Truyện ngắn của William Shakespeare
10. Hamlet, hoàng tử Đan Mạch – Phần 1
7. Hamlet, hoàng tử Đan Mạch.
Hoàng tử Hamlet, con vua Đan Mạch, được vua cha gửi sang trường đại học Wittemberg, nước Đức, để hoàn tất việc học. Đó là một thiếu niên tài trí, một trang dũng kiệt, một văn nhân tao nhã, đóa hoa thơm và nguồn hy vọng của vương quốc. Nhưng trước khi khóa học chấm dứt, chàng bị triệu hồi về nước vì nhà vua vừa đột ngột băng hà. Hamlet buồn khổ nhiều, bởi chàng rất mực yêu mến cha.
Đau đớn và sầu thảm suốt cuộc hành trình, khi về đến lâu đài ở Elseneur(1), chàng thấy hoàng hậu Gertrude, mẹ chàng đã tái giá. Trước khi đôi giày bà mang để tiễn đưa người chồng cũ kịp mòn, trước khi hai tháng trôi qua đủ làm khô nước mắt, bà đã lấy em trai của nhà vua quá cố.
(1) Tên Đan Mạch là Hen, – xin, – giơ, một hải cảng của Đan Mạch. Ở đây có lâu đài Crông-bo (Kronborg) nơi Shakespeare dùng làm bối cảnh cho vở kịch Hamlet này.
Hoàng tử Hamlet không ưa chú mình tí nào, ông ta khác xa người cha yêu quý mà chàng giữ mãi hình ảnh trong tâm khảm. Tâm hồn chàng không chịu nổi sự lãng quên mau chóng đó. Tuy nhiên, triều đình đón chàng rất tưng bừng. Nhà vua mới không cho phép chàng quay lại trường đại học, muốn giữ lại bên cạnh mình vị thái tử của vương quốc rất được mẹ quý mến, đã khuyên chàng nên sớm nguôi ngoai, bởi vì cha chết trước con cũng là điều tự nhiên thôi, và để tôn vinh chàng, nhà vua vừa uống rượu mừng sức khỏe chàng, vừa ra lệnh bắn đại bác.
Nhưng Hamlet vẫn u sầu và sửng sốt khi một người bạn cũng về Đan Mạch dự đám tang, và cũng như chàng, bị bất ngờ vì gặp hôn lễ, đến báo cho chàng hay một việc lạ kì. Mỗi đêm các sĩ quan phòng vệ sân trước của lâu đài ở Elseneur đều trông thấy một hồn ma lẩn khuất, võ trang từ chân đến đầu, thơ thẩn đến lúc gà gáy sáng mới biến mất. Horatio đã thức rình xem và tận mắt trông thấy; qua bộ áo giáp và nhất là qua đôi mày nhíu lại, anh đã nhận ra nhà vua quá cố. Cả lính gác, cả Horatio nữa đều khiếp hãi, không ai dám nói chuyện với ngài. Hamlet, xúc động mãnh liệt, bảo bạn hãy giấu kín sự việc lạ lùng đó và ngay đêm sau, khoảng mười một giờ đến nửa đêm, chàng thấp thỏm đợi chờ hồn ma xuất hiện.
Trên khu sân rộng băng giá, hắt hiu gió bấc, vị hoàng tử trẻ ngồi chờ giữa lúc kèn và tiếng đại bác báo hiệu rằng giữa tiệc, vị vua Claudius vừa nốc cạn bình rượu chát xứ Rhin. Mười hai giờ vừa gõ, hồn ma mặc áo giáp, xanh xao và đờ đẫn xuất hiện trước mặt chàng. Hamlet run lẩy bẩy vì được gặp lại cha, vội khẩn:
– Dẫu rằng người là vong linh hay oan hồn, ý định của người hiểm độc hay nhân ái, ta, Hamlet hoàng tử Đan Mạch, gọi ngươi là vua cha! Ôi! Hãy trả lời ta! Tại sao xương cốt người có thể sống dậy? Tại sao mộ phần lại hé cánh cửa cẩm thạch nặng nề cho người thoát ra? Tại sao người đứng đó, cái tử thi mang khí giới từ chân đến đầu, khiến ta kinh hoàng dưới ánh trăng, vì ta bị ám ảnh bởi những ý tưởng từ bên kia cõi chết?
Thoắt cái, hồn ma lôi chàng đi, và mặc dù khiếp sợ, Hamlet vẫn bước theo, buông xuôi cho định mệnh, rời khỏi những người bạn đang kinh hãi vì sự bồng bột của chàng. Hồn ma dừng lại nói:
– Ta là vong hồn cha của con bị hình phạt, ban đêm thì phải lang thang vất vưởng đó đây, và ban ngày thì bùng cháy cho đến khi đền xong tội lỗi. Nếu ta kể con nghe về ngục thất của ta, lòng con sẽ tan nát và con sẽ táng đởm kinh hồn. Nhưng tiết lộ với đôi tai phàm tục về chốn vĩnh cửu cũng chẳng ích gì. Hãy nghe đây! Ôi! Hãy nghe đây! Nếu con vẫn thương cha, – và Hamlet rên rỉ, kêu trời, – hãy báo thù cho cha đối với con quỷ đê tiện và vô luân đó.
Hồn ma kể lại cái chết tức tưởi của mình. Đứa em khốn nạn đã đầu độc ngài, lúc ngài thiu thiu ngủ trong vườn, đoạt cả vợ và ngai vàng, đưa ngài sang thế giới bên kia, hồn đầy tội lỗi, không kịp sám hối, không lễ rửa tội. Ngài van nài Hamlet hãy chấm dứt sự kiện ô nhục đó, hãy cứu con mồi đáng thương khỏi bàn tay sát nhân, nhưng tuyệt đối không được đụng đến mẹ, cứ để mặc thượng đế trừng phạt bà và lòng hối hận cấu xé bà. Rồi thấy ánh sáng đom đóm nhạt dần, vừng đông sắp ló dạng, hồn ma biến mất sau khi nhắc lại: “Vĩnh biệt, Hamlet, hãy nhớ đến cha!”
Hình như đất trời rung chuyển quanh Hamlet khi chàng nghe tiết lộ câu chuyện bi thảm đó. Bao kỉ niệm phù phiếm, bao ý đẹp lời hay trong sách vở và những ấn tượng về một thời quá khứ vàng son, tất cả những gì tuổi trẻ đã hấp thụ, chợt nhạt nhòa đi và biến khỏi ký ức. Trong tâm não chàng chỉ còn lại vỏn vẹn một lời thề sắt đá: vâng lời hồn ma và không được quên lời dặn.
Đối với lũ bạn tò mò, chàng không giải thích gì, chỉ nói: “Ta là một kẻ xấu số, ta phải đi cầu nguyện đây!” Chàng buộc các bạn phải thề trên lưỡi kiếm của chàng là họ sẽ giữ kín mọi chuyện trong khi từ lòng đất vọng lên tiếng nói vang rền: “Hãy thề đi!”
Rồi trước sự kinh ngạc của bạn bè, Hamlet nói thêm: “Còn biết bao điều trong trời đất mà triết học của các bạn chưa hề với tới!” Bản thân chàng cũng rất hoang mang, bởi chàng chưa rõ điều hồn ma nói có đúng là sự thật không và chàng trù tính sẽ bí mật tìm ra manh mối vụ án. Định mệnh khắc nghiệt đã đặt lên đôi vai gầy yếu của chàng một nhiệm vụ nặng nề: tìm ra sự thật và báo thù.
Bỗng nhiên có tiếng đồn lan khắp triều đình rằng hoàng tử Hamlet đã đổi hẳn tính nết: trang phục xộc xệch, áo mở phanh ngực, chàng đi lang thang, tất giày lem luốc bẩn thỉu, dây buộc cẩu thả, mặt mày tái xanh, bước ngả nghiêng với cái nhìn ảo não, như thể chàng vừa từ địa ngục thoát ra để gieo kinh hoàng cho con người; thỉnh thoảng chàng dừng lại, đăm đăm nhìn một khuôn mặt tình cờ bắt gặp, rồi thở dài, loạng choạng bước đi, đờ đẫn và ngơ ngác. Chẳng ai nhận ra chàng nữa, kể cả những bạn cũ hay quan thị vệ Polonius và tiểu thư Ophélia dịu hiền mà Hamlet vẫn thương yêu; hoàng hậu, mẹ chàng và vua Claudius, chú chàng, cũng thế. Nhà vua nghĩ – hay giả vờ nghĩ, và khối người e ngài không hề lầm – rằng hoàng tử trẻ bị khủng hoảng tinh thần bởi quá sầu muộn vì cái chết của vua cha. Đức vua và hoàng hậu giao cho hai người bạn thời thơ ấu của chàng là Rosencrantz và Guildenstern nhiệm vụ an ủi chàng, nếu có thể, và nhất là tìm hiểu chàng. Nhưng Hamlet nhanh chóng hiểu ra cái lý do đích thực khiến chúng đến với chàng, nên liền tuôn ra với chúng những lời lẽ điên rồ, hai nghĩa. Theo chàng, Đan Mạch là một nhà ngục với ngục tối, xà lim và vọng canh; chàng có thể chui vào vỏ trái hồ đào và từ đấy, có thể xem mình như chúa tể nhiều lãnh thổ bao la… cùng vô vàn những điều phi lý khác, nhưng chàng luôn tỏ vẻ hết sức trân trọng và lịch sự đối với hai người bạn. Và bởi chàng thú nhận rằng mình đã mất hết niềm hứng khởi và xao lãng mọi cuộc luyện tập, rằng chàng rất u buồn và phiền muộn, hai người bạn mới lưu ý chàng về đoàn hát mà trước đây chàng vẫn thích, vừa đến lâu đài. Trong lúc bàn tán về thành tích của nhóm kịch sĩ này so với các đoàn hát khác, Hamlet chợt nảy ra một ý định kỳ quặc, phù hợp với tâm trạng bối rối của chàng. Chàng tiếp đón niềm nở gánh hát rong, bàn luận về các vai trò và diễn viên, muốn được thưởng thức tức khắc cái trường đoạn mà chàng thích thú nhất – câu chuyện trong đó chàng Enée kể cho nữ hoàng Didon(2) nghe người ta đã giết chết đức vua già Priam ra sao – rồi chàng nhờ quan thị vệ Polonius trông coi xếp đặt cho thỏa đáng việc ăn ở của đoàn hát. Sau đó, một mình với trưởng đoàn, hoàng tử yêu cầu hắn ta trình diễn một vở do mình chọn lựa, “Cái chết của vua Gonzague” và chen vào đó độ mười hai câu thơ do chàng sáng tác.
(2) Nhân vật trong vở kịch của nhà thơ Ý cổ đại La Mã Viêcgin (70 – 19 Trước CN).
Bởi chừng hoàng tử thấy đó là một thử thách quyết định. Vở tuồng, do chàng sửa đổi, sẽ diễn lại vụ mưu sát cha chàng chính xác đến nỗi, chỉ cần nghe thôi, bọn thủ phạm cũng không thể nào che giấu xúc động và như thế, buổi trình diễn chắc chắn sẽ là cơ hội để chàng bắt chộp được lương tâm nhà vua. Vì Hamlet vốn yếu đuối và đa cảm vẫn chưa tin hẳn những lời nói của hồn ma, chàng nghĩ rằng vong hồn ấy biết đâu chẳng hiểm độc, và chỉ tìm cách đày đọa chàng mà thôi. Với ý chí tê liệt, tâm hồn mơ mộng, chàng nguyền rủa tội ác, nhưng không dám ra tay trừng phạt, khinh miệt kẻ sát nhân nhưng chẳng có can đảm vạch mặt nó, thiếu quyết tâm báo thù, tự an ủi mình bằng lời nói hơn là hành động, đến nỗi cuối cùng phải buộc tội hồn ma để bào chữa cho sự bất lực của bản thân mình.
Trong khi đó, mọi người đều rắp tâm tìm hiểu nguyên nhân sự điên loạn hiển nhiên và ngày càng trầm trọng của hoàng tử Hamlet. Polonius, cha cô gái đẹp tuyệt trần Ophélia, ngỡ như mình đã hiểu ra. Với tính cách một người cha thận trọng, ông ra lệnh cho con gái đừng nghe chuyện, cũng đừng nhận tặng vật gì của Hamlet, vị quân vương tương lai đó không thể nào làm chồng nàng được. Nhận thấy hoàng tử hoàn toàn mất trí, ông cho rằng tình yêu bị hắt hủi đã khiến chàng ngây dại và đó chẳng phải cái gì khác hơn là một cơn điên loạn vì tình. Ông vội chạy đi báo cho đức vua và hoàng hậu về điều mình vừa phát hiện, thế là cả bọn quyết định bày cách thử chàng. Người ta đặt cô Ophélia dịu hiền, với quyển sách mở rộng trước mặt – để cho việc nàng ngồi một mình dễ chấp nhận hơn – trong một hành lang mà Hamlet vẫn thường lui tới trầm mặc. Rồi nhà vua và Polonius nấp sau một bức tường, rình nghe cuộc trò chuyện của đôi lứa để có thể khẳng định cơn điên của hoàng tử có phải là do thất vọng vì tình không. Chẳng mấy chốc Hamlet bước vào, đi chậm rãi, vừa lẩm bẩm những câu triết lý theo thói quen, nghĩ đến những hồn ma bóng quế và ranh giới ngăn cách người sống với kẻ chết:
– Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề. Chết, ngủ! Chẳng có gì hơn. Có thể nói giấc ngủ chấm dứt mọi thống khổ mà xác thân phải chịu đựng! Chết, hay ngủ. Ngủ, là nằm mơ, có lẽ. Ừ, câu hỏi chính là ở đó. Cơn mơ nào sẽ đến với ta trong giấc ngủ triền miên của cái chết? Đó là điều buộc ta phải suy nghĩ trở trăn. Mấy ai thích gánh chịu sự khinh miệt của người đời, những nỗi bất công, những điều sỉ nhục, nỗi đau khổ của tình phụ khi người ta có thể tự tìm đến với bình yên thanh thản bằng một nhát dao găm? Mây ai muốn rên siết và đổ mồ hôi dưới gánh nặng của một kiếp sống nhọc nhằn mà lại chẳng có điều phải sợ hãi sau khi lọt vào cõi chết, cái xứ sở xa lạ mà chẳng du khách nào đó lại được trở về!
Rồi chàng nghĩ rằng sự hèn hạ của người đời chẳng qua là do sợ hãi những điều chưa biết. Đôi mắt dịu dàng của Ophélia có nghĩa gì trước những vấn đề khắc khoải đó? Tuy nhiên, khi trông thấy nàng, chàng cũng nhã nhặn chào và đứng lại trò chuyện. Có thể chàng ao ước được nàng an ủi chăng? Nhưng vì hờn giận, hoài nghi, chàng thốt lên những lời cay đắng khiến cô gái đáng thương kinh hoàng; chàng không tin ai hết, kể cả nàng, dù trong trắng và dịu hiền là thế. Rồi hồi tưởng lại quá khứ, chàng nói thật phũ phàng:
– Ngày xưa, tôi đã từng yêu tiểu thư.
– Quả thực, thưa ngài, ngài đã khiến tôi tin như thế.
– Lẽ ra tiểu thư chẳng nên tin tôi, bởi tôi không còn yêu tiểu thư nữa.
Rồi chàng nói đến những điều xấu xa bằng mấy lời bóng gió khó hiểu:
– Hãy vào tu viện đi, vào tu viện đi, và nhanh lên nào. Tất cả chúng ta đều là những kẻ đểu giả quá đỗi; chẳng nên tin một ai trong chúng ta cả. Vĩnh biệt!
Và chàng bỏ mặc cô gái tội nghiệp, sững sờ khiếp đảm, cô tự nhủ thầm: “Ôi! Hỡi những quyền lực thiêng liêng, hãy trả lại lý trí cho chàng! Bất hạnh thay cho tôi, phải nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của thanh xuân bị hủy hoại vì điên loạn!”
Nhà vua hiểu rõ căn bệnh mất trí của người cháu nên lo lắng tột độ, ngài quyết định tức khắc đưa chàng rời khỏi Đan Mạch và gửi chàng sang nước Anh với một sứ mệnh. Nhà vua cho rằng cuộc hành trình, mặt biển, với những khung cảnh mới lạ diễn ra trước mắt sẽ xua tan nỗi sầu muộn và những định kiến của chàng nhưng cái điều mà tên phản trắc không nói ra ấy là cuộc hành trình phải được tổ chức như thế nào để Hamlet không bao giờ còn quay lại nữa. Tuy nhiên, vua Claudius còn phải chờ hoàng hậu gặp mặt con, sau buổi kịch, để cho bà tìm cách làm cho con mình thổ lộ nguyên nhân nỗi sầu khổ nó vẫn ấp ủ trong lòng, mới loan báo dự định đó. Tên quan thị vệ Polonius vừa thất bại trong mưu đồ của hắn, ra vẻ xun xoe rối rít xin lãnh phần rình mò cuộc tiếp xúc của hai mẹ con.
Đêm hát đã chuẩn bị bắt đầu. Cả triều đình đều đến dự trong lễ phục long trọng, mỗi người ngồi theo chức vị của mình, thành hình vòng cung quanh hoàng hậu và đức vua, ngự trên ngai đối diện với bọn kịch sĩ. Sau khi nhắc lại những câu thơ cho các diễn viên – điều mà Hamlet quan tâm hơn cả là mọi người phải nghe thật rõ – chàng từ chối chỗ ngồi vinh dự bên cạnh mẹ, bởi chàng muốn quan sát tường tận nét mặt nhà vua. Hơn nữa, lần đầu tiên chàng đã tiết lộ phần nào những nỗi ngờ vực của mình cho Horatio biết, để anh ta có thể giúp chàng dò xét sắc diện của tên phản bội. Hoàng tử như muốn đùa bỡn, đến ngồi dưới chân nàng Ophélia dịu hiền, phía cuối vòng cung. Từ đó, đưa mắt về phía mẹ chàng nói:
– Hãy xem nét mặt hớn hở của mẹ tôi kìa, cha tôi chỉ mới mất hai giờ thôi đấy!
Nghe thế, cô bé hồn nhiên Ophélia, ngây thơ trả lời:
– Không đâu! Thưa ngài, đã hai lần hai tháng rồi đấy chứ!
– Sao, lâu thế cơ à! – Hamlet chế giễu, – chết đã lâu thế mà chưa bị lãng quên! Thế thì hy vọng rằng ký ức về một bậc vĩ nhân có thể sẽ không phai mờ sau khi chết sáu tháng, nhưng Thánh mẫu ơi! Muốn thế, người ấy phải xây dựng bao nhiêu nhà thờ!
Suốt màn kịch câm và đoạn mở đầu, mọi người lặng im phăng phắc! Rồi vở kịch khởi diễn. Trên sân khấu, một ông vua và một hoàng hậu đối thoại bằng thơ; còn dưới này Hamlet oang oang giải thích cốt truyện cho Ophélia nghe. Người ta thấy cảnh vị vua già nhu nhược được bà vợ xảo quyệt ru ngủ bằng những lời thề nguyền chung thủy, rồi ngay sau đó, bị kẻ đồng lõa với bà đầu độc. Đúng lúc đó, vua Claudius đứng bật dậy, bước nhanh ra khỏi phòng và giữa sự nhốn nháo liền sau đó, Hamlet cược với Horatio một nghìn lirve rằng, hồn ma đã nói đúng, bởi vì chỉ mỗi tiếng “đầu độc” thôi, đủ khiến tên sát nhân phải bỏ đi.
Trước khi Hamlet kịp trấn tĩnh, mẹ chàng cho gọi chàng đến bên bà, không quên nói với Rosencrantz và Guildenstern vài lời cuồng dại, diễn tiếp vai trò mà chàng vẫn đặt ra cho mình. Chàng chua xót lẩm bẩm một mình:
– Bọn họ rồi sẽ biến ta thành kẻ điên mất, vì cứ buộc ta phải giả điên mãi thế này. Hãy đi tìm mẹ ta vậy! Đã đến giờ của những phù phép về đêm, giờ mà các nghĩa trang nhả ra những người chết và địa ngục thải uế khí tràn lan mặt đất. Ôi! Tim ta ơi! Hãy đừng đánh mất bản tính của mình! Đừng bao giờ để tâm hồn một Néron(3) len lỏi vào giữa ngực ta. Cứ tàn nhẫn đi, nhưng đừng vô luân. Miệng ta cứ phóng ra toàn dao găm, nhưng tay ta sẽ không hề động đến một ai.
(3) Tên bạo chúa của La Mã cổ đại (37 – 68 trước CN) nổi tiếng vì đã ra lệnh đốt cháy thành Roma, đã giết mẹ, giết vợ.
Polonius đến núp sẵn sau bức màn để rình nghe cuộc đối thoại giữa hoàng hậu và con trai bà, bởi vì như ông ta tâu với nhà vua – giờ đây đã nhất quyết thanh toán hoàng tử, tốt hơn là để một người khác không phải là mẹ, tự nhiên phải thiên vị con mình – đến nghe lén những điều mà câu chuyện có thể tình cờ để lộ ra. Còn lại một mình, nhà vua lên tiếng cầu nguyện, cố ăn năn và hối tiếc tội ác đã gây ra, nhưng vẫn không thể được, bởi vì chẳng phải là ông ta đang thụ hưởng thành quả do tội ác của chính ông ta gây ra mang lại đó sao? Trong lúc ông ta quỳ gối, kêu gọi thiên thần cứu rỗi, thì Hamlet lặng lẽ bước vào, tính mạng kẻ thù kể như nằm trong tay, chàng có thể mặc tình hành động, nhưng chàng vẫn còn chần chừ, và cứ mãi quẩn quanh với mình.
– Kìa, hắn ta đang cầu nguyện! Ta có thể khử hắn trong lúc này. Nhưng như thế, hắn sẽ được lên thiên đàng! Báo thù mà như thế ư? Đó là điều cần nghĩ lại. Sao! Tên vô lại đã giết cha ta giữa lúc cha ta đang trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng, và theo như ta biết, những tội lỗi ấy đè nặng trên người. Thế mà ta, đứa con duy nhất, ta lại đưa tên phản trắc này lên thiên đàng, giữa lúc tâm hồn hắn thanh khiết, khác nào hắn được chuẩn bị tốt cho cuộc hành trình vào cõi chết! Không! Hãy dành cho hắn nhát gươm khủng khiếp hơn: ta sẽ hạ hắn khi nào hắn đang say sưa, mê ngủ, đang truy hoan hay lộng ngôn nghịch đạo. Để linh hồn hắn cũng bị đày đọa và đen tối như địa ngục mà hắn phải rơi vào!
Chính trong tâm trạng đó, chàng đến gặp mẹ. Chàng thốt lên những lời độc địa, rồi bất thình lình nghe có tiếng động sau bức màn, rút gươm ra đâm bâng quơ một nhát, vừa la lên: “Một con chuột!” rồi giết chết Polonius ẩn trong đó. Và chàng lại tiếp tục đay nghiến mẹ bằng những lời trách móc hung hăng, dẫn bà đến trước chân dung của hai anh em, buộc bà phải so sánh, làm tình làm tội bà đủ điều; bỗng nhiên hồn ma hiện ra, rồi cất lên tiếng nói:
– Con ơi! Đừng quên cuộc viếng thăm của ta không nhằm mục đích nào khác hơn là nung nấu cái ý chí báo thù giờ đây hầu như đã nguội lạnh trong con! Nhìn mẹ của con kìa: bà ấy và tâm hồn bà ấy đang cấu xé nhau. Con hãy can thiệp vào cuộc cấu xé đó đi. Chính những kẻ yếu đuối nhất mới là những kẻ mà trí tưởng tượng hoạt động mạnh nhất. Hamlet! Hãy nói với mẹ con đi.
Nhưng Hamlet nhìn trân trối vào khoảng không, tóc dựng ngược vì khiếp đảm, cố chỉ cho hoàng hậu thấy hồn ma, nhưng vô ích.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.