Trăm năm cô đơn

Chương 07 – Phần 2



Từ đó, bắt đầu một cuộc chiến tranh mới. Viên đại uý Rôkê Cacnixêrô cùng với sáu người dưới quyền mình đã theo đại tá Aurêlianô Buênđya đi giải thoát cho các nhà cách mạng, tướng Victôriô Mêđina, hiện đã bị kết án tử hình ở Riôacha. Họ nghĩ phải cướp lấy thời gian bằng cách nhanh chóng vượt qua dãy núi men theo con đường Hôsê Accađiô Buênđya đã đi để lập ra làng Macônđô nhưng chưa đầy một tuần họ thống nhất nhận định rằng đó là con dường không thể đi theo được. Thế là họ phải thực hiện một lộ trình đầy nguy hiểm men theo sườn các dãy núi với số đạn dược quá ít ỏi của những người lính trong đội hành hình. Bọn họ nghỉ lại ở ngoài bìa các làng. Một người trong bọn họ cải trang cầm con cá vàng, giữa ban ngày vào làng để tìm gặp những người thuộc phái Tự do hiện đang nằm chờ.

Sáng hôm sau những người này đi săn và sẽ chẳng bao giờ thấy họ trở về. Khi từ một khuỷu núi bọn họ nhìn thấy thành phố Rioacha thì tướng Victôriô Mêđina đã bị hành hình. Những người dưới quyền đại tá Aurêlianô Buênđya liền suy tôn chàng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng miền duyên hải Caribê với quân hàm cấp tướng. Chàng nhận chức nhưng từ chối quân hàm và tự đặt cho mình một điều kiện là chưa nhận quân hàm chừng nào quân đội của mình chưa đánh đổ được chế độ Bảo hoàng. Đúng ba tháng sau chàng đã tập hợp được hơn một nghìn quân nhưng lại bị quân chính phủ đánh cho tan tác.

Những người sống sót tháo chạy về biên giới phía đông đất nước. Một lần khác người ta được biết rằng bọn họ đã đổ bộ lên Cabô đê la Vêla từ phía quần đảo Antidat thế mà một thông cáo của chính phủ được truyền đi qua đường bưu điện và được in lại dưới hình thức những tờ thông báo vui mắt tung đi khắp đất nước loan tin về cái chết của đại tá Aurêlianô Buênđya. Nhưng sau đó hai ngày một bức điện rắc rối khác gần như cùng một lúc với bức điện trước, đã báo tin một cuộc khởi nghĩa mới ở vùng đồng bằng phía Nam. Huyền thoại về tài xuất quỉ nhập thần của đại tá Aurêlianô Buênđya bắt đầu như thế đấy. Những tin tức giống nhau và khác nhau loan tin chàng thắng lợi ở Vidanuêva, tin chàng thất bại ở Goacamadan, chàng đã bị những người Anhđiêng ở Côlômbia và Vênêxuêla làm thịt, chàng chết ở một làng nào đó thuộc vùng đầm lầy, và một lần nữa chàng lại nổi dậy ở Urumita. Những nhà lãnh đạo của đảng Tự do trong lúc ấy đang thương lượng để có sự tham gia của mình trong quốc hội, đã coi chàng như một kẻ phiêu lưu mạo hiểm không đại diện cho đảng. Chính phủ quốc gia liệt chàng vào hạng tướng cướp, và trao giải năm ngàn pêsô cho ai bắt được chàng. Sau mười sáu cuộc vũ trang nổi dậy thất bại, đại tá Aurêlianô Buênđya với hai nghìn quân vốn là người Anhđiêng được vũ trang tất từ vùng Goahira, đã xuất quân và đội cấm vệ Bảo hoàng bị đánh bất ngờ trong lúc ngủ, phải bỏ thành phố Riôacha tháo chạy. Tại đây chàng thiết lập sở Tổng chỉ huy của mình và tuyên bố cuộc chiến đấu toàn diện chống chế độ. Phản ứng đầu tiên của chính phủ mà chàng nhận được là sự đe doạ sẽ bắn đại tá Hêrinênđô Mackêt trong vòng bốn mười tám tiếng đồng hồ nếu chàng không rút hết lực lượng vũ trang của mình về biên giới phía đông. Đại tá Rôkê Cacnixêrô, lúc này đã làm tham mưu trưởng của chàng, trình trọng đưa cho chàng bức điện. Nhưng chàng đã để lộ niềm vui khi đọc bức điện.

– Tốt lắm! – Chàng reo lên, – Macônđô đã có trạm điện tín rồi.

Sự trả lời của chàng là dứt khoát. Trong ba tháng chàng đợi thành lập sở Tổng chỉ huy của mình ở Macônđô. Nếu lúc đó chàng không được thấy đại tá Hêrinênđô Mackêt còn sống thì chàng sẽ bắn không cần xét hỏi toàn bộ số sĩ quan đã bị bắt làm tù binh, bắt đầu từ các sĩ quan cấp tướng và đồng thời chàng sẽ ra lệnh cho những người dưới quyền để họ cũng theo chính cái cách thức ấy tiến hành bắn giết sĩ quan Bảo hoàng cho đến khi kết thúc chiến tranh. Ba tháng sau, khi chàng chiến thắng tiến quân vào Macônđô thì cú ôm hôn đầu tiên mà chàng nhận được trên con đường từ đầm lầy vào làng là cú ôm hôn của đại tá Hêrinênđô Mackêt.

Ngôi nhà đông đúc trẻ nhỏ. Ucsula đã đón Santa Sôphia đê la Piêđat cùng với đứa con gái đầu lòng và hai đứa trẻ sinh đôi chào đời năm tháng sau vụ hành hình Accađiô về nhà mình.

Trái với nguyện vọng cuối cùng của người bị tử hình, cụ đã đặt cho đứa con gái đầu lòng của anh cái tên Rêmêđiôt. “Ta tin rằng đó là điều Accađiô muốn nói.” Cụ bảo. “Chúng ta sẽ không gọi nó là Ucsula bởi vì với cái tên này nó sẽ khổ cả một đời”.

Còn hai đứa trẻ sinh đôi, cụ đặt một đứa tên là Accađiô Sêgunđô và đứa kia là Aurêlianô Sêgunđô. Amaranta nhận trách nhiệm trông nom cả bọn trẻ này. Cô kê những chiếc ghế nhỏ ở trong phòng khách rồi nhận thêm một số trẻ hàng xóm thành lập một lớp vỡ lòng. Khi đại tá Aurêlianô Buênđya trở về làng, giữa tiếng pháo rền vang nổ và tiếng chuông nhà thờ gióng giả đổ hồi, có đội đồng ca trẻ nhỏ đến hát đón chào chàng ngay tại nhà mình. Aurêlianô Hôsê, cao kều như ông nội, mặc bộ đồng phục sĩ quan cách mạng, đã giơ tay theo nghi thức quân sự chào chàng.

Trong lúc hàn huyên, chuyện vui xen lẫn chuyện buồn. Một năm sau khi đại tá Aurêlianô trốn thoát, Hôsê Accađiô và Rêbêca dọn về ở trong ngôi nhà do Accađiô xây dựng. Không một ai biết chuyện ông đã phá đám vụ hành hình. Vợ chồng họ xây dựng một tổ ấm gia đình mến khách trong ngôi nhà mới nằm ở một góc đẹp nhất của quảng trường lớn, nép dưới bóng một cây hạnh đào cổ thụ có ba tổ chim cổ đỏ. Ngôi nhà có một cửa chính đón khách và bốn cửa sổ đón ánh sáng. Những bạn gái của Rêbêca trong đó có bốn chị em nhà Môscôtê hiện vẫn ở vậy đã nối lại các buổi họp mặt để thêu thùa mà những năm trước đây không bao giờ bị đứt quãng ở hành lang bầy những chậu thu hải đường. Hôsê Accađiô tiếp tục hưởng quyền lợi trên những đất đai chiếm đoạt với những văn tự đã được chính phủ Bảo hoàng thừa nhận. Buổi chiều nào người ta cũng thấy ông vai mang khẩu súng săn hai nòng cưỡi ngựa trở về, theo sau là nhũng con chó săn dữ tợn, trên yên ngựa lủng lắng một xâu thỏ rừng. Một buổi chiều tháng chín trước trận cuồng phong đe doạ đổ xuống, ông trở về nhà sớm hơn thường lệ. Ông chào Rêbêca đang ở trong phòng ăn, buộc đàn chó ở ngoài sân, treo xâu thỏ vào nhà bếp để sau đó mổ và ướp thịt, rồi trước vào phòng nghỉ thay quần áo. Sau này Rêbêca trình bày rằng khi chồng bà bước vào phòng ngủ thì bà đã ở trong nhà tắm và không hay biết gì hết. Đó là một lời giải thích khó tin được nhưng không có lời giải thích nào sáng tỏ hơn và không một ai có thể nghĩ tới một nguyên cớ nào khác để mà Rêbêca đi giết người đàn ông đã mang lại hạnh phúc cho mình. Việc ấy có thể là một chuyện bí hiểm duy nhất không bao giờ được làm sáng tỏ ở làng Macônđô.

Hôsê Accađiô vừa đóng cửa buồng lại thì lập tức một phát súng lục nổ vang làm rung chuyển cả căn nhà. Một dòng máu chảy ra từ dưới cánh cửa, bò qua phòng khách, đi ra đường, tiếp tục chảy dọc theo những con đường gập ghềnh, trèo lên những bậc đa và những vật cản, bò một mạch theo đường Thổ Nhĩ Kỳ, rẽ ngoặt sang trái vào một phố rồi lại ngoặt phải sang phố khác trước khi nó quay một góc vuông thước thợ ngay trước nhà Buênđya rồi chui dưới cửa đóng kín vào nhà, cứ bám lấy tường mà vượt qua phòng khách để khỏi vấy bẩn những tấm thảm trải nhà, tiếp tục bò qua một phòng khác, lượn một vòng rõ rộng để tránh bàn ăn, bò theo dọc hành lang những chậu thu hồi đường và chui qua chiếc ghế Amaranta ngồi dạy toán cho Aurêlianô Hôsê mà không bị nhìn thấy, rồi biến mất khi chui vào kho ngô, rồi xuất hiện ở nhà bếp nơi Ucsula dang đập ba mươi sáu quả trứng để làm bánh.

– Lạy đức mẹ Đồng trinh Maria, – Ucsula gào toáng lên.

Dòng máu chảy ngược lại, và để đi tìm nguồn của nó, bà chui qua kho ngô, đi theo dọc hành lang những chấu thu hải đường nơi cậu bé Aurêlianô Hôsê đang đọc to ba với ba là sáu với ba là chín, vượt qua các phòng ăn và hai phòng khách, rồi bà đi một mạch ra đường cái, rồi rẽ trái ngoặt phải để đổ vào đường Thổ Nhĩ Kỳ, mà không nhớ rằng mình vẫn mang theo chiếc tạp dề mặc khi làm bếp và hai chiếc dép lê đi trong nhà, rồi bà đi ra quảng trường chui qua cửa vào một ngôi nhà chưa bao giờ bà ở, rồi bà đẩy cánh cửa phòng ngủ và hầu như bà ngợp trong mìn thuốc súng, và bà gặp Hôsê Accađiô nằm sấp mặt xuống sàn nhà người đè lên đôi ủng vừa được tháo ra, và thấy dòng máu vừa rỉ ra từ lỗ tai phải của ông. Người ta không thấy một vết thương nào trên thân thể ông cũng như không thể tìm được khẩu súng đã bắn. Cũng không tài nào tẩy rửa được mùi khói súng khét lẹt trên thi thể. Đầu tiên người ta lấy xà phòng và bã cọ để tắm rửa, sau đó ngâm nó trong nước giấm và muối, sau nữa dùng tro và nước chanh, sau cùng ngươi ta đặt nỏ vào trong một thùng nước tẩy quắn áo ngâm suốt sáu giờ liền. Người ta kỳ cọ quá nhiều cho ông đến mức những hình săm bắt đầu phai mực. Khi người ta dùng tới biện pháp ướp xác ông với muối tiêu, rau thìa là, lá nguyệt quế và ninh tử thi trên bếp lửa âm ỉ trong một ngày ròng, thì tử thi bắt đầu bung ra và buộc mọi người phải mai táng ngay tức khắc. Người ta liệm tử thi vào một cỗ áo quan ngoại cỡ dài hai mét rưỡi và rộng một mét mất, bên trong giát sắt lá và được vít chặt lại bằng những chiếc ốc thép. Mặc dù được tắm rửa và khâm liệm kỹ như như vậy, tử thi vẫn phả ra mùi khét lẹt dọc đường khi đám tang đi qua.

Cha Nicanô, với cái bụng đau gan tròn vo như cái trống, đứng trên giường rẩy nước thánh cho ông. Mặc dù mấy tháng sau này người ta xây mộ với những tấm bê tông đặt ở trên và rắc tro, mùn cưa và vôi bột, nghĩa địa vẫn tiếp tục nồng nặc mùi khét thuốc súng, đến nỗi những năm sau này, những kỹ sư thuộc Công ty chuối đã phải đổ một chiếc áo bê tông để úp lên ngôi mộ. Ngay sau khi người ta lôi cỗ quan tài đi, lập tức Rêbêca đóng cửa lại và bà đã tự chôn sống mình trong ngôi nhà, mặc một bộ quần áo vải thô nhàu nát mà không một ý muốn thế tục nào có thể làm rách nó. Trong thời kỳ xuất hiện quỉ dữ Juđiô Erăngtê, ở Macônđô xảy ra đợt oi nóng khủng khiếp khiến chim chóc cứ lao đầu qua lưới sắt để rúc vào phòng ngủ mà chết, bà có đi ra đường một lần, đã già lắm rồi, đi đôi ủng màu trắng bạc cũ kỹ và đội một chiếc mũ có gài những bông hoa nhỏ li ti. Lần cuối cùng có người đã nhìn thấy bà còn sống là dịp bà đã bắn chết tươi gã kẻ trộm định phá cửa nhà mình. Kể từ đó, không một ai ngoài Arhêmđa, người ở và người bạn tâm phúc của bà, tiếp xúc trực tiếp với bà. Có thời kỳ người ta được biết rằng bà đã viết thư cho đức Giám mục, người bà gọi là anh họ mình, nhưng người ta cũng đồn rằng bà không bao giờ nhận được thư trả lời. Dân làng đã quên bà.

Mặc dầu thắng lợi trở về, đại tá Aurêlianô Buênđya vẫn không vui lòng với những kết quả trông thấy. Quân chính phủ rút khỏi các thị trấn không hề kháng cự và điều đó đã gieo trong đám dân chúng vừa được giải phóng một ảo tưởng về thắng lợi không thể đảo ngược được. Nhưng những người cách mạng, nhất là đại tá Aurêlianô Buênđya đã hiểu đúng sự thật hơn. Mặc dù trong lúc ấy chàng duy trì được năm ngàn người dưới quyền mình, và giữ vững hai tỉnh thuộc miền duyên hải nhưng chàng ý thức rõ ràng rằng lực lượng của mình đang bị ép về phía biển và đang ở trong hoàn cảnh chính trị quá rắc rối đến mức khi chàng ra lệnh dựng lại tháp chuông nhà thờ bị đạn pháo phá đổ thì cha Nicanô nằm trên giường bệnh phải thốt lên: “Đây là một trò cười: những người bảo vệ đức tin Kitô giáo đã nã pháo phá nhà thờ còn những kẻ Tam điểm lại ra lệnh xây dựng nó”. Hàng giờ và hàng giờ chàng ở lỳ trong phòng điện tín nói chuyện với tư lệnh các thị trấn khác, để tìm một lối thoát.

Nhưng mỗi bận ra khỏi phòng, chàng càng khẳng định cảm nghĩ cuộc chiến đang kết thúc. Khi những tin chiến thắng mới của những người Tự do được chuyển đến và được loan báo ầm ĩ thì chàng suy tính những kết quả đã giành được trên các bản đồ và chàng hiểu rằng quân đội của mình đang ngày một rút sâu vào rừng để chống chọi với ho lao và muỗi rừng, đang rút ngày một xa thành phối “Chúng ta đang để mất thời gian.” Chàng than thở trước các sĩ quan. “Chúng ta sẽ còn mất thời gian nữa trong lúc những tên chó má trong đảng Tự do đang xin xỏ một chỗ ngồi trên nghị trường”. Trong những đêm mất ngủ nằm ngửa trên chiếc võng mắc trong chính căn phòng từng là xà lim tử tù, chàng nhớ lại hình ảnh những vị luật sư mặc đồ đen cổ áo khoác dựng lên che kín tai và ống tay áo buông chùng che kín bàn tay từ trong dinh Tổng thống bước ra vào lúc giá buốt của buổi đêm về sáng, mà rét run cầm cập, mà lẩn nhanh vào những vườn cà phê ảo não lúc hừng đông để đắn đo cân nhắc điều ngài Tổng thống muốn nói khi ngài bảo rằng được, hoặc giả điều ngài muốn nói khi ngài bảo rằng không và để dò tìm điều ngài Tổng thống đang suy nghĩ khi ngài nói một chuyện hoàn toàn khác hẳn. Trong khi đó chàng đuổi muỗi, cố chịu đựng không khí oi nóng tới ba mươi nhăm độ, và cảm thấy ngày càng xích gần cái buổi mai đáng sợ khi chàng buộc phải ra lệnh cho quân sĩ của mình nhảy ào xuống biển.

Một đêm nôn nao nọ, Pila Tecnêra hát cùng với đám lính ở trong sân. Chàng nhờ thị đoán tương lai cho mình qua những quân bài. “Hãy giữ mồm giữ miệng.” Đó là tất cả những gì Pila Tecnêra thấy rõ sau khi sắp xếp các quân bài và thu chúng lại.

“Tôi không biết điều đó có nghĩa gì, nhưng điềm báo hiện rất rõ: hãy giữ mồm giữ miệng”… Hai ngày sau, có một ai đó thay chàng ra lệnh cho một người cần vụ chuẩn bị một tách cà phê không pha đường, rồi người cần vụ này chuyển lệnh cho người khác, người này lại chuyển cho người khác cho tới khi tách cà phê không pha đường qua tay nhiều người được mang đến chỗ ở của đại tá Aurêlianô Buênđya. Không hề gọi cà phê nhưng vì đã có sẵn ở đấy rồi nên đại tá uống luôn. Tách cà phê ấy có một lượng bột mã tiền đủ giết một con ngựa đực. Khi người ta mang chàng về nhà, chàng đã cứng đơ, co rúm, lưỡi thè ra giữa hai hàm răng. Ucsula chiến đấu với tử thần để cứu chàng. Sau khi làm cho chàng nôn oẹ hết để rửa ruột, bà dùng khăn trải giường hơ nóng đắp kín cho chàng và cho chàng uống lòng trắng trứng gà trong hai ngày liền, cho tới khi cái cơ thể yếu ớt lấy lại được nhiệt độ bình thường. Đến ngày thứ tư chàng thoát khỏi nguy hiểm. Trái với ý nguyện của mình, do bị Ucsula và các sĩ quan của mình ngăn cản, chàng nằm yên trên giường thêm một tuần nữa. Chỉ đến lúc này chàng mới biết các bài thơ của mình vẫn chùa được đốt. “Đêm ấy mẹ không muốn vội vàng.” Ucsula thanh minh với chàng. “Đêm ấy, khi đi nhóm bếp, mẹ nghĩ tốt hơn hết là hãy đợi cho tới khi tử thi con được mang về nhà”.

Sống giữa những con búp bê của Rêmêđiôt vây quanh, trong điều kiện sức khoẻ dần dần bình phục, đại tá Aurêlianô Buênđya, qua các bài thơ của mình, đã hồi tưởng lại những thời kỳ sôi nổi nhất của đời mình. Chàng lại làm thơ. Trong nhiều giờ liền, bên lề những sự kiện nổi bật của một cuộc chiến tranh không tương lai, chàng khẳng định những kinh nghiệm của mình ngay bên bờ vực của cái chết. Vậy là trí não của chàng ngày một sáng tỏ hơn đến mức có thể lật trái lật phải để xem xét nó. Có một đêm nọ, chàng hỏi đại tá Hêrinênđô Mackêt:

– Hãy nói với tôi đi, vì sao anh bạn chiến đấu?

– Vì sao anh lại hỏi tôi thế nhỉ? – Đại tá Hêrinênđô Mackêt trả lời. – Vì đảng Tự do vĩ đại.

– Anh thật hạnh phúc vì đã biết mục tiêu chiến đấu của mình. – Chàng trả lời. – Còn về phần mình, cho đến bây giờ hầu như tôi mới biết rằng mình chiến đấu vì lòng kiêu hãnh.

– Thế thì tồi quá. – Đại tá Hêrinênđô Mackêt trả lời.

Sự cảnh cáo của Hêrinênđô Mackêt khiến đại tá Aurêlianô Buênđya vui thích. “Dĩ nhiên rồi.” Chàng nói. “Nhưng trong mọi trường hợp, tốt hơn hết là chẳng nên biết vì sao mình chiến đấu.” Chàng nhìn vào mắt bạn mỉm lời và nói rõ hơn: “Hoặc là như anh đã chiến đấu vì một cái gì đó chẳng có nghĩa gì với ai cả.”

Chính niềm kiêu hãnh ấy đã ngăn cản chàng liên hệ với các nhóm vũ trang trong vùng nội địa, trong khi đó các nhà lãnh đạo của đảng Tự do lại không công khai đưa ra những tuyên bố nhằm đánh tan luận điệu cho chàng là một tên tướng cướp. Tuy nhiên, chàng biết rằng nếu gạt bỏ những trở ngại ấy thì ngay lập tức sẽ phá tan vòng vây chiến tranh nguy hiểm. Sức khoẻ bình phục đã cho phép chàng suy nghĩ. Vậy là chàng xin được của Ucsula không chỉ số vàng còn lại mà cả số vốn liếng nhiều vô kể do bà tích luỹ được, chàng phong cho đại tá Hêrinênđô Mackêt làm Quan tổng trấn trông coi các vấn đề quân sự và dân sự ở Macônđô, rồi chàng lên đường để thiết lập quan hệ với các nhóm khởi nghĩa ở vùng nội địa.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt không chỉ là người thân tín nhất của đại tá Aurêlianô Buênđya mà còn là người được Ucsula coi là người trong nhà. Dù là người thanh lịch, e lệ, ngoan nết chàng vẫn là người được rèn luyện để thích hợp với trận mạc hơn là với công việc lãnh đạo. Những cố vấn chính trị của chàng dễ dàng lái chàng vào những mê cung lý thuyết. Nhưng chàng cũng đã ổn định được một không khí thanh bình kiểu thôn dã ở Macônđô vốn là điều đại tá Aurêlianô Buênđya mơ ước cho tuổi già chuyên sống bằng cách sản xuất những con cá vàng. Tuy sống chung với cha mẹ mình, nhưng chàng ăn cơm trưa ở nhà Ucsula một tuần tới hai hoặc ba bữa. Chàng dạy Aurêlianô Hôsê học sử dụng vũ khí, dạy bảo những kiến thức quân sự cơ bản và với sự đồng tình của Ucsula chàng mang nó đến sống trong doanh trại để rèn cặp nó thành người. Nhiều năm về trước dù hãy còn trẻ con, đã có lần Hêrinênđô Mackêt ngỏ tình với Amaranta. Lúc ấy Amaranta còn đang thầm yêu trộm nhớ Piêtrô Crêspi do đó đã giễu cợt chàng. Hêrinênđô Mackêt vẫn chờ đợi. Có lần từ trong nhà tù chàng gửi cho Amaranta một bức thư nhờ cô thêu chữ cái mở đầu tên và họ của cha mình lên một tá khăn mùi soa. Chàng còn gửi tiền cho cô nữa. Trong vòng một tuần lễ Amaranta mang đến nhà tù cho chàng một tá khăn mùi soa đã thêu cùng với số tiền ấy, và cô đã ở lại vài giờ liền để nói chuyện về quá khứ. “Khi ra khỏi nơi đây, anh sẽ cưới em làm vợ.” Hêrinênđô Mackêt nói khi tạm biệt cô. Amaranta cười nhưng vẫn nghĩ về chàng trong lúc “dạy đám trẻ nhỏ học đọc và muốn làm sống trở lại trong trái tim mình tình yêu bồng bột thời trẻ vốn là nỗi đam mê đối với Piêtrô Crêspi; để hiến dâng cho chàng. Những ngày thứ bảy, ngày vào thăm tù, cô qua nhà bố mẹ Hêrinênđô Mackêt rồi cùng họ đến nhà tù. Có một ngày thứ bảy, Ucsula ngạc nhiên bắt gặp cô đứng ở nhà bếp đang đợi bánh quy ra lò để chọn những chiếc ngon nhất nhét vào một cái túi đã thêu sẵn chờ dịp này.

– Con hãy lấy nó đi con ạ! – Bà nói với cô – Hãn hữu lắm mới có một người đàn ông như nó đấy.

Amaranta làm ra vẻ khó chịu:

– Con chẳng cần phải mồi chài ai cả. – Cô cãi lại mẹ. – Con mang cho Hêrinênđô những chiếc bánh quy này chăng qua là vì thương anh ấy sớm muộn cũng sẽ bị người ta bắn chết.

Không hề đắn đo cô buột miệng nói ra. Nhưng lúc ấy chính phủ công khai đe doạ sẽ bắn đại tá Hêrinênđô Mackêt nếu như các lực lượng khởi nghĩa không nộp Riôacha. Các buổi đến thăm người tù bị đình chỉ. Amaranta đóng cửa, một mình ở trong nhà khóc lóc tự khổ sở vì ý nghĩ cho mình là kẻ có tội giống như ý nghĩ đã day dứt cô khi Rêmêđiôt chết, cũng như một lần khác những lời nói thiếu cân nhắc của cô đã là trách nhiệm đối với một cái chết khác, cái chết của Piêtrô Crêspi. Ucsula an ủi cô. Bà đảm bảo với cô rằng đại tá Aurêlianô Buênđya sẽ có hành động thực tế mạnh mẽ để ngăn cản vụ hành hình, bà hứa rằng chính bà sẽ đón Hêrinênđô Mackêt về nhà khi nào chiến tranh kết thúc. Bà đã thực hiện lời hứa trước thời hạn dự định. Khi Hêrinênđô Mackêt tới nhà với chức trách Quan tổng trấn trông coi các vấn đề quân sự và dân sự thì bà đón tiếp chàng như một người con, vuốt ve chiều chuộng chàng để chàng ở lại, và tự đáy lòng mình bà cầu khẩn chàng hãy nhớ lại ý định lấy Amaranta làm vợ. Những lời cầu khẩn của bà dường như được linh nghiệm. Những ngày tới nhà để ăn cơm trưa, đại tá Hêrinênđô Mackêt lưu lại cả một buổi chiều để chơi cờ đam với Amaranta ở ngoài hành lang bày những chậu thu hải đường. Ucsula mang đến cho đôi trai gái nào cà phê sữa, nào bánh quy, trông nom đám trẻ nhỏ để chúng khỏi quấy rầy hai người. Trên thực tế, Amaranta cố nhóm lại tình yêu say mê thời trẻ của mình mà lúc này nó như một đám tro nguội lạnh bị lãng quên trong trái tim mình. Với niềm khát khao đã đạt tới độ không thể thay đổi được, cô chờ đón những ngày chàng sẽ đến nhà mình ăn trưa, chờ đón những buổi chiều chơi cờ đam và chờ cho thời gian đi trong lúc mình ngồi bên cạnh một chiến binh có tên gợi bao niềm lưu luyến mà những ngón tay của người ấy cứ run lên khi đi quân cờ. Nhưng trong ngày đại tá Hêrinênđô Mackêt nhắc lại nguyện vọng tha thiết của mình được cưới Amaranta thì cô đã từ chối:

– Em sẽ chẳng lấy ai. – Cô nói, – lại cũng không lấy anh đâu. Anh yêu Aurêlianô quá tới mức anh sẽ lấy em vì anh không thể lấy anh ấy mà.

Đại tá Hêrinênđô Mackêt là người điềm tĩnh. “Anh sẽ kiên trì chờ đợi.” Chàng nói. “Sớm muộn gì anh cũng sẽ cưới em”.

Chàng tiếp tục đến chơi nhà. Tự giam mình ở trong phòng ngủ để khóc vụng, Amaranta lấy hai đầu ngón tay bịt kín lỗ tai để khỏi nghe thấy tiếng người theo đuổi mình đang kể cho Ucsula nghe những tin tức chiến sự mới nhất, và mặc dù thèm nhìn chàng đến chết được nhưng cô vẫn đủ nghị lực để không ra tiếp chàng.

Lúc ấy, đại tá Aurêlianô Buênđya đã sắp xếp thời gian để cử hai tuần một lần gửi một thông báo tỉ mỉ về Macônđô. Nhưng chỉ có độc một lần, sau gần tám tháng ra đi, chàng mới viết thư riêng cho Ucsula. Một sứ giả đặc nhiệm đã mang đến nhà một phong thư được viết với lối chữ rất đẹp của đại tá: “Hãy trông nom cha thật cẩn thận vì cha sẽ mất”. Ucsula thảng thốt. “Nếu Aurêlianô nói thì Aurêlianô đã biết.” Ucsula nói, và nhờ người khiêng Hôsê Accađiô Buênđya vào phòng ngủ. Cụ không chỉ nặng như trước đây vốn đã nặng mà còn nặng thêm lên rất nhiều trong suốt thời kỳ nằm dưới bóng cây dẻ đến mức bảy người đàn ông lực lưỡng không khiêng nổi, buộc họ phải kéo lê cụ vào nhà. Mùi rêu non lẫn mùi mộc nhĩ, thứ mùi của không khí ẩm lâu năm và đậm đặc, làm sực nức cả căn phòng khi cụ già lực lưỡng dầm mưa đãi nắng đã lâu ngày bắt đầu thở. Ngày hôm sau, cụ không thức dậy ở trên giường đặt trong phòng. Sau khi đi khắp các phòng tìm kiếm, Ucsula lại một lần nữa thấy cụ nằm dưới bóng cây dẻ. Thế là họ trói cụ vào giường. Dẫu khỏe mạnh nhưng Hôsê Accađiô Buênđya đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu… Cụ bằng lòng với tất cả, không phân biệt được nữa. Nếu cụ trở lại nằm dưới bóng cây dẻ không phải vì sở nguyện mà vì thói quen của cơ thể. Ucsula chăm nom cụ, cho cụ ăn và kể cho cụ nghe những tin tức về Aurêlianô. Nhưng thực ra, người duy nhất mà cụ tiếp xúc từ đã lâu là Pruđênxiô Aghila.

Với dáng vẻ tiều tụy vì tuổi già trong cõi âm phủ, Pruđênxiô Aghila cứ một ngày hai lần đến nhà nói chuyện với cụ. Hai người nói chuyện về gà chọi. Hai người hứa hẹn với nhau sẽ xây dựng một chuồng nuôi những chú gà chọi tuyệt vời, không chỉ để vui vẻ trước một số trận thắng mà còn để giải khuây trong những ngày chủ nhật man mát buồn ở cõi âm phủ. Pruđênxiô Aghila là người tắm rửa cho cụ, cho cụ ăn, kể cho cụ nghe những thắng lợi hiển hách của một người hoàn toàn xa lạ được gọi là Aurêlianô và người này là đại tá trong chiến đấu. Khi ở một mình, Hôsê Accađiô Buênđya khuây khỏa đôi phần với giấc mơ trong căn buồng vô cùng tận. Cụ mơ thấy mình đứng dậy khỏi giường, mở cửa chính mà đi sang phòng bên có cái giường với đầu giường làm bằng thép tôi, một chiếc ghế xích đu bằng gỗ liễu giỏ với chính một bức chân dung Thánh bà Đồng trinh Rêmêđiôt treo trên bức tường cuối phòng. Từ phòng này cụ đi sang phòng khác giống y hệt, mà cửa của nó mở ra dẫn sang phòng khác giống y hệt, rồi sau đó sang phòng khác cũng giống y hệt, cứ như thế cho đến vô cùng tận. Cụ thích đi từ phòng này sang phòng khác, như đi trong một hành lang hai bên tường đều gắn gương, cho tới khi Pruđênxiô Aghila vỗ vai cụ. Thế là cụ trở về lần lượt đi qua các phòng, trong lúc quay lại mà tỉnh giấc dần, cụ chạy trên con đường ngược lại, để rồi lại gặp Pruđênxiô Aghila trong cái phông của đời thực. Nhưng rồi có một đêm nọ, sau hai tuần Ucsula đưa cụ vào nhà, Pruđênxiô Aghila vỗ vai cụ ngay ở phòng trung gian giữa cõi thực và cõi mộng và cụ mãi mãi dừng lại ở đấy, mà cứ tưởng rằng đó là phòng của đời thực. Sáng ngay hôm sau, khi mang bữa điểm tâm cho cụ, Ucsula bắt gặp một người từ ngoài hành lang đi lại phía mình. Người ấy béo lùn, mặc bộ quần áo đen, đội một chiếc mũ đen rộng vành chụp gần hết đôi mắt buồn rầu của ông ta. “Trời ơi.” – Ucsula nghĩ bụng. “Ai như là Menkyađêt… Người đó là Cataurê, em trai Visitaxiôn, người tự bỏ nhà ra để tránh dịch mất ngủ và từ đó đến nay không có tin tức gì. Visitaxiôn hỏi em mình trở lại để làm gì thì ông ta dùng tiếng thổ dân trả lời:

– Em đến dự đám tang của hoàng đế.

Thế là mọi người đổ xô vào phòng Hôsê Accađiô Buênđya dùng hết sức lay cụ, gào to lên để gọi cụ, lấy gương soi chiếu vào lỗ mũi cụ để gọi, nhưng không làm sao gọi cụ tỉnh được. Sau đó ít lâu, khi người thợ mộc đo cụ để đóng áo quan, qua cửa sổ, người ta thấy trời đổ xuống trận mưa hoa li ti màu vàng. Cả đêm ấy, những bông hoa nhỏ li ti màu vàng rơi xuống một cái làng đang trong nỗi âm thầm đau khổ. Hoa phủ kín các nóc nhà và hoa lấp kín các lối ra vào. Bầu trời sực nức mùi hoa khiến cho những con vật ngủ ngoài trời phải ngột thở. Hoa trời rơi xuống không biết cơ man nào mà kể, đến mức khi trời sáng các con đường phủ đầy hoa phẳng lỳ như một tấm chăn. Người ta buộc phải dùng gậy, sào mà hất hoa đi để lấy lối cho đám tang đi qua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.