Trăm năm cô đơn

Chương 14 – Phần 1



Kỳ nghỉ hè cuối cùng của Mêmê trùng đúng vào thời gian để tang ngài đại tá Aurêlianô Buênđya. Trong ngôi nhà cửa đóng im ỉm suốt ngày này không có chỗ cho các cuộc vui. Người ta thì thầm nói chuyện, lặng lẽ ăn, cầu kinh một ngày ba buổi và ngay đến các buổi chơi đàn tiểu phong cẩm cũng mang âm điệu tang tóc. Mặc dù thầm ghét ngài đại tá, nhưng do cảm kích trước lòng thành kính trang trọng mà chính phủ đã bày tỏ để tưởng niệm kẻ tử thù của mình, Phecnanđa là người đã tổ chức thật chu đáo đám tang đó. Như thường lệ Aurêlianô Sêgunđô lại ngủ ở nhà trong lúc con gái ông nghỉ hè, và Phecnanđa cần phải làm một việc gì đó ngõ hầu lấy lại danh dự một người vợ chính thức, vì năm sau, Mêmê đón nhận đứa em gái vừa mới sinh, được đặt tên là Amaranta Ucsula, một cái tên do mọi người đặt bất chấp nguyện vọng của bà mẹ.

Mêmê đã học xong. Văn bằng chứng thực cô là một nghệ sĩ đàn tiểu dương cầm đã được công nhận nhờ trình độ điêu luyện mà cô đã sử dụng để chơi các bản nhạc dân gian thế kỷ XVII trong buổi lễ mừng kết quả học tập và với buổi lễ ấy người ta cũng làm lễ đoạn tang cho ngài đại tá. Các vị khách mời khâm phục cô không chỉ ở nghệ thuật biểu diễn mà hơn nữa còn ở tính cách nhị nguyên của cô… Tính nết bông lông và có khi nhõng nhẽo trẻ con của cô dường như không phù hợp với bất kỳ một hoạt động nghiêm chỉnh nào nhưng khi ngồi xuống bên cạnh cây đàn tiểu dương cầm lập tức cô trở nên một cô gái khác hẳn. Nét chín chắn không lộ trước đã đem đến cho cô dáng vẻ người lớn. Cô luôn luôn như thế. Thực ra Mêmê không có thiên hướng nào rõ rệt, nhưng cô đã giành được những kết quả cao nhất nhờ luôn luôn làm việc với một kỷ luật nghiêm khắc cất để tránh mâu thuẫn với mẹ mình. Giá có buộc cô học bất kỳ nghề nào khác thì chắc chắn cô cũng sẽ giành được kết quả tương tự. Ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi, tính cách nghiêm khắc của Phecnanđa đã làm cô khó chịu, nhưng cô vốn có thói quen hy sinh vì người khác, và nhiều lúc thói quen này còn lớn hơn cả việc học tiểu dương cầm mà cô theo đuổi chỉ để khỏi va chạm với bà mẹ cố chấp của mình. Trong buổi lễ bế giảng, cô có cảm giác hân hoan rằng tấm bằng được viết với những con chữ gôtích và những chữ viết hoa có hình trang trí kèm theo sẽ giải thoát cô khỏi lời cam kết mà cô đã chấp nhận không phải chỉ để vâng lời, cũng chẳng phải để yên thân, và cô tin rằng kể từ phút giây này, ngay cả Phecnanđa cố chấp cũng sẽ khỏi phải bận tâm đến cây đàn đã bị các cô nữ tu sĩ coi là vật lỗi thời trong viện bảo tàng. Trong những năm đầu tiên, cô tin rằng những tính toán của mình sai bét bởi vì sau khi một nửa thị trấn đã ngủ rồi, thì không chỉ trong phòng khách nhà cô, mà trong không biết bao nhiêu buổi vui chung, các buổi họp mặt ở nhà trường và các buổi lễ kỉ niệm được tổ chức ở Macônđô, mẹ cô vẫn tiếp tục mời đến những thính giả mới mà bà biết chắc họ có khả năng đánh giá những phẩm chất của cô con gái. Sau khi Amaranta mất và chỉ đến khi ấy thôi, khi mà mọi người đều không bước chân ra khỏi nhà trong thời gian để tang, Mêmê mới có thể hoàn toàn không bị lệ thuộc vào cây đàn tiểu dương cầm và có thể bỏ quên chùm chìa khoá ở bất kỳ tủ quản áo nào mà không còn phải lo Phecnanđa sẽ khó chịu lục soát xem lúc nào và ai đã làm mất thìa khoá. Mêmê chịu đựng những sự phô trương của mẹ với lòng nhẫn nại mà cô đã có trong lúc học. Ðó là cái giá cô phải trả cho tự do của mình. Phecnanđa quá đỗi sung sướng trước thái độ hiền lành của con gái, quá đỗi tự hào trước lòng thán phục của mọi người đối với tài nặng của cô, đến mức bà không ngăn cản việc các cô bạn gái đến chơi chật cả nhà, việc cô đi chơi cả buổi chiều ở ngoài đồng chuối và đi xem những bộ phim luôn được cha Antôniô Isaben công khai cho phép chiếu cùng với Aurêlianô Sêgunđô hoặc với các bà bạn tin cậy của gia đình. Trong những lúc vui vẻ ấy, những sở thích đích thực của Mêmê được bộc lộ rõ nét. Hạnh phúc của cô ở đầu bên kia của kỷ cương nền nếp, trong các cuộc vui ồn ĩ, trong các cuộc nói chuyện tầm phào về tình yêu, trong những buổi các cô gái khoá trái cửa buồng để cùng nhau tập hút thuốc lá và nói về bọn con trai, và đã có lần họ chuyền tay nhau tu hết ba chai rượu trắng rồi cuối cùng họ khoả thân để so đọ các bộ phận trên cơ thể mình. Sẽ chẳng bao giờ Mêmê quên dược cái đêm cô bước vào nhà miệng nhai rễ cam thảo và vì không ai phát hiện ra mình đang bị rượu vật đổ, cô ngồi xuống bên chiếc bàn Phecnanđa và Amaranta đang lặng lẽ ăn cơm tối. Trước đó cô đã trải qua hai giờ khủng khiếp ở trong phòng một người bạn gái, khóc lóc hoài vì buồn và vì sợ hãi, và ở bờ bên kia cuộc khủng hoảng tâm trạng ấy cô bắt gặp một cảm giác dạn dĩ rất lạ lùng mà mình vẫn còn thiếu để trốn khỏi trường học, để nói với mẹ mình bằng những lời này lời nọ khiến bà phải nổi cáu về cây đàn tiểu dương cầm. Ngồi ở ngay đầu bàn ăn, đang húp bát nước canh gà mà khi vào tới dạ dày nó giống như một thứ thuốc tiên làm sống lại người chết, Mêmê nhìn thấy Phecnanđa và Amaranta chìm trong vắng ánh sáng khắc nghiệt của thực tại. Cô phải cố gắng tự kìm mình để khỏi nói thẳng vào mặt họ về những sự giả tạo, về trí tuệ nghèo nàn và những thèm khát danh dự hão của họ. Kể từ kỳ nghỉ hè thứ hai trở đi, cô biết rằng cha mình chỉ sống ở nhà để giữ thể diện và nhờ hiểu Phecnanđa như đã hiểu bà và nhờ đã giúp bà để sau đó hiểu Pêtra Côtêt, cô đã tán thành cha mình. Cũng có lúc cô muốn làm con gái của người tình của cha mình. Trong hơi men chếnh choáng, Mêmê đã nghĩ rằng nếu như thời điểm ấy cô bày tỏ những suy tư của mình thì chắc mọi người không khỏi ngạc nhiên và niềm vui thầm lặng của trò ranh mãnh lộ ra quá ư mạnh mẽ đến mức Phecnanđa đã nhận ra:

– Con làm sao vậy? – Bà hỏi.

– Chẳng làm sao cả. – Mêmê trả lời. – Hầu như đến tận bây giờ con mới phát hiện ra là con yêu bà trẻ và mẹ biết nhường nào.

Amaranta giật mình nhận thấy rất rõ trong câu trả lời ấy có hàm chứa ý tứ căm giận. Trái lại Phecnanđa rất cảm động đến nỗi bà thấy mình lại phát điên khi Mêmê thức dậy vào lúc nửa đêm đầu cứ ngọ nguy vì đau đớn và cứ nghẹn thở vì những cứ nôn ra mật. Bà đưa cô một lọ dầu hải ly, đắp lên bụng cô một lá cao mù tạc và chườm lên đầu cô một túi nước đá, rồi bà bắt cô ăn kiêng và ở trong nhà kín gió suốt năm ngày liền theo đơn thuốc của viên bác sĩ ngông cuồng người Pháp mới đến, người sau hai giờ khám bệnh đã đi đến kết luận quái gở: cô gái bị rối loạn kinh nguyệt. Trong trạng thái tinh thần suy sụp, Mêmê không còn cách nào hơn là nín lặng. Ucsula lúc này tuy đã mù hẳn nhưng vẫn hoạt bát và sáng láng, là người duy nhất đã chẩn đoán chính xác. Ðối với ta, – cụ nghĩ, – những triệu chứng này là những triệu chứng biểu hiện rõ ở bọn say rượu. Nhưng không những cụ bác bỏ ý nghĩ ấy mà cụ còn tự trách sự hời hợt trong suy nghĩ của mình. Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy nhức nhối lương tâm khi nhìn thấy tình trạng kiệt sức của Mêmê do đó ông hứa trong tương lai sẽ quan tâm đến cô nhiều hơn. Quan hệ thân mật và vui vẻ giữa người cha và cô con gái đã nảy sinh như thế đấy, và quan hệ này trong một thời gian đã giải thoát ông khỏi những cuộc vui cô đơn và nó cũng giải thoát Mêmê khỏi sự quản thúc của Phecnanđa mà không gây ra những cuộc cãi vã không thể tránh khỏi trong gia đình. Thế là lúc ấy, Aurêlianô Sêgunđô phớt lờ mọi lời cam kết để ở bên cạnh. Mêmê, dành cho cô phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để dẫn cô đi xem phim hay xem xiếc. Trong những ngày gần đây, thân xác ục ịch chậm chạp không cho phép ông cúi xuống buộc nút giày, và sự sung mãn đã khiến cho ông bắt đầu kim hồ hởi. Sự phát hiện về cô con gái đã làm sống lại trong ông tâm tính hồ hởi của thời trẻ, và nỗi thích thú được ở gần con gái đã dần dằn tách ông khỏi sự ăn chơi phung phí. Mêmê nở rộ trong tuổi trưởng thành. Cô không đẹp cũng như Amaranta không bao giờ đẹp, nhưng cô cởi mở, dễ gần và ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên đã cho ta cảm giác dễ mến. Cô có đầu óc tân tiến. Và cái đầu óc tân tiến này thương hại cho tính kiêu ngạo lỗi thời và trái tim chai sạn của Phecnanđa, và được Aurêlianô Sêgunđô rất hài lòng ủng hộ. Ông chính là người đã quyết định lôi cô ra khỏi phòng ngủ từ lúc còn bé, nơi những con mắt hãi hùng của các vị thánh vẫn tiếp tục làm cô sợ hãi ngay khi cô đã ở tuổi thành niên, và ông đã sắp đặt cho cô một phòng có giường đệm, một phòng trang điểm rộng rãi và những tấm rèm cửa bằng nỉ mà ông không biết rằng đó chính là hình ảnh thứ hai của căn phòng Pêtra Côtêt. Ông quá ư hào phóng đối với cô đến nỗi ngay cả số tiền ông có bao nhiêu ông cũng không biết, vì rằng chính cô đã móc chúng từ các túi ra, và ông đã cung cấp cho cô biết bao đồ trang sức mới mỗi khi cô đến các đại lý của Công ty chuối. Căn phòng của Mêmê đầy những túi đựng đá bọt đánh bóng móng tay, những lô uốn tóc, những cái đánh bóng răng, những hộp thuốc tô cho xanh mi mắt, rồi cơ man nào là thuốc mỹ phẩm và các đồ trang sức lạ lẫm đến nỗi cứ mỗi bận bước vào phòng Phecnanđa lại đâm lo lắng với ý nghĩ rằng phòng trang điểm của cô con gái chẳng khác gì phòng trang điểm của bọn điếm tân thời. Tuy nhiên, trong thời kỳ ấy, Phecnanđa hoạt động theo một thời gian biểu được chia sẻ giữa nhiệm vụ chăm sóc bé Amaranta Ucsula lúc này hãy còn làm nũng và hay bệnh tật với việc viết những bức thư đầy cảm động cho các vị thầy thuốc không thể nhìn thấy Vậy là, khi phát hiện ra sự đồng loã giữa chồng với con gái, thì lời hứa duy nhất bà đòi hỏi ở Aurêlianô Sêgunđô là ông sẽ không dẫn Mêmê tới nhà Pêtra Côtêt. Ðó là một sự đòi hỏi vô nghĩa vì ả nhân tình đang lộn ruột trước tình thân mật giữa cha con Aurêlianô Sêgunđô, đến mức ả chẳng thiết làm quen với Mêmê nữa. Một nỗi lo chưa hề biết tới làm cho ả đau đớn khắc khoải như thể bản năng đã mách cho ả hay rằng Mêmê chỉ cần yêu ỏng ta thôi là đã có thể giành lầy cái điều mà Phecnanđa không thể giành được: chiếm mất của ả một thứ tình yêu vốn được coi là tình yêu bền chặt gắn bó với nhau cho đến chết. Lần đầu tiên Aurêlianô Sêgunđô phải chịu đựng cảnh mặt sưng mày sỉa và những cú đá thúng đụng nia khủng khiếp của nhân tình đến nỗi ông đâm sợ rằng những chiếc hòm từng mang đi mang lại của mình lại lên đường trở về nhà vợ. Nhưng điều này không xảy ra. Không một người đàn bà nào hiểu kỹ một người đàn ông như Pêtra Côtêt hiểu nhân tình của mình, và ả biết rằng những chiếc hòm ấy sẽ ở nguyên vị trí từ khi chúng được mang đến, bởi vì nếu có cái gì mà Aurêlianô Sêgunđô ghê tởm thì đó chính là việc phải đảo lộn cuộc đời vì những sự tu tỉnh và thay đổi nếp sống. Vậy những chiếc hòm đã ở đâu thì cứ ở nguyên đấy, và Pêtra Côtêt lao vào việc giành lại người đàn ông ấy bằng cánh mài sắc thứ vũ khí duy nhất mà cô con gái không thể nào địch nổi. Ðó cũng là một cố gắng không cần thiết, vì rằng Mêmê không bao giờ có ý định tham dự vào những vấn đề riêng của cha mình. Cô không có thừa thời gian để mà làm phiền ai. Chính cô tự quét lấy phòng và sửa sang giường chiếu đúng như các nữ tu sĩ đã dạy bảo cô. Buổi sáng cô lo thêu may váy áo của mình, lúc thì ngồi thêu ở ngoài hành lang, lúc thì ngồi may bên chiếc máy may quay tay của Amaranta. Trong lúc mọi người ngủ trưa, cô ngồi luyện đàn tiểu dương cầm trong hai giờ liền vì biết rằng sự cần mẫn hàng ngày sẽ giữ yên lòng Phecnanđa. Cũng chính vì lý do đó, cô vẫn tiếp tục trình diễn các bản giao hưởng trong các buổi bán hàng từ thiện và các buổi vui trong trường học mặc dù những lời mời ngày một thưa hơn. thiều đến, cô chải chuốt, mặc bộ quần áo giản dị nhất, đi đôi giày cao cổ và nếu như không cần phải đi theo Aurêlianô Sêgunđô, cô sẽ đến nhà các bạn gái là nơi cô sẽ ở chơi cho đến giờ cơm tối. Hãn hữu lắm Aurêlianô Sêgunđô mới không đến tìm cô để dẫn đi xem phim.

Trong đám bạn của Mêmê có ba cô gái Mỹ đã phá bỏ cái hàng rào của khu nhà chung cư giống “khu chuồng gà mắc điện” và có quan hệ bạn bè với các cô gái làng Macônđô. Một trong ba cô ấy là cô Patrixia Brao. Do cảm kích trước tấm lòng hào hiệp của Aurêlianô Sêgunđô, ngài Brao đã mở cửa nhà mình cho Mêmê và mời cô tham dự các buổi khiêu vũ ngày thứ bảy vốn là những dịp duy nhất người Mỹ cùng vui chơi với người bản xứ. Khi Phecnanđa biết chuyện, bà tạm thời gác chuyện chăm sóc bé Amaranta Ucsula và việc viết thư cho các thầy thuốc không thể nhìn thấy của bà, để làm cho to chuyện thêm. “Con hãy nghĩ mà xem, – bà nói với Mêmê. – Ngài đại tá nằm dưới mồ sẽ nghĩ gì nào?”. Bà tìm sự đồng tình ủng hộ của Ucsula. Nhưng cụ già mù loà này, trái với điều mọi người chờ đợi đã cho rằng chẳng có gì đáng phải lo ngại trong việc Mêmê tham dự các buổi khiêu vũ cũng như chăm chút các quan hệ bạn bè với những người Mỹ cùng lửa tuổi, miễn sao cô chắt gái lúc nào cũng biết giữ vững quan điểm của mình và đừng để mình trở thành đồ đệ của đạo Tin lành là được rồi. Mêmê lĩnh hội rất đúng tư tưởng của cụ cố nội, và vào ngày hôm sau các buổi khiêu vũ cô dậy sớm hơn thường lệ để đi lễ mixa. Sự phản đối của Phecnanđa được duy trì cho đến ngày Mêmê báo tin người Mỹ muốn nghe cô chơi đàn tiểu dương cầm và điều này đã làm bà thay đổi lập trường. Lại một lần nữa cây đàn được đưa ra khỏi nhà và được đưa đến nhà ngài Brao, nơi cô nghệ sĩ đàn tiểu dương cầm trẻ tuổi đã nhận những tràng vỗ tay chân thành nhất và những lời chúc mừng nhiệt liệt nhất. Kể từ dạo ấy, cô được mời đến nhà không chỉ vào các buổi khiêu vũ chiều thứ bảy mà còn vào các buổi tắm ngày chủ nhật ở bể bơi, và mỗi tuần một bữa cơm trưa. Mêmê tập bơi như một vận động viên chuyên nghiệp, chơi tennis và tập ăn xúc xích xứ Virginia với dứa lát. Cô học tiếng Anh rất nhanh trong các buổi khiêu vũ, tập bơi và tập tennis. Aurêlianô Sêgunđô phấn chấn quá đỗi trước những bước tiến của cô con gái đến mức ông đã mua một cuốn từ điển bách khoa tiếng Anh dày sáu tập gồm nhiều tranh ảnh màu của một người bán sách rong, để cô đọc vào những lúc rỗi rãi. Việc đọc sách lôi cuốn hết tâm tri mà trước đây cô vẫn dành cho cô bạn gái đáng yêu hoặc cho các buổi đóng kín phòng để ở trong đó với các bạn gái, đó không phải vì người ta buộc cô phải đọc như một thứ kỷ luật mà vì cô không có thú tán nhảm vốn là một thứ bệnh chung của mọi người. Cô nhớ lại lần bị say rượu như một cú mạo hiểm ngây thơ mà cô cảm thấy hết sức ngộ nghĩnh, đến mức cô kể lại cho Aurêlianô Sêgunđô nghe, và khi nghe, cha cô còn cảm thấy thích thú hơn cả cô. “Nếu mẹ con mà biết được.” Ông nói với con gái trong lúc sặc sụa cười. Như vẫn thường nói với cô rằng hãy tin ở mình, ông cũng đã nói với cô rằng với chính lòng tin ấy cô có thể lộ cho ông biết mối tình đầu của cô. Và do đó Mêmê đã kể cho ông biết cô thân với một chàng thanh niên Mỹ tóc đỏ, người đã đến đây nghỉ hè với bố mẹ anh ta. “Bợm nhỉ?” Aurêlianô Sêgunđô cười: “Nếu mẹ con mà biết được”. Nhưng Mêmê còn kể cho ông biết chàng trẻ tuổi người Mỹ ấy đã trở về nước và cô vẫn chưa được biết tin tức gì của anh ta. Vậy là sự chín chắn trong cách suy nghĩ của cô đã bảo đảm cho gia đình được êm ấm yên vui. Lúc này Aurêlianô Sêgunđô dành nhiều thời gian hơn cho Pêtra Côtêt, và dẫu rằng thể xác và tâm hồn ông không cho phép ông lao vào các cuộc vui chơi bạt mạng như trước đây, ông vẫn không để lỡ dịp tổ chức chúng và không để yên cho cây phong cầm lúc này đã có nhiều phím phải buộc lại bằng dây giày. Ở nhà, Amaranta khâu khăn liệm cho mình mà không biết đến bao giờ thì xong, còn Ucsula cứ để mặc cho tuổi già lôi kéo mình đến đáy sâu của sự mù loà, là nơi cái hình ảnh duy nhất có thể nhìn thấy được là hình ảnh cụ Hôsê Accađiô Buênđya ở dưới gốc cây dẻ. Phecnanđa củng cố quyền lực của mình. Những bức thư đều đặn gửi hàng tháng cho con trai bà là Hôsê Accađiô lúc này không hề có lấy một dòng nói dối, ngoại trừ quan hệ thư từ với các thầy thuốc không thể nhìn thấy, những người đã chuẩn đoán rằng bà có một chỗ viêm tấy ở ruột già và họ đang chuẩn bị cho bà được thực nghiệm một cách chữa bệnh bằng điều khiển từ xa.

Người ta đồn rằng trong ngôi nhà mệt mỏi của dòng họ Buênđya sẽ êm ấm và hạnh phúc đời đời nếu như cái chết đột ngột của Amaranta không làm cho cả thị trấn lại một lần nữa nhốn nháo lên. Ðó là một sự kiện không ngờ. Dẫu rằng bà đã già và sống hoàn toàn cách biệt mọi người nhưng người ta vẫn thấy bà chắc chân mạnh tay, đi đứng ngay ngắn với cái sức khoẻ bền chắc như đá mà xưa nay bà vốn có. Không một ai biết được ý nghĩ của bà kể từ khi bà dứt khoát từ chối đại tá Hêrinênđô Mackêt và đóng chặt cửa buồng để một mình ở trong nhà mà khóc lóc. Khi ra khỏi phòng bà đã cạn sạch nước mắt.

Người ta không thấy bà khóc trước việc Rêmêđiôt – Người đẹp bay lên trời, trước việc trong một thời gian ngắn cả mười bảy người con trai của đại tá Aurêlianô Buênđya bị tàn sát, trước cái chết của chính ngài đại tá, vốn là người bà yêu mến nhất trần đời. Tuy bà đã biểu lộ lòng thương của mình khi mọi người bắt gặp thi hài ngài ở dưới gốc cây dẻ, nhưng tuyệt nhiên bà không nhỏ một giọt nước mắt. Bà đã giúp một tay dựng tử thi dậy. Bà mặc cho ngài bộ trang phục chiến binh, cạo râu, chải tóc cho ngài và bà trang điểm bộ râu cho ngài còn đẹp hơn cả ngài trang điểm nó trong những năm tháng vinh quang của mình. Không một ai nghĩ rằng trong cử chỉ ấy, bà đã để lộ tình yêu vì mọi người đã quen với sự thông thạo tang lễ của Amaranta. Phecnanđa đùng đùng nổi cáu cho rằng Amaranta không hiểu những mối quan hệ của đạo Cơ đốc với cuộc sống mà chỉ duy nhất hiểu những quan hệ của nó với cái chết, như thể nó không phải là một tôn giáo mà chỉ là một tờ giấy quảng cáo cho thói câu nệ hình thức ma chay. Amaranta chìm đắm quá sâu trong những kí ức bề bộn của mình để hiểu cho được những lời nói ngụ ý sâu xa ấy. Bà đã bước tới tuổi già với tất cả nỗi hoài nhớ tươi roi rói. Khi nghe những bản nhạc van của Piêtrô Crêspi, bà vẫn có những khao khát muốn khóc như cái thuở mới lớn, như thể thời gian và sự tự trừng phạt mình chẳng có nghĩa lý gì. Những băng nhạc mà chính bà từng ném vào sọt rác với cái cớ chúng bị hơi ẩm làm cho mục hết, cứ tiếp tục quay và gõ nhịp trong kí ức bà. Bà đã định nhấn chìm những khao khát ấy trong nỗi đam mê tội lỗi ở giới hạn được phép với người cháu của mình là Aurêlianô Hôsê và bà đã định ẩn nấp dưới sự che chở lành mạnh và cao thượng của đại tá Hêrinênđô Mackêt, nhưng bà đã không tìm được cách đánh đổ hoàn toàn những khát vọng ấy ngay cả trong hành động tuyệt vọng nhất của tuổi già; ấy là lúc tắm cho thằng bé Hôsê Accađiô ba năm trước khi gửi nó đi học và bà đã mân mê nó không như một người bà đối với đứa cháu mà lại như một người đàn bà đối với người đàn ông, như chính cô điếm tân thời đã làm theo lời đồn của thiên hạ và như chính bà ở tuổi mười hai, mười bốn từng muốn làm đối với Piêtrô Crêspi, khi thấy chàng vận quần áo khiêu vũ và tay cầm cây gậy chỉ huy huyền diệu để lấy nhịp từ chiếc máy đo nhịp. Ðôi lúc cái vết sẹo trên tay kia khiến bà đau khổ vì đã để nó theo mình và đôi lúc nó khiến bà giận dữ quá đỗi đến mức phải lấy kim châm vào các ngón tay, nhưng cái vườn ổi chín rộ thơm lựng của tình yêu đang tiến dần tới cõi chết làm bà đau khổ hơn cả, khiến bà giận dữ hơn cả và cay đắng hơn cả. Như đại tá Aurêlianô Buênđya nghĩ đến chiến tranh, Amaranta nghĩ tới Rêbêca, nghĩa là không thể đừng được. Nhưng trong lúc anh trai bà đã tìm được cách làm cho những kỷ niệm ấy khô cằn đi thì bà chỉ tìm cách khiến chúng nóng bỏng thêm. Ðiều duy nhất bà cầu khẩn Thượng đế trong rất nhiều năm là ngài đừng để bà chết trước Rêbêca. Cứ mỗi bận bà đi qua nhà Rêbêca và nhận thấy ngôi nhà đang ngày một đổ nát thì bà cảm thấy sung sướng với ý nghĩ Thượng đế đang nghe lời cầu khẩn của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.