Trăm năm cô đơn

Chương 03 – Phần 1



Đứa con trai của Pila Tecnêra được mang về nhà ông bà nó sau hai tuần cất tiếng chào đời. Ucsula miễn cưỡng thừa nhận nó, bởi lại một lần nữa bà phải nhượng bộ tính gàn của chồng mình, người kiên trì giữ ý nghĩ rằng không thể để cho con cháu ông cù bơ cù bất trong cuộc đời, nhưng bà đã đặt điều kiện là không bao giờ cho đứa trẻ biết rõ gốc gác của nó. Mặc dù đứa trẻ mang tên Hôsê Accađiô, nhưng ông bà quyết định để tránh nhằm lẫn sẽ chỉ gọi chọc lỏn là Accađiô. Vào thời ấy ngoài làng có nhiều hoạt động xã hội và trong nhà có lắm công nhiều việc, cho nên việc chăm sóc trẻ lui xuống hàng thử yếu. Những đứa trẻ được giao phó cho Visitaxiôn, một cô thôn nữ người Anhđiêng, vì phải chạy trốn bệnh dịch mất ngủ từ vài năm nay đang hoành hành ở bộ tộc mình đã đến làng này cùng với em trai. Cả hai chị em đều hiền lành, ngoan nết và chịu thương chịu khó, vì vậy bà Ucsula đã tin cậy giao cho họ giúp mình công việc trong nhà. Bởi thế mà Accađiô và Amaranta đã nói tiếng của người thổ dân trước khi biết nói tiếng Tây Ban Nha, tập húp nước súp thịt thằn lằn và ăn trứng nhện mà Ucsula không hay biết, bởi vì bà đang mải công việc kinh doanh kẹo nặn hình con giống, một nghề nhiều triển vọng. Macônđô đã thay đổi hẳn. Những người cùng đến với Ucsula đã biết cách khai thác đất đai màu mỡ và vị trí địa lý nhiều ưu thế của Macônđô so với vùng đầm lầy, do đó chẳng bao lâu cái làng xác xơ nhanh chóng trở thành một làng nhộn nhịp có các cửa hiệu và xưởng thủ công và một phố buôn bán thường xuyên ở nơi những người A-rập đi giày păngtup và tai đeo khuyên đầu tiên đến đây để đổi những chuỗi hạt pha lê giả ngọc lấy những con vẹt đuôi dài. Hôsê Accađiô Buênđya không có lấy một lúc nghỉ ngơi.

Hào hứng trước một thực tế mà lúc này đối với ông còn huyền ảo hơn cả cái thế giới bao la trong trí tưởng tượng của mình, ông mất luôn hứng thú với công việc ở phòng thí nghiệm giả kim, bỏ mặc cái chất kim loại đã được nung đi nấu lại trong nhiều tháng liền để trở lại con người năng nổ như trước đây từng quyết định vạch những con đường và xây cất các ngôi nhà sao cho không một ai được hưởng nhiều thuận lợi hơn những người khác. Ông có uy tín cao đối với những người mới tới làng, đến mức những người này muốn đào móng xây nhà hoặc muốn rào vườn đều phải đến xin ý kiến ông trước, và ông được mọi người bầu là người đầu tiên quyết định chia lại đất đai của làng. Khi những người digan làm trò ảo thuật trở lại, lần này quầy hàng di động của họ đã trở thành một cửa hàng khổng lồ có các trò chơi may rủi, thì bọn họ đã được đón tiếp nồng nhiệt vì người ta nghĩ rằng Hôsê Accađiô sẽ cùng trở về. Nhưng Hôsê Accađiô đã không trở về, và bọn người digan này cũng không mang theo người- rắn, mà theo như Ucsula nghĩ thì cái gã người-rắn ấy sẽ là kẻ duy nhất có thể cho bà biết được sự thực về con mình, thế là bà đã không cho phép những người digan dừng lại mở cửa hàng và trong tương lai cũng sẽ không được đặt chân lên đất làng này bởi vì bọn họ đã bị lên án là những sứ giả của trò dâm dục và đồi bại. Nhưng Hôsê Accađiô Buênđya lại tỏ ra rất sáng suốt trong ý nghĩ rằng bộ tộc của Menkyađêt, cái bộ tộc bằng những hiểu biết lâu đời và những phát minh kỳ diệu từng đóng góp rất nhiều vào sự trưởng thành của làng Macônđô, lúc nào cũng được mở rộng cửa đón tiếp. Nhưng bộ tộc Menkyađêt, theo như lời những kẻ giang hồ, đã bị xoá khỏi lặt đất này bởi tội dám cả gan vượt qua những giới hạn hiểu biết mà Thượng đế đã phán quyết cho con người.

Thoát khỏi sự dằn vặt của những ham muốn huyễn hoặc, ít ra là trong thời gian này, Hôsê Accađiô Buênđya đã ổn định được nếp sống của làng trong kỷ cương và lao động, và cho phép thả những chú chim từ thời thành lập làng đã làm vui nhộn bầu không khí với tiếng hót của chúng, thay vào đó ông cho lắp dông hồ nhạc ở các nhà. Đó là những chiếc đồng hồ quý giá làm bằng gỗ được bào nhẵn mà những người Arập đổi cho dân làng để lấy những chú vẹt đuôi dài, và Hôsê Accađiô Buênđya đã điều khiển cho không cùng chạy một cách chính xác đến mức cứ nửa giờ một, dân làng vui vẻ hẳn lên trong tiếng nhạc hoà đồng dường như phát ra từ một chiếc đồng hồ duy nhất. Hôsê Accađiô Buênđya là người trong những năm ấy quyết định trồng những cây hạnh đào thay cho những cây keo dọc khắp các con đường và ông cung chính là người phát hiện ra nhưng không bao giờ tiết lộ các biện pháp khiến chúng trường tốn. Rất nhiều năm sau này, khi làng Macônđô trở thành một trại tập trung gồm những ngôi nhà tường gỗ mái lợp tôn, thì trên những con đường cổ kính vẫn còn những cây hạnh đào già cỗi phủ đầy bụi đường mặc dù lúc ấy không một ai biết người nào đã trồng chúng. Trong lúc cha lo sắp đặt công việc chung của làng và mẹ lo làm những chiếc kẹo hình con gà và con em cắm trên những chiếc que được mang ra chợ bán một ngày hai lần để tăng thu nhập gia đình, thì Aurêlianô say đắm ở lỳ trong phòng thí nghiệm bỏ không để nghiên cứu nghề mỹ nghệ vàng bạc. Cậu làm chỉ đơn thuần vì hứng thú riêng. Trong một thời gian ngắn Aurêlianô lớn ngồng lên, đến mức đã không mặc vừa quần áo cũ của anh trai và phải mặc quần áo của cha, nhưng Visitaxiôn lại phải chít nách áo và may hẹp ống quần lại vì cậu vẫn chưa có được thân hình vâm váp của cha và anh mình. Tuổi thanh niên đã lấy đi mất của Aurêlianô giọng nói ngọt ngào và đã khiến cho cậu trở nên lầm lỳ ít nói và cô đơn, nhưng trái lại nó cũng trả cho cậu sức biểu cảm mãnh liệt vốn có từ thuở lọt lòng mẹ trong đôi mắt. Aurêlianô tập trung quá sức vào những việc thực nghiệm kim hoàn đến mức hầu như không ra khỏi phòng thí nghiệm để đi ăn cơm. Lo lắng trước sự tập trung trí tuệ đến cao độ của con trai, Hôsê Accađiô Buênđya liền đưa cho cậu chìa khoá cửa và một ít tiền, vì ông nghĩ rằng có thể con trai mình thiếu gái ở bên cạnh. Nhưng Aurêlianô dùng khoản tiền đó mua axit clohydrich để tạo ra dung dịch axit clohydrich rồi cậu làm cho những chiếc chìa khoá bóng lộn nhờ một lớp vàng mạ bên ngoài. Những tính nết khác thường ấy của Aurêlianô cũng phù hoạ với Accađiô và Amaranta mà lúc này tuy đã thay răng nhưng đi đâu cũng bám lấy gấu quần những người Anhđiêng và rất ương bướng không chịu bỏ thổ ngữ để nói tiếng Tây Ban Nha. “Mình chẳng còn phải kêu ca gì nữa nhé.” Ucsula nói với chồng mình: “Con cái thừa kế tính điên khùng của cha mẹ chúng”. Trong lúc bà than vãn về số phận hẩm hiu của mình mà lòng tự thấy rằng những sự trái thói trái tính của các con trai mình quả thật cũng đáng kinh sợ như cái đuôi con lợn, thì Aurêlianô mơ màng nhìn bà:

– Có người sẽ đến nhà mình đấy! – Cậu bảo mẹ.

Vì lâu nay cậu vẫn thường nói về những điềm báo, nên Ucsula, với thứ lý lẽ thông thường của mình, định làm cậu cụt hứng. Người đến nhà là chuyện bình thường. Hàng chục người lạ mặt vãng lai qua làng Macônđô mà chẳng khiến ai ngạc nhiên cũng chẳng thông báo điều gì bí mật. Tuy nhiên, bất chấp những lý lẽ thông thường ấy, Aurêlianô vẫn khẳng định điều mình tiên đoán:

– Con không biết là ai? – cậu nói. – Nhưng người đến đây hiện đang trên đường đi.

Quả nhiên, Rêbêca đã đến vào một ngày chủ nhật. Cô bé chưa đến tuổi mười một. Cô bé đã phải vất vả đi từ Manaurê đến đây cùng với những người buôn da là những người có nhiệm vụ giao lại cô bé và bức thư tại nhà Hôsê Accađiô Buênđya, nhưng cũng chính những người này không thể giải thích rõ ràng ai là người đã nhờ cậy họ. Tất cả hành trang của cô bé gồm một cái hòm nhỏ đựng quắn áo, một chiếc ghế xích đu gỗ và một bao tải gai trong đó đựng hài cất của bố mẹ nó, những thứ vẫn thường kêu lộc cộc, lộc cộc, lộc cộc khi va chạm vào nhau. Bức thư gửi cho Hôsê Accađiô Buênđya được viết bằng những từ ngữ âu yếm thổ lộ tình cảm của người dù xa cách lâu ngày vẫn yêu thương ông và bởi một tình cảm rất thân ái, người đó tự thấy mình phải nhờ vả gia đình ông trông nom cô bé mồ côi không nơi nương tựa này và kể rằng cô bé là một người họ hàng tất gần với Ucsula và do đó cũng là chỗ thân tình của Hôsê Accađiô Buênđya tuy có xa hơn chút ít, bởi vì cô bé là con gái của một người bạn không thể nào quên được tên là Nicanô Udôa và người vợ cao quý của ông ta tên là Rêbêca Môntiên. Đó và những người đang được Thượng đế che chở trên thiên đường của Người, và hài cất của họ đã được thu lại để gia đình ông mai táng dưới phần mộ những con chiên của chúa Crixtô.

Những tên tuổi được dẫn ra cúng như chữ ký trong lá thư đều hoàn toàn rõ ràng, nhưng cả Hôsê Accađiô Buênđya lẫn Ucsula đều nhớ rằng mình không có ai thân quen có những tên ấy, kể cả tên người gửi thư và ở làng Manaurê xa xưa ấy càng không thể có ai mang những tên ấy. Qua cô bé họ cũng không thể tìm dược những tin tức đầy đủ hơn. Kể từ lúc đến, cô bé ngồi trên ghế xích đu, mút tay và với đôi mắt to sợ sệt quan sát tất cả mọi người, không hề tỏ vẻ rằng mình có hiếu hay không hiểu những điều người ta hỏi. Cô bé mặc quần áo vải điagônan dệt sọc đen đã sờn rách và đôi ủng màu vécni đã thủng, tóc vén qua mang tai buộc bằng những chiếc nơ đen. Cô bé còn mặc một chiếc áo choàng thêu không tay bị mồ hôi làm phai bạc đi, và trên cổ tay phải đeo một chiếc răng thú dữ cắm trên đế đồng, nó tựa như một chiếc bùa hộ mạng. Nước da cô bé xanh tái, cái bụng tròn vo và căng phồng giống như mặt trống, tất cả đều chứng tỏ cô bé rất bệnh hoạn và đói ăn lâu ngày. Nhưng khi được người ta cho ăn thì cô bé ngồi yên, đặt bát thức ăn trên đùi mà không hề nếm thử. Mọi người cứ đinh ninh rằng cô bé bị bệnh câm điếc cho tới khi những người Anhđiêng dùng thổ ngữ hỏi cô bé có muốn uống nước không thì đôi mắt cô bé chơm chớp làm ra vẻ hiểu họ và gật đầu xin nước.

Không còn cách nào khác là gia đình buộc phải nhận nuôi cô bé. Mọi người quyết định gọi cô bé là Rêbêca cho hợp với tên mẹ vì Aurêlianô đã đủ kiên nhẫn ngồi trước mặt nó đọc hết các tên thánh nhưng cậu không nhìn thấy một phản ứng nào, dù rất nhỏ, trên gương mặt cô bé. Trong thời gian ấy, ở làng Macônđô chưa có nghĩa địa, vì cho đến lúc này vẫn chưa có ai chết và thế là gia đình buộc phải cất giữ chiếc bao tải đựng hài cất cho tới khi nào có địa điểm xứng đáng để mai táng. Trong thời gian khá lâu chúng vương vãi khắp nơi, bị bắt gặp ở những nơi ít ngờ nhất thường kèm với tiếng kêu quang quác của chú gà hay bới. Phải mất một thời gian dài, Rêbêca mới làm quen với cuộc sống ở nhà này. Cô bé ngồi trên ghế xích đu, mút tay chùn chụt ở trong xó nhà vắng vẻ nhất. Chỉ có tiếng nhạc phát ra từ đồng hồ là cái duy nhất khiến cô bé chú ý. Cứ nữa giờ một, với đôi mắt thảng thốt, cô đón nghe như thể đang chờ đợi âm nhạc ấy ở một nơi tráng gió nào đó. Trong vài ngày liền, gia đình không làm sao mời cô ăn cơm được. Không một ai hiểu nổi làm sao cô bé không chết đói, cho đến khi những người Anhđiêng, những người biết tất cả vì họ nhẹ nhàng chạy đi chạy lại khắp nhà, đã phát hiện ra rằng Rêbêca không thích ăn cơm mà trái lại chỉ thích ăn đất ẩm ngoài sân và đất vách do cô ta dùng ngón tay cậy ra từ các bức tường. Rõ ràng là cha mẹ cô hoặc bất kì người nào nuôi dưỡng cô bé từng quở mắng nó vì cái tật xấu ấy bởi thế cô bé đã ăn vụng với ý thức rõ ràng đó là một tội lỗi. Cô bé cứ lén lấy những mảng đất vách giấu đi để ăn khi không có ai nhìn thấy. Từ đó trở đi người ta càng để ý cô bé kỹ hơn. Người ta đổ mật bò cái xuống nền sân và tẩm nước ớt cay lên các bức tường, đinh ninh tin rằng bằng những phương pháp này có thể trì được cái tật xấu nguy kịch. Nhưng cô gái lại tinh khôn và khéo léo tìm cách giấu đất để ăn, do đó buộc Ucsula phải sử dụng các biện pháp hữu hiệu hơn nữa. Bà lấy nước cam hoà lẫn với bột đại hoàng cho vào một cái mếu rồi phơi sương thâu đêm và sáng hôm sau vào lúc ăn sáng, bà cho cô bé uống một cốc nước ấy. Dù cho không ai bảo với bà rằng cái thứ này là một phương thuốc đặc hiệu dùng để trị bệnh ăn đất, bà nghĩ rằng bất kỳ thứ nước đắng nào vào bụng lúc dạ dầy đói meo có tác dụng đến buồng gan. Mặc dù mắc bệnh còi xương, Rêbêca rất dữ tợn và rất khỏe đến mức phải vật ngửa cô bé như vật ngửa con bê để cho uống thuốc và hầu như người ta không thể ghìm được chân nó giãy đạp và không thể bưng miệng nó lại để khỏi buột ra những âm thanh khó hiểu kèm với những cú cào cấu và nhổ nước bọt mà theo như những người Anhđiêng thì đó là những lời tục tằn nhất có thể nhận ra trong ngôn ngữ thổ dân. Khi biết điều đó, Ucsula phải dùng đến cả đòn roi trong lúc cho cô bé uống thuốc. Sẽ chẳng bao giờ xác định được bột đại hoàng hay nhũng chiếc roi da, hoặc cả hai thứ cùng phối hợp là cái phương thuốc đưa đến hiệu nghiệm, nhưng thực tế cho thấy rằng trong ít tuần, Rêbêca đã bắt đầu có những dấu hiệu chứng tỏ cô bé đang khỏi bệnh. Rêbêca tham gia các trò chơi của Accađiô và Amaranta là những đứa trẻ đón nhận cô như đón nhận một người chị cả, và cô ăn rất ngon miệng bởi biết sử dụng thành thạo các đồ dùng ăn uống. Cô bé cũng nhanh chóng chứng tỏ rằng mình nói tiếng Tây Ban Nha cũng lưu loát như nói tiếng của những người Anhđiêng, rằng cô có khả năng thích hợp với công việc chân tay. Cô bé hát theo nhạc van do đồng hồ phát ra với lời ca rất hay do chính cô ứng khẩu. Chẳng bao lâu cô được nhận là một thành viên nữa của gia đình. Ucsula yêu mến cô hơn cả chính các con mình và cô bé gọi Amaranta và Accađiô là các em, gọi Aurêlianô là chú, gọi Hôsê Accađiô Buênđya là ông.

Vậy là cuối cùng cô bé rất xứng đáng mang tên Rêbêca Buênđya, một cái tên duy nhất của cô và cô kiêu hãnh mang nó trong suốt cuộc đời mình cho đến hơi thở cuối cùng.

Có một đêm, ấy là vào thời kỳ Rêbêca chữa khỏi tật ăn đất và được đưa vào ngủ cùng phòng với những đứa trẻ khác, cô gái Anhđiêng vẫn thường ngủ chung phòng với chúng bỗng nhiên thức giấc và nghe thấy có tiếng động khác thường. Cô gái thảng thốt ngồi dậy cứ nghĩ rằng có con vật nào đó đã chui vào phòng và lúc ấy cô ta nhìn thấy Rêbêca ngồi trên ghế xích đu đang mút ngón tay với đôi mắt sáng như mắt mèo trong đêm đen.

Hoảng hốt trước căn bệnh nguy hiểm, lo lắng cho nỗi bất hạnh của số phận mình, Visitaxiôn nhận ra trong đôi mắt ấy những triệu chứng của một thứ bệnh mà sự đe dọa của nó đã buộc họ, cô và em trai cô, mãi mãi phải vĩnh biệt cái vương quốc lâu đời, nơi họ từng là công chúa và hoàng tử. Đó là bệnh dịch mất ngủ.

Cataurê, em trai của Visitaxiôn, đêm ấy đã bỏ trốn khỏi nhà. Bà chị anh ở lại bởi vì trái tim định mệnh của chị đã chỉ cho chị biết rằng thứ bệnh nguy hiểm chết người ấy sẽ bằng mọi cách theo riết chị đến tận cùng trời cuối đất. Không một ai hiểu được nỗi lo lắng của Visitaxiôn. “Nếu chúng ta không ngủ được thì càng tốt.” Hôsê Accađiô Buênđya vui vẻ nói, “như thế cuộc sống sẽ càng có ích đối với chúng ta hơn”. Nhưng cô gái Anhđiêng đã giải thích cho họ rằng điều đáng sợ nhất của bệnh mất ngủ không phải là khả năng không thể ngủ được, bởi vì cơ thể ta không cảm thấy mệt mỏi, mà là vì nếu không chạy chữa kịp thời, nhất định sẽ dẫn tới bệnh còn nguy kịch hơn, đó là bệnh mất trí nhớ. Nghĩa là khi bệnh nhân đã quen với trạng thái mất ngủ thì những ký ức tuổi thơ sẽ bị xoá khỏi trí thớ của anh ta, sau đó đến tên và ý nghĩa của các sự vật, rồi cuối cùng đến lượt bản thể của con người và hơn nữa ngay cả ý thức về chính bản thân mình, đều bị xoá khỏi trí nhớ của anh ta để rồi tất cả đều chìm đắm trong trạng thái đần độn chưa từng có trong quá khứ. Hôsê Accađiô Buênđya cảm thấy chết cười được, đã nhận xét rằng cô gái đang nói về một trong những thứ bệnh do thói mê tín của những người Anhđiêng phía ra. Song, Ucsula, để đề phòng, đã cẩn thận cách ly Rêbêca khỏi đám trẻ. Mấy tuần sau đó khi nỗi lo lắng của Visitaxiôn lắng dịu xuống thì Hôsê Accađiô Buênđya trải qua một đêm trằn trọc trên giường không tài nào ngủ được. Ucsula, lúc ấy cũng đã thức giấc, hỏi ông làm sao vậy và ông đã trả lời bà: “Lại một lần nữa tôi nghĩ đến Pruđênxiô Aghila, bà ạ”. Cả hai vợ chồng đều không ngủ lấy một phút nhưng ngày hôm sau họ đều thấy khoẻ mạnh đến mức quên luôn cái đêm mất ngủ. Vào giờ ăn cơm trưa, Aurêlianô thảng thốt kể rằng cậu vẫn thấy khoẻ mạnh mặc dù đêm qua thức suốt để mạ vàng chiếc cặp tóc, một tặng phẩm cậu nghĩ sẽ tặng mẹ nhân ngày sinh của bà. Không một ai trong gia đình tỏ ra lo lắng cho mãi tới ngày thứ ba, vào giờ đi ngủ họ vẫn không cảm thấy buồn ngủ, và chỉ đến lúc ấy mọi người mới vỡ nhẽ rằng đã hơn năm mươi giờ liền họ không hề chợp mắt.

– Bọn trẻ con cũng tỉnh như sáo. – Cô gái Anhđiêng nói với niềm tin chắc vào định mệnh không sao tránh khỏi. – Một khi bệnh dịch lây đến thì chẳng một ai thoát được cả.

Quả nhiên bệnh mất ngủ đã lan tràn tới đây. Ucsula nhờ học mẹ mình mà biết được một số cây có tác dụng chữa lành bệnh, đã vò lá cây phụ tử lấy nước cho tất cả mọi người uống nhưng không công hiệu, không một ai ngủ được mà trái lại cả ngày hôm đó mọi người đều mơ trong khi thức. Trong trạng thái tỉnh táo mà mơ màng ấy, không những người ta chỉ nhìn thấy những bóng hình trong chính giấc mơ của mình mà còn nhìn thấy cả những bóng hình trong giấc mơ của người khác. Cứ như thể nhà này đông nghịt khách khứa. Ngồi trên chiếc ghế xích đu đặt ở trong xó bếp, Rêbêca mơ thấy một người đàn ông rất giống nó, mặc bộ đồ lanh trắng, nơi cổ gài một chiếc cúc vàng, mang đến cho nó một cành hoa hồng. Một người phụ nữ có đôi bàn tay nuột nà đi bên ông đã ngắt một bông hồng, rồi cài lên mái tóc cô bé. Ucsula hiểu rằng đó là cha mẹ của Rêbêca, nhưng dẫu rằng đã cố sức để nhận mặt bà vẫn phải thừa nhận rằng chưa bao giờ nhìn thấy họ. Trong khi đó, do một sơ suất đáng tiếc mà Hôsê Accađiô Buênđya sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình: những chiếc kẹo nặn hình con giống sản xuất trong nhà này vẫn tiếp tục được mang ra chợ bán. Trẻ con và người lớn thích thú mút những chiếc kẹo hình con gà béo màu xanh đã nhiễm bệnh mất ngủ, những con cá màu hồng đã nhiễm bệnh mất ngủ, những chú ngựa con màu vàng đã nhiễm bệnh mất ngủ, do đó buổi bình minh ngày thứ hai đã bắt gặp cả làng đang thức. Đầu tiên không một ai hốt hoảng. Trái lại, tất cả đều vui sướng vì không ngủ được, bởi lúc đó có rất nhiều việc cần phải làm đến mức hầu như họ không có đủ thời gian. Họ làm lụng quá nhiều do đó lập tức chẳng còn gì để làm và vào lúc ba giờ sáng tất cả đều khoanh tay ngồi đếm từng nốt nhạc van vang lên từ những chiếc đồng hồ. Những người muốn ngủ, không vì họ cảm thấy mệt mỏi mà chỉ vì nhớ giấc ngủ thường ngày thôi, đã phải vận dụng hết các phương thức cần thiết để gọi giấc ngủ đến với mình, nhưng thảy đều vô hiệu. Họ tụ tập lại để chuyện phiếm không hề ngừng nghỉ, để lặp đi lặp lại chỉ một câu chuyện gây cười trong hàng giờ và hàng giờ liền, để làm cho mọi người tức phát điên lên với câu chuyện về con gà Capôn vốn là một trò chơi không bao giờ kết thúc, trong đó người kể chuyện hỏi các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn không và khi người nghe trả lời rằng. có thì người kể chuyện nói rằng ông ta không yêu cầu bảo rằng có mà rằng các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn không và khi người nghe trả lời rằng không thì người kể chuyện nói ông ta không yêu cầu trả lời rằng không mà rằng các vị có muốn tôi kể chuyện con gà Capôn chăng và khi người nghe im lặng thì ông ta nói ông ta không yêu cầu im đặng mà rằng có phải các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn và không một ai có thể bỏ đi được bởi người kể chuyện sẽ nói rằng ông ta không yêu cầu bỏ đi mà rằng phải chăng các vị muốn tôi kể chuyện con gà Capôn, rồi cứ như thế lặp đi lặp lại trong cái vòng luẩn quẩn kéo suốt những đêm dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.