Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết

CHƯƠNG VIII: NHẬN HIỂU SỰ TÍCH CỰC THÁI QUÁ



Ai cũng rõ là những người tiêu cực thụ động cần phải thay đổi. Nếu chúng ta có lối sống tắc trách tiêu cực – như trường hợp bố của Kristen – chúng ta sẽ nhận được những chẩn đoán này nọ, sẽ được gửi đi trị liệu về tâm lý, sẽ được bố trí chỗ trong trung tâm trị liệu hoặc bệnh viện tâm thần. Gia đình chúng ta sẽ coi chúng ta là “bệnh hoạn”, là “hư hỏng”, là “vô trách nhiệm”, là “đầu mối rối rắm” hay là kẻ “trái tính trái nết”. Những người khác sẽ lảng tránh chúng ta hoặc đổ dồn quan tâm về chúng ta – thường là những lối quan tâm không đem lại ích lợi gì. Chính chúng ta cũng bị nhồi sọ để nghĩ rằng mình là một mớ phiền nhiễu gây bận lòng người khác, còn những người khác trong gia đình thì xem ra không có vấn đề gì là chưa ổn cả.

Ngược lại, nếu ta là người tích cực thái quá, ta sẽ dễ chắc mẩm rằng mình đang ứng xử thuận lòng trời. Ta cho rằng mình đã làm tất cả những gì có thể hữu ích – và nguồn cội buồn phiền đáng kể nhất của mình nằm ở người kia, nằm ở kẻ không đủ sức hay không sẵn sàng sửa đổi. Đáng tiếc là những người quanh ta lại thường hậu thuẫn cho thái độ này, một thái độ chỉ nhìn thấy có một phần của cái toàn cảnh còn rộng lớn hơn. Hoặc giả họ làm ngược lại – nghĩa là trách móc rằng chính lối ứng xử của ta đã “gây ra” vấn đề – thì đây cũng chỉ là một cái nhìn hẹp hòi và méo mó không kém.

Ai trong chúng ta cũng có những mối quan hệ và có những trường hợp trong đó mình ứng xử theo lối tích cực thái quá – song điều này không phải bao giờ cũng là vấn đề, nhất là nếu ta có khả năng ghi nhận nó và điều chỉnh nó. Chẳng hạn, lần nọ con gái tôi gọi về và khóc nức nở vì cô nàng bị kỷ luật ở sở. Thay vì hỏi thăm đầu đuôi câu chuyện hoặc an ủi con gái mình bằng kinh nghiệm bản thân của mình, chúng tôi đã chỉ cố động viên tinh thần của con gái và bảo cô nàng nên làm thế này thế nọ. Sau đó trong ngày, chúng tôi sực nghĩ lại và nhận ra rằng những lời khuyên của mình thật quá qua loa và rằng mình đã không đủ thực tình lắng nghe con mình. Vì thế ngày hôm sau chúng tôi gọi lại cho con gái chỉ để hỏi thăm tình hình diễn tiến như thế nào. Chúng tôi hỏi một số câu hỏi về hoàn cảnh công việc làm của con gái mình và bày tỏ nỗi buồn tiếc vì con gái mình đang gặp chuyện khó khăn.

Thế nhưng, khi ta đang bị lún trong lối ứng xử tích cực thái quá, ta sẽ thấy rằng việc thay đổi thật vô cùng khó. Sở dĩ khó bởi vì phản ứng tích cực thái quá không phải chỉ là một thói xấu, một thái độ lầm lạc, một khát vọng quá mức muốn chứng tỏ mình hữu ích, hay một kiểu ứng xử được hình thành do sống chung với một kẻ bất cập trầm trọng – chẳng hạn một người chồng (hay vợ) nghiện rượu; thái độ tích cực thái quá, cũng giống như thái độ bất cập, là một khuôn mẫu ứng xử chế định sẵn mà ta dùng để xử lý mối ưu tư, khuôn mẫu này vượt ngoài kinh nghiệm của ta, được truyền lại cho ta từ gia đình cha mẹ mình và cắm gốc rễ trong nhiều thế hệ trước nữa. Lối phản ứng nóng nảy này vận hành hầu như một cách bản năng, không hề có sự nhận thức hay sự chú tâm rõ ràng. Và nó có thể làm cho ta – và các mối quan hệ của ta – bị mắc kẹt đến độ không ngờ.

Những người ứng xử tích cực thái quá một cách tự nhiên nhất thường là những người con cả hoặc là con duy nhất trong gia đình (dù không phải luôn luôn đúng như vậy). Khuynh hướng này rõ ràng được đẩy mạnh hơn nếu những người con cả ấy có những em út cùng phái với mình (chị cả của các em gái hoặc anh cả của các em trai). Và khuynh hướng ấy sẽ càng đặc biệt được thấy rõ nếu một người cha hay mẹ không thể chu toàn tốt công việc của mình do thiếu khả năng về thể lý hay về tâm lực và người con phải gánh vác thêm phần trách nhiệm bỏ trống ấy – chẳng hạn trách nhiệm làm người điều hợp, người trung gian hòa giải, v.v… Bởi vì người tích cực thái quá được thấy có vẻ là “tốt” (như chị tôi đã thể hiện hồi thời gian mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư), nên những khiếm khuyết và những vấn đề của họ thường không được lưu ý tới – ngay cả bởi chính họ. Thế rồi tình hình sẽ tiếp tục cho tới khi họ hoàn toàn ngã bệnh – hoặc vì lý do nào đó trở thành kiệt quệ. Quả là thường phải cần đến một cơn bệnh trầm trọng nào đó về thể lý hay về tâm thần mới có thể bắt một người tích cực thái quá kiềm chế bớt lại và biết lưu tâm hơn tới những nhu cầu của bản thân mình. Nếu người tích cực thái quá bị kiệt quệ do chính áp lực của sự ôm đồm thái quá của mình, thì việc kiềm chế bớt lại và lưu tâm tới mình vừa nói trên sẽ dễ được họ thực hiện với một tầm vóc rộng lớn hơn.

Định nghĩa thuật ngữ

Như ta đã thấy, thái độ tích cực thái quá  có thể được hiểu như một phong thái riêng màmột người nào đó dùng để xử lý nỗi lo và lèo lái các mối quan hệ khi gặp căng thẳng. Nếubạn là một người mang đậm nét tích cực thái quá, bạn sẽ nhận ra nơi chính mình những đặc điểm sau đây:

NGƯỜI TÍCH CỰC THÁI QUÁ

– Hiểu rõ điều gì là tốt nhất không chỉ cho chính mình mà còn cho người khác nữa.

– Rất nhanh nhạy trong việc khuyên bảo, uốn nắn, ra tay nghĩa hiệp và nhảy vào cuộc khi tình hình có nguy biến.

– Cảm thấy thật khó đứng ngoài để nhìn kẻ khác vật lộn với các vấn đề của riêng họ.

– Dồn chú ý vào người khác – như một cách để tránh khỏi băn khoăn về các khó khăn và các mục tiêu riêng của mình.

– Khó chia sẻ cho người khác biết các điểm yếu, các khía cạnh bất cập của mình – nhất là đối với những ai mà mình tin là đang có vấn đề rắc rối.

– Dễ được đánh giá là người “luôn luôn đáng tin cậy” hoặc “luôn luôn mẫu mực”.

Tuy nhiên, thái độ tích cực thái quá không chỉ đơn thuần là một kiểu tự vệ của cá nhân. Tích cực thái quá (cùng với thụ động bất cập) còn là thái độ nằm trong một mẫu thức quan hệ hỗ tương (hoặc xoay vòng). Khi sự gay cấn đạt đến một mức nào đó, lối quan hệ này sẽ hình thành đối cực và “kẹt cứng”, như được thấy trong câu chuyện giữa chị tôi và tôi. Nhìn từ góc độ này, sự tích cực thái quá (cũng như thái độ bất cập) là thành phần làm nên một hệ thống tương quan mà người ta không thể hiểu nếu tách nó ra khỏi cái tổng thể. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về cách nhìn này.

Thí bỏ bản ngã và bản ngã giả hiệu

Khi Bác sĩ Murray Bowen, cha đẻ của lý thuyết Bowen về các hệ thống gia đình, lần đầu tiên mô tả mẫu thức tương tác giữa thái độ tích cực thái quá và thụ động bất cập, ông nhằm nói đến một dạng thông thường của quan hệ hôn nhân trong đó một người thí bỏ bản ngã mình (de-selfing) còn người kia thì phát triển một bản ngã giả hiệu hơn nhiều.

Người thí bỏ bản ngã chính là người phản ứng bất cập. Còn người  củng cố bản ngã là kẻ tích cực thái quá. Vậy quá trình trao đổi này vận hành như thế nào?

Khi hai người kết đôi với nhau và vẫn còn trong tình trạng đôi lứa ban sơ, họ thường có cùng một mức độ “ngã tính” hay mức độ độc lập như nhau. Nghĩa là, cái “bản ngã thực” hay “bản ngã vững chắc” mà họ khuôn đúc được từ trong gia đình gốc của mình – giờ đây được họ mang vào trong mối quan hệ với nhau ở cùng một mức độ như nhau. Hay chúng ta có thể nói cách khác rằng họ ở cùng một cấp độ trưởng thành tâm cảm. Chẳng hạn, khi Jo-Anne (tên gán cho tác giả vô danh của bức thư đã hủy việc đăng ký mua báo Phụ Nữ) mới kết hôn với Hank (ta tạm gọi tên anh chồng như vậy), thì “cấp độ ngã tính” của hai người có thể được minh họa bằng một đường thẳng nằm ngang (xem hình A).



Thế nhưng, nếu ta nhìn lại đôi vợ chồng này sau vài năm làm chồng làm vợ, cấp độ ngã tính của họ sẽ chuyển thành như hình B.








Với thời gian, Jo-Anne đã nhận về phần mình vai trò thụ động và phải thích nghi, chị chịu khuất phục trước những áp lực trong đời hôn nhân và ngoan ngoãn đi theo kế hoạch do người khác sắp xếp. Chị trở thành suy sụp và có nhiều triệu chứng khó khăn. Phần Hank, trái lại, xem ra không có triệu chứng rắc rối nào về thể lý cũng như tâm thần và xem ra anh có nhiều cơ hội thành đạt trong công việc làm ăn. Trước mắt mọi người, Hank có vẻ như có “nhiều ngã tính hơn” so với vợ anh và có vẻ như anh đang hành động hoàn toàn đúng đắn. Thời gian càng trôi qua, tình trạng đối cực này càng trở nên gay gắt hơn. Phản ứng nông nổi của Hank đối với thái độ thụ động bất cập của vợ anh có thể mặc hình thức hờn giận lảng tránh và/hoặc quan tâm thái quá – nhưng trong bất luận trường hợp nào, anh ta cũng sẽ bắt đầu ít chia sẻ những vấn đề và những yếu điểm của bản thân mình với vợ mình (giả thuyết rằng ban đầu anh ta đã từng có chia sẻ như  vậy) – còn vợ anh thì sẽ bắt đầu ít chia sẻ những điểm mạnh và mặt tích cực của mình cho anh.

Tuy nhiên, mức độ hành xử giữa hai người chỉ được thấy có vẻ như là khác biệt thế thôi – chứ thực sự không hề khác biệt. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn thì Hank bành trướng một bản-ngã-giả-hiệu tương ứng với mức độ mà vợ anh thí bỏ bản ngã của chị. Chị “trút bỏ” bản ngã còn anh thì “vay mượn” bản ngã. Chẳng khác nào một trò cò cưa. Nếu nhờ một phép mầu nào đó hoặc duy chỉ do nỗ lực của mình, Jo-Anne trở nên thay đổi theo chiều hướng khẳng định bản ngã nhiều hơn, bấy giờ biểu đồ cấp độ ngã tính của hai người sẽ như sau:








Một khi Jo-Anne bắt đầu có vẻ khá hơn, Hank sẽ suy sụp và bắt đầu có vẻ tệ hơn. Đây là điều mà các chuyên viên tâm lý trị liệu thường xuyên đoán trước được và thường xuyên nhìn thấy xảy ra. Chúng ta cũng đã ghi nhận điều này ở cấp độ xã hội, đó là khi nam giới bắt đầu ta thán vì cảm thấy mình như bị bất lực hay bị thiến hoạn trước những thay đổi do phong trào nữ quyền đem lại cho nữ giới. Đây không chỉ đơn thuần là sự mạnh lên của phụ nữ bị nhập nhằng lẫn lộn với sự yếu đi của phái nam. Đây còn là chuyện bản-ngã-giả-hiệu của người đàn ông bị thách đố thực sự khi người phụ nữ bắt đầu ngừng không thí bỏ bản ngã của mình nữa.

Nếu Jo-Anne có khả năng đạt được một “bản ngã vững mạnh” ở mức độ thực sự cao hơn (chứ không phải là hành xử tích cực thái quá theo chiều hướng lấn lướt Hank), thì bấy giờ vị trí của tấm ván đu cò cưa ở biểu đồ C trên kia sẽ không đứng yên. Bởi vì cuối cùng Hank bị thách đố phải tiến lên một cấp độ ngã tính cao hơn để đáp lại những thay đổi thực sự mà vợ anh đã thực hiện được. Hoặc có thể sau vài năm cò cưa như vậy, rốt cuộc hai người trở thành đường ai nấy đi.

Tại sao lại phải thay đổi?

Vậy thì từ đâu mà người hành xử tích cực thái quá tìm thấy ý chí muốn thay đổi? Như có thể thấy trong câu chuyện của Kristen, thay đổi là chuyện cực kỳ khó khăn và là đầu mối làm dậy lên vô vàn rắc rối. Rất thường khi ta chẳng thấy động lực đâu cả hoặc nếu có thì cũng cạn sạch sau cú chạm trán đầu tiên. Ở đâu ta sẽ múc lấy lòng can đảm – miễn bàn chuyện động lực – để bắt đầu sửa đổi lối hành xử tích cực thái quá của mình? Và tại sao lại phải thay đổi trong khi mình đang ngồi ở chiếu trên trong một cuộc cò cưa tâm cảm, trong khi mình có thể hoàn toàn tránh né được nỗi dằn vặt nặng trĩu trong lòng – do bao nhiêu vấn đề còn chưa ổn của bản thân – bằng cách dồn hết chú tâm về người khác? Tại sao lại phải thay đổi trong khi mình có thể lập lờ đánh lận con đen để – bằng cách chẩn đoán người ta và bằng cách tỏ ra hành xử “đúng đắn” – rồi nghĩ rằng mình hoàn toàn đúng đắn? Tại sao lại phải thay đổi trong khi mình là “người trong nhà” được gia đình bàn luận với (chẳng hạn “Để mẹ kể cho con nghe về    chuyện trở chứng của thằng em trai con độ rày”) – chứ mình không phải là kẻ bị bàn tán về ?

Đây quả là một thế lưỡng nan. Nơi những người hành xử tích cực thái quá, ý muốn không thay đổi thường rất mạnh. Trước hết, vì chúng ta thường không nhận ra rằng mình có vấn đề: Chúng ta chỉ cố làm điều ích lợi cho người kia thôi, và nếu như ta đã bỏ mặc quay hưng hay cắt đứt – thì đó chỉ vì ta cho rằng mình đã thử hết mọi cách rồi. Giống như Kristen và mẹ cô, chúng ta không thể hiểu rằng chính mình đang góp phần tạo ra một tình thế bế tắc đầy phiền nhiễu cho mối quan hệ – bởi vì chúng ta không thể nghĩ ra (và có lẽ không thực sự muốn nghĩ ra) một đường lối khác để quan hệ. Thậm chí chúng ta có thể cho rằng người kia không thể sống còn được nếu     không được ta giúp đỡ (“Em tôi sẽ không chịu ăn cơm nếu tôi không mua quà cho nó”).

Thứ hai, chúng ta không muốn thay đổi bởi vì chúng ta không biết làm sao để sửa đổi thái độ tích cực thái quá của mình. Chúng ta không có những hướng dẫn rõ ràng để áp dụng, không có một tấm bản đồ tốt chỉ rõ lộ trình để đi, và không có một huấn luyện viên được đào tạo chính qui để dẫn dắt ta vượt qua bao nẻo bước quá gập gềnh. Và hầu chắc là chúng ta không thể lượng định thực tiễn sự thay đổi của mình sẽ gặp phải gay go cỡ nào – nếu mình thực sự đi vào thay đổi.

Cuối cùng, việc sửa đổi lề lối ứng xử đậm tính tích cực thái quá bao giờ cũng làm ta nhứcnhối trong lòng. Như ta sẽ thấy, nó có thể làm trào lên mãnh liệt trong ta nỗi chán chường,hoang mang, bực bội khi những yếu điểm và những khiếm khuyết của mình vụt hiện rõ mồn một trước mắt mình – và ai lại thích chuyện đó bao giờ! Quả là khó lòng chịu đựng nỗi đớn đau trước mắt, cho dầu ta được hứa hẹn rằng rồi mình sẽ có được một bản ngã vững chãi và toàn vẹn hơn.

Dầu sao thì thực tế một số người trong chúng ta cũng tìm được cho mình ý chí để thay đổi, như trường hợp của Kristen chẳng hạn. Sự thay đổi ấy đòi chúng ta phải chống lại khát vọng nơi mình muốn điều chỉnh sự việc – và phải chống lại một khát vọng còn mãnh liệt hơn nữa: đó là ý muốn phủi tay quay lưng khi thấy rằng mình không thể điều chỉnh gì được. Nhưng có lẽ khía cạnh khó khăn nhất của việc sửa đổi một thái độ tích cực thái quá chính là khả năng chia sẻ các mặt yếu của mình cho  người tiêu cực tắc trách kia và dành lưu tâm đến các mặt mạnh của người ấy. Chúng ta hãy trở lại với phần cuối câu chuyện của Kristen để xem điều này có thể được        thực hiện như thế nào – và để đánh giá đúng mức tác động tâm cảm mạnh mẽ mà nó tạo ra.

Trở lại với Kristen

Câu chuyện Kristen gọi điện thoại cho cảnh sát đến chỗ bố cô để đưa ông về lại xảy ra lần nữa, lần thứ hai. Để phản ứng, ông bố sau đó đã gọi Kristen là con người “cực kỳ ích kỷ” – đến đây thì Kristen hoàn toàn mất bình tĩnh. Trong buổi gặp gỡ nhóm trị liệu lần kế tiếp đó, Kristen kể: “Lúc ấy, em muốn điên lên. Ông gọi em là ích kỷ! Ông bảo rằng em đang làm thương tổn nặng nề cho gia đình! Em trả lời rằng chính bố mới độc ác như vậy. Thật không thể nín thinh được nữa, nên em đã nói huỵch toẹt điều đó ra”.

“Nói huỵch toẹt ra” – đó là sự thể bình thường xảy ra trong tiến trình thay đổi đầy gai góc. Trước khi có thể thay đổi được phần mình trong một mô hình quan hệ vốn đã kẹt cứng, chúng ta thường không tránh khỏi quay đi quay lại với lối phản ứng cũ của mình. Nhóm trị liệu đã bày tỏ cảm thông với những xúc cảm và sự bộc trực của Kristen. Một vài người còn cho rằng như vậy có lẽ hữu ích cho Kristen – vì cô đã trút được sự phẫn uất của mình ra hết. Song điều đáng kể nhất là Kristen đã có thể trở lại đúng lộ trình mà mình đã vạch ra.

Khoảng một tháng sau đó (cũng là khoảng một năm sau lần cô gọi cảnh sát lần đầu tiên), Kristen đã thực hiện được một hành vi đầy chí khí và can đảm. Cô viết cho bố một lá thư trong đó có đoạn sau đây:

Thưa bố, con đã nêu vài ý nghĩ của con về việc bố đánh giá rằng con ích kỷ, và con nhận thấy rằng nói cho cùng thì bố cũng có lý khi đánh giá như vậy. Đúng là con đang trở nên ích kỷ hơn. Thực lòng, con đang cố tìm cách để trở nên ích kỷ hơn. Con nghĩ rằng con đã bỏ ra phần lớn cuộc sống mình để bồn chồn lo lắng về chuyện uống rượu của bố hay về những nỗi khó khăn của mẹ – và con đã dành quá ít quan tâm để minh định rõ mình là ai và cuộc sống mình đang đi về hướng nào. Việc đổ dồn quá nhiều quan tâm đến các vấn đề của bố có thể là cách con tránh né để khỏi xem xét chính mình và những vấn đề của mình. Giờ đây khi đã biết nghĩ về mình, con mới thấy rằng đã lâu rồi mình không thực sự dễ chịu lắm với tình hình công việc làm ăn của mình – thế nhưng mình đã chẳng làm gì để cải thiện tình hình ấy cả. Bây giờ con cảm thấy lạc quan hơn vì biết rằng ít ra mình cũng đang bắt đầu suy nghĩ về chuyện ấy.

Trong một cuộc chuyện sau đó với bố, Kristen trình bày cụ thể một vấn đề đang gây ảnh hưởng nhiều đến cô ở sở – đồng thời cô cũng chia sẻ về tình trạng phân vân bất quyết của cô trong việc định hướng sự nghiệp mình. Cô xin bố cho cô biết ý kiến và phản ứng của ông đối với trường hợp tiến thoái lưỡng nan của mình – và đồng thời cô cũng tỏ ra rất tha thiết muốn biết bố đã từng trải qua kinh nghiệm giằng co tương tự như vậy bao giờ chưa. Bố đã quyết định thế nào về con đường nghề nghiệp riêng của bố? Bố có bao giờ nghĩ đến chuyện đổi nghề không? Những người trong gia đình phía bên bố đã từng đương đầu với những loại rắc rối nghề nghiệp nào? Kristen bày tỏ rằng bất cứ sự san sẻ kinh nghiệm riêng nào của bố liên quan đến các khó khăn nghề nghiệp cũng sẽ giúp cô đương đầu một cách kiến hiệu hơn với khó khăn hiện tại của bản thân cô. Sau đó trong tuần, Kristen nói chuyện với mẹ và cũng tìm hiểu tương tự về những kinh nghiệm rắc rối trong nghề nghiệp ở phía bên gia đình của mẹ cô.

Ít lâu sau, Kristen bị suy sụp trầm trọng. Mặc dù cô cho biết nỗi chán nản xâm chiếm cô “hoàn toàn bất ngờ”, thì sự việc xảy ra cũng không đáng ngạc nhiên chút nào cả. Qua việc chia sẻ khía cạnh thụ động bất cập của chính mình với bố, Kristen đã thách đố những chuẩn mực vốn đã thiết định nên “cốt cách” của gia đình cô. Quả là cô đang thách đố những qui cách đang lèo lái vũ điệu của gia đình – khi cô lưu ý tới những mặt mạnh của bố, khi cô trân trọng cách đánh giá của ông, khi cô khẳng định bản ngã mình nhiều hơn trong mối quan hệ với gia đình và khi cô không còn tiếp tục giả vờ làm như thể mình không có vấn đề gì cả. Chẳng hạn, một trong những “cốt cách” của gia đình đó là cho rằng bố cô – trong tư cách là một bệnh nhân mắc chứng nghiện rượu – không nên gánh thêm gánh nặng do các vấn đề của người khác nữa và một người như ông thì chắc chắn chẳng có ý kiến gì hay ho để mà đóng góp cho kẻ khác. Một qui tắc ngầm khác nữa là giữa con gái và bố không nên có mối quan hệ thực sự.

Qua việc thúc đẩy bố mình hành xử như một ông bố, Kristen cũng đã làm bùng dậy những tâm trạng từ trước đến nay bị chôn vùi và những nhu cầu muốn cậy dựa song từ trước đến nay chưa được đáp ứng – đây là những nhu cầu và khát vọng đã bị cô bưng bít kỹ bằng cách cố khư khư hành xử tích cực thái quá và dồn chú ý quá mức vào các vấn đề của người khác. Và thật nghịch lý, trước sự cởi mở của Kristen, thái độ hưởng ứng tích cực của bố lại khơi lên trong cô nỗi bực tức và thất vọng vốn giấu kín về những gì mà cô đã không nhận được từ bố và từ gia đình trong suốt quãng đời mình từ trước đến nay. Phản ứng tự động ban đầu của cô là cho rằng bất cứ gì mà bố có thể giúp cô bây giờ cũng đều không đủ – và đã quá trễ rồi.

Kristen không thể hiểu tại sao thái độ ứng xử mới của mình – và phản ứng tích cực của bố đối với thái độ ấy – lại gây cho mình tâm trạng khổ sở hơn bao giờ. Tuy nhiên, phản ứng của cô thì không đáng ngạc nhiên và là cái có thể hiểu được. Chính bởi vì sự thay đổi bao hàm nỗi khó khăn như vậy nên nhiều người trong chúng ta đành quyết định tiếp tục theo con đường mòn cũ.

Đàng khác, chúng ta phải trả giá cao nếu chấp nhận thay đổi và kiên thủ với nẻo đường mới của mình (hay nói chính xác hơn, trở lại với nẻo đường mới sau những khi trật đường). Chia sẻ điểm yếu nơi mình và lưu ý đến mặt mạnh nơi người khác là những việc thiết yếu để vãn hồi thế quân bình trong mối quan hệ với một người có lối hành xử bất cập. Nếu ta không làm được điều đó, sẽ rất khó hy vọng người kia có thể tập trung nghị lực vào việc tự sửa đổi – và họ sẽ phải vất vả gấp đôi mới khai phóng được những điểm mạnh riêng của họ.

Hơn nữa, công việc ấy sẽ giúp chúng ta đạt đến một bản ngã quân bình và vững chắc hơn. Đó cũng là cách thức bảo đảm nhất để phòng tránh việc hình thành thế đối cực trong quan hệ với những người mà ta mới quen biết trong đời – và đồng thời phòng tránh nguy cơ truyền lại mẫu thức ấy cho các thế hệ về sau.

Cuối cùng, nếu chúng ta có thể sửa đổi một cốt cách ứng xử tích cực thái quá thâm căn cố đế, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu rõ được những giá thực sự mà bản ngã mình phải trả trong lề lối cũ. Ta hiểu ra rằng thật là bực bội, mệt mỏi, chán chường, kiệt quệ (cả tài lực lẫn tâm lực) khi mình hành xử tích cực thái quá – nghĩa là khi mình ra tay nghĩa hiệp cứu người ta, lo lắng từng li từng tí cho người ta, hoặc quan tâm chú ý đến các vấn đề của người ta nhiều hơn so với quan tâm chú ý đến các vấn đề của chính bản thân. Đồng thời, thái độ lảng tránh không đếm xỉa gì đến một người thân đang bất ổn cũng không thực sự cho phép ta an tâm lâu dài rằng mình đang vững vàng, đang có trách nhiệm hoặc đang ổn định, cho dẫu ta cố thuyết phục mình nghĩ thế.

Cho tới đây, chúng ta đã xem xét một mô hình thâm căn cố đế của quan hệ thái quá bất cập. Nói thâm căn cố đế, tôi có ý chỉ một dạng mẫu ứng xử đã cứng nhắc trơ lì qua thời gian, và có thể đã bắt rễ từ nhiều thế hệ trước. Lực đề kháng thay đổi vốn mạnh khủng khiếp – cả lực bên trong ta lẫn lực bên ngoài ta – và chúng ta thường rất cần có sự hướng dẫn của giới chuyên môn để biết cách hạ ngọn lửa nông nổi của mình xuống, để biết quan sát bước chân của mình trong điệu nhảy và để có thể kiên định qua thời gian. Thường khi, do bởi mình đổi lối ứng xử, những sóng gió sẽ dậy lên trong lòng mình khó chịu đến nỗi chúng ta tự nhủ rằng thà đừng thay đổi thì hơn, rằng lợi bất cập hại, hoặc rằng như vậy thì không thể chịu được.

Giờ đây chúng ta hãy chuyển sang tìm hiểu câu chuyện của Anita, một ví dụ điển hình của thái độ tích cực thái quá dạng nhẹ – song đã đẩy tới mức tối đa trong một giai đoạn đặc biệt căng thẳng của gia đình lúc hữu sự. Anita đã có thể thực hiện được những thay đổi một cách tương đối dễ dàng – bởi vì “sự bế tắc” đẩy chị đến với tâm lý trị liệu chỉ kéo dài có vài tháng. Khi người ta vì phản ứng mạnh mẽ đối với mối căng thẳng mới xảy ra mà làm cho một mối quan hệ lâm vào bế tắc – sự thay đổi trong trường hợp này sẽ tương đối dễ dàng hơn.

“Tôi lo cho mẹ tôi quá!”

Anita là một nữ y tá hai mươi chín tuổi làm việc trong ngạch nhà nước. Chị đến gặp tôi vài tháng sau khi bà ngoại chị – một bà cụ bảy mươi tám tuổi – bị té ngã nặng. Lúc bước vào văn phòng tôi, Anita trông có vẻ rất căng thẳng và bối rối.

Trước đó, khi nói chuyện qua điện thoại, Anita cho biết rằng chị muốn được giúp đỡ vì đang bị chứng nhức đầu cùng với nỗi bồn chồn trong lòng không dứt. Nhưng trong buổi gặp gỡ đầu tiên, chị dường như hoàn toàn tập trung đề cập đến mẹ mình – là bà Helen – người đang túi bụi lo săn sóc cho mẹ già, tức bà ngoại đau yếu của Anita.

Anita chia sẻ rằng đầu tiên chị cảm thấy thông cảm với tình cảnh của mẹ chị, nhưng dần dần mối đồng cảm ấy đã chuyển thành nỗi bất mãn và rồi cuối cùng là cơn tức giận không cần giấu giếm. “Mẹ tôi quan tâm tới bà ngoại đến độ không nghĩ đến bất cứ gì khác trong cuộc sống của mình” – Anita giải thích – “Mẹ tôi hao mòn đến chỉ còn da bọc xương, mẹ lạnh nhạt với bố và nhất là mẹ lạnh nhạt với chính bản thân mẹ”.

Mỗi khi chúng ta phàn nàn rằng mẹ mình (hay bất cứ ai) không chịu lắng nghe lẽ phải, thì điều đó thường có nghĩa rằng họ không nhìn sự việc theo cách của ta hoặc không làm những gì mà ta muốn họ làm. Tương tự với trường hợp của vợ chồng Suzanne và John (chương 6), gay cấn chủ yếu ở đây là thái độ phản ứng nông nổi trước những khác biệt. Anita rõ ràng cảm thấy khó đón nhận thực tế là mẹ mình ứng phó với tình hình khó khăn theo cách khác với mình. Phản ứng nông nổi của ta trước những khác biệt bao giờ cũng tăng lên cao vào những lúc có căng thẳng đặc biệt trong gia đình (chẳng hạn khi trong nhà có đám cưới hay đám tang) – bởi vì chính tâm trạng bấn loạn là cái xúi quẩy ta phản ứng bộc trực nông nổi.

Phần lớn cuộc sống của chị từ khi đã trưởng thành, Anita có một quan hệ thân mật gần gũi với mẹ và hai mẹ con rất cởi mở thoải mái chia sẻ mọi chuyện với nhau. Mối quan hệ giữa họ không có tính đối cực lắm, mỗi người có thể bộc bạch các khó khăn của mình và có thể học hỏi điểm mạnh của người kia để giải quyết các vấn đề của bản thân mình. Nhưng từ khi sức khỏe của bà ngoại trở thành nguy kịch sau vụ ngã té ấy, Anita bỗng bắt đầu đổ dồn chú ý đến cách mà mẹ chị xử lý tình hình rắc rối này. Và chính trong giai đoạn đặc biệt căng thẳng này mà khuynh hướng ứng xử tích cực thái quá của Anita đã đẩy mạnh tối đa, thế là thêm một mối quan hệ bà mẹ – con gái nữa rơi vào bế tắc.

Cách mà vấn đề diễn biến

Trong những tháng sau tai nạn ngã té của bà ngoại, mối tương giao giữa Anita và mẹ chị trở nên ngày càng căng thẳng. Bà Helen thì than thở với Anita về nỗi nhọc nhằn đến kiệt quệ thường xuyên của mình và về gánh trách nhiệm ngập đầu của bà đối với mẹ già. Anita thì đề nghị những cách để mẹ chị giảm bớt gánh nặng; chẳng hạn, yêu cầu các thành viên khác trong gia đình tiếp tay chăm sóc bà cụ hoặc mướn một chị nuôi đến săn sóc bà ngoại vài tiếng đồng hồ mỗi ngày. Trước những góp ý ấy của Anita, bà Helen hoặc phớt lơ không để ý hoặc giải thích rằng giải quyết như vậy thì không ổn. Và cứ thế, Anita tiếp tục bảo vệ ý kiến của chị, còn mẹ chị thì tiếp tục bịt tai và hành xử theo cách của bà.

Thế rồi Anita đã làm gì? Đôi khi chị nhắc lại ý kiến của chị, mặc dầu mẹ chị vẫn bỏ ngoài tai. Sau một thời gian như vậy, Anita bỏ mặc không đếm xỉa đến nữa (“Tôi không muốn nghe mẹ tôi than thở nữa, vì bà đâu có chịu làm một cái gì để cải thiện tình cảnh của bà”) – hoặc chị sẽ giải thích và đưa ra kết luận chẩn đoán về thái độ của mẹ (“Mẹ à, con nghĩ chắc trong thâm tâm mẹ đang thích thú với cuộc hy sinh này và với núi trách nhiệm sừng sững mà mẹ đang ôm lấy. Mẹ yêu cầu con góp ý chỉ để bác bỏ mọi ý kiến của con. Vì thế con đâm ra bực mình và cảm thấy chán nản”). Những khi hai mẹ con tránh ra khỏi đề tài về bà ngoại để nói chuyện khác, thì cuộc chuyện giữa hai người trở nên gượng gạo và hời hợt.

Mặc dù bà Helen đang ôm đồm công việc chăm sóc mẹ già, kỳ thực bà vẫn đang phản ứng bất cập trong chính việc giải quyết vấn đề chăm sóc ấy. Và Anita càng bận bịu dồn lo lắng cho khó khăn của mẹ, thì bà Helen – mẹ chị – càng tiếp tục hành xử bất cập đối với bản thân bà. Rõ ràng là cung cách của bà Helen thúc đẩy Anita phản ứng tích cực thái quá, cũng như sự thái quá của Anita đã thúc đẩy mẹ chị phản ứng bất cập. Đó là cách mà hai người thực hiện điệu nhảy luân lưu với nhau.

“Trong lúc này bao nhiêu năng lực lo lắng hay bận tâm của chị đang được dành để hướng về mẹ chị?”, tôi hỏi Anita trong buổi gặp gỡ thứ ba của cuộc trị liệu. Và tôi yêu cầu chị suy nghĩ chính xác bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tôi muốn chị trả lời rõ là bao nhiêu phần trăm.

“Khoảng bảy mươi lăm phần trăm”, Anita nhanh chóng trả lời. Tôi thì đoán rằng rất có thể còn cao hơn thế nữa.

“Nếu bỗng dưng vấn đề của chị được giải quyết hoàn toàn, nếu chị không còn lý do gì để ưu tư về mẹ chị nữa, thì bảy mươi lăm phần trăm năng lực bận tâm ấy sẽ được chị đặt vào đâu? Chị có cái gì khác để lưu tâm không?”

“Tôi cũng không rõ”, Anita đáp thản nhiên, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến trường hợp đó”. Và quả thực, đó là điều mà chị chưa bao giờ nghĩ đến.

phản ứng thái quá có công dụng gì?

Một trong những cái được mà bất cứ loại tập chú vào người khác nào cũng đem lại cho ta – đó là ta sẽ khỏi phải cảm nhận trọn vẹn sự đè nặng do các vấn đề của riêng mình. Rõ ràng, nhiều cảm xúc đã dậy lên trong lòng Anita trước sự cố trượt té của bà ngoại chị và trước nỗi ám ảnh về cái chết của bà đã gần kề. Anita muốn tương quan như thế nào với bà ngoại vào lúc này? Chị muốn tiếp xúc bà ngoại theo mức độ thế nào? Chị có chuyện gì còn bỏ ngõ trong tương quan với bà ngoại mà nay chị muốn đề cập đến trước khi trở thành quá trễ không? Giả dụ như ngày mai bà ngoại qua đời, liệu Anita có cảm thấy bình an trong mối quan hệ với bà, hay là chị sẽ day dứt vì chưa kịp nói hay hỏi bà một điều gì đó không? Có cả một mớ câu hỏi mà Anita khỏi phải nghĩ về – hay khỏi phải nghĩ quá nhiều về – bởi vì chị đang nghĩ về mẹ, lo lắng về mẹ và nói chuyện về mẹ với bác sĩ trị liệu, với gia đình và với bạn bè…

Một vấn đề tâm lý khác cũng được khơi lên trong Anita lúc này liên quan đến trách nhiệm của con gái đối với việc phụng dưỡng cha mẹ già. Sự kiện mẹ chị hoàn toàn xả thân để phục vụ bà ngoại đã làm cho Anita cảm thấy âu lo, bởi vì chị linh cảm rằng mình cũng được kỳ vọng sẽ đến lúc phải làm giống y như mẹ đã làm. Chính ý nghĩ rằng một ngày kia mình sẽ hiến cả cuộc sống mình để chăm lo cho cha hay mẹ già đã làm Anita hoảng sợ và khó chịu, mặc dù bố mẹ chị chưa bao giờ nêu ra sự kỳ vọng như vậy. Chính Anita cũng chưa bao giờ nói lên rõ ràng những ưu tư ấy một cách ý thức – ngay cả đối với chính mình. Thay vào  đó, chị bẻ lái – một cách hoàn toàn có tính tự động và phản xạ – để tránh nỗi băn khoăn của mình và đổ dồn mọi lo lắng và phê phán về phía mẹ. Đó là cách mà người ta vẫn thường làm. Liệu chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi cung cách ấy như thế nào đây?

Những bước mới

Việc đầu tiên Anita có thể làm – như bước bắt đầu thay đổi thái độ – đó là ngừng đưa ý kiến này nọ với mẹ. Học chấp nhận vai trò không hữu ích là một thách đố đặc biệt gay go cho những ai trong chúng ta vốn thường sốt sắng nhảy vào điều chỉnh các vấn đề của những người trong gia đình mình hoặc vốn thường sốt sắng ra tay nghĩa hiệp cứu giúp người cùng khốn. Đã đành Anita chẳng có gì sai trái khi đưa ra lời khuyên này nọ cho mẹ nếu mẹ chị nhìn nhận đó là điều hữu ích và nếu chị ý thức rằng ý kiến củamình có thể không phù hợp với mẹ (“Ồ, nếu con ở trong hoàn cảnh của mẹ thì con sẽ làm như thế, như thế – nhưng rất có thể điều đó không phù hợp với mẹ. Mẹ nghĩ sao?”)

Trong lối ứng xử cũ, Anita đưa lời khuyên từ một lập trường tích cực thái quá hay quá ôm đồm trách nhiệm. Lúc ấy chị thực sự xác tín rằng mình nắm câu trả lời cho các vấn đề của mẹ, và chị cảm thấy tức giận khi mẹ phớt lơ những ý kiến mà chị đưa ra. Đó là lý do tại sao Anita phải cố gắng chấm dứt việc đưa lời khuyên này nọ, ít nhất cho đến khi nào chị có được một thái độ tôn trọng hơn đối với nhu cầu của mẹ chị là bà phải tự tìm ra giải pháp cho chính bản thân bà.

Khi chúng ta hành xử tích cực thái quá đối với những người thân trong gia đình, chúng ta đừng quên rằng chắc chắn họ sẽ hành xử bất cập đối với vấn đề của chính họ và họ sẽ hóa nên vụng về hơn trong việc giải quyết các vấn đề ấy. Hơn nữa, trong trường hợp Anita thì chị biết rõ rằng mẹ chị phản kháng các lời khuyên của chị. Vì vậy nếu cứ tiếp tục hành xử theo lối cũ thì Anita chỉ có thể chôn chặt mình trong bế tắc mà thôi.

Khi đã sẵn sàng để phá vỡ mô hình quan hệ cũ, Anita ngừng việc loay hoay cố thay đổi mẹ và bắt đầu thay đổi chính những phản ứng của chị. Chẳng hạn khi mẹ chị gọi điện thoại đến và than thở rằng bà cảm thấy quá kiệt sức do công việc chăm sóc bà mẹ già đau yếu, Anita sẽ đưa ra những câu hỏi thăm về tình hình và lắng nghe một cách đầy thông cảm. Chị không khuyên mẹ nên làm thế này thế nọ nữa. Thái độ của Anita cho thấy chị biết trân trọng sự thực rằng chính mẹ chị mới là chuyên viên tư vấn lỗi lạc nhất cho bản thân bà – và rằng bà đang phải vật lộn với một thế lưỡng nan hết sức nhập nhằng rắc rối.

Nhưng không có nghĩa là câm lặng

Những người hành xử tích cực thái quá sẽ phản ứng thế nào khi họ nổi giận, bất mãn, hoặc cảm thấy đuối sức? Như chúng ta đã thấy, họ thường chuyển sang thái độ lảng tránh một cách quyết liệt. Ở đây tôi không chỉ nói đến sự lảng tránh về thể lý (chẳng hạn “Tôi sẽ không gọi điện thoại hay viết gì cho ông ấy nữa”) – nhưng đây còn là sự lảng tránh về tâm cảm nữa, nghĩa là loại hẳn vấn đề ra khỏi tâm trí mình. Như trong trường hợp của Kristen, đầu tiên cô nhập nhằng lộn xộn giữa sự lảng tránh với sự thay đổi đích thực về phần mình – do đó cô đã đi từ thái độ cố điều chỉnh uốn nắn tật uống rượu của bố mình đến cách hành xử như thể tật uống rượu ấy của bố là cái không đang có trên đời.

Việc minh định lập trường của mình liên quan đến một sự gay cấn trầm trọng luôn luôn là một phần thiết yếu của nỗ lực xác lập bản ngã. Anita đã biết thực hiện điều ấy bằng cách nói điều gì đó về chính mình thay vì là cố làm chuyên viên lo lắng cho mẹ. Sau một cuộc chuyện trên điện thoại trong đó bà Helen lại than vắn thở dài về nỗi nhọc nhằn căng thẳng và đuối sức của bà, Anita nói với mẹ: “Thưa mẹ, mẹ biết đó, con thực sự kinh ngạc khi thấy mẹ có khả năng đến như vậy trong việc săn sóc bà ngoại. Giả như con ở trong trường hợp của mẹ, con chắc chắn không thể làm nổi; con chắc hẳn phải tìm kiếm sự trợ giúp nào đó và dàn xếp để có được thời giờ dành cho bản thân mình, dù điều đó khó mấy đi nữa?”

Khi mẹ chị đáp lời bằng cách đưa ra một lô lý do tại sao bà không thể chọn giải pháp tìm sự trợ giúp, Anita không hề tranh cãi. Chị chỉ lập lại: “Thưa mẹ, con chỉ nói là con không đủ sức để làm theo cách của mẹ. Con không có ý đòi mẹ giải quyết vấn đề theo cách của con. Điều con muốn nói là con không đủ sức chịu đựng vất vả đến như vậy vì bất cứ ai, dù con có yêu thương người ấy đến mấy đi nữa. Duy chỉ trong vấn đề sức khỏe thôi, con cũng thấy là mình không kham nổi khối lượng công việc đó. Nhưng, thưa mẹ, con vẫn biết rằng mẹ và con là hai người khác nhau”.

Anita bám chặt con đường mà mình đã chọn lựa, dù có những lúc chị phải cắn răng để tránh cám dỗ quay về cốt cách cũ – tức thái độ hăng hái góp ý và lý luận. Vài tuần lễ sau đó, trong một bữa cơm trưa với nhau, bà Helen đã bộc lộ với Anita rằng công việc săn sóc bà ngoại đang gây ảnh hưởng rất nhiều trên chính sức khỏe của mình. Bấy giờ, Anita nghiêng về phía mẹ và nói với giọng đầy tha thiết: “Mẹ à, con luôn luôn thán phục tấm lòng của mẹ diễn tả qua sự săn sóc mà mẹ dành cho mọi người. Từ hồi nào đến giờ, con vẫn mãi ngạc nhiên về khả năng trao đi của mẹ. Mẹ đã chăm sóc cho ba đứa con của mẹ. Mẹ đã chăm sóc bố. Rồi khi cậu Harry gặp chuyện chẳng lành, lại chính mẹ là người trước hết có mặt để lo lắng cho cậu. Bây giờ đến lượt mẹ săn sóc bà ngoại”.

Ngừng một giây lát, Anita tiếp: “Nhưng có một điều con không hiểu. Ai đang chăm sóc cho mẹ đây, hở mẹ? Con thường băn khoăn vê chính câu hỏi này. Ai đang lo lắng săn sóc cho mẹ?”

Nước mắt bà Helen bất chợt ứa ra, tuôn tràn. Và Anita bỗng sực nhận ra rằng đây là lần đầu tiên chị thấy mẹ mình khóc. Bà Helen cho con gái biết rằng thực sự chẳng có ai quan tâm săn sóc nhiều đến bà và rằng, hơn nữa, chính bà cũng không muốn xảy ra điều ấy. Bà nhắc lại thuở thiếu thời – với cái chết sớm của người cha đã hằn vào tâm trí bà cảm nghĩ rằng thật là không ổn nếu phải nương tựa vào bất cứ ai ngoài chính bản thân mình. Chiều hôm ấy khi chia tay với mẹ, Anita biết rằng chị đã hiểu thêm rất nhiều về mẹ mình.

Cuộc chuyện ấy đã xảy ra được là nhờ ở bản lĩnh của Anita khi chị có thể chia sẻ mối ưu tư thực sự đối với mẹ mình mà không rơi trở lại lối phản ứng thái quá trước đây (cũng tương tự với lối phản ứng của mẹ chị) – chẳng hạn hăng hái khuyên can, cứu giúp, điều chỉnh. Trái lại, chị chia sẻ xuất phát từ bản thân mình, không hề hàm ý muốn mẹ phải cảm gì, nghĩ gì, hay làm gì – và không hề vạch cho mẹ phương thức nhất định nào để bà giải quyết khó khăn của bà. Không lâu sau đó, mẹ chị đã bắt đầu vận dụng khả năng riêng để tiến hành thực hiện một thay đổi trong hoàn cảnh của mình. Giải pháp được bà chọn không phải là một giải pháp mà Anita đã từng mường tượng ra – song đó cũng là một giải pháp đã thực sự giúp bà vơi nhẹ bớt căng thẳng.

Xét về phần Anita, sự thay đổi mà chị thực hiện không duy chỉ là sách lược chuyển qua nói về mình mà thôi. Sự thay đổi ấy còn có một tầm mức sâu xa hơn nhiều, vì nó phát xuất từ ý thức rằng chúng ta không thể biết chắc điều gì sẽ là điều tốt nhất cho người khác – ta không thể biết chắc họ có thể chịu đựng gì và không thể chịu đựng gì, họ cần phải làm gì, làm khi nào, và tại sao. Những câu hỏi ấy về chính bản thân mình, cũng không hẳn dễ trả lời lắm – huống chi!

Phần gay cấn nhất

Trong trường hợp của Anita, việc chia sẻ những mối băn khoăn rối rắm của mình cho người mẹ mà chị đang đổ dồn quan tâm lo lắng là một thách đố có thể tương đối dễ vượt qua, bởi vì giữa chị và mẹ chị vốn có một mối quan hệ thoải mái và cởi mở trước khi cơn khủng hoảng ập đến do sự cố xảy ra cho sức khỏe của bà ngoại. Vì vậy, một chiều thu ngồi bên mẹ trên băng ghế đá công viên, Anita đã bắt đầu bộc bạch với bà Helen những dao động trong lòng chị trước các biến cố vừa qua. Hai mẹ con san sẻ cho nhau về những phản ứng của mình đối với tình hình sức khỏe nguy ngập của bà ngoại – và cả hai cùng khóc với nhau. Việc chia sẻ cảm nghĩ này hoàn toàn đối nghịch với thái độ bộc trực nông nổi, một thái độ vốn xuất phát từ tâm trạng bối rối âu lo. Anita cũng thẳng thắn hỏi mẹ rằng phải chăng khi về già bà cũng kỳ vọng nơi con cái kiểu săn sóc tương tự mà bà đang làm cho bà ngoại. Nỗi âu lo của Anita được giải tỏa rất nhiều khi chị và mẹ chị nói với nhau một cách cởi mở về vấn đề này; Anita không còn phải bềnh bồng trong những tưởng tượng và ám ảnh do chính mình tạo ra nữa.

Nói chuyện như vậy có dễ không? Không. Nhưng việc đó đối với Anita chắc hẳn dễ hơn nhiều so với nhiều người trong chúng ta – vì cái dạng thức quan hệ bế tắc đã đẩy chị đến với tâm lý trị liệu ấy chỉ là một phản ứng mạnh trước tình hình bấn loạn tâm cảm do sự cố về sức khỏe của bà ngoại gây ra. Trước khi xảy ra khủng hoảng này, giữa chị và mẹ chị vốn có một mối quan hệ trưởng thành và đầy uyển chuyển trong đó mỗi người đều giữ được một bản ngã rất độc lập cho mình. Nghĩa là người này có khả năng lắng nghe các vấn đề của người kia – một cách điềm nhiên vô tư – chứ không hăm hở sấn vào điều chỉnh này nọ, cũng không quá bực bội về những khác biệt. Họ có thể đưa ra lời khuyên hoặc nêu ý kiến – khi thích hợp – nhưng người này cũng biết qui chiếu đến những khả năng riêng của người kia khi tìm giải pháp cho các vấn đề của đương sự. Họ có thể phát biểu lập trường của mình về bất cứ vấn đề gì, đồng thời vẫn tôn trọng cách nhìn của nhau. Điều này làm cho tiến trình thay đổi dễ diễn ra hết sức có thể. Thực ra, theo cảm nhận của Anita, tiến trình ấy không hề dễ dàng lắm.

Vào những lúc đặc biệt căng thẳng, ai trong chúng ta cũng dễ sa vào thế tập chú đến kẻ khác. Quá trình này có thể chỉ là một phản ứng nhất thời và giới hạn thôi – như trong trường hợp của Anita, song nó cũng có thể chuyển thành một thế đối cực nảy lửa giữa hai thái độ thái quá và bất cập – như trong câu chuyện của gia đình Kristen. Hoặc chúng ta có thể nằm đâu đó giữa sự quyết liệt nhất thời và sự trường kỳ cố thủ, giữa “tình trạng bế tắc loại nhẹ” và thế đối đầu khư khư cứng nhắc.

Trong gia đình bố mẹ tôi, chị Susan và tôi đã rơi vào thế đối cực giữa thái quá và bất cập gắn liền với một vấn đề sinh tử. Không đáng ngạc nhiên khi hôm nay – tức ba mươi năm sau biến cố ấy – chúng tôi dễ dàng quay lại cách hành động cũ mà không cần phải có nhiều phiền não lắm để thúc đẩy mình. Cả hai chúng tôi đã đi một chặng đường dài để nhận hiểu và điều chỉnh phần mình trong mô hình quan hệ ấy, nhưng tôi cho rằng nó vẫn cứ còn là một thách đố hoài. Ví như nỗi bấn loạn hồi ấy trong gia đình tôi đã tăng cao hơn nữa và kéo dài lâu hơn nữa – và nếu như gia đình chúng tôi đã có ít tiềm năng tâm lực hơn để xử lý cơn phiền não ấy – thì thách đố đối với chúng tôi bây giờ chắc hẳn sẽ còn lớn hơn nhiều.

Tất nhiên tôi cũng có đặc điểm rõ ràng hành xử thái quá trong một số lãnh vực, cũng như chị Susan cũng có những phương diện bất cập đáng kể. Mặc dù mỗi người chúng ta đều có một phong cách hành động đặc thù nổi bật nào đó, chúng ta vẫn xử lý phiền não bằng những cách khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh hay sự kiện, tùy thuộc vào những mối quan hệ cụ thể và những vấn đề nhất định. Chẳng hạn, một phụ nữ có thể hành xử tích cực thái quá ở sở làm song lại là người bất cập trong đời sống hôn nhân. Hoặc chị ta có thể là người luôn luôn lảng tránh đối với bố mình song lại là người kiên trì đeo đuổi những người đàn ông trong đời sống tình cảm của chị. Không hề là “mâu thuẫn” chút nào, kinh nghiệm của chị tôi với David (chương 4) minh họa rằng sự lảng tránh của một phụ nữ đối với bố mình (hay nói rõ hơn, những vướng mắc không được đề cập đến và những nỗi bức xúc được xử lý bằng cách lảng xa) có thể là cái làm dậy lên sự rối rắm (được xử lý bằng thái độ đeo đuổi) trong những mối tương quan mật thiết khác.

Lo âu vẫn là ý niệm chủ chốt để hiểu mức độ bế tắc mà các mối quan hệ của ta bị lún vào, để hiểu mình (và người khác) phản kháng thế nào đối với việc thay đổi, và để hiểu mức độ thay đổi nào thì có thể chấp nhận được trong thực tế. Chúng ta đã biết cách thế mà một nỗi lo âu có thể đẩy ta vào những vị thế đối cực trong các mối quan hệ, gây ách tắc những sự liên lạc hữu ích cũng như chặn đứng việc giải quyết vấn đề, và phong tỏa mọi con đường dẫn đến sự mật thiết. Âu lo tấn công ta từ mọi hướng, nó được truyền xuống theo chiều dọc từ thế hệ này sang thế hệ khác – và theo chiều ngang khi chúng ta trải qua các biến cố trong đời sống gia đình hoặc những giai đoạn đầy sóng gió. Như mẩu ví dụ tiếp sau đây sẽ minh họa, một chuyện đặc biệt nào đó có thể tự nó hàm chứa nhiều âu lo đến nỗi ta khó mà thảo luận một cách công khai và nghiêm túc được. Nếu một chủ đề nào đó quá nóng hổi không thể xử lý được, chúng ta dễ chọn thái độ thinh lặng và đành bỏ mất mối tương giao đích thực – hoặc chúng ta có thể cảm thấy như mình phải chọn lựa giữa hai đàng: hoặc đánh mất một mối quan hệ hoặc đánh mất bản ngã mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.