Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết
CHƯƠNG III: NGÃ VỊ: TRẢ BẰNG GIÁ NÀO?
Đâu đâu ta cũng nhận được lời khuyến dụ hãy trở nên chính mình – hãy tìm cho ra và thể hiện bản ngã thực của mình. Có thể xem câu chuyện sau đây như một ví dụ khá rõ minh họa tinh thần đề cao bản ngã trong nền văn hóa chúng ta. Một cây bút trẻ đầy ý chí tiến thủ đã bỏ ra hàng giờ gọt dũa nắn nót một bài luận văn cho lớp Anh văn năm thứ hai của cô, rốt cuộc bài làm chỉ nhận được điểm C+. “Hãy trở nên chính bạn!” đó là lời phê của vị giáo sự chấm bài, được viết bằng nét chữ in đỏ chói, hai chữ “chính bạn” được gạch đít nhiều lần. Rồi như cảm thấy chưa đủ, vị giáo sư ấy ghi thêm “Nếu chính bạn là vậy, thì hãy trở nên một ai đó khác”.
Cuộc sống có lẽ sẽ giản dị hơn nhiều nếu mọi người quanh ta có thể thẳng thắn không úp mở kiểu như trên khi chuyển trao các thông điệp đầy trái ngược của mình. Phần lớn các thông điệp hỗn hợp tế nhị và kín ẩn đến nỗi ta không ý thức cả việc gửi hay nhận chúng. “Hãy độc lập hơn!” bố mẹ hay chồng nói với ta như thế – nhưng rồi, “Hãy giống tôi!” hoặc ngay cả “Hãy vì tôi!” có thể lại là một thông điệp ngược lại mà họ muốn nhắn nhủ ta. “Đừng mềm yếu quá!” anh bạn trai nói với bạn như vậy, nhưng trong vô thức anh ta lại mong muốn bạn bộc lộ sự yếu đuối và lệ thuộc mà anh sợ sẽ nhận ra nơi chính bản thân anh. “Tại sao em không xúc tiến một chuyện gì đó cho cuộc sống được mạch lạc?” chồng bạn phàn nàn bạn; nhưng khi bạn rục rịch ghi danh theo học cao học thì anh ta lại bắt đầu quạu quọ khó chịu.
Từ thuở chúng ta mới lọt lòng, mọi người trong gia đình đều muốn ta trở nên thực sự là chính mình, thế nhưng trong vô thức họ cũng muốn thúc đẩy chúng ta bộc lộ một số đặc điểm, tính cách nào đó và loại trừ hay kìm chế những đặc điểm, tính cách khác. Người ta muốn chúng ta thế này thế nọ vì ích lợi của họ – và vì vô số những lý do rất phức tạp mà người ta không ý thức được. Rồi qua cuộc sống, chúng ta hiểu ra rằng lẽ sống còn của các mối tương quan của mình và mối gắn bó của gia đình mình – tất cả đều tùy thuộc ở chúng ta tỏ ra thế này hay thế khác. Và chính chúng ta cũng vô tư truyền đi những thông điệp như thế cho người khác. Đành rằng, việc tìm hiểu xem người khác muốn gì, và trông đợi gì nơi mình là một phần thiết yếu của một con người văn minh. Và không hề có một “bản ngã thực” nào được thấy khơi khơi giữa trời với không chút dấu vết ảnh hưởng của gia đình và của nền văn hóa. Tuy nhiên, chính những thông điệp ngầm trong vô thức (nằm ngoài ý thức của người gửi và người nhận) là cái thường đem lại nhiều tác động tiêu cực nhất.
Thế lưỡng nan trong việc minh định bản ngã lại càng đặc biệt rắc rối đối với phụ nữ. Bởi vì chúng ta là một nhóm phụ thuộc, nên “bản chất thực” và “chỗ đứng đúng đắn” của chúng ta luôn luôn được ấn định bởi những niềm ước mơ và những nỗi lo sợ từ phía nam giới. Vậy làm sao ta có thể khuôn đúc ra được một bản ngã đích thực và sắc nét từ cơ man những thông điệp lộn xộn và những đòi hỏi vây kín đời ta từ thuở nằm nôi cho đến tận lúc xuống mồ?
Ở mức đơn giản nhất, “trở nên chính mình” có nghĩa rằng ta có thể là mình nhiều nhất khi ở trong các mối tương quan – thay vì trở thành cái mà kẻ khác mong muốn, cần, hoặc trông chờ nơi ta. Nó cũng có nghĩa rằng ta có thể cho phép kẻ khác trở nên chính họ. Nghĩa là ta không phải thí bỏ “cái tôi” của mình để đi vào các mối tương quan (trường hợp được thấy phổ biến nơi phụ nữ), và ta cũng không thí bỏ “cái tôi” của người khác để củng cố chắc chắn “cái tôi” của mình (trường hợp được thấy phổ biến nơi nam giới). Điều vừa nói nghe chừng rất đơn giản, song triển khai ra trong thực tế thì vô cùng phức tạp. Thật vậy, bất cứ nỗ lực nào nhằm trở nên “chính mình nhiều hơn” đều là một thách đố cam go và đều có bao hàm bất trắc.
Đối với phụ nữ, sự chú trọng đến ngã vị tính là một bước phát triển lịch sử mới đây thôi. Vô ngã, bỏ mình, phục dịch… đã là những đức tính một thời được tôn dương đối với các mẹ và các bà nội, ngoại của chúng ta. Ngày nay, trái lại, chúng ta chìm ngập trong những hô hào phải mạnh, phải tự tin, phải là những bản ngã riêng biệt, độc lập – ít ra một cách chung chung. (Còn trong một mối tương quan đặc thù cụ thể, những tính cách ấy có thể không được khuyến khích mấy.) Ngày nay nếu chúng ta không vận dụng được các khiếu năng kỹ thuật hay những lời động viên luôn có sẵn đó cho chúng ta, thì chúng ta dễ cảm thấy mặc cảm dằn vặt. Trong khi đó chúng ta ít chú ý đến vô số việc có thể làm trong tầm tay, hoặc ngay cả không đánh giá đúng mức những lý do chính đáng khiến mình không thay đổi được. Câu chuyện sau đây sẽ minh họa một trong những lý do như vậy.
“Thưa ông chủ bút…”
Cách đây mấy năm, tạp chí Phụ Nữ có đăng một lá thư của một bạn đọc viết cho chủ bút, như sau:
“Tôi thật rất tiếc phải yêu cầu ông hủy bỏ việc đăng ký mua báo của tôi… Tôi đã thích thú đọc tạp chí Phụ Nữ nhiều năm nay, nhưng trong hai tháng gần đây, tôi đã phải giấu tờ báo trong ngăn tủ áo của mình. Chồng tôi, một người đàn ông vốn khá phóng khoáng và giàu thông cảm, tin rằng chính tờ tạp chí đang làm thay đổi tính cách của tôi, đang làm tôi trở nên ít mềm mỏng hơn đối với những đòi hỏi của anh ấy. Vì thế, để “cứu vãn” cuộc sống hôn nhân của mình, tôi đành phải hủy bỏ việc mua báo. Tôi rất xót xa…”
Tôi tự nhủ rằng tác giả bức thư ấy hẳn là một phụ nữ thuộc loại không muốn thay đổi. Tôi cắt lấy lá thư và đem chia sẻ nó với một nhóm sinh viên tâm lý trong giờ ăn trưa. Tôi yêu cầu họ cho biết ý kiến. Người thứ nhất nghiên cứu kỹ bức thư xong, kết luận rằng chính anh chồng là nguyên nhân gây ra sự khó khăn cho người vợ. Người thứ hai bực tức phản đối người vợ đã trao cho chồng quyền quyết định thay mình – đồng thời trách người chồng vì cớ sự ấy. Người thứ ba ghép tội cho nền văn hóa xưa nay của chúng ta – một nền văn hóa hằn sâu nếp nghĩ về sự thống trị của nam giới đã ảnh hưởng lên tất cả chúng ta. Cô sinh viên thứ tư đưa chiếc bánh săng-uých kẹp thịt gà của cô lên miệng, trịnh trọng cắn một miếng rồi hóm hỉnh nói: “Chà, đúng là một đôi rất xứng đôi vừa lứa”.
Bốn sinh viên này – hai nữ và hai nam – không ai giống ai trong điểm nhắm để bày tỏ mối đồng cảm hay sự trách cứ. Nhưng khi cuộc thảo luận tiếp tục diễn tiến, một điều rõ ràng được ghi nhận là tất cả họ đều nhất trí với nhau trên một điểm chủ chốt. Đó là: tất cả chúng ta đều có thể thay đổi và có thể chọn lựa. Người phụ nữ kia không cần phải giấu tờ tạp chí trong ngăn tủ áo của chị, cũng không cần phải hủy bỏ việc đăng ký mua tờ Phụ Nữ. Chị có thể chọn làm ngược lại – như một sinh viên trong nhóm nhấn mạnh: “nếu chị ta thực sự muốn thay đổi”.
Chúng ta hãy khảo sát kỹ giả định vừa nêu, trong nhãn giới nhằm xác định xem cái gì có thể sẽ cản trở không cho người phụ nữ này điều chỉnh mối quan hệ thiết yếu của mình bằng cách thay đổi và củng cố chính bản ngã của chị. Việc nhận hiểu này sẽ giúp chúng ta đánh giá đầy đủ hơn tính lưỡng nan của việc thay đổi.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta dừng lại và đưa ra vài ý tưởng cho tác giả của bức thư gửi chủ bút nói trên (ta sẽ gọi chị là Jo-Anne). Bạn có hiểu vì sao mà Jo-Anne sẵn lòng nhượng bộ nhiều đến thế khi chị bị áp lực? Điều gì trong cuộc sống quá khứ của chị có thể đã đưa chị đến chỗ hiện nay – và điều gì trong bối cảnh hiện tại đã giữ chị tại vị thế đó? Xét trước mắt và xét cả về lâu dài, đâu là điều tệ hại nhất mà Jo-Anne sẽ phải đương đầu nếu chị hành động khác đi và xác lập một vị thế “nhiều ngã vị tính hơn” đối với chồng mình (“em không kỳ vọng anh thích tờ tạp chí Phụ Nữ hoặc chấp nhận nó, nhưng em sẽ không để anh quyết định thay cho em về những gì em phải đọc”)? Ví như sự thay đổi đòi một giá cao – thì Jo-Anne sẽ phải trả giá nào để không thay đổi, để tiếp tục tình hình ấy trong mười năm tới? Và bạn có thể sử dụng những tính từ nào để mô tả tính cách của Jo-Anne?
Đặt vấn đề vào trong bối cảnh
Có lẽ trước thế lưỡng nan của Jo-Anne, phản ứng của bạn là dứt khoát không đồng cảm. Có thể bạn xem chị ta như một phụ nữ ấu trĩ muốn làm đứa trẻ của chồng mình và từ khước việc lớn lên và việc tự trách nhiệm. Thậm chí có lẽ chị thích đau khổ và dày vò – bạn biết đó, một trong những dạng “khổ dâm” (masochistic) là rút ra một khoái cảm ngầm ẩn từ trong tình cảnh bị bức bách của mình. Hoặc có thể Jo-Anne là một phụ nữ hoàn toàn không chút trưởng thành, lười lĩnh và ù lì – không sẵn lòng thực hiện những nỗ lực mà sự thay đổi đòi hỏi. Nếu chúng ta nhìn Jo-Annhe và vấn đề của chị một cách chật hẹp và nông cạn, chúng ta rất dễ đi đến những kiểu diễn dịch như trên.
Trái lại, hãy giả sử là ta có thể nhìn vấn đề của Jo-Anne trong một bối cảnh bao quát hơn và xem xét trạng huống của chị bằng một lăng kính mở rộng. Những dữ kiện sau đây sẽ chiphối thế nào đến nhận định của bạn về việc chị quyết định giấu chồng tờ Phụ Nữ và cuối cùng hủy luôn cả việc đăng ký mua báo?
Bạn sẽ nghĩ sao nếu Jo-Anne là một phụ nữ trung niên với ba đứa con nhỏ, với học vấn ít ỏi, không có khiếu buôn bán và không có chỗ nào để cậy dựa? Bạn nghĩ sao nếu biết rằng những thay đổi theo chiều hướng khẳng định bản ngã hơn có thể vượt quá giới hạn chịu đựng của chồng chị và anh ta sẽ bỏ chị? Sự đề kháng thay đổi của Jo-Anne phải chăng sẽ không càng có ý nghĩa hơn nếu ta biết rằng chị là người phụ nữ không chỉ xem chồng như một chỗ dựa về kinh tế?
Bạn sẽ nghĩ sao nếu chồng của Jo-Anne thuộc dạng chỉ ứng xử hay khi chị ứng xử dở – nghĩa là hễ chị bắt đầu có vẻ khá hơn thì anh ta sẽ bắt đầu có vẻ tệ hơn? Bạn nghĩ sao khi biết rằng chồng chị trước đây vốn rất vũ phu và rất yếm thế – nhưng anh ta đã trở nên tốt hơn kể từ khi chị đảm nhận tốt hơn vai trò một người vợ cần mẫn đảm đang và hiền thục trong cuộc sống hôn nhân của họ?
Bạn sẽ nghĩ sao nếu trong gia đình bố mẹ của Jo-Anne, bất cứ việc gì khác với nề nếp cố hữu cũng là một điều đại cấm kỵ, và ngay từ thuở thiếu thời Jo-Anne đã thấu hiểu rằng việc khẳng định “cái tôi” của mình sẽ đe dọa những mối tương quan gia đình trọng yếu nhất – và đó là những mối tương quan mà chị hoàn toàn lệ thuộc vào?
Bạn sẽ nghĩ sao nếu biết rằng khi hủy bỏ việc mua báo Phụ Nữ, Jo-Anne đang hành động đúng y như kiểu cách truyền thống mà mọi phụ nữ trong gia đình chị vẫn làm ít nhất là trong ba trăm năm qua? Bạn nghĩ sao nếu biết rằng việc lụy phục chồng mình là một cốt cách đã ăn sâu trong truyền thống gia đình chị và là đặc điểm nối kết chị với bao thế hệ phụ nữ đã qua trong dòng họ? Bạn nghĩ sao nếu biết rằng đối với Jo-Anne, việc hành động ngược lại – hay hành động khác đi – sẽ trở thành một thách thức đối với bản chất của truyền thống phụ nữ trong gia đình và sẽ tạo ra một sự phản bội – một sự đánh mất căn tính và ý nghĩa – ít là một cách vô thức?
Những dữ kiện ấy, chỉ rất ít ỏi so với một toàn cảnh còn rộng hơn nhiều, có đóng một vai trò nào trong thái độ phản ứng của bạn đối với việc Jo-Anne quyết định ngưng mua báo Phụ Nữ không? Hoặc giả bạn nghĩ – cũng như các sinh viên tâm lý ấy – rằng Jo-Anne hoàn toàn có thể làm ra một sự thay đổi trong cuộc sống hôn nhân của chị “nếu thực sự chị muốn thay đổi”?
Biết bao điều ta không biết
Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều là những nhà tâm lý, cho dù tâm lý không phải là việc làm ăn của chúng ta. Mỗi khi ta không tạo ra được một thay đổi theo sở nguyện của mình, ta thường tìm cách giải thích để gán một nghĩa lý nào đó cho kinh nghiệm đau khổ ấy của mình. Ta đưa ra kết luận chẩn đoán về chính mình (“tôi rất ngán khuynh năng tính dục của tôi – và đó là lý do tại sao tôi không thể giảm cân”) hoặc về người kia (“anh ấy không biết mật thiết là gì”). Chúng ta có thể đổ tội cho mẹ mình, cho gien di truyền của mình, cho hoóc-môn của mình, cho ngôi sao chiếu mệnh… nhưng trong mỗi trường hợp như vậy, sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề chỉ như anh mù sờ đuôi voi.
Quả thực chúng ta biết rất ít về khuynh hướng mãnh liệt của con người muốn đừng đổi thay. Giả như Jo-Anhe đi đến với mười nhà tâm lý trị liệu – và chị đều chống cưỡng lại những cố gắng của họ nhằm giúp chị trở thành một con người cứng cát hơn – hẳn là rốt cuộc chị sẽ nhận đủ một chục sự giải thích khác nhau. Mỗi giải thích sẽ dựa cơ sở trên giả thuyết hay lối nhận định riêng của nhà tâm lý trị liệu về thái độ đề kháng thay đổi của Jo-Anne. Tất cả những giả thuyết và diễn dịch này đều có thể sai. Cũng có thể tất cả đều đúng, trong đó mỗi giải thích nêu được một phần nhỏ của một bức tranh tổng thể rộng lớn và phức tạp hơn nhiều. Chúng ta được khuyến khích để chấp nhận rằng “ý kiến của chuyên gia” là đúng, song thực ra thì có hàng núi những chuyện liên quan tới cách ứng xử của con người mà ta không thấu hiểu được.
Có lẽ sự thật chắc chắn nhất mà ta có được đó là không một chuyên gia nào có thể biết chắc chắn một trăm phần trăm điều gì sẽ tốt nhất cho Jo-Anne tại một thời điểm xác định nào đó – hoặc những thay đổi nào người phụ nữ này có thể kham được. Một đàng, những giá phải trả để không thay đổi thì thường được thấy rất rõ ràng, minh bạch. Trong trường hợp của Jo-Anne, những giá phải trả này bao gồm nỗi bực tức và cay đắng sẽ âm ỉ dài lâu, tâm trạng bạc nhược, phiền não, tự ti hay thậm chí cả nỗi đay nghiến chính mình. Cũng có thể bao gồm cả những ức chế trong đời sống làm việc hay đời sống tình dục, những bệnh thể lý – hoặc bất cứ triệu chứng nào khác. Chúng ta biết rõ rằng mình phải trả một giá nào đó khi mình phản bội và thí bỏ bản ngã mình, khi bản ngã mình bị rúng chuyển dưới các áp lực của tương quan.
Điều mà ta khó xác định hơn nhiều – điều mà ta không thể biết rõ hay chắc chắn hoàn toàn – đó là Jo-Anne sẽ phải trả giá nào để thay đổi trong tình huống này. Thực vậy, chính bản thân Jo-Anne cũng chỉ có thể biết đó là giá nào sau khi chị đã tạo ra một thay đổi (“chính em sẽ quyết định mình đọc gì – trong cuộc sống vợ chồng giữa chúng ta – dù anh có chấp thuận điều em chọn lựa hay không”) và khi chị kiên thủ với quyết định của mình giữa những phiền toái mà một sự thay đổi như vậy tất nhiên sẽ làm bộc phát. Như Margaret Mead đã nhận định rất hay về điều này như sau: những phiền phức gây ra do sự thay đổi chỉ có thể được giải quyết bằng cách thay đổi nhiều hơn nữa, và thế là ta có hai nhịp luân lưu. Giả như Jo-Anne quyết định không hủy bỏ việc đăng ký mua tạp chí Phụ Nữ, chị sẽ bắt đầu cảm thấy một áp lực bên trong thúc đẩy chị xác lập lại vị trí của mình trong những vấn đề thiết yếu khác nữa. Và khi thế ổn định cũ trong tương quan vợ chồng bị rúng động, đến lượt chồng chị cũng sẽ thấy cần phải thay đổi. Hai con người này, trong tư cách là hai cá nhân và trong tư cách là đôi vợ chồng, có thể thực hiện được bao nhiêu thay đổi qua thời gian? Câu trả lời là cái mà ta không biết.
Để thay đổi, cần có can đảm; nhưng sự thất bại trong nỗ lực thay đổi không hề có nghĩa rằng do thiếu can đảm. Phụ nữ chúng ta rất dễ tự trách mình – và rất dễ bị người khác trách – nếu chúng ta không tạo ra được sự thay đổi mà chính mình mong muốn hoặc do kẻ khác khuyến giục mình. Chúng ta không thấu được cái lý khôn của chiều sâu vô thức khi nó bảo chúng ta rằng “Đừng!” – trong khi ý thức của mình lại thúc giục “Tới luôn đi!”
Bạn đừng quên rằng ngay cả các chuyên gia cũng chẳng nắm hiểu nhiều lắm về tiến trình thay đổi. Và cũng nên nhớ rằng ngay cả những thái độ thiếu kiềm chế và vụng dại nhất cũng có thể có lý do chính đáng của nó. Chúng ta đã nhận thấy điều này trong câu chuyện bé gái Judy (chương I). Sau đây là một minh họa trực tiếp hơn.
Ý muốn đừng thay đổi: một câu chuyện riêng
Năm tôi mười hai tuổi, mẹ tôi được chẩn đoán là bị ung thư dạ con ở giai đoạn nghiêm trọng. Các triệu chứng ban đầu của căn bệnh trước đó đã được chẩn đoán nhầm là những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, và cuối cùng khi bệnh tình được xác định chính xác, người ta không tiên lượng được mấy về diễn tiến bệnh trạng của bà. Bấy giờ là vào thập niên 1950, trẻ em thời ấy vẫn được “bảo vệ” rất kỹ, bị ém nhẹm không thể biết những thông tin xấu loại ấy trong gia đình. Các dữ kiện về tình hình sức khỏe của mẹ tôi được bưng bít hoàn toàn, mặc dầu dường như ai cũng thấy rõ là bà đang tiến gần đến cái chết. Sự bấn loạn bao trùm cả gia đình, nhưng không ai nhắc tới các nguồn gốc gây ra sự bấn loạn ấy. Hai tiếng “ung thư” không bao giờ được đề cập.
Chị Susan của tôi (đặc trưng con trưởng) đã đối phó với nỗi lo lắng của chị bằng thái độtích cực thái quá, còn tôi (đặc trưng con út) xử lý nỗi lo của mình bằng thái độ thụ động bất cập. Dần dần cung cách của chúng tôi trở thành hai đối cực và hóa nên cứng nhắc. Chị tôi càng thái quá thì tôi càng bất cập – và ngược lại, tôi càng bất cập hơn thì chị càng thái quá hơn. Như bạn sẽ nhận thấy sau đây.
Chị Susan, lúc bấy giờ đang học năm thứ nhất ở Đại học Barnard, mỗi ngày phải mất ba tiếng đồng hồ để đi về giữa Brooklyn và Manhattan bằng xe điện ngầm. Chị về nhà để lo lắng chăm sóc toàn bộ công việc nhà. Chị nấu nướng, quét dọn, giặt ủi, và làm mọi việc cần phải làm với tất cả sự tháo vát và không một chút oán than. Thảng hoặc có lúc nào chị cảm thấy bối rối, yếu đuối, bực bội, buồn nản… chị sẽ giấu kín những tâm trạng ấy, ngay cả giấu kín đối với chính bản thân chị. Còn tôi, trái lại, tôi bộc lộ sạch sành sanh những tâm trạng loại ấy cho cả nhà biết. Chị Susan tốt cỡ nào thì tôi tệ hại cũng cỡ ấy. Tôi gây ra đủ thứ chuyện, tôi đòi sắm những món áo quần vượt ngoài khả năng tài chánh của gia đình, tôi làm lộn xộn mọi thứ liền khi chị tôi vừa mới nhọc nhằn sắp xếp chúng ngăn nắp lại. Tội quậy phá ở trường và nhà trường cảnh cáo với ba má tôi rằng rất có thể tôi không bao giờ lên nổi đại học.
Bố tôi tỏ ra lầm lì xa cách (đặc trưng phản ứng nam giới khi gặp căng thẳng) còn mẹ tôi xử lý phiền não của bà bằng cách đổ dồn sự lưu tâm trên tôi. Thực vậy, khoảng 98% nỗi lo của bà được hướng về tôi. Mẹ rất ưu tư – nếu không muốn nói là bị ám ảnh – rằng tôi sẽ chẳng ra gì nếu bà mệnh vong. (Về chị Susan, mẹ tôi tin chắc rằng chị sẽ rất khá.) Mẹ tôi, thường vẫn tự hào rằng mình đã chiến đấu và đã sống còn, cho biết rằng chính vì tôi mà bà đã không thể chết. Thực sự mẹ tôi đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo ấy. Ngay cả đến hôm nay (khi tôi viết những dòng này, bà đang bước vào tuổi tám mươi), mỗi khi được hỏi bằng cách nào bà đã sống còn được qua cơn bệnh thập tử nhất sinh ấy, mẹ tôi không chút lưỡng lự để trả lời rằng: “Ồ, làm sao tôi có thể chết lúc ấy được. Con bé Harriet cần tôi. Nó hồi đó quấy quá lắm!”
Tôi hồi đó quấy quá thật – một chứng quấy quá bất trị. Tôi được gửi tới một chuyên viên tâm lý trị liệu và được tận tình giúp đỡ để uốn nắn, nhưng trong cõi vô thức, ý muốn không thay đổi của tôi mãnh liệt hơn nhiều so với những nỗ lực tận tình nhất của vị bác sĩ đang điều trị mình. Tôi vẫn cứ tiếp tục dở hơi cho đến khi cảm thấy tin chắc hơn rằng mẹ tôi đã qua khỏi được tai ách.
Phải chăng sự quấy quá của tôi đã giữ mẹ tôi sống còn? Mới đây tôi đã gọi cho mẹ ởPhoenix và đã thẳng thắn đặt câu hỏi ấy với bà cụ. Bây giờ vì gia đình tôi đã có thể trao đổi với nhau cởi mở hơn trước nhiều về những vấn đề thuộc tâm cảm, nên tôi tiếp tục khảo sát giai đoạn phiền lụy ấy của đời mình bằng một cách mà đối với ngày ấy là không thể. Tôi hỏi mẹ tôi có thật bà tin rằng chính sự quấy quá của tôi đã cứu sống bà. Phải chăng bà cho rằng chắc hẳn bà đã chết nếu như hồi ấy tôi trao được cho bà ấn tượng rằng mình đang giỏi giang, ngoan ngoãn?
Câu trả lời được cân nhắc và trung thực nhất của mẹ tôi là: khi hồi tưởng lại giai đoạn ấy, bà thực sự không quyết chắc như vậy. Khi nhận được kết luận chẩn đoán ung thư, bà “không còn bản ngã” nữa, mặc dù bà vẫn có thể quan tâm chăm sóc con cái, bà đã đánh mất khả năng quan tâm chăm sóc chính mình. Mẹ tôi giải thích rằng ban đầu bà chiến đấu với căn bệnh ung thư vì tôi 80 phần trăm và vì bà 20 phần trăm. Dần dần sau đó, tỉ trọng “vì bà” tăng lên khi bà biết trân trọng và ưu tiên cho sự sống của bản thân mình hơn.
Phải chăng sự quấy quá của tôi thực sự đã cho phép mẹ tôi tiếp tục sống? Chúng ta không thể quyết đoán. Nhưng dẫu sao, tôi cũng xác quyết một điều. Ở một bình diện vô thức nào đó, đứa con gái mười hai tuổi đấy – là tôi – đã tin rằng vai trò của mình trong gia đình là phải giữ cho mẹ mình tiếp tục sống bằng cách gây ra những sự quấy quá. Tôi đã tin như thế một cách sâu sắc không kém so với chị Susan của tôi tin rằng giềng mối gia đình tùy thuộc vào tính cách mẫu mực và tinh thần trách nhiệm của chị, một người giấu kín mọi dấu vết của yếu đuối và khổ sở nơi mình. Tôi đã kiên thủ với quyết tâm ngầm của mình nhằm phản kháng lại mọi cố gắng của bất cứ ai giúp mình điều chỉnh. Và thật đáng tiếc là chúng tôi đã không có được đúng loại trợ giúp mà gia đình mình thật sự cần, loại trợ giúp mà có thể làm cho cả bốn người chúng tôi đối phó với căn bệnh ung thư của mẹ tôi một cách cởi mở và thẳng thắn hơn.
Chia sẻ câu chuyện trên với bạn, tôi muốn mời gọi bạn suy ngẫm lại trên bức thư gửi chủ bút của một phụ nữ, hy vọng rằng với kiên trì bạn sẽ đạt được những đổi thay bằng chính nỗ lực của mình. Những ý tưởng và những đề nghị ở cuối chương này sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể đón nhận chúng với một thái độ cởi mở, can đảm và cầu tiến. Nhưng cũng xin bạn đừng quên rằng không ai khác có thể bảo cho bạn biết mình phải thay đổi những gì, với tốc độ nào và chấp nhận trả giá tới đâu. Không có chuyên gia nào, kể cả bác sĩ trị liệu tâm lý của bạn, có thể biết chắc lúc nào là lúc thích hợp nhất để bạn thay đổi, thay đổi đến mức nào thì vừa, và những tác động thuận nghịch khác nhau sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm cảm của bạn, đến các mối tương quan, cảm thức bản ngã, các mối ràng buộc của bạn trong cuộc sống này, và đến hệ đề kháng của bạn (hay của một ai đó khác) nữa.
Thật may thay, cõi vô thức của chúng ta rất khôn ngoan. Những gì bạn đọc trong sách này sẽ luôn luôn còn đó với bạn – còn đó lâu dài dù bạn tưởng là mình đã quên nó rồi – rồi sẽ đến lúc thích hợp để bạn vận dụng nó. Hãy vuốt ve niềm tin tưởng rằng tất cả hành vi và thái độ của bạn hiện tại đều có lý do chính đáng của chúng – và đều phục vụ cho một mục đích nào đó rất trọng yếu. Hãy đặt tín nhiệm vào nẻo bước của mình hơn là vào những chuyên gia khuyến giục thay đổi, kể cả đối với tôi; bởi vì cuối cùng chính bạn mới là chuyên gia tài ba nhất về bản ngã mình.
Ngã vị tính hay không ngã vị tính – định nghĩa thuật ngữ
Nếu trước hết và trên hết, khả năng mật thiết của chúng ta tùy thuộc ở những nỗ lực không ngừng để trở nên chính mình nhiều hơn – vậy thì bằng cách nào ta có thể đánh giá được mình đang ở đâu trên “bậc thang ngã vị tính”? Trong những mối tương quan thiết thân nhất của mình, bằng cách nào ta có thể xác định được mức độ theo đó mình có thể khuôn đúc ra cho mình một bản ngã riêng biệt, trọn vẹn và độc lập? Dù gọi nó là “ngã vị tính” hay một từ ngữ nào khác – chẳng hạn “tự trị” hay “độc lập” – thì đâu là tiêu chuẩn cho biết ta đang có nhiều hay ít nó? Trước khi lật tiếp tới những trang sách này, hẳn bạn cũng muốn đưa ra các tiêu chuẩn đo lường của chính bạn. Vậy theo bạn, nó có nghĩa gì? Một cách chính xác bạn nghĩ gì khi nói: “Chị ấy (hay anh ấy) là một con người rất độc lập!”
Trước hết tôi xin chia sẻ những gì tôi không có ý muốn nói khi tôi dùng những từ ngữ trên. Tôi không có ý nói: “Chị ấy có chân trong hội đồng quản trị General Motors”. Tôi không có ý nói: “Chị ấy không quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về chị”. Tôi không có ý nói: “Anh ta dàn xếp được mọi chuyện – chẳng có vấn đề gì đâu”. Những phát biểu đại loại vừa nêu có ý chỉ đến tính cách độc lập giả hơn là một bản ngã thực. Bởi vì tất cả chúng ta đều cần người khác, tất cả chúng ta đều chịu chi phối rất sâu đậm bởi cách thế mà người khác đối xử với mình. Không có ai là người không có những nhược điểm, những băn khoăn trăn trở và những vấn đề. Và bất cứ việc đi lên nấc thang nào của sự thành công cũng đều gắn với những hệ lụy nào đó, dù người ta có gặt hái được gì đi nữa. Thật vậy, những thành công trong đời sống xã hội có thể đòi người ta phải khuôn mình vào nhiều thứ ước lệ và phải hy sinh những giá trị riêng tư.
Tuy nhiên, nếu chúng ta cho rằng những mô tả đại loại như các phát biểu trên kia là cấu tố của độc lập và ngã vị tính thứ thiệt – thì rõ ràng là đàn ông có nhiều ngã vị tính hơn phụnữ. Điều đó không có gì đáng nói. Chỉ có điều đáng nói là nhiều đấng mày râu có bản ngã hay độc lập loại giả – và họ thường đạt được thứ của giả ấy bằng cách thí bỏ kẻ khác: những đàn bà, trẻ em và những người đàn ông yếu thế hơn họ.
Vậy thì, bằng cách nào ta có thể ý niệm khách quan hơn về “bản ngã”? Ta minh định ý nghĩa của nó như thế nào đây?
Thế nào là “thấp” trên bậc thang ngã vị tính?
Bức thư của Jo-Anne gửi chủ bút có thể cung cấp cho ta một ví dụ rõ ràng về một đôi vợ chồng đang ở bậc thang thấp nhất của ngã vị tính. Ta có thể ước đoán rằng chồng của Jo-Anne đang lo sợ sự trưởng thành của vợ mình sẽ tạo ra những khác lạ trong tương quan của họ. Thế thượng phong của anh (anh là người thiết định các qui tắc tương quan) có thể đem lại cho anh một cảm thức về bản-ngã-giả (hay độc-lập-giả), nhưng điều này còn tùy thuộc vào thế đứng quị lụy của vợ anh nữa. Về phần Jo-Anne, chị hy sinh phần lớn bản ngã mình trong cuộc sống vợ chồng. Chắc chắn trong đời sống vợ chồng việc đăng ký mua tạp chí Phụ Nữ không phải là vấn đề duy nhất mà trong đó chị không lập được một thế đứng và vì thế đành phải xử sự theo cách thế không am hợp với những xác tín và những giá trị của mình. Nói thế không có nghĩa rằng thái độ và cử chỉ của đôi vợ chồng này không có chút nghĩa lý. Thật vậy, điệu nhảy của hai vợ chồng này chỉ là một khắc họa rõ nét của một vũ khúc được khuyến giục bởi văn hóa chúng ta và được duy trì bởi những lối sắp xếp kinh tế và xã hội. Nhưng có điều rõ ràng mà ngay cả những ai bàng quan nhất cũng nhận ra – đó là không có ai trong hai vợ chồng này đang đứng ở bậc cao nhất trên nấc thang ngã vị tính.
Còn có nhiều cách khác, khó nhận ra và khó xác định hơn, mà trong đó, chúng ta hy sinh hay đánh mất bản ngã mình. Khi sự bấn loạn tăng cao, và nhất là khi nó tiếp tục căng thẳng trong một thời gian dài, chúng ta thường rơi vào thế quá khích trong các mối tương quan – bản ngã bị mất quân bình – và các tương quan của chúng ta sẽ hình thành những đối cực. Bạn hãy xem thử gia đình tôi đã phản ứng thế nào trong giai đoạn căng thẳng sau khi mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Trước hết, vai trò “quấy nhiễu” và “con hư” của tôi trong gia đình cho thấy một bản ngã suy yếu. Tôi đã không thể thoát mình ra khỏi nỗi phiền não của gia đình để phát huy bản lĩnh của tôi và chứng minh cho người khác thấy mặt mạnh và tích cực của mình. Cũng như Jo-Anne, tôi tin rằng sự ổn cố của các mối tương quan và ngay cả sự sống còn của bản thân mình – đều tùy thuộc ở việc mình thí bỏ bản ngã. Và khác với Jo-Anne, tôi đã không thể bộc bạch nỗi khó của mình ra. Tôi đã không khước từ bản ngã mình một cách ý thức, như Jo-Anne đã làm.
Còn chị tôi thì sao? Chị đã cư xử một cách rất khéo, rất “người lớn”, đầy trách nhiệm – cung cách ấy xem ra chu tất đến nỗi dễ chắc mẩm rằng chị đang ở vị trí cao trên bậc thang ngã vị tính. Người xung quanh đã nhận thấy như vậy, kể cả bố mẹ tôi là những người lúc ấy đang nhìn thấy chị Susan vững vàng đi qua sóng gió. Tuy nhiên, cung cách thái quá của chị Susan cũng bộc lộ một bản ngã suy yếu không khác gì so với cung cách bất cập của tôi. Chị đã không ở vị trí cao hơn trên bậc thang ngã vị tính, chị chỉ ngồi ở đầu bên kia của tấm ván nhún – với tôi ở đầu bên này. Tất cả chúng ta đều có điểm yếu của mình, cũng như tất cả chúng ta đều có những mặt mạnh nào đó. Khi ta không thể giới thiệu cả hai mặt (mạnh và yếu) một cách tương đối cân bằng, thì đó là lúc ta không đang ứng xử với một bản ngã đích thực và trọn vẹn.
Còn bố tôi? Như nhiều người đàn ông khác, bố tôi tỏ ra xa cách. Đây có thể là cố gắng của bố để nâng đỡ gia đình, và đồng thời còn nhằm để làm vơi nhẹ nỗi bấn loạn của chính ông. Những người lạnh lùng xa cách thường được coi là “vô cảm”, nhưng kỳ thực sự lãnh đạm ấy là một cách để họ làm chủ những cảm xúc rất thâm trầm bên trong. Và đó cũng là một dạng suy yếu bản ngã. Chúng ta không đang ở bậc cao trên thang ngã vị tính khi mà ta không thể giao cảm với các thành viên khác trong gia đình và không thể trực tiếp cởi mở những vấn đề hệ trọng và khó khăn trong cuộc sống của ta.
Mẹ tôi thì sao? Theo bà xác nhận, lúc ấy bà không có đủ bản ngã để chọn sống cho mình. Bây giờ mẹ tôi có thể phát biểu rất hùng hồn về cách thế mà căn bệnh ung thư ấy (và cái chết) đã thách thức bà trở nên chính mình và vì chính mình. Nhưng điều này chỉ mới đến về sau thôi. Cũng vậy, việc đổ dồn lưu tâm tới một đứa con (hay một thành viên nào khác của gia đình) có thể là một cách để người ta xử lý tình thế bấn loạn, song làm thế là làm hại cả chính mình lẫn người mà mình đổ dồn quan tâm.
Hướng tới một bản ngã vững hơn
Tôi không có ý mô tả gia đình tôi như một gia đình gồm toàn những kẻ không có bản ngã – những kẻ bệnh hoạn nặng nề tâm thần. Trái lại, mẹ tôi, bố tôi, chị tôi và tôi đã chỉ ứng xử như bất cứ ai và bất cứ gia đình nào trong tình trạng căng thẳng. Phản ứng thái quá, phản ứng bất cập, giằng co, săn đuổi, phớt lờ, và tập chú vào một đứa trẻ (hay vào ai khác)… đều là những cách thường tình mà người ta dùng để ứng phó với cơn bấn loạn. Và chẳng cách nào hay hơn cách nào!
Nhưng khi cơn phiền não tăng cao tới mức nào đó hoặc kéo dài tới mức nào đó, chúng ta dễ bám dính vào những cách phản ứng ấy và đẩy chúng đến thái quá. Thế là các tương quan của chúng ta sẽ phân thành những đối cực và đi vào bế tắc, chúng ta sẽ rất khó tìm ra cách nào mới mẻ hơn để thay thế cho cung cách cố hữu của mình. Thật vậy, chính những gì mà chúng ta làm để giảm bớt mối phiền não lại thường chỉ có tác dụng củng cố tình hình y như cũ và chặn đứng mọi khả năng đạt sự mật thiết. Còn những nguồn căn thực sự của mối phiền não thì thường không dễ thấy và do đó ta khó lưu tâm xử lý.
Khi gặp tình huống bế tắc như vậy, chúng ta cần điều hợp “cái tôi” của mình – và bao giờ cũng phải theo chiều hướng minh định “bản ngã nhiều hơn”. Có lẽ bạn đã có một số ý niệm về những gì hàm chứa trong tiến trình này. Chúng ta chỉ tiến lên được trên bậc thang ngã vị tính (và cũng là bậc thang của sự mật thiết) nếu chúng ta có thể:
– Trình bày một thế cân bằng của cả điểm mạnh và điểm yếu của mình.
– Nói lên được rõ ràng những điều tin tưởng, những giá trị và những mối quan tâm hàng đầu của mình, và chứng tỏ được có sự nhất quán giữa những điều ấy và cung cách thái độ của mình.
– Vẫn ở trong giao cảm với người khác dù khi các vấn đề trở nên căng thẳng nghiêm trọng.
– Lưu tâm đến các vấn đề phiền hà và khó khăn – và xác lập được lập trường của mình trong những vấn đề quan trọng.
– Biểu lộ những điều khác biệt nơi mình và cho phép người khác bộc lộ những nét khác biệt nơi họ.
Dĩ nhiên công cuộc “đạt được bản ngã” còn bao gồm nhiều khía cạnh khác nữa – song những điều vừa kể trên có thể được xem như một sự khởi đầu tốt. Và đó cũng là những gì cốt yếu để xây dựng nên sự mật thiết.
Trong các chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao quá trình đạt đến mật thiết bao giờ cũng đòi chúng ta phải dồn chú ý đến bản ngã mình xét như yếu tố cốt tủy đem lại thay đổi, đồng thời cũng phải nhìn bản ngã ấy trong một bối cảnh rộng lớn hết sức có thể. Trong bất luận trường hợp nào thì đây cũng là công việc rất gay go. Cục diện càng gai góc, nó sẽ càng gay go hơn nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.