Thói Quen Của Kẻ Thắng
3. Kiên nhẫn
“Main Khelega!” Điều tạo nên nhà vô địch Sachin Tendulkar
Ngày 24 tháng 2 năm 2010, cả đất nước Ấn Độ đã nổ tung vì vui sướng khi Sachin Tendulkar trở thành vận động viên môn cricket đầu tiên ghi 200 điểm trong một trận tại giải thi đấu quốc tế. Trong 2.961 trận đấu trước, không ai làm được điều đó.
Khi những tờ báo bắt đầu đăng tải rất nhiều câu chuyện về cuộc sống của anh – vận động viên cricket tuyệt vời nhất Ấn Độ, tôi đã nghĩ tới một câu chuyện khác. Khi cả thế giới đều hâm mộ tài năng của anh, thì câu chuyện này, ở một số khía cạnh, giải thích những gì đã tạo nên một nhân tài. Một gã khổng lồ giữa những người bình thường. Một huyền thoại trẻ!
Tháng 12 năm 1989, tại Sialkot, Pakistan, đã diễn ra trận đấu thứ tư giữa Ấn Độ và Pakistan. Đó cũng là trận đấu quốc tế thứ tư trong sự nghiệp thể thao của Sachin.
Bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 16, Sachin, với mái tóc xoăn và khuôn mặt ngây thơ, đã có rất nhiều người mến mộ và được đánh giá là một tài năng trẻ. Tuy nhiên, có không ít những ngôi sao trẻ từng tỏa sáng trong làng cricket Ấn Độ, nhưng sau đó đột nhiên mờ đi – quả là một sự bất công. Nếu họ nhìn chặng đường dài đi tới thành công bằng một ý chí không vững vàng, họ sẽ không giữ được tài năng của mình. Liệu Sachin có như vậy?
Tỷ số trận đấu đang là 0-0 sau 3 ngày thi đấu. Mặc dù có được lượt chơi đầu tiên ở trận thứ tư và dẫn 65 điểm, Pakistan nhanh chóng lật ngược thế trận với Waquar Younis và Wasim Akram. Nhưng sau đó, Ấn Độ đã bất ngờ lội ngược dòng từ thất bại, họ tỏa sáng để chiến thắng trong giải đấu mà họ có thể sẽ thua.
Khi Sachin bắt đầu bước vào thi đấu, những vận động viên lão luyện như Sanjay Manjrekar và Kris Srikkanth, Mohammed Azharuddin và Ravi Shastri đã nhận thấy những cú tấn công của Pakistan là rất hiểm hóc. Một cầu thủ trẻ như Sachin sẽ đối đầu ra sao trong trận đấu?
Waquar có cú ném rất hiểm, bóng đập đất nảy lên mũi của Sachin. Chàng trai tội nghiệp đã chảy máu rất nhiều. Một cảnh tượng không mấy đẹp đẽ trên truyền hình, và hầu hết những phụ nữ đang xem sẽ nghĩ đáng lẽ phải có điều luật cấm một cầu thủ mới chỉ 16 tuổi thi đấu để tránh những tình huống thô bạo như vậy.
Khi bác sĩ người Ấn Độ của đội bóng chạy vào sân, những cầu thủ Pakistan cũng tập trung lại để nhìn Sachin. Sidhu đã gọi Sachin lại. Khi bác sĩ cố gắng cầm máu, Sidhu đã khuyên Sachin rằng có lẽ anh nên nghỉ ngơi và thi đấu tiếp sau. Nên như vậy, để cái mũi của anh được chữa trị, để anh lấy lại bình tĩnh, và trở lại trận đấu với hy vọng những đòn tấn công ít thô bạo hơn từ đối thủ. “Hãy nghỉ ngơi đi”, Sidhu nói. Anh ấy sợ điều này sẽ là dấu chấm hết cho một sự nghiệp đầy hứa hẹn.
“Đi vào trong, tôi sẽ tập trung chữa cho anh”, vị bác sĩ nói.
Nhưng Sachin đã gạt họ sang một bên, vẻ mặt hơi giận dữ vì họ thậm chí bảo anh ấy rời đi. “Main khelega!” anh nói. “Tôi sẽ chơi”. Và khi đó, một ngôi sao đã ra đời.
Lời nói đó đã hành động hóa quyết tâm mạnh mẽ của một chàng trai trẻ không bao giờ bỏ cuộc.
Sachin đã có thể tới phòng thay đồ nhưng anh không làm vậy. Những người đang theo dõi có thể chấp nhận, nhưng trái tim của anh ấy sẽ không chấp nhận. Trận đấu bước vào căng thẳng hơn. Ấn Độ đã rơi vào khó khăn. Cú tấn công khi nãy đã để lại hậu quả. Máu đã nhuốm vào găng tay, áo, mặt và cả tinh thần của anh.
Nhưng chàng trai trẻ không quan tâm tới nó. Main khelega. Sachin đã tiếp tục thi đấu để ghi 57 điểm. Với hai từ – main khelega – ý chí đã khiến anh trở thành thiên tài tại Sialkot.
Luôn là như vậy, cái khác biệt của các nhà vô địch với những người bình thường không phải chỉ có tài năng, mà là thái độ, là sức mạnh tinh thần, là sự sẵn sàng chiến đấu khi những người khác gục ngã. Đó là tinh thần main khelega – tinh thần đặt nhu cầu của cả đội lên trên sở thích cá nhân.
Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta bị áp lực nặng nề, đến nỗi chúng ta cảm giác như đang thất bại và muốn thoát khỏi nó. Đó là lúc bạn cần giơ tay lên và thể hiện giá trị, sự tự tin. Là lúc để nói main khelega.
Là một nhà lãnh đạo, bạn có thể thường xuyên cảm thấy thế giới đang âm mưu hãm hại bạn. Bạn có thể đang tìm kiếm chiến thắng nhưng sự thất bại lại chằm chằm nhằm vào bạn. Những lúc như vậy, tất cả những gì một nhà lãnh đạo tìm kiếm là một vài người tài giỏi trong đội ngũ của anh ta, những người nói main khelega. Tinh thần này sẽ lan truyền. Một người giơ tay, người khác cũng sẽ giơ tay. Rồi thêm nhiều người khác nữa. Và đội ngũ đó bắt đầu tin tưởng vào chính mình, vào khả năng chiến đấu để giành chiến thắng.
Hơn hai thập kỷ gần đây, Sachin đã làm mãn nhãn khán giả với những màn trình diễn của mình. Chúng tôi nín thở xem anh ấy thi đấu, hồi hộp với những chiến thắng không thể tin nổi, và chúng tôi cũng rất buồn khi anh ấy thất bại. Anh ấy đã giúp chúng tôi có những giấc mơ, giúp chúng tôi chiến thắng. Bằng cách riêng, anh ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy cuộc sống thật tốt đẹp, làm cho chúng tôi tự hào được là người dân Ấn Độ.
Nhưng có lẽ, sự đóng góp lớn nhất của Sachin là dạy cho cả một dân tộc biết đứng lên và chiến đấu, học cách không bao giờ từ bỏ và nói main khelega. Những năm sau, khi bậc kỳ tài kia giải nghệ, khi chúng tôi kể cho con cháu của mình về kỳ công chói lọi của một huyền thoại cricket, chúng tôi chắc chắn sẽ nói với con cháu mình – và dạy chúng – hai từ kỳ diệu đã tạo nên tinh thần của một nhà vô địch.
Cám ơn, Sachin, vì những màn trình diễn tuyệt đỉnh. Cám ơn vì tất cả những chiến thắng đó. Và tất nhiên, cám ơn vì đã cho chúng tôi thấy giá trị tốt đẹp của tinh thần main khelega.
Có những lúc áp lực đè nặng và bạn muốn đầu hàng, muốn thoát khỏi nó. Đó chính là lúc bạn cần giơ cánh tay lên, và đặt mình trong lợi ích của cả đội. Đó là lúc để nói main khelega – “Tôi sẽ chơi”. Cái có thể tách biệt những nhà vô địch và những người bình thường không phải chỉ có tài năng. Nó là thái độ. Là sức mạnh ý chí.
Tre
Nơi ưa thích của tôi ở nhà – và cũng là niềm tự hào của vợ tôi – là khu vườn cọ và tre cô ấy trồng trước nhà. Đó là nơi mỗi sáng chúng tôi ngồi đọc nhanh những tờ nhật báo, với ly cà phê đắng mới pha, khiến cho những tin tức trở nên phần nào thú vị hơn!
Và có lẽ mảnh đất xanh này đã làm cho tôi rất thích tre. Tre mọc rất cao – có lẽ phải gần 25 mét . Nó mất khoảng 5 năm 3 tháng để có thể đạt được chiều cao tối đa. Nhưng có một sự thú vị ở đây. Trong 5 năm đầu tiên kể từ sau khi bạn gieo hạt, bạn không thấy gì. Hoàn toàn không. Nếu có thì chỉ một chút măng nhú khỏi bộ rễ bầu.
Và sau đó, trong 90 ngày tiếp theo, nó vươn mạnh mẽ lên thành một cây cao ngất ngưởng 25 mét .
Bạn tin vào điều đó? Trong vòng 60 tháng đầu tiên, mọi sự phát triển của cây tre không nhìn thấy được, nó diễn ra phía dưới mặt đất. Những rễ tre tạo nên một mạng lưới phức tạp, giống như một bức họa thu nhỏ của xe điện ngầm London. Những cái rễ cây khỏe mạnh này, một khi phát triển đầy đủ, sẽ giúp cho thân cây phát triển cao vút lên nhanh chóng.
Và trong 90 ngày tiếp theo đó – chỉ 90 ngày – nó thực sự đã vụt khỏi mặt đất, cao như một tòa nhà 8 tầng vậy.
Trong thời đại của cà phê và thức ăn nhanh, của những kế hoạch kiếm tiền chớp nhoáng và những chế độ ăn uống giảm cân chóng mặt, của những khoản tiền lãi hàng quý, có lẽ chúng ta ai cũng cần dừng lại và rút ra bài học từ cây tre.
Sự kiên nhẫn có phần thưởng của nó. Không gì có thể xuất hiện trong chốc lát. Nhưng thông thường, chúng ta không sẵn sàng để chờ đợi tới khi được thưởng, và có xu hướng trồng những loại cây ngắn ngày hơn.
Khi gieo hạt hay bắt đầu một việc gì đó mà chúng ta không thấy được kết quả ngay, chúng ta sẽ mất kiên nhẫn. Chúng ta sẽ nhổ cái cây con lên để kiểm tra xem bộ rễ có đang phát triển hay không. (Và tất nhiên, khi bạn làm thế, chúng sẽ chết!).
Chúng ta có xu hướng thiếu kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Và thường xuyên, rất thường xuyên, chúng ta thường vội vàng yêu thích những cây nấm mọc sau một đêm mưa (và cũng héo đi rất nhanh sau đó) – bởi chúng ta có thể nhìn thấy chúng! Những thành công lâu dài, bền vững đòi hỏi thời gian, và một câu hỏi thú vị dành cho bạn là: Nếu bạn là người lãnh đạo một tổ chức, bạn có cho phép – hay thậm chí khuyến khích – sự phát triển của những nhân tố như cây tre. Hay bạn đang tạo ra một tổ chức với những nhân sự như loài cây có khả năng sinh trưởng nhanh chóng?
Đằng sau thành tựu lớn luôn là những năm tháng lao động vất vả, công việc khó khăn, thất bại, căng thẳng, sự quyết đoán, những đêm không ngủ… Tất cả giúp hình thành mạng rễ đủ khỏe mạnh để nuôi dưỡng một thành quả thực sự. Một thân cây cao 25 mét.
Vì thế, mỗi khi bạn cảm thấy nản lòng bởi chưa nhìn thấy kết quả, và muốn từ bỏ, đừng! Hãy nghĩ tới cây tre.
Khi bạn cảm thấy thế giới bất công và đang từ chối, không nhận ra nỗ lực, công sức của bạn, đừng sợ hãi. Năm năm lặng lẽ phát triển dưới lòng đất sẽ dẫn tới ba tháng lớn lên với tốc độ đáng kinh ngạc.
Và, sau những năm tháng lao động hăng say không ai biết tới, khi bạn thực sự đạt được thành công, hãy chuẩn bị nghe mọi người nói rằng: “Ồ, anh ta thật may mắn, anh ta thành công thật nhanh chóng!” Đó là vì, họ chẳng hiểu gì về cây tre!
Sự kiên nhẫn có phần thưởng của nó. Không có gì tự nhiên xuất hiện trong chốc lát.
Tính kiên nhẫn và người đàn ông tên gọi Atapattu
Sự kiên trì có giá trị của nó. Trong cuộc sống, trong thể thao và cả trong sự nghiệp của bạn.
Trong lần cựu thủ tướng Anh Winston Churchill tới thăm một trường học, những đứa trẻ đã hỏi ông về bí quyết thành công trong cuộc sống. Câu trả lời của ông là: “Chỉ gồm vài từ …”. Churchil ngừng lại. Rồi nói tiếp: “Đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Thói thường, khi chúng ta đã làm hết những công việc khó khăn, nặng nhọc và chỉ còn cách thành công một bước, chúng ta lại từ bỏ. Vấn đề là, chúng ta hiếm khi biết rằng chúng ta chỉ cần bước một bước nữa thôi, chỉ một bước nữa là nhìn thấy giấc mơ của chúng ta rồi.
Bỏ cuộc và chọn một con đường mới dường như là một lựa chọn rất hấp dẫn, rõ ràng không có nỗi sợ hãi về sự thất bại ở đó. Bao giờ cỏ ở bên đồi kia trông chẳng xanh hơn. Và chúng ta cố gắng giải thích cho những thất bại hiện tại của mình – không gặp may, sếp tồi, việc chán, giờ giấc cứng nhắc… Tất tần tật đủ mọi lý do.
Điều đó lý giải tại sao tôi thích câu chuyện về Marvan Atapattu, một cầu thủ cricket thuộc tuyển Sri Lankan. Đó là câu chuyện mà Harsha Bhogle, bình luận viên cricket được yêu thích nhất Ấn Độ thích kể đi kể lại.
Khởi đầu trong màu áo quốc gia Sri Lanka, Marvan đã không ghi được điểm nào trong lượt chơi đầu tiên của mình. Và kết quả lặp lại, ở lượt chơi thứ hai. Họ đã loại anh. Anh đã phải tập luyện thêm rất nhiều để chờ đợi một cú điện thoại mang tới cơ hội. Và 21 tháng sau, cuộc gọi ấy đã đến.
Lần này, Marvan đã nỗ lực hơn rất nhiều. Điểm số của anh ấy: 0 trong lượt đầu tiên, 1 ở lượt thứ hai. Bị loại thêm lần nữa, anh đã phải quay lại luyện tập cực nhọc, và đã chạy hàng nghìn lần trong những đợt tập luyện cao độ. Những lượt chạy dường như không đủ để xóa bỏ ký ức thất bại đau đớn trong màu áo đội tuyển Quốc gia. Thật không ngờ, 17 tháng sau đó, cơ hội mở ra với anh rồi ngay lập tức đóng lại. Marvan tiếp tục thi đấu, điểm số của anh ấy lần này vẫn là: 0 và 0. Thế đấy!
Liệu có còn cơ hội nào khác cho Marvan? Mọi người nói anh ấy không có bản lĩnh chơi những trận lớn. Kỹ thuật của anh ấy không đủ tốt để chơi ở giải đấu cao nhất. Không nản lòng, Marvan tiếp tục cố gắng.
Ba năm sau, Marvan mới có một cơ hội khác. Lần này, anh đã thể hiện rất tốt. Trong sự nghiệp lừng lẫy về sau, Marvan đã ra sân và ghi tổng số hơn 5000 điểm cho Sri Lanka. Và anh ấy đã trở thành đội trưởng đội cricket Quốc gia. Marvan đã cố gắng ròng rã suốt sáu năm để có thể ghi điểm trong màu áo Quốc gia. Một chàng trai tuyệt vời!
Có bao nhiêu người trong chúng ta có thể làm chủ được thất bại giống như Marvan đã làm? Sáu năm cố gắng và thất bại. Anh ấy chắc hẳn đã được khuyên theo đuổi ngành nghề khác. Thay đổi môn thể thao khác. Chơi giải trong nước. Hoặc, tốt hơn hết, hãy bỏ cuộc.
Nhưng anh ấy quyết định không làm như vậy. Và điều đó tạo nên sự khác biệt.
Chúng ta đều đã nghe chuyện về những người có tài nhưng lại từ bỏ trước khi khả năng của họ được nhận ra, những người thay đổi nghề nghiệp khi họ thấy thành công xa vời vợi.
Tới đây, khi bạn nhìn nhận những thất bại, hãy nghĩ về Marvan. Và nhớ điều này: Nếu bạn không từ bỏ, nếu bạn tin tưởng vào bản thân bạn, nếu bạn tiếp tục luyện tập, thành công cuối cùng sẽ tới với bạn. Hơn nữa, bạn có thể trở thành đội trưởng vào một ngày không xa.
Đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ bỏ cuộc!
Tinh thần Anil Kumble
Khi Anil Kumble, nguyên đội trưởng đội cricket Ấn Độ và là người có số lần đánh bóng nhiều nhất từ trước tới nay, chia tay giải đấu cricket Quốc tế, toàn bộ Quốc gia dường như đứng lên và gửi lời chào tới một trong những người lính cừ nhất Ấn Độ, một người đàn ông không biết mệt mỏi để đưa Ấn Độ tới rất nhiều chiến thắng nổi tiếng. Và quan trọng hơn, anh ấy là người giơ tay đầu tiên mỗi khi có thử thách và cần một chiến binh.
Anil Kumble rất đặc biệt. Khi anh khoác áo tuyển Quốc gia, trông anh không giống một anh hùng. Một số người tò mò nhìn anh, giống như đang nhìn một kỹ sư với cặp kính trên sân đấu. Và trong thời đại của những vận động viên cricket kiêu ngạo, khoa trương, hiếu chiến, Anil trầm tính đến mức khó có thể được gọi là một chiến binh. Nhưng anh ấy thực sự đã là một chiến binh. Cạnh tranh quyết liệt. Học hỏi mọi lúc. Luôn sôi sục tinh thần chiến đấu. Và, liều lĩnh, liều lĩnh để chiến thắng.
Truyền hình, báo chí đầy ắp những tin tức về Anil sau khi anh ngừng thi đấu. Vậy điều gì thú vị nhất trong sự nghiệp vĩ đại của Anil?
Anh có thật là người giữ số lần đánh bóng cao nhất trong lịch sử cricket Ấn Độ với 619 cú đánh bóng trong giải đấu Quốc tế? Hay anh thật sự ném bóng không biết mệt mỏi hơn 4000 lần trong các trận đấu, trong tổng số 66 lần thi đấu? Hay đó là một phép màu tại Kotla trong trận đối đầu Pakistan, anh ấy đã chạy hơn 10 vòng sân? Một chiến công tuyệt vời, người ta còn đặt tên anh cho một ngã tư tại Bangalore. Hay những chuyên gia đã không tiếc lời ca ngợi hai việc mà Kumble đã làm, khiến cho một vận động viên vĩ đại khác – Shane Warne, đã liều lĩnh muốn làm mà không thể: thực hiện 100 lượt chạy, dẫn dắt cả đội tuyển Quốc gia! Hay đó là điểm nhấn trong sự nghiệp Anil khi anh dẫn dắt đội tuyển tại Úc? Anil rõ ràng đã đeo băng đội trưởng với niềm kiêu hãnh và đã tỏa sáng với tài năng và phẩm chất của mình.
Đặc biệt, sự kiện đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Anil khi anh ra sân ném bóng với một bên quai hàm bị gãy, trong trận đấu với West Indies. Điều đó thật đặc biệt. Thực sự đặc biệt.
Để hiểu được ý nghĩa của nó, hãy cùng trở về St John’s, Antigua, quay lại ngày 12 tháng 5 năm 2002. Trận thứ tư của giải đấu. Và hình ảnh đáng nhớ nhất của trận đấu là khi Anil thi đấu với quai hàm bị băng bó chằng chịt. Ngay từ đầu trận, Anil đã bị Mer Dillon va mạnh vào mặt. Mặc dù bị chơi xấu, và bị chảy máu – Anil vẫn tiếp tục chiến đấu như một người lính và chơi hết bốn hiệp. Sau đó, người ta vội vàng đưa Anil đến bệnh viện. Ảnh chụp X-quang cho thấy anh ấy bị vỡ quai hàm. Thật là tệ! Anil phải dừng giải đấu tại đây, anh được thu xếp để trở về Ấn Độ vào ngày hôm sau.
Ấn Độ đã tạo được những lợi thế đầu tiên. Nhưng họ đã mất đi một ngôi sao ném bóng khi đối đầu với Windies. Sau 45 lượt ném bóng của đội Ấn Độ, tuyển Windies đã có kết quả rất tốt nhờ tay đỡ bóng Brian Lara – thì thật ngạc nhiên – Anil đã quyết định trở vào sân. Rạn nứt quai hàm, băng bó chằng chịt, vết thương đau đớn, Anil đã ném 14 lượt và đánh bại được Brian.
Viv Richards nói đó là hành động dũng cảm nhất anh ta từng thấy trên sân đấu: “Cricket chứng kiến những câu chuyện dũng cảm, và hành động của Anil đứng trong nhóm đầu của những câu chuyện đó!”. Và tất cả những gì mà Anil đã nói là: “Bây giờ, tôi có thể trở về nhà với suy nghĩ rằng tôi đã cố gắng hết sức được rồi.”
Thời khắc đó, có lẽ hơn bất kỳ điều gì, đã hình thành nên sự vĩ đại của Anil Kumble. Một người đàn ông khi nhắc đến chắc chắn có thể tạo động lực cho cả đội, cả đất nước, cả thời đại. Điều khiến bạn trở thành một anh hùng không phải là thành tích bạn đạt được. Đó là sự sẵn lòng chiến đấu vì đội của bạn, hi sinh cá nhân vì một lợi ích lớn hơn, sẵn sàng chịu đựng đau đớn vì kết quả chung.
Trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, chúng ta đều có thể làm việc với tinh thần Anil Kumble. Chơi vì đồng đội, không chỉ cho bản thân chúng ta. Bỏ qua những đau đớn, góp sức cho mục tiêu của đội. Bạn có thể bị rạn nứt quai hàm, nhưng hãy nỗ lực chiến đấu khi còn có thể. Hãy nhớ, cuối cùng, chúng ta được nhớ đến vì tính cách, thái độ và lòng vị tha. Những thành tích khác đều chỉ đứng thứ hai, và chỉ là thoáng qua mà thôi!
Đôi khi, cơ hội lớn nhất để chúng ta thể hiện bản lĩnh không phải là lúc ở trên đỉnh cao sự nghiệp, mà là lúc tận cùng của sự tuyệt vọng. Hãy nghĩ về nó. Anil đã từng bị loại khỏi đội tuyển ở hai giải thi đấu Quốc tế đầu tiên. Được trao cơ hội lần thứ ba, anh ấy bị chấn thương rạn quai hàm, được sắp xếp để trở về nhà ngay hôm sau. Mọi thứ chấm dứt. Và sau đó, anh ấy đã hành động như một anh hùng – tiếp tục chiến đấu. Anh ấy có thể đã phải ở ngoài để bác sĩ chăm sóc. Nhưng tất cả những gì anh ấy nghĩ là “Ít nhất tôi đã cố gắng hết sức!”
Khi mọi thứ đổ vỡ, những nhà lãnh đạo thực thụ không biến mất. Họ ở đó và chiến đấu. Cám ơn Anil, vì những cú ném bóng tốt. Vì tinh thần lãnh đạo tuyệt vời. Và vì đã thể hiện một cá tính mạnh mẽ. Anh có ý nghĩa với quốc gia nhiều hơn những gì chúng tôi được biết.
“Khi một người nhắc tên bạn trong trận đấu, họ không đánh giá bạn thắng hay thua, mà là cách bạn đã thi đấu thế nào!”
Khi mọi thứ đổ vỡ, những nhà lãnh đạo thực thụ không biến mất. Họ đứng dậy và chiến đấu. Hãy “ném bóng” ngay cả khi quai hàm của bạn bị vỡ đi chăng nữa.
Hãy tập thói quen “thêm một độ”
Tất cả mọi người đều biết rằng ở 99oC, nước rất nóng.
Chúng ta cũng biết rằng ở 1000C, nước bắt đầu sôi, và ở trạng thái bốc hơi, nước tạo ra năng lượng có thể di chuyển được một một đoàn tàu chở đầy người. Hãy nghĩ về điều đó. Chỉ thêm một độ nữa, và hơi nước có đủ sức mạnh để di chuyển cả chiếc xe lửa.
Trong khi chúng ta có thể không nhận ra điều đó, thì cuộc sống lại diễn ra kiểu như vậy. Một độ có ý nghĩa với rất nhiều thứ. Một chút cố gắng có thể tạo ra sự khác biệt giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại, giữa việc đạt được mục tiêu hay bỏ lỡ chúng, hay sự khác biệt giữa việc chỉ là nước nóng hay có khả năng di chuyển cả một đoàn tàu.
Thông thường, chúng ta từ bỏ khi đích đến chỉ cách chúng ta một chút nữa. Chúng ta kết thúc ở vị trí thứ hai, khi chỉ cần cố gắng thêm một độ là có thể bước sang một thế giới khác. Nhưng không may, chúng ta không có được sự hỗ trợ của chiếc nhiệt kế để có thể biết chúng ta cần tiếp tục cố gắng – thêm một độ nữa thôi. Cho dù điều bạn bắt đầu làm là gì, hay mục đích mà bạn cố gắng để đạt được là gì, hối thúc bản thân hãy cố gắng thêm chỉ một chút nữa. Chỉ một độ nữa thôi. Và quan điểm đó thường sẽ mang lại những thành công trong cuộc sống của bạn, nhiều hơn là không mang lại gì.
Cũng giống như sự khác biệt giữa việc chỉ là nước nóng và việc di chuyển được xe lửa, có thể chỉ cần một phần của một giây có thể tạo ra sự khác biệt lớn giữa chiếc huy chương vàng đáng nhớ tại Olympic với những thứ hạng mờ nhạt khác. Bạn có thể thua ở séc đấu quyết định tại trận chung kết Wimbledon – và bạn nhận ra mình chỉ kiếm được nửa số tiền thưởng, không có được vinh quang trở thành nhà vô địch Grand Slam. Cuộc sống là một cuộc đua đường trường. Chỉ thêm “một độ” là có thể tạo ra một thế giới khác biệt.
Lần tới khi bạn cảm thấy bạn đã cố gắng, hay bạn cảm thấy như muốn bỏ cuộc, hãy kéo căng bản thân. Để có thể cố gắng thêm một độ nữa thôi. Sự khác biệt có thể rất kỳ diệu. Những người thành công làm tất cả những gì có thể. Và sau đó, họ cố gắng thêm một chút nữa. Cố gắng hơn nữa. Và xem sự kỳ diệu xảy ra!
Hãy tập cho mình thói quen “thêm – một – độ” – thói quen của những người chiến thắng. Hãy làm tất cả những gì có thể. Và sau đó cố gắng thêm một chút.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.