Vượt Qua Thử Thách Đầu Đời

SỰ RA ĐỜI CỦA “CHICKEN SOUP FOR THE SOUL”



Trong những buổi diễn thuyết của mình, Jack Canfield và Mark Victor Hansen thường tiếp cận với thính giả bằng những câu chuyện có thật, xúc động và ý nghĩa, có tác dụng động viên tinh thần, giúp mọi người có thể cảm nhận sâu sắc được những ý tưởng và tinh thần của buổi nói chuyện.
Sau những lần như vậy, thính giả ở khắp mọi nơi mong muốn được đọc và lưu giữ những câu chuyện thú vị ấy. Một số người đề nghị Jack và Mark tập hợp những câu chuyện thành một quyển sách. Đến năm 1990, họ mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng này. Nhưng việc chuyển những câu chuyện kể thành một quyển sách không đơn giản như họ từng nghĩ. Hai người gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình biên tập các bài viết. Sau 3 năm làm việc miệt mài, cả hai chỉ mới tổng hợp được 68 câu chuyện, còn quá ít so với con số 101 câu chuyện – con số mà họ tin là sẽ tạo nên dấu ấn cho sự thành công của một quyển sách.
Jack và Mark quyết định tìm đến các nhà diễn thuyết khác để thu thập thêm câu chuyện bổ sung vào quyển sách. Cách này giúp cả hai đã có được nhiều câu chuyện hay và cảm động từ những con người bình thường nhưng có thể vượt lên làm được điều phi thường.
Một lần nữa, Jack và Mark tiếp tục nhờ 40 nhà diễn thuyết chuyên nghiệp khác đọc và thẩm định từng câu chuyện, và cho thang điểm từ 1 đến 10 về tính chân thực, gây xúc động và có giá trị động viên tinh thần. Sau cùng, 101 câu chuyện có điểm cao nhất đã được tuyển chọn.
Thế nhưng quyển sách này vẫn chưa có tên. Cả hai sớm nhận thấy rằng chính tên quyển sách góp phần rất lớn vào sự thu hút bạn đọc. Jack nhớ lại những lần bị ốm, ông thường được ăn xúp gà do mẹ nấu. Mẹ Jack nói loại xúp này có thể giúp phục hồi sức khỏe cho những người đang đau yếu. Một ý tưởng bừng sáng trong Jack. Quyển sách này cũng có tác dụng chữa lành những bệnh, không phải cho cơ thể như xúp gà đơn thuần mà cho tâm hồn con người. Tên sách “Chicken Soup for the Soul” ra đời từ đó và nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.