Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
CHƯƠNG 5 : Quản lý hiệu quả các kế hoạch
Kinh doanh cũng giống như đi xe đạp. Một là bạn tiếp tục đi hai là bạn ngã xuống.
–John David Wright
Sếp vừa gọi cho bạn và muốn nói chuyện với bạn về chiến lược đòi nợ Johnson. Bạn chưa từng nghĩ về khoản nợ này vì cho rằng đối thủ cạnh tranh hẳn đã nghĩ đến và chặn điều ấy. Khi bạn đến phòng làm việc của sếp, thư ký nói rằng ông vừa nhận điện thoại và sẽ nói chuyện trong năm phút. Bạn sẽ:
• Đọc ấn bản mới nhất của tờ Business Week ở trước mặt?
• Cố gắng nhớ lại tất cả những gì bạn biết về Johnson?
• Nói chuyện với cô thư ký?
• Hình thành trong đầu một chiến lược liên quan đến khoản nợ của Johnson?
Tất cả những lựa chọn trên đều có mặt tích cực nhưng chỉ có một sự lựa chọn giúp bạn chuẩn bị cho buổi nói chuyện với sếp và tham gia vào kế hoạch đó. Nếu bạn chọn câu trả lời thứ tư thì sự giàu có, thăng tiến, tên tuổi cũng như tương lai sáng lạn đang chờ đón bạn.
Bạn có thể dùng năm phút đó để lập một bản đồ tư duy. Những rắc rối, những điều ông ta muốn và yếu tố quan trọng trong vấn đề của ông ta. Khi bạn thiết lập được nền tảng đó thì những ý tưởng sẽ tự động xuất hiện, giúp bạn xác định cách tiếp cận khoản nợ đó.
Năm phút để tổ chức chiến lược
Chúng ta thường bỏ đi năm phút vì nghĩ rằng đó là khoảng thời gian quá ngắn, không đáng kể và không đủ để làm gì. Nhưng năm phút lại là quãng thời gian trung bình của “sự bùng nổ của trí não”. Trong năm phút đó, bạn có thể nghĩ về cách bắt đầu kế hoạch và viết lên một tờ giấy. Điều đó không có nghĩa là bạn đã thấu hiểu tất cả nhưng việc bắt đầu một kế hoạch cũng quan trọng như việc kết thúc nó. Như đạo diễn Mỹ Woody Allen từng nói: ”80% thành công là bắt đầu bằng việc diễn giải ra.“ Bản đồ tư duy cho phép bạn dễ dàng bắt đầu một kế hoạch và rất thuận tiện cho việc bổ sung trước khi phá vỡ “trở ngại ngăn cản kế hoạch”.
Bạn có thể đã biết về “trở ngại ngăn cản kế hoạch”. Nó xuất hiện khi bạn né tránh kế hoạch đó — vì kế hoạch quá nặng, đòi hỏi quá nhiều thời gian, tiền bạc hay quá quan trọng… Nó khiến bạn cảm thấy như thể có một con gấu khổng lồ màu đen luôn rình rập ẩn nấp xung quanh.
Bạn biết mình đang ở trong tình thế “trở ngại ngăn cản kế hoạch” vì lý do “không có đủ thời gian” khi bắt đầu một kế hoạch. Bản đồ tư duy sẽ giúp đơn giản hóa, sẵp xếp và làm tiêu tan mọi trở ngại.
Một chuyện vui cũ:
Làm thế nào để ăn hết một con voi?
Câu trả lời rất đơn giản: Mỗi lúc ăn một miếng nhỏ.
Những câu hỏi quan trọng
Bản đồ tư duy sẽ cung cấp một công cụ giúp bạn mỗi lần ăn từng miếng nhỏ… phương pháp “phân khúc” kế hoạch. Khi bạn phân chia một kế hoạch lớn thành những phần nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa, nó sẽ dễ quản lý hơn và những khó khăn/trở ngại/đối kháng dần biến mất.
Quản lý một kế hoạch sử dụng bản đồ tư duy cũng giống như bản đồ tư duy mà chúng ta đã từng biết trước đó với một mô hình như sau:
Sau khi viết ý kiến trọng tâm vào một khung hay khoanh tròn ở giữa trang giấy, hãy viết những câu hỏi vào phần góc trái phía trên.
Những câu hỏi là Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, Tại sao, Như thế nào và Tiền bạc. Khi bạn đang tư duy và do dự, không thể quyết định, hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
Ai — Ai liên quan đến việc này? Ai có những thông tin mà bạn cần? Ai làm công việc này? Ai là người quyết định? Ai cản trở? Ai thành công? Ai thất bại?
Cái gì — Bạn phải làm gì? Bạn phải biết những gì? Bạn thiếu những nguồn lực gì? Sản phẩm cuối cùng như thế nào?
Khi nào — Khi nào cần bắt tay vào thực hiện? Khi nào thì tiến hành theo từng giai đoạn? Mất bao lâu để có được đầy đủ các nguồn lực?
Ở đâu — Điều đó sẽ xảy ra ở đâu? Bạn sẽ tìm thấy nguồn lực ở đâu? Chúng ta ở đâu khi nó xảy ra?
Tại sao — Tại sao những rắc rối này còn tồn tại? Tại sao việc giải quyết chúng lại quan trọng? Tại sao lại có người trả tiền để thực hiện kế hoạch này?
Như thế nào — Kế hoạch này nên được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để biết mình thành công? Tìm ra những nguồn lực như thế nào đây? Làm thế nào để báo cho những người còn lại?
Tiền bạc — Chi phí sẽ là bao nhiêu? Nguồn tiền lấy ở đâu ra? Chi phí cơ hội là gì?
Những câu trả lời của bạn sẽ kích thích sự liên tưởng, ý tưởng và sự kết nối chúng với nhau.
Bản đồ tư duy cho một kỳ nghỉ hè
Bản đồ tư duy sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về kế hoạch và dẫn đến các kỹ năng quản lý kế hoạch đạt tiêu chuẩn như: bản kế hoạch những việc phải làm, đánh giá công việc, hoạch định thời gian, phân tích chi phí cơ hội… Bản đồ tư duy không thay thế bất kỳ một công cụ phân tích nào, mà giúp bạn nhìn kế hoạch bao quát và vẽ ra một bức tranh toàn cảnh trước khi bạn bị ngợp trong các chi tiết nhỏ.
Tổ chức và thực hiện kế hoạch
Bản đồ tư duy là một phương pháp thông minh để tổ chức và thực hiện kế hoạch bằng cách hình thành các nhóm. Nó không có thứ tự nên sẽ phù hợp với dòng chảy thông tin trong các tổ chức ngày nay. Không theo thứ tự từ đầu đến cuối hay ngược lại, thông tin có xu hướng chuyển từ người này đến người khác. Nó trải ra… ngấm chậm, dần dần nhưng cũng có lúc dữ dội, lan rộng nhanh chóng. Bản đồ tư duy giúp con người có thêm nhiều ý tưởng và thông tin mới.
Tính chất tự do của bản đồ tư duy và cách nó hòa vào các sơ đồ khác khiến nó rất thích hợp với việc lập kế hoạch nhóm. Để nhóm dễ đi vào hoạt động nên vẽ kế hoạch trên giá vẽ treo tường. Nhóm nhỏ có thể xây dựng những nhánh và bản đồ cho riêng mình. Nó sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi kế hoạch được khởi động. Những gì có thể trông thấy và sự vô tổ chức của bản đồ sẽ khuyến khích mọi người hướng về nó, đóng góp ý tưởng, thay đổi và sửa chữa mà không không quan tâm đến hình thức.
Một ví dụ điển hình của việc dùng kỹ thuật này là quá trình mở khách sạn Sheraton ở Long Beach. Khi một khách sạn lớn, hậu cần là một vấn đề rất lớn. Trong một thời gian rất ngắn, một tòa nhà mới cùng với đội ngũ quản lý mới, nhân viên mới, những
người môi giới mới, những vị khách mới. Sáu tuần trước khi 400 phòng của khách sạn Sheraton đi vào hoạt động, một nhà quản lý có nhiều thâm niên đã quyết định phải có một đợt tập huấn hai ngày cho đội ngũ quản lý mới. Mục tiêu của đợt tập huấn là xây dựng tinh thần làm việc nhóm và phát triển một chiến lược đảm bảo cho sự khởi đầu tốt đẹp.
Đợt tập huấn kéo dài hai ngày đã được nhà quản lý Charlene Walter và Giám đốc quản lý nhân sự Jesse Steward thiết kế và sắp xếp. Họ đã tổ chức nhiều trò chơi, nhạc và một số hoạt động được kết hợp cẩn thận với nhau để xây dựng tình bằng hữu và sự tin cậy lẫn nhau giữa 40 nhà quản lý. Họ đặt ra và thảo luận giá trị, tầm quan trọng của các mục tiêu và học được rất nhiều điều từ những người khác. Họ đồng thời cũng phát hiện ra bản đồ tư duy.
Sau đó, bản đồ tư duy được phổ biến rộng rãi trong toàn bộ các văn phòng, đoàn thể. Rất nhiều vấn đề rắc rối khi mở khách sạn trở thành những nhánh nhỏ của bản đồ. Bản đồ được đính lên trên tường và mọi người có thể cùng nhau thực hiện, bổ sung và gạch đi những thứ mà họ đã hoàn tất và tạo ra một bản đồ mới khi đã thực hiện xong mọi nhiệm vụ trọng bản đồ cũ. Quá trình này là một dòng chảy tự nhiên và có sự tham gia, đóng góp của nhiều người. Có một cảm giác phiêu lưu và chia sẻ khi thực hiện kế hoạch.
Khách sạn Sheraton ở Long Beach đã khai trương theo đúng kế hoạch. Một vài nhà lãnh đạo có thâm niên đã từng trải qua rất nhiều cuộc khai trương đã nhận xét rằng đây là một trong số những lần khai trương hiệu quả nhất mà họ thấy. Mặc dù bản đồ tư chỉ là một phần nhỏ trong cả quá trình phấn đấu lâu dài nhưng nó giúp thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và sự tận tụy – những yếu tố dẫn đến thành công của một kế hoạch lớn.
Học viện quốc tế Franklin tại thành phố Salt Lake đã sáng tạo và phát triển một bản kế hoạch theo ngày và dạy phương pháp quản lý thời gian, quản lý kế hoạch cho các tổ chức đoàn thể, trường học và cá nhân. Họ sử dụng thành thạo bản đồ tư duy như một kỹ năng cơ bản trong khóa học quản lý kế hoạch. Lynne Snead, Trưởng khoa
Quản lý Kế hoạch, kể một câu chuyện về việc lập bản đồ tư duy giúp những nhóm nhỏ có thể đạt được những kết quả đáng kinh ngạc như thế nào. Giám đốc của Lynne giao cho cô nhiệm vụ phát triển một kế hoạch của sinh viên – một hệ thống hoàn toàn mới do sinh viên thực hiện. Điều đó có nghĩa là cô phải tìm hiểu xem sinh viên sẽ ứng dụng kế hoạch đó như thế nào, họ cần hình thức nào và cấu trúc tốt nhất sẽ ra sao.
Lynne đã nghĩ nó có vẻ là một kế hoạch hấp dẫn cho đến khi cô được biết sản phẩm thử nghiệm cần phải được giữ trong kho bốn tháng rưỡi, trong khi một tuần. May mắn thay, cô đã được hỗ trợ về kinh tế và nhân sự. Cô chọn ra hai nhân viên (cả hai đều là những người lập bản đồ tư duy thông thạo), một số máy tính, rất nhiều giấy vẽ và một địa điểm không phải trung tâm và cùng làm việc trong năm ngày. “Điều đầu tiên chúng tôi làm là lập bản đồ tư duy cho những mục tiêu đã đặt ra. Chúng tôi dành khoảng một giờ làm việc để lập bản đồ và nó chỉ ra cho chúng tôi những việc phải làm để hoàn thành kế hoạch. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất vì trong những ngày sau đó, bất cứ khi nào có câu hỏi, chúng tôi cùng quay trở lại bản đồ tư duy đó và xem nó đã phù hợp với mục tiêu của mình chưa.”
Sau khi quyết định mục tiêu, cả nhóm đã lập bản đồ tư duy cho từng phần của kế hoạch. Họ cùng làm việc để tìm ra cấu trúc tốt nhất cho bản kế hoạch và các nhiệm vụ cụ thể. Bản đồ tư duy đã thể hiện và hiện thực hóa toàn bộ kế hoạch. Sau năm ngày làm việc miệt mài, cuối cùng họ đã hoàn tất bản kế hoạch, chỉ ra được cách tạo ra và bảo quản sản phẩm trong kho. Ban giám đốc đã chấp nhận kế hoạch này và bốn tháng rưỡi sau đó thì kế hoạch đã được triển khai theo đúng tiến trình.
Luyện tập
Hãy luyện tập khả năng sơ đồ hóa một kế hoạch bằng cách dành ra vài phút để làm những bài tập sau đây. Điều quan trọng là bạn phải nhớ nền tảng của bản đồ tư duy:
• Kết hợp một cách tự nhiên, ngẫu hứng;
• Viết ra tất cả những ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu mặc dầu chúng có vẻ vô nghĩa;
• Sử dụng từ khóa cho các ý tưởng của bạn – mỗi từ một dòng;
• Nối các liên tưởng của bạn bằng dòng kẻ, mũi tên,…
1. Bạn muốn tổ chức một bữa tối thật đặc biệt, lãng mạn với một người rất có ý nghĩ với mình. Hãy bản đồ hóa dịp đặc biệt này;
2. Hãy bản đồ hóa một kỳ nghỉ mà bạn mong muốn. Hãy giả định không có một giới hạn nào cả: thời gian, tiền bạc, bạn bè và khả năng thể lực;
3. Hãy chọn ra một kế hoạch mà bạn đã hoãn lại và bản đồ hóa nó trong vòng năm phút. Đặt đồng hồ hẹn giờ để bạn không bị quá thời gian cho phép.
Điều gì làm bạn chú ý trong cả quá trình đó? Nó dễ dàng… hay quá nhanh? Bạn đã bao giờ từng có những liên tưởng hay ý nghĩ bất ngờ chưa?
Bạn có cảm giác bạn đã thu được điều gì đó từ năm phút lên kế hoạch không?
Lập bản đồ tư duy cho các mục tiêu của bạn
Nếu bạn luôn làm cùng một việc thì bạn sẽ mãi không thể thay đổi được.
Ai cũng có những mục tiêu của mình. Những mục tiêu dẫn đường cho hành động và hành động sẽ dẫn bạn đến với những mục tiêu mới. Chính vì thế, bất kể là bạn ở đâu thì nguyên nhân cho sự hiện hữu của bạn là mục tiêu và hành động dẫn bạn đến đó. Từ những ứng cử viên cho chức tổng thống luôn vận động bằng những bài diễn văn, sự xuất hiện trước công chúng, sự chứng thực, quảng cáo, những cuộc tranh luận cho đến người đứng đường hối hả qua những con phố để kiếm từng bữa ăn, mục đích của họ – trong bất kỳ trường hợp nào – là ra lệnh cho những hành động của chính mình.
Bạn có thể định hướng để quá trình đặt ra mục tiêu và hành động dẫn bạn đến nơi bạn thật sự muốn đến, hoặc bạn để cuốn trôi đi mà không quan tâm đến. Không có sự chỉ dẫn, bạn có thể muốn bắt đầu thực hiện một kế hoạch trong những phút đầu tiên nhưng ngay sau đó sẽ là cảm giác khó chịu như vừa đi lạc đường. Để có thể tiếp tục bước trên con đường ấy, bạn nên dừng lại, phân tích và đánh giá những mục tiêu đã đặt ra bởi vì bạn có thể phát hiện ra, mình đang trên đường đi Brooklyn trong khi lại muốn đến Seattle.
Bản đồ tư duy cung cấp một phương pháp tuyệt vời để xem xét, đánh giá lại các mục đích của bạn. Bằng cách vượt qua ranh giới của não trái, bạn có thể trở về quá khứ: ”đáng lẽ”. Đó là những mục tiêu mà bạn nghĩ đáng lẽ mình đạt được như: mua một cái laptop, được thăng chức quản lý, có hai con (tất nhiên là có năng khiếu và tài năng, học đại học) và tái chế lại giấy báo cũ. Đó là những mục tiêu rất tuyệt vời… nếu chúng thật sự là của bạn và không dừng ở “đáng nhẽ”. Bản đồ tư duy khắc sâu mục tiêu của bạn vào tận bên trong những ước mơ. Nó mang đến cho bạn lựa chọn và sự tự do bằng cách bẻ gẫy những nếp suy nghĩ giới hạn.
Bản đồ tư duy là kỹ thuật tuyệt vời giúp bạn bắt đầu hành động để đạt được mục tiêu. Bắt đầu bằng quan niệm là mọi thứ đều có thể thực hiện được. Nó sẽ loại bỏ tất cả những rào cản như bạn không đủ kỹ năng, thời gian, tiền bạc và sức lực. Nếu thật sự muốn làm điều gì đó, bạn sẽ tìm được cách vượt qua tất cả những trở ngại đó.
Triển vọng và thành công
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người nghĩ mình sống hạnh phúc thường có những đặc điểm chung. Nó không phải là số tiền, thậm chí cũng không phải những mối quan hệ tình cảm mà họ có. Hạnh phúc đều từ triển vọng của họ. Những người hạnh phúc thường chỉ chú ý, nhớ và đánh giá cao những khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc mà không chú ý nhiều đến những khoảng thời gian buồn chán. Những khoảng thời gian hạnh phúc thường được thổi phồng lên và những khoảng thời gian buồn chán có xu hướng bị chôn vùi. Những người này chỉ tập trung vào những sự kiện tốt đẹp và những khoảng thời gian hạnh phúc nên thường đạt được nhiều thành công hơn.
Thành công thường dành cho những người lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc lạc quan và suy nghĩ tích cực là vì họ kiểm soát được cuộc sống của mình. Khi đã kiểm soát được cuộc sống của mình, bạn sẽ trở thành một diễn viên chứ không phải là kẻ bị giật dây. Người diễn viên hướng về mục tiêu và mong muốn hoàn thành nó. Khi thoái trào, sự từ chối hay thất bại xuất hiện, họ sẽ kiểm định lại giá trị thông tin của mình và sau đó cho nó lùi vào dĩ vãng.
Quan niệm về hạnh phúc thường bao hàm một cuộc sống cân bằng: gia đình cân bằng với nghề nghiệp, thành công về mặt vật chất cân bằng với tinh thần, sự đánh giá bản thân trong mối quan hệ với những người khác, xung quanh và trên thế giới, và sự lành mạnh của cả hành tinh.
Để ngày càng có một triển vọng cân bằng, mục tiêu hoạt động cũng cần phải cân bằng
– hãy tự lập nhánh nghề nghiệp, gia đình, vật chất, sự lớn mạnh về mặt tinh thần, sự phát triển về thể chất và những tiến bộ về tâm hồn trên bản đồ tư duy.
Quá trình lập bản đồ tư duy cho mục tiêu
Khi bắt đầu lập bản đồ tư duy cho mục tiêu, bạn hãy tìm một người cũng muốn thực hiện điều đó với mình. Đó là một người mà bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những mục tiêu của mình… người thật sự sẽ toàn tâm toàn ý giúp bạn lập danh sách những mục tiêu phải làm như: “mua Cuba” (mục tiêu thật sự của một buổi hội thảo gần đây) hoặc “học tiếng Tây Ban Nha trong một tháng”. Khi chia sẻ những mục tiêu, bạn không chỉ làm chúng trở nên thực tế hơn mà khi lắng nghe những mục tiêu của người khác, bạn có thể nhận ra rằng mục tiêu của mình có thể chưa lớn lao. Mục tiêu có thể là những thứ bạn muốn có, muốn hoàn thành hoặc muốn đạt được.
Rất nhiều nhóm người bắt đầu hình thành nhóm “những người làm chủ tư duy”. Dựa trên nguyên tắc của Napoleon Hill, người đặt nền móng cho sự thành công, những nhóm đó gồm hai hay nhiều người cùng gặp nhau hàng tuần để giúp đỡ nhau hoàn thành mục tiêu của mình. Mỗi thành viên trong nhóm đều đặt ra mục tiêu, phát triển kế hoạch hành động để thực hiện. Mỗi tuần các nhóm cùng xem lại tiến trình công việc mà mỗi thành viên đã làm để hướng tới mục tiêu của mình. Craig Case của học viện Franklin nói rằng chỉ có 5% người đã viết ra những mục tiêu và hầu hết những
người này đều đã đạt được những mục tiêu đó.
Luôn có một quyển sổ ghi mục tiêu là điều quan trọng nếu bạn muốn hoàn thành nó. Cuốn sổ cho phép bạn luôn nhìn thấy mục tiêu, xem lại, thay đổi và kiểm soát xem mình đã đạt được bao nhiêu mục tiêu. Quyển sổ yêu thích của tôi do hãng Mark Giordano thiết kế và được gọi là sổ phác thảo. Nửa trên của trang giấy để trống (điều này thật tuyệt để lập bản đồ tư duy) và nửa phía dưới có dòng kẻ – nơi dành để ghi lại các hoạt động của não trái. Cũng có một loại sổ được thiết kế đặc biệt cho nhóm những người làm chủ tư duy sử dụng, được gọi là nhật ký làm chủ tư duy. Quyển sổ được dùng để quản lý nên được sắp xếp rất hệ thống, có trang quản lý các kế hoạch và trang mục tiêu. Phần quản lý kế hoạch của Hệ thống Học viện Franklin rất tốt với những nguồn tư liệu tham khảo hỗ trợ cho việc lập bản đồ tư duy.
Quá trình
• Hãy đặt “những mục tiêu của tôi” hoặc một hình ảnh tượng trưng cho những mục tiêu của bạn ở chính giữa trang giấy. (Hình ảnh đó có thể đơn giản chỉ là hình $ hoặc biểu tượng mặt cười, nhưng nó phải tượng trưng cho điều mà bạn muốn hướng đến. Đừng lo lắng về khả năng nghệ thuật của bạn vì bạn sẽ hiểu được dù không ai hiểu). Hãy vẽ nhiều nhánh cho những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn như: nghề nghiệp, gia đình, vật chất, sự lớn mạnh tinh thần, những phát triển về thể chất và những tiến bộ về mặt tâm hồn… Bản đồ tư duy đầu tiên của bạn nên liệt kê ra toàn bộ những thứ bạn muốn tại bất cứ thời điểm nào trong đời. Hãy viết ra tất cả những gì từng hấp dẫn bạn… từ việc học một ngoại ngữ mới đến đóng một vở kịch… từ việc muốn mua một ngôi nhà mới có hồ bơi đến việc đi nghỉ lễ Giáng sinh ở Hawaii. Sau đó trong quá trình thực hiện, bạn có thể gạch đi những mục tiêu ít quan trọng;
• Dùng ba loại bút đánh dấu màu khác nhau để đánh dấu những mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định và mục tiêu dài hạn;
• Lập bản đồ riêng biệt cho nhóm mục tiêu ngắn hạn, trong một khoảng thời gian nhất định và dài hạn. Hãy ghi thêm tất cả những mục tiêu mới xuất hiện vào bản đồ thích hợp. Viết tất cả mọi thứ trên bản đồ, thậm chí nếu nó có vẻ hài hước, chỉ trừ những mục tiêu có tính chất khi tiêu cực hoặc hủy hoại. Ví dụ, khi bạn nhận ra là có giải pháp tốt hơn để tìm được công việc mơ ước, thì mục tiêu “chơi xấu sếp” phải bị loại khỏi danh sách ;
• Dùng bút đánh dấu vàng để vạch dưới năm mục tiêu quan trọng nhất đối với bạn trên bản đồ.
• Nhìn lại tất cả mục tiêu trên mỗi bản đồ để tìm xem có mâu thuẫn nào không. Nếu mục tiêu dài hạn của bạn là trở thành giảng viên Đại học Harvard và mục tiêu ngắn hạn là bỏ học ở trường và đi du lịch vòng quanh thế giới, điều đó đòi hỏi phải có một sự hòa hợp trong quá trình thực hiện. Một cách để nhận biết mục tiêu nào thật sự quan trọng đối với bạn là dành ra một vài phút để lập bản đồ tư duy cho chúng. Hãy để cho những cảm nhận bên trong bạn lên tiếng và bạn sẽ phát hiện ra rằng một mục tiêu lớn hơn cái “đáng lẽ” mà phần lớn là đến từ xã hội hoặc gia đình chứ không phải từ bản thân bạn;
• Sau khi những mâu thuẫn đó được giải quyết, hãy xếp thứ tự những mục tiêu đã được đánh dấu trên mỗi bản đồ. Hãy lấy ra mục tiêu thứ nhất trong mỗi bản đồ và vạch ra kế hoạch để hoàn thành nó. Làm tương tự đối với các mục tiêu thứ 2,3,4 và 5;
Các mục tiêu cần được thường xuyên xem xét và đánh giá. Bạn có thể muốn có những mục tiêu cho năm, cho tháng, cho tuần và cho ngày. Càng xác định được nhiều mục tiêu thì bạn càng tập trung vào hành động để hoàn thành chúng.
Có hai bước để dẫn đến thành công:
Phải có niềm tin là mục tiêu sẽ được hoàn thành;
Phải tin rằng bạn có thể hoàn thành nó.
Trước lực sĩ người Anh, Roger Bannister, người ta đã tin chắc chắn rằng việc chạy nhanh hơn bốn phút một dặm (1 dặm = 1,609 m) là điều mà con người không thể làm được. Nhưng sau đó, khi Bannister vượt qua được hàng rào đó, việc chạy dưới bốn phút nhiều dặm nhanh chóng trở thành hiện thực. Vận động viên điền kinh khắp nơi hiểu rằng điều đó có thể thực hiện được.
Nếu trong đầu bạn đã hình thành kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu thì bạn đã thực hiện thành công bước một. Bước thứ hai là chỉ cần làm theo kế hoạch.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.