Tuyển tập truyện ngắn của Y Ban

Tôi và gã – Chương 01



Tôi có một quán nước nhỏ ở đầu một con ngõ nhỏ. Gã hay lang thang ra uống nước. Tiện thể tôi làm chân ghi đề. Chiều nào gã cũng ra mua ít nhất một con đề. Tôi, kẻ bất đắc chí về hưu non, tóc vẫn xanh rờn. Gã có bộ mặt khó đoán tuổi, vừa già vừa non, tóc gã dựng đứng vàng hoe. Có lẽ do cái mớ tóc này nên càng khó đoán tuổi gã. Thực ra cái món tóc vàng hoe giữa lũ đầu đen chẳng có gì là khó lý giải. Thuốc nhuộm đủ loại tây tàu nhập về tràn ngập. Ấy là lũ choai choai. Loại như gã cũng chẳng hiếm, chán nhuộm đen thì nhuộm hoe. Nhưng đã là nhuộm thì thể nào cũng có lúc thò ra cái chân trắng. Vậy mà tôi để ý rình mãi chưa lần nào bắt gặp cái chân tóc trắng trên đầu gã. Có lần tôi định bụng sẽ hỏi, rồi lại thôi. Cái loại ngày lang thang, chiều ghi con đề để sống tôi cũng ngại bắt chuyện. Thôi, cứ là xin giời hai chữ bình an.
Giời đánh ùm vào số phận tôi. Không bắt tôi chết, không cho tôi giàu sang. Giời bắt tôi làm văn chương.
Tôi mê muội vào con chữ. Tôi hâm mộ những kẻ được gọi là nhà văn.
Tôi phát hiện ra gã là một nhà văn nổi tiếng. Gã viết văn từ hồi tôi còn ở truồng.
Thế là cái mạch ngầm đã thay đổi trên bề mặt cuộc sống vẫn vậy.
Tôi có một quán nước ở đầu một con ngõ. Gã hay lang thang ra uống nước. Gã thích nước chè tươi hơn chè mạn. Gã thích thuốc lào hơn thuốc lá. Gã ngửa cổ rít một hơi dài. Mắt gã lim rim miệng tròn vo nhả khói. Phê xong điếu thuốc lào gã mới trầm ngâm:
– Thế bác ở vùng nào? Tôi bắt chuyện.
– Ở N.
– Tôi cũng ở N.
– Thế anh ở huyện nào?
– Tôi ở H.
– À, thế thì đi qua con phà là đến nhà tôi. Cậu có biết con phà đó có tên là gì không?
– Là Lạc Quần.
– Đúng cậu người quê ta rồi. Quê cậu ngày xưa thế nào? Quê tôi ngày xưa nghèo lắm. Mẹ tôi kể lại rằng, quê tôi nghèo đến mức không có nổi một cái đình làng. Làng mà không có đình như kiểu nhà không có mái. Năm đấy các cụ già ở làng tôi quyết định phải có một cái đình bằng mọi giá. Cho người đi dò la một thôi thì biết làng bên đang xây một cái đình mới. Nó lại dựng kèo cột, cất mái trước rồi mới xây tường bao. Mà cái đình đang dựng chỉ cách làng tôi có một con sông. Các cụ già làng tôi mới họp dân làng, huy động toàn bộ trai tráng nửa đêm bơi sang sông tháo dỡ đình làng nó về bên làng mình. Cột, kèo lấy được về đến đâu là dựng luôn đến đó. Đến sáng thì đình làng tôi cũng cất nóc. Có nóc, có cột rồi mà không có gạch để xây. Dân làng ki cóp đóng gạch xây đình, phải mất một năm sau mới xong. Thôi tớ về đây.
– Ấy, bác ngồi xơi chén nước nữa đã. Bác kể chuyện đang vào. Tôi kém bác có lẽ phải gần 20 tuổi nên không biết chuyện các cụ ngày xưa. Khi tôi sinh ra thì làng tôi đã có cái đình to lắm, lại còn có cả nhà thờ và nhà chùa nữa.
– À, thì làng tớ cũng vậy. Này tớ bảo, cái đất N, quê tớ với cậu ấy mà, sinh ra lắm người tài lắm. Vậy mà sao cậu lại ngồi bán nước ở chỗ này nhỉ. Thôi tớ về đây.
Tôi gãi đầu ấp úng định khoe, tôi cũng sắp thành người tài rồi. Tôi cũng sẽ thành nhà văn như bác. Các nhà văn thường có cái gì đó giông giống nhau.
– Này, ghi con đề.
– À, chào bác. Hôm nay bác “chết” con nào?Tôi đon đả.
– Theo cậu thì con nào?
– Tôi tính suốt từ sáng đến giờ, dễ con 53 lắm.
– Cậu có quyển sổ mơ không?
– Đêm qua bác mơ thấy gì?
– Tớ mơ thấy mẹ tớ.
– Mơ thấy mẹ à. Để tôi xem.
Tôi rút quyển sổ nhỏ nhầu nát ở trong ngăn kéo bàn nước ra. Tôi lật đến trang mơ. Mơ thấy người chết, mơ ăn chuối, mơ ăn bánh…mơ thấy mẹ, đây rồi 03,30. Đúng rồi, ăn chặt đánh bóng lên là 53, 35. Dứt khoát con 53 hôm nay phải thòi ra.
– Thế ra cậu cũng mê đề đóm à?
– Thì bác bảo đã ghi đề bố thằng nào không đánh đề, có, chỉ là thằng ra dại. Bác nghe tôi đi, hôm nay đánh 4 con: 03, 30, 53, 35. Đánh đậm con 53. Nào bác chết con gì nữa không?
– Vậy thì cứ thế mà ghi, mỗi con một nghìn, con 53, ba nghìn. Thế là chẵn 5000 nhé.
– Xong,bác cầm lấy tích kê. Còn sớm chán bác ngồi uống chén nước nữa đã.
– Ừ thì ngồi buôn thêm lúc nữa. Cha mẹ cậu còn sống không?
– Cha tôi mất rồi, còn có mẹ thôi, vẫn sống ở quê. Tôi bảo lên đây sống với tôi dứt khoát không chịu.
– Lên đây sống thế chó nào được. Trông cậu nhếch nhác bán quán nước thế này, có mà nhìn đã uất.
– Bác nói phải.
– Là tớ suy từ tớ ra. Tớ là cái giống lạc loài của nhà tớ. Anh em tớ thành đạt hết, còn mỗi một cái giống tớ. Đến lúc chết mẹ tớ vẫn hận tớ.
– Sao cụ giận lâu thế hả bác.
– Có gì đâu. Các cụ ta xưa có câu: Đẻ đứa con khôn mát l. rười rượi. Ông anh cả nhà tớ thành đạt nhất. Thành đạt cả cái việc lấy vợ. Vợ anh ấy là cháu của một ông to. Cả họ, cả hàng, cả hang, cả tổng nhà tớ đều bái phục. Thế mà tớ lại chả bái phục gì cả. Tớ lại còn dám nói thẳng vào mặt ông ấy rằng: Đó là sự nhục nhã của anh. Mẹ tớ hỏi: Vinh thế chứ sao nhục? Tớ bảo: Vinh chỗ nào?Con đố mẹ dám bảo anh ấy vào với dân mà vỗ ngực là cháu rể ông kia đấy. Dân nó chẳng trát phân vào mặt. Mẹ tớ bảo: Vì sao? Tớ bảo: Đặc điểm của dân ta là, không dám chửi vào mặt quan kia thì người ta sẽ chửi vào mặt người họ xa. Mẹ tớ bảo: Thế thì chấp làm gì. Tớ bảo: Sống ở đây thì phải chấp. Từ cổ chí kim đất này là vậy. Mẹ tớ bảo: Từ cổ chí kim, đất này dân đều ghét quan thế thôi. Chứ lòng dạ của ông quan to ấy tốt lắm. Tớ bảo: Nhưng mà người dân chỉ nhìn vào hành vi của người ấy với dân với nước thôi, chứ sao biết được lòng dạ thật của người ta. Mẹ tớ bảo: Thế hành vi của người ấy với dân với nước thế nào? Tớ bảo: Con người trần mắt thịt nên không thể trả lời hết nhẽ được câu hỏi của mẹ. Con chỉ biết một câu chuyện thế này. Người ấy đến thăm một bà mẹ già cô đơn. Người ấy hỏi bà mẹ già: Cụ sinh được mấy người con? Tôi sinh được ba người con. Tốt, người ấy nói, vậy các con của cụ bây giờ làm gì? Chồng tôi và người con lớn đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Rất tốt, người ấy nói,còn hai người con nữa của cụ đâu? Hai người con nữa của tôi đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi. Quá tốt, người ấy nói. Nghe người ấy nói thế bà mẹ già ngừng khóc,mở to đôi mắt đục nhìn đăm đắm vào mặt người đó. Rồi bà mẹ già bỗng bật cười khanh khách: quá tốt, quá tốt…Người có trách nhiệm đã kể lại rằng (Vì bà mẹ già đó chính là bà mẹ Việt Nam anh hùng nên phải có người có trách nhiệm quan tâm), từ đó đến hết cuộc đời bà chỉ nói đúng hai từ: quá tốt, quá tốt.
Khi tớ kể xong câu chuyện, bà mẹ tớ bỗng nổi cơn điên. Bà xông vào tớ cào cấu, xỉ vả: Tao hận mày, tao hận mày, cái giống lạc loài. Vì sao mày lại kể cho tao nghe chuyện này. Tao hận mày cho đến chết. Mày xéo đi cho khuất mắt tao. Tao không bao giờ muốn nhìn mặt mày nữa.
Rất lâu tớ cũng không hiểu vì sao mẹ tớ hận tớ đến vậy. Cho đến khi mẹ tớ sắp mất mẹ tớ mới bảo anh tớ rằng: Mẹ cũng không hiểu vì sao mẹ lại hận nó thế. Mà thực chất nó có lỗi gì đâu. Câu chuyện mà nó kể đó nếu có là thật thì nó cũng phải biết chôn chặt trong lòng, sao nó lại đi kể cho mẹ nghe làm gì. Con ơi con hãy nói thật cho mẹ nghe, có thật là con thành đạt, có thật là con hạnh phúc không? Anh tớ im lặng.
– Mẹ tôi cũng hận tôi lắm. Tôi kể chuyện của tôi cho gã nghe. Bà còn viết giấy từ tôi. Ấy là khi tôi đang là một cán bộ nghiên cứu của một viện chiến lược kinh tế. Một cái viện nghe tên đã thấy oách rồi. Mỗi khi tôi về quê, mặc dù chỉ là cán bộ quèn, đều có quan tỉnh quan huyện tình cờ đến thăm. Rồi trong câu chuyện thăm hỏi đó thế nào các ông cũng tình cờ nhờ vả.
– Năm nay nhà nước có “chiến lược kinh tế” nào tầm tầm, nho nhỏ chú xin về cho tỉnh, huyện một cái. To thì không đủ sức, cái nho nhỏ tầm tầm thôi. Các cụ xưa bảo: Một người làm quan cả họ được nhờ. Nay cả tỉnh mình có được một người như chú, thế là may mắn lắm, phúc đức cho cả tỉnh nhà ta đấy.
Tôi cười cười. Biết nói thế nào cho các vị quan tỉnh, quan huyện hiểu về cái viện chiến lược kinh tế? Nôm na rằng đã là viện thì chỉ là nơi nghiên cứu khoa học. Còn nói theo cách của quan tỉnh quan huyện thì chẳng ra viện lại là nơi chạy dự án à? Nhưng chao ôi thực tế nó lại là như vậy. Chỉ có vài cán bộ nhãi nhép như tôi mới làm cái việc gọi là nghiên cứu để hàng năm lãnh đạo còn có cái để báo cáo với cấp trên. Còn lại người ta chạy dự án để ăn phần trăm hoa hồng từ lâu rồi. Vỡ nhẽ tôi thành anh chán đời. Tôi bỏ việc.
Đêm về tôi vắt tay lên trán nằm nghĩ ngợi, thế là tôi với gã cùng bị mẹ hận, cùng giống lạc loài. Mẹ tôi cũng bảo tôi là giống lạc loài. Gã là một nhà văn nổi tiếng. Tôi đang đam mê văn chương. Vậy tất tôi cũng sẽ thành nhà văn nổi tiếng. Tôi vô cùng sung sướng với ý nghĩ đó.
Gã đặc biệt thích kể chuyện về thời thơ ấu của gã. Mỗi lần kể về cái thời trẻ con mặt gã sáng bừng, mắt gã long lanh. Gã như lên cơn ốp đồng.
Gã kể: 6 tuổi tớ tự tử. Chuyện thế này. Ngày ấy cứ 4 tháng 1 lần đội chiếu bóng lại đến làng tớ để chiếu phim. Lũ trẻ con như tớ thì chẳng bao giờ phải mua vé cả. Có mà rào kín lên giời bọn tớ cũng chui lọt. Tớ chỉ xin mẹ tớ 5 xu để mua kẹo kéo ăn cho nó oách. Cái thứ kẹo kéo đó nó mới cám dỗ làm sao. Một cục kẹo to đùng bằng cái bát ô tô được người bán kéo dài ra dần dần. 5 xu chỉ được một cái kẹo dài và bé bằng ngón tay. Đứa nào mà có 5 xu mua kẹo kéo ăn thì trông rất oách.
Tớ nằn nì từ chiều cho đến khi trời tối đen tối sẫm mà mẹ không cho. Ngoài đường làng thì rầm rập tiếng chân người, tiếng cười tiếng nói. Từ bãi chiếu bóng thì tiếng loa tiếng trống thúc. Tớ như phát rồ lên. Tớ mới trèo lên cái cối xay gạo, tháo cái dây thừng buộc ở tràng xay, tròng vào cổ. Chỉ là doạ mẹ thôi. Ai ngờ trượt chân thế là thành treo cổ thật. Tớ giãy giụa, mặt tím lại. Mẹ tớ không vội đưa tớ xuống ngay mà để đến mấy giây cho biết thế nào là ghẹt thở. Đỡ tớ xuống đất cho tớ hồi lại, mẹ tớ mới dắt tớ đến nhà ông trưởng họ. Mẹ tớ bảo:
– Nó là thằng bất hiếu, mới tí tuổi đầu mà đã định cướp cơm cha, cơm mẹ. Bác là trưởng họ tuỳ bác định liệu.
Ông trưởng họ đánh cho tớ một trận nhừ tử.
Tôi kể: Nhà tôi nghèo lắm. ăn cơm không bao giờ được no cả. Bà chị cả tôi ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Hôm nào tôi quên mất mà xìa bát đến lần thứ 3 liền bị bà ấy lấy đũa cả gõ vào đầu và mắng: hốc gì mà hốc lắm thế.
Gã nói: Phải rồi, phải rồi,dân quê ta mới dùng từ ấy, ngồi đầu nồi, đũa cả, hốc, đớp..
Tôi kể: Cả tuổi thơ ấu của tôi lúc nào cũng đói. Đói thì phải đi mò cái ăn. Tôi chui vào vườn ối (dong riềng)để hái hoa mút tí mật ngọt thì bị cứt chó trạt vào quần áo. Chẳng có quần áo khác mà thay tôi cứ để cho cứt chó khô đi. Hết mùa hoa dong riềng tôi chặt cây chuối non lấy lõi của nó ăn ngọt lắm. Rồi đến giáp tết năm ấy, hàng xóm nhà tôi cưới vợ cho con. Cưới xong thì mua sẵn một thúng cam để đến tết dâu mới rể mới đi tết họ hàng. Trong đời tôi chưa khi nào nhìn thấy thúng cam nào ngon đến như vậy. Tôi mới lấy trộm một quả, ngon ơi là ngon. Thế là ngày nào tôi cũng lẻn sang lấy trộm cam. 30 tết hàng xóm phát hiện thúng cam đã mất. Họ mở cuộc điều tra, phát hiện ngay nhà tôi, vì vườn nhà tôi có vỏ cam héo. Bố tôi tức tốc đi sang làng bên để mua cam về đền cho hàng xóm. Khốn nỗi đã là ngày 30 tết nên trên cây nhà nào cũng chỉ còn dăm quả để đến tối hái thắp hương cúng tổ tiên. đến 9 giờ đêm bố tôi mới trở về nhà mang theo đủ 30 quả cam để giả cho nhà hàng xóm. Lại giả cả mẹ tôi số tiền sáng mẹ tôi đưa cho, bảo:Nghe chuyện con dại cái mang, mỗi nhà người ta cho một quả. Xong, mẹ tôi ra sau nhà bẻ cái roi dâu, bảo: Bố mày có đánh con thì đánh đi, sắp giao thừa rồi, để năm mới dông cả năm.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.