Túp Lều Bác Tom

CHƯƠNG 5 – EVA VÀ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ



Saint-Clare chẳng có mối bận tâm nào về tiền bạc và giao phó chuyện chợ búa mua bán cho một trong những gia nhân của anh, cậu Adolphe bảnh bao.
Bản thân cậu ta cũng vô tâm và ngông nghênh như ông chủ. Vì thế sự hoang phí cứ việc diễn ra.
Bác Tôm, có thói quen tham gia vào mọi việc tính toán trong nhà ông bà chủ, không nén được đôi khi phải khuyên ngăn khéo léo.
Ngạc nhiên vì lương tri tuyệt diệu và sự thông hiểu công việc của bác Tom, Saint-Clare ngày càng tin cậy bác hơn, và cuối cùng bác trở thành một người quản lý của ông chủ.
Bác Tom có một niềm tôn kính đặc biệt pha lẫn tận tụy và sự quan tâm của một người cha đối với ông chủ trẻ đẹp của bác. Bác để ý thấy anh bông đùa với mọi chuyện, rằng anh hay lui tới các.hộp đêm, anh uống rượu, và điều đó khiến bác rất khổ tâm.
Một đêm, Augustin sau bữa tiệc trở về nhà say như chết. Bác Tom và Adolphe đặt anh lên giường và, trong khi Adolphe cho đó là chuyện hết sức hài hước, thì bác Tom suốt đêm đó cầu nguyện cho ông chủ.
Ngày hôm sau, Augustin tỏ vẻ ngạc nhiên: – Sao thế, bác Tom, bác không ngủ à? – Tôi cảm thấy rất bất hạnh, thưa ông chủ, tôi vẫn cứ luôn nghĩ là ông chủ tốt với tất cả mọi người.
– ừ, thế tôi đã làm gì nào? Bác thiếu thốn gì sao? – Không phải, thưa ông chủ, ông luôn luôn tốt với tôi.
– Vậy thì, bác đang nghĩ gì thế? Bác nói cho tôi rõ đi.
– Đêm qua, tôi đã tự nhủ rằng ông chủ không tốt với chính bản thân ông chủ.
Giọng bác Tom run rẩy trong cổ, và nước mắt bác chảy dài trên má.
– Bác có lý, bác Tom ạ, – Saint-Clare trả lời, -tôi không nên tham gia vào tất cả những trò điên rồ ấy nữa. Tôi thề với bác là bác sẽ không thấy tôi trong tình trạng này nữa. Nhưng tôi xin bác đấy, tôi không đáng để người ta phải khóc vì tôi đâu.
Bác Tom bước ra ngoài, hết sức vững dạ.
Và Saint-Clare giữ lời hứa.
Ngày đầu tiên sau khi đến đây, cô Ophélia dậy từ bốn giờ sáng. Cô xem xét hết các tủ và các phòng mà cô có chìa khóa. Bác Dinah, người đầu bếp già da đen, người vẫn trị vì trong bếp, cảm thấy rất công phẫn nhìn người mới đến lục lọi những cái tủ của bác. Bác Dinah vẫn được coi là một thiên tài về nghệ thuật nấu ăn, và mọi người luôn để bác tổ chức khu vực của bác theo ý bác muốn. Vậy là bác có quyền lực tuyệt đối. Nói cho cùng, không ai có thể chê trách bác điều gì. Bác có đôi chút kỳ dị, không ngăn nắp và tùy hứng, nhưng bác lúc nào cũng dọn ra những món ăn tuyệt ngon.
Hôm ấy, vào giờ lẽ ra phải bắt đầu chuẩn bị bữa chiều, bác đang ngồi bệt xuống đất ở trong bếp nghỉ ngơi hút tẩu phì phèo.
Đó cũng là lúc cô Ophélia xuống bếp sau khi đã đi xem khắp tòa nhà. Bác Dinah ở tư thế phòng thủ, đã quyết không chấp nhận những quy tắc mới trong lãnh địa của bác. Bác không đứng dậy, và theo dõi qua khóe mắt tất cả mọi hành vi của “quí bà miền Bắc”..Người đó mở một cái ngăn kéo và quay về phía bác đầu bếp: – Bác giải thích như thế nào về việc lấy ra những cái khăn bàn đẹp như thế này để gói thịt? – Cháu chẳng còn cái khăn tay nào cả…
– Và sao bác lại chất đống trong cái ngăn kéo này nào là một quyển Thánh ca, quả nhục đậu khấu, một cái áo, thuốc lá, một cái tẩu thuốc, pháo, hai đĩa đựng nước xốt đầy sáp, những chiếc giày cũ, những chiếc que đan và những cái phong bì rách đựng gia vị? – Cháu đựng sáp trong những cái đĩa xốt là để cho dễ lấy.
– Bác dùng những cái đĩa xốt mạ vàng như thế sao? – Cháu sẽ bỏ sáp ra vào một ngày tới.
– Thế tại sao bác lại nhào bột trên những cái hòm thế? – Bởi vì trên bàn đã đầy bát đĩa rồi chả còn chỗ nào cả.
– Vậy thì bắt đầu rửa bát đĩa đi.
– Rửa bát ư! Cô Marie không bao giờ bảo cháu đi rửa bát! – Bác Dinah à, tôi sẽ sắp đặt lại mọi thứ trong căn bếp này, và tôi mong bác giữ cho nó ngăn nắp từ nay về sau.
– Trời ơi, đấy có phải việc của các quí bà đâu! – Bác Dinah phẫn nộ trong khi cô Ophélia hăng hái bắt tay vào việc.
– Trong vòng vài ngày, cô Ophélia đã cải tổ lại tất cả mọi việc trong nhà. Nhưng cô không được sự giúp đỡ của kẻ ăn người làm.
Một hôm, cô đến nói với Saint-Clare vẻ chán nản: – Thực là không thể sắp đặt mọi chuyện ở đây vào nề nếp! – Quả có thế.
– Tôi chưa bao giờ thấy lộn xộn và lãng phí đến như thế.
– Em đồng ý với chị.
– Nếu cậu phải coi sóc mọi chuyện thì cậu sẽ xét các chuyện đó một cách nghiêm túc hơn.
– Chị yêu quí, có hai loại ông chủ. Chúng ta thuộc số những người chủ tốt, không ưa tỏ ra nghiệt ngã. Thế thì muốn đạt được việc gì đó cũng khó hơn, và cần rất khéo léo và tinh tế. Cho nên, em thích để mọi việc đến đâu thì đến. Và em không muốn phạt đòn những người nô lệ tội nghiệp này.
Bác Dinah làm cho chúng ta những bữa tiệc thực sự: những món canh, những món quay, những món tráng miệng, kem ướp lạnh… và điều đáng kể,.là những thứ bác ấy dọn lên, chứ không phải cái cách bác ấy chuẩn bị bữa ăn.
– Nếu cậu biết những gì mà chị đã khám phá! – Em cũng đoán thế, chị của em ạ.
Nhưng, thật tình mà nói, chị đừng chờ đợi mọi việc sẽ hoàn hảo kể cả những chi tiết nhỏ nhất.
Thôi nào, nói chuyện nghiêm túc thế là đủ rồi, ta đi ăn thôi! Buổi chiều, cô Ophélia đang ở trong bếp thì bác Prue, một bà già cao lớn và rất gầy bước vào.
Bà đội trên đầu một giỏ bánh bítcốt và những cái bánh mỳ nhỏ nóng giòn.
Bà có vẻ cau có và giọng khàn khàn. Bà đặt giỏ xuống đất, ngồi xổm và khoanh tay trên đầu gối.
– Tôi đang muốn chết đây. – Bà nói.
– Sao lại thế? – Cô Ophélia hỏi.
– Tôi sẽ được giải thoát khỏi nỗi thống khổ của tôi.
– Sao bác lại uống rượu? – Một cô hầu nhỏ hỏi bác.
– Để quên đi sự bất hạnh và nỗi đau khổ của tôi.
– Lại đây, bác Prue, để tôi xem bánh bítcốt của bác nào, – bác Dinah nói, – và cô Ophélia đây sẽ trả tiền cho bác. Tôi sẽ lấy hai tá bánh.
Bác Tom, ở trong bếp trong suốt cuộc nói chuyện, theo chân bác ta ra phố.
– Tôi sẽ mang hộ bác giỏ bánh cho đến cuối phố. Bác Tom bảo bác ta với niềm thương cảm.
– Để làm gì? Kể từ khi chồng tôi mất đi, chả có ai giúp tôi nữa? – Bác từ đâu đến? – Từ bang Kentucky.
– Tại sao bác lại hay uống rượu? – Để quên nỗi đau khổ của tôi. Sau khi tới miền này, tôi sinh một đứa con. Đó là đứa bé dễ thương nhất, nó chẳng khóc bao giờ. Bà chủ của tôi cho phép tôi nuôi dạy nó. Thế rồi bà ấy phát bệnh, bà ấy không muốn mua sữa cho con tôi nữa.
Đứa bé tội nghiệp khóc suốt ngày suốt đêm. Bà chủ nổi giận vì nó. Bà không cho tôi ngủ bên nó nữa, bà buộc tôi phải ngủ trong phòng bà. Và thế là tôi đã mất đứa con nhỏ tội nghiệp. Và tôi bắt đầu uống rượu.
Người ta không nói với bác là một ngày kia bác sẽ lên thiên đàng và bác sẽ tìm được sự an nghỉ trên đó hay sao? – Có chứ, nhưng thà không lên đó còn hơn ở đó với người da trắng..Rất xúc động, bác Tom quay về nhà. Bác gặp Eva, cô bé ngay tức khắc nhận ra vẻ xao động của bác.
– Bác Tom, hãy cho cháu biết có chuyện gì thế? Một cách giản dị, bác Tom kể cho cô bé nghe câu chuyện của bác Prue.
Đôi má của Eva xanh nhợt đi và em thở một hơi dài.
– Cháu chẳng muốn đi chơi nữa, câu chuyện này làm cháu buồn quá. – Cô bé nói.
Và em quay vào trong nhà.
Vài hôm sau, người ta biết tin bác Prue chết.
Cô Ophélia lo âu, bảo bác Tom kể cho cô nghe câu chuyện về bác Prue.
– Thật là tồi tệ, thật là khủng khiếp! – Cô Ophélia vừa kêu lên vừa đi vào gian phòng nơi Saint-Clare đang đọc tạp chí.
– Em biết là chuyện sẽ dẫn đến kết thúc như thế. – Augustin nói.
– Cậu đã ngờ thế mà cậu lại chẳng làm gì để ngăn ngừa chuyện khủng khiếp này.
– Nếu người ta muốn tự hủy hoại mình, thì em chẳng thể làm gì cho họ được. Tốt hơn là chúng ta để cho mọi việc đi theo tiến trình của chúng.
– Chị không thể chịu được việc nhìn bao cảnh đau buồn ấy.
– Em hiểu chị, chị của em ạ. Em đã thừa kế từ cha em một đồn điền rộng lớn. Em và em trai em đã phân chia nhiệm vụ. Bọn em có hơn bảy trăm nô lệ, nhưng em không chịu nổi việc không biết rõ từng người trong số họ và sở hữu họ như sở hữu một bày đàn. Số nô lệ rất đông, hiển nhiên là có những điều kinh khủng xảy ra, nhất là viên quản lý đồn điền lại là một con người cực kỳ khắc nghiệt.
Em trai em rất hạnh phúc với cuộc sống của một điền chủ trẻ, nhưng hai năm sau em không muốn sống một cuộc sống như vậy nữa. Em trai em khuyên em lấy lại ngân hàng và tòa nhà của gia đình ở Nouvelle Orléans. Và thế là em đến đây.
Thật phi lý khi nói đến hạnh phúc mà những người nô lệ có thể được biết. Cả đời làm lụng, từ sáng đến tối, dưới quyền một ông chủ… mà tất cả chỉ vì một chút đồ ăn thức uống… Thật là nhục nhã.
– Vậy thì, sao cậu không giải phóng cho những ngườn nô lệ của cậu đi? – Cô Ophélia hỏi.
– Em không có đủ can đảm làm việc đó. Một số nô lệ đã thực sự là một phần của gia đình này và em rất gắn bó với họ. Họ cũng rất sung sướng được sống với em và em để cho họ được lợi từ tiền bạc của em. Tuy thế em trai em không ngừng trách móc em..- Cậu ấy không nên làm thế.
– Khi còn trẻ, em đã ước mơ trở thành thủ lĩnh của phong trào giải phóng nô lệ. Nếu thế thì đất nước chúng ta sẽ không bị khinh bỉ như ngày nay nó đang bị những nước khác trên thế giới khinh bỉ.
– Tôi khâm phục cậu đấy, em trai ạ.
– Em không khác biệt với những người khác lắm đâu. Em chỉ hiểu là nếu người ta nghĩ rằng đạt được một kết quả nào đó nhờ phạt đòn thì lòng tốt là một biện pháp cũng hữu hiệu như thế.
Trong khi ăn, mọi người nói bóng gió đến cái chết của bác Prue.
– Nếu những người da đen xử sự tốt hơn, thì điều đó sẽ không xảy ra! – Marie Saint-Clare nói.
– Nhưng mẹ ơi, bác ấy rất bất hạnh, và điều đó đã làm bác ấy nghiện rượu chè đấy! – Eva nói.
– Đó không phải là một cái cớ, chính tôi đây cũng rất bất hạnh! Tôi nghĩ rằng tôi phải chịu đau khổ còn nặng nề hơn bác ta nhiều. Sự đau khổ của những người da đen là do họ tai ác. Này nhé, cha tôi có một người nô lệ luôn luôn tìm cách chạy trốn, người ta đã phạt đòn anh ta nhưng anh ta cứ tái phạm. Một hôm anh ta chẳng còn lê bước được, thế mà vẫn lết ra tận thảo nguyên và anh ta đã chết ở đó. Anh ta chả có lý do gì để làm như thế, cha tôi đối xử rất tốt với những nô lệ của ông ấy! Eva bỗng khóc òa lên.
– ôi! Con gái bé bỏng tội nghiệp của bố… Đừng khóc con! Chúng ta không nên kể những chuyện buồn trước mặt con. – Saint-Clare nói.
– Những điều này đâm thẳng vào tim con. Con có những ý nghĩ về tất cả những điều đó, và có thể một ngày kia con sẽ kể với bố.
– Con cứ suy nghĩ, con yêu quí, suy nghĩ, nhưng đừng khóc. Con hãy xem quả đào xinh đẹp bố đã hái cho con này! Eva mỉm cười cầm lấy quả đào, nhưng mọi người nhận thấy khóe môi cô bé run rẩy vì buồn rầu.
– Chúng ta đi xem cá vàng đi. – Bố cô bé vừa bảo vừa nắm lấy tay cô.
Rồi người ta nghe thấy những tiếng cười vui vẻ vang lên trong sân. Eva và bố đuổi nhau trên các lối đi.
Bác Tom có một căn phòng nhỏ ở bên trên chuồng ngựa. Phòng rất sạch sẽ, bên trong có một chiếc giường, một cái ghế và cả một cái bàn gỗ nhỏ trên để quyển kinh Thánh và cuốn thánh ca của bác.
George, con trai ông Shelby, đã dạy bác đọc và viết. Thế là bác quyết định viết, nhưng bác quên mất cách viết một số chữ và phải cố gắng hết sức..Đúng lúc ấy, Eva đến, đứng đằng sau ghế bác và nhìn qua vai bác.
– Bác đang làm gì đấy? – Cô bé hỏi.
– Tôi đang tập viết thư cho người vợ tội nghiệp và cho các con của tôi, nhưng tôi sợ rằng không viết nổi.
– Cháu sẽ giúp bác, năm ngoái cháu đã tập viết một ít rồi. – Eva trả lời. – Nhưng cháu e rằng chính cháu cũng đã quên mất.
Eva ghé mái đầu bé nhỏ tóc vàng óng lại gần mái đầu to lớn tóc đen, và hai bác cháu bắt đầu làm việc.
Sung sướng về kết quả đạt được, Eva reo lên: – Chắc là bác gái sẽ sung sướng lắm đấy, bác Tom! Và các con bác nữa! Quả thực là rất không hay việc cướp bác đi khỏi bác gái và các con của bác. Cháu sẽ bảo bố cháu trả bác về nơi ấy.
– Bà chủ cũ của tôi đã hứa với tôi là bà ấy sẽ chuộc lại tôi ngay khi bà ấy có thể làm việc đó! Và cậu chủ George, con trai bà ấy, nói rằng cậu sẽ đến tìm tôi…
– ồ! Thế thì anh ấy sẽ đến, cháu rất hài lòng.
– Eva nói.
– Kìa, bác Tom! – Saint-Clare đến đúng lúc đó.
– Bác làm gì thế? – Anh vừa hỏi vừa nhìn cái bảng đá.
– Một bức thư ấy mà… Trông chẳng ra sao có phải không? – Tôi không muốn làm bác nản lòng, bác Tom ạ, nhưng tôi cho rằng nếu tôi viết cùng với bác thì sẽ tốt hơn nhiều.
– Việc bác ấy viết lá thư này là rất quan trọng cha ạ. – Eva nói thêm. – vì bà chủ của bác ấy đã hứa là sẽ gửi tiền để chuộc lại bác ấy.
Saint-Clare giấu sự nghi ngờ và bảo bác Tom đi thắng ngựa.
Đến tối, bức thư của bác Tom đã được viết xong và được bỏ vào thùng thư.
Trong thời gian này, cô Ophélia tiếp tục những cải cách của cô trong tòa nhà. Saint-Clare tuyên bố anh đã mệt mỏi khi nhìn thấy bà chị lúc nào cũng bận rộn như vậy. Đúng là cô đã làm hơi quá. Cô dạy từ mờ sáng và khâu vá đến khi màn đêm buông xuống.
Một buổi sáng, khi đang dọn dẹp nhà cửa, cô nghe thấy Saint-Clare gọi cô từ dưới chân cầu thang.
– Chị ơi, chị xuống đây đi, em có cái này cho chị xem.
– Gì thế? – Cô Ophélia vừa hỏi vừa đi xuống, tay cầm chiếc áo đang đan.
– Em có một món quà cho chị. – Anh nói và anh đẩy lên phía trước một con bé da đen chừng.tám, chín tuổi. Đó là một con bé có nước da đen nhánh, cặp mắt luôn láo liên, và không ngừng nhìn khắp mọi thứ trong nhà. Miệng nó mở hé vì ngạc nhiên để lộ hàng răng nhỏ trắng muốt. Tóc nó chia thành các bím nhỏ rải rác khắp đầu. Nó chỉ có một cái bao rách tã mặc thay quần áo. Toát ra từ toàn bộ con người nó một vẻ gì kỳ lạ và ngẫu hứng. Cô Ophélia kinh ngạc, quay về phía Saint-Clare và hỏi anh: – Augustin, sao em lại đưa nó đến đây? – Thì, để chị giáo dục nó và dạy dỗ nó đúng cách.
Cô Ophélia sững sờ và không nói gì cả.
– Topsy, đây là bà chủ mới của mày, ta sẽ giao mày cho bà đây, hãy chú ý cư xử cho ngoan nhé.
– Vâng, thưa ông. – Topsy vừa trả lời vừa chắp tay lại.
– Augustin, điều này nghĩa là thế nào? Trong nhà cậu đã đầy những lũ quỉ ấy rồi, chúng ta không thể bước một bước nào mà lại không giẫm lên chúng… vậy mà cậu còn đưa về thêm một đứa nữa! Mà để làm gì cơ chứ, trời ạ! – Để chị dạy dỗ, mở mang cho nó, em đã nói với chị rồi mà. Chị lúc nào cũng tuyên truyền về giáo dục, chị hãy dạy dỗ nó như nó cần được dạy dỗ.
– Tôi không cần, tôi bảo đảm với cậu thế, tôi đã có quá đủ việc đại loại như thế này rồi! – Đấy, các vị con chiên ngoan đạo là như thế đấy! Các vị cử một nhà truyền giáo khốn khổ đến sống với những kẻ tà đạo, thế mà khi người ta chỉ yêu cầu các vị cải đạo cho một kẻ tà đạo thôi, thì cho là đòi hỏi quá nhiều. Người ta bảo họ bẩn thỉu và khó chịu, rồi thế nọ, rồi thế kia…
– Tôi không nhìn mọi vật theo quan điểm ấy. -Cô Ophélia nói, vẻ dịu đi.
Và cô liếc nhìn con bé.
Saint-Clare đã đánh trúng.
– Con bé này là con một cặp vợ chồng bợm rượu và hàng ngày khi đi qua quán rượu tồi tàn của họ, em luôn nghe thấy con bé khóc lóc, còn bố mẹ nó thì la hét và nguyền rủa. Việc đó không thể kéo dài hơn được nữa, thế nên em đã mua con bé cho chị. Chị hãy dạy dỗ nó như ở Nouvelle Angleterre, em tin cậy ở chị.
– Tôi sẽ làm cái mà tôi có thể. – Cô Ophélia nói.
Và cô dẫn con bé xuống bếp. ở đó, cô thấy rõ là chả ai có ý định dạy bảo nó. Nên cô quyết định chính cô sẽ làm việc ấy, với sự giúp đỡ của cô Jane..Cô Ophélia khám phá ra rất nhiều vết đấm đá và những vết sẹo lớn trên người con bé. Cô cảm thấy mềm lòng vì thương cảm.
Khi con bé đã ăn mặc chỉnh tề, tóc đã cắt ngắn, cô Ophélia thấy tạm hài lòng. Cô bắt đầu suy nghĩ về một kế hoạch giáo dục. Cô ngồi xuống trước cô bé nô lệ và hỏi nó.
– Cháu lên mấy, Topsy? – Cháu không biết, thưa bà.
– Sao cơ, cháu không biết à, không ai bảo cháu sao? Thế còn mẹ cháu? – Cháu không có mẹ! – Cháu muốn nói gì thế? Cháu sinh ra ở đâu? – Cháu chưa bao giờ sinh ra. – Topsy tiếp tục nói mặt nhăn nhở.
Cô Ophélia lại hơi nghiêm khắc nói: – Ta không đùa với cháu đâu, cô bé ạ, cháu phải trả lời ta.
– Cháu không sinh ra bao giờ, cháu không có bố, không có mẹ, chẳng có gì sất, cháu được một lái buôn nuôi, còn mẹ già Sue trông nom…
Con bé đã nói thành thật, có thể thấy rõ điều đó.
– Cháu có biết khâu vá không? – Cô Ophélia đặt cho nó những câu hỏi dễ hơn.
– Không ạ. Cháu biết xách nước, rửa chén đĩa, cọ dao, hầu hạ mọi người ạ.
– Chị thấy không, chị của em, mảnh đất còn hoang sơ đấy, tất cả đợi được khai phá.
Cô Ophélia có những tư tưởng rất rõ ràng về giáo dục. Dạy lũ trẻ nói năng khi chúng biết nói, dạy giáo lý cơ đốc, dạy đọc, dạy viết, và phạt chúng khi chúng dối trá.
Sáng hôm sau, cô Ophélia cho gọi Topsy vào phòng và bắt đầu dạy nó cách trải giường.
– Hãy chú ý xem những gì ta làm, Topsy. – Cô nói.
– Vâng, thưa bà, – Topsy vừa nói vừa thở dài vẻ ủ ê rầu rĩ.
Và trong khi cô Ophélia quay lưng lại để chỉ cho nó cách làm, cô học trò nhỏ thó một đôi găng tay và một dải ruy băng, nó khéo léo giấu dưới ống tay áo.
– Giờ hãy cho ta xem cháu làm thế nào nào. -Cô Ophélia vừa nói vừa kéo lại những tấm chăn.
Và cô ngồi xuống.
Topsy trải giường vẻ khéo léo và nghiêm trang, cô Ophélia rất hài lòng. Nhưng rủi thay một động tác lại làm thòi dải ruy băng ra khỏi tay áo nó. Cô Ophélia lao tới..- Con bé hư, cháu đã ăn cắp cái ruy băng này! Topsy nhìn dải nơ vẻ ngây thơ và hoàn toàn ngạc nhiên.
– Đây là dải nơ của cô Ophélia đây mà! Làm thế nào mà nó lại mắc ở trong tay áo cháu nhỉ? – Topsy, đừng có nói dối, chính cháu đã lấy trộm nó! – Không phải đâu ạ, cháu thậm chí còn chưa nhìn thấy nó nữa là! Trước một sự dối trá đến như thế, cô Ophélia công phẫn, bắt con bé ngồi xuống và lay lay người nó.
– Nếu cháu thú nhận, cháu sẽ không bị đòn.
– Vâng vâng, thưa cô, chính cháu đã lấy nó, cũng như đôi hoa tai của chị Rosa, và cả cái vòng cổ màu đỏ của cô Eva nữa. Và cháu đã đốt tất cả những thứ đó rồi ạ.
Đúng lúc đó, Eva bước vào, chiếc vòng đỏ đeo quanh cổ.
– Cháu đã tìm thấy vòng rồi à, Eva? – Cô Ophélia hỏi.
– Cháu vẫn luôn đeo nó ở trên cổ mà! Cô Ophélia còn ngạc nhiên hơn nữa khi Rosa mang một giỏ quần áo bước vào. Đôi hoa tai leng keng trên tai chị.
– Ta chẳng hiểu gì sất, Topsy ạ, tại sao cháu lại nói là cháu đã lấy những thứ này? – Cô đã bảo cháu thú nhận mà…
– Nhưng cháu không cần phải thú nhận những việc mà cháu không làm, như thế cũng là dối trá! – Nếu cháu là ông Saint-Clare, cháu sẽ đánh đòn nó. – Rosa nói.
– Không, đừng, chị Rosa, chị đừng nói như thế.
– Evangéline nói bằng một giọng uy quyền như đôi khi cô biết lấy giọng uy quyền.
Rosa ngây người như bị mê hoặc.
– Cô Eva có dòng máu của ông chủ trong huyết quản… quả là rõ ràng. Cô bảo vệ tất cả mọi người, cũng như cha cô! Evangéline nhìn Topsy.
Cô bé dịu dàng nói với nó: – Topsy tội nghiệp, em biết là chúng ta sẽ săn sóc em tử tế. Ta thà tặng em tất cả những thứ ta có còn hơn là nhìn thấy em trộm cắp.
Đó là câu nói nhân từ đầu tiên mà Topsy từng được nghe, và nó không dám tin ở tai mình.
Cô Ophélia nói với người em họ: – Chị không biết phải làm gì để giáo dục nó nếu không phạt đòn. – Được thôi, – anh trả lời, – hãy làm như chị muốn. Nhưng trước dây nó đã từng bị đánh, và chị thấy kết quả đó! – Thế thì làm gì bây giờ? Chị chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào như thế. Nhưng chị sẽ tiếp tục cố gắng.
Và cô rất can đảm bắt tay vào việc. Cô ấn định một trật tự, thời gian biểu, và tiến hành dạy con bé đọc và viết. Việc học hành diễn ra khá tốt, chẳng mấy chốc Topsy đọc đã thông thạo.
Chẳng bao lâu, mọi người trong nhà đều chú ý đến Topsy. Ngay cả Eva cũng bị lóa mắt bởi con quỉ nhỏ này. Cô Ophélia lo ngại về điều đó. Cô bảo Saint-Clare đưa mọi việc vào trật tự.
– Dào! Hãy để mặc bọn trẻ…
Thoạt tiên những người nô lệ khinh miệt Topsy. Cũng đôi khi nó gặp rắc rối với người này người nọ, chẳng hạn như tình cờ có cô hầu nào không tìm thấy đôi hoa tai của mình, hoặc cô khác vấp phải chảo nước sôi… Nhưng chẳng bao giờ người ta chứng minh được đó là do Topsy.
Nó rất sáng dạ. Chỉ qua vài bài học, nó đã biết dọn phòng của cô Ophélia đúng như ý cô muốn.
Nó vẫn còn hoang dã và vô kỷ luật, nhưng khi nó muốn thì nó quét tước dọn dẹp y như một người đầy tớ thực thụ và tận tụy.
Việc giáo dục Topsy cứ diễn ra trong một, hai năm như thế. Cô Ophélia đã quen với nó. Saint-Clare lấy chuyện đó làm vui. Dần dần, êm ả, nó có được vị trí của nó trong nhà..


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.