Ý Cao Tình Đẹp

MỘT EM NHỎ ĐÁNG LÀM GƯƠNG CHO NGƯỜI LỚN HỌC TẬP



Tôi được biết em Larry hồi tôi dạy học ở một trường ngoại ô Minneapolis. Mới tựu trường được mấy bữa, chiều hôm đó tôi ngồi lại trong lớp khi trẻ đã về hết; lớp học suốt buổi ồn ào như chợ, lúc đó tĩnh mịch một cách không tưởng tượng được. Tôi bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Rồi một thiếu phụ duyên dáng hiện ra ở bực cửa, rụt rè nói với tôi:

– Ông hiệu trưởng khuyên tôi lại kiếm cô. Ông có báo trước cho tôi biết rằng lớp II của cô đông, cô bận rộn lắm, nên tôi không lại thăm cô ngay từ buổi đầu. Tôi nghĩ nên đợi ít bữa cho cô có thì giờ tổ chức lớp học đã.

Bà ta ngắm nghía những bàn đánh bóng loáng, những chiếc ghế dựa xinh xinh, những cuốn sách bìa dày màu rực rỡ, những hình vẽ của các em treo ở tường, có vẻ thèm thuồng lắm, nói nho nhỏ:
– Ước gì cháu Larry được đi học.

– Larry nào?

– Cháu trai của tôi. Cháu đủ tuổi rồi. Từ tháng sáu vừa rồi, cháu được sáu tuổi. Nhưng cháu đi không được mà tay cử động cũng vụng về. Cháu mới vừa biết nói. Nhưng cháu có thể bò mà lết đi được. Tóm lại, mặc dầu cháu bị bệnh tê liệt giật giật, cháu cũng có thể làm được nhiều chuyện.

Bỗng bà ta nhìn thẳng vào mặt tôi, vẻ chăm chú tuyệt vọng:
– Ông hiệu trưởng bảo để tùy cô quyết định. Tôi sẽ gắng hết sức để cho công việc của cô được dễ dàng. Giờ ra chơi, tôi sẽ lại đây đưa cháu đi cầu và dắt cháu ra sân chơi. Tới trưa, tôi sẽ lại cho cháu ăn. Đi đâu tôi cũng dắt cháu theo, tôi đặt cháu ngồi vào chiếc xe nhỏ của cháu. Cháu suốt ngày ngồi một mình, ít có cơ hội gặp các trẻ khác, mà cháu thích có bạn, yêu bạn lắm!

Tôi rất bực mình nghe bà ta biện hộ cho con như vậy để xin một chỗ học. Tôi bảo bà ta rằng tôi sẽ vui vẻ nhận em Larry, với lại em có quyền đi học như mọi trẻ khác. Không bao giờ tôi quên được vẻ mừng rỡ, ngạc nhiên và hoài nghi của bà ta.

Bà ta ra về rồi, tôi mới sực nhớ rằng tôi đã phải điều khiển một bọn sáu chục em nhỏ nghịch ngợm, phá phách và la hét đinh tai. Mà bây giờ lại còn nhận thêm một em tật nguyền nữa! Nghĩ lại, bắt nó sống trong cái thế giới quỷ sứ này có tội cho nó không ?

Thân mẫu em Larry sáng hôm sau dắt con lại. Nó ngồi trong chiếc xe nhỏ, một hộp bút chì màu, một tập vở và một hộp bút đặt trên đùi. Em nhỏ thật ngộ: mắt lớn màu xanh dương, tóc vàng rủ xuống, bao một khuôn mặt tròn trĩnh. Khi tôi hỏi em, em mỉm cười, má lúm đồng tiền, nhưng rồi nét mặt em lại nghiêm trang, không vui mà không buồn, không chấp nhận mà cũng không từ chối.
Thân mẫu em khoe:
– Cháu ngồi vững lắm rồi.

Tôi gật đầu, Larry y hệt các trẻ khác, chỉ trừ lâu lâu đầu lại giật giật. Thân mẫu em bồng em ra khỏi xe, đặt em ngồi lên một chiếc ghế dựa, trước một cái bàn thấp.
Tôi đề nghị:
– Chúng mình nên để em ngồi một mình như mọi trẻ khác lần đầu tiên tới trường.
Bà ta bằng lòng và bước ra ngoài.
Em Larry ngồi yên, rất ngoan ngoãn, trong khi các trẻ khác lần lượt vô lớp. Cặp mắt em ghi nhận hết thảy. Em chăm chú ngó các bạn cho tới khi tôi phát giấy vẽ và bảo chúng lấy hộp bút chì màu ra.

Tôi đứng bên cạnh em khi mở hộp bút chì màu. Em đương lấy ra một cây thì bỗng cánh tay em giật giật, em không làm chủ được cử động và tất cả các cây viết lăn xuống đất.

Các em khác cười rộ lên, mà người lớn thì cũng vậy khi có một việc gì bất ngờ xảy ra. Em Larry ngồi yên, lúng túng. Em cũng muốn góp vui với các bạn, nhưng ngỡ ngàng, không hiểu tại sao các bạn lại cười như vậy.
Tôi đợi cho các trẻ khác hết cười rồi mới ung dung bảo:
– Việc mới xảy ra không có gì ngộ nghĩnh, bí mật cả.
Tôi giảng vắn tắt cho chúng hiểu bệnh tê liệt giật giật và bảo trước cho chúng biết rằng những chuyện như vậy sẽ còn xảy ra thường. Rồi tôi quay về phía Larry, không kịp suy nghĩ gì cả, bảo em:

– Larry, con phải lượm bút chì lên chứ. Larry trườn xuống, té sóng soài trên đất, rồi bíu lấy chân bàn, em quì lên được. Em lượm được một cây viết, cẩn thẩn đặt lên bàn. Rồi em bò tới kiếm một cây khác, vừa mới chụp được thì nó lăn ra xa. Em bò tới, đuổi theo, chụp được nó nữa và trở lại bàn.

Em tiếp tục lượm như vậy, một cách chậm chạp, khó nhọc, không ngừng mà cũng không ngước mắt lên. Mấy lần, cứ đưa tay ra chụp thì viết chì lại lăn đi, em lại đuổi theo, khó nhọc và siêng năng chuyên tâm vô cùng. Lượm hết rồi, em bò trở về chỗ, bíu lấy chân bàn, leo lên rồi ngồi phịch xuống ghế. Lúc đó em mới nhìn tôi, khẽ mỉm cười thích thú.

Lúc đó tôi mới bỗng nhận thấy rằng bọn trẻ bao vây chúng tôi và đứng ngó cảnh đó, hoàn toàn kinh ngạc. Nét mặt tôi chắc cũng kinh ngạc như nét mặt chúng. Chúng tôi đều thán phục em Larry, thật là một nhân cách cao, có tính cương cường làm những việc khó khăn nhất mà không khi nào chịu nhờ người khác tiếp tay với mình cho việc được dễ dàng.

Tới giờ ra chơi, tôi ra lệnh cho các em xếp hàng. Larry không do dự, trườn xuống đất bò ra cửa. Gom hết sinh lực, em bám chặt vào chân các bàn, lết tới bằng đầu gối, thân mình thẳng thắn. Thân mẫu em đứng đợi ở cửa lớp với chiếc xe. Tất cả các em khác đòi được đẩy xe. Từ đó, em nào được đẩy xe thì mừng rỡ như được một đặc ân.

Sau buổi học đầu tiên đó, tôi biết rằng em Larry có một nghị lực phi thường, không gì lay chuyển nổi. Bất kỳ làm công việc gì em cũng theo cái lối lượm bút chì đó. Khi em viết hoặc vẽ, cánh tay em giật giật, run run, có lúc cây bút chì chạy vọt ra ngoài trang giấy thành một nét bậy bạ, nhưng em vẫn kiên nhẫn. Larry vẽ hình những em bé, nét run run, nhưng không bỏ dở.

Tới lúc tập đọc, em trườn xuống đất, lết tới phía trước lớp học. Em chú ý lắm, hết sức đọc cho trúng. Em nói được nhưng rất khó khăn, cơ thể em phải chiến đấu dữ dội mới phát ra được một tiếng. Cánh tay, vai em run bần bật, mặt em đỏ tía lên, trán nhớp mồ hôi. Nhưng em vui vẻ, theo các bài tập đọc, tràn trề hi vọng. Chiến đấu cực khổ bao nhiêu, em không nề hà, em chỉ nghĩ tới công việc em đương làm thôi.
Và tôi hiểu thêm ngay rằng lòng ham sống của em cũng mãnh liệt không kém nghị lực của em. Ở trong lớp cũng như ở ngoài sân, em không bỏ qua một cơ hội nào cả. Các trẻ khác bày các trò chơi để em có thể dự được và em luôn luôn vui vẻ dự. Nếu một trò chơi nào mạnh quá, em không dự được thì ngồi một chỗ mà ngó, nhưng ít khi em ngồi một mình vì thường có bạn lại bên cạnh, bảo:
– Tôi lại ngồi với Larry cho Larry có bạn.
Các bạn em giúp đỡ em trong việc học, tự cho là được một đặc ân khi đuổi theo chụp một cây viết chì hoặc lượm một vật gì khác đem lại trả em. Larry không than thân, mà cũng không bao giờ tỏ vẻ lúng túng khi có người giúp đỡ. Dĩ nhiên em không bao giờ ngờ rằng chính em, em cũng giúp lại được cho các bạn. Nhờ có em mà các bạn em tập chia sẻ gánh nặng của người khác, đó là một kinh nghiệm làm cho tâm hồn các em phong phú lên.

Mùa xuân năm sau tôi phải rời thị trấn và trước khi đi, tôi lại thăm Larry tại nhà. Tôi thấy em đương đi đi lại lại giữa hai thanh ngang (để tập thể thao) mà thân phụ em dựng cho em. Em đưa tay chào tôi. Thân mẫu em bảo tôi:

– Cháu đã bắt đầu tập dùng nạng, cô biết tính cháu cương quyết lắm.
Phải, tôi biết rõ tính Larry rồi. Nếu có thể đi được thì em sẽ rán đi cho được; nếu không được thì em cũng không buồn. Không khi nào em ngừng lại để tự hỏi xem công việc có khó nhọc hay không, không bao giờ em do dự, suy tính hoài về công việc em phải làm, em chỉ nghĩ tới một điều là hoạt động.

Rồi sao em Larry sẽ ra sao? Em lên trung học và học giỏi. Em đã chống nạng mà đi lại khắp nơi được. Nhờ nghị lực, em vượt được mọi khó khăn mà bây giờ nói được như mọi người. Thật là một thiếu niên thông minh, quả quyết, hăng hái. Ngay từ hồi nhỏ đã vậy.

Virginia Gordon


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.