Túp Lều Bác Tom

CHƯƠNG 10 – VĨNH BIỆT



Hai ngày sau đó, một người trẻ tuổi cưỡi ngựa hỏi thăm đến đồn điền.
Đó là George Shelby.
Làm sao cậu lại tìm được dấu vết của bác Tom? Chúng ta biết là cô Ophélia đã gửi một lá thư cho bà Shelby, kể cho bà nghe là ông Saint-Clare đã chết và bác Tom sắp bị bán.
Bức thư đó đã không may bị bỏ quên một, hai tháng ở một bưu trạm. Trong thời gian ấy, bác Tom đã bị bán và bị dẫn đến, như chúng ta đã thấy, một đồn điền ven bờ sông Đỏ.
Tin này khiến bà Shelby buồn bã. Nhưng lúc đó bà không thể làm gì cho người nô lệ trước đây của bà. Bà đang trông nom chồng bà, bị ốm thập tử nhất sinh và mê sảng vì sốt. George đã trở thành một chàng thanh niên cao lớn. Cậu giúp đỡ mẹ và giám sát quản lý việc làm ăn của gia đình. Cô Ophélia đã nói trong thư địa chỉ của người giúp.việc kinh doanh cho ông Augustin Saint-Clare. Gia đình Shelby đã viết thư cho người này để xin chỉ dẫn. Bất hạnh thay, họ chẳng thể làm gì hơn.
Rồi ông Shelby mất.
ạng để lại cho vợ toàn quyền định đoạt công việc. Với sự cương nghị quen thuộc của bà, bà bảo con trai George cho bà biết về công việc. Hai mẹ con bắt đầu kiểm tra sổ sách, bán đi và trả nợ được nhiều khoản.
Vào thời kỳ đó, bà Shelby nhận được thư hồi âm của người giúp việc kinh doanh cho Saint-Clare.
Người đó chẳng biết được điều gì có thể giúp đỡ họ. Người đó đã bán bác Tom ở chợ đấu giá và đã nhận tiền cho bà Saint-Clare.
Cả George lẫn bà Shelby đều không thể hài lòng với một sự trả lời như thế.
Sáu tháng sau, công việc của George Shelby đưa anh đến miền Nam và anh quyết định đi Nouvelle Orléans để hỏi thăm về bác Tom tội nghiệp.
Sau khi tìm kiếm rất lâu, anh đã gặp một người có thể cho anh biết tất cả những chi tiết mà anh mong muốn. George lên đường đến sông Đỏ, mang theo tiền trong túi, quyết tâm chuộc lại người bạn già của anh.
Legree đang ở trong phòng khách và tiếp George vói vẻ cộc cằn.
– Tôi được biết là ông đã mua ở Nouvelle Or-léans một người nô lệ tên là Tom. Bác ấy là sở hữu của cha tôi, người đã mất rồi, và tôi muốn chuộc lại bác ấy.
– Đúng tôi đã mua anh ta, nhưng đó là một thằng tồi, một kẻ nổi loạn… Nó đã giúp cho hai nô lệ đáng giá gần một ngàn đô la mỗi đứa của tôi bỏ trốn! Và khi tôi bảo nó nói cho tôi biết chúng ở đâu, nó từ chối trả lời. Thế là, tôi đã nện nó nhiều lần rồi đấy! Tôi có cảm giác là giờ nó sắp chết rồi! – Bác ấy đâu? Bác ấy đâu? Tôi muốn gặp bác ấy! – George kêu lên.
– Bác ấy ở trong kho hàng này. – Một đứa trẻ đang giữ ngựa cho George, nói.
Legree mắng với theo đứa trẻ và đá cho nó một cái. George lao về phía kho hàng…
Bác Tom đã nằm liệt từ hai ngày nay, bác không thấy đau nữa. Các giây thần kinh của bác đã bị phá hủy. Thỉnh thoảng, ban đêm, những người nô lệ lại đến săn sóc bác đôi chút.
Khi George nhìn thấy bác, anh suýt nữa xỉu đi.
– Bác Tom! Người bạn già của tôi! Làm sao có thể đến thế này? Anh cúi xuống bên người nô lệ và để cho nước mắt tuôn rơi..- Hãy nói với cháu đi, bác Tom, nhìn cháu này, George đây! – Cậu George! – Bác Tom nói bằng một giọng lịm tắt.
Ánh mắt vẩn vơ của bác trở lại chăm chú và sáng lên. Cả khuôn mặt bác rạng rỡ, bác chắp hai tay lại và nước mắt chảy dài trên đôi má.
– Đây là tất cả những gì tôi mong ước, gặp lại cậu trước khi chết! – Bác sẽ không chết, cháu đến để đem bác về nhà! – ôi, cậu George, cậu đến quá muộn rồi! Đừng kể với bà Chloé nhà tôi rằng cậu đã gặp tôi trong tình trạng thế nào. Hãy bảo bà ấy là tôi không bao giờ quên nghĩ đến các con tôi… Mong chúng trung thực và nhân hậu như tôi đã từng cố như thế… Hãy hôn tất cả mọi người ở nơi đó cho tôi.
Một sự suy nhược bất thần choán lấy bác, và bác nhắm mắt, mãi mãi…
George đứng lặng.
Rồi, thấy Legree ở đằng sau, anh hỏi hắn anh phải trả bao nhiêu để mang thi hài bác Tom đi.
– Tôi không bán thây người. – Legree trả lời giọng khàn đặc.
George nhìn thẳng vào gã chủ đồn điền và bảo hắn: – Quả là ông đã lấy đi tất cả của bác ấy! Hãy giúp tôi mang bác ấy đi. – Anh bảo ba người nô lệ đang ở đó.
Họ đặt bác Tom vào trong xe của George. Anh hỏi mượn họ một cái mai.
Rồi anh quay về phía Legree và cố giữ bình tĩnh nói với hắn: – Tôi còn chưa nói cho ông biết tôi nghĩ gì về vụ việc tàn bạo này. Không phải chỗ này và cũng không phải lúc này. Nhưng bạn tôi sẽ được báo thù. Tôi sẽ tìm một quan tòa và tôi sẽ kiện anh.
– Có gì mà phải làm ầm ĩ về một tên mọi cơ chứ! – Legree trả lời.
Từ này là tia lửa trên thùng thuốc súng. George quay lại và giáng cho hắn một cúi đấm trời giáng vào giữa mặt. Legree ngã xuống.
Rồi hắn nhỏm dậy, phủi quần áo lấm đầy bụi và đưa mắt nhìn theo chiếc xe đang đi xa dần…
Người ta thấy là hắn kính nể George.
Ra khỏi ranh giới của đồn điền, George thấy một đồi cát nhỏ và có vài cây cao tỏa bóng mát.
Anh đào mộ ở nơi đó. Anh mặc cho bác Tom chiếc áo khoác của anh và đặt bác nằm xuống mộ. Những người nô lệ lặng lẽ lấp đất.
– Giờ đây các con của ta, đi thôi! – George vừa nói vừa đặt vào tay họ mấy đồng tiền..Và anh quỳ xuống, bên nấm mộ người bạn nghèo khổ của anh.
– Tôi xin thề kể từ hôm nay tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chế độ nô lệ mãi mãi biến mất! Sau những biến cố này, Legree càng uống rượu nhiều hơn và đâm mất trí. ít lâu sau, hắn chết.
Từ nơi ẩn náu, Cassi đã trông thấy tất cả. Chị để ý thấy vẻ dễ thương của George Shelby và nhận thấy sự kiểm soát đang hơi lỏng… Đã đến lúc chạy trốn! Lúc rạng đông, Cassi ăn vận như những người da trắng sinh tại thuộc địa và ra khỏi nhà có Lucie đi cùng, giả vờ như cô hầu của chị. Chẳng ai trông thấy họ. Họ đi không dừng nghỉ cho đến đầu thành phố. ở đó, họ tiến về phía cảng và vào một quán ăn. George Shelby đang ở đó và họ làm quen với nhau.
Họ cùng lên một chiếc tàu ngược dòng sông Đỏ. Trong suốt hành trình, Cassi không để ai nhìn thấy. Chị giả vờ đang bị ốm.
George, lúc nào cũng khả ái, giữ cho chị và cô hầu của chị một khoang trên con tàu Cincinati đi xuôi dòng Mississipi.
Lên tới bờ, Cassi xuất hiện và ăn cùng bàn với họ.
George để ý thấy phong thái thanh lịch và vẻ đẹp của chị.
Một hôm, Cassi tin cậy vào lòng tốt của chàng thanh niên, thành thật kể cho anh nghe câu chuyện của họ.
– Tôi sẽ bảo vệ các chị, các chị có thể tin ở tôi. – Anh nói với họ.
Trên những con tàu, có ít thú tiêu khiển và người ta kết thân rất nhanh. Thế nên George thường trò chuyện với một phụ nữ Pháp, bà Thoux. Bà đang đi về Kentucky, nơi bà đã trải qua thời thanh xuân.
– Anh có tình cờ biết một người lai da trắng tên là George Harris không? – Một hôm bà hỏi anh.
– Có chứ, biết rất rõ, – George trả lời. – Anh ấy đã lấy một cô hầu trẻ của mẹ tôi và họ có một con trai nhỏ, bé Henry.
Tôi không biết rõ anh ấy giờ ra sao. Anh ấy và gia đình đã trốn đi. Có lẽ họ đã sang Canada?…
– Đó là em trai tôi! – Bà Thoux vừa nói vừa khóc. – Tôi đã mất liên lạc với nó khi tôi còn trẻ.
Chúng tôi đã bị chia cắt khi tôi bị bán cho một điền chủ giàu có ở miền Nam. Đó là một người rất hào hiệp và rất tốt, và chúng tôi đã cưới nhau.
Chúng tôi đã sang ấn Độ sống, và bây giờ tôi về nước… Tôi rất muốn gặp lại em trai tôi! – George đã nói rất nhiều với tôi về một người chị, hình như chị Emilie thì phải..- Đó là tôi đấy. – Bà nói. – Thế vợ của em tôi tên là gì? – Chị ấy tên là Elisa. Đó là một phụ nữ có học vấn, đáng nể trọng và rất dũng cảm. Cha tôi đã mua chị ấy từ một ông Simon nào đó.
Cassi không ngăn nổi mình nghe tất cả đầu đuôi câu chuyện. Khi nghe đến tên Simon, chị ngất đi.
George và bà Thoux vội vã chạy chữa cho chị hồi tỉnh.
Khi tỉnh lại, chị khóc vì vui mừng.
– Nhưng chị làm sao thế? – George hỏi.
– Elisa mà anh nói đến chính là con gái của tôi! Trời ơi! Trời ơi! Đứa con mà tôi đã bị mất…
Giờ đây tôi có thể gặp lại nó! George, Elisa và bé Henry giờ đây ra sao? Sau cuộc trốn chạy của họ ở nhà những người quâycơ và cuộc chiến đấu trong núi đá chống lại lũ buôn người, họ được an toàn ở nhà của những người trung hậu.
Locker được mẹ Dorcas chăm sóc. Hắn báo cho họ biết rằng những thông báo về Elisa đã được loan tin khắp nơi và khuyên chị hãy cải trang. Thế là Elisa hi sinh những bím tóc đẹp của chị và ăn vận theo kiểu nam giới.
Họ tới được thành phố chẳng gặp khó khăn gì.
– George, trong hai mươi tư giờ nữa, chúng ta sẽ được tự do! Chúng ta đã đến gần Canada rồi! Henry được cải trang thành một cô bé và người ta gọi nó là Henriette. Họ đóng rất đạt vai của mình và họ lên con tàu đưa họ sang Canada.
Tim họ đập thình thịch khi họ nghe nói rằng những người bỏ trốn đang bị truy tìm.
Ngày hôm ấy trời đẹp và con tàu tiến nhanh.
Chẳng bao lâu, một bến bờ mới xuất hiện trước mắt họ: đó là Nouvelle Angleterre, đất của tự do! Elisa và George che giấu sự bối rối cho đến tận lúc họ cập bến. Lên bờ rồi, họ lao vào vòng tay nhau và khóc vì xúc động.
Tự do! Họ đã được tự do! Họ đi đến nhà một vị truyền giáo dũng cảm, ông niềm nở đón tiếp họ. Con người nhân ái này đã quen đón tiếp những người tỵ nạn vượt qua được hồ. Tất cả những người đó đã tới, không một xu dính túi, và dẫu thế, họ vô cùng hạnh phúc vì được tự do! George được một người thợ cơ khí thuê. Anh kiếm khá và Elisa không buộc phải đi làm nữa.
Gia đình họ đã thêm người: Henry giờ đã có một em gái nhỏ tên là Elisa. Cô bé rất láu lỉnh..Họ sống trong một ngôi nhà xinh xắn ở ngoại ô Montréal. George có một phòng làm việc, anh học đọc và học viết ở đó.
Elisa không còn trẻ nữa, chị đã mập ra và tóc chị giờ đây được búi lên cẩn thận. Chị có vẻ là người đàn bà hạnh phúc nhất.
Bé Henry đi học, và người cha rất hài lòng là em có một tuổi thơ êm đềm hơn tuổi thơ của bố.
Bà Thoux đi tìm em trai George của bà, còn Cassi đi tìm con gái Elisa của chị.
Họ quyết định liên kết sức mạnh của họ và đi Canada. Nhưng nước Canada rộng mênh mông, và các cơ sở đón nhận người đi trốn lại nhiều.
Bà Thoux và Cassi kiên trì đi thăm tất cả những cơ sở ấy. Cuộc tìm kiếm của họ kéo dài hàng năm, nhưng ý chí của họ chưa bao giờ suy giảm.
Một mục sư quan tâm đến hai người đàn bà và cố gắng giúp đỡ họ trong việc tìm kiếm.
Một hôm, ông gọi điện cho họ: – Tôi muốn các vị đi Montréal với tôi.
Hơi ngạc nhiên, hai người đi với ông vào thành phố. Chắc hẳn con người trung hậu này có những lý do của ông! Tại nhà George và Elisa, một ngọn lửa hồng đẹp đẽ đang lấp lánh trong lò sưởi và Elisa đang chuẩn bị khăn trải bàn sáng ánh lên màu trắng như tuyết. George đang học.
Đột nhiên, chuông reo. Đó là ông mục sư. ông muốn nói, nhưng chẳng kịp nói một lời.
Bà Thoux nhảy đến ôm lấy cổ George: – Chị Emilie của em đây, em có nhận ra chị không? Còn Cassi ôm cô bé Elisa vào lòng, nhìn vào mắt con gái, chị nói: – Cô bé này chính là hình ảnh cô con gái bé bỏng của mẹ khi người ta cướp con đi khỏi mẹ! Mẹ là mẹ của con, bà là bà của cháu đây, các con của tôi! Tối hôm ấy, hạnh phúc trọn vẹn ngự trị trong căn nhà xinh xắn. Một người em trai và một người chị gái, một bà mẹ và con gái đã tìm thấy nhau sau những năm dài ly biệt và đau khổ! Mọi người nhìn nhau, ôm hôn nhau dưới cái nhìn cảm động của ông mục sư, ông cảm ơn Thượng đế đã cho họ đoàn tụ.
Bà Thoux, người rất giàu có, đưa tất cả sang Pháp trong vài năm. George có thể hoàn tất việc học tập của anh ở đó.
Còn ở gia đình Shelby? Tất cả mọi người nóng lòng chờ đợi George trở về..Bà Shelby đang ngồi trong phòng khách.
Bác gái Chloé bày biện bàn ăn rất kỹ lưỡng.
Bác mặc một cái váy mới và rất sốt ruột được gặp lại ông chủ trẻ của bác.
– Bà có nhận được tin tức của cậu George không ạ? – Có, chỉ mỗi một dòng nói là nó sắp về.
– Chẳng có lời nào về ông chồng tội nghiệp của cháu ư? – Không, chẳng có gì bác Chloé ạ. Khi về đến nhà nó sẽ kể tất cả mọi chuyện cho chúng ta.
– Cháu tin rằng ông lão tội nghiệp của cháu sẽ không nhận ra lũ trẻ đâu! Cháu đã làm cho ông ấy một cái bánh gatô mà ông ấy ưa thích…
Bà Shelby thở dài. Bà cảm thấy sự im lặng của con trai bà che giấu một tin dữ.
– Bà có giữ tiền ở đó không? – Bác Chloé hỏi vẻ băn khoăn.
– Có, bác Chloé ạ.
– Cháu rất vui cho ông lão nhà cháu thấy những đồng tiền mà cháu đã kiếm được ở nhà ông chủ hiệu bánh. ông ấy muốn giữ cháu lại lâu hơn, nhưng cháu bảo ông ấy là chồng cháu đang về, còn bà thì không thể thiếu cháu lâu hơn được. Đó quả là một người rất trung hậu, cái nhà ông Jones ấy! Bác Chloé đã nài nỉ để người ta giữ những đồng tiền mà bác được trả, và bà Shelby rất vui lòng được làm điều đó cho bác.
– ông nhà cháu, ông lão tội nghiệp, còn chưa biết Polly, đã năm năm rồi từ khi ông ấy ra đi, Polly khi ấy còn là một đứa bé. Nó đứng còn chưa vững! Bà chủ còn nhớ không, ông ấy đã sợ nó ngã như thế nào.
Họ nghe thấy tiếng bánh xe lăn.
– Cậu George! Và bác Chloé chạy ra cửa sổ. Bà Shelby chạy ra cửa phòng khách. Bà ôm xiết con trai vào lòng.
Bác Chloé cố nhìn xuyên qua bóng đêm.
– Mẹ Chloé tội nghiệp! – George đầy xúc động nói.
Và anh nắm lấy bàn tay đen bóng trong đôi bàn tay mình.
– Cháu có thể hiến tất cả tài sản của cháu để đưa bác ấy về với cháu, nhưng bác ấy đã ra đi về một thế giới khác rồi.
Bà Shelby thốt lên một tiếng kêu đau đớn.
Bác Chloé lặng đi không nói.
Họ đi vào phòng ăn. Tiền của bác Chloé vẫn nằm trên bàn.
– Giờ đây cái này chả còn dùng vào việc gì nữa.
– Bác nói giọng run rẩy. – Tôi biết điều đó rồi sẽ.xảy ra… bị bán đi và bị giết chết ở những cái đồn điền già nua cũ kỹ ấy! Bác Chloé đi ra khỏi phòng. Bà Shelby theo sau bác, nắm lấy một bàn tay của bác, giúp bác ngồi xuống một cái ghế và ngồi bên cạnh bác.
– Bác Chloé tội nghiệp của tôi! Bác Chloé gục đầu vào vai bà chủ và khóc nức nở.
– ôi, bà ơi, tha lỗi cho cháu, tim cháu tan nát…
– Tôi hiểu, bác Chloé, tôi không thể an ủi bác được… – Bà Shelby nói.
Họ lặng lẽ khóc một lúc.
Rồi George đến ngồi bên cạnh bác Chloé tội nghiệp và nhắc lại cho bác nghe những câu nói đầy tình thương yêu của bác trai.
Một tháng sau, tất cả những người nô lệ trong nhà ông Shelby tập hợp trong phòng khách lớn để nghe một thông báo của ông chủ trẻ tuổi của họ.
Họ đã ngạc nhiên đến thế nào khi anh đến với một chồng văn bản. Đó là những chứng thư giải phóng cho họ. George đọc chăm chú tất cả những giấy tờ ấy và đưa cho từng người một. Những người da đen khóc, hoan hô George! Trong khi đó, rất nhiều người van nài anh đừng đuổi họ đi.
– Chúng tôi không muốn rời bỏ ngôi nhà cũ kỹ thân thương của chúng ta, rời bỏ cậu chủ, bà chủ và tất cả…
– Các bạn của tôi, – George nói khi anh đã lấy lại được sự im lặng. – Các bạn không bị buộc phải ra đi, tôi vẫn cần nhiều nhân công như trước đây.
Nhưng tất cả các bạn đều là những người tự do.
Nếu các bạn ở lại, các bạn sẽ được trả lương cho công việc của các bạn. Như vậy, nếu có chuyện gì xảy ra với tôi hoặc công việc làm ăn không suôn sẻ, các bạn sẽ không bị bắt để trừ nợ mà cũng không bị bán. Tôi sẽ ở lại trang trại và tôi sẽ dạy các bạn những quyền của người tự do. Còn một điều nữa. Các bạn có nhớ bác Tom tốt bụng của chúng ta không? Trên mộ bác, tôi đã hứa là tôi sẽ không bao giờ sở hữu nô lệ nữa. Sẽ không còn ai bị chết vì tôi, bị lôi đi khỏi tổ ấm, khỏi gia đình để bị chết một cách đơn độc ở một đồn điền nữa…
Mỗi lần các bạn vui sướng vì được tự do, hãy nghĩ rằng các bạn nhờ bác Tom mà có điều đó và hãy thương yêu chăm sóc vợ và các con của bác. Hãy đi theo bước chân của bác và hãy sống lương thiện, thủy chung và hào hiệp như bác Tom..


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.