Thói Quen Của Kẻ Thắng

4. Lỗi tư duy của người chiến thắng



Sức mạnh của những mong đợi rõ ràng

Bạn đã bao giờ nghe chuyện một nhóm người từng quyết định thành lập Hội những kẻ bi quan ở London chưa? Đó là một ý tưởng theo xu hướng mới và đã nhận được sự ủng hộ của tất cả những người bi quan trong vùng. Họ chọn chủ nhật tuần tiếp theo là ngày thành lập hội. Nhưng tới ngày đó, không ai đả động tới buổi lễ. Dường như, họ đều cảm thấy nó thực sự không thể hoạt động được.

Khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, nó thường kéo theo thái độ bi quan. Và mọi người dường như không thừa nhận sức mạnh của sự lạc quan, sức mạnh của những hi vọng rõ ràng.

Nếu bạn có những mong đợi rõ ràng – bạn sẽ đạt được những kết quả rõ ràng. Câu chuyện sau có thể cho chúng ta bài học về sức mạnh đó.

Trong một cuộc khảo cứu ở một trường học tại Texas, Mỹ, vị hiệu trưởng đã đưa ra một kế hoạch tuyệt vời nhằm đem lại kết quả chưa từng thấy cho trường học của mình. 30 học sinh giỏi nhất khối lớp 7 đã được lựa chọn kỹ lưỡng và đưa vào một lớp học dưới sự chủ nhiệm của ba thầy cô giỏi nhất trường. Các em sẽ được đào tạo để có thể đạt thành tích cao nhất trong kỳ thi liên bang và mang lại niềm tự hào cho nhà trường.

Các thầy cô đã làm việc rất nghiêm túc. Họ rất vui vì được đánh giá là những giáo viên giỏi nhất trường, họ làm việc càng chăm chỉ hơn để giúp các học sinh xuất sắc. Những kế hoạch tiếp nối nhau được phân chia, lớp học thêm được kéo dài tới cuối tuần, và các thầy cô giáo tận tình giúp đỡ từng học sinh của mình để sẵn sàng cho kỳ thi.

Bọn trẻ cũng rất hào hứng học tập. Chúng hoàn toàn vui vẻ đồng ý không tham gia đội bóng chày để ưu tiên cho lớp học toán. Cha mẹ chúng cũng rất vui khi con mình được chọn vào lớp học đặc biệt. Kỳ nghỉ của gia đình tất nhiên sẽ bị hoãn lại để bọn trẻ không phải nghỉ ngày nào ở trường. Cha mẹ dành sự quan tâm nhiều hơn tới bài vở của con. Cuối năm học, khi kết quả được công bố, tất cả 30 học sinh đã thi rất tốt, và trường đã lọt vào những trường trung học có thành tích tốt nhất bang.

Vị hiệu trưởng vô cùng hài lòng, mời ba giáo viên tới và chúc mừng thành tích của họ. Các giáo viên đều khiêm tốn cho rằng thành công là do tài năng và sự chuyên cần của bọn trẻ. “Sự thành công của học trò là niềm vui lớn nhất đối với tôi”, họ nói.
Sau đó, vị hiệu trưởng lúc này mới tiết lộ bí mật. Những học sinh đó không hề được lựa chọn. Chúng không phải là những học sinh sáng dạ nhất, cũng không có bất cứ sự ưu ái nào. 30 học sinh được lấy ngẫu nhiên ở 3 vùng miền khác nhau và chọn bởi 3 thầy cô khác nhau.

Các thầy cô rất ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó họ nhận ra rằng – xét tới cùng, HỌ là ba giáo viên tốt nhất. Họ đã làm được những điều kỳ diệu. “Nhưng, không hẳn vậy”, vị hiệu trưởng tiếp tục tiết lộ, “Tôi đã viết tên tất cả các giáo viên và bỏ vào chiếc mũ, sau đó bốc ra ba người”. Và các thầy cô là ba người đó!

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Với 30 học sinh có học lực trung bình và ba giáo viên lựa chọn ngẫu nhiên, làm thế nào để trường học đó có thể đạt kết quả xuất sắc như vậy? Câu trả lời là: Sức mạnh của những mong đợi rõ ràng! Những giáo viên làm việc chăm chỉ hơn. Vì họ cảm thấy mình có vị trí đặc biệt và nhiều sự kỳ vọng đặt vào họ. Họ dành nhiều thời gian hơn, chuẩn bị chu đáo hơn, lập nhiều kế hoạch hơn. Họ nhìn thấy dấu hiệu thiên tài nơi học sinh của mình và làm việc hết mình để giúp chúng tỏa sáng. Và học sinh, sung sướng vì mình là người được lựa chọn, không quản khó khăn, nỗ lực hết mình để phát huy hết khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự giúp đỡ từ môi trường xung quanh như gia đình, nhà trường.

Đây là thông điệp cho tất cả chúng ta, những bậc phụ huynh, những người đội trưởng, và tất cả mọi người.

Hãy kỳ vọng nhiều hơn. Hãy kỳ vọng những thành quả tốt hơn từ đội của bạn, gia đình bạn và thế giới của bạn. Và bạn sẽ nhận thấy sự sẵn sàng ở họ, những người sẽ hiện thực hóa những trông đợi đó. Tuy nhiên, đừng giữ kín những trông đợi của bạn. Hãy cho tất cả mọi người cùng biết. Đừng để nỗi sợ thất bại – nỗi sợ hãi mang tên “sẽ như thế nào” – ngăn cản bước tiến của bạn.

Những kỳ vọng có sức mạnh tạo ra thành quả thực sự. Nói với con bạn rằng nó thật hậu đậu, bất cẩn, luôn làm rơi đồ… Và đoán xem điều gì xảy ra? Cậu bé làm đúng như bạn nói. Mỗi khi cậu làm đổ vỡ thứ gì đó, cậu sẽ tự nhủ:

“Lại là mình” hay “không thể chịu nổi”! Và sau đó, cậu chắc chắn sẽ biện minh: “Bố mẹ mình luôn nói mình là kẻ hậu đậu. Họ sẽ được thấy mình như vậy nhanh thôi!”

Nhưng nếu bạn nói rằng con thực sự rất thông minh và sinh ra để làm tốt mọi việc, con bạn sẽ cố gắng rất nhiều để giải quyết những bài đại số rắc rối: “Mình làm được. Chẳng phải cha luôn nói mình là một đứa bé thông minh sao. Mình chỉ cần chăm chỉ hơn mà thôi.” Và càng chăm chỉ luyện tập, cậu bé càng thông minh hơn.

Trong công việc cũng vậy, sức mạnh của những mong đợi rõ ràng mang lại những điều tốt đẹp. Hãy bày tỏ mong muốn đội của bạn sẽ làm tốt, hy vọng những điều tốt đẹp, và nhìn chúng trở thành hiện thực. Hoặc, nếu không muốn, bạn có quyền tự do trông chờ thất bại. Giống nhiều người đã làm. Và giống như họ, bạn có thể luôn nói rằng: “Mình đã nói rồi mà!”

Nghĩ đến chiến thắng, nhận được chiến thắng. Nghĩ đến thất bại, sẽ nhận thất bại.

Ai trộm bánh của tôi

Chuyện xảy ra vào một ngày nọ tại sân bay O’Hare, bang Chicago, Mỹ. Trong phòng chờ, một cô gái đang ngồi đợi thông báo về chuyến bay cô bị trễ. Đó là tối thứ Sáu, cô đang mong nhanh chóng được về nhà và ăn tối cùng bạn trai. Có chút nôn nóng, cô gái đi sang cửa hàng tạp hóa và mua cho mình gói bánh nho hạnh nhân mà cô rất thích.

Phát hiện ra một chỗ ngồi có bàn khá thuận tiện, cô nhanh chóng ngồi xuống và mở laptop ra làm việc, hy vọng sẽ hoàn thành xong bài báo cáo dang dở. Cô cắn một miếng bánh, rồi một miếng nữa… Chiếc bánh nhanh chóng được ăn hết. Khi cô với lấy chiếc bánh thứ hai, cô ngạc nhiên vì nhìn thấy một chàng trai ngồi cạnh cũng đang ngồi ăn một chiếc mà không nói lấy một câu “Xin vui lòng, tôi có thể…”

Một kẻ kỳ quặc, cô thầm nghĩ và cắn một miếng bánh khác. Cô cố gắng tập trung vào công việc nhưng lại nhanh chóng bị phân tâm khi nhìn thấy bàn tay bên cạnh lại nhón một chiếc bánh khác.

Anh ta là người quá vô tư? Một tên lưu manh? Hay một kẻ ăn trộm? Hàng trăm câu hỏi hiện lên trong đầu cô gái, thúc giục cô kéo túi bánh ra xa và bộc lộ một chút thái độ khó chịu với anh ta. Cô cố ngăn mình làm vậy nhưng chỉ được một lát. Cô ném cho anh một cú lườm có cả sự khinh bỉ, tức giận và phẫn nộ. Chàng trai chỉ mỉm cười.

Mọi thứ cứ tiếp tục như vậy. Cô gái cầm một chiếc bánh, chàng trai cầm chiếc tiếp theo. Cho tới khi chỉ còn chiếc bánh cuối cùng. Trong khi cô nhìn chiếc bánh thì anh ta nhanh chóng chộp lấy nó, bẻ làm hai, đưa cho cô một nửa. Cô cầm nửa chiếc bánh và định đứng dậy. Cô reo lên sung sướng khi nghe thông báo rằng chuyến bay của cô đã sẵn sàng để khởi hành. Cô đứng lên, chộp lấy túi xách và đi theo biển chỉ dẫn cửa lên máy bay, vẫn còn tức giận, rất tức giận kẻ ăn chực gói bánh của cô.

Cô bước lên máy bay, tìm đường đến chỗ ngồi của mình ở gần cửa sổ. Để xóa bỏ suy nghĩ về kẻ đáng ghét đó, cô quyết định đọc một cuốn sách. “Đắm mình vào một thế giới màu hồng tốt hơn nghĩ về thực tại xấu xa”. Và cô lục tìm chiếc kính trong túi xách…

Hãy đoán xem cô đã tìm thấy gì? Cô chạm phải gói bánh. Gói bánh hạnh nhân nho! “Ôi, không!”, cô thở dài. Hai tiếng đó bật ra khỏi miệng cô khi đang cúi xuống ghế. Và khi cô nhận ra điều gì thực sự đã xảy ra, cô cảm thấy xấu hổ khủng khiếp. Cô đã ăn gói bánh của một chàng trai khác, và cư xử khiếm nhã với người đó. Thậm chí, cô đã nghĩ anh ta thật tồi tệ. Và người đàn ông đó – không, quý ngài đó – đã mỉm cười với tất cả mọi chuyện, ngay cả khi một người lạ ăn bánh của anh ta.

Cô bật dậy theo bản năng để nhìn xem anh chàng nọ có bay cùng chuyến với cô không, để ít nhất có thể nói lời xin lỗi và cảm ơn anh vì gói bánh. Nhưng chẳng thấy bóng dáng anh đâu cả.

Bạn có thể nghĩ đây chỉ là câu chuyện phiếm về sự trùng hợp ngẫu nhiên của những con người xa lạ ở một vùng đất xa xôi nào đó. Không hề. Chuyện xảy ra vào buổi tối hôm đó tại Chicago, giữa một chàng trai, một cô gái và một gói bánh ấy có thể xảy ra với tôi và bạn, với tất cả chúng ta, ở mọi lúc, mọi nơi. Với gói bánh, hoặc điều gì khác.

Chúng ta đã trải qua cảm giác người khác đang lợi dụng ta, tài năng của ta, lấy trộm gói bánh của ta. Chúng ta hiếm khi dừng lại để nghĩ ta đã dựa vào người khác, vào sự giúp đỡ của họ, gói bánh của họ như thế nào.

Không chỉ vậy. Thường thì gói bánh chúng ta nghĩ nó là của mình thì thực tế lại là của người khác. Chúng ta lo lắng, nổi giận khi nhìn thấy người khác cũng có những thành tựu mà chúng ta nghĩ là của mình. Và chúng ta hạnh phúc trong vinh quang khi đạt được những thứ mà rõ ràng là kết quả của nhiều sự giúp đỡ khác nhau. Điều đó chẳng phải vấn đề gì to tát!

Những người cùng chung vốn và cùng đầu tư mạo hiểm chính là nhân chứng của nhiều khoảnh khắc “ăn trộm bánh”. Mỗi bên đều cảm thấy đối tác đang ”thó” chiếc bánh của mình. Tuy nhiên, thành công nằm trong suy nghĩ giống như chàng trai tại sân bay O’Hare. Chia sẻ những chiếc bánh và nở nụ cười. Bạn tôi, Devdutt Pattanaik khái quát chúng bằng một hình ảnh khá thú vị. Là một bác sĩ thực tập, Devdutt đã chọn theo đuổi niềm đam mê về thần thoại Ấn Độ. Anh vẽ một đường song song giữa thần thoại và nơi công sở hiện đại để rút ra bài học cho chúng ta. Anh nói thế giới đầy những con chó và con bò. Chó nhiều hơn, bò ít hơn. Bò là kẻ cho. Chúng cho đi sữa, không chỉ cho những con bê của chúng mà còn cho những kẻ lạ, cho con người. Chúng chia sẻ niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người, không giữ riêng mình. Chó là kẻ nhận. Ở bất cứ đâu, chúng cũng đòi những quyền lợi riêng. Tiến lại gần chúng là chúng sủa, chúng đe dọa, chúng chiến đấu vì một cục xương, chúng cắn nhau để đòi những chỗ không phải của chúng. Chúng muốn những chiếc bánh, của cả con khác.

Devdutt nói tất cả các tổ chức, hơn thế nữa là cả thế giới cần có những con bò nhiều hơn những con chó. Hãy tự hỏi bản thân xem: Bạn là gì?

Quay lại với những chiếc bánh… Lần sau, bạn thấy ai đó đang ăn bánh của mình, hãy mỉm cười. Sẽ có lần khi bạn giống chàng trai nọ, và bạn sẽ thấy người khác đang ăn bánh của bạn. Đừng bận tâm. Giống như một con bò. Cho đi và mỉm cười.

Tất nhiên sẽ có lúc bạn giống cô gái trẻ kia, ăn bánh của người khác nhưng lầm tưởng rằng họ đang ăn bánh của bạn. Đừng càu nhàu. Đừng bất lịch sự. Hãy chỉ mỉm cười.

Rõ ràng, sống và luôn mỉm cười là một ý tưởng tốt. Hãy nhớ, luôn có một gói bánh khác đang chờ bạn ở đâu đó.

Trong cuộc sống, chúng ta đều đã trải qua cảm giác người khác đang lợi dụng con người, tài năng của chúng ta, và còn lấy bánh của ta nữa. Nhưng chúng ta hiếm khi dừng lại để nghĩ ta đã dựa vào người khác, sự giúp đỡ của họ và ăn bánh của họ như thế nào. Đôi khi, gói bánh chúng ta nghĩ là của mình thì thực tế lại là của người khác.

Thay đổi cách nghĩ.

Và chiếc áo sơ mi cỡ 15

Thay đổi chiến lược là một trong những việc khó khăn nhất một nhà lãnh đạo mới phải đối mặt. Sự xuất hiện của một lãnh đạo mới trong tổ chức thường đi cùng với một loạt các thay đổi. Một vài trong số đó được mong đợi nhưng phần lớn là bị phản đối.

Thường bất kỳ vị lãnh đạo mới nào cũng sẽ nói với bạn: thay đổi thói quen là khó. Và thay đổi suy nghĩ? Chao ôi! Thậm chí còn khó hơn.

Khó khăn đầu tiên, đó là “hội chứng người ngoài cuộc”. Lời đề nghị của bạn bị coi nhẹ vì “Anh thì biết cái gì, chúng tôi đã làm như vậy bao nhiêu năm nay. Anh mới là kẻ cần học!”. Sau đó là những chuyện tương tự như: “Nhưng nó luôn luôn như vậy đấy”. Họ tin rằng những gì đã đúng trong quá khứ thì không có lý do gì nó không đúng trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Và, điều tồi tệ nhất là, khi cố gắng chống lại sự thay đổi, chúng ta có xu hướng nhầm lẫn mối quan hệ nguyên nhân và kết quả. (Tôi rất khoái câu chuyện về một người đàn ông phản đối kịch liệt việc tắm mỗi ngày. “Tôi chẳng hiểu làm thế nào mà mọi người có thể tắm táp hàng ngày như thế!” Ông ta bình luận. “Tôi tắm vòi sen một lần trong một tháng – và cảm thấy ngứa ngáy kinh khủng!)

Chúng ta luôn giữ trong mình những niềm tin cho bản thân và kiên quyết không từ bỏ nó. Và chúng ta tìm kiếm mối liên hệ mơ hồ để bào chữa cho suy nghĩ của mình. Chúng ta quên mất một lẽ tự nhiên: “Nếu bạn chỉ làm những việc bạn luôn làm, bạn sẽ chỉ nhận được những cái bạn đã có.”

Có một câu chuyện khác về người đàn ông luôn than phiền mình bị đau cổ, đau nửa đầu nghiêm trọng và thường xuyên bị chóng mặt. Ông ta trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ nhìn ông ta đầy cảm thông và thông báo một tin vô cùng khủng khiếp: ông ta chỉ sống được sáu tháng nữa. Người đàn ông ra về với nỗi tuyệt vọng. Nhưng sau đó, ông quyết định: địa ngục là cái gì, nếu mình chỉ còn sống được sáu tháng, mình phải sống tốt hơn. Và ông ta làm tất cả những gì mình đã luôn muốn làm. Đầu tiên, ông ta quyết định sẽ may cho mình sáu chiếc áo sơ mi. Ông mua vài mảnh vải có màu sắc khá trang nhã và đến chỗ người thợ may giỏi nhất trong vùng. Người thợ bắt đầu đo số đo của người đàn ông và người thợ may nói với thợ phụ: “Cỡ 16”.

“Không, không”. Ông sửng sốt. “Cỡ của tôi là 15”. “Vậy sao?”, người thợ may hỏi, “Để tôi kiểm tra lại… Ông mặc cỡ 16. Không có gì phải nghi ngờ cả”.

“Cỡ của tôi là 15. Tôi luôn luôn dùng cỡ đó. Và tôi muốn cỡ 15”, người đàn ông nói, xen lẫn chút tức giận. “Vậy được, tôi sẽ may cỡ 15”, người thợ may nói, “Nhưng tôi phải dặn trước rằng nếu ông mặc cỡ 15 thì ông sẽ mắc chứng đau cổ, đau nửa đầu trầm trọng và thường xuyên chóng mặt ”.

Nghĩ về điều này. Tất cả chúng ta sẽ có lúc giống người đàn ông đó. Chúng ta có riêng cho mình một cảm giác về cỡ 15, chúng ta chối từ việc thay đổi niềm tin đó. Chúng ta không chấp nhận thay đổi suy nghĩ. Quan niệm, nhận thức sai lầm giữ chúng ta lại. Và một điều thú vị là trong vai trò của người thợ may, chúng ta nhanh chóng phát hiện ra vấn đề với cỡ cổ áo của người khác.

Nhưng khi sự việc xảy đến với chính chúng ta, chúng ta lại không thể nhận ra vấn đề với cỡ áo của mình. Và chúng ta chịu đựng nó. Nếu lần sau, bạn thấy mọi thứ không đi theo cách bạn muốn, hãy thách thức suy nghĩ của bạn. Hãy thay đổi tư duy. Và thay đổi cỡ áo của bạn.

Nếu chỉ làm những việc bạn thường làm thì bạn chỉ nhận được những cái bạn đã có.

Đánh giá qua lăng kính của riêng mình

Không biết bạn đã nghe câu chuyện về cặp vợ chồng trẻ chuyển tới một căn hộ mới chưa. Một buổi sáng, cô gái nhìn qua cửa sổ nhà ăn và thấy người hàng xóm đang phơi đồ lên dây. Những bộ quần áo nhìn rất bẩn. “Em không nghĩ rằng họ biết cách giặt sạch đồ. Nhìn chúng bẩn quá”, cô nói với người chồng. “Có lẽ họ dùng bột giặt không tốt”, người chồng đáp lại một cách lơ đãng, mắt vẫn không rời khỏi tờ báo.

Vài ngày sau đó, chuyện này lại xảy ra. Những bộ quần áo đã được giặt nhưng trông chúng còn quá bẩn. Lại một lần nữa cô buông lời chê bai người hàng xóm.

Sau đó, vào một buổi sáng chủ nhật, cô gái vô cùng ngạc nhiên. Cô nhìn qua cửa sổ và thấy quần áo nhà hàng xóm đang phơi trông rất sạch. Cô kêu lên: “A! Cuối cùng họ đã biết làm thế nào cho đúng. Có lẽ ai đó đã dạy họ cách giặt sạch quần áo!”.

“Em yêu, đúng vậy”, người chồng nói, “Sáng nay anh đã dậy sớm và lau sạch cửa sổ nhà mình.”

Thật xấu hổ! Và điều xảy ra với cặp vợ chồng kia cũng là xảy ra với tất cả chúng ta. Chúng ta nhìn sự vật không theo cách chúng tồn tại mà theo cách nghĩ của chúng ta. Cửa sổ của chúng ta – lăng kính của chúng ta, ảnh hưởng đáng kể tới cách chúng ta nhìn thế giới.

Nếu chúng ta soi xét những lỗi lầm, ta sẽ thấy chúng, cũng dễ dàng như việc chúng ta sẽ nhận ra điều tốt đẹp khi chúng ta tìm kiếm chúng. Điều này giúp ta không có kết luận vội vàng và chê trách người khác. Đó có thể không phải là lỗi của họ, “cửa sổ” của chúng ta có lẽ đã đổ lỗi cho họ.

Điều này xảy đến với bất kỳ ai, kể cả trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn sống với sự sợ hãi thất bại trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ xây cho mình chiếc cửa kính đầy những ám ảnh về rủi ro. Trong mọi cơ hội, điều đầu tiên bạn nhìn thấy là sự nguy hiểm, khó khăn, khả năng thất bại, trong khi người khác lại nhìn hình ảnh đó qua chiếc cửa sổ của sự lạc quan và nhìn thấy một cơ hội ngàn vàng.

Một người đàn ông ghé vào một cây xăng bên đường. Ông ta hỏi nhân viên bán xăng: “Những người dân trong thị trấn phía trước như thế nào?” Anh nhân viên trả lời: “Người ở thị trấn của ông tính tình tốt không?” “Khá tồi!”, người đàn ông lắc đầu, “Bất lịch sự, lạnh lùng và không thân thiện chút nào”. “Ừm”, người nhân viên nói: “Tôi rất tiếc nhưng ông sẽ thấy những con người ở thị trấn phía trước cũng như vậy.”

Không lâu sau đó, một chiếc xe khác cũng từ hướng đó đi lại, ghé vào cây xăng. Người lái xe hỏi nhân viên: “Người dân ở thị trấn phía trước như thế nào?” Anh này đáp lại: “Người dân ở thị trấn của anh tính tình tốt không?” Người lái xe đáp: “Tuyệt vời. Họ ấm áp, tốt bụng và rất thân thiện.” Người nhân viên nói: “Vậy sao, tôi rất vui khi nói với anh rằng con người ở thị trấn phía trước cũng như vậy.”

Cuộc sống luôn luôn như vậy. Không phải ở họ mà ở chúng ta. Không phải ở thế giới mà ở chiếc cửa sổ của bạn.

Để bạn bắt đầu nhìn ra những cơ hội, thế giới quanh bạn không cần thay đổi. Chỉ cần lăng kính qua đó bạn nhìn ra thế giới cần đặt lại đúng vị trí hoặc được làm sạch! Rất có thể lăng kính đó được hình thành từ quan điểm lệch lạc của chúng ta. Chúng ta nhanh chóng hình thành đánh giá về người khác, dựa trên phán đoán hời hợt, dựa trên cách nhìn từ cửa sổ của riêng mình. Lần sau, nếu bạn nhìn ra điểm xấu của ai đó, hãy dừng lại trước khi chỉ trích họ. Có lẽ, đó là lúc bạn lau sạch lăng kính của mình.

Chúng ta thường nhìn sự vật không theo cách chúng tồn tại mà theo cách mình nghĩ.

Thế con thỏ trắng của bạn là gì

Tôi rất thích câu chuyện của một người sống trong một căn nhà rất đẹp ở một thị trấn xa xôi. Tôi thích nó bởi đó là câu chuyện về cuộc sống của tôi, của bạn và tất cả chúng ta.

Dường như anh là một người lương thiện, chăm chỉ làm ăn, chưa bao giờ giết một con kiến. Hài lòng với những việc tốt của anh, một bà tiên xuất hiện và nói với anh: “Tất cả của cải và sự giàu có con mơ ước trong cuộc sống bây giờ đều nằm trong tầm tay của con”.

“Chỉ cần ra ngoài vườn”, bà tiên nói. “Ở đây có một chiếc rương lớn với đầy tiền của, vàng bạc, châu báu và những viên ngọc quý. Đến nhận lấy nó – tất cả là của con”. Rồi bà tiên nói thêm: “Có một con thỏ trắng trong vườn và rất dễ dàng để bắt được nó. Khi con đi tìm kiếm kho báu, con không được phép nghĩ tới con thỏ đó. Nếu không, con sẽ không thể tìm thấy sự giàu có. ” Chúng ta giống như người đàn ông với con thỏ trắng đó.

Mục tiêu, mơ ước và những thứ chúng ta đáng được hưởng, tất cả đều ở trong tầm với. Nhưng chúng ta bị kìm hãm bởi những giới hạn chúng ta tự đặt ra cho bản thân. Những con thỏ trắng ngăn cản chúng ta phát triển năng lực bản thân và đạt được thành công. Chúng khiến chúng ta không thể tiếp tục làm công việc để đạt được mục đích. “Tôi không thể vì…”, chúng ta nói với bản thân và con thỏ trắng tiếp tục xuất hiện.

Chúng ta đổ lỗi cho xuất thân, gia đình, nền giáo dục, hoàn cảnh hiện tại, ông chủ,…bất kỳ điều gì có thể. Chúng ta luôn tìm những con thỏ trắng cho mình.

Và sau đó khi chúng ta gặp gỡ người khác và so sánh những con thỏ trắng của mình, thật dễ dàng để đổ lỗi cho những con thỏ và chìm trong nỗi thương thân.

Khi chúng ta so sánh những con thỏ trắng và chú tâm vào chúng, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Vậy con thỏ trắng của bạn là gì? Lý do bạn thường đưa ra khi không hành động để đạt được mục tiêu là gì? Bất kể nó là gì, hãy nhận diện nó và quẳng nó ra khỏi đầu bạn. Mãi mãi.

Nên nhớ rằng, có cả một rương kho báu đang đợi bạn đến lấy. Loại bỏ nghi ngờ về giới hạn của bản thân, quên con thỏ trắng đi và nắm lấy vận may của mình!

Con thỏ trắng của bạn là gì? Điều gì ngăn cản bạn phát huy năng lực bản thân và đón nhận thành công?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.