Truyện ngắn của William Shakespeare

11. Hamlet, hoàng tử Đan Mạch – Phần 2



– Hỡi các vì thiên sứ, hãy che chở và bao phủ ta bằng đôi cánh của các ngươi Ngài, ngài kìa! Hãy nhìn ánh mắt nhợt nhạt của ngài. Ngài khiến đá cũng phải mủi lòng. Hãy nhìn kìa! Hãy nhìn bước chân ngài xa dần như thế nào. Đó là cha ta hệt như khi người còn sống. Hãy nhìn kìa! Người vừa bước ra khỏi cửa!

Hoàng hậu chẳng thấy gì cả, ngỡ chàng lại lên cơn điên loạn:

– Hamlet ơi! Con khiến mẹ tan nát cõi lòng!

Nhưng chàng vẫn nói mãi, tố cáo mẹ bằng những lời độc ác và thách bà cứ bảo với nhà vua về sự giả điên của mình rồi chàng đi ra, lôi theo cái xác của Polonius vừa tụng lên bài điếu văn sau đây: “Thực ra, lúc sống viên cố văn này là một thằng ngốc và ba hoa nhưng bây giờ hắn đã thật sự lặng thinh kín đáo và nghiêm trang rồi. Đi thôi, thưa ông! Thế là xong nhé! Chúc mẹ ngủ ngon!”

Vụ sát nhân là bằng chứng sự điên loạn của chàng. Nhưng vì chàng được thần dân yêu mến, nên nhà vua chẳng dám đụng đến chàng ngay tại Đan Mạch. Vì vậy, viện cớ chàng đã trở nên nguy hiểm, Claudius thực hiện ý đồ đưa chàng sang Anh, kèm theo hai người bạn Rosencrantz và Guildenstern, với những lá thư niêm kín. Hoàng tử nghi ngờ có cạm bẫy, nên trong cuộc hành trình chàng tìm cách lấy trộm cái bọc đựng thư, và được biết có lệnh giết chàng ngay khi đến đất Anh, như một tên điên loạn không có khả năng trị vì. Chàng liền thảo lá thư khác, điền vào đấy lệnh xử tử không được trì hoãn những kẻ mang thư, rồi lục tìm trong túi ấn tín của cha, mẫu quốc ấn của nước Đan Mạch, khéo đến nỗi lá thư vẫn y nguyên như cũ khi chàng đặt trả trong bao. Hai ngày sau, một bọn cướp biển cặp sát tàu rồi ập lên giết sạch thủy thủ đoàn, chỉ tha chết cho mỗi hoàng tử, mà chúng hy vọng sẽ được lãnh tiền chuộc. Chẳng bao lâu sau đó, nhà vua nhận được thư của bọn thủy thủ báo tin ngày về nhanh chóng của vị hoàng tử đáng ghét; ông ta bèn nghiền ngẫm mưu kế mới; ông ta khơi gợi lòng thù hận của Laerte, con trai Polonius, khi về đến Elseneur hay cha mình bị giết chết và em gái là Ophélia hóa dại. Cô gái dịu hiền không thể cùng một lúc chịu đựng hai nỗi khổ đau quá lớn giày xéo lòng cô; sự ruồng bỏ của Hamlet và cái chết của cha nàng. Trong nhiều ngày, nàng thơ thẩn khắp các phòng trong lâu đài, kể lể với những người bạn âu sầu những chuyện đâu đâu, đôi khi hét lên, rồi hát nghêu ngao những bài trước đây nàng chưa hề dám hát. Nàng ôm trong tay nhiều bó hoa dại; thỉnh thoảng phân phát cho từng người tùy tâm trạng mỗi lúc. Nhưng hôm sau, nàng đến một cánh đồng ven dòng sông, ngồi dưới gốc một cây liễu soi bóng lá xanh trên mặt nước im lìm, nàng kết những tràng hoa kỳ dị với nào mao – lương, tầm-ma, hoàng cúc và với mấy cánh hoa dại màu đỏ thẫm thường gọi là hoa lồng đèn; rồi nàng lại muốn treo cái tràng hoa sặc sỡ ấy lên cành liễu. Nàng nhoài người tựa vào nhánh cây, cành liễu oàn xuống, và cô bé Ophélia trong trắng cùng với tràng hoa trượt dần xuống nước. Trong một lát, quần áo nổi lềnh bềnh giữ nàng trên mặt sông như một nàng tiên cá, và thật hồn nhiên, nàng vẫn cất lên những khúc hát cổ xưa. Nhưng xiêm y thấm ướt nặng dần, kéo nàng xuống và nàng chìm xuống đáy nước bặt tăm.

Khi hay cái chết bi thảm đó, Laerte bất bình và phẫn uất, ưng thuận cùng với nhà vua xếp đặt một cuộc so gươm, trong đó lưỡi gươm tẩm độc của hắn nhất định chạm vào người Hamlet. Để cho được chắc chắn hơn, nhà vua còn pha chế một cốc nước gớm ghiếc có thể vĩnh viễn làm đông đặc máu của người uống lúc khát. Họ tin chắc lần này chàng không thể nào thoát được.

Tuy nhiên, khi trở về, Hamlet không vội vã vào thành Elseneur, mà cứ quẩn quanh bên ngoài. Chàng dừng bước ở một nghĩa trang gần đó, nơi những người phu đào huyệt vừa đào vừa cười đùa, tán chuyện gẫu với nhau. Hamlet vấp những khúc xương mà cái xẻng vừa hất lên, lại bắt đầu suy tưởng về cái chết và sự sống:

– Cái sọ này đây, – chàng nói với Horatio, – xưa kia chứa đựng một cái lưỡi có thể ca hát. Như cái thỏi xương quái quỷ vừa khiến anh ngã lăn kia, chẳng khác nào là xương hàm của Cain(4) là kẻ đầu tiên phạm tội giết người. Cũng có thể đó là một cái đầu của một nhà chính trị, một kẻ tin rằng mình có thể đánh lừa cả Thượng đế. Và bây giờ, thế đấy, mặc cho dòi bọ chui rúc, lại phải nhận một nhát xẻng vào mồm. Như vậy là chế tạo ra những mảnh xương này chẳng tốn bao công sức cũng như chỉ có thể dùng chúng để chơi “ki”(5) thôi! Phần tôi, chỉ nghĩ đến xương của cha mình, đã thấy đau rồi.

(4) Nhân vật trong kinh thánh, con của Adam và Eva, đã giết chết em của mình là Aben.

(5) Ki (quille): một trò chơi trong đó người ta dùng một quả bóng để quật ngã những quân “ki” làm bằng gỗ như cái chày con.

Gã phu đào huyệt vẫn bỡn cợt, gã nghêu ngao những điệu dân ca vừa nêu lên những trò chơi chữ, vừa đào một cái huyệt mà theo gã nói – không phải cho một người đàn bà, mà cho một người đã từng là đàn bà. Gã khoe mình bắt đầu hành nghề đúng vào ngày cậu bé Hamlet ra đời và bây giờ thì cậu ta trở nên điên rồ và bị tống sang Anh quốc. Hamlet ớn lạnh cả mình, nhưng bị câu chuyện mê hoặc bèn hỏi: “Phải mất bao nhiêu năm, con người chôn dưới đất mới mục rã?”

– Tám hay chín năm, – gã kia đáp, – cái sọ này đã nằm đây từ hai mươi ba năm. Đó là sọ của Yorick, tên hề của nhà vua.

– Than ôi! Tội nghiệp cho Yorick! – Hamlet kêu lên. – Ta biết hắn, Horatio ạ. Đó là một chàng trai rất vui tính, trí tưởng tượng hết sức phong phú. Hắn đã nghìn lần cõng ta trên lưng, mà bây giờ chỉ tưởng tượng đến cũng đủ rợn tóc gáy! Ta buồn nôn quá! Kia là cặp môi ta đã hôn bao lần. Giờ đây còn đâu những lời bỡn cợt, những trò vui nhộn, những khúc hát, những câu bông lơn, từng gây ra những trận bão cười trong cung điện? Giờ đây, cũng chẳng còn những lời khôi hài nào để chế giễu cái nhăn nhó của chính người nữa. Ngươi đã phải hoàn toàn câm miệng lại rồi!

Và trong lúc chàng để mình phiêu diêu theo những tư tưởng thê thảm đó, một đám tang đi tới. Đó là một đam tang theo nghi thức trọng thể, có mặt đức vua, hoàng hậu và tất cả quần thần. Chàng trông thấy theo nhịp tiếng chuông ngân, trong trang phục trắng tinh, đầu kết vòng hoa trắng, tiểu thư Ophélia dịu hiền đã chết. Chàng thấy hoàng hậu vẫn tiếp tục rắc hoa lên quan tài và phủ những gì kiều diễm nhất lên thi hài cô gái kiều diễm và Laerte điên cuồng vì đau đớn, nhảy bừa xuống huyệt để hôn đứa em gái thân yêu lần cuối. Hờn ghen và tức giận, Hamlet nhảy bổ lên anh ta, và cả hai lăn xả vào cuộc ẩu đả ác liệt. Người ta phải nhọc nhằn lắm mới can họ ra được. Hamlet hét lên:

– Ta yêu Ophélia! Dù bốn vạn người anh dồn tất cả tình thương lại cũng không thể nào sánh nổi lòng ta yêu nàng!

Người ta tìm cách buộc chàng nín lặng, họ cố gắng hòa giải hai người, và hoàng hậu dắt con mình đi. Nhưng nhà vua vẫn chưa quên những mưu đồ đen tối của mình. Và ngày sau, một sĩ quan tự ý đến đề nghị cùng Hamlet một trận so kiếm với Laerte. Nhà vua đánh cuộc bằng sáu con ngựa Bắc Phi rằng con ghẻ của mình sẽ thắng cuộc, còn món cuộc của Laerte chỉ có sáu trường kiếm và sáu đoản kiếm kiểu Pháp với mọi thứ phụ tùng khác. Điều kiện trận đấu đã được qui định, nhà vua cho rằng Laerte không thể nào chạm được vào người Hamlet ba lần trong mười hai hiệp; còn Laerte thì đánh cuộc rằng mình sẽ đâm trúng chín lần. Nhà kiếm thuật lỗi lạc như sống dậy trong Hamlet và chàng quên khuấy trong một lúc nỗi mơ mộng của mình để chỉ nghĩ đến trận đấu.

Trận đấu được chuẩn bị rộn rịp và trọng thể với sự hiện diện của các vị quân vương. Trước khi bắt đầu, hai địch thủ nhã nhặn cam kết sẽ xóa bỏ hết mọi hận thù. Người ta chọn kiếm thật cẩn thận. Nhà vua quyết định rằng mỗi nhát kiếm đánh trúng của Hamlet sẽ được loan báo bằng một phát đại bác, và mỗi lần như thế, chàng sẽ được uống cạn một cốc rượu ngâm ngọc trai để tán thưởng chàng. Người ta sửa soạn nhiều bình rượu vang, còn tên gian trá thì hờm sẵn cốc rượu độc.

Hamlet nhanh chóng đâm trúng Laerte, nhưng say sưa vì trận đấu, chàng từ chối không uống và định mệnh ác nghiệt đã muốn rằng hoàng hậu bỗng dưng khát nước, vội cầm lấy và uống cạn cốc rượu độc, đúng vào lúc đến lượt Laerte chạm kiếm vào người Hamlet. Trong cơn hăng say, họ đổi kiếm cho nhau, và cả hai lần lượt trúng thương bởi lưỡi gươm có tẩm độc nên đều rỉ máu.

Lúc đó hoàng hậu bỗng ngã lăn ra, ai cũng ngỡ bà xúc động vì trông thấy máu, nhưng bà chợt hiểu ra, và kêu lên:

– Không, không, vì rượu đấy. Ồ! Hamlet, con thân yêu của mẹ, mẹ đã bị đầu độc.

– Bọn phản trắc! – Hamlet la lên, – hãy đóng tất cả các cửa lại! Có sự phản bội! Phải tìm cho ra từ đâu!

– Ở ngay đây thôi! – Laerte, bị lương tâm giày vò, nên thú nhận, – Hamlet ơi! Ngài đã bị mưu sát. Chẳng có thuốc nào trên thế gian chữa nổi cho ngài, ngài chỉ còn sống khoảng nửa giờ thôi. Công cụ phản bội đang ở trong tay ngài đấy, gớm ghiếc và độc hại. Mưu kế hiểm ác đã hại cả tôi. Kiệt sức rồi, tôi sẽ quỵ xuống đây và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Chính nhà vua, chính nhà vua đã gây ra mọi điều!

Lần này, Hamlet không chần chừ nữa. Chàng đâm tên vua phản bội một nhát kiếm tẩm thuốc độc rồi tưới rượu độc lên người hắn.

Thế là tất cả nạn nhân của nhau, đều ngã gục theo lời nói cuối cùng của Hamlet:

– Cái còn lại là sự im lặng!

Đối với chúng ta, phải chăng nên kết luận bằng nhận định của một trong những nhân vật:

– Có cái gì thối rữa trong vương quốc Đan Mạch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.