Tokyo hoàng đạo án

Hồi 1: Bí ẩn bốn mươi năm chưa có lời giải – Cảnh 1: Dấu chân trên tuyết



“Cái quái gì thế này?” Kiyoshi kêu lên, gập quyển sách lại, quẳng cho tôi rồi nằm dài xuống ghế.

“Anh đã đọc hết chưa?” Tôi hỏi.

“Chậc, ít nhất cũng là chuyện của Heikichi Umezawa.”

“Thế anh nghĩ sao?” tôi hỏi tiếp.

Dạo này Kiyoshi thường có tâm trạng chán nản. Im lặng khá lâu, cậu mới đáp: “Ờ, chẳng khác gì buộc phải đọc cuốn Niên giám điện thoại và Những trang vàng cả.”

“Nhưng quan điểm chiêm tinh học của ông ta thì sao? Có gì bất thường không?”

Kiyoshi là một chiêm tinh gia nên có vẻ phấn khích với câu hỏi. “Có một vài phần Heikichi diễn giải theo ý kiến chủ quan,” cậu nói. “Anh biết đó, trong chiêm tinh học thì Cung Mọc có ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể hơn là Cung Mặt Trời, cho nên tôi thấy rằng cách diễn giải của ông ta hơi chung chung. Tuy nhiên, kiến thức của Heikichi rất uyên thâm. Tôi không nghĩ rằng có chỗ nào bị hiểu lầm quá đáng.”

“Thế còn ý kiến của Heikichi về thuật giả kim thì sao?”

“Sai lầm hoàn toàn . Kiểu tư duy đó phổ biến ở thế hệ trước. Y như môn bóng chày. Ban đầu khi mới xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm 1880, người ta nghĩ đó là cách để rèn luyện tinh thần theo phong cách Mỹ, nhưng họ đã đi quá xa. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi nếu như đánh hụt trái bóng, họ sẵn sàng mổ bụng tự sát theo nghi thức harakiri của tinh thần Võ sĩ đạo. Heikichi Umezawa cũng giống như vậy, nhưng tôi tin rằng ông ta vẫn hiểu biết hơn những người có suy nghĩ rằng thuật giả kim là phương thức biến chì thành vàng.”

Tôi là Kazumi Ishioka và là tín đồ cuồng nhiệt của truyện trinh thám, thậm chí gọi tôi là con nghiện của thể loại này cũng không sai. Nếu trong một tuần mà không đọc cuốn truyện trinh thám nào là tôi sẽ lên cơn nghiện ngay lập tức, tôi sẽ đi vật vờ như thể bị mông du và choàng tỉnh tại một hiệu sách, lục tìm bằng được một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Tôi đã đọc hầu hết các truyện trinh thám, ly kỳ trong đó có truyện về vương quốc cổ đại Yamatai gây tranh cãi, truyện về tên cướp ngân hàng đã đánh cắp 300 triệu yên vẫn chưa bị bắt. Không phải tôi muốn khám phá tri thức hay gì, chẳng qua là khoái giải trí bằng những câu truyện tầm phào mà thôi. Trong tất cả các truyện trinh thám mà tôi đã đọc, Tokyo hoàng đạo án rõ ràng là câu chuyện hấp dẫn nhất. Một loạt án mạng đã xảy ra ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, đúng thời điểm diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành vào ngày 26 tháng Hai năm 1936 vẫn được biết đến với tên gọi “Sự kiện 26-2[1]”.

[1] Đảo chính do một nhóm sĩ quan lục quân trẻ tuổi phái bảo hoàng nhằm lật đổ chính phủ để lập một nội các mới. Nhóm sĩ quan này dẫn khoảng 1.400 người phần lớn là tân binh đi vây các dinh thự và giết chết năm Bộ trưởng phái dân sự, nhưng lại để Thủ tướng thoát được. Tuy họ ủng hộ Thiên hoàng, đòi ông ra thân chính, song Thiên hoàng Hirohito lại không chấp nhận phiến loạn. Đảo chính thất bại và các sĩ quan cầm đầu bị hành quyết ngay giữa Tokyo.

Câu chuyện dị thường, khó hiểu, kỳ quặc và không thể tin nổi này nhanh chóng lan ra khắp đất nước như một vết dầu loang. Trong bốn mươi năm qua, biết bao trí thức và thám tử nghiệp dư đã cố gắng giải mã câu chuyện, nhưng đến hôm nay, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Tư liện về vụ án cùng chúc thư của Heikichi Umezawa đã được biên soạn thành một cuốn sách và xuất bản trong khoảng thời gian tôi chào đời, ngay lập tức trở thành cuốn sách ăn khách nhất. Nó gây ấn tượng vì đã nhấn mạnh vào khía cạnh thất bại trong việc phá giải các vụ án giết người, tượng trưng cho bóng tối bao quanh Nhật Bản thời kỳ tiền chiến.

Điều khủng khiếp và bí ẩn nhất về vụ án này là sáu thiếu nữ đã bị giết đúng như Heikichi mô tả. Hơn nữa, cả sáu tử thi đều bị mất một phần cơ thể khác nhau và được chôn ở sáu nơi riêng biệt cùng với những nguyên tố kim loại.

Điều kỳ quặc là Heikichi đã bị giết trước khi xảy ra cái chết của các con gái và cháu gái ông ta. Heikichi có nhắc đến tên của một vài người, nhưng họ đều có chứng cứ ngoại phạm. Tất nhiên, tất cả những chứng cứ ấy đã được xác minh kỹ càng để giải tỏa mọi nghi ngờ. Bản thân Heikichi là người có động cơ lớn nhất, nhưng ông ta đã chết trước khi xảy ra những vụ giết người, nên đương nhiên ông ta không thuộc diện nghi vấn.

Do đó, theo lẽ thường thì kẻ sát nhân không phải là người trong gia đình. Công chúng nêu ra hàng trăm giả thiết nhưng chỉ khiến mọi chuyện thêm rối tung. Mọi động cơ gây án khả dĩ đều đã được giả định nhưng tất cả đều rơi vào ngõ cụt.

Từ cuối những năm 1970, vụ án trở thành cảm hứng cho nhiểu cuốn sách với nhiều lý giải khác nhau nhưng hầu hết đều khá sơ sài và cấu tứ rất tệ, vậy mà chúng vẫn bán chạy. Vì thế đã có thêm rất nhiều cuốn sách kiểu này được xuất bản, chẳng khác gì một cơn sốt vàng.

Tôi còn nhớ có một vài ý tưởng lố bịch hơn nữa đã được đưa ra: Giám đốc Cảnh sát thành phố có liên can; Thủ tướng cũng nhúng tay vào; Đức Quốc xã muốn dùng các thiếu nữ cho những thí nghiệm sinh học; và – ý tưởng hài hước nhất theo quan điểm của tôi – thổ dân ăn thịt người New Guinea đã ăn những phần cơ thể đó. Các giả thiết này chẳng khác gì một trò đùa dở ẹc nhưng độc giả lại thấy thích thú. Khi một tạp chí ẩm thực cho đăng bài về nghệ thuật ăn thịt người thì mọi chuyện rõ ràng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ý tưởng điên rồ cuối cùng là, người ngoài hành tinh là thủ phạm của vụ án.

Với tôi, tất cả những ý tưởng trên đều thiếu mất hai điểm then chốt: làm sao một kẻ ngoài cuộc đọc được những ghi chép của Heikichi và vì lý do gì người đó lại muốn thực hiện kế hoạch của ông ta?

Cảnh sát chú ý đến chi tiết người con gái lớn nhất, Kazue, có những mối liên hệ với Trung Quốc và nói không chừng là một gián điệp. Vì vậy xảy ra suy đoán rằng có thể một cơ quan quân sự bí mật đã ám sát những cô gái nhà Umezawa.

Tôi thì dè dặt đưa ra giả thiết là có ai đó đã tìm thấy những ghi chép của Heikichi và sử dụng nó để che đậy tội ác. Hắn có quan hệ tình ái với một trong các cô gái, nhưng bị cô ta bỏ nên hắn trả thù. Nếu như hắn giết tất cả sáu cô gái, thì động cơ của hắn sẽ không bị phát hiện. Tuy nhiên, giả thiết này không hoàn toàn khớp với thực tế khi cơ quan điều tra kết luận rằng các thiếu nữ nhà Umezawa bị mẹ canh chừng rất nghiêm ngặt và chưa có bất kỳ người bạn trai nào. Hẹn hò mà không được phép của bố mẹ là điều không thể chấp nhận được vào những năm 1930. Và nếu giả sử một trong các cô gái này yêu đương và phụ bạc người tình thật, thì chắc chắn chàng trai phải tìm cách nào đó đơn giản hơn để giết kẻ phụ tình, chưa kể hung thủ chẳng có lý do gì để tiếp cận được những ghi chép của Heikichi.

Tất cả đều vô nghĩa. Cuối cùng tôi không suy ngẫm về những án mạng kỳ quặc này nữa.

Mùa xuân năm 1979, dù là một anh chàng đầy nhiệt huyết, Kiyoshi Mitarai cũng cảm thấy nản lòng. Cậu có cảm giác mình không đạt được phong độ đỉnh cao để giải mã bí ẩn của vụ án. Nghệ sĩ thường có cá tính riêng và Kiyoshi cũng không phải là ngoại lệ. Cậu có thể đột nhiên vui vẻ nhờ vị dễ chịu của kem đánh răng hoặc bất chợt tỏ ra khó chịu khi cửa hàng yêu thích đổi tông màu khăn trải bàn. Tâm trạng bực bội của cậu thường kéo dài trong vài ngày. Nói cho đúng cậu không phải là một chàng trai dễ gần. Tôi đã quen với tính khí nghệ sĩ đồng bóng thất thường ấy, nhưng tật xấu này giờ đây còn tồi tệ hơn trước. Kiyoshi lừ đừ như con voi sắp chết khi bước vào gian bếp hay nhà vệ sinh. Thậm chí khi gặp khách hàng, trông cậu cũng chẳng khá lên tí nào. Bình thường với tôi cậu rất bỗ bã và có phần hơi xấc xược, nhưng bây giờ thì không như vậy. Nói thật, tôi lại khoái như trước hơn.

Kiyoshi và tôi gặp nhau năm ngoái, kể từ đó hễ rảnh là tôi lại đến lớp học chiêm tinh của cậu. Tôi giúp những việc vặt khi có sinh viên và khách hàng ghé thăm văn phòng. Một hôm, bà Iida đến chơi và nói thẳng rằng cha của bà có dính líu đến vụ án mạng hoàng đạo nổi tiếng. Bà đưa cho chúng tôi một bằng chứng mà rõ ràng chưa ai từng thấy bao giờ, và nói đại ý rằng với bằng chứng này chúng tôi có thể phá được vụ án. Kiyoshi không nổi tiếng mặc dù được người trong giới rất tôn trọng. Việc người phụ nữ tin tưởng giao cho cậu ấy bằng chứng đáng giá như vậy khiến tôi thêm nể trọng Kiyoshi. Tôi cảm thấy hãnh diện khi được kết giao với cậu.

Tôi đã mất một thời gian dài suy ngẫm về vụ án này nên nhanh chóng nhớ ra toàn bộ sự việc. Trái lại, Kiyoshi chẳng hề biết gì về vụ án, mặc dù cậu là một chiêm tinh gia. Tôi đã phải lục tìm cuốn Tokyo hoàng đạo án trên giá sách của mình, phủi sạch bụi và giải thích mọi chuyện cho cậu.

“Vậy anh cho rằng, Heikichi Umezawa tác giả của những ghi chép này đã bị giết đúng không?” Kiyoshi hỏi, vẫn nằm dài trên ghế.

“Đúng. Anh sẽ tìm thấy các chi tiết trong phần thứ hai của cuốn sách.”

“Tôi thấy mệt. Kiểu chữ nhỏ xíu này báo hại mắt tôi.”

“Ờ, thôi nào, đừng cằn nhằn nữa.”

“Thế anh không thể tóm tắt cho tôi được à?”

“Cũng được. Tôi nghĩ là trước tiên anh muốn nghe qua về những vụ án phải không?”

“Đúng vậy.”

“Sẵn sàng chưa?”

“Cứ bắt đầu đi thôi…”

“Tốt, cái gọi là Tokyo hoàng đạo án thực chất gồm ba vụ án riêng biệt. Vụ thứ nhất là cái chết của Heikichi Umezawa, vụ thứ hai là cái chết của Kazue Kanemoto, con riêng vợ ông ấy và vụ thứ ba là các án mạng Azoth. Người ta tìm thấy xác Heikichi trong xưởng vẽ của ông vào ngày 26 tháng Hai năm 1936. Ngày tháng trên bản ghi chép kỳ quái kia là năm ngày trước cái chết của nạn nhận. Nó được tìm thấy trong ngăn kéo bàn làm việc của Heikichi.”

“Kazue bị giết tại nhà riêng ở Kaminoge, khu Setagaya, cách khá xa nhà Umezawa và xưởng vẽ của Heikichi ở Ohara, khu Meguro. Cô ấy bị hãm hiếp, nên có thể suy luận rằng kẻ sát nhân là đàn ông, và có khả năng là một tên trộm. Trùng hợp ngẫu nhiên là Kazue bị giết cùng một thời gian với Umezawa và những người khác.”

“Ngay sau cái chết của Kazue, vụ giết người hàng loạt xảy ra, giống như được nêu trong ghi chép của Heikichi. Mặc dù vậy, các nạn nhân không bị giết theo thứ tự lần lượt mà tất cả bị giết cùng một lúc. Có lẽ gia đình Umezawa đã bị trù ếm. Mà này, ngày 26 tháng Hai năm 1936 có gợi cho anh điều gì không?”

Kiyoshi đáp gọn: “Sự kiện 26 tháng Hai.”

“Đúng vậy,” tôi nói. “Tôi rất ấn tượng với kiến thức của anh về lịch sử Nhật Bản! Cái chết của Heikichi xảy ra đúng ngày đó. Ờ, cuốn sách đã nói gì nhỉ? Chậc, hay đấy. Nhân tiện, ta hãy xem gia phả nhà họ, cùng tuổi của mỗi người được tính đến ngày hôm đó, 26 tháng Hai năm 1936.”

“Có cả thông tin về nhóm máu của họ nữa cơ à?” Kiyoshi hỏi.

“Phải, có cả nhóm máu nữa. Thông tin trong bản ghi chép đều đúng và chính xác. Nhưng Heikichi không đả động gì đến ông Yoshio, em trai ông ấy, cho nên tôi sẽ kể anh nghe về người này. Yoshio là một cây viết chuyên luận cho các tạp chí du lịch, tiểu thuyết dài kỳ cho các báo, phóng sự v.v… Khi anh trai bị giết, ông ấy đang ở phía đông bắc của Tohoku, đang đi lấy tin để viết báo. Chứng cứ ngoại phạm của ông ấy đã được xác minh, nhưng cũng đáng để xem xét. Mà thôi, chúng ta sẽ trở lại vấn đề Yoshio sau.”

“Tiếp theo là Masako, vợ thứ hai của Heikichi. Tên thời con gái của bà ấy là Hirata. Bà xuất thân trong một gia đình giàu có ở Aizu-wakamatsu. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà với Satoshi Murakami, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, là do sự sắp đặt của hai bên gia đình. Họ có với nhau ba người con là Kazue, Tomoko và Akiko.”

“Tôi biết,” Kiyoshi nói. “Còn Heitaro Tomita thì sao?”

“Vào thời điểm xảy ra vụ án, anh ta 26 tuổi, chưa lập gia đình và đang phụ giúp mẹ ở xưởng tranh de Médicis. Nếu Heikichi đúng là bố đẻ của anh ta thì chắc chắn ông ấy phải sinh ra Heitaro năm 22 tuổi.”

“Thế nhóm máu có xác định được huyết thống giữa Heikichi và Heitaro không nhỉ?”

“Trường hợp này thì không. Heitaro và mẹ cùng mang nhóm máu O, Heikichi nhóm máu A.”

“Hiện chúng ta biết Heikichi và Yasue, mẹ của Heitaro, đã chia tay ở Tokyo và sau đó gặp lại nhau. Họ gặp nhau vào năm 1936 đúng không nhỉ?”

“Chắc chắn như vậy,” tôi trả lời. “Khi Heikichi có hẹn ở ngoài thì thường chính là đi gặp Yasue. Có vẻ ông tin tưởng bà này vì họ cùng chung sở thích nghệ thuật. Heikichi không gần gũi với Masako hay các con riêng của mình theo kiểu đấy.”

“Vậy thì tại sao ông ấy lại kết hôn với Masako? Mà này, Masako và Yasue có hòa thuận không?”

“Tôi nghĩ là không. Có thể họ vẫn chào hỏi xã giao, nhưng Yasue hiếm khi sang nhà chính mỗi lần tới thăm Heikichi. Ông ta thường ở trong xưởng vẽ của mình. Như thế Yasue có thể dễ dàng đến thăm Heikichi mà không ai biết cả. Có thể Heikichi vẫn còn yêu Yasue. Ông kết hôn với Tae vì cô đơn sau cái chết của bà mẹ. Rồi vướng vào mối quan hệ với Masako – ừ, ‘vướng’ có lẽ là từ chính xác để giải thích cho tình cảnh của ông ta.”

“Vậy, có thể hiểu là Yasue và Masako không bao giờ cùng một phe…”

“Đúng thế.”

“Heikichi có gặp Tae sau khi họ ly hôn không?”

“Chưa bao giờ. Nhưng cô con gái Tokiko của họ thì thường xuyên đến thăm Tae ở Hoya. Cô lo lắng cho Tae, bà này có một cửa hàng nhỏ bán thuốc lá.”

“Heikichi đúng là người lạnh lùng nhỉ?”

“Chậc, Heikichi không bao giờ đến thăm Tae, ngược lại Tae cũng vậy.”

“Tae và Masako cũng không hợp nhau đúng không?”

“Tất nhiên là không rồi. Masako đã cướp chồng của Tae. Chắc chắn Tae căm ghét bà ta. Đó là bản chất của phụ nữ mà.”

“Kazumi à, anh nói như thể anh hiểu hết tâm lý của phụ nữ ấy!”

“Cái gì?… Không phải đâu!” Tôi làu bàu.

“Nhưng nếu Tokiko quan tâm đến mẹ đẻ thì tại sao cô ấy lại vẫn ở với nhà Umezawa? Cô ấy có thể đến sống với Tae cơ mà?”

“Tôi không biết. Tôi không phải là chuyên gia về tâm lý phụ nữ!”

“Thế còn bà Ayako, vợ của Yoshio? Bà ấy có thân thiết với Masako không?”

“Họ cũng khá hợp nhau.”

“Sao Ayako gửi hai con gái mình đến sống với Masako, nhưng chính bà ấy lại không dọn về đó ở nhỉ?”

“Biết đâu giữa mẹ con họ có mâu thuẫn.”

“Quay trở lại với Heitaro con trai Yasue. Cậu bé và ông bố Heikichi có thường xuyên gặp nhau không?”

“Tôi không biết. Cuốn sổ cũng chẳng nhắc gì đến thông tin này cả. Heikichi thường đến phòng trưng bày de Médicis ở Ginza nên chắc chắn ông ta có gặp Heitaro đôi lần. Có lẽ cha con họ khá thân thiết với nhau.”

“Hừm. Lối sống lập dị của Heikichi – vốn dĩ khá xa lạ với giới họa sĩ – chắc chắn tạo ra những mối quan hệ phức tạp.”

“Đúng vậy,” tôi nói. “Một bài học tốt về đạo đức cho anh, phải không?”

“Bài học gì?” Kiyoshi hỏi, không để ý tới sắc thái châm chọc của tôi. “Tôi có ý thức sâu sắc về đối nhân xử thế hơn ông ta nhiều, ít nhất cũng đủ để dạy lại người khác. Chúng ta cùng xem các chi tiết về vụ án của Heikichi Umezawa nhé.”

“Chắc chắn rồi. Tôi là chuyên gia về chuyện đó mà.”

“Thật á?” Kiyoshi cười toét miệng.

“Ừ. Tôi thuộc lòng mọi chuyện và có thể giúp anh viết thành sách ấy chứ, nhưng nhớ là phải thiết kế các tranh thật đẹp đấy nhé.”

Kiyoshi ngáp dài. “Ôi, ước gì tôi không phải nghe bài thuyết giảng nhàm chán của anh nữa, nhưng thôi cứ tiếp tục, anh nói tiếp đi…”

Kiểu của Kiyoshi là vậy. Tôi mặc kệ và tiếp tục. “Giữa trưa ngày 25 tháng Hai, Tokiko rời nhà Umezawa đi thăm mẹ. Cô ấy trở lại vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau, ngày 26. Hôm đó, ngoài vụ đảo chính quân sự còn có một trận tuyết rơi lớn kỷ lục trong vòng ba mươi năm ở Tokyo. Sau khi về đến nhà, Tokiko chuẩn bị bữa sáng cho cha mình. Ông Heikichi luôn ăn bất cứ thứ gì Tokiko làm bởi vì ông ấy tin tưởng cô và trên hết, Tokiko là con gái ruột của ông.”

“Tokiko mang bữa sáng tới xưởng vẽ lúc 10 giờ kém mấy phút. Cô ấy gõ cửa nhưng không thấy ai trả lời. Đi về phía hông xưởng vẽ và nhìn qua cửa sổ, Tokiko thấy cha mình nằm trên sàn trong một vũng máu.”

“Tokiko vô cùng kinh hãi, chạy một mạch trở lại nhà chính và gọi những người phụ nữ khác tới giúp phá cửa xưởng vẽ đang bị khóa trái. Heikichi chết do bị một vật cứng đập vào gáy, có thể là một cái chảo rán. Phía pháp y kết luận rằng nguyên nhân cái chết là do giập não, máu trào ra từ mũi và miệng nạn nhân. Không bị mất cắp thứ gì vì tiền bạc và đồ quý giá còn nguyên trên bàn làm việc. Cuốn sổ tay có bản ghi chép kì quặc được tìm thấy trong ngăn kéo.”

“Mười một bức tranh mà Heikichi gọi là tác phẩm để đời vẫn dựng ở bức tường phía bắc. Không có dấu hiện nào chứng tỏ chúng bị hủy hoại. Bức tranh thứ 12 còn đang dở dang trên giá vẽ. Khi những cô con gái phá cửa vào xưởng, lò sưởi bằng than vẫn đang đượm cháy. Thời điểm đó thể loại truyện trinh thám đã phổ biến, vì vậy mà họ biết cách giữ nguyên không làm xáo trộn hiện trường vụ án. Chỉ một lát sau thì cảnh sát đến.”

“Như tôi đã nói, đêm hôm trước Tokyo hứng chịu trận tuyết lớn nhất trong vòng ba mươi năm. Bây giờ hãy nhìn vào sơ đồ thứ hai.”

“Những bước chân trên tuyết kéo dài từ cổng nhà đến xưởng vẽ. Đó là dấu giày của một người đàn ông và một phụ nữ – hay ít nhất là một đôi giày nam và một đôi giày nữ. Cho dù giới tính của họ là gì thì có vẻ như hai người đó không rời xưởng vẽ cùng nhau, và chắc chắn cũng không đi cạnh nhau vì dấu chân của họ giẫm lên nhau.”

“Đúng, có vẻ như một người đi trước và một người đi sau. Dấu giày nam cho thấy người này đi từ xưởng vẽ ra ngoài tới mạn phía Nam, dừng bước và đi đi lại lại phía dưới cửa sổ cạnh bồn rửa, trong khi dấu giày của người phụ nữ lại đi thẳng từ cửa xưởng vẽ ra cổng nhà. Nếu cả hai người đó rời xưởng vẽ cùng một lúc thì người đàn ông đi ra sau người phụ nữ vì dấu chân nam giẫm đè lên dấu chân nữ. Qua khỏi cổng nhà là đường phố có lát gạch. Dấu chân của hai người cũng chấm dứt tại đây.”

“Ừm.”

“Khoảng thời gian tuyết rơi chính là điểm mấu chốt. Ở Meguro, tuyết bắt đầu rơi lúc 2 giờ chiều ngày 25 tháng Hai. Hiếm khi có tuyết ở Tokyo và hệ thống dự báo thời tiết hồi ấy chưa hiện đại như ngày nay nên không thể biết được lượng tuyết tích tụ là bao nhiêu. Tuyết vẫn tiếp tục rơi đến 11 giờ rưỡi đêm, tổng cộng thời gian tuyết rơi chín tiếng rưỡi. 8 giờ rưỡi sáng hôm sau, tuyết lại rơi nhẹ khoảng mười lăm phút nữa.”

“Anh có thể thấy là đợt tuyết rơi lần hai chỉ như một lớp bụi mỏng phủ lên những dấu giày. Vì vậy, hai người đó chắc chắn phải vào xưởng vẽ ít nhất là ba mươi phút trước khi tuyết ngừng rơi lúc 11 giờ rưỡi; người nữ và người nam nối tiếp nhau rời khỏi xưởng vẽ trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 phút đêm đến 8 giờ 30 phút sáng hôm sau. Lý do tôi nói họ vào xưởng vẽ ba mươi phút trước khi tuyết ngừng rơi là bởi vì dấu chân của họ bị tuyết phủ lên nhưng không bị che phủ hoàn toàn.”

“Ừm.”

“Chắc chắn phải có ba người ở trong xưởng vẽ vào buổi tối hôm đó: người để lại dấu giày nam, người để lại dấu giày nữ và Heikichi Umezawa. Nhiều khả năng người nam ra sau không phải là thủ phạm, nhưng nếu đúng là người nam là hung thủ ra tay sát hại Heikichi thì người phụ nữ kia phải biết hắn ta là ai. Hoặc nếu như người phụ nữ giết chết Heikichi thì người nam chắc chắn biết thị – tuy nhiên điều này không thể xảy ra vì người nam rời khỏi xưởng vẽ sau người phụ nữ. Nhưng cũng có thể giả định rằng người nam không nhìn thấy người phụ nữ giết Heikichi, hắn không ở lại trong xưởng vẽ sau khi xảy ra vụ việc và cũng không đi đi lại lại dưới ô cửa sổ phía nam xưởng vẽ.”

“Nhưng nếu cả hai là đồng phạm thì vẫn còn một chi tiết khó hiểu là thuốc ngủ được tìm thấy trong dạ dày của Heikichi. Liều thuốc ít không thể gây tử vong, cho nên chỉ đơn giản để an thần. Có nghĩa là sau khi uống thuốc, nạn nhân mới bị giết. Nhưng liệu có phải Heikichi uống thuốc trong lúc đang tiếp hai vị khách? Không chắc nữa, nhỉ?

“Vậy liệu có thể là người nam gây án sau khi người phụ nữ rời đi không? Khả năng đó cũng không chắc lắm vì Heikichi vốn không thích ở cạnh đàn ông. Ông ta không hề thân thiết với cánh mày râu và chỉ cảm thấy an toàn khi ở bên phụ nữ. Nếu như ông ta uống thuốc khi có mặt ai đó thì người đó phải là phụ nữ. Tình huống này không thể xảy ra vì người nữ đã rời đi trước đó. Bất cứ giả định nào cũng khó giải thích được ý nghĩa của những viên thuốc ngủ.”

“Tóm lại giả thiết sau có vẻ hợp lý nhất: người để lại dấu giày nam chính là hung thủ và người đã để lại dấu giày phụ nữ chính là người đã chứng kiến án mạng. Kiyoshi, anh nghĩ ai là người để lại dấu giày phụ nữ?”

“Người mẫu của ông ấy.”

“Chính xác, tuyệt! Cô ta rất có thể là người mẫu và đã chứng kiến toàn bộ vụ án mạng. Cảnh sát đã tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mời người mẫu hôm đó tới trình diện, hợp tác và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về danh tính. Tuy nhiên cô ấy không xuất hiện. Không ai biết người mẫu đó là ai, thậm chí cho tới tận bây giờ, đã bốn mươi năm kể từ khi án mạng xảy ra.”

“Nhưng nếu một người mẫu ở trong xưởng vẽ của Heikichi lúc 11 giờ rưỡi đêm thì lại có thêm bí ẩn khác: lẽ nào một người mẫu lại làm việc khuya như vậy? Nếu đúng thì chắc hẳn cô ấy phải rất thân thiết với Heikichi, nếu không thì chẳng có người phụ nữ nào làm việc muộn như thế. Ở thời điểm đó, phụ nữ hiếm khi phải làm việc kiếm tiền ngay cả những công việc ban ngày. Tất nhiên, có thể cô ấy phải đợi cho tuyết tạnh mới có thể về được vì không hề có cái ô nào trong xưởng vẽ cả. Nhưng nếu muốn thì Heikichi có thể đi tới nhà chính để lấy cái ô.”

“Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về sự hiện diện của cô người mẫu. Cảnh sát không thể tìm được tung tích của cô ta và họ cho rằng dấu giày nữ chỉ là một thủ đoạn đánh lạc hướng. Nhưng chắc chắn sự thật không thể chối cãi là người để lại dấu giày nữ đã đi từ xưởng vẽ ra phố chứ không theo đường khác dựa trên tình trạng tuyết bị xáo trộn và dấu chân chỉ đi theo một hướng. Giả thiết về việc một người xỏ tay vào giày và bò bằng bốn chiếc giày cũng được đặt ra. Tuy nhiên giả thiết đã bị bác bỏ bởi trọng lượng phân bố không đều giữa tay và chân trong quá trình bò sẽ làm lộ mánh khóe đó ngay.”

“Mà này, nói về những dấu giày như vậy là đủ rồi, đó không phải điều thú vị nhất trong vụ giết Heikichi. Đúng như ông ta mô tả, khung sắt ở cửa sổ và cửa trời đã được lắp đặt xong. Heikichi là người thận trọng. Những song sắt đó không phải là thứ vớ vẩn. Vì mục đích an ninh, những song sắt này được thiết kế để chỉ có thể tháo ra từ bên trong. Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất để hung thủ vào xưởng vẽ là đến và đi qua cửa chính. Khác với cửa trượt của Nhật, ở đây là kiểu cửa cánh đơn theo phong cách phương Tây, mở ra phía ngoài và có một cái then sắt để đảm bảo an toàn ở bên trong. Chắc chắn Heikichi đã cho làm cửa theo phong cách của khách sạn vùng nông thôn nước Pháp. Để khóa cửa, anh phải kéo then cửa sắt vào một cái lỗ trên khung cửa. Then cửa sắt này có một cái vấu nhỏ phải xoay xuống dưới đè lên một chỗ nhô ra trên cửa. Chỗ nhô ra này có một cái khoen, và đây chính là chỗ để móc ổ khóa.”

Kiyoshi đột nhiên mở to mắt, ngồi phắt dậy trên trường kỷ. “Thật á?” Cậu ấy hỏi.

“Phải. Và Heikichi bị giết sau cánh cửa khóa trái!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.