Truyện ngắn của William Shakespeare
01. Chàng lái buôn thành Venise – Phần 1
Trên cầu Rialto của thành phố Venise phồn thịnh, hằng ngày tề tựu đủ mặt các chủ tàu giàu có, các thương nhân, các giám đốc ngân hàng và những nhà buôn lớn. Họ hối hả làm việc. Họ bàn cãi giá cả hàng nghìn sản phẩm quý báu mà những con tàu mang hiệu nữ hoàng Adriatique, đi tìm tòi từ những xứ sở xa xôi. Họ xì xầm về tình trạng tài chính của người này kẻ khác. Đó là chỗ hẹn hò hầu hết những ai có chút tên tuổi ở Venise.
Nơi đó, người lái buôn giàu có Antonio, vẻ mặt buồn bã thất vọng, một buổi sáng, cùng đi dạo với mấy người bạn. Như mọi hôm, câu chuyện cũng xoay quanh những nỗi bấp bênh nguy hiểm của các cơ nghiệp còn lênh đênh trên mặt biển xa xăm, và chẳng ai ngạc nhiên trước vẻ u sầu của người lái buôn, dù ông có đoan quyết là chẳng hề lo lắng tí nào về số phận những con tàu của ông.
– Tôi thì, – gã trẻ tuổi Salanio nói, – cứ mỗi lần thổi bát canh cho chóng nguội, tôi lại nghĩ đến cái tai họa khủng khiếp của một trận gió dữ dội có thể gây ra trên biển. Tôi không thể nhìn cát rơi mà chẳng liên tưởng đến những đụn cát, nơi bao thương thuyền của tôi sẽ phải đâm vào. Đá hoa trong nhà thờ nhắc tôi nhớ đến những tảng đá ngầm khiến tàu tôi vỡ nát tan tành. Tôi như trông thấy bao nhiêu hàng hóa trôi lều bều trên sóng, lụa là gấm vóc của tôi phủ kín mặt biển xôn xao. A! Tôi tin chắc rằng sở dĩ Antonio buồn là vì ông nghĩ đến hàng hóa của mình đấy thôi.
– Không đâu, – ông ta nói, – tôi vẫn phó mặc hết cho thời vận. Hy vọng của tôi chẳng phải đặt vào mỗi một con tàu, tài sản của tôi không tùy thuộc rủi ro bất trắc của một năm. Không, tôi đang ưu phiền vì một nỗi ray rứt không đâu, thật tôi chẳng còn hiểu nổi mình nữa. Nhưng kìa Bassanio, em họ tôi! Thôi bọn mình tạm biệt nhé, các bạn? Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong buổi cơm tối.
– Này, Bassanio, nghe nói chú định làm một chuyến du lịch thăm bà nào phải không? Hôm nay, anh em mình trao đổi chuyện ấy nhé!
– Chắc anh thừa biết tài sản của em hầu như khánh kiệt vì những sự hoang phí vô độ. Em mắc nợ như chúa chổm, và em đã chịu ơn anh qua nhiều, tiền bạc cũng như tình thương mến. Giờ đây, em lại phải cầu cứu đến anh lần nữa, mới mong trang trải nổi mọi chi phí.
– Tiền của anh cũng như của chú, bao giờ anh cũng sẵn lòng. Nào kể đi.
– Ở Belmont có cô gái mồ côi rất giàu, nàng đẹp khôn tả và đức hạnh tuyệt vời. Đôi mắt nàng như đã ngầm trao ước hẹn với em. Nàng tên là Portia, tiếng tăm nàng vang dội khắp nơi, nên gần xa nô nức, nhiều kẻ hâm mộ nàng tìm đến. Bên thái dương nàng, mái tóc hung óng ánh xõa xuống từng lọn như bộ lông cừu vàng. Như Jason(1) hăm hở trên đường đến Colchide, những kẻ cầu hôn dập dìu đến Belmont để chinh phục lòng nàng. Anh Antonio ơi! Nếu em có đủ phương tiện đến đó tranh đua với họ. Cõi lòng em mách rằng, sự thành công chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc cho đời em.
(1) Jason: bị chú là Pelias cướp ngôi vua, Jason đen đòi chú thì chú chàn hứa sẽ trao lại với điều kiện chàng phải đến Colchide lấy cho được bộ lông cừu vàng. Trong thần thoại “Những thủy thủ của con tàu Ac, – gô” của Hy-lạp cổ.
– Chú cũng biết hiện giờ tất cả cơ nghiệp của anh đều còn trên mặt biển và lúc này, anh không có sẵn một số tiền lớn. Nhưng anh có nhiều uy tín ở Venise. Nếu cần, anh sẽ dùng đến nó, để chú mày có vinh dự hiện diện ở Belmont, mà tán tỉnh cô nàng Portia xinh đẹp. Hãy dò hỏi xem nơi nào cho vay tiền, anh cam đoan sẽ mượn đủ cho chú.
Vay hỏi ai để có đủ tiền mặt, sắm sửa một bộ cánh lịch sự cho một kẻ phong lưu quý phái? Ai? Nếu chẳng phải là ông chủ nhà băng giàu có, chuyên cho vay nặng lãi, lão Do Thái Shylock mà thiên hạ vẫn thấy rình rập cơ hội mỗi ngày trên cầu Rialto, xúng xính trong bộ áo rộng, vàng ệch, y phục bắt buộc của con dân Do Thái, đội cái mũ dạ hoặc lông thú, râu dài thậm thượt và tóc quăn tít mang tai. Bộ điệu xoàng xĩnh như thế, nhưng lão có bạc triệu. Nhà lão nằm trong khu xóm nhớp nhúa, cứ tối đến là xích chặt lối vào, che mắt thiên hạ vô vàn báu vật: kim cương, châu ngọc quý báu và một cô gái đẹp, cô bé Jessica đỏm dáng. Cô ả láu lỉnh, đã biết cách kết giao với chàng quý tộc cơ đốc Lorenzo, kẻ đã nhìn thấy nàng qua khung cửa sổ, mở xuống dòng kênh. Lão Shylock thù ghét và hoài nghi tất cả những tín đồ cơ đốc giáo, lại vừa khinh bỉ họ. Khi Bassanio đề cập đến chuyện vay tiền, Shylock xin được suy nghĩ lại:
– Ba nghìn đuy-ca(2), thưa ngài Bassanio. Phải thế không!
(2) Đuy-ca: đồng tiền đúc bằng vàng.
– Đúng thế. Trong thời hạn ba tháng.
– Trong ba tháng à? Tốt!
– Như tôi đã nói, Antonio sẽ đứng ra đảm bảo số tiền đó.
– Antonio đảm bảo à? Tốt!
– Ông có thể giúp tôi không? Ông có thỏa mãn tôi không? Kìa, sao ông không trả lời?
– Ba nghìn đuy-ca, trong ba tháng với sự đảm bảo của Antonio, Antoniô tốt lắm!
– Thế nào? Có bao giờ ông nghe nói khác về ông ta đâu?
– Không, không. Thế này nhé. Khi tôi nói rằng ông ta tốt, tôi nghĩ là ông ta dư sức trả nợ, tuy nhiên sản nghiệp của ông ta bấp bênh quá: ông ta có một chiếc tàu cất hàng đi Tripoli, một chiếc khác bên Ấn Độ; trên cầu Rialto, tôi được biết ông ta có một chiếc thứ ba ở Mễ-Tây- Cơ, chiếc thứ tư bên Anh và nhiều chiếc khác nữa rải rác thật xa. Nhưng mấy chiếc tàu, xét cho cùng chỉ là những mảnh ván, và thủy thủ chỉ là những con người. Có chuột đồng thì cũng có chuột nước, trộm cạn và trộm biển, tôi muốn nói lũ hải tặc ấy mà, không kể những hiểm nguy trên đại dương, bão tố, đá ngầm. Song lẽ, người ấy dư sức trả đủ. Ba nghìn đuy-ca. Tôi nghĩ sự đảm bảo của ông ta có thể chấp nhận được. Tôi sẽ tính lại. Tôi có thể trao đổi với ông Antonio không?
– Nếu ông vui lòng đến dự cơm tối với chúng tôi, – Bassanio đáp, – lòng mừng khấp khởi, quên mất vẻ khinh thị chàng vẫn dành cho lão trước đây.
– Sao, để ngửi mùi thịt lợn à! – Shylock hét lên giận dữ, – Tôi thích mua bán với các người, bàn chuyện với các người và làm các thứ khác. Nhưng tôi không muốn ăn uống cùng các người, cầu nguyện cùng các người. Mà ai đến kia nhỉ?
– Chắc hẳn là Antonio, – Bassanio đáp.
– Hắn ta có vẻ đạo đức giả quá! – Shylock lầm bầm trong miệng. – Ta ghét hắn ta chỉ vì hắn là tín đồ cơ đốc, nhưng cũng vì hắn cho vay không lấy lãi, làm hạ phân suất lãi ở Venise. Nếu ta nắm được hắn trong tay, ta sẽ mặc tình thao túng hắn cho bõ ghét. Hắn nhạo báng ta, chuyện làm ăn của ta và những món lợi ta thu được một cách chân chính. Mẹ kiếp! Ta mà tha hắn thì trời đày bộ tộc ta đi!
– Ông nghe tôi chứ, Shylock?
– Tôi đang nhẩm tính các số vốn có sẵn và thấy chắc phải mượn thêm phần nào đó của gã Do Thái trong bộ tộc tôi. Nhưng ngài hãy yên lòng, – lão hướng về Antonio nói tiếp, – Ba nghìn đuy-ca trong ba tháng! Tính thử tiền lời xem nào.
– Thế thì chúng tôi có thể trông cậy vào ông phải không Shylock? – Antonio hỏi gặng.
– Thưa ngài Antonio, biết bao lần, trên cầu Rialto, ngài đã trách móc tôi cho vay nặng lãi, lần nào tôi cũng nhún vai không buồn trả lời, vì sự nhẫn nhục là đặc tính riêng biệt của dân tộc tôi. Ngài đã cho tôi là phản giáo, chó ghẻ, ngài nhổ toẹt vào áo chủng Do Thái của tôi, tất cả chỉ vì tôi toan tính theo ý mình, những cái thuộc về tôi. Nhưng hôm nay, hình như ngài cần đến tôi và ngài phán: “Shylock, chúng tôi cần tiền.” Lời ngài sao mà ngọt ngào, thế mà chính ngài đã nhổ vào râu tôi, đạp vào người tôi, như đạp một con chó hoang lởn vởn trước cửa nhà ngài. Hẳn tôi phải trả lời ngài: “Một con chó có tiền không, thưa ngài? Chó mà có thể cho ngài vay ba nghìn đuy-ca à?” Hay tôi phải cúi gập người xuống chào ngài và khép nép thưa: “Bẩm ngài nhân từ, thứ tư rồi, ngài khạc vào mặt tôi, ngày kia, ngài đấm đá tôi túi bụi, một lần khác, ngài mắng tôi là đồ chó: đáp lại những cách đối đối xử dịu dàng đó, tôi rất lấy làm sung sướng được cho ngài vay thật nhiều tiền!”.
– Nếu ông cho tôi vay số bạc đó, – Antonio ngạo mạn nói, – đừng xem như cho một người bạn vay mà cứ cho là với kẻ thù. Như thế, nếu ta trễ hạn, ông sẽ có được cái thích thú đưa ta ra pháp luật.
– Ta ta ta! Ngài lại nổi nóng rồi! Tôi bao giờ cũng ao ước được làm bạn các ngài! Được các ngài ưu ái, và quên hết mọi nỗi nhục nhã trước công chúng mà ngài đã gây ra, cung phụng cho yêu cầu hiện tại của ngài, và tất cả chẳng tính một xu lời. Ngài nghĩ sao về đề nghị của tôi?
– Nó có vẻ lương thiện đấy, – Antonio trả lời sửng sốt.
– Vậy thì ngài hãy cùng tôi đến phòng chưởng khế kí giấy tờ, có điều… ồ! Hoàn toàn chỉ để vui đùa thôi! Tôi sẽ ghi vào văn bản rằng, nếu ngài không hoàn đủ lại tôi món tiền đó, tại nơi nào, vào ngày nào, ngài sẽ được xóa sạch nợ, khi để tôi xẻo một khoảnh thịt chỉ bằng một livre(3) thôi. Trên phần nào của cơ thể ngài mà tôi thích!
(3) Lirve: một đơn vị đo trọng lượng gần bằng nửa kilô.
– Sẵn lòng, – Antonio nói, – tôi còn cho rằng người Do Thái thật tốt bụng!
– Anh không thể ký mảnh giấy như thế để giúp đỡ em, – Bassanio xúc động, phản đối. – Thà cứ để mặc em thiếu thốn còn hơn.
– Bậy nào! Đừng lo gì cả. Tàu sẽ cặp bến một tháng trước khi mãn hạn giao kèo và sẽ mang đến cho anh chín lần trị giá tờ giấy này.
– Thánh Abraham ơi! – Shylock tức giận cầu khẩn. – Ngài thấy bọn tín đồ Thiên Chúa giáo đấy! Tôi sẽ được gì nào, khi đòi hỏi điều kiện kia? Một livre thịt, lấy từ một người, nào có đáng giá bằng ngần ấy thịt cừu, thịt bò hay thịt dê. Điều tôi làm chính là để mua ân phúc của ngài đấy, Abraham ạ!
– Được rồi, Shylock, ta sẽ ký giấy.
– Nếu thế, cứ đến chờ tôi ở phòng chưởng khế, tôi tạt qua nhà, lấy tiền và sẽ gặp lại ngài trong giây lát.
Trong khu vườn lớn với những thảm cỏ lấm tấm hoa, với bóng cây rậm mát, thấp thoáng ngôi biệt thự Belmont xinh xắn, Portia thơ thẩn đi dạo, nét mặt buồn, theo sau là cô hầu trung thành và tinh ranh Nerissa.
– Thực ra, Nerissa à, – nàng nói, – con người nhỏ bé của ta đã chán ngán cõi đời bao la này rồi. Thật khổ cho ta, đã không thể lựa chọn hay từ chối một người chồng, bởi vì ước mơ của một cô gái đang sống phải chiều theo ý nguyện của người cha đã chết.
– Cha của tiểu thư là người đức hạnh, – Nérissa lý luận, – và người tốt, lúc sắp chết đều có những linh cảm đúng đắn, hãy yên lòng về cuộc xổ số mà phụ thân tiểu thư đã nghĩ ra với ba cái tráp vàng, bạc và chì. Trong đó có một cái đựng chân dung tiểu thư, sẽ mang đến cho tiểu thư một người chồng xứng đáng. Tiểu thư có thấy linh cảm nghiêng về ai chưa, trong số những kẻ cầu hôn vừa mới đến?
– Hoàng tử thành Naples chỉ nghĩ đến bầy ngựa của chàng, bá tước Palata lúc nào cũng nhăn nhó, vị nam tước trẻ tuổi người Anh chỉ biết bày tỏ lòng mình bằng tiếng mẹ đẻ, gã Êcốt chẳng một xu dính túi, nhà quý tộc Đức say sưa cả ngày, đúng là cái hũ chìm(4). Tóm lại, tôi chỉ mong họ sớm cút đi cho rảnh!
(4) Nguyên bản: éponge – bọt biển.
– Hẳn tiểu thư còn nhớ một chàng người Venise, nét mặt khôi ngô có đến đây, thuở sinh thời phụ thân tiểu thư.
– Có nhớ, – Portia nói, – giọng cố làm ra vẻ lãnh đạm, hình như chàng tên là Bassanio.
– Chàng ta thật xứng với một tiểu thư diễm lệ đài các, – Nérissa nói bóng gió.
– Thưa tiểu thư, – một tên nô bộc chen vào, – hoàng tử Maroc vừa báo tin sắp đến và thái tử Aragon chiều nay sẽ hiện diện nơi đây.
Portia với quả tim hơi se thắt, nhưng đã nhất quyết chiều theo ý nguyện sau cùng của cha, nặng nề bước ra chủ tọa cuộc gieo cầu.
Hoàng tử Maroc kiêu hùng không sao tin rằng bức chân dung tuyệt trần của nàng, phần thưởng cho kẻ nào tinh ý và tài năng, lại có thể cất giữ nơi nào khác hơn là trong cái tráp bằng vàng ròng. Nhưng hắn ta chỉ thấy hình ảnh một thi hài nhăn dúm, hung tợn. Thái tử Aragon, muốn chứng tỏ mình có đầu óc khác thường, nghĩ rằng nên chọn cái tráp bằng bạc: một bức biếm họa dị hợm như gởi gã lời chào tinh quái.
Ngay lúc đó, tên nô bộc báo tin có một kỵ sỹ trẻ tuổi, thanh lịch và hào hoa vừa đến thử thời vận. Chính là Bassanio và người hầu thân tín, Gratiano, cùng đoàn tùy tùng, tất cả hớn hở trong những bộ quần áo chải chuốt hợp thời trang: gấm thêu vàng dát bạc, nhung hoa, tay áo sa-lanh sặc sỡ, đeo vòng vàng và chuỗi ngọc trân châu, cưỡi trên con ngựa hung hăng, lộng lẫy trong bộ yên cương bằng lụa. Lần này, ray rứt vì buộc phải câm lặng trước điều bí mật, cô bồn chồn muốn lùi lại cái phút giây mà Bassanio có thể mất nàng vĩnh viễn. Nhưng kẻ si tình đòi được chọn ngay tức khắc.
– Tôi chẳng muốn, – chàng nói sau một thoáng tầm tư, – đụng đến vàng, thức ăn khô cứng của Midas(5) hay mó đến bạc, thường vụ lợi và ti tiện. Còn chì, cái màu xanh bình dị, làm ta xúc động. Cầu mong sự lựa chọn của ta gặp hái được hạnh phúc!
(5) Midas: vua xứ Phrygie (716, – 676 Trước CN) theo truyền thuyết có khả năng sờ vật gì cũng thành vàng.
Portia vui mừng tột độ, mở lấy tráp, lấy bức chân dung của mình ra. Bassanio cũng mê mẩn cả tâm hồn! Hai kẻ tâm phúc, Nérissa và Gratiano liền chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng tương lai. Bassanio, với sự nhạy cảm của người tình thỏa nguyện, đã ngờ ngợ rằng việc kết hợp giữa chàng và Portia nhất định không phải là lễ cưới duy nhất ở Belmont. Gratiano thú nhận đã trót nói lời thề non hẹn biển với cô nàng Nérissa ranh mãnh nhiều đến rát khô cổ họng.
– Được rồi, – chủ anh ân cần nói, – hôn lễ của chúng tôi sẽ rộn rịp tưng bừng hơn nhờ tiệc cưới của các người.
– Tất cả những gì thuộc về em, – Portia nói giọng thật nồng nàn, – giờ đây đều là của chàng. Lúc này, em là chủ nhân cái dinh thự tráng lệ này, đám người hầu hạ và chính bản thân em. Bây giờ, ngôi nhà này, những nô bộc kia và cả bản thân em đều thuộc về chàng. Em xin trao thân gửi phận cho chàng, cùng với chiếc nhẫn này. Nếu chàng trao nó cho ai, hoặc đánh mất đi, điều đó báo hiệu cho sự đổ vỡ của tình yêu chúng ta.
Bassanio cuống quýt tuôn ra bao lời ước hẹn chân thành và thề rằng, thà chết chứ chẳng khi nào rời chiếc nhẫn của Portia.
Trong lúc đó, Shylock lúc nào cũng nghi nan ngờ vực, chú tâm lo toan công việc của mình.
– Jessica, con gái của cha, – lão nói, – chùm chìa khóa đây; hãy trông chừng nhà cửa nhé! Chẳng hiểu vì sao chiều nay cha ớn xuống phố thế nào ấy! Nghe này Jessica! Đóng chặt các cửa lại và đừng vì lẽ gì mà đứng phất phơ ở cửa sổ, hoặc chường mặt ra với mấy thằng cơ đốc điên rồ. Ôi! Ta chả muốn rời khỏi nhà tí nào. Nhớ khóa hai tua đấy, Jessica! Cái gì ta giữ chặt sẽ còn, câu tục ngữ đó chẳng bao giờ cổ hủ cả.
Trời vừa sụp tối, một đám vũ hội hóa trang đi ngang qua. Chẳng phải là chúng ta đang ở Venise, nơi các cuộc hòa nhạc buổi tối hay ban mai, đeo mặt nạ cải trang xuất hiện từng góc phố đó sao? Sau một ám hiệu, cửa sổ nhà Shylock dè dặt hé mở; một gã thanh niên mảnh khảnh và nhanh nhẹn hiện ra với trang phục của một tên thị đồng hào hoa, mang một lẵng hoa nặng trĩu. Bọn trẻ đeo mặt nạ (qua trò chuyện và giọng nói của họ, ta nhận ra gã Lorenzo nông nỗi và bè bạn, đang thích thú chơi khăm lão Do Thái một vố tệ hại) theo sau họ là một người cầm đuốc có vẻ hơi xúc động, đó chẳng ai khác hơn là Jessica. Họ cùng đến dự liên hoan của Bassanio. Sau đó, hai người tình trốn lên một du thuyền, cuỗm theo phần gia sản quý báu của Shylock gồm kim cương, ngọc thạch và những đồng đuy-ca rủng rỉnh.
Bọn trẻ trong thành phố Venise hớn hở xiết bao, khi được trông thấy lão Shylock râu tóc rối tung trước gió, mắt long lên sòng sọc, rảo bước khắp các nẻo đường, tru tréo nguyền rủa đứa con gái bội bạc:
– Con gái của ta ơi! Những đồng đuy-ca của ta ơi! Ôi! Con gái của ta ơi! Một thằng cơ đốc đã cướp mất chúng rồi! Ôi! Những đồng đuy-ca thánh thiện của ta! Công lý ở đâu? Pháp luật ở đâu? Những đồng đuy-ca của ta, con gái của ta! Một bao, hai bao tiền vàng, con gái tôi lấy tất. Rồi nữ trang, hai hạt kim cương nữa! Hai hạt kim cương hiếm quý, con gái tôi cũng đoạt mất! Công lý ở đâu? Hãy tìm cho ra con bé, nó mang trên người nhiều kim cương và đuy-ca của tôi! Máu thịt của tôi lại nổi lên chống lại tôi! Nó sẽ bị đày mãn kiếp vì tội đó.
Những thương nhân ở Venise, chẳng mấy động lòng vì cơn điên của lão Shylock: họ xầm xì với nhau về tin đồn: một chiếc tàu của Antonio vừa bị đắm ở một chỗ cạn hiểm nghèo, giữa eo biển cách biệt hai nước Pháp và Anh. Những chiếc khác ở Mexico, Tripoli, Barbarie và Ấn Độ thì bặt tin tức. Rồi họ bàn tán cãi vã về sự phá sản có cơ xảy ra. Shylock đâm khùng vì giận tủi, phun ra toàn những lời dữ tợn:
– Tên Antonio khốn kiếp! Quen miệng khoe khoang ngoài phố lại gọi ta là thằng cắt cổ thiên hạ! Hãy coi chừng tờ giấy nợ. A! Hắn cho vay không cần lãi, vì lòng nhân ái cơ đốc giáo! Liệu mà coi chừng tấm giấy nợ!
– Nhưng cho dù hắn khánh tận đi nữa, – có người vặn lại, – ông cũng sẽ chẳng lóc thịt hắn. Ích gì nào?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.