Truyện ngắn của William Shakespeare
08. Cymbeline
5. Cymbeline.
Caymbeline là vua Anh quốc, đó là một ông vua bất hạnh, vì sau khi các binh đoàn của Jules César rút đi, triều đại ngài luôn bị phá rối, bọn lính La Mã thường xuyên quấy nhiễu, hai đứa con trai ngài, đã khôn lớn và tỏ ra dũng cảm, đã bị bắt đi cùng với bà vú, trong trường hợp rất bí ẩn, hoàng hậu lại qua đời. Tuy nhiên, dù bao hoạn nạn dồn dập xảy ra, tuổi già của ngài cũng cảm thấy được an ủi. Ngài đã tục nguyền với một góa phụ, biết hết lòng lo lắng cho ngài, mẹ của một chàng trai to lớn, mà Cymbeline rất quý mến, trong khi mọi người đều ghét cay ghét đắng cái gã Cloten hợm hĩnh. Nhưng phần lớn niềm vui của vị vua già là do công chúa Imogène, đứa con duy nhất còn lại của ngài, cô gái sắc nước hương trời và là người kế nghiệp của vương quốc.
Cymbeline, nhu nhược và cả tin, hoàn toàn tin cẩn bà thứ phi, bà ta lúc nào cũng chăm chú nghiên cứu các loài dược thảo và đặc tính của chúng, khảo sát các tính chất, cho bọn tì nữ hái các cây lá có thể chữa bệnh, cũng như có thể giết người. Chỉ có mỗi nhà vua là không rõ bà thù hận Imogène đến mức nào, và sự mù quáng đó đã gây ra biết bao tai họa.
Để chiều ý hoàng hậu và cũng vì ngài tưởng lầm Cloten đứng đắn và dũng cảm, ngài muốn gả Imogène cho anh ta. Cô công chúa trẻ đẹp, sáng suốt và tinh tế hơn, rất khinh ghét kẻ cầu hôn ấy, vả lại tim nàng đã hướng về người khác, chàng Posthumus. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng được nuôi dưỡng trong triều cùng với nàng. Cha chàng nổi tiếng dũng liệt đến mức thiên hạ tặng cho biệt danh là Léonatus, sư tử. Dù thuộc dòng quý tộc và thừa hưởng danh vọng của thân quyến, Posthumus rất nghèo, và vua Cymbeline đã đón chàng về nuôi dưỡng thật chu đáo. Chàng đã trở thành một hiệp sĩ toàn diện, và người ta chỉ có thể phiền trách chàng về sự nghèo túng mà thôi. Nhưng Imogène chẳng mấy quan tâm đến sự nghèo khổ của chàng, vì cô yêu chàng, và bởi e ngại cơn phẫn nộ của vua cha, và sự theo đuổi ráo riết của Cloten, cô đã bí mật thành hôn với Posthumus.
Nhưng mọi việc đều vỡ lẽ ngay, do các thủ đoạn của hoàng hậu. Cymbeline, bị bà vợ yêu xúi dục, đã ra lệnh trục xuất Posthumus ra khỏi vương quốc, và quản thúc Imogène trong lâu đài. Tuy nhiên, đôi vợ chồng trẻ vẫn tìm cách gặp lại nhau giây lát, trước khi Posthumus xuống tàu rời khỏi Anh quốc. Đó là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và đau buồn.
– Điều duy nhất có thể giúp em chịu đựng nổi cuộc sống, – Imogène tha thiết nói, – đó là ý nghĩ trên đời này còn có một kho tàng mà đôi mắt em có ngày sẽ được thấy lại.
– Nữ hoàng của anh, người yêu quý nhất đời anh, – Posthumus đáp, giọng thật nồng nàn, – em đừng khóc nữa. Anh sẽ là người chồng chung thủy như vẫn hằng nguyện ước. Nhưng giờ đây, em yêu ơi! Phải để anh ra đi! Nếu những lời từ biệt cứ kéo dài mãi, trong suốt khoảnh khắc còn lại giữa đôi ta, thì niềm đau chia cách sẽ càng tăng lên nhiều. Thôi, xin giã từ em!
– Không, hãy nán lại giây phút. – Imogène rên rỉ, – Dẫu anh chỉ xa em để đi dạo mát, buổi chia ly này cũng chỉ là ngắn ngủi. Anh hãy nhìn, đây là chiếc nhẫn kim cương do mẹ em để lại, hãy đeo vào và gìn giữ nó cho đến ngày nào Imogène chết đi, rồi anh sẽ cưới vợ khác.
Posthumus nhận lấy món báu vật, rồi đeo vào cổ tay xinh xắn của Imogène chiếc vòng, tín vật tình yêu, mà nàng hứa sẽ chẳng bao giờ cởi ra. Rồi chàng ra đi, xua đuổi bởi Cymbeline, với những câu nguyền rủa thậm tệ. Thật lâu sau đó, nàng chỉ luôn tơ tưởng đến chuyến đi thê thảm. Nàng tự nhủ: “Sao ta không là con của một người chăn cừu và Posthumus chẳng là con của một chú mục đồng lân cận!” Trong khi đó, Cymbeline, giận dữ vì thấy nàng tuy sầu muộn đến héo hon, nhưng vẫn nhất mực yêu kẻ bị lưu đày, đã không ngớt hầm hừ và thốt bao lời trách mắng, mà nàng chẳng muốn nghe. Tâm hồn nàng dõi theo người lữ khách đến tận bến cảng và xa hơn thế nữa. Nàng mòn mỏi đợi chờ ngày về của lão Pisaniô mà nàng phái đi dò tin và rất ảo não khi gặp ông quay lại, bởi ông đã chứng kiến chuyến đi của Posthumus.
– Những lời cuối cùng, chàng nói gì? – Nàng hỏi.
– Nữ hoàng của anh! Nữ hoàng của anh! Rồi chàng vẫy khăn và đưa lên môi hôn! Cho đến khi mắt còn phân biệt được tôi giữa đám đông, chàng vẫn đứng trên boong tàu, phe phẫy đôi găng tay, cái nón, hay chiếc khăn, như muốn cho tôi hiểu rằng, dù con tàu có lướt nhanh, hồn chàng vẫn lờ lững phía sau.
– Lẽ ra, – Imogène nói, – người phải đợi đến lúc chàng nhỏ như con chim mới được rời mắt khỏi chàng. Nếu là ta, ta sẽ nhìn chàng cho đến lúc khoảng cách khiến chàng nhỏ tựa con muỗi, tựa đầu cây kim, cho đến khi chàng tan biến trong không khí. Rồi ta sẽ ngoảnh mặt đi mà khóc. Và ta cũng sẽ không cáo biệt chàng, bởi ta còn nhiều điều lý thú muốn nói cho chàng nghe: “Rằng ta nghĩ đến chàng vào những giờ nào đó, rằng chàng sẽ gặp ta trong những lời cầu nguyện, lúc đọc kinh buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, vì lúc đó ta đang trên trời để đợi chàng. Nhưng trước khi được trao cho chàng cái hôn từ biệt, cha ta đã bước vào hệt như cơn gió bấc, ông ta đã làm héo tàn mọi mùa hoa nở”.
Công chúa Imogène sầu muộn đã chuyện trò với gã nô bộc trung thành như thế đấy, trong khi chờ đợi tin tức người chồng yêu quý.
Trong lúc đó, Posthumus đã đến La Mã cho qua ngày tháng lưu đày, nơi đây, anh gặp lại vài đồng đội cũ, buộc anh về sống chung với họ. Anh chỉ khuây khỏa nỗi buồn đôi chút những khi ca ngợi người yêu, quả quyết rằng nàng là người đẹp nhất, trong trắng nhất, đức hạnh nhất, và thủy chung hơn bất cứ cô gái Pháp hay Italia nào. Anh ví nàng như viên kim cương vô giá và sáng ngời mà họ vẫn trầm trồ trên ngón tay anh. Nhưng một chiều kia, có một gã Italia, tên Iachimo, đến thách thức chàng hãy chứng minh lời nói – vì gã không chịu tin rằng Imogène lại có thể dửng dưng với một tay hiệp sĩ nào đó trong thời gian vắng chồng. Iachimo tự tin vào sức quyến rũ của mình, gã cho rằng tất cả đàn bà đều đỏm dáng, nông nổi, mau đổi thay và gã đoan chắc mình có thể tiếp xúc dễ dàng với người vợ chung thủy và u buồn nhất, rằng gã sẽ lãnh vai trò giải khuây và mang lại hứng thú cho nàng, đến mức khiến nàng quên khuấy kẻ lưu đày trong một thời gian.
Posthumus tin chắc vợ mình chẳng thiết tha bất cứ điều gì khi vắng anh, song le, không chịu nổi, cuối cùng anh đã khinh xuất khi nhận đánh cuộc với Iachimo. Anh cuộc chiếc nhẫn kim cương của mình với mười ngàn đồng Đuy-ca, phân nửa gia sản của Iachimo, là chẳng ai có thể mang lại bằng chứng rằng vợ anh có phút nào đó quên anh – rồi đặt tay lên đốc kiếm, anh tự hứa sẽ trừng phạt đích đáng kẻ hợm hĩnh, cứ tưởng dễ dàng lung lạc trái tim chung thủy của một người đàn bà.
Iachimo xoay được nhiều thư giới thiệu để tiến triều và đi ngay sang Anh quốc. Ngay khi đến nơi, gã xin được yết kiến công chúa. Nàng đón tiếp vị khách La Mã với sự vồn vã ân cần của người đàn bà đã từ lâu mong ngóng tin chồng. Dù rằng nhan sắc diễm lệ và thái độ trang nghiêm của nàng có làm gã nao núng trong những phút đầu tiên, nhưng kẻ bạo gan vẫn không mất bình tĩnh, gã mua chuộc lòng nàng bằng cách nhắc đến Posthumus và cuộc sống của chàng ở La Mã.
“Anh ta vui vẻ quá chừng, gã nói. Hiếm có khách lạ nào ở La Mã lại vui tính và hay đùa cợt đến thế: thiên hạ gọi anh chàng là gã ‘người Anh vui vẻ’!”
Imogène trầm ngâm, trả lời:
– Lúc còn ở đây, chàng vẫn hay buồn nhiều khi thật vô cớ.
Gã mô tả Posthumus khác hẳn với hình ảnh mà nàng khắc sâu trong tâm khảm. Nàng háo hức lắng nghe, rồi dần dần một nỗi buồn man mác xâm chiếm lòng nàng. Gã trơ tráo đến mức khiến nàng tưởng rằng người chồng xa cách đã quên lãng mình, còn cho đó là một thử thách. Nhưng dù gã tán hươu tán vượn thế nào đi nữa, có thể nói chẳng giây phút nào Imogène lại thôi nghĩ đến Posthumus. Gã thấy rõ mình đã thua cuộc, nên quyết định phải thắng bằng mưu kế.
Gã nài nỉ công chúa, lúc đêm khuya tăm tối cho gã được gửi cái rương to chứa đầy báu vật trong phòng riêng của nàng, đến sáng hôm sau là gã lên đường. Nhưng khốn nạn thay, gã tự giam mình trong rương, đến khuya lại mò ra, bất chợt những lời than thở của Imogène thốt ra trong lúc ngủ say – người đàn bà hiền dịu đang mơ tưởng đến chồng mình – lục lọi khắp phòng, quan sát mọi nơi, cuối cùng đoạt luôn chiếc vòng của Imogène. Đến sáng, gã cầm chắc trong tay những gì có thể khiến Posthumus tin rằng gã vừa nhanh chóng chiếm được lòng tin cậy của cô công chúa hồn nhiên vô tội.
Gã không quên đoan chắc với kẻ lưu đày khốn khổ rằng anh đã bị lãng quên. Gã kể rằng công chúa đã tiếp gã trong khuê phòng và mô tả cách trang hoàng nơi đó:
“ Những tấm thảm lụa và ngân tuyến trình bày nữ hoàng Cléopatre kiêu hãnh trong giây phút hội ngộ với Marc Antoine; dòng Cydnus(1) ngạo nghễ dưới sức nặng các chiến thuyền. Ôi! Thật là một kỳ công. Lò sưởi ở giữa, phía trên có bức phù điêu mô tả Diane đang tắm: thật là một bức chân dung sống động. Nhà điêu khắc, giống như người sáng tạo, đã mang sinh khí và cử động đến cho tác phẩm. Trần nhà, được tô điểm bởi những chú bé con bụ bẫm bằng vàng chạm nổi. Giá sắt là hai thần Cupidon nạm bạc, mắt bịt vải đứng một chân và tựa vào các ngọn đuốc.”
(1) Cydnus: dòng sông ở Silicie (Tiểu Á), Alexandre le Grand có lần suýt chết vì tắm lúc dòng nước giá băng. Năm 42 Trước CN, Marc Antoine tổ chức nhiều buổi liên hoan ven bờ và trê.
Posthumus cho rằng những cái đó rất phổ biến trong cung điện Cymbeline, người ta nghe nói đã nhiều, bởi thế Iachimo có thể nghe lỏm từ cửa miệng một thổ nữ, nhưng gã Iachimo không chịu buông tha chàng, vẫn tiếp tục lải nhải. Gã trưng ra chiếc vòng mà gã bảo là Imogène vừa tặng gã, vừa thủ thỉ: “trước đây, nó rất quý báu đối với em”. Tên phản phúc còn mô tả cả vết thẹo nhỏ bên thái dương công chúa mà Posthumus đã hôn lên bao lần. Thất vọng, rồi cuối cùng bị khuất phục, Posthumus bỏ cuộc và đành mất chiếc nhẫn kim cương anh vẫn giữ gìn đến nay như một kỷ vật thiêng liêng. Nhưng nỗi giận dữ và lòng phẫn uất đã làm tê liệt mọi tình cảm khác, anh rít lên: “Vội quên mình khi mình vừa đi, chẳng chút bền lòng chặt dạ, lại vô cùng lơ đãng!” Anh chỉ còn nghĩ đến giết nàng và hộc tốc viết thư cho tên người hầu Pisaniô, mà anh đã để lại bên nàng, bảo đưa nàng rời xa lâu đài, rồi cắt cổ nàng đi. Và kẻ nông nổi, tuy chẳng còn tin tưởng gì nàng Imogène hiền dịu, lại tin chắc ở nàng đến nơi để giao nàng cho tên sát nhân, anh báo cho nàng biết là mình đã về tới cảng Milford đất Anh.
Quả anh không lầm tí nào, khi nghĩ rằng nàng sẽ bí mật tìm mọi cách đến ngay với anh. Thực thế, nàng thoát khỏi lâu đài và ra đi với Pisanio. Đến giữa rừng rậm, khi sinh mạng nàng đã nằm trong tay, gã người hầu không có được cái can đảm man rợ để giết nàng, nên nàng vẫn sống. Nhưng gã tiết lộ cái lệnh quái ác của Posthumus, cả hai nhất trí rằng nàng chẳng nên quay về cung điện, tránh sự bám riết của Cloten. Họ quyết định nàng phải cải trang thành một thiếu niên và nàng sẽ tìm gặp viên tướng La Mã Lucius, ông ta chắc sẽ thu nhận nàng với tư cách thị đồng biết múa hát. Bởi vì các binh đoàn La Mã vừa đổ bộ xuống đất Anh, để buộc Cymbeline nạp triều cống cho hoàng đế Auguste.
Nhưng trước khi vào phục vụ dưới quyền Lucius, Imogène đã phải đương đầu với bao nỗi truân chuyên. Sau lúc chia tay với Pisanio, nàng đi bộ ròng rã thật lâu, đến lúc kiệt sức vì mệt và đói, mới tới trước một cái động; trông thấy thức ăn, nàng vội vồ lấy nhai ngấu nghiến. Những người cư ngụ trong động chẳng mấy chốc hiện ra. Một ông lão và hai thanh niên khôi ngô tuấn tú, sống giữa rừng nhờ vào các thứ săn được.
Ông lão đã từng biết qua các thành phố lớn, cả chiến tranh và vinh quang nữa, nhưng bị thất sủng, nên về ẩn náu nơi cảnh quạnh hiu cô tịch và nuôi dạy hai chàng trai trẻ, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những người này lại luôn mơ ước được chiến đấu, họ cầu mong có dịp thi thố tài năng và tỏ rõ lòng dũng cảm. Cả ba đều ân cần tiếp đón chàng trai phiêu lãng và Imogène cảm thấy gắn bó một cách khó hiểu với hai người trẻ tuổi kia, họ cũng rất quý mến người bạn do định mênh run rủi đến với họ.
Rủi thay, một hôm Imogène ngã bệnh và mệt nhoài, trong lúc các chủ trọ đều đi vắng, để chữa cho mau lành, nàng dùng liều thuốc của Pisanio để lại, thuốc này do hoàng hậu, vợ của Cymbeline trao cho gã. Mụ đàn bà độc ác ngỡ đó là viên thuốc độc cực mạnh dành riêng cho Imogène, nhưng lão y sĩ nhận lệnh bào chế viên thuốc ấy đã tỏ ra dè dặt, không theo lời bà, lão đưa cho hoàng hậu viên thuốc chỉ có khả năng khiến người uống ngủ vùi một giấc dài nặng nề như chết mà thôi. Than ôi! Viên thuốc quả là công hiệu, và ba người thợ săn khi quay về, bắt gặp Imogène nằm thiêm thiếp bất động, cứ tưởng nàng đã lìa trần.
Hơn nữa, họ vừa vô tình giết chết Cloten, giải thoát nàng khỏi tay một kẻ vẫn gây khổ cho nàng, đang theo dấu vết nàng vào tận rừng sâu. Họ khâm liệm cả hai thi thể, nhưng trong khi vội vàng tống khứ cho rảnh mắt cái xác chết của Cloten, họ than khóc và thương tiếc không nguôi người bạn trẻ, con chim nhỏ, cánh hoa huệ trinh trắng của họ. Họ phủ hoa đầy phần mộ ngào ngạt hương thơm, nào anh – thảo, nào cát – cánh, nào hồng hoang, nào thanh – đài, vừa kể lể vừa hát điếu ca. Chính nơi đó, nằm trên lớp cỏ đẫm sương mai, Imogène đã tỉnh dậy sau giấc ngủ nặng nề. Nàng lại lên đường đi Milford và gặp cái binh đoàn La Mã đã thu nhận nàng làm thị đồng và đem nàng theo họ.
Cùng lúc, vua Cymbeline cảm thấy những tai họa của thời đã qua giờ lại tái diễn. Bọn La Mã trở lại xâm chiếm xứ sở, con gái ông biến mất, con trai của bà vợ thứ cũng biệt tăm. Ông đang lâm vào cảnh hiểm nghèo, bất ngờ bỗng được cứu nguy. Bốn người lạ mặt: ba chiến binh và một nông dân, tự mình chống giữ một đường đèo hiểm trở và mang lại chiến thắng cho nước Anh. Cymbeline thoát nạn, cho dẫn tất cả tù binh đến trước mặt ngài, và cho người đi tìm các anh hùng vô danh.
Bỗng nhiên, ngài nhận ra giữa bọn tù La Mã một chàng trai trẻ, mà họ kêu nài được khoan hồng. Nhác thấy, ngài đã hài lòng đến nỗi tự hứa sẽ tha ngay theo lời thỉnh cầu đầu tiên. Chàng trai trẻ đó – chính là Imogène – yêu cầu một người La Mã hiện diện tại đó, giải thích vì sao hắn ta chiếm được chiếc nhẫn kim cương kỳ diệu đang lấp lánh trên ngón tay hắn. Người La Mã đó chẳng ai khác hơn là Iachimo. Hắn xem như mình sắp chết đến nơi, chẳng còn e ngại gì mà phải dối trá, nên đã thú nhận mưu kế và thủ đoạn của mình.
Ngay lúc đó, Posthumus từ hàng ngũ những kẻ bị bắt xông ra định giết hắn. Pisanio vừa nhận ra Imogène cũng nhảy bổ tới. Imogène ngả vào vòng tay vua cha. Ngài khoan hồng cho tất cả mọi người, vì chính ngài mới là kẻ duy nhất gây nên tội.
Cuối cùng, ngài nhận ra ông lão cư ngụ giữa rừng là Belarius, xưa kia bị lưu đày đã bắt cóc hai người con trai của Cymbeline mang theo. Giờ đây, ông giao họ lại cho đức vua, cha của họ. Ngài lấy làm mãn nguyện khi hiểu ra rằng, họ là ba người đứng ra chiến đấu bảo vệ vương quốc, hỗ trợ bởi gã nông dân, chẳng ai khác hơn là Posthumus. Mọi việc được phơi bày ra ánh sáng, họ ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Đức vua Cymbeline nối tình giao hảo với La Mã và tạ ơn trời đất.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.