con trai vài câu về cuốn phim vừa xem. Lão quay hắn về một vài chi tiết kỹ thuật khiến Jay “bơi” một cách tội nghiệp với những câu trả lời lúng túng thảm hại. Delaney mất bình tĩnh, la lên:
– Trời ơi, mày chỉ nói toàn chuyện ngu ngốc thôi. Mày không biết đến cả những điều sơ đẳng trong nghề nghiệp nữa. Đi tìm giùm Cooper cho tao được không? (Lão quay sang Sophia). Anh phải điện thoại cho Paris trước khi gặp nhà Van Asters. Gọi vào giờ này chắc không lâu đâu.
– Chào cha. Con phải đi dạo quanh một vòng. – Jay nói.
– Xéo đi, – Delaney lạnh lùng nói. – Mai sẽ gặp.
Lão giận người con đã chứng tỏ quá kém trong giây phút khảo hạch nghề nghiệp vừa qua mà lão vừa truy hắn.
– Chào Jay, – Sophia vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt hắn.
– Chào.
Hắn tách ra và hướng về phía sòng bạc.
Nhìn thấy bộ smoking sang trọng của hắn, các tay săn chữ ký chăm chăm nhìn vào mặt xem thử có phải là một tài tử quan trọng nào không để họ khỏi bỏ mất dịp may. Nhưng Jay đang bận tâm suy nghĩ nên không biết người ta nhìn mình. Hắn đang thắc mắc không biết công trình vừa qua có xứng đáng cho hắn thử thách không. Một khi xúc cảm đã qua, hắn lại thấy rằng chúng không sôi động hay kích thích như hắn đã tưởng.
Đám đông tiến về Plazza đã thưa dần. Hắn đi ngang trước sòng bạc rồi rẽ về phía bến cảng Saint Pierre nơi thả neo của du thuyền và xuồng máy. Đồng hồ gõ một tiếng.
Hắn thong thả đi dọc cảng, nhìn các thuyền buồm sáng lên dưới ánh trăng.
Đến gần bờ nước hắn ghé ngồi trên một trụ phao và đốt thuốc.
Ngồi đây trong suốt hai mươi phút, hắn hút thuốc liên miên mắt mơ màng nhìn về phía xa nơi các mảng dầu lấp lánh dưới ánh trăng. Hắn bỗng nghe có tiếng chân người bước gần lại. Hắn cau mày quay nhìn sang trái.
Một cô gái vừa xuống xe đạp và đẩy bộ đến bờ nước.
Dưới ánh trăng, hắn thấy cô gái dựa xe vào đống dây neo. Cô mặc quần jean, áo vải ngắn và đi giày nhẹ. Có vẻ cô vừa trạc tuổi Jay. Không biết chừng còn trẻ hơn. Mái tóc vàng bồng bềnh trên vai. Cô không đẹp nhưng xinh xắn và cũng không có ý gì sửa soạn để làm nổi bật thân hình trẻ trung của cô.
Jay không hiểu cô làm gì ở đây vào lúc khuya khoắt này.
Cô gái dừng trên bờ liếc nhìn hắn rồi ngồi xuống nắm sợi dây neo chiếc xuồng máy nhỏ kéo vào bờ.
Nhìn thấy cô sắp sửa nhảy vào xuồng, Jay đứng lên đến sau lưng cô.
– Tôi có thể giúp gì cho cô được không?
Cô gái ngước mắt nhìn lên. Ánh trăng chiếu vào mặt và Jay giật mình khi nhận thấy sự trong trắng, thẳng thắn trên đôi mắt kia. Cô hơi mỉm cười lắc đầu.
– Xin chớ! – Cô phản đối với giọng miền nam không nặng lắm. – Anh cứ an tâm, tôi đã quen rồi. Tuy nhiên cũng xin cảm ơn anh.
Hắn cúi xuống nắm sợi dây, đề nghị:
– Để tôi giữ thuyền cho cô.
– Xin cảm ơn.
Cô gái lướt mình vào thuyền và đến giở thùng che máy. Hắn hỏi:
– Cô ra biển trong đêm hôm thế này à?
– Phải. Giờ tốt đấy.
– Tốt về cái gì?
– Thì tốt cho chuyến câu này, còn tốt gì nữa?
– Cô đi câu chỉ có một mình?
– Đúng vậy.
Hắn ngạc nhiên về dáng quyết tâm và độc lập của cô. Hắn nhìn cô quấn sợi dây quanh vô lăng và giật mạnh cho máy nổ chứng tỏ một sức lực ngoài tưởng tượng của Jay. Tuy nhiên đã giật tới ba lần máy vẫn ì ra khiến cô kêu lên một tiếng cau có. Jay nói:
– Chắc là bugi bị dơ rồi. Để tôi chùi giúp cho.
Cô gái lắc đầu.
– Không, cảm ơn. Xin khỏi phiền đến anh, tôi tự làm được. Anh sẽ vấy bẩn quần áo thôi. (Cô lục tìm dụng cụ trong một cái hộp sắt). Anh đi xi nê về à?
– Phải. Nhưng có dơ áo quần cũng không sao đâu, phụ giúp với cô thì vui cho tôi lắm.
– Không, vô ích thôi. Phim hay không?
– Không hay lắm. Hình ảnh đẹp nhưng nội dung thì chán ngắt.
Cô gái lấy một cái mở ốc và bắt đầu vặn những con bù lon giữ hộp máy. Cô hỏi:
– Anh ở trong nghề điện ảnh à?
– Cũng không hẳn. Tôi đang học…
– Anh nói tiếng Pháp như một người Pháp chính hiệu đấy.
Lời nhận xét này khiến hắn nở mũi.
– Tôi đã sống hai năm ở Paris. Cô không cần tôi giúp thực chứ?
– Không, cảm ơn anh. Hành nghề điện ảnh chắc là vui lắm phải không? Tôi rất thích được làm trong một phim trường. Chắc anh được quen rất nhiều tài tử?
– Chỉ vài người thôi.
Cô gái ngưng công việc ngước mắt nhìn lên.
– Anh có quen Paul Newman không? Tôi có ảnh có chữ ký của anh ta được giữ ở nhà. Anh ta đóng hay quá. Anh biết anh ta không?
Jay ngồi xổm bên bờ nước.
– Không. Cô thường hay đi câu ban đêm à?
– Chỉ khi nào có thì giờ rảnh thôi.
– Chắc là vui lắm.
Cô gái lắc đầu quầy quậy.
– Không vui đâu. Có bữa không được con nào. Câu cá là để bán thôi. Nhà túng lắm.
– Chắc là một đêm đi biển không kiếm được bao nhiêu.
– Đúng vậy, nhưng phải thế thôi. Cha tôi bị tàn tật. Ông có quán cà phê ở đường Foch, quán không đắt khách nên tôi tìm cách kiếm thêm thu nhập.
– Cô cũng đứng bán à?
– Tất nhiên.
– Và ban đêm cô lại đi biển?
– Phải, thường thường là thế.
– Trời ơi, vậy là cô không có lúc nào rảnh cả?
Cô gái mỉm cười.
– Có sao đâu. Anh cũng làm việc tận lực phải không?
– Chỉ đôi khi mà thôi.
Hắn tự hỏi không biết cô gái sẽ tỏ thái độ ra sao nếu cô biết hắn là con trai của Floyd Delaney nhưng nghĩ lại hắn mơ hồ thấy là không nên.
Cô gái vừa hấp dẫn vừa khiến hắn bối rối. Hắn thấy thích tính giản dị tự nhiên của cô. Trông cô thành thật không điệu bộ chút nào.
– Xin hỏi, cô tên gì?
Cô gái đang vặn lại cái nắp máy. Cô ngừng công việc ngước mắt nhìn lên.
– Ginette Bereut. Còn anh?
Hắn ngập ngừng.
– Jay Mandrel, – hắn mượn họ của mẹ.
– Anh còn ở đây lâu không? – Cô gái vừa hỏi vừa quấn sợi dây để giật máy nổ.
– Ba hay bốn ngày nữa. Sau đó tôi qua Venise.
– Venise à? Tôi thích đến đó lắm. Anh quay phim ở đó à?
– Phải. Chúng tôi cần quay một ít ngoại cảnh.
– Thế mà tôi lại đứng đây nói chuyện tào lao..
Cô gái giật mạnh sợi dây. Máy nổ xinh xịch và cô ra dấu cho Jay buông sợi dây giữ xuồng. Hắn tiếc rẻ tháo dây và ném về phía lòng thuyền. Cô gái gật nhẹ đầu chào hắn kèm một nụ cười và xuồng tách bến.
Jay đứng dậy. Hắn bỗng nhiên thấy hối tiếc là không hỏi xem có thể đi theo được không và giận mình sao bây giờ mới nhớ ra.
Liếc nhìn đồng hồ, hắn thấy đã một giờ rưỡi. Hắn tự hỏi không biết mấy giờ thì cô gái trở về. Còn hai tiếng đồng hồ dài thượt nữa mới cần trở lại Plazza cho nên hắn quyết định ngồi đây hy vọng gặp mặt cô gái.
Hắn ngồi trên trụ sắt nhìn ra vùng biển, tai lắng nghe chờ đón tiếng máy xuồng câu của cô gái và rút trong túi ra những viên ngọc xanh ném từng hạt xuống mặt nước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.