Ý Cao Tình Đẹp
BẬC VĨ NHÂN NHẤT THẾ GIỚI
Tôi để cho các học sinh của tôi vô lớp và lặng lẽ ngồi xuống, trước mặt tôi, em nào vào chỗ nấy. Tôi bắt các em ngồi im một lát như vậy, và ngó lén các em, thích thú về cái uy tín của tôi lắm. Còn chúng thì đã bắt đầu ngài ngại rồi. Chúng đã đoán được hôm nay tôi tính “trác” chúng cái gì chăng?
Khi đã áp chế được chúng rồi, tôi mới bảo:
– Lấy một tờ giấy ra!
Chúng nhao nhao lên phản đối:
– Thưa thầy đừng! Để hôm khác, thầy. Tôi yêu chúng lắm, như bầy con của tôi!
Tôi yêu cái tánh hay phản đối, ranh mãnh, dại dột, làm biếng của chúng. Tôi yêu em Kobert mập lù kia, cứ ba ngày thì hai ngày quên không mang sách; tôi yêu em Annette nhỏ xíu không lần nào nộp một bài mà không có vết mực; yêu em Herve nữa không làm sao nhớ được những lỗi chánh tả dễ dàng nhất; và em Philippe nữa mà không có sức mạnh nào trên đời này có thể ngăn em viết leo ra ngoài lề được. Tôi yêu hết thảy các em và các em biết như vậy lắm. Đã nhiều lần tôi suýt mềm lòng, chiều các em năn nỉ, đòi cái này cái nọ!
– Nào mau lên chứ! Chép đầu đề tác văn.
Thấy các em vội vàng lấy giấy, tôi hiểu rằng lúc này, các em ngại tôi ra bài ám tả. Có vài em càu nhàu đấy, nhưng rồi giấy trắng, giấy chặm và viết máy đã hiện đủ trên mặt bàn. Rồi hết thảy đều ngước mắt nhìn tôi, và trong cặp mắt chúng, tôi chỉ thấy vẻ lo ngại, đợi đầu đề.
Tôi sẽ bỏ suốt ngày chủ nhật tới để chấm bài tụi con nít này đây, còn chúng thì chúng sẽ chỉ bỏ ra một phút để phê phán tôi tùy đầu đề tôi sắp ra. Tôi hồi hộp lo ngại cũng gần như chúng:
– Trò phục vĩ nhân nào nhất, bất kỳ vĩ nhân trong lịch sử, trong thời này hoặc trong truyền thuyết. Cho biết tại sao lựa vĩ nhân đó.
Bao nhiêu cái đầu cúi xuống đều ngửng lên cả. Hầu hết đều toét miệng cười, chắc chắn chúng sẽ chăm chú làm bài. Chúng thích đầu đề đó, và tôi khoái lắm: – trong thâm tâm chúng, thế nào chúng chẳng phê cho tôi một điểm tốt.
– Thôi bây giờ làm bài đi… Hễ chuông đổ là thầy thu bài đấy…
Chúng lại cúi đầu xuống. Có em ngậm đầu một cây viết chì, có em vẽ nguệch ngoạc lên giấy để suy nghĩ, rán nhớ lại những danh nhân đã được biết. Rồi bỗng có mấy em đưa ngón tay lên xin hỏi:
– Thưa thầy, con lựa Chúa Kitô được không ạ?
A! Có biết bao ý nghĩ kỳ dị trong đầu óc những em nhỏ đó! Mà chúng làm cho mình nhiều khi lúng túng chứ, chịu chúng thật!
– Ờ… được chứ, dĩ nhiên. Nhưng thầy ngại rằng lựa vĩ nhân đó, con sẽ khó viết đấy…
– Thưa thầy, bà Jeanne D’Arc phải là một vĩ nhân không ạ?
– Thưa thầy, lựa một con vật nổi danh, có được không ạ?…
Tôi đành để cho mỗi em tự lãnh lấy trách nhiệm và bảo chúng thôi đừng hỏi nữa, làm bài đi. Một lát sau, viết chì và viết mực bắt đầu đưa tít trên giấy và trong cảnh im lặng của lớp học, chỉ thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng vò một bản nháp hoặc tiếng một cây thước kẻ rớt xuống sàn.
Nhưng tôi nhận ngay ra rằng trong khi các em khác đã viết hết hàng này tới hàng khác thì em Benoit Trévol vẫn để tờ giấy trắng. Em có vẻ do dự lung. Em rất siêng năng. Không phải là hạng giỏi nhất trong lớp nhưng nhiều lần thấy em chuyên cần mà tôi cảm động. Có ý tứ, và thiện chí thì tôi chắc là không em nào bằng. Đầu đề như vậy mà em có vẻ lúng túng, hoang mang, thì nhất định là có lý do gì quan trọng đây. Thấy em ngơ ngác ngó tôi, tôi ra dấu bảo em lên. Em đứng dậy, rón rén đi qua lớp học rồi bước lên bục, lại sát ghế của tôi. Em đăm đăm ngó tôi, muốn nói mà vẫn còn do dự.
Tôi nói nho nhỏ để em dễ kể nỗi lòng:
– Sao Benoit, tại sao con không làm bài? Có cái gì khó khăn không?
Em thu hết can đảm lại, mặt đỏ bừng, đỏ hơn chiếc áo lạnh em bận nữa, ghé sát tai tôi, hỏi:
– Thưa thầy, con có thể lựa ba con được không?
Nghề giáo viên quèn của chúng tôi chẳng có danh vọng gì mà gần như vô vọng nữa. Nhưng có lúc chúng tôi được hưởng những niềm vui thầm kín, nhờ vậy mà quên được hết thảy mọi nỗi chán nản: một em nhỏ mười tuổi, nhón chân lên, tin cậy mình, thì thầm hỏi mình có quyền được nhắc tới ba của em không, cái đó đủ an ủi mười năm âm thầm tận tụy với nghề rồi! Thử hỏi trên đời này, có ông lớn nào, có bậc thiên tài nào, bậc vua chúa nào được nhận bảo vật đó không: những ánh sáng đầu tiên lóe trong óc một em nhỏ, sự nảy nở của một tình cảm mới mẻ! Tôi cảm động vô cùng, và phải gắng bình tĩnh lắm mới khỏi để lộ cho em thấy:
– Con tin rằng ba con thực là một vĩ nhân sao?
Benoit thốt lên, giọng tràn trề quyết tín:
– Dạ!
– Vậy thì làm bài mau lên và coi chừng chánh tả đấy nhé!
Một lát sau, ngọn bút của Benoit cũng đưa lia lịa trên giấy như chúng bạn. Lưỡi thè ra, em chăm chú làm bài cho tới hết giờ.
Trong thị trấn nhỏ này, ai cũng biết rõ ông Trévol, thân phụ của em, nhưng chắc chắn là danh vọng của ông không bao giờ vượt ra khỏi quận. Vừa xúc động, vừa ngài ngại nữa, tôi thắc mắc tự hỏi không hiểu ông có cái gì mà con trai ông coi ông là bậc vĩ nhân. Ông trạc tứ tuần, chẳng có nét nào giống Tyrone Power hay Frenandel [*].
Từ khi lại ở thị trấn này, ông làm kỹ sư trong một hãng thuộc da nhỏ ở ngoại ô. Theo tôi biết thì chức vụ của ông trong hãng chẳng có gì quan trọng đặc biệt, và ngày nào ông cũng đi xe điện lại hãng như hầu hết các nhân viên khác. Ông ở tầng dưới một biệt thự có đủ tiện nghi, nhưng chẳng có gì sang trọng, cùng với vợ và hai đứa con. Thỉnh thoảng bà Trévol và nhà tôi gặp nhau ở ngoài phố hoặc ở chợ. Cũng như các bà nội trợ khác, họ hỏi nhau ít câu về giá cải hoa hoặc bơ nhập cảng. Chính tôi cũng đôi khi trò chuyện với ông Trévol. Ông hỏi thăm tôi về sự học, khả năng, sự gắng sức của Benoit. Tôi khen em, nên ông và tôi tử tế với nhau, buổi chiều thứ bảy, ở trong rạp chiếu bóng ra, hễ thấy nhau là nhã nhặn chào nhau. Tôi không nghe ai nói rằng ông có làm chính trị, các công tác xã hội, hoặc ở trong một đoàn văn nghệ, thể thao nào cả. Cũng như mọi người, ông bị động viên năm 1939, nhưng được làm ở lại hãng vì hãng ông cung cấp cho quân đội. Hồi bị quân địch chiếm đóng, ông không hợp tác với địch mà cũng không gia nhập kháng chiến. Ông quả là một người lương thiện, dễ thương, nhưng nói cho ngay, tôi chẳng thấy ông có một chút xíu gì là “vĩ nhân”, hiểu theo cái nghĩa tầm thường nhất của tiếng này. Tôi mong được con trai ông phát giác cho tôi biết cái phong độ vĩ nhân của ông ra sao.
Vì vậy buổi tối hôm đó về nhà, tôi vội vàng lật xấp bài tác văn để tìm bài của Benoit Trévol. Tôi coi sơ sơ các bài khác để xem học sinh của tôi đã lựa những vĩ nhân nào. Vercingetorix, Mermoz, Robin des Bois, Tarzan, Lyautey, Charlot, De Gaulle được nhiều em lựa hơn cả. Tôi nhận thấy có một bài viết về Staline, một bài viết về Thánh Francois ở Assise. Bài của em Annette lại bị lem một vết mực bự, còn Philippe thì cũng lại viết leo ra ngoài lề nữa. Sau cùng tôi gặp được bài của Benoit, và tôi đọc liền, thích thú lạ lùng. Bài đó như sau:
“Vĩ nhân bậc nhất thế giới mà con được biết, mà con ngưỡng mộ nhất là ba con. Ai cũng biết ba con. Chủ nhật khi gia đình chúng con dạo mát trong công viên, mọi người luôn luôn chào: “Chào ông Trévol”. Và con lấy làm hãnh diện. Ba con nắm tay con. Ba can đảm. Buổi tối, tới giờ đi ngủ, ba ra ngoài khép cửa rào lại. Ba không bao giờ biết sợ. Ba cũng rất mạnh nữa: có khi ba bồng má trong tay mà leo cầu thang. Ba cũng rất thông thái. Con thấy cái gì ba cũng biết, biết cả tên các ngôi sao, cũng biết các động cơ chạy ra sao nữa. Hôm nọ máy may gãy, ba đã sửa lại. Ba cũng biết trồng bông trong vườn nữa, và tới mùa xuân, bông nở. Ở hãng, ba chế tạo thứ da tốt nhất thế giới. Vậy mà không bao giờ ba khoe cả: ba không diễn thuyết trong ra-dô, không đăng hình mình lên báo như những người khác. Nhưng chắc chắn là không có bậc vĩ nhân nào hơn ba, cả ở Paris hay ở Mỹ cũng không có.
Có vài ba lỗi chánh tả nhẹ. Nhưng bài đáng được 18 điểm trên 20. Tuần đó, Benoit Trévol đứng đầu sổ. Dĩ nhiên, bài của em, chỉ hai thầy trò chúng tôi biết với nhau thôi.
Maurice Pons
_____
[*] Những nhân vật nổi danh trên màn ảnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.