Trăm năm cô đơn

Chương 15 – Phần 1



Những sự kiện từng đánh đòn chí tử vào thị trấn Macônđô đã bắt đầu lộ rõ khi người ta mang đứa con trai của Mêmê Buênđya tới nhà. Hoàn cảnh chung lúc ấy hết sức mơ hồ đến mức chẳng một ai quan tâm tới những chuyện rắc rối của riêng từng gia đình, vì thế mà Phecnanđa có điều kiện thuận lợi để giấu kín thằng bé đi, làm như thể chẳng bao giờ có nó cả. Bà phải nhận nó bởi khi người ta mang nó vế nhà hoàn cảnh không cho phép bà từ chối. Bà đành phải chịu đựng việc nuôi nấng nó trong suốt những năm còn lại của đời mình bởi vì vào lúc cần phải ra tay thì bà đã không có đủ dũng cảm để thực hiện ý định thầm kín là sẽ dìm ngập nó ngay trong bể nước nhà tắm. Bà nhốt nó ở trong xưởng kim hoàn cũ của đại tá Aurêlianô Buênđya. Bà làm cho Santa Sôphia đê la Piêđat tin rằng bà đã bắt được thằng bé nằm trong chiếc làn bềnh bồng nổi trên mặt nước. Có lẽ Ucsula đến khi chết vẫn không biết được gốc gác của thằng bé. Cô bé Amaranta Ucsula có lần vào xưởng đúng lúc Phecnanđa đang cho cháu ăn, và cũng tin vào câu chuyện chiếc làn trôi trên sông kia. Do hoàn toàn xa lánh vợ nhằm phản đối cái lối vô lí mà bà đã áp dụng để xử lí tấn bi kịch của Mêmê, tận ba năm sau khi người ta mang nó đến nhà, Aurêlianô Sêgunđô mới biết có sự tồn tại của thằng cháu ngoại. Ông biết được do có một hôm Phecnanđa sơ suất, để thằng bé thoát khỏi sự giam cầm, bước ra ngoài hành lang trong khoảnh khắc thôi. Nó để truồng, với mớ tóc xoăn và “con chim” có cái mỏ như mỏ gà tây, như thể nó không phải là trẻ em mà là một kẻ ăn thịt đồng loại theo đúng như bộ từ điển bách khoa toàn thư đã miêu tả.

Phecnanđa không đếm xỉa đến số phận phũ phàng không cách nào sửa đổi của mình. Thằng nhỏ cứ như là sự trở về của một nỗi nhục nhã mà bà ta muốn mãi mãi tống khứ nó khỏi nhà mình. Hầu như người ta vừa khiêng Maurixiô Babilônia bị gẫy cột sống đi khỏi nhà thì Phecnanđa đã thai nghén đến từng chi tiết nhỏ một kế hoạch nhằm xoá sạch mọi dấu vết nhuốc nhơ này. Không hỏi ý kiến chồng, ngay ngày hôm sau bà bắt tay chuẩn bị hành lí, nhét vào va-li nhỏ ba bộ quần áo mà cô con gái cần dùng để thay đổi rồi trước khi tàu tới ga độ nửa giờ bà đến phòng ngủ tìm con gái:

– Ði thôi, Rênata. – Bà bảo cô con gái.

Bà không hề giải thích cho cô gái. Về phần mình Mêmê không đợi và cũng không muốn có lời giải thích. Không những cô không biết mình và mẹ mình đi đâu mà nếu người ta dẫn mình đến lò sát sinh cô cũng chẳng phản đối. Cô câm bặt và cũng sẽ không mở miệng trong phần đời còn lại của mình kể từ lúc nghe thấy tiếng súng nổ ở sân sau, đồng thời tiếp đó là tiếng kêu đau đớn của Maurixiô Babilônia. Khi mẹ cô ra lệnh cho cô ra khỏi giường ngủ, cô không chải đầu cũng không rửa mặt và cô vật vờ bước lên tàu hoả như một kẻ mộng du mà không hề biết ngay đến cả đàn bướm vàng vẫn bay theo cô. Phecnanđa không bao giờ hiểu, và cũng không chịu tìm hiểu xem sự im lặng như đá của cô có phải là do cô tự nguyện quyết định như vậy hay là cô bị câm do ảnh hưởng tai hại của tấn bi kịch.

Mêmê dường như không hay biết con tàu đang chạy qua cái vùng mình thích thú nhất trước đây. Cô không nhìn những đồng chuối um tùm và ngút ngàn ở hai bên đường ray. Cô không nhìn những ngôi nhà sơn trắng của người Mỹ, cũng không nhìn những vườn hoa héo úa vì bụi và hơi nóng, cũng không nhìn những người đàn bà mặc quần đùi và áo sơ mi kẻ sọc xanh đang đánh bài ở ngoài cửa. Cô không nhìn những chiếc xe bò chở chuối trên những con đường lầm bụi. Cô không nhìn những cô gái trẻ như những chú cá măng nhảy tung tăng trong dòng sông trong vắt đã khiến du khách trên tàu tê tái lòng trước những bộ ngực căng mọng lộng lẫy của họ, cũng không nhìn những túp lều tồi tàn của người lao động nơi những con bướm vàng của Maurixiô Babilônia đang bay lượn, cũng không nhìn những em nhỏ xanh tái và bẩn thỉu, cả những người đàn bà chửa đang gào lên những lời tục tĩu mỗi khi đoàn tàu chạy qua. Cái quang cảnh thoáng qua ấy đối với cô là quang cảnh vui như hội mỗi bận từ trường về nhà thì nay nó không hề làm cô rung động. Cô không thèm nhìn ra cửa sổ ngay cả khi con tàu đang qua vùng đồng bằng trồng thuốc phiện nơi vẫn còn mạn chiếc tàu thuỷ Tây Ban Nha đã hoá thành than, để rồi ngay sau đó nó chạy tới vùng không khí thoáng đãng kề ngay bên cái biển ngầu bọt và bẩn tưởi, nơi cách đây gần đúng một thế kỉ những ý tưởng đẹp đẽ của cụ Hôsê Accađiô Buênđya đã phá sản.

Vào lúc năm giờ chiều, khi con tàu đến ga cuối cùng thuộc miền đầm lầy, cô theo mẹ xuống tàu hoả. Hai mẹ con trèo lên một chiếc xe giống như một con dơi khổng lồ, được một chú ngựa hen kéo, và bọn họ đi qua một thành phố hiu quạnh, nơi trên những con đường dài vô tận, nứt nẻ vì hơi diêm sinh, vẫn vang lên bản nhạc tập đàn pianô y hệt bản nhạc tập mà Phecnanđa từng nghe vào giờ ngủ trưa trong thời xuân trẻ. Họ lại lên một chiếc tàu thuỷ chạy trên sông có chiếc bánh lái bằng gỗ kêu ầm ầm như tiếng động một đám cháy lớn, và những tấm sắt bị gỉ thủng lỗ chỗ phản chiếu ánh mặt trời như miệng những chiếc lò nấu. Mêmê tự giam mình trong một phòng ngủ riêng trên tàu. Một ngày hai lần, Phecnanđa đặt ở cạnh giường cô một khay thức ăn và một ngày hai lần bà lại mang nguyên xi nó ra, không phải vì Mêmê đã quyết chí chết đói mà chỉ hơi cơm thôi cũng đã đủ làm cô phát sợ và khiến cho cái dạ dày của cô cứ thắt lại nôn ra những nước là nước. Chính bản thân cô cũng không biết rằng mùi thuốc cao lá mù tạc không còn tác dụng ngừa thai nữa và Phecnanđa không biết điều này mãi cho đến một năm sau khi người ta mang đến cho bà một thằng bé. Vì ở trong phòng ngủ riêng ngột ngạt, lại bị tiếng rung của thành tàu và mùi bùn nồng nặc khó chịu do bánh lái khuấy lên, Mêmê nằm mê man không còn biết đến ngày giờ đang trôi đi. Ðã qua đi lâu rồi khi Mêmê nhìn thấy con bướm vàng cuối cùng bị cánh quạt nghiền nát và cô cảm thấy nó như một sự thật hiển nhiên: Maurixiô Babilônia đã chết rồi. Tuy nhiên cô không chịu để cho sự cam chịu thắng mình. Cô vẫn nghĩ tới anh trong suốt cuộc hành trình qua thảo nguyên mênh mông nơi trước đây Aurêlianô Sêgunđô bị lạc khi ông đi tìm người con gái đẹp nhất trần gian, và khi họ trèo lên đỉnh đèo men theo những lối mòn của người Anhđiêng để rồi vào một thành phố buồn tẻ, nơi trên những con đường đá chật hẹp của nó vẫn vang lên tiếng chuông đồng rè rè buồn bã của ba mươi hai nhà thờ. Ðêm ấy mẹ con cô ngủ lại trong một ngôi nhà thờ thời thuộc địa bị bỏ hoang, nằm trên những tấm ván mà Phecnanđa bắc trên sàn một căn buồng bị cỏ dại mọc um tùm, và họ đắp lên người những mẩu rèm cửa sổ mà cứ mỗi bận cựa mình chúng rách toàng toạc. Mêmê biết rõ cô đang ở đâu rồi bởi vì trong cơn mất ngủ đầy sợ hãi cô đã nhìn thấy đi qua đây một công tử vận đồ đen mà trong đêm trước lễ Noen xa xưa người ta mang ngài tới nhà trong một chiếc hòm bằng chì. Sang ngày hôm sau, sau khi làm lễ mixa, Phecnanđa dẫn cô tới một toà lâu đài rợp bóng cây và Mêmê nhận ra nó ngay lập tức nhờ những hồi ức mẹ cô thường kể về tu viện nơi bà được giáo dưỡng để trở thành hoàng hậu và thế là Mêmê hiểu mình đã đi hết cuộc hành trình. Trong lúc Phecnanđa nói chuyện với một người nào đó ở trong phòng bên, cô ở lại trong phòng khách treo những bức tranh sơn dầu vẽ các đức giám mục thời thuộc địa, mà người cứ run lên vì rét, bởi vì cô vẫn chỉ mặc một bộ quần áo bằng vải da thêu hoa đen, và đi đôi ủng ướt trương lên vì ngấm băng tuyết vùng thảo nguyên. Cô đứng ngay ở giữa phòng khách dưới luồng ánh sáng vàng lọt qua những tấm kính màu để mà nghĩ tới Maurixiô Babilônia, cho đến khi một nữ tu trẻ rất đẹp mang theo chiếc va-li nhỏ của cô cùng ba bộ quần áo từ trong phòng bên bước ra. Khi đi qua trước mặt Mêmê, không dừng bước, cô ta chìa tay cho cô.

– Chúng ta đi thôi, Rênata. – Cô nữ tu nói.

Mêmê cầm lấy tay cô ta và để cô ta đưa mình đi. Lần cuối cùng Phecnanđa nhìn thấy cô đang lúc cô sánh bước với người nữ tu, ấy là lúc phía sau cô cánh cửa sắt của nhà tu kín cũng vừa từ từ đóng lại. Cô vẫn nghĩ tới Maurixiô Babilônia, tới mùi dầu mỡ và những con bướm vàng hoá thân, nghĩ tới anh trong suốt cả cuộc đời cô, một cuộc đời với những tên luôn luôn bị thay đổi và không hề hé răng nói lấy một lời cho đến buổi sáng sớm một mùa thu cô chết già trong một bệnh viện ở Cracôvia.

Phecnanđa trở về Macônđô trên một chuyến tàu được linh cảnh sát có vũ trang bảo vệ: Trong suốt chuyến đi bà nhận ra nỗi lo lắng căng thẳng của hành khách, nhận ra những biện pháp quân sự được áp dụng ở các làng đọc đường xe lửa và cái không khí sợ hãi do tin rằng sẽ xảy ra một sự kiện nghiêm trọng, nhưng bà hoàn toàn không được biết tin tức gì trong lúc chưa về đến Macônđô. Về tới nhà, bà được người ta kể cho biết rằng Hôsê Accađiô Sêgunđô đang xúi giục những người lao động thuộc Công ty chuối biểu tình. “Ôi, đây là cái duy nhất mà chúng ta còn thiếu, Phecnanđa nói với cánh mình, “Một tên vô chính phủ ở ngay trong nhà”. Hai tuần lễ sau đó, cuộc đình công đã nổ ra và không gây ra những hậu quả bi thương như người ta đã sợ. Những người lao động chỉ đòi không phải chặt chuối và chở chuối vào ngày chủ nhật, và yêu sách này rất hợp tình hợp lí đến mức ngay cả cha Antôniô Isaben cũng đã tham gia vì cha thấy nó hợp với luật lệ của Thượng đế. Thắng lợi của cuộc đình công này cũng như một số hoạt động khác xảy ra trong những tháng sau đã khiến cho Hôsê Accađiô Sêgunđô, một người vô danh tiểu tốt mà thiên hạ vẫn thường bảo rằng chẳng được tích sự gì ngoài việc làm cho làng đông nghịt bọn gái điếm tân thời, trở nên nổi tiếng. Cũng với chính cái quyết tâm dứt khoát mà ông đã có để giết hết bày gà chọi của mình nhằm xây dựng một kế hoạch mở đường thuỷ từ Macônđô ăn thông với thế giới, ông đã cáo từ chức đốc công của Công ty chuối để đứng về phía những người lao động. Ngay lập tức ông bị tình nghi là phần tử thuộc một tổ chức quốc tế chống lại trật tự công cộng. Trong cái tuần lễ buồn bã trước những lời đồn bi quan, có một đêm ông đã thoát chết một cách tài tình trước bốn viên đạn súng lục do một kẻ lạ mặt nhắm bắn vào ông lúc ông vừa từ một cuộc họp kín bước ra. Không khí chính trì những tháng sau đó rất căng thẳng, đến mức Ucsula ngồi trong bóng tối cũng cảm nhận được nó và cụ có cảm giác mình đang sống lại những ngày tháng bất hạnh trong đó con trai cụ, đại tá Aurêlianô Buênđya luôn luôn mang trong túi áo những viên thuốc vi lượng đồng căn của một tổ chức nổi loạn. Cụ muốn nói chuyện với Hôsê Accađiô Sêgunđô để hiểu chuyện xây ra trước đấy nhưng Aurêlianô Sêgunđô báo cho cụ biết rằng kể từ đêm bị bắn chết hụt ấy không ai biết ông ngụ lại ở đâu. Nó y hệt cái thằng Aurêlianô Buênđya. – Cụ thốt lên. – Cứ như thể thời gian đang quay vòng ấy.

Trong những ngày mơ hồ ấy, Phecnanđa thường xuyên sống cách ly với cuộc đời bên ngoài. Bà để mất liên hệ với thế giới bên ngoài kể từ vụ cãi lộn kịch liệt với ông chồng vì đã tự ý quyết định số phận của Mêmê mà không có sự đồng tình của ông. Aurêlianô Sêgunđô đã sẵn sàng đi tìm cho được cô con gái, nếu cần phải nhờ đến cảnh sát ông cũng sẵn sàng nhờ, nhưng Phecnanđa cho ông xem những giấy tờ xác nhận rằng con gái ông đã tự nguyện vào tu trong nhà tu kín. Quả là như thế, Mêmê đã kí vào những tờ giấy ấy khi cô đã ở bên trong cửa sắt của tu viện và cô đã kí với chính sự hững hờ mà cô để cho bà đưa mình đi. Trong thâm tâm, Aurêlianô Sêgunđô không tin rằng những giấy tờ này hợp pháp cũng như không bao giờ ông tin rằng Maurixiô Babilônia đã lẻn vào sân sau để ăn trộm gà, nhưng những giấy tờ này đã giúp ông yên lòng và do đó lúc này ông có thể thảnh thơi trở lại núp dưới bóng Pêtra Côtêt. Ông lại tổ chức các cuộc vui ồn ĩ và ăn nhậu xả láng. Vì sống xa lạ với nỗi lo lắng của dân chúng, và cố tình không nghe những lời tiên đoán khủng khiếp của Ucsula, Phecnanđa xiết lại lần cuối cùng các ốc vít của kế hoạch đã được mình hoàn chỉnh. Bà viết một bức thư dài cho cậu con trai Hôsê Accađiô, người lúc này sẽ nhận phẩm trật nhỏ mọn, và trong bức thư này bà còn báo cho cậu biết cô em gái Mêmê của cậu đã về hầu Chúa do bị thổ ra máu đen. Sau đó, bà để bé Amaranta Ucsula cho Santa Sôphia đê la Piêđat chăm nom và quyết tâm nối lại quan hệ thư từ với các thầy thuốc không thể nhìn thấy được, mà lòng tự dằn vặt trước nỗi bất hạnh của Mêmê. Việc đầu tiên mà bà làm là định ngày chắc. chắn cho việc điều trị bằng thần giao cách cảm. Nhưng các thầy thuốc không thể nhìn thấy ấy đã trả lời bà rằng trong lúc Macônđô đang loạn thì việc làm đó là không phải lúc. Bà đang quá bối rối và không nắm được tình hình thực tế nên trong một bức thư khác bà giải thích cho họ rằng ở Macônđô không hề có tình trạng mất ổn định xã hội, rằng tất cả những việc ấy là kết quả của công việc điên rồ do người anh chồng mình gây nên, cũng như trước đây ông ấy đã đùng đùng giết hết lũ gà chọi và hộc tốc đi mở đường sông từ Macônđô ra thế giới. Thế là họ vẫn chưa thoả thuận được với nhau. Ngày thứ tư nóng nực, có một nữ tu sĩ già tay khoác một chiếc làn đã đến nhà gọi cửa. Vào lúc mở cửa, Santa Sôphia đê la Piêđat đã nghĩ rằng đó là một món quà và bà định ôm lấy chiếc làn có phủ một chiếc khăn lụa quý giá. Nhưng nữ tu sĩ đã kịp ngăn bà lại bởi vì bà ta đã được dặn trước là phải trao nó tận tay cho người nhận là bà Phecnanđa đen Cacpiô đê Buênđya. Ðó là đứa con trai của Mêmê. Vị cha linh hồn cũ của Phecnanđa trong một bức thư dài đã giải thích cho bà rằng thằng bé đã chào đời hai tháng trước đây và rằng nó được đặt tên là Aurêlianô như tên gọi của ông ngoại nó vì bà mẹ không chịu hé môi nói nguyện vọng cuối cùng của mình. Phecnanđa bực mình lắm trước sự nhạo báng ấy của số phận nhưng bà vẫn còn đủ sức lực để chống chế trước mặt nữ tu sĩ:

– Chúng ta sẽ loan tin rằng chúng ta bắt được thằng bé này nằm trong một chiếc làn trôi trên sông nhé.

– Chẳng ai tin điều đó đâu, bà ạ. – Nữ tu sĩ nói.

– Nếu đã tin vào Kinh thánh, – Phecnanđa cãi lại, – thì tại sao lại không tin tôi nói điều đó nhỉ!

Nữ tu sĩ ăn cơm trưa tại nhà trong lúc đợi con tàu trở lại và đồng ý giữ một lời hứa mà mọi người đòi hỏi ở bà ta là sẽ không bao giờ nhắc đến thằng nhỏ nữa, nhưng Phecnanđa đã khẳng định rằng nữ tu sĩ là một nhân chứng không mong đợi của nỗi tủi hổ của bà và lấy làm tiếc tục lệ thời Trung cổ thường treo cổ những người đưa tin dữ đã bị bãi bỏ. Ðó cũng là lúc bà quyết định sẽ dìm thằng bé vào bể nước trong nhà tắm ngay sau khi nữ tu sĩ ra khỏi nhà mình, nhưng trái tim đã không cho phép bà làm và bà đành phải kiên nhẫn đợi cho đến lúc lòng lành vô biên của Thượng đế sẽ giải thoát bà khỏi cái tai ách này.

Cậu nhóc Aurêlianô vừa đầy tuổi tôi, tình hình xã hội bỗng trở nên căng thẳng. Hôsê Accađiô Sêgunđô và một số cán bộ công đoàn, thường vẫn hoạt động bí mật cho đến tận lúc này, đã xuất đầu lộ diện một cách không đúng lúc, để tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại các làng thuộc Công ty chuối. Cảnh sát tuân lệnh trên, ngày ngày theo dõi chặt chẽ bọn họ. Nhưng đêm hôm thứ hai các cán bộ công đoàn đã bị bắt ngay tại nhà mình, bị cùm chân bằng chiếc cùm nặng năm ki lô, rồi bị tống giam trong nhà lao của tỉnh. Trong số những người bị bắt có Hôsê Accađiô Sêgunđô và Lôrenxô Gavilăng, một đại tá của cuộc cách mạng Mêhicô hiện đang lưu vong ở Macônđô, người vẫn thường tự hào nói rằng ông là chứng nhân của chủ nghĩa anh hùng của Actêmiô Crut, một người bạn thân của ông. Tuy vậy, trong khoảng thời gian chưa đầy ba tháng, bọn họ đã được tự do; bởi chính phủ và Công ty chuối đã không thể thống nhất với nhau xem ai là người phải nuôi bọn họ trong nhà tù. Lần này sự phản đối của những người lao động đã dựa trên những yếu tố sau đây: nhà ở không bảo đảm sức khoẻ cho công nhân, ngành phục vụ y tế thì giả nhân giả nghĩa, điều kiện lao động thì rát bất công. Ngoài ra những người công nhân còn khẳng định rằng Công ty đã không trả lương cho họ bằng tiền mặt mà trả bằng bông (tem phiếu) chỉ dùng để mua giăm-bông Virginia trong những cửa hàng uỷ thác của Công ty. Hôsê Accađiô Sêgunđô bị bắt vì anh đã chứng minh được rằng chế độ trả lương bằng bông chẳng qua chỉ là một thủ đoạn kinh tế của Công ty nhằm nuôi những con tàu chở hoa quả của nó. Giả sử không có hàng cho các cửa hàng uỷ thác, những con tàu ấy đã phải chạy không tải từ Niu Oóclêăng đến các cảng để nhận chuối. Còn những tội trạng khác mọi người đều biết. Thầy thuốc của công ty không khám bệnh cho người ốm mà chỉ bắt họ xếp hàng một ngay trước bệnh xá và một nữ y tá đặt vào lưỡi họ một viên thuốc có màu sun phát đồng bất kể họ bị bệnh sốt rét, bệnh lậu hay mắc chứng táo bón. Ðó là phương pháp trị bệnh hết sức phổ biến đến mức bọn trẻ con có khi xếp hàng vài ba lượt và đáng lẽ phải uống những viên thuốc ấy thì chúng lại mang về nhà để chơi. Công nhân sống chui rúc trong những căn lán tồi tàn. Lẽ ra phải làm cầu tiêu công cộng thì vào những dịp lễ chúa giáng sinh bọn kĩ thuật của Công ty mang tới đây những chiếc cầu tiêu di động dùng cho năm mươi người và còn hướng dẫn cách sử dụng như thế nào để dùng được lâu. Những luật sư già lụ khụ mặc đồ đen, những kẻ trong thời gian trước đây cứ bám lấy đại tá Aurêlianô Buênđya để làm phiền ngài giờ đây là đại diện cho Công ty chuối, bằng những lời phán xử đổi trắng thay đen y như trò ảo thuật đang tìm cách gỡ bí cho Công ty chuối. Khi những người lao động thống nhất chỉ thảo ra một lá đơn gồm những yêu sách chung thì trong suốt thời gian dài những yêu sách này vẫn không được chính thức đệ trình lên Công ty chuối.

Khi ngài Brao biết tin có lá đơn mới của công nhân, lập tức ngài mắc ngay toa xe lộng lẫy mái lợp thuỷ tinh của mình vào đoàn tàu rồi cùng với các vị đại diện thường trực của Công ty vội vàng biến mất tăm khỏi Macônđô. Tuy vậy, công nhân đã túm được một trong số những vị đại diện ấy ngay tại một nhà thổ nọ và buộc ông ta phải kí vào tờ sao của lá đơn khi ông này còn đang trần như nhộng với một phụ nữ. Người này tự nguyện làm mĩ nhân kế để dẫn ông ta vào bẫy. Trong một buổi phán xử, các luật sư buồn thảm nọ liền cãi rằng cái con người ấy không hề có liên quan gì với Công ty chuối, và để cho mọi người không nghi ngờ luận điệu của mình, bọn luật sư liền ra lệnh tống giam hắn vì tội mạo nhận. Sau đó ít lâu, ngài Brao đã bị thộp ngực trong một chuyến vi hành trên toa xe loại ba, và những người công nhân bắt ngài kí vào một tờ sao khác của lá đơn. Ngày hôm sau, ngài xuất hiện trước các vị quan toà với mái tóc nhuộm đen và nói tiếng Tây Ban Nha rất lưu loát. Các luật sư liền giải thích rằng người này không phải là ngài Giăc Brao, Tổng quản trị của Công ty chuối, sinh tại Britvin, bang Êlơbêmơ mà chỉ là một người bán thuốc hiền lành, sinh tại Macônđô, và cũng hành tại đây ông được đặt tên là Đugôbectô Phônseca. Sau đó ít lâu để đối phó với những hành động mới của công nhân, tại các địa điểm công cộng, các luật sư đã trưng lên một tờ cáo phó được viên lãnh sự và các nhà ngoại giao Mỹ chứng thực nói rằng ngài Brao đã bị xe cứu hoả cán chết trên một đường phố ở Chicagô vào ngày mồng chín tháng sáu vừa qua. Vì ngán ngẩm trước những trò giải thích quàng xiên ấy, những người lao động phớt lờ các nhà chức trách ở Macônđô, và họ kiện lên toà án tối cao. Chính tại đây, các quan toà giỏi múa ba tấc lưỡi và biến báo pháp luật cứ như những kẻ làm xiếc đã tuyên bố rằng những lời khiếu tố của công nhân là hoàn toàn không có giá trị, bởi rất đơn giản rằng Công ty chuối không có, chưa bao giờ có, cũng chẳng bao giờ sẽ có công nhân mà chỉ thuê người làm với tính cách tạm bợ thôi. Vậy là bằng cách đó, bọn luật sư đã đánh đổ lá đơn của công nhân tố giác cái trò lừa phỉnh về giăm bông Virginia, về những viên thuốc quái quỷ và những chuồng tiêu di động chỉ xuất hiện vào dịp lễ Chúa giáng sinh, còn Toà án thì đã phán quyết và công bố trong những thông báo trang trọng khẳng định sự không tồn tại của những người lao động.

Tổng bãi công bùng nổ. Việc trồng chuối bị bỏ dở, chuối quả nằm ngay tại gốc và những đoàn xe lửa dài một trăm hai mươi toa dừng lại ngay giữa đường… Công nhân nghỉ việc tràn ra thị trấn. Phố Thổ Nhĩ Kỳ trở nên nhộn nhịp khác thường. Phòng chơi bi-a trong khách sạn Giacôp mở cửa suốt hơn bốn giờ liên tục để đón khách. Hôsê Accađiô Sêgunđô có mặt tại đây vào đúng cái ngày có tin nói rằng quân đội đã được lệnh lập lại trật tự công cộng. Dẫu không phải là người có linh cảm nhưng cái tin đó đối với ông là điềm báo trước của cái chết mà ông từng chờ đợi từ cái buổi sáng xa xưa khi đại tá Hêrinênđô Mackêt cho đi xem một cuộc hành hình. Tuy nhiên cái điềm gở ấy đã không làm ông lúng túng. Ông chơi bi-a và không hề bắn chệch một cú bắn trúng nhiều viên. Sau đó, tiếng trống cà rình, tiếng kèn đồng, tiếng la thét và sự náo động của đám đông báo cho ông biết rằng cuối cùng mọi chuyện đã kết thúc, kể cả trò chơi bi-a lẫn cái trò chơi đơn độc và thầm lặng mà ông từng chơi với chính mình, kể từ buổi mai có cuộc hành hình. Ông bước ra đường và nhìn thấy bọn lính. Ðó là một đoàn quân gồm ba trung đoàn, theo nhịp trống cà rình, đang hành tiến làm rung chuyển cả mặt đất. Luồng xú khí toát ra từ đoàn quân ấy giống như hơi thở của con rồng nhiều khúc đã làm vẩn đục cả bầu trời trong sáng lúc đang trưa. Cả đám lính ấy, đứa nào cũng thấp lùn, ục ịch và thô lỗ. Chúng nhễ nhại mồ hôi ngựa, hôi hám như mùi thịt ôi phơi ngoài nắng, và dữ tợn như những người vùng thảo nguyên. Dù đã diễu hành qua đây mất hơn một giờ, song người ta vẫn nghĩ rằng cái đoàn quân ấy chỉ vẻn vẹn vài đại đội đi theo kiểu đèn cù, bởi bọn lính giống nhau như tạc, chúng như những đứa con cùng một mẹ, với một vẻ ngu dại như nhau. Chúng mang ba lô và bi đông nặng trịch, mang những khẩu súng cắm lê trần trơ tráo, mang nỗi bực dọc chỉ biết có tuân lệnh một cách mù quáng và cái mặc cảm về lòng danh dự. Từ trên chiếc giường tối mù mịt của mình, Ucsula nghe thấy bọn linh diễu qua và cụ giơ tay làm dấu thánh. Bà Santa Sôphia đê la Piêđat đứng im hồi lâu, cúi mình xuống chiếc khăn vừa là, bà nghĩ tôi con trai bà, Hôsê Accađiô Sêgunđô, người mà bà vừa nhìn thấy đi qua cửa khách sạn Giacôp không hề run sợ trước những tên lính cuối cùng của đoàn quân ấy…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.