Thói Quen Của Kẻ Thắng
2. Sự tự tin
Károly Takács và tư duy của người chiến thắng
Khi xem một chương trình thể thao trên truyền hình, hoặc đọc tin tức về những ngôi sao của trận đấu, bạn hãy thử đi sâu vào trong suy nghĩ của các vận động viên. Xỏ đôi giày của họ. Đặt chân vào thế giới nội tâm của tất cả những người hùng thể thao, những người phá kỷ lục cũng như những kẻ được mến mộ nhưng thất bại. Thủ môn khi bắt được quả đá luân lưu hoặc cầu thủ đã để lỡ cú sút phạt đó. Kia là vận động viên bị lỡ cơ hội vì một chấn thương không may và phải ngồi xem trận đấu tại ghế dự bị. Hãy nghĩ xem những gì đã đi qua tâm trí họ. Đó có thể là một trò chơi thú vị.
Thể thao là một sự ẩn dụ tuyệt vời cho cuộc sống, có những câu chuyện đã truyền cảm hứng và thôi thúc chúng ta. Nhưng có lẽ không có câu chuyện nào ý nghĩa như câu chuyện của Károly Takács. Có thể bạn chưa từng biết tới anh ấy, nhưng câu chuyện về cuộc đời của con người đó thì thật đáng để nghe.
Károly từng là trung sĩ quân đội Hungary. Năm 1938, chàng trai 28 tuổi này là một trong những tay súng ngắn cừ khôi nhất quốc gia với nhiều giải vô địch trong nước và quốc tế. Anh đã từng là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch tại Thế vận hội Tokyo 1940.
Rồi, tai họa ập đến.
Trong một buổi huấn luyện, một quả lựu đạn đã nổ trên tay của Károly, thổi tung cánh tay đó – cánh tay bắn súng của anh. Điều đó không chỉ làm anh mất cánh tay mà còn phá tan giấc mơ về kỳ Olympic.
“Tại sao lại là tôi?” Károly có thể sẽ được thông cảm nếu anh ấy hỏi câu hỏi ấy, câu hỏi mà hầu hết chúng ta sẽ hỏi nếu là anh. Bạn cũng sẽ hiểu được nếu anh ấy chìm trong tuyệt vọng và tự thương hại bản thân, một hành động dễ cảm thông khi thảm họa xảy ra ngay trước sự kiện lớn như vậy. Bạn sẽ cảm thông nếu anh ấy chọn lối sống ẩn dật, sau khi những kế hoạch bị số phận phá vỡ.
Ồ không, Károly không như thế. Anh ấy là một con người thép!
Thay vì chỉ nghĩ tới cái đã mất – cánh tay phải, chiếc huy chương vàng tiềm năng – anh ấy tập trung vào những gì mà anh hiện đang có. Đó là sức mạnh tinh thần, là tư duy của một người chiến thắng, là quyết tâm để thành công và cánh tay trái khỏe mạnh. Với cánh tay trái ấy, anh nghĩ anh có thể luyện tập và trở thành tay súng cừ nhất thế giới.
Sau một tháng điều trị, Károly rời bệnh viện, xa rời thế giới hào nhoáng, anh bắt đầu tập luyện bắn súng với cánh tay trái. Mặc cho những cơn đau thể xác vẫn còn, mặc cho cánh tay trái đã mệt mỏi, căng lên vì phải gánh cả những công việc mà trước giờ cánh tay phải làm, anh vẫn kiên trì vào mục tiêu biến cánh tay trái trở thành cánh tay bắn súng cừ nhất thế giới.
Một năm sau đó, Károly lần nữa góp mặt tại giải bắn súng Hungary. Những đồng đội của anh đã rất vui mừng khi nhìn thấy anh. Họ ca ngợi cử chỉ tuyệt vời khi anh đến đây cổ vũ cho họ. Nhưng họ đã nhanh chóng biết sự thực khi Károly nói rằng anh ấy tới không phải để quan sát ai thi đấu cả, mà để thi đấu.
Károly thi đấu và đã giành được vị trí quán quân. Chỉ một năm sau khi mất cánh tay phải, anh đã chiến thắng lần nữa với cánh tay trái của mình.
Quyết định luyện tập một cách im lặng, xa rời những sự dòm ngó của Károly thật đúng đắn. Mọi người có thể dễ dàng cười nhạo bạn nếu bạn mơ ước một điều gì đó quá lớn lao. Bạn cũng có thể sẽ chìm ngập trong nỗi đau nếu cứ sống mãi trong sự cảm thông của mọi người khi tất cả dường như đã mất. Thật không may cho Károly, ước mơ tham gia Thế vận hội đã hai lần nữa không thành hiện thực vì chiến tranh thế giới.
Vào năm 1948, Thế vận hội được tổ chức tại London. Károly đã được gọi vào đội tuyển bắn súng Hungary. Và anh đã giành được huy chương vàng bắn súng với cánh tay trái.
Hãy tưởng tượng bạn là ứng cử viên huy chương vàng, bị mất đi cánh tay bắn súng của mình trong một tai nạn, nhưng đã đứng dậy và luyện tập cánh tay trái để có thể bắn được như trước, thậm chí tốt hơn thế để giành huy chương vàng Olympic.
Bốn năm sau tại thế vận hội Helsinki, không có gì ngạc nhiên khi Károly Takács đã giành được huy chương vàng nội dung súng ngắn. Đó là bản lĩnh của các nhà vô địch!
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng có những khoảnh khắc dường như rất gần vinh quang nhưng rồi lại bất ngờ mất tất cả. Khi cả thế giới đang ngấm ngầm chống lại chúng ta, khi những giấc mơ bị tan vỡ, chúng ta có cảm giác bại trận, cảm giác vùi dập, thất bại. Và chúng ta khóc lớn: “Tại sao là tôi?”
Khi những việc tồi tệ như thế xảy đến với bạn, hãy nghĩ về Károly. Hãy nghĩ giống anh ấy. Đừng lo lắng về những gì mà bạn đã mất đi. Thay vào đó, tập trung cho những gì mà bạn có. Không ai có thể lấy đi sức mạnh bên trong bạn, ý chí của bạn.
Đừng đánh mất chính mình trong sự tự thương hại bản thân. Hãy đứng dậy nhanh nhất có thể. Károly đã luyện tập trở lại chỉ một tháng sau tai nạn. Khi bạn gục ngã, hãy nghĩ như một võ sĩ quyền anh: Nếu bạn bị đánh ngã, bạn phải bật dậy trong vòng 10 giây. Bạn sẽ thất bại dù chỉ chậm hơn một giây. Hãy đặt cho mình một mục tiêu và tập trung vào việc đạt được nó. Mục tiêu sẽ hướng tư duy và cơ thể tới công việc cần thiết để thành công, hơn là nhìn lại quá khứ và lo sợ về những thất bại trong quá khứ, về những thứ đáng ra nó đã tới với bản thân. Khi tâm trí của bạn ngập tràn những suy nghĩ tiêu cực, sẽ không dễ dàng để đẩy chúng ra khỏi đầu. Bạn cần phải suy nghĩ tích cực – cần một mục tiêu – để thay thế và trục xuất những suy nghĩ tiêu cực. Sức mạnh để giành được huy chương vàng môn súng ngắn không phải chỉ ở bàn tay bắn súng, mà hơn nữa, đó là sức mạnh của ý chí. Cuộc sống là như vậy. Sự chiến thắng phụ thuộc nhiều hơn vào quan điểm, thái độ, chứ không hoàn toàn ở những kỹ năng. Kỹ năng có thể hoàn thiện, và Károly đã chứng minh điều đó với cánh tay trái của mình.
Lần tới khi xem một trận cricket hay bóng đá, khi bạn chứng kiến những kẻ chiến thắng, hãy thử tìm cách chiến thắng điều gì đó ở chính mình.
Hãy ghi nhớ cách nghĩ của Károly Takács, cách nghĩ của người chiến thắng!
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng có những khoảnh khắc dường như rất gần vinh quang nhưng rồi lại bất ngờ mất tất cả. Khi chuyện đó xảy ra, đừng lo lắng về những gì chúng ta đã đánh mất. Hãy tập trung vào những gì bạn đang có.
Phá vỡ những rào cản tinh thần: Câu chuyện của Roger Bannister
Nếu bạn nghĩ bạn làm được, bạn sẽ làm được. Nếu bạn nghĩ bạn không thể, bạn cũng đúng!
Để hiểu được sự thật trong câu châm ngôn đó, hãy ngược thời gian về những năm 1950.
Trong thế giới điền kinh, có một điều đã được mặc đinh, đó là không ai có thể chạy cả dặm trong chưa đầy bốn phút. Thời gian kỷ lục đã được lập bởi một vận động viên Thụy Điển, Gunder Haegg, người đã chạy một dặm trong 4 phút 1,4 giây. Thành tích đó được thực hiện năm 1945. Nó đã duy trì được vài năm, và các bác sĩ, vận động viên, chuyên gia thể thao đã đồng ý rằng mốc bốn phút là không thể đạt được. Thực tế, mọi người tin rằng không một vận động viên nào có thể làm được điều đó mà không gây nguy hiểm tới cơ thể.
Sau đó, ngày 6/ 5/ 1954, Roger Bannister đã làm được điều không thể ấy. Tại một sự kiện điền kinh tại London, Rodger đã hoàn thành đường đua một dặm trong 3 phút 59,4 giây, phá vỡ rào cản 4 phút. Anh ấy đã làm được điều mà mọi người đều cho là không thể. Cơ thể anh đã thực hiện được điều mà họ nói là không một cơ thể nào có thể.
John Landy – đối thủ của Rodger, khi hoàn thành đường đua cũng đã có kết quả tốt nhất của bản thân, 4 phút 1,5 giây. Thực tế, sau 3 lần hoàn thành đường đua với thời gian dưới 4 phút 2 giây, John đã nói rằng rào chắn 4 phút như một “bức tường” – bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, chỉ 56 ngày sau đó,
John cũng đã phá vỡ rào cản tinh thần đó và hoàn thành đường đua chỉ trong 3 phút 57,9 giây
Những kỷ lục chưa hề dừng lại ở đó. Cuối năm 1957, 16 vận động viên điền kinh khác cũng hoàn thành đường đua 1 dặm trong chưa đầy 4 phút. Bức rào cản “bất khả xâm phạm” trong tâm thức kia đã bị đạp đổ hoàn toàn!
Vậy thực tế chuyện gì đã xảy ra? Cơ thể của các vận động viên bỗng nhiên trở nên khoẻ mạnh hơn? Hay đã có một công nghệ mới cải thiện đôi giày chạy? Phương pháp luyện tập được tăng cường? Hay chỉ đơn giản là các vận động viên điền kinh tập luyện chăm chỉ hơn? Nhưng thực tế, không có lý do nào đúng cả. Đó chỉ đơn giản là rào cản trong tâm trí họ – cái giới hạn của bản thân tin rằng không thể hoàn thành một dặm dưới 4 phút – đã bị phá vỡ. Và nó đã tạo điều kiện cho những kỷ lục mới liên tục được thiết lập.
Rodger đã trở thành bác sĩ. Sau này anh ấy giải thích rằng, bản thân anh cảm thấy việc không thể chạy một dặm đua dưới 4 phút là điều phi lý. Tư duy của anh ấy từ chối rào cản đó. Thực tế, những gì Rodger làm đã chứng minh rằng đó không phải là rào cản cơ thể, mà nó đơn thuần chỉ là rào cản tinh thần.
Việc Rodger đã làm ngày hôm đó không phải chỉ là lập một kỷ lục thế giới mới; thực tế, anh ấy đã chứng minh rằng việc đạp đổ được rào cản tinh thần có thể giúp chúng ta có những màn trình diễn đột phá.
Chúng ta đều thích điều đó. Chúng ta ai cũng tin chắc mình có thể làm được gì và không làm được gì. Và thành công của chúng ta bị giới hạn bởi những rào cản như thế. Chúng ta không cố gắng bởi chúng ta nhìn thấy những rào cản như vậy. Robin Sharma gọi đó là “những rào chắn vô hình.”
Như trong câu chuyện của Roger Bannister, khi anh ấy phá vỡ kỷ lục 4 phút, rào cản trong tâm trí của những vận động viên khác cũng không còn nữa. Ít lâu sau, 16 người đã hoàn thành một dặm đua dưới 4 phút.
Cuộc sống là hành trình phá vỡ những rào cản tinh thần. Cùng nhảy qua và cao hơn hẳn những rào chắn vô hình đó. Hãy mơ những giấc mơ “bất khả thi”!
Vậy, đâu là hàng rào bốn phút của bạn? Cái gì đã giữ bạn và đội của bạn không tiến lên được? Hãy bật lên, đạp đổ hàng rào đó. Ngay hôm nay.
Nếu bạn nghĩ bạn có thể, bạn có thể. Nếu bạn nghĩ mình không thể, bạn cũng đúng!
Những cánh đồng kim cương
“Những cánh đồng kim cương” là tựa đề bài diễn thuyết của Russell Conwell vào đầu thế kỷ XX. Russell từng là một mục sư, diễn giả và là người thành lập đại học Temple tại Philadelphia. Bài diễn thuyết của ông nổi tiếng tới mức Russell đã phát biểu nó hơn 6000 lần trên khắp thế giới. Trọng tâm của bài nói là một câu chuyện nhỏ về những cánh đồng kim cương.
Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm về trước, có một chủ trang trại khá giả người Ba Tư tên là Al Hafed. Ông ta có một dải đất rộng, và một mong ước còn lớn lao hơn thế. Ông tổ chức một bữa tiệc lớn và mời các thương gia, nhà buôn, những nhà thám hiểu và cả những thầy tu. Điều đó bắt nguồn từ những hiểu biết mà ông ta có về kim cương. Những viên kim cương có thể khiến con người trở nên giàu có, biến mọi giấc mơ trở thành hiện thực. Cảm nhận được cơ hội và vận may đang tới, Al Hafed bắt đầu cuộc hành trình săn lùng những viên kim cương. “Tôi muốn có chúng và tôi đang đi tìm chúng”, ông ta đã nói với các thầy tu như vậy. Ông ta bán trang trại của mình, để lại nhà cửa nhờ hàng xóm để ý và ra đi tìm kiếm kim cương. Nhưng thật không may, hơn sáu tháng trôi qua, ông ta đã bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng chẳng tìm thấy viên kim cương nào. Sụp đổ và đau đớn, Al Hafed mất sau đó không lâu.
Trong khi đó, trở lại với cánh đồng mà Al Hafed đã bán đi, người chủ mới thường tưới cây trồng vào buổi chiều tối, cho tới một hôm, ông ta tình cờ thấy có cái gì đó đang sáng lấp lánh. Đó là một hòn đá lớn, tỏa ánh hào quang lấp lánh, ông đã nhặt nó mang về, đặt lên bệ lò sưởi. Tối hôm đó, vị thầy tu nọ tình cờ ghé qua. Nhìn thấy viên đá lớn, ông hét lên: “A, một viên kim cương, có phải Al Hafed đã quay lại?” “Không”, người chủ mới nói, “Tôi vừa nhặt nó từ khu vườn. Thực tế, khu vườn có rất nhiều viên đá như vậy!”
Đúng vậy, có cả một cánh đồng kim cương như vậy trên lô đất mà Al Hafed đã bán, để có tiền đi tìm kiếm kim cương. Câu chuyện này tuy đã cũ nhưng bài học từ nó thì vẫn nguyên giá trị cho tới tận hôm nay, cho cả những cá nhân và tổ chức. Những mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm, sự giàu mà có chúng ta thèm muốn, ở ngay dưới chân chúng ta. Thông thường, trong những hình huống chúng ta phải thay đổi công việc, chúng ta tin rằng bản thân cần rời bỏ nơi hiện tại và tìm kiếm thành công ở bên ngoài. Chúng ta nghĩ tới việc thay đổi công việc hay nghề nghiệp, hoặc thậm chí việc thay đổi địa điểm là cần thiết cho sự thành công.
Tại sao chúng ta lại không nhận ra những viên kim cương ở ngay trong sân nhà, dưới chân chúng ta? Lý do có thể vì những viên kim cương thường xuất hiện trong hình hài thô sơ, chưa được gọt giũa. Và công việc gọt giũa những hòn đá thô ấy không dễ dàng gì. Trong hầu hết trường hợp, nó rất khó khăn. Như những viên kim cương còn thô kia, chúng ta thất bại trong việc nhận biết những cơ hội trên con đường chúng ta bước, bởi, những cơ hội thường ở trong một công việc khó khăn.
Những tập đoàn lớn cũng mắc phải những sai lầm khi lờ đi những cánh đồng kim cương của họ. Khi phải phát triển trong khó khăn, thiếu thốn, họ nghĩ họ đã đụng phải một bức tường, và thế là cố gắng đa dạng hóa, phô trương những sức mạnh truyền thống.
Một bài học tốt để ghi nhớ, trong cả thời khắc tốt và xấu. Chúng ta đều có những cánh đồng kim cương ngay dưới chân mình. Hãy học cách quan sát thật kỹ!
Thông thường, khi chúng ta quyết định “nhảy việc”, chúng ta tin rằng cần phải bỏ vị trí hiện tại và tìm kiếm thành công bên ngoài. Chúng ta thất bại ngay từ lúc quyết định như thế, vì không nhận ra những viên kim cương đang nằm ngay dưới chân mình.
Tyrone Bogues: Đứng trên cao
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn nhận ra rằng chiều cao trung bình của một vận động viên bóng rổ NBA (bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ) khoảng 2,04 mét. Môn thể thao này rõ ràng là dành cho những người đàn ông cao lớn.
Điểm lại một số những cái tên tuyệt vời của mọi thời đại như: Michael Jordan (1,89 mét), Kobe Bryant (2,012 mét), Magic Johnson (2,1 mét), Karem Abdul – Jabar(2,2 mét), Yao Ming – hiện tượng Trung Quốc (2,3 mét). Mỗi người trong số họ đều có một lượng người hâm mộ đông đảo và họ được hàng triệu người theo dõi khắp thế giới.
Trong khi bạn có thể biết hầu hết thành tích của những ngôi sao này, bạn đã bao giờ nghe tới cái tên Tyrone “Muggsy” Bogues?
Tyrone cũng là một ngôi sao NBA. Trong sự nghiệp kéo dài 16 mùa đấu, Tyrone luôn là một trong những người có tỷ lệ hỗ trợ ghi điểm nhiều nhất. Được bình chọn là cầu thủ giá trị nhất của Charlotte Hornet trong nhiều năm liền, Tyrone giữ những kỷ lục của đội bóng về tổng số thời gian chơi, khả năng cướp bóng, hỗ trợ đồng đội. Đó quả là một thành tựu!
Nhưng dưới đây mới là điều thực sự đã khiến cho Tyrone có được một lượng người hâm mộ đông đảo và là anh hùng của mọi thời đại như vậy. Trong những trận đấu bị lấn át bởi những người cao to, Tyrone lại là một anh chàng thấp bé. Thực tế, với chiều cao 1,62 mét, Bogues đã và đang giữ vị trí cầu thủ thấp nhất trong lịch sử NBA.
Từng là một cậu bé sống ở vỉa hè Baltimore, Tyrone đã luyện tập úp rổ bằng cách đứng trên những thùng sữa bị lật. Anh thấp bé, và cho dù có đam mê lớn với thể thao, không ai có thể nghĩ rằng anh có thể trở thành một vận động viên bóng rổ nhà nghề. Anh thực sự rất thấp! Nhưng Tyrone đã quyết tâm thành công mà không hề quan tới những lời chỉ trích, hoài nghi. Anh thiếu chiều cao, nhưng bù lại có tốc độ, sức mạnh và khả năng bùng nổ trên sân đấu. “Tôi luôn tin tưởng vào bản thân mình,” anh phát biểu trong buổi phỏng vấn cho tờ Sports Illustrated. “Đó là quan điểm mỗi lần ra sân, tôi biết mình thuộc về nơi này; với tài năng của mình, ở đó có chỗ cho tôi.”
Tyrone đã trở thành một biểu tượng lớn của sự quyết tâm, chăm chỉ, tự tin. Và anh là minh chứng cho việc làm thế nào để đạt được mục đích của mình bằng cách lờ đi những chỉ trích, tập trung vào sức mạnh bản thân mặc kệ những giới hạn. Tyrone có một câu nói rất nổi tiếng: “Bạn không thể dừng chân trước những việc mà mọi người nói bạn không thể.”
Hãy nghĩ tới điều đó. Chúng ta có thường để cho thế giới xung quanh quyết định liệu chúng ta có đủ năng lực hay không? “Bạn không thể làm việc này vì …” là điệp khúc mà chúng ta thường phải nghe. Và chúng ta để cho những mục tiêu của mình tuột khỏi tầm tay vì nghĩ mình không đủ cao, không đủ giàu có, không được giáo dục bài bản… Hãy chọn cho bạn một niềm tin để có thể vượt khỏi giới hạn của bản thân!
Còn nhiều bài học cần phải học từ cuộc đời và những trải nghiệm của Tyrone Bogues. Tập trung vào sức mạnh của bạn, chứ không phải những điểm yếu. Phớt lờ những kẻ bi quan và thiếu tự tin. Và đừng lãng phí thời gian cho việc đặt ra những giới hạn cho bản thân.
Những tổ chức, cá nhân có thể tìm thấy lợi nhuận từ tư duy của Tyrone. Hãy nghĩ lại thị trường thuốc tẩy những năm cuối thập niên 1970. Unilever và Proter & Gamble là những kẻ lấn át sân chơi thế giới, với những kỹ năng xây dựng thương hiệu, thủ thuật tiếp thị, và khoản đầu tư khổng lồ cho quảng cáo là điều kiện tiên quyết để thành công. Cũng giống chiều cao trên 1,8 mét là điều kiện quan trọng để có thể thành công trong môn bóng rổ.
Thế rồi một thương gia tại Gujarati với chút hiểu biết về hóa học và chất tẩy rửa, đã quyết định bán bột xà phòng. Anh ta sản xuất một ít tại sân sau nhà mình, đặt lên chiếc xe đạp và đem bán cho những người hàng xóm. Không hề có kỹ năng xây dựng thương hiệu, không có những cử nhân quản trị kinh doanh, không quảng cáo. Nhưng bằng cách tập trung vào thế mạnh chính của mình – giá thành rẻ – Karsanbhai Patel đã tạo dựng được hiện tượng Nirma, có mặt trên nhiều quốc gia với thành công đáng kể.
Đối với hầu hết chúng ta, sự cám dỗ lại tập trung vào những điểm yếu và bỏ qua những thế mạnh. Khi mười tuổi, con trai bạn thích đọc sách và có thể dẫn quả bóng cricket khá nhanh nhưng lại yếu ở môn toán học, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ gửi cậu bé tới những lớp toán, thay vì lớp dạy kỹ năng viết hoặc những lớp huấn luyện cricket. Tại sao?
Trong mỗi chúng ta đều có một con người như Tyrone, luôn gắng hết sức để trở thành một vận động viên nổi bật trong làng NBA. Nhưng chúng ta lại đang tất bật bồi bổ cho con người ấy vitamin, thuốc bổ và cố gắng kéo dài tay chân anh ta, cố gắng để anh ta cao hơn. Và chúng ta không cho phép anh ta thể hiện được tốc độ, sự khéo léo của mình. Trong bước đường sự nghiệp, ai cũng có thể thành công giống như câu chuyện của Nirma. Nhưng chúng ta lại đang mải mê chi nhiều tiền hơn cho những quảng cáo hấp dẫn, thuê những tài năng trong lĩnh vực tiếp thị, thay vì lợi dụng chân lý duy nhất là giá thành thấp.
Hãy tiến lên, giải phóng sức mạnh kỳ diệu trong con người bạn giống như Tyrone. Hãy gạt bỏ những giới hạn bản thân. Phớt lờ những kẻ bi quan. Hãy xây dựng những thế mạnh của chỉ riêng bạn. Thành công đang vẫy gọi. Bạn đã sẵn sàng?
Hãy tập trung vào thế mạnh của bạn, chứ không phải những điểm yếu. Đừng lãng phí thời gian cố gắng thiết lập những giới hạn.
Người mang nước và cái bình rạn
Tới mùa thi cử, báo chí lại đăng tải rất nhiều những câu chuyện “gây sốt”, thu hút sự chú ý của toàn thành phố. Sự đau khổ của thí sinh khi tới nhầm địa điểm thi, những vị phụ huynh thấp thỏm lo âu, hối hả đưa con mình đi thi trong tình trạng giao thông ùn tắc, những câu chuyện về những đứa trẻ dũng cảm tham gia kỳ thi dù đang ốm đau…
Nếu bạn đọc kỹ, bạn sẽ thấy hàng tá những câu chuyện đáng suy nghĩ trong những kỳ thi. Đó là câu chuyện về những đứa trẻ đang bằng mọi cách nắm lấy cơ hội thay đổi cuộc sống, vì nỗi sợ thất bại. Đó thực sự là một bi kịch. Một bi kịch đặt dưới sự coi trọng thái quá của xã hội vào kết quả những kỳ thi. Câu chuyện buồn của những người đang bị gắn cái danh kẻ thất bại trong cuộc sống, chỉ vì họ không có khả năng hoàn thành 35% bài kiểm tra.
Hiện trong tâm trí tôi câu chuyện về người mang nước. Mỗi buổi sáng anh ta sẽ vác hai bình đầy nước trên vai. Một cái bình còn tốt, cái kia đã bị rạn. Khi tới nhà thầy giáo, cái bình tốt kia vẫn đầy nước còn chiếc bị rạn đã vơi đi một nửa.
Điều này diễn ra trong một thời gian. Mỗi sáng, người mang nước tới nhà thầy giáo với một bình đầy và một bình vơi. Chiếc bình nguyên vẹn sẽ cảm thấy tự hào vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành. Còn chiếc bình rạn kia cảm thấy buồn và có lỗi vì đã để rớt nước trên đường đi và chỉ giữ được một nửa bình nước. “Tôi là cả một nỗi xấu hổ!”, cái bình nói với người mang nước. “Tôi để cậu thất vọng mỗi ngày. Tôi chỉ mang tới nơi được một nửa bình nước. Tại sao cậu không đập vỡ tôi ra từng mảnh?”
“Ôi, anh bạn thực sự không nên suy nghĩ tồi tệ như thế.” Người mang nước tốt bụng nói. “Khi chúng ta tới nhà của thầy giáo, hãy ngắm những bông hoa đẹp dọc đường đi. Tôi chắc chắn chúng sẽ làm anh bạn cảm thấy tốt hơn rất nhiều.”
Chiếc bình rạn kia khi ngắm nhìn những bông hoa dọc đường đi đã cảm thấy vui vẻ hơn. Nhưng điều đó chỉ kéo dài được một chút, vì khi tới gần nhà thầy giáo, nó lại nhận ra mình chỉ mang được một nửa lượng nước mà thôi. “Tôi xin lỗi, tôi lại đang làm cậu thất vọng.” Cái bình ngượng ngập nói.
“Ồ, không!” người mang nước lắc đầu. “Anh bạn không để ý rằng tất cả những bông hoa chỉ nở được trên dải đường mà anh bạn đi qua sao? Đó là vì tôi đã nhìn thấy vết rạn và sử dụng lợi ích từ nó. Tôi đã trồng những hạt giống bên đường và anh bạn tưới nước cho chúng mỗi ngày. Nếu không có anh bạn, chúng ta sẽ không có những bông hoa tuyệt vời như thế!”
Những gì đúng với chiếc bình thì cũng đúng với con người. Chúng ta ai cũng có những “vết rạn nứt”, và thử thách thực sự là tìm ra cách biến điểm yếu thành điểm mạnh cho mỗi người.
Hãy nghĩ về cậu bé với một cánh tay bị bại liệt… Liệu có cơ hội cho cậu chơi những môn thể thao đối kháng như cricket? Thật tuyệt khi B.S. Chandrasekhar đã làm được điều đó. Anh đã sử dụng cánh tay di chứng bại liệt như một lợi thế, và tập được thế xoay cổ tay rất ít người có thể làm được, để ném những quả bóng xoáy và tạo nên nhiều chiến thắng, khiến anh trở thành một trong những người ném bóng cricket vĩ đại nhất mọi thời đại của Ấn Độ.
Hãy nghĩ về nhà khoa học Spencer Silver, người đã tạo ra một loại keo dán mới. Loại keo này sẽ làm dính nhưng không dính hoàn toàn, vì thế bạn có thể tách chúng ra. Một sự thất bại? Hoàn toàn không, khi bạn để ý rằng nó đã dẫn tới phát minh của những tập giấy nhớ có mặt hàng ngày ở bất kỳ đâu. Những thiếu sót, những sự rạn nứt có thể ẩn chứa phép màu bên trong. Cậu bé thi trượt kỳ thi môn Toán có thể sẽ trở thành huyền thoại cricken Sachin Tendulkar. Dhirubhai Ambani – người đàn ông nằm trong top 50 người quyền lực nhất Châu Á đã từng phải cố gắng hết sức để qua được lớp 10. Đừng chỉ chỉ trích những cái bình bị rạn. Hãy chăm chỉ hơn để khám phá ra những tài năng ẩn trong đó và cách khai thác những khả năng đặc biệt ấy. Nếu bạn thất bại khi làm điều đó, có nghĩa là tồn tại một vết rạn thực sự. Nhưng không phải trong cái bình, mà trong người giữ nó.
Chúng ta ai cũng có những khiếm khuyết và sai lầm. Điều quan trọng là tìm ra cách sử dụng tốt những khả năng riêng biệt của bản thân.
Ol’ Charlie Brown và bản lĩnh Uthappa
Sự khác biệt giữa những người thành công và những kẻ thất bại thực sự đơn giản. Người thành công thường kể lại những thành công. Ngược lại, những kẻ thất bại chỉ nhớ về những cơ hội bị bỏ lỡ, những lần thất bại. Và, như người ta thường nói, đó là tất cả trong tâm trí họ.
Ngày mùng 5 tháng 9 năm 2007, ngày thứ 6 của giải đấu cricket Quốc tế chứng kiến cuộc so tài giữa tuyển Anh và tuyển Ấn Độ tại Oval. Tuyển Anh đã dẫn trước với tỷ số 3-2, được đánh trước và đã ghi 316 điểm. Tuyển Ấn Độ, bắt đầu ở lượt thứ 15, đã ghi 307 điểm. Robin Uthappa và Ramesh Powar là những người đánh bóng. Cần thêm 10 điểm Ấn Độ mới có thể chiến thắng.Hai quả đầu tiên, Ấn Độ chỉ ghi thêm được 2 điểm. Điều đó có nghĩa họ cần ghi được 8 điểm nữa mới có thể chiến thắng.
Và khi Robin thực hiện cú đánh bóng táo bạo (cú đánh chắc chắn sẽ khắc ghi trong tâm trí bạn nếu bạn đã xem trận đấu đó), anh đã làm tất cả sửng sốt với hai cú đánh hoàn hảo vào đón bóng ở chính giữa cây gậy, mỗi cú ghi 4 điểm, và đội của anh đã giành chiến thắng.
Cú đánh đó chứa đựng sự tự tin tuyệt đối, được thực hiện hoàn hảo, đưa đội tuyển Ấn Độ tới ngưỡng cửa chiến thắng. Nhưng nếu Robin để lỡ quả bóng đó, điều đó sẽ thật tệ hại. Các chuyên gia sẽ bêu riếu anh vì đã không quan tâm tới kỳ vọng của đồng đội, vì chơi thiếu trách nhiệm, làm đội tuyển Ấn Độ thất bại. Nhưng ngược lại, Robin đã trở thành người hùng.
Trong buổi phỏng vấn sau trận đấu, Harsha Bhogle đã hỏi Robin về cú đánh. “Khi thực hiện cú đánh đó, anh có nghĩ nếu thất bại, mọi chỉ trích sẽ dồn về phía anh?”
Robin giải thích rằng anh và đồng đội của mình đã tập luyện kỹ càng cú đánh đó để chuẩn bị cho giải đấu. Anh đã thực hiện nó đúng kỹ thuật nhiều lần. Và anh nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại!” “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình thất bại.” Điều đó thật tuyệt!
Thông thường, nỗi sợ thất bại kéo chúng ta lại. Và kết quả là chúng ta không còn cố gắng thử làm cái chúng ta có khả năng làm được nữa. Những suy nghĩ của sự thất bại ngập tràn trong đầu chúng ta. Chúng ta nghĩ tới sự thất bại, tới những điểm yếu, những giới hạn, những hệ quả của việc không thành công, sự xấu hổ, nhục nhã, nỗi lo âu của kẻ bại trận. Và suy nghĩ sao thì chúng ta sẽ trở thành như vậy.
Những người chiến thắng nghĩ một cách khác. Họ nghĩ tới quá khứ họ đã thành công như thế nào. Những thế mạnh của họ. Họ tưởng tượng niềm vui chiến thắng. Sự huy hoàng. Những chiếc ôm hôn chúc mừng. Và thành công thường xuyên đến với họ.
Trong những thử thách của bản thân, bạn có thể nghĩ tới những thành công trong quá khứ, hoặc những thất bại của bản thân. Lựa chọn là do bạn. Và bạn tác động trực tiếp tới những kết quả mà bạn đạt được. “Nếu bạn nghĩ bạn có thể, bạn có thể. Nếu bạn nghĩ bạn không thể, bạn cũng đúng.”
Bạn có nhớ truyện tranh hài Peanuts và Charlie Brown tốt bụng? Trong truyện đó, tôi thích cuộc hội thoại giữa Lucy và Charlie. Khi họ nhìn qua cửa sổ, Lucy reo lên, “Ồ, tớ nhìn thấy những chú chim và những cành cây, những bông hoa và ánh nắng mặt trời.” Còn Charlie than thở, “Tớ nhìn thấy những dấu tay, những con bọ và những vết nhơ.” Lucy lắc đầu, “Charlie Brown, cậu có biết rằng cửa sổ là để nhìn qua nó, chứ không phải nhìn vào nó!”
Cuộc sống của chúng ta cũng giống như những cánh cửa sổ. Chúng ta có thể nhìn qua những thử thách và ánh hào quang, cảm nhận sự sung sướng của chiến thắng. Hoặc chúng ta có thể tập trung vào sai sót, những điểm yếu, những vết nhơ, những sự khó khăn. Vì thế, khi bạn đứng bên cửa sổ của những thử thách cuộc đời, hãy lựa chọn nhìn vào những thế mạnh của bản thân. Cụ thể hóa cảm xúc của sự chiến thắng. Đừng tập trung vào những giới hạn của bản thân. Đừng nhìn vào những dấu vân tay bẩn trên “cửa sổ cuộc đời”.
Hãy học cách trở thành Robin. Đừng nghĩ bạn sẽ bỏ lỡ. Và bạn sẽ không thất bại!
Những cửa kính là để nhìn xuyên qua, không phải để nhìn vào chúng! Cuộc sống của chúng ta cũng giống như những ô kính cửa sổ. Chúng ta có thể nhìn xuyên qua những thử thách, để thấy ánh hào quang, cảm nhận sự vui mừng của chiến thắng. Hoặc chúng ta có thể tập trung vào những sai sót và thấy tất thảy trước mắt chỉ là những khó khăn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.