Truyện ngắn của William Shakespeare
05. Cô nàng đanh ác bị buộc phải biết điều – Phần 1
3. Cô nàng đanh ác bị buộc phải biết điều.
Có một người cha khá là lúng túng: đó là ông Baptista, một nhà quý phái giàu có ở Padoue(1). Hai cô con gái của ông xinh đẹp và có nhiều của hồi môn, lẽ ra đã có thể gã bán dễ dàng, và nói đúng ra, những kẻ cầu hôn vây ve chung quanh Bianca, cô em khá đông. Nhưng ông Baptista đã quyết định – và quyết tâm của ông thì không có gì có thể lay chuyển nổi – rằng ông sẽ không gả chồng cho Bianca trước khi cô chị, cô nàng Catarina, tìm được một đấng lang quân. Thế nhưng tiếng xấu về Catarina thì đã “sâu gốc bền rễ” rồi: cô nàng cảu nhảu, thô bạo, bất trị và cũng chưa ai trị được, thường ghen tị với những thành tựu của cô em, và do đó ả càng tỏ ra đanh ác hơn nếu đem so với cô em dịu dàng, dễ thương, biết phục tùng, lại yêu thích âm nhạc, văn thơ. Ông Baptista khốn khổ cố gắng – nhưng vô hiệu – làm cho một vài anh chàng đeo đuổi Bianca, chú ý đến Catarina: đó là Gremio và Hortensio là hai anh chàng đã từng bị Catarina chửi mắng và đều từng cầu chúa giải thoát cho họ khỏi rơi vào tay một con quỷ như thế. Cái cảnh này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, dưới con mắt thích thú của một thanh niên nước ngoài, Lucentio, là kẻ mà vẻ khiêm nhường, cùng đôi mắt đẹp khép hàng mi và giọng nói du dương của Bianca chẳng mấy chốc thổi bùng dậy trong lòng một tình yêu mãnh liệt. Chàng từng nghe ông Baptista nói là sẽ gả con gái của mình cho một nhạc sư, thế là chàng quyết định ngay: chàng sẽ biến mình thành giáo sư và nhờ đó sẽ đến được gần Bianca. Trong khi đó, Gremio và Hortensio, hai kẻ kình địch nhau để chiếm tái tim và lời hứa hôn của Bianca, lại tạm thời thỏa thuận với nhau: họ cố tìm cho nàng Catarina quạu quọ kia một ông chồng, tuy rằng Gremio đã nói oang oang lên rằng về phần mình, anh ta thà mỗi buổi sáng bị lôi ra công viên đánh đòn(2) còn hơn là lấy cô ả có món hồi môn kếch xù.
(1) Tên Ý là Pa-đô- va, một thành phố ở phía Bắc nước Ý gần Vơ- ni- dơ.
(2) Một lối hình phạt thời trung cổ.
Thế nhưng, trên đường đi, Hortensia lại gặp một trong những ông bạn người thành phố Vérone, chàng Petruchio sôi nổi. Petruchio đã nói về mục đích chuyến đi của anh ta như sau:
– Bố tớ, cụ Antonio, vừa mới từ trần, tớ hưởng được cái gia tài cũng khối, tớ quyết định là phải tìm một đám vợ giàu và gia tăng tài sản mình lên, và thế là tớ đi chu du thiên hạ.
– Cậu là bạn tớ, – Hortensio sôi nói ngay, – tớ có thể giới thiệu cho cậu một phụ nữ đanh đá nhưng mà giàu sụ; thế nhưng chắc là cậu chẳng cảm ơn tớ về việc mối mai này đâu. Do vậy, tớ sẽ chẳng là gì sất.
Petruchio cãi lại rằng cho dù cô ả có xấu như Sibylle, có đanh ác như bà Xanthippe(3) vợ Socrate; thậm chí còn tệ hơn nữa, thì chàng vẫn cứ chấp nhận bất cứ một phụ nữ nào, miễn là cô ta giàu có, bởi vì chàng chỉ cốt tìm ra tiền trong hôn thú thôi mà! Nhưng Hortensio muốn nói về cô ả nào vậy? Về cô con gái của Baptista à? Thế thì tốt. Chàng quen biết cha cô ả và chẳng mấy quan tâm đến tính tình con gái ông ta. Chàng sẽ tự lo liệu để đi đến thắng lợi! Nhân đấy, Hortensio thú nhận mối tình của mình với Bianca và yêu cầu Petruchio – (tôi giúp anh việc này, anh giúp tôi việc kia) giới thiệu anh ta với ông Baptista rằng anh ta là giáo sư âm nhạc để dạy các cô con gái của ông. Hortensio hy vọng, làm như vậy sẽ tán tỉnh được Bianca. Thế là cô này sẽ không thiếu gì những bài học tốt, bởi trong lúc đó Petruchio và Hortensio rút lui để tránh mặt, Grémio – một anh chàng khác cũng say mê Bianca – thì anh này lại đang thuyết phục một anh gia sư trẻ mà Grémio muốn đưa vào trong gia đình Bianca. Anh gia sư này, với chiêu bài giảng dạy văn chương, sẽ vận động cho mối tình của Grémio bằng cách giới thiệu với Bianca những cuốn truyện tình thơm phức mùi nước hoa. Anh gia sư này chính là Lucentio, cải trang thành một nhà thông thái nghèo khó, và anh ta lại quyết định một khi đã lọt được vào nhà Bianca, cũng sẽ lo liệu lấy công chuyện của chính bản thân mình.
(3) Vợ Socrate – nhà hiền triết cổ đại Hy-lạp – (470 – 399 trước CN): nổi tiếng đanh đá.
Ông Baptista khốn khổ, vừa mới cãi vã nhau với Catarina, đã phải tiếp Petruchio có Hortensio, cải trang thành nhạc công theo, hai người này cùng bước vào đồng thời với Grémio có Lucentio, ăn mặc tồi tàn, hộ tống.
Chẳng cần phải nói vòng vo gì, Petruchio đi ngay vào đích:
– Thưa bác(4) Baptista, có phải bác có một người con gái tên là Catarina rất đẹp và đức hạnh không?
(4) Nguyên văn: signor (ngài).
– Vâng, đúng là tôi có một đứa con gái tên là Catarina, – ông Baptista còn đang sướt mướt khóc trả lời.
– Được đấy! Tôi là nhà quý phái ở Vérone, tôi từng nghe nói đến sắc đẹp, đến sự nhã nhặn, đức khiêm nhường và tính nết dịu dàng của tiểu thư, nên tôi mạo muội ra mắt bác để được cầu thân với nàng. Và để đền đáp lòng mến khách của bác, tôi xin biếu bác một trong những người thuộc hạ của tôi, rất giỏi về âm nhạc và toán học. Anh ta có thể giúp con gái bác học tập các môn khoa học đó, mà theo tôi được biết, tiểu thư chẳng lạ lẫm gì với những môn học đó.
– Xin đa tạ, – ông Baptista tội nghiệp, chưa dám tin ở hạnh phúc của mình, nói thầm, – nhưng tôi sợ rằng – và tôi rất phiền lòng – con Catarina của tôi không xứng với ngài.
Thế là, anh chàng Grémio phục phịch lên tiếng:
– Đến lượt tôi, tôi cũng xin được giãi bày tâm sự. Thưa bác Baptista láng giềng, bác đã biết đến khát vọng của tôi đối với cô Bianca của bác. Để cảm ơn bác về mối cảm tình đó, tôi dẫn đến cho bác nhà bác học trẻ tuổi này, người đã từng du học lâu năm ở Pháp. Anh ta biết tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh và các ngôn ngữ khác, thông thạo cả âm nhạc và toán học. Xin bác hãy chấp nhận để anh ta được phục vụ.
– Xin đa tạ, anh bạn láng giềng. Xin một trong hai anh cầm lấy cái đàn luýt này, còn anh kia thì ôm những cuốn sách kia. Một tên gia nhân sẽ đưa các anh đến chỗ các cô học trò của các anh! Này, gia đồng, mày hãy nói cho hai tiểu thư biết đây là giáo sư của hai cô và ta muốn hai vị phải được tiếp đãi tử tế.
– Thưa bác Baptista, – Petruchio hăng hái nói tiếp, – công việc của tôi không thể trì hoãn được và tôi cũng không thể hằng ngày đến tán tỉnh được. Tôi có một tài sản lớn, nếu như tôi làm cho con gái bác yêu tôi thì tôi sẽ nhận được bao nhiêu của hồi môn khi cưới nàng?
Bất chấp thái độ sỗ sàng của chàng vị hôn phu này, ông Baptista mừng rơn, gả chồng cho Catarina! Ông sẵn sàng chấp nhận mọi nhượng bộ. Ông rụt rè dè chừng Petruchio, nhưng anh chàng này vội tuyên bố rằng anh ta cũng cứng đầu cứng cổ y như Catarina chua ngoa vậy; rằng anh ta không phải là người dễ tính và anh ta chắc sẽ thành công.
Lời phát biểu này bị gián đoạn vì Hortensio quay lại, vẻ mặt thảm hại và bầm dập – Catarina đã nện chiếc đàn luýt lên đầu anh ta và mắng anh ta bằng những tiếng thô lỗ chỉ vì anh ta muốn sửa ngón đàn của cô ả.
Petruchio lại tỏ ra hớn hở:
– Thế đấy! Quả là một cô gái phóng túng nổi tiếng. Như thế tôi lại yêu nàng gấp mười. Tôi muốn được tiếp chuyện với nàng ngay.
Ông Baptista còn chưa dám tin ở lỗ tai mình, cho người đi tìm Catarina, trong khi Petruchio phác qua kế hoạch tác chiến của mình:
– Ta sẽ tán tỉnh nàng theo cung cách của ta! Nếu nàng chửi ta, ta sẽ nói rằng tiếng của nàng réo rắt như tiếng họa mi; nếu nàng nhíu lông mày, thì ta sẽ nói rằng cái nhìn của nàng cũng trong suốt như hoa hồng buổi sáng đẫm sương; nếu nàng im hơi lặng tiếng thì ta ca ngợi tài hùng biện của nàng; nếu nàng không chịu kết hôn với ta, ta sẽ hỏi nàng ngày nào thì sẽ công bố hôn lễ và lễ cưới sẽ tổ chức vào lúc nào! À, nàng đến đây rồi!
Petruchio ra tay đi!
– Xin chào Cattie, vì anh được nghe tên cô em là như vậy!
– Ông tưởng ông nghe như vậy, nhưng ông nặng tai đấy. Tôi tên là Catarina.
– Tất nhiên là em nói dối. Người ta chỉ giản đơn gọi em là Cattie, cô Cattie tốt bụng. Cattie, nàng Cattie tuyệt vời của anh, bởi vì tất cả các cô Cattie đều thật sự là ngọt ngào như kẹo.
Không hề bị bao nhiêu lời dịu ngọt như vậy phỉnh nịnh, Catarina vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện theo cung cách thường ngày của cô ả: sỉ nhục, mắng nhiếc, thậm chí vài cái bạt tai. Petruchio đáp lại những cái đó bằng những lời tán tụng quá mức về thái độ lịch sự, dễ thương của cô ả:
– Anh thấy em quả là rất dễ mến.
Người ta từng khẳng định với anh rằng em quạu quọ, thô lỗ và cáu kỉnh, bấy giờ anh mới thấy rõ đó là những lời láo toét. Anh thấy em thật dễ thương, vui vẻ hồn nhiên, em nói chuyện dè dặt, em ngọt ngào như hoa mùa xuân, em không biết bĩu môi cũng như không hề nhìn ngang nhìn ngửa, em không hề cắn môi như những con mụ ba hoa khi tức khí thường làm, không hề thích nói lên những điều khó chịu, em tiếp những người tình của em, khiêm tốn và dễ thương. Ôi, thiên hạ vu khống! Cattie hiền dịu như hạt dẻ và còn ngon lành hơn cả hột hạnh nhân!
– Ông tìm ở đâu ra những cái của quý ấy thế? – Catarina hơi bối rối, hỏi lại.
– Anh ứng khẩu, – Petruchio đáp lại một cách rất tình tứ. Và với ông Baptista vừa trở lại, có hơi lo lắng về diễn biến của cuộc đàm luận có thể diễn ra, chàng nói ngay:
– Thưa nhạc phụ, tất cả những kẻ đã nói về em đây đều là bất công. Đây thật sự là một con chim bồ câu, thanh tịnh như buổi sớm mai, và để kết thúc, chúng con đã tâm đầu ý hợp với nhau đến mức chúng con đã quyết định cử hành hôn lễ vào ngày chủ nhật này.
– Mày sẽ bị treo cổ trước ngày chủ nhật! – Catarina phản ứng lại một cách “dễ thương”.
– Giữa chúng tôi, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau là nàng sẽ tỏ ra hung ác trước mọi người! Nhưng không ai có thể tưởng tượng là nàng yêu tôi đến mức nào! Hôn anh đi Cattie, chúng ta sẽ cưới nhau vào chủ nhật này, – Petruchio nói với đám cử tọa rất đỗi ngạc nhiên.
Điên tiết, Catarina bỏ đi như một cơn lốc trong khi ông Baptista mừng rơn, so sánh giá trị của hai người cầu hôn Bianca mà ông muốn gả chồng một tuần lễ sau đám cưới của cô chị. Bianca có phong thái khiêm tốn lại muốn lấy chồng theo ý riêng của mình. Trong khi chờ đợi, những vị giáo sư mà cha cô giới thiệu tranh nhau xun xoe chung quanh cô. Trong khi Hortensio so dây đàn để chuẩn bị cho bài dạy âm nhạc thì Lucentio tranh thủ với môn tiếng La-tinh.
– Chúng ta đã đến với bài nào rồi? – Bianca hỏi với vẻ ngây thơ.
– Đến đây rồi, thưa tiểu thư. Tôi xin dịch, – Lucentio ngân nga: Hic ibat, tôi đã nói với tiểu thư rồi, Simois, tôi là Lucentio, hic est, Sigeiatellus con của cụ Vincentio thành Pise, – Hic steterat, cải trang như thế này, Priami regia celsa senio, để được tiểu thư thương đến.
– Thưa tiểu thư, – Hortensio vội vàng nói, – cây đàn của tôi đã so dây xong rồi.
Bianca chắc đã thích thú nghe Lucentio nói, kêu lên:
– Dào! Phần trên lạc giọng rồi!
Và trong khi anh chàng Hortensio khốn khổ cố sức lên dây đàn, cô gái ranh mãnh lại tiếp tục:
– Này, xem nào nếu tôi dịch: Hic ibat Simois, tôi không quen biết công tử; hic est Sigeia tellus, tôi không tin công tử; Hic steteral Priami, hãy đề phòng anh chàng kia nghe lỏm chúng ta; regia, xin công tử chớ quá tự phụ; celsa senio, nhưng cũng xin công tử đừng có ngã lòng.
– Thưa tiểu thư, bây giờ thì đàn đã so dây, hòa âm tốt rồi, – Hortensio nhắc lại và làu bàu qua kẽ răng: “Thằng thầy đồ này cả gan thật! Nó dám qua mặt mình, tán tỉnh người tình của mình.” Rồi cất cao giọng:
– Anh có thể đi dạo một vòng, tôi không có nhạc hát ba bè đâu.
Về phần Lucentio anh ta tự nhủ: “Mình phải giám sát họ mới được. Nếu mình không lầm thì anh chàng nhạc sĩ này cũng đang trồng cây si đây!”
– Thưa tiểu thư, – Hortensio bắt đầu nói một cách thông thái rởm, – trước hết, tôi xin trình bày với tiểu thư những yếu tố sơ đẳng nhất của nghệ thuật âm nhạc và xin dạy tiểu thư về thang âm. Phương pháp của tôi đã ghi trên mảnh giấy này.
Bianca nói lại:
– Nhưng mà tôi đã học xong các thang âm từ lâu rồi.
– Dầu vậy, xin tiểu thư hãy đọc thang âm Hortensio.
Và Bianca đọc thấy:
Đô: – Tôi là toàn bộ các thang âm.
Rê: – Để biện hộ cho mối tình của Hortensio.
Mi: – Hỡi Bianca, hãy chấp nhận anh ta làm thầy học của mình.
Fa: – Anh ấy yêu cô nương với tất cả tấm lòng.
Sol: – Hãy rủ lòng thương.
La: – Không thì tôi chết.
Bianca đã quyết định sự lựa chọn của mình xong rồi, nhưng vẫn còn giấu kín ý đồ, nói:
– Ngài gọi cái này là thang âm à? Tôi thích những phương pháp cổ hơn. Những kẻ lù đù thế mà sâu sắc!
Ngày cưới Catarina đã đến. Chẳng có tin tức gì của chàng rể tương lai. Catarina giận dữ như điên: đi hứa hôn với một thằng cha thô lỗ, tính khí thất thường, kẻ sau khi đã tán tỉnh cô nàng một cách vội vàng, lại còn tự cho mình cái quyền cưới nàng! Cô ả vừa bỏ đi vừa khóc vì tức giận, để mặc ông bố sửng sốt ở lại một mình. Việc Petruchio đến muộn càng làm cho tình thế trầm trọng thêm, bởi vì trang phục của anh chàng quá ư tồi tàn: cái quần nịt vá đụp, đôi ủng vốn là đôi ủng cũ đựng đèn cầy, chiếc thì cài khuy, chiếc thì buộc dây, một thanh gươm đã hoen gỉ, sứt mũi và không có vỏ, con ngựa của chàng ta đeo một cái yên cổ lỗ sĩ bị mọt nhấm mà hai bàn đạp thì lại so le, cái con nghẽo này mang một chứng bịnh của sự “sáng tạo”: cái đai thì vá víu chằng chịt, cái khâu đuôi bằng nhung vốn dành cho phụ nữ ngồi thì được đánh dấu bằng hai mẫu tự vạch bằng đinh và được buộc túm ở nhiều chỗ bằng chỉ khâu. Còn tên gia nhân của Petruchio thì đội một cái mũ cũ mèm, mang một đôi bít tất, chiếc bằng sợi, chiếc bằng len, giây nịt tất thì cái màu xanh, cái màu đỏ. Ông Baptista sung sướng khi trông thấy Petruchio, còn chàng ta thì giả bộ vô tâm:
– Con cũng muốn đến nhanh đấy chứ! Cô vị hôn thê xinh đẹp của con đâu rồi? Thưa nhạc phụ, người làm sao thế? Hình như người có điều gì phật ý? Cattie đâu rồi? Trưa rồi, cần phải đến nhà thờ ngay.
– Chúng tôi buồn phiền vì thấy anh ăn mặc quá ư luộm thuộm. Anh hãy vào phòng của ta, ta sẽ cho anh mượn tạm quần áo.
– Không cần! Cô ấy lấy con chứ có phải lấy quần áo của con đâu. Thôi, xuất phát!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.