Tuyển tập truyện ngắn của Y Ban

Người đàn bà có ma lực – Phần 03



Ta hay đi dạo chơi một mình. Phải chăng nhiều chuyện bắt đầu từ những cuộc dạo chơi đó? Ta lững thững đi trên hè phố và chiều nay là một chiều đông ảm đạm. Phía trước ta là một người đàn ông to cao vạm vỡ dắt một đứa con gái bé xíu. Đứa bé thật xinh xắn trong chiếc áo len đỏ. Con bé nhũng nhẵng quay ngang quay ngửa. Nó phát hiện thấy ta cũng mặc chiếc áo len đỏ như nó. Nó rút tay ra khỏi tay cha nó, chạy lại phía ta. Người đàn ông quay lại mỉm cười:
– Con lên đây với ba, đừng làm phiền cô.
– ứ ừ con thích cô cơ.
Ta hơi rùng mình một chút bởi cảm giác được tạo nên khi người đàn ông kia gọi con gái mình. Tiếng gọi rất đỗi dịu dàng ấy được phát ra từ người đàn ông trông rất dữ tợn. Tuy thế ta vẫn nắm chặt tay con bé và cố tạo bộ mặt phớt lạnh như bao lần khác:
– Con đi với cô, ba về nhà đây.
– Ứ ừ.
– Thế đi lên đây với ba.
– Nhưng con thích cô cơ!
Người đàn ông đi chậm lại. Ta phát hiện trên ngực người đàn ông lạ kia có một băng tang đen. Lúc ấy ta có linh cảm rằng chiếc băng để tang, để thương nhớ người vợ đã khuất. Bởi thế khi đi qua nhà, người đàn ông mời ta vào, ta đã không ngần ngại:
– Xin mời chị vào nhà.
– Cô ơi nhà cháu đây này!
Căn nhà rộng rãi nhưng trễ nải, biết ngay là thiếu sự có mặt của người phụ nữ. Để củng cố nhận định cho chắc ta tìm kiếm trong căn nhà chiếc bàn thờ nhang khói nhưng không thấy. Người đàn ông lạ đã tiếp ta lịch sự nhưng không hề tỏ ý cởi mở thân thiện. Cô bé mang ra khoe với ta một hộp đồ chơi. Như không nhìn thấy thái độ lạnh lùng của người đàn ông, ta đã ngồi chơi rất dịu dàng với con bé. Điều này ta chẳng phải lên gân lắm. Ta vốn yêu con trẻ và biết cách chơi với chúng. Người đàn ông kiếm quyển sách và ngả mình trên đi văng. Ta nhận thấy người đàn ông thỉnh thoảng có liếc mắt về phía ta khó hiểu và khó chịu nữa. Chơi được một lúc ta định đứng lên về thì con bé níu ta lại:
– Cô ơi cháu buồn ngủ lắm.
– Nhưng cô phải về. Ba cô sẽ đóng cửa không cho cô vào đâu.
– Nhưng cháu buồn ngủ.
– Lại đây với ba. Con làm phiền cô như thế là đủ rồi đấy.
– Ứ ừ, nhưng con thích cô bế con cơ. Cô bế cháu như thế này rồi cô ru như thế này đi.
Cô bé nhắc đến mẹ nó. Một sự thương cảm nhói lên vì sự nhận định lúc trước của ta, thế là ta bế con bé. Mọi người vẫn hay khen ta ru trẻ con khéo. Chẳng mấy chốc con bé đã ngủ say trên tay ta. Ta ngắm nó ngủ, con bé xinh quá.
– Chà, xin lỗi, chị đã có gia đình chưa? – Người đàn ông thốt lên làm ta giật mình bối rối. Ta lắc đầu.
– Vậy ra bản tính làm mẹ là phản xạ bẩm sinh ở phụ nữ. Chị ru trẻ con mới khéo làm sao!
Ta đặt con bé xuống giường. Được lời khen của người đàn ông, trong ta chợt bừng lên ý nghĩ làm ta thích thú. Ta sẽ làm cho người đàn ông ngạc nhiên nữa. Ta nhanh nhẹn đi thu gọn nhà cửa. Chỉ một loáng, căn nhà trở nên gọn gàng, sạch sẽ. Dọn xong trên nhà ta đi xuống bếp. Người đàn ông như chết lặng trên đi văng không hiểu ra sao? Dọn dẹp xong xuôi ta rửa chân tay và đứng giữa nhà chắp tay quan sát kết quả lao động của mình. Người đàn ông nhìn ta thân thiết và bất giác thu gọn người lại trên đi văng như ta sắp sửa ngồi xuống bên cạnh. Ta hiểu cử chỉ đó và bật cười khanh khách.
– Chào tạm biệt ba con anh nhé.
– Chị về ư?
– Chẳng lẽ tôi cứ ở đây mãi?
– Chị sẽ lại đến đây nữa chứ.
– Cảm ơn, nhưng tôi còn có việc của tôi.
Ta ra về với ý nghĩ rất vui thích là đã để lại trong lòng người đàn ông kia đầy rẫy những câu hỏi. Ta là ai? Ta là người như thế nào?… Và ý nghĩ ta sẽ không còn bao giờ gặp lại họ nữa để cho họ nhiều phen đi dạo phố và ước ao. Kể cũng hay thật!
Nhưng chỉ vài hôm sau, khi ta vừa kịp quên câu chuyện cũ, đột nhiên người đàn ông và con bé xuất hiện ở chỗ ta.
– Cháu chào cô. Cô đến nhà cháu chơi nữa đi.
– Xin lỗi! – Người đàn ông lúng túng. Ta phải chiều con trẻ thôi chị ạ.
– Cô đến nhà cháu đi.
Ta vui vẻ và vô tư đi đến nhà họ. Người đàn ông đã mua sẵn nhiều thức ăn tươi. Như lần trước ta lại chơi thật thân thiết với con bé. Sau đó ta và con bé xuống bếp làm cơm. Con bé vui quá. Ta định dò hỏi nó về mẹ nó xem sao? Có phải mẹ nó chết rồi không? Nhưng ta sợ nó khóc, đành thôi. Sau đó bữa ăn được dọn ra, sạch sẽ và ngon lành.
– Ba ơi ngon quá. Con chưa bao giờ được ăn ngon như thế này.
– Cảm ơn. Bữa ăn ngon thật!
Quả là họ ăn ngon, như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy. Người đàn ông rất ít nói. Ông ta chỉ nói phụ họa con gái. Ông ta không hề hỏi han ta và cũng chẳng hề có ý định cởi mở tấm lòng.
Những lần sau ta đến chơi và ta tự nhận thấy ở ta có một cảm xúc đến tự bao giờ, không hề báo trước. Đó là cái cảm giác ấm cúng trong căn nhà. Và đôi khi ta bắt gặp ta nhìn say đắm cái hình ảnh con bé ngồi nũng nịu trên lòng ba nó. Có lẽ ta muốn dừng lại ở người đàn ông này chăng? Thế nhưng người đàn ông cứ một mực im lặng. Ta thường ra về khi đã ru con bé ngủ.
Thời gian đã trôi đi khá lâu kể từ cái chiều đông ảm đạm nọ. Ta cảm thấy ta đã quen lắm với ngôi nhà nhỏ kia. Một buổi tối con bé hỏi ta:
– Cô ơi, cô có phải là mẹ cháu không?
Ta rùng mình và có cảm giác tan biến đi. Có thể ta lại trở nên nhẹ bỗng như bao lần. Ta nghĩ rằng đó là lời của cha nó. Sau đó ta kín đáo quan sát vẻ mặt người đàn ông xúc động hơn ngày thường. Ông ta chú ý quan sát ta ru con bé hơn mọi bận. Con bé ngủ rồi ta đặt con bé xuống giường và kéo ghế ngồi đối diện với người đàn ông. Ta nhìn rất thẳng vào mặt người đàn ông. Ông ta cũng có vẻ nhìn ta chăm chú nhưng đó là đôi mắt không có hồn, ta hỏi người đàn ông:
– Anh có muốn cưới em không?
Người đàn ông giật mình như tỉnh cơn mơ.
– Không, tôi sợ người đàn bà như chị. Người đàn bà có sức quyến rũ ma lực. Mà lại không phải là sức quyến rũ tự nhiên. Ngay từ đầu đã kìm người khác vào cái vòng phong tỏa của mình. Rồi sau đó lại ý thức được cái mà chị đang làm. Chị sẽ tha hồ mà giật mà kéo… Chị tưởng tôi không nhận ra những cái hoàn hảo nơi người đàn bà như chị ư? Nhưng tôi đã phải như không nhìn thấy. Mẹ của bé Vân Anh cũng thế, chị tưởng cô ta chết ư? Không phải thế. Cô ta ru con còn khéo hơn chị nữa kia. Cô ta còn dịu dàng hơn chị nữa kia. Nhưng cô ta đã bỏ đi rồi. Không, tôi sợ, chị hiểu không. Tôi đã để tang đàn bà.
– Cảm ơn anh về sự thật. Nào, chúng ta chia tay đi.
Người đàn ông giơ tay ra bắt và cứ thế nắm chặt tay ta một lúc lâu.
– Không, em đừng đi, tôi sẽ cưới em, dù cho sẽ phải chịu đau khổ một lần nữa. Trời ơi, tôi đã cố tình im lặng và gạt bỏ đi, thế mà em còn nói làm gì. Hãy cứ để cho tôi được im lặng và tận hưởng cái hạnh phúc được nhìn em dịu dàng ru con là đã đủ lắm rồi.
– Đàn ông các anh thật tính toán. Muốn có hạnh phúc lại sợ đau khổ? Anh không biết rằng tạo hóa đã rất công bằng đấy ư? Thôi, chấm hết. Chào anh.
– Em không quay lại với bé Vân Anh nữa ư?
Ta không đến căn nhà nhỏ nữa nhưng ta cứ ngóng chờ ba con họ đến tìm. Ta chỉ mong họ đến lần nữa. Ta cứ chờ, thành ra ta không có được cái cảm giác khắc khoải khi chia tay. Ta cứ chờ và họ đã không đến.
Rồi thế nào nữa? Cái ý định dừng lại nung nấu ở trong ta chẳng phải chỉ còn là trong mộng tưởng mà chính là do sự thật đã dạy cần phải như thế. Những công việc ở cơ quan không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Ta không thể phàn nàn hoặc tìm nơi an ủi ở bố mẹ được. Chính bố mẹ còn nhiều nỗi buồn phiền hơn ta. Còn các bạn gái thì câu an ủi muôn thuở – hãy chịu đựng cho quen. Ta đành câm lặng với vết chém trong lòng. Ta trở nên bẳn gắt, hoài nghi. Một lần sau khi phải chịu đựng sự ngang trái của bà tổ trưởng, ta không sao giữ lại được trong lòng, liền tìm đến người bạn đã lớn tuổi hơn của ta. Chị ấy nghe hết nỗi niềm tâm sự của ta. Chị ấy bảo:
– Em nên lấy chồng đi em ạ. Tất nhiên không phải người chồng nào cũng được như ý mình, cũng mang lại hạnh phúc, sự sung sướng cho mình cả đâu.
Nhưng chị tin rằng những lúc như thế này em sẽ tìm được sự thông cảm nơi chồng em và sự vuốt ve âu yếm sẽ làm dịu đi cơn đau trong lòng. Em có thấy không, những bà cô quả đấy, họ khô khan, họ bẳn tính là bởi họ thiếu sự đồng cảm, họ thiếu sự âu yếm mà họ cần đến như em lúc này. Em ạ, hãy nghe chị.
– Đúng đấy – Chồng chị ấy lên tiếng – Những ngày đầu khi chị ấy mới đi làm anh đã bị rách bao nhiêu là áo nhé, mà chỉ rách ở vai thôi. Nếu không có anh, khéo chị ấy bỏ nghề đi buôn rồi.
– Anh thì chỉ…
Ta ra về lòng chất nặng những suy nghĩ của họ. Có lẽ họ nói đúng. Họ đã trải qua kinh nghiệm sống hơn ta nhiều. Ta muốn dừng lại. Nhưng… liệu ta có đi quá đà rồi không? Vì ở tuổi ta lúc đó duyên số không còn mặn mà chào đón nữa. Và sự làm mai mối thì người ta sợ, hoặc họ muốn trừng phạt ta cho đáng đời.
Nhưng vẫn chưa phải là hết. Một người đàn ông nữa đến với ta. Đó là người đàn ông cuối cùng ta đặt hết thảy hy vọng để dừng lại. Ta đã thật chân thành và nghiêm túc.
Anh ta mới đi thực tập sinh ở nước ngoài về. Như bao cách gặp nhau để xây lên một mối tình mơ mộng, ta và anh ta gặp nhau ở nhà một người bạn. Ngay từ đầu anh ta không làm ta hấp dẫn vì cái mẽ bề ngoài. Dáng người nhỏ bé tuy không quắt. Mắt đeo kính cận nặng, khuôn mặt bầu bĩnh trắng trẻo như con gái, tóc dài mượt như tóc trẻ con. Anh ta có một chút gì đó giống nghệ sĩ và bị hút ngay vào điệu cười ròn rã của ta.
– Chị cười hay quá!
– Xin lỗi, tôi làm phiền anh.
– Không, thành thực tôi chưa bao giờ được nghe điệu cười ròn rã vô tư như thế ở người lớn.
– Xin lỗi, đây không tiện đàm thoại về những điệu cười. Nếu có thời gian anh hãy qua chỗ tôi chơi nhé.
– Vâng, rất hân hạnh.
Anh ta đến. Nhưng không phải đàm thoại tiếp về những điệu cười. Đến để kể về chuyến đi “làm giàu” ở nước ngoài của anh ta. Chắc là anh ta chưa có dịp kể cùng ai. Hơn 10 tháng anh ta đã kịp mang về 100 chậu nhôm to, 40 phích vĩnh cửu, 2 đầu máy khâu, 2 tủ lạnh Xaratốp,v.v. Bao nhiêu là thuốc men. Anh ta kể anh ta được ở khách sạn du lịch. Đủ các khách du lịch ngoại quốc đều đến ở khách sạn này: Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Ba Lan, Nhật Bản… Những người khách du lịch mang theo hàng hóa để đổi. Anh ta chỉ việc ngồi ở bàn quay tê lê phôn. Anh ta dùng thứ tiếng Anh thông dụng.
– Hê lô. Anh từ đâu đến.
– Ba Lan.
– Tuyệt vời. Tôi muốn có một đôi giày. Anh có mang đi chăng?
– Chỉ có thế thôi em ạ. Anh nói số phòng thế là họ mang đến. Có thể họ sẽ lấy tiền nhưng thường thì họ đổi bằng những cái làn cói, lẵng hoa hồng, đồng hồ điện tử… những thứ anh mang ở Việt Nam sang. Anh treo la liệt những thứ đó ở trong phòng như để trang trí. Lúc mang ra khỏi khách sạn thì cũng khó đấy nhưng anh đã kết thân được với hai cô phục vụ viên to gấp ba anh đây này. Cao hơn anh hẳn từ vai lên. Em biết không? Ở bên ấy có tục lệ rất hay nhé. Muốn kết bạn với nhau thì phải uống rượu. Nếu đã mời rượu rồi thì có thể ngủ… à hôm anh và các cô ấy nhảy với nhau đến gần sáng. Anh lọt thỏm trong vòng tay cô ta quay cuồng. Buồn cười thật. Anh cố dang cả hai tay thế này cũng không vòng hết eo cô ta. Anh mệt muốn chết mà cô ta lại cứ hăng hái. Sau cùng anh tặng cô ta một chiếc áo phông Thái. Cô ta sướng tưởng chết ngất. Ngay lập tức tối sau cô ta mặc vào mời anh đi xem phim. Đến lúc tan buổi chiếu, anh thấy mặt cô ta xám lại. Anh vội gọi ta-xi đến bệnh viện. Thì ra cô ta suýt ngạt vì nịt chặt quá… Ha ha…
– Ngoài ra, anh còn có đường dây sinh viên. Bên ấy buôn bán đâu phải đi lại cho nặng nhọc. Ở thành phố anh ở có mặt hàng gì mới, anh tê-lê-phôn đi các nơi khác hỏi giá cả. Họ thông báo. Nếu hơn, anh lập tức đi mua… Tất nhiên mua cũng khó. Mua được rồi anh gửi vào toa hàng hóa của đoàn tàu tốc hành. Sau đó anh quay tê-lê-phôn nói số tàu và số hành lý. Mấy ngày sau họ gửi bưu điện trả lại tiền cho anh.
– Số anh hay gặp vận đỏ em ạ. Nhất là đàn bà. Họ hay cho anh lắm. Bà chị nuôi cho anh chiếc đồng hồ này. Cô con gái ông bảo vệ viện tặng anh chiếc xe đạp.
– Em hãy tính hộ anh xem nhé, 1 chiếc chậu nhôm 6.000 đồng, một chiếc phích vĩnh cửu 36.000 đồng. Em xem anh sẽ có gần 2 cây. Anh sẽ mua thành vàng hết.
– Anh còn phải phấn đấu để đi Dupna một chuyến. Chà! Có em nữa. Em sẽ làm những việc này cho anh. Thì sau đó, xem nào bọn mình sẽ có vài chục cây. Anh sẽ xin về hưu luôn, chẳng phải đi làm gì cho vất vả…
Đúng, anh ta sẽ chẳng phải đi làm gì cho vất vả, khi đã giàu có. Nhưng hãy xem kẻ giàu có đã xử sự như thế nào.
Một lần anh ta rủ ta đến chỗ cô em gái chơi. Anh ta nhảy vội lên xe buýt và chiếm được một chỗ tốt. Anh ta ngồi ung dung và mắng ta về tội lề mề không chịu nhanh nhẹn nên bây giờ phải đứng. Sau đó anh ta say sưa kể rằng ở bên Tây, đến những chỗ công cộng bao giờ cũng được đối xử rất lịch sự như được nhường chỗ chẳng hạn. Ta thấy gai hết người muốn châm chọc anh ta đôi lần nhưng ta cứ im lặng. Ta muốn mình dịu dàng.
Lúc xuống bến ô-tô buýt trời nắng oi ả. Anh ta mời ta vào quán giải khát rất lịch sự. Anh ta gọi hai cốc trà đá. Ta không sao nuốt được cái thứ nước ngang ngang, lành lạnh ấy.
– Sao em không uống đi, thứ nước này giải khát tốt lắm.
– Em không biết uống, anh cứ uống đi.
– Ừ, người Tây bao giờ cũng rất tiết kiệm em nhé. Họ đã mua gì thì họ chẳng bao giờ để phí đến một giọt.
Bà chủ quán nhìn cảnh anh ta uống hết hai cốc trà đá, còn ta thì ngồi không bèn như muốn nhắc nhở:
– Sao chú?
Ta đã nhăn mặt, cố xua tay để bà chủ quán đừng nói tiếp. Ta sợ bà ta nói ra thì ta sẽ không có cơ hội dừng lại vì ta sẽ vượt qua “rào chắn” của ta mất. May sao anh ta quá chăm chú vào việc uống hết hai cốc nước. Uống xong anh ta đỡ nách ta đứng dậy như kiểu đã no say không thể tự đứng lên.
– Đi thôi em, cảm ơn bà chủ quán nhé!
Trong khi đó hai con người trong ta đang đánh lộn nhau khủng khiếp. Một con người muốn dừng lại cứ lảo đảo đi theo anh ta. Còn con người mơ mộng trước kia thì xỉ vả:
– Hãy quay về đi. Mi không còn chút nhận thức nào ư? Hắn là thằng cha bần tiện!
– Chưa chắc anh ta đã bần tiện – Con người kia cãi lại. Có lẽ anh ta nhiễm quá sâu phong cách sống của Tây.
Cho đến một lần ta không thể nào biện bạch nổi cho con người của ta được nữa. Đó là một lần trong lúc đùa vui nhí nhảnh ta và anh ta đã chơi một trò vui đánh đố nhau.
– Nếu em được cuộc, em sẽ được một chiếc mũ nồi nhé. Còn thua, anh có thể đòi bất kỳ cái gì ở em.
Anh ta bị thua. Anh ta cứ lờ đi, coi đó là một câu nói đùa nhưng ta đã cố ý đòi để xem thực bản chất của anh ta. Cuối cùng đã đến lúc cực đại của lòng “sĩ diện”, anh ta phải đèo ta đi mua mũ. Tìm mãi mới có một chiếc mũ nồi đỏ. Hỏi giá thì đắt gấp đôi mũ nồi đen. Anh ta sững sờ cả người. Mắt anh ta như đứng lại sau cặp kính trắng. Điều này ngoài ta, thì chỉ có chủ hàng biết. Ta đứng sau anh ta giữ xe đạp. Sau phút kinh hoàng, anh ta cứ mân mê số tiền cầm trong tay. Anh ta cứ đắn đo mãi, muốn mua chiếc mũ nồi đen rẻ hơn. Người chủ hàng mỉm cười:
– Mua tặng “bồ” à? Giá thế có đắt là bao. Tôi mà được phép tặng bồ của tôi, tôi tặng cả gia sản.
– Im đi, đồ ngốc. Phù phiếm, cái trò vớ vẩn. Chỉ quăng tiền vào những trò vớ vẩn!
Cùng với tiếng hét cho hả giận, anh ta quăng tiền lên trên mặt tủ kính. Ông chủ hàng quăng trả tiền:
– Anh hãy cầm lấy tiền của anh. Đồ bần tiện. Hãy cầm ngay những đồng tiền bẩn thỉu của mi. Mi không xứng đáng mua chiếc mũ nồi đỏ này. Rồi mi sẽ làm hỏng cô gái ưa thích nó! Cút đi!
Tiếng ông chủ quát to làm ta giật mình và nghe thấy hết. Vừa lúc ta quay lại thì bắt gặp cảnh: ông chủ quán đã quá mạnh tay vung tiền của anh ta xuống vỉa hè. Anh ta cúi gập để nhặt tiền vì thế rơi mất kính. Tay anh ta quờ quạng trên mặt đất tìm tiền như người mù. Mấy đứa trẻ con đi qua dừng lại trêu: “A bắt được tiền”. Anh ta sợ hãi đứng phắt dậy la to: “Công an, công an giữ chúng lại, nó lấy tiền của tôi”. Mặt anh ta tái ngắt, méo mó. Ông chủ quán và những nhà bán hàng bên cạnh chạy đổ xô ra xem và phá lên cười. Ta đã làm đổ chiếc xe đạp đang giữ và co cẳng chạy. Tiếng cười của họ cứ như bám theo ta. Trên đường phố đông đúc đâu mà chẳng có tiếng cười. Ta cứ ngỡ tiếng cười của họ đang đuổi theo. Ta kinh khủng quá. Kinh khủng đến nỗi không khóc được. Ta không ngờ bản chất con người trong một phút mà được lột tả đầy đủ đến như vậy.
Ta còn nhớ một lần khác, trong lúc anh ta hôn ta, ta đã nép đầu vào ngực anh ta âu yếm, tay ta xoa dịu nơi trái tim anh ta đang đập rộn rã. Đang say sưa, anh ta bỗng gạt phắt tay ta ra một cách thô bạo và nắm chặt lấy miệng túi áo. Ta tưởng anh ta mắc bệnh đau tim. Thì ra, chao ôi, người thợ may! Tại sao cứ phải may túi áo ngực làm gì. Anh ta tưởng mình lung lạc ý chí anh ta bằng những cái hôn rồi thò tay vào túi móc tiền.
Thế nào? Còn nữa hay không? Thế vẫn chưa đủ sao hỡi con quỷ nhỏ? Mi hành hạ ta như thế vẫn còn chưa đủ sao?
Tiếng ồn ã của bọn trẻ chơi ngoài sân trong buổi chiều tà làm cho người đàn bà dứt mình khỏi quá khứ. Cái đầu nặng trịch, chân tay rã rời, cơ thể như cứ lún sâu, chìm xuống. Người đàn bà cảm thấy như chẳng còn một chút sinh lực nào. Cái cảm giác thật là dễ sợ. Người đàn bà cố vùng dậy nhưng không sao đứng lên được, choáng váng đến nỗi không thể nào đưa tay rút nổi chiếc khăn mặt. Thấp thoáng bên cửa sổ bóng một đứa bé.
– Thu ơi vào đây với bác – Người đàn bà gọi yếu ớt.
– Bác ơi cháu đã thuộc bài hát bác dạy cháu rồi đấy.
– Ừ, hát cho bác nghe đi.
Con bé tròn mồm hát: “Tình mẹ rộng bao la. Con tặng mẹ nhiều bông hoa”… Người đàn bà rùng mình. Bàn tay đỡ trên mái tóc con bé cứ siết dần. Từ khóe mắt người đàn bà lăn xuống hai giọt nước mắt tròn to. Người đàn bà vội quay vào tường để giấu đứa trẻ. Rồi vội vã đưa tay lên quệt khô nước mắt. Người đàn bà cố cười và nhẩm hát theo con trẻ. Nước mắt bỗng lại ứa ra lần nữa. Tiếng hát con trẻ vẫn thảnh thót:
“Tình mẹ rộng bao la”…
– Bác dạy cháu bài khác nữa đi.
– Ừ bác sẽ dạy cho cháu. Nhưng bác cháu mình hát lại bài hát này nhé.
– Bác để cháu bắt nhịp, hai ba:
“Mẹ vui là mẹ rất vui”…
Người đàn bà hát theo con trẻ. Cái mệt nhọc, chán chường dần dần bay đi theo tiếng hát. Người đàn bà cảm thấy các mạch máu lại chạy giật giật trong huyết quản. “Quá khứ là dĩ vãng, phía trước là tất cả”.
– Hát hết bài hát này bác cháu mình đi dạo phố nhé.
– Vâng ạ, thế thì thích lắm ạ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.